Wednesday, March 2, 2011

MÙA HOA MẬN NỞ (truyện ngắn Phạm Văn Nhàn)

1.3.2011

Vân là người khách cuối cùng bước xuống xe lam, khi chiếc xe dừng lại  cuối con dốc. Mặt trời đã xuống thấp bên kia rặng núi xa, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ một màu đen sẫm. Người tài xế xe lam sắp sửa cho xe quay trở lại để về phố, còn nói vài lời với Vân:
“ Có lẽ rồi cô cũng phải tìm một chỗ nào đó để trọ qua đêm. Giờ này quân y viện chắc không cho thăm bịnh đâu. ”

Vân nói lí nhí những lời cám ơn, rồi đứng bên lề đường nhìn về phía cổng quân y viện. Bên trong những dãy nhà xây bằng gạch đã lên đèn, dưới những tàn cây bàng rậm rạp, che khuất. Nhìn ánh sáng của những ngọn đèn vàng vọt trong khuôn viên bịnh viện làm Vân muốn khóc. Những dãy nhà gạch đó không xa chỗ Vân đứng là bao, chỉ cách con đường và những hàng kẽm gai. Nhưng sao Vân thấy xa quá. Một khoảng cách thật sự gần, gần lắm, nhưng chắc chắn người lính gác sẽ không cho Vân vào bên trong những dãy nhà gạch đó được, theo như lời người tài xế xe lam nói. Anh đang nằm ở đâu thế, hã Kính? Anh có biết em đang đứng trước cổng bịnh viện này không? Buổi tối thật cô đơn, và những giọt nước mắt buồn tủi lăn nhẹ trên đôi má lạnh bởi những cơn gió biển thổi thốc lên đồi. Xa hơn ngoài biển khơi, những ánh đèn câu như một thành phố nổi đang lên đèn, trong vũng đêm bất tận của biển . Gió đêm lạnh. Trời thật sự đã tối hẳn. Người tài xế xe lam còn nói thêm, trước khi cho xe chạy xuống dốc:
“ Nghe nói vừa rồi đánh nhau lớn lắm, có cả phi cơ yểm trợ. Hình như lính mình chết và bị thương cũng nhiều. Trực thăng tải thương liên tục trong ngày, cô ạ. Có lẽ chồng cô cũng bị thương trong trận này? Nhưng dù gì thì cô cũng phải tìm một chỗ trọ qua đêm. Sáng hôm sau mới thăm được.”
“ Vâng.”
Nói xong, Vân quay đi, như muốn dấu những giọt nước mắt sắp ứa ra. Người tài xế buông tiếng thở dài:
 “ Tội nghiệp.”

Những bước chân của Vân thật cô đơn trên con đường trước cổng quân y viện. Không như  ngày nào Kính về phép, lần nào cũng tới trường chờ Vân dạy xong đưa về nhà, nhưng chưa một lần dám bước chân vào ngõ. Đứng trước ngõ nhà Vân một đỗi, rồi lại đi. Những lần như thế Vân thấy vui vui trên những bước chân đi bên cạnh những đứa học trò nhỏ của Vân, cùng với những tiếng nói và nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ làm hai người vui lây. Nhưng hôm nay, nghe quá đỗi cô đơn.
Đến trước  cổng bịnh viện, người lính gác hỏi:
“ Cô tìm ai? ”
“ Tôi đi thăm chồng. ”
 “ Chồng cô là nhân viên bịnh viện? ”
 “ Dạ không. Ảnh mới bị thương tuần qua, đưa về đây. Tôi có thể vào thăm chồng tôi đêm nay được không, thưa anh? ”
Vân vừa nói vừa lấy tờ giấy điện tín đưa cho người lính gác xem.
 “ Xin lỗi cô, sau năm giờ chiều, không cho ai vào thăm nữa. Cô có thể chờ qua ngày mai rồi hãy thăm.”
Nghe người lính nói, nước mắt lại ứa ra. Vừa buồn, vừa tủi.

