Friday, March 25, 2011

NÊN NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG NHƯ THẾ NÀO [1 & 2] ? (RFA)


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-03-24

Vấn đề nghiên cứu Biển Đông và các quần đảo luôn là mối quan tâm của những học giả đã và đang trực tiếp tham gia vào công việc rất vất vả này.
Trong loạt bài nhằm tìm hiểu việc nghiên cứu được xúc tiến như thế nào trong đó có những khía cạnh được xem là thế mạnh của Việt Nam và ngược lại thì điều gì giới nghiên cứu lo âu nhất? Bên cạnh đó cái nhìn của học giới Việt Nam đối với các công trình của chuyên gia Trung Quốc có đáng quan tâm hay không và học giả Việt Nam rút ra được điều gì trước các nghiên cứu của họ. Bài đầu tiên chúng tôi dành cho nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nói về nhận xét của ông trước những phương cách mà học giới Trung Quốc tiếp cận. Bài được Mặc Lâm thực hiện sau đây.

Nghiên cứu sự phát triển và kết nối

Mặc Lâm: Là người chuyên nghiên cứu về các dữ liệu lịch sử thuộc Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông có nhận xét thế nào về những công trình của học giới Trung Quốc khi họ phát triển và kết nối những kết quả nghiên cứu của họ nhằm chứng thực cho thế giới thấy sự đồng bộ của các kết quả mà họ có được?
Phạm Hoàng Quân: “Một cách tổng quan theo như các thư mục tôi nghiên cứu thì tôi thấy họ phát triển đồng bộ ở cấp trung ương còn nghiên cứu thì ở cấp cơ sở rồi họ phối hợp lại với nhau. Kế đến, những khoa nghiên cứu về Nam Hải của những trường đại học lớn như Hạ Môn, Hồng Kông thì họ có khoa nghiên cứu Địa lý Hải dương và do đó họ nghiên cứu đồng loạt.
Ngoài những nghiên cứu về khoa học tự nhiên, ba mảng nghiên cứu về lịch sử địa lý và chủ quyền được gắn kết rất chặt chẽ. Họ nghiên cứu cùng lúc tuy có khi chồng lấn nhau nhưng họ nối được ba điểm về lịch sử, về hiện trạng địa lý và về chủ quyền.
Những công trình nghiên cứu khi ra đời thì gắn kết được ba yếu tố đó. Lịch sử là cái quan trọng nhất để họ dựa vào đó làm nền cho hai vấn đề còn lại. Thí dụ về địa lý tự nhiên thì họ phải nghiên cứu bằng kỹ thuật và phương pháp hiện đại nhưng về lịch sử thì họ buộc phải dùng tài liệu cũ.”

Mặc Lâm: Theo ông thì cách nghiên cứu và sử dụng tài liệu lịch sử của học giới Trung Quốc có những điểm gì không được nhất quán hay không? Vì với một đội ngũ hùng hậu như vậy mà không được tập trung vào một ban chuyên môn thì có thể dẫn đến tình trạng dẫm chân lên nhau.
Phạm Hoàng Quân: “Thường thường nhiều quá nó cũng rối. Kho tư liệu sử của Trung Quốc quá nhiều nên có những chỗ nghiên cứu mâu thuẫn nhau. Chính những điểm đó nó làm cho mình thấy cái không gian nghiên cứu nó rộng đều của các vùng như vậy và mình cũng thấy họ làm việc bài bản nhưng đôi khi cũng bị mâu thuẫn. Chẳng hạn như ý kiến của học giả này khác ý kiến học giả khác. Rồi công trình này xung đột với công trình kia đó là những điểm mà mình có thể rút kinh nghiệm.”

