VNE
Thứ tư, 23/3/2011, 12:11 GMT+7
Mỹ, Anh và Pháp hôm qua đạt được thoả thuận mở đường cho việc NATO sẽ thay Mỹ dẫn dắt chiến dịch quân sự lập vùng cấm bay tại Libya, sau những bàn cãi với nhiều bất đồng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đang thực hiện chuyến thăm Nam Mỹ đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy và Thủ tướng Anh David Cameron ngày hôm qua. Kết quả các bên đi đến thoả thuận liên quan đến quyền chỉ huy chiến dịch tại Libya sau khi Mỹ rút lui trở về với vai trò hỗ trợ.
Nội dung chính của thoả thuận này là việc NATO sẽ sử dụng cấu trúc quân sự của mình để chỉ huy vùng cấm bay tại Libya. Chiến dịch có thể do đô đốc Mỹ James Stavridis điều hành. Việc giám sát chính trị đối với chiến dịch sẽ do một cơ quan chuyên trách bao gồm các thành viên của cả NATO lẫn ngoài khối (Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) thực hiện.
Văn phòng tổng thống Pháp mô tả thoả thuận trên là một thành công của Pháp và Mỹ khi thông báo: "Hai tổng thống đi đến thoả thuận về việc sử dụng cấu trúc chỉ huy của NATO để hỗ trợ liên quân". Nhưng trên thực tế đây được coi là một bước lùi đối với Tổng thống Sarkozy, người luôn tìm cách ngăn cản NATO thay Mỹ trong chiến dịch Libya.
Guardian cho biết, ông Sarkozy đã cố thuyết phục Anh lập quyền chỉ huy chung Anh - Pháp cho tất cả chiến dịch tại Libya. Nhưng ý tưởng này bị London bác bỏ khi nêu rõ NATO là cơ quan tốt nhất để điều hành các hoạt động quân sự. Nội dung về cơ quan giám sát chính trị nói trên được coi là cách để xoa dịu Paris về việc NATO không chỉ huy hoàn toàn chiến dịch Libya như tại Kosovo năm 2009.
Thông thường trong các chiến dịch do NATO đứng đầu, việc giám sát về chính trị sẽ do Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan chuyên đưa ra các quyết định chính trị của khối quân sự này, thực hiện. Do đó việc lập ra một cơ quan khác bao gồm cả các thành viên ngoài NATO giám sát chiến dịch tại Libya là sự thoả hiệp làm yên lòng nước Pháp.
Các đề xuất do ba ông lớn của NATO là Mỹ, Anh và Pháp thoả thuận với nhau sẽ được đệ trình lên cuộc họp của khối 28 thành viên trong ngày hôm nay để phê chuẩn.
Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ trao lại vai trò cầm đầu tại Libya nhằm đảm bảo việc thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc phải được chia sẻ giữa các nước. Theo đó ngay khi đạt được các mục tiêu ban đầu, sẽ có "một cuộc chuyển giao quyền chỉ huy việc thiết lập vùng cấm bay trong thời gian vài ngày", theo lời Tổng thống Obama.
Việc chỉ huy chiến dịch không kích Libya từ ngày 19/3 đến nay do sở chỉ huy châu Phi (Africom) của Mỹ điều hành. Cơ quan này nằm dưới quyền tướng trẻ Carter Ham mới nhậm chức được 3 tuần, là một trong 6 sở chỉ huy khu vực của quân đội Mỹ được lập ra năm 2007 và đặt tổng hành dinh tại Đức.
Lý do Washington không muốn tiếp tục dẫn dắt chiến dịch là nhằm tránh phải một mình chịu gánh nặng chiến tranh như tại Afghanistan và Iraq trước đây. Khi Mỹ "buông" thì NATO được chọn là điều khó tránh khỏi, nhưng bất đồng nội khối về vấn đề này khiến tình hình căng thẳng, đẩy liên quân đánh Libya rơi vào nguy cơ "rắn mất đầu".
Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cùng các nước Ảrập phản đối NATO nắm quyền chỉ huy chiến dịch, trong khi Italy, Anh và một số khác lại ủng hộ nhiệt tình việc khối quân sự này thay Mỹ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải ra mặt để dàn xếp và những diễn biến mới nhất cho thấy ông đang làm tốt công việc đầy thách thức này.
Đình Nguyễn
-------------------------------
Trọng Nghĩa / Đức Tâm - RFI
Thứ tư 23 Tháng Ba 2011
Tối qua, 22/03/2011, liên quân quốc tế đã tiến hành nhiều đợt oanh kích các vị trí của lực lượng thân Kadhfi tại Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya, cách thủ đô Tripoli 200 km về phía đông. Trong khi đó, đài truyền hình Libya chiếu cảnh đại tá Kadhafi xuất hiện trước một đám đông tại Tripoli. Ông Kadhafi tuyên bố Libya sẵn sàng cho một trận chiến cho dù kéo dài hay ngắn ngủi và khẳng định « chúng ta sẽ chiến thắng trận chiến này ».