Cầm tờ điện tín trên tay, Vân nghĩ: mầy là con lì nhất nhà mà. Trong nhà ai cũng nói mầy là đứa con cứng đầu cứng cổ nhất, sao bây giờ mầy mềm lòng thế? Hở một chút là nước mắt chảy. Kể từ lúc mầy nhận được bức điện tín nói chồng mầy bị thương đang điều trị tại quân y viện, đã làm cho mầy khóc hết bao nhiêu nước mắt rồi. Tưởng không còn nước mắt nữa để mà khóc. Lúc đó, con nhỏ Ty chờ chị khóc xong, mới hỏi:
“ Khi nào thì chị đi? ”
“ Ngày mai. Đón chuyến xe sớm, đi cho kịp.”
“ Kịp hay không cũng phải chờ lính mở đường, xe mới dám đi. Thời buổi này khó khăn lắm. Đường sá bị đắp mô hoài. Ngày mai em đi với chị được không? ”
“ Thôi. Mi ở nhà với mạ. Tao đi một mình cũng được. ”
“ Chị đi một mình nguy hiểm lắm. Có em cũng đỡ một phần.”
“ Chẳng sao đâu. Chỗ ảnh đóng quân nguy hiểm gấp bội, tao còn tới được mà.”

Hôm sau, Vân ra bến đón chuyến xe sớm. Nào ngờ xe chạy đâu vào khoảng hơn hai mươi cây số thì ngừng lại. Có nhiều xe đò bị chận lại phía trước. Trên xe hành khách nhốn nháo. “ Cái gì thế,  du kích chận xe phía trước sao? ”. “ Không đâu, chắc lại đánh nhau đấy. Nhưng sao không nghe có tiếng súng nổ ”. Người lơ xe nói. “ Bà con nào có giấy tờ lính, giấu đi. Coi chừng khổ thân đó nghe ”. Tiếng nói của người lơ xe đò làm hành khách trên xe âu lo. Một người thanh niên ngồi bên cạnh Vân nói nhỏ: “ Chị làm ơn giữ dùm những giấy này cho tôi”. Vân nói: “ Lỡ họ bắt vào rừng, tôi lạc anh thì sao? ”. “ Có KBC của tôi, chị gởi về đó cho tôi cũng được ”. Vân nhét vội những giấy tờ của người thanh niên vào trong áo nịt vú, thản nhiên. Bà già ngồi bên cạnh Vân thở dài: “ Khổ quá, thời buổi gì lạ, đi thăm con cháu ở xa, ra đường cũng còn sợ đủ thứ ”.

Chiếc xe đò dừng lại quá lâu trên quốc lộ. Nhiều chiếc xe phía trước nói chuyền xuống, Vân mới hay là phía trước đường bị đắp mô, không xe nào dám qua, phải chờ lính tới gỡ mấy quả mìn chôn dưới đất rồi mới dám cho xe chạy. Hành khách trên xe thở phào. Không phải du kích ra chận xe bắt người vô rừng học tập. Người thanh niên ngồi cạnh Vân nhờ giữ những giấy tờ khi nãy, ngồi nhìn ra khung cửa xe, đưa tay nhổ những sợi râu trên cằm. Một hành khách khác nói:  “Tưởng đâu lại có du kích chận xe phía trước. Thật khổ”.
Cũng vì thế mà xe vào thành phố trễ. Bến xe thưa thớt, may sao còn chuyến xe lam cuối cùng chạy về hướng bịnh viện nằm trên một ngọn đồi. Gió biển thổi lên nghe mát. Nhưng sao lòng nàng thấy bồn chồn quá đỗi. Để rồi, như người tài xế nói : Cô phải tìm một chỗ trọ nào đó để ngủ qua đêm. Đang phân vân trước cổng bịnh viện không biết nhà trọ ở đâu mà tìm, phải chi có con nhỏ Ty đi theo thì đỡ biết mấy. Dù gì có hai chị em vẫn còn hơn. Vân định bước qua bên kia đường tìm chỗ trọ hay cứ thả bộ đi cho hết đêm, như những lần có Kính về. Hãy tưởng tượng như thế để mà đi, có lẽ rồi đêm qua mau cũng không chừng. Một người lính trong đồn canh, nói vọng ra:
“Cô ơi! Chờ tôi đưa cô tới chỗ trọ để ở, gần bịnh viện thôi. Có nhiều vợ con lính mình mới tới nuôi chồng mấy hôm nay. Đàn bà con gái đi đêm nguy hiểm lắm.”
“Cảm ơn, anh.” Vân nói, rồi lại một lần nữa cố dấu những giọt nước mắt.
Người lính đưa Vân qua bên kia đường, nói:
“Tuần qua đánh liên tục, mà lại đánh lớn. Lính mình bị thương cũng nhiều, cô ạ.”