Mặc Lâm: Phải công bằng mà nói, tuy họ gặp những khuyết điểm như vậy nhưng so với Việt Nam của chúng ta thì hình như họ vẫn hơn rất nhiều. Nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông Việt Nam vẫn cho rằng họ gặp quá nhiều trở ngại…
Phạm Hoàng Quân: “Chuyện tình hình hiện tại mình cho rằng tình hình nghiên cứu của mình không được bài bản không chuyên sâu như họ là cách nói để cho xã hội có một cái nhìn, mọi ngành mọi giới hoặc cá nhân để tự người ta hoạt động hay nghiên cứu về một mảng nào đó. Chẳng hạn như ở Trung Quốc có hai ba ông, thí dụ như Lưu Nam Nguy chỉ nghiên cứu chuyên về địa danh. Ông ta in ra mấy cuốn sách chuyên sâu về địa danh các đảo ở trên các quần đảo, đảo nhỏ lẻ. Tức là họ tìm cách gắn kết những địa danh từ đời Hán, đời Tam quốc cho nó chuyển dần dần cho tới Tống Nguyên, tới đời Thanh cuối cùng thì họ cho ra, mặc dù tên khác nhau nhưng thực chất nó dùng để chỉ một nơi, đó là một hướng nghiên cứu.”

Mặc Lâm: Ông có thể giải thích thêm về việc nghiên cứu một cái tên thì nó có liên quan gì đến việc chứng minh chủ quyền của một vùng đất?
Phạm Hoàng Quân: “Thật ra nó cũng là một nhánh nghiên cứu lịch sử nhưng nó cũng quan trọng. Tại vì việc định danh rất quan trọng. Khi người ta nói cái vật này thuộc về đời Tống có tên là Vạn lý Thạch Đường chẳng hạn, nhưng tới đời Thanh thì nó chuyển thành tên khác, Vạn lý Trường Sa chẳng hạn. Dựa vào đó họ sẽ chứng minh được, mặc dù họ bóp méo tư liệu để họ chứng minh. Đó là một nơi diễn biến tên gọi.
Cái khuyết điểm của các công trình học giới Trung Quốc là tất cả những cái tên được ghi chép trong sách vở cũ nhưng đến đời Dân quốc không sử dụng nối tiếp mà chuyển lại sử dụng một hệ thống địa danh khác. Đối với một nước rất là say mê lịch sử như Trung Quốc thì đó là một điểm cần đặt nghi vấn.”

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Mặc Lâm: So với những công trình chuyên sâu như học giới Trung Quốc đang theo đuổi như vậy thì Việt Nam rút ra được kinh nghiệm gì thưa ông?
Phạm Hoàng Quân: “Từ những nghiên cứu của học giới Trung Quốc mình có thể rút ra những gì cần để mình nghiên cứu tiếp. Tức là không nên bi quan là Việt Nam thiếu công trình nghiên cứu. Có khi người ta làm chậm mà rút được nhiều kinh nghiệm do tham khảo những cái của học giới Trung Quốc để mình làm cho khoa học hơn hoặc mình có những cái phản biện chính xác hơn.
Nói chung những điểm cần ở diện rộng, cần ở những cấp độ để phổ cập cho nhiều giới thì cũng cần thiết nhưng những công trình nghiên cứu sâu thì từ từ cũng sẽ có chứ không phải là không có.”

Mặc Lâm: Xin ông cho biết tại sao lại chọn hướng nghiên cứu chuyên sâu về tư liệu lịch sử của Trung Quốc, có phải xuất phát từ nhận thức mà học giới Trung Quốc chọn từng ngành một như ông vừa nói hay có những nguyên do nào khác?
Phạm Hoàng Quân: “Tôi chọn nghiên cứ mảng sử liệu của Trung Quốc vì mảng sử liệu tại Việt Nam thì tôi thấy nhiều bậc đàn anh đã nghiên cứu rồi. Tôi cảm thấy cái mảng Trung Quốc đang thiếu người thành ra tôi chọn mảng đó.
Cái khó nhất là sưu tầm tài liệu. Những tư liệu Trung Quốc họ viện dẫn trong những bài ngiên cứu thì thường thường họ có rất nhiều sách họ chưa xuất bản lại tức còn ở dạng những bản in rất ít, chỉ lưu tại những thư viện lớn của Trung Quốc. Khó nhất là mình không thể kiểm tra những trích dẫn của những học giả này có chính xác hay không.
Thí dụ như mình cần phản biện để xem những lời họ dẫn như vậy có chính xác không và đúng với sách cổ hay chưa chứ không thể cứ dựa vào những lời trích dẫn đó mà tranh biện.
Việc trước mắt là phải kiểm tra lời dẫn có đúng hay không bởi vì có trường hợp tôi tìm được sách cổ từ thư viện của Nhật và khi so lại thì tôi thấy họ dẫn không đúng. Thành ra để mà có những thực chứng thì mình rất khó kiểm chứng trên một số tài liệu mà học giả Trung Quốc dẫn, đó là cái khó nhất trong việc nghiên cứu của tôi.”