Phát ngôn viên của lực lượng nổi dậy, xin giấu tên, cho AFP biết các đợt oanh kích dồn dập đã gây nhiều thiệt hại cho quân đội Libya. Vẫn theo nhân vật này, tình hình trong 5 ngày qua hết sức khó khăn, thậm chí lực lượng nổi dậy mất hy vọng. Họ đã thở phào nhẹ nhõm sau đợt oanh kích tối qua.
Tình hình ở Misrata yên ổn, nhưng các tay súng bắn tỉa trung thành với Kadhafi vẫn ở trong thành phố và đe dọa người dân.
Theo đại diện phe nổi dậy, thì họ có thể làm chủ thành phố này trong ba ngày tới, nếu liên minh quốc tế tiếp tục oanh kích các vị trí của lực lượng Kadhafi.
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy đã chiếm lại được các vị trí ở cửa ngõ Ajdabiah, cách Benghazi khoảng 160 cây số về phía tây. Mặc dù hỏa lực của liên quân quốc tế đã ngăn chặn được các phi vụ oanh kích của không quân và các mũi tiến quân của quân đội Libya, nhưng lực lượng nổi dậy vẫn chưa chiếm lại được Ajdabiah.
Tối ngày hôm qua, đài truyền hình Libya chiếu cảnh đại tá Kadhafi xuất hiện trước một đám đông, tại một trong những khu nhà của ông ta ở Tripoli. Khu nhà này bị oanh kích tối chủ nhật vừa qua.
Ông Kadhafi tuyên bố rằng Libya sẵn sàng cho một trận chiến cho dù kéo dài hay ngắn ngủi và khẳng định, « chúng ta sẽ chiến thắng trận chiến này ».
Trong khi đó, các thành viên liên quân quốc tế đang tranh luận và thương lượng với nhau về vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya. Pháp không muốn NATO đứng ra trực tiếp chỉ huy trong lúc Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giảm cường độ oanh kích Libya. Trong lúc chờ đợi một thỏa thuận về hồ sơ này, các nước đồng ý để NATO đảm trách việc cấm vận vũ khí đối với Libya. Ngay lập tức, chính quyền Berlin đã đình chỉ mọi sự tham gia của các tàu chiến Đức vào hoạt động cấm vận của NATO tại Địa Trung Hải. Xin nhắc lại, Đức đã không bỏ phiếu nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An.
Còn tại Pháp, hôm nay, các đại diện của lực lượng nổi dậy Libya đang công du Paris, cam kết sẽ xây dựng một nhà nước « thế tục và dân chủ », sau khi chế độ của Kadhafi sụp đổ.
Trên đài truyền hình ABC, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết là một số nhân vật thân cận với ông Kadhafi đang tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở nhiều nước trên thế giới, nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột quân sự này. Cũng trong ngày hôm nay, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates đã tới Cairo, để thảo luận với chính quyền Ai Cập về tình hình Libya.
Thái độ thận trọng và chỉ trích của nhiều nước đối với cuộc chiến tại Libya
Cũng về tình hình Libya, báo chí Trung Quốc hôm nay đã đả kích dữ dội chiến dịch oanh tạc Libya của Phương Tây. Họ tố cáo mục tiêu ‘'vì dầu hỏa’' của cuộc can thiệp quân sự, và đặc biệt chỉ trích Pháp.
Tờ báo Anh ngữ của Trung Quốc Global Times nhấn mạnh : « Không một quốc gia nào có quyền áp đặt ý muốn của mình đối với một nước khác, cho dù tình hình tại quốc gia đó rất là khủng khiếp. Cuộc can thiệp phải bị lên án ».
Tờ Nhân Dân Nhật báo cho là : « Mục tiêu chủ yếu của cuộc can thiệp chính trị và quân sự của phương Tây vào Trung Đông là vì dầu hoả và vị trí chiến lược của vùng này ». Tờ báo chỉ trích tổng thống Pháp, người đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự hiện nay, là muốn có một vai trò trên chính trường quốc tế. Bên cạnh đó còn vì mục tiêu chính trị nội bộ.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua, đã lên tiếng lấy làm tiếc trước các cuộc oanh tạc và kêu gọi ngưng bắn. Bắc Kinh gợi lên nguy cơ số thường dân bị thiệt mạng tăng thêm.
Tuy tỏ vẻ bất bình trước chiến dịch can thiệp quân sự hiện nay, nhưng chính Bắc Kinh đã mặc nhiên cho phép chiến dịch đó, khi không sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn.
Xin nhắc lại, hôm qua Ấn Độ, Nga, Brazil, Algeria cũng như một số quốc gia đang phát triển đã lên tiếng kêu gọi ngưng bắn. Ngoại trưởng Algeri Mourad Medelci tỏ nỗi quan ngại về tình hình vốn nghiêm trọng ở Libya, sẽ có nguy cơ trở thành nghiêm trọng hơn nữa, nhất là về thiệt hại nhân mạng. Ngoại trưởng Nga Lavrov thì lo ngại khủng bố gia tăng nếu tình hình Libya xấu đi hơn, do cuộc can thiệp quân sự.
-----------------------------
Gaddafi thề “quyết chiến” với liên quân (VnMedia)
.
.
.
No comments:
Post a Comment