*

Ngôi nhà trọ chỉ là một căn nhà gỗ, mái tôn. Trước hiên có kê thêm một hàng ghế dựa sát vào tường, có lẽ để dùng cho khách trọ ngồi hóng gió mát từ bờ biển phía bên kia quân y viện thổi tới. Hay cũng có thể để cho những người tới nuôi bịnh ngồi nhìn về phía quân y viện, mà trong đó có thân nhân của mình đang nằm điều trị. Người lính giới thiệu Vân với người chủ nhà. Nhìn bà có vẻ đẫy đà, và bình thản. Hình như bà quen với sự đau khổ của những người có thân nhân đang nằm trong bịnh viện. Sau lời giới thiệu của người lính, người chủ nhà chỉ cho Vân cái giường gỗ còn trống kê gần tấm phên vách làm bằng ván ép, mà sau tấm vách đó là những cái lò nấu đủ loại bằng đất nung mua dưới chợ, hay những viên gạch kê tạm dùng làm lò.

Bên kia đường, tiếng kẻng trong bịnh viện đánh lên. Vân xem đồng hồ, mới đó mà đã hơn tám giờ đêm rồi. Nhưng ngôi nhà trọ vẫn còn cái ồn ào của những người vợ lính đi nuôi chồng còn đang nấu nướng hay nói những câu chuyện về chồng con của mình. Ánh sáng ngọn đèn treo trên trần nhà cũng chỉ vừa đủ sáng cho mọi sự sinh hoạt trong đêm. Vân như cảm thấy mệt mỏi sau một ngày đi đường, nằm xuống trên chiếc giường gỗ mà bà chủ nhà vừa chỉ. Cũng may, trong nhà trọ này toàn đàn bà, có những người còn trẻ như Vân. Tất cả đều là vợ con của những người lính bất hạnh từ một chiến trường nào đó, bị thương đem về đây. Một người đàn bà đứng tuổi, trên gương mặt già có nhiều vết nhăn, nhìn Vân hỏi:
“Có lẽ cháu mệt. Sao xe tới trễ vậy. Ăn uống   gì chưa?”
“Dạ chưa. Đường bị đắp mô bác ạ. Cháu xin lỗi bác phải nằm một chút.”
“Chẳng có gì đâu. Cháu cứ tự nhiên. Nằm nghỉ mệt một chút rồi dùng cơm với bác.”

Nhìn người đàn bà, Vân cảm thấy an tâm. Nằm nghỉ một đổi, Vân thấy người tĩnh lại đôi chút. Ngồi dậy gợi chuyện với người đàn bà có gương mặt trông nhân từ như mẹ của Vân ở nhà:
“Xin lỗi bác thứ mấy. Cho cháu dễ gọi.”
“Năm. Tao thứ năm. Ông bà già đặt tên tao thứ Năm luôn cho dễ gọi. Còn cháu?”
“Dạ. Cháu tên Vân.”
“Lại trùng tên với con gái bác. Nhưng nó chết rồi. Chết cách đây hơn hai năm.”

Rồi bà kể: Chuyện buồn lắm cháu ạ. Nó đạp xe đi dạy học. Buổi sáng ngang qua tòa Tỉnh thì bị pháo kích. Nó cùng với nhiều người khác nữa nằm chết bên cạnh vườn hoa lớn của thành phố. Bác nhớ ngày đó, ngày mà hoa vông trong vườn hoa thành phố nở rộ. Cho nên năm nào hoa vông nở, bác cũng đem nhang đèn tới đó van vái cho con gái bác trở về nhà. Trái đạn pháo quá ác làm cho nó hồn phi phách lạc rồi. Tội nghiệp, nó đâu biết đường về nhà nữa cháu. Bà vừa nói vừa chậm nước mắt. Vân thấy buồn vô cùng. Cuộc chiến tranh này có chừa ai đâu. Những người lính ngoài mặt trận không nói làm chi trước lằn tên mũi đạn. Còn người dân, cũng chẳng biết sống chết khi nào. Như con gái của bác Năm, trùng tên với nàng, sao lại nhận cái chết thảm thương như thế? Mà cũng làm nghề dạy học như nàng. Vân gợi chuyện:
“Bác đi nuôi bác trai?”
“Bác trai nào đâu, ổng chết lâu rồi. Bác đi nuôi thằng con trai lớn của bác. Anh của con Vân.”
“Còn vợ con ảnh đâu, không đi. Bác già cả phải lặn lội?”
“Vợ con gì nó, cháu. Hăm sáu hăm bảy tuổi rồi, bảo nó lấy vợ nó không chịu từ lúc ra trường cho đến bây giờ. Lần nào thúc nó, nó cũng nói sợ người ta ở góa. Cho nên mấy năm rồi có chịu lấy ai đâu. Bây giờ nó bị thương, bác phải đi nuôi. Còn cháu? ”
“Cháu đi nuôi chồng.”
“Bị thương lâu chưa? Khu nào?”
“Ảnh bị tuần trước, nằm ở Khu A.”
“Khu đó nặng đó cháu. Thằng con bác cũng nằm khu A. Cưa mất một chân.”
“Hả! Không biết chồng cháu có sao không. Lậy trời!”. Vân vừa nói, vừa chồm tới trong nỗi âu lo, sợ hãi.
“Mô Phật. Thời buổi giặc giã mà nó còn sống là phước đức ông bà lắm rồi, cháu ơi!”

Nó còn sống là phước đức ông bà lắm rồi cháu ơi. Câu nói của bác Năm như an phận, có lẽ gần giống như trăm nghìn người đàn bà khác có con, có chồng đang tham dự ngoài mặt trận. Còn sống là phước đức ông bà để lại. Ý nghĩ sao nghe đơn giản quá. Còn mất mát những gì trên cơ thể của người thân, đối với thân nhân, họ không nghĩ tới những cái đau đó. Miễn sao còn sống trở về, dù cho có cụt tay hay cụt chân hay là gì gì đi nữa thì cũng chẳng sao. Có người đàn bà nào trên thế gian này chịu đựng một sự to lớn như người đàn bà Việt nam trong cuộc chiến này không? Một nỗi buồn nào trong bao nhiêu nỗi buồn đang xoáy vào Vân, mà trong đêm nay, phải chờ cho tới mười giờ sáng mai theo như người lính nơi đồn canh nói, Vân mới được vào thăm chồng. Anh có biết không, Kính? Em đang ở đây, trong ngôi nhà trọ chỉ cách chỗ anh nằm điều trị không bao xa. Nhưng sao ngăn cách xa ngàn trùng thế này.

Vết thương trên người anh có bị nặng lắm không, khi nghe bác Năm nói khu A là khu của bịnh nhân bị nặng. Đứa con của bác bị cưa mất một chân. Còn anh thì sao? Lạy Trời. Lậy Phật. Lậy Chúa. Lậy tất cả những người khuất mặt, khuất mày chết trong khu bịnh viện cho anh được bình yên. Vân ngồi bó gối trên chiếc giường gỗ, không sao ngủ được, trông trời mau sáng. Bà Năm nói:
“Cháu phải nằm xuống mà nghĩ. Không thể thức suốt đêm được. Còn phải giữ sức khỏe mà nuôi chồng. Có mình, an ủi cho người thân mình nhiều lắm, trong khi vết thương đang hành hạ.”

Những tiếng kẻng cầm canh từ trong quân y viện phát ra từng chập nghe buồn quá đỗi. Tiếng kẻng nào rồi cũng giống như tiếng kẻng nào khi Vân lên thăm anh trên một tiền đồn heo hút. Nằm trong hầm chỉ huy, Vân cũng nghe những tiếng kẻng cầm canh buồn heo hút đó được đánh đi từ những vọng gác. Đêm ray rứt lòng Vân.

*

Những người đàn bà đang ngồi trước cổng bịnh viện để chờ giờ vô thăm chồng, thăm con. Người thì nói thế này, có chị thì nói thế khác. Một chị nói:
“Ảnh cũng sắp ra viện rồi. Nhẹ có lẽ ra đơn vị lại. Phải chi bác sĩ cho ảnh xuất ngũ, tôi cúng con heo một tạ. ”

Nhưng cũng có chị nói:
“Ổng nằm một chỗ, vào nuôi ổng, ổng lại la tui. Bỏ mấy đứa nhỏ cho bà nội nuôi, tội nghiệp. Nhưng làm sao bỏ ổng được, mấy chị nghĩ coi. Có vợ con bên cạnh an ủi nhiều lắm chứ.

Ai nói gì thì nói. Vân ngồi nhìn ra khung cửa sổ của đồn canh. Những cây bàng trồng ngay ngắn trên lối đi có trải sỏi. Những ngôi nhà gạch thẳng hàng, thẳng lối được quét một lớp vôi màu vàng buồn thảm dưới bóng mát của những cây bàng. Trên lối đi, vài ba chiếc ghế đá được kê dưới gốc bàng để cho những bịnh nhân ra ngồi hóng  gió biển từ dưới đồi thổi lên.

Những người lính vẫn đi đi lại lại trong khoảng sân bịnh viện. Vân vẫn ngồi nhìn, như tìm kiếm khu nào là khu A. Vân quay qua bác Năm, nói:
“Bác chỉ cho cháu khu A.”
“Chặp nữa cháu theo bác.”

Người lính xem đồng hồ, rồi nói: Mười giờ rưỡi rồi, bác sĩ khám bịnh xong, bà con vào. Những người đi nuôi chồng vội vã đứng dậy, xách những cái xách chứa đựng những món ăn mà mấy chị lục đục nấu đêm hôm qua. Người lính nơi đồn canh nói: “ Mấy chị cứ lu bu bận tâm ba cái nấu nướng, nhà bếp bịnh viện đã lo thức ăn cho anh em hết rồi”. Người lính nói gì thì nói, chỉ trong chốc lát, khu đồn canh vắng ngắt, không còn những tiếng nói của những người đi nuôi bịnh. Vân đi theo bác Năm, trên con đường ra khu A. Đường rợp bóng lá cây bàng. Khu A nằm khuất sau những dãy nhà, nằm cạnh gần khu nhà mổ. Biển rất gần với khu A. Vân có thể trông thấy màu xanh nước biển dưới chân đồi, và từng đợt sóng nhẹ trắng xóa đang xua đuổi nhau vào bờ. Một vài bịnh binh mặc áo xanh đang ngồi trên những ghế đá, nhìn lơ đãng về một nơi nào đó. Những chiếc áo mang màu xanh hy vọng sẽ làm khỏi những cơn đau của người lính. Có người cũng đang ngồi trên ghế để hai cây nạng gỗ bên cạnh. Nàng nghĩ đến con trai của bác Năm, rồi sau này, cũng chống hai cây nạng gỗ như thế. Còn anh thì sao hả anh Kính? Em đang trên đường tới khu A đây. Gần anh rồi, nhưng sao em thấy lo quá. Trong gang tấc thôi mà, phải không anh? Bỗng nghe có người gọi:
“Chị Vân.”

Chị dừng lại nhìn, thì ra là Tùng. Chị hỏi:
“Tùng cũng bị thương cùng lúc với anh sao?”
“Vâng. Nhưng nhẹ thôi chị ạ. Bác sĩ đã gắp mảnh đạn từ trong chân của tôi ra rồi. Chắc không bao lâu nữa về lại đơn vị.”
“Còn anh thì sao. Tùng?”
“Tôi đưa chị vào thăm anh.”

Trên lối đi đến khu A, Tùng kể: Đơn vị chiếm xong mục tiêu thì trời đã tối. Không còn cách nào hơn là anh Kính cho bố trí quân phòng thủ qua đêm. Nữa đêm bọn họ phản công dữ dội để hòng chiếm lại cứ điểm . Vì đó là khu an toàn của họ. Không ngờ anh bị thương nơi chân. Bác sĩ nói là không cần thiết phải cưa chân anh, vì có thể ráp xương lại được. Tuy nhiên đi lại không còn tư thế bình thường được nữa. Có điều bây giờ anh vẫn còn băng trên mặt và cánh tay, vì bị nhiều vết thương.

Khu A, hai dãy giường đầy bịnh binh. Tùng đưa Vân đến bên giường Kính nằm. Nhìn Kính, nước mắt Vân lại ứa ra. Anh đây sao? Cái chân vẫn còn băng bột trắng xóa. Và tay, và đầu vẫn còn băng những lớp băng trắng, chỉ còn chừa đôi mắt và cái miệng để người y tá đút thức ăn. Vân rờ nắn khắp thân thể của chàng, phải rồi, anh đây mà. Bàn tay Kính nắm lấy bàn tay của Vân, nàng nghe sao ấm áp quá. Lời nói của bác Năm đêm hôm qua trong ngôi nhà trọ: Nó còn sống là phước đức ông bà lắm rồi. Phải rồi, anh phải sống, Kính ơi. Phải sống về với em. Vân tự nhủ. Nhìn Vân, những giọt nước mắt của Kính cũng ứa ra. Anh không thể nói được gì, nằm im nhìn vợ. Có tiếng la của người bịnh binh ở cuối phòng làm cho Vân giật mình. Bởi vì đây là lần đầu Vân đi vào chỗ đau đớn nhất, chỗ bất hạnh nhất trong đời người để nhìn thấy người thân của mình, và đồng đội của chồng mình đang rên xiết vì những vết thương đau. Tiếng la của người thương binh khi nãy như xoáy vào trong tâm trí của Vân, mà ngày nào, đã lâu rồi nàng sợ tiếng của những con mèo kêu trên mái nhà vào ban đêm. Tiếng kêu của những con mèo hoang như kéo dài một chuỗi âm thanh dài, rờn rợn. Từ đó mỗi lần nghe tiếng mèo kêu Vân sợ ghê gớm. Bây giờ tiếng người thương binh đằng cuối phòng lại thét lên, trong cơn đau đớn tột cùng làm cho Vân thấy sợ hãi. Không biết những ngày tháng qua, Kính có những tiếng la thất thanh đó hay không, trong cơn mê sảng? Làm sao mà không có được khi vừa ra khỏi phòng hồi sức? Làm sao mà không có những cơn đau khi trên da thịt bị cắt mổ? Nhìn Kính nằm trên giường bất động, chỉ còn cánh tay đưa lên trong không gian như lại muốn tìm kiếm bàn tay của vợ một lần nữa. Nàng cúi người xuống thật gần anh để nghe anh có nói điều gì không. Nhưng không, những ngón tay của anh xiết  vào tay Vân. Nàng hiểu.

Cứ thế. Cứ thế, ngày nào cũng vậy, sau mười giờ sáng, bịnh viện cho thân nhân vào nuôi chồng, nuôi con. Gần năm giờ chiều thì lại lo thu xếp ra về. Con đường rợp bóng lá bàng trong khuôn viên bịnh viện gần như quen thuộc. Những chiếc ghế đá vẫn có những bịnh nhân ngồi hóng gió biển. Thản nhiên, không thấy vui cũng chẳng thấy buồn trong bộ áo quần màu xanh da trời của bịnh viện. Và, có những ngày biển động, những đợt sóng vỗ mạnh vào bờ dưới chân đồi nghe rõ như cơn giận dữ của đất trời.

Đã gần hai tháng. Hai tháng Vân bỏ trường, bỏ lớp không tới dạy. Đã gần hai tháng, ngôi nhà trọ gần như quen thuộc với nàng. Và có lẽ chỉ có Vân và bác Năm là hai người trọ lâu nhất trong ngôi nhà trọ này. Những người vợ lính đi nuôi chồng rồi cũng lần lượt ra về khi chồng được bác sĩ cho xuất viện. Ngày nào cũng thế, Vân với bác Năm cũng đi lại trên những con đường im bóng lá bàng. Và ngày nào cũng thế, những người bịnh binh vẫn ngồi nơi băng ghế đá, im lặng với đôi mắt nhìn xa xăm. Có lần về đến nhà trọ, bác Năm hỏi:
“Khi nào bác sĩ cắt băng cho nó?”
“Cháu nghe nói mai.”
“Như vậy còn lâu. Cháu chưa về được. Phải ở lại với nó thêm nữa rồi”
“Còn bác?”
“Có lẽ tuần sau. Nó lấy giấy ra viện, chờ ngày ra hội đồng y khoa. Bác mừng quá. Kỳ này, bác bảo nó phải lấy vợ. À! Mà bác hỏi thật con. Có đứa con gái nào chịu lấy thằng lính cụt chân không, hả con?”

Vân nghe bác Năm hỏi, nàng không biết phải trả lời ra sao. Người lính trở về, cụt chân, có cô gái nào chịu hy sinh không? Thời buổi này, thành phố nào cũng Mỹ hóa, con gái chưng diện ra phết, chẳng lẽ tìm tấm chồng từ một người lính cụt chân? Nghe bác Năm hỏi, Vân còn phân vân không biết trả lời