Mặc Lâm: Đối với những tài liệu mà ông không thể tìm được để phản biện thì ông giải quyết ra sao?
Phạm Hoàng Quân: “Trong những cái mà khả năng tôi tìm được thì làm việc Rất tốt, còn những chỗ không tìm được thì phải chờ đợi hay tìm các hướng tiếp cận khác.
Việc mình đọc một bài nghiên cứu của học giới Trung Quốc mình biết được hệ thống lập luận của họ đúng thì mình muốn xem xét một cách chi tiết, hay hiểu rộng hơn những điều họ nói thì buộc mình phải tìm những tài liệu mà họ căn cứ vào khi viết bài đó.
Mình phải tham khảo. Giống như trong học thuật thì anh và tôi cùng tham khảo một nguồn tài liệu mà kết quả lại khác nhau. Đó là cái khó cho những người nghiên cứu tư nhân như tôi khi cần tìm tài liệu trong những thư viện công của Trung Quốc.”

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với nhà nghiên cứu tài liệu lịch sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân. Trong bài kế tiếp mời quý vị theo dõi ý kiến của nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói về những khó khăn cũng như thuận lợi của giới học thuật Việt Nam so với các chuyên gia Trung Quốc khác nhau như thế nào mời quý vị đón theo dõi.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved
.
.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-03-25

Trong bài trước chúng tôi đã mời chuyên gia Phạm Hoàng Quân phân tích cách nghiên cứu của giới học thuật Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông cũng như các quần đảo trong vùng biển này.
Kỳ này mời quý vị theo dõi phần nói chuyện với nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam Đinh Kim Phúc để biết thêm những nỗ lực của học giới Việt nam so với Trung Quốc như thế nào và đồng thời tìm hiểu thêm những trở ngại nào mà giới nghiên cứu Việt Nam xem là khó vượt qua nhất. Bài cũng do Mặc Lâm thực hiện sau đây.

Giai đoạn mới trong việc nghiên cứu Biển Đông

Mặc Lâm: -Thưa ông là người có những nghiên cứu bền bỉ về vấn để Biển Đông và các quần đảo trên biển xin ông cho biết công việc nghiên cứu của ông có những khó khăn hay thuận lợi gì có thể chia sẻ được?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Trong vấn đề nghiên cứu Biển Đông Việt Nam và cụ thể là chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian vừa qua thì chúng tôi thấy có những thuận lợi so với trước đây. Ví dụ như từ sau cuộc tọa đàm Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam do Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình phối hợp vói nhà xuất bản Tri Thức tổ chức trong hai ngày 24 -25 tháng Bảy năm 2009 thì thành công và chất lượng đạt được của cuộc tọa đàm đó nó đã mở ra một giai đoạn mới cho các học giả Việt Nam nghiên cứu Biển Đông và hải đảo Việt Nam.

Mặc Lâm: -Những thành tựu bước đầu này theo ông có sự đóng góp gì của nhà nước hay không?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Tôi thấy nhà nước đã có phần cởi mở hơn và thoải mái hơn ví dụ như sau cuộc tọa đàm của Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình thì Câu lạc bộ cũng đã cho ra một tập sách bao gồm tất cả các bài tham luận trong cuộc tọa đàm đó về chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do nhà xuất bản Tri Thức xuất bản vào năm 2010 vừa qua

Mặc Lâm: -Ngoài việc khuyến khích như ông vừa nói thì nhà nước có những bước biền chuyển nào mà ông cho là quan trọng đối với giới nghiên cứu hay không?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Bước đầu các cơ quan chức năng của nhà nước đã có sự chú ý đến các học giả tự do như chúng tôi. Ví dụ như vào ngày 5 tháng 10 năm 2010 thì Viện Quản lý và Nghiên cứu Biển Đảo của bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời một số học giả nghiên cứu về Biển Đông và biển đảo Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Thạc sĩ Hoàng Việt và tôi cùng một số các anh em khác nữa có một cuộc tọa đàm kín để mà dành thời gian cho chúng tôi phát biều những việc chúng tôi đã làm, và cái hướng nghiên cứu của chúng tôi như thế nào cũng như những mong muốn của chúng tôi đối với nhà nước ra sao.
Chúng tôi thấy rằng đây là một thuận lợi và chính vì những thuận lợi đó mà nó thúc đẩy anh em chúng tôi có thêm niềm tin có sự tự tin để mà nghiên cứu sâu hơn về những tài liệu mới phát hiện, những vấn đề chưa giải mã được về những tài liệu đã có về mặt lịch sử cũng như về mặt luật pháp quốc tế.

Mặc Lâm: -Đối với những chuyển biến tích cực này thì giới nghiên cứu có công trình gì mới nhằm thúc đẩy sự hợp tác thêm gắn bó hơn hay không thưa ông?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Hiện nay tôi và anh Phạm Hoàng Quân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và một số anh em khác đang chuẩn bị đi nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn những vấn đề chưa được làm rõ và để công bố những tài liệu mà chúng tôi mới phát hiện nó khẳng định ngày càng rõ ràng hơn chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đấy là những thuận lợi cơ bản mà chúng tôi có được trong thời gian vừa qua

Biển Đông, chủ đề vẫn được xem là nhạy cảm

Mặc Lâm: -Đó là những thuận lợi, còn khó khăn thì sao?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Khó khăn thứ nhất là về sự thống nhất nghiên cứu giữa các cơ quan nhà nước và các học giả tự do chưa thống nhất. Nếu như so với Trung Quốc họ làm rất bài bản. Từ cấp trung ương, cấp tỉnh, các trường đại học…họ có hẳn một chương trình nghiên cứu và được tài trợ cũng như quan tâm của nhà nước. Ngược lại chúng tôi không thấy cái đó ở Việt Nam.

Mặc Lâm: -Có thể giới học thuật Việt Nam chưa thấy được vai trò của mình cho nên họ chưa thúc đẩy nhà nước tích cực hơn trong vai trò điều phối và quản lý?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Cái đau lòng nhất như tôi là người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chúng tôi thấy rằng ở Việt Nam có hằng trăm Giáo sư Tiến sĩ sử học, khi đứng lớp thì nói rất nhiều về lòng yêu nước, rất nhiều về lòng tự hào dân tộc cho sinh viên nhưng phần lớn đã quay lưng lại đối với việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc Lâm: -Theo ông thì lý do nào làm nảy sinh tình trạng đáng buồn này?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Vấn đề này tôi không hiểu lý do tại sao như vậy. Tôi cho rằng không phải phần lớn giới sử học Việt Nam sợ, sợ nhà nước hay sợ một cái gì đó mà tôi cho rằng họ sợ chính bản thân họ. Thiếu sự dũng cảm, thiếu một tấm lòng và nói thẳng là thiếu một trách nhiệm đối với một người công dân Viêt Nam đối với chủ quyền của đất nước.

Mặc Lâm: -Nhiều năm qua khi nói đến vấn đề gì có liên quan đến Trung Quốc thì hình như được xem là nhạy cảm. Trên lĩnh vực nghiên cứu Biển Đông ông có thấy ngoại lệ hay không và ông có bị phiền toái gì khi sưu tầm tài liệu hay không?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Tôi không đổ lỗi cho nhà nước nhưng những bộ phận bên dưới ví dụ như một số cán bộ an ninh công an nhìn giới nghiên cứu Biển Đông tự do của chúng tôi có một cái gì đó như là một lực lượng muốn đối đầu với nhà nước hay là muốn âm mưu một cái gì đó và họ có một cái nhìn không thiện cảm đối với anh em chúng tôi.
Chính vì vậy mà chúng tôi đã gặp phải khi sưu tầm những tài liệu hạn chế về ngôn ngữ. Ví dụ như tại Trung Quốc bất cứ một bài nào viết về Biển Đông và Hải đảo của các học giả Việt Nam cũng như các học giả nước ngoài thì được nhà nước Trung Quốc phiên dịch ngay ra tiếng Hoa để các học giả trong nước nghiên cứu. Ngược lại Trung Quốc viết gì, nghiên cứu gì về Biển Đông và hải đảo Việt Nam thì chúng tôi lại không biết!
Đáng lẽ ra các chức năng này là các cơ quan nhà nước phải làm để giới nghiên cứu Việt Nam rõ được quan điểm của Trung Quốc, và nếu nhà nước làm như vậy thì chúng tôi sẽ được lợi nhiều hơn.

Mặc Lâm: -Xin ông một câu hỏi chót ông và đồng sự có gặp trở ngại gì trong vấn đề kinh phí để hoạt động hay không?
Ô. Đinh Kim Phúc: -Phải nói rằng trong vấn đề nghiên cứu khoa học mà nhất là những vấn đề nhạy cảm tế nhị khó khăn như vấn đề nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đó thì không chỉ là những tư liệu thành văn mà trong nước đã lưu trữ, thí dụ như chính sử, rồi địa phương chí của các triều đại phong kiến trước đây hoặc là các văn kiện hiện đại trong thời gian gần đây cần giải mã rất nhiều tài liệu lưu trữ ở Pháp ở Mỹ ở Nhật…trong đội ngũ nghiên cứu của chúng tôi có những người thừa sức để làm công tác tư liệu này.
Hoặc là phối hợp với các trí thức người Việt ở hải ngoại để mà khai thác các số tài liệu này nhưng chúng tôi hoàn toàn không có kinh phí. Chính vì không có kinh phí như vậy thì rõ ràng chất lượng để giải mã những vấn đề tư liệu nó có phần hạn chế.
Một điểm nữa là chúng tôi cần bộ Ngoại giao hoặc Ủy ban Biên giới Quốc gia ít ra là phải có một phiên họp mời tất cả các học giả nghiên cứu Biển Đông ngồi lại với nhau để phân tích caí mạnh cái yếu của giới học giả trong nước để thống nhất hướng nghiên cứu và đề ra những phương pháp, hình thức để đấu tranh lại những quan điểm sai trái của nhà nước Trung Quốc hiện nay.
Ví dụ như đầu tháng 3 vừa qua tôi may mắn được tham dự một cuộc tọa đàm do quỹ Ford tài trợ trong vòng 5 ngày tại Đà Nẵng với chủ đề “Nghiên cứu hòa bình và xung đột trong quan hệ quốc tế” do hai học giả hàng đầu của Anh và Mỹ trình bày. Qua 5 ngày chúng tôi học được rất nhiều về mặt lý luận để giải quyết tất cả những xung đột từng điểm nóng trên thế giới.
Tôi nghĩ rằng tại sao các tổ chức chính phủ nước ngoài lại quan tâm giúp chúng tôi có những kiến thức như vậy, trái lại nhà nước lại không có những chương trình như vậy cho giới nghiên cứu Biển Đông và Hải đảo chúng tôi?

Mặc Lâm: -Xin cám ơn ông Đinh Kim Phúc vừa cho thính giả nghe đài Á Châu Tự Do biết thêm những chi tiết trong lĩnh vực nghiên cứu biển Đông và hải đảo mà ông là người trực tiếp tham dự.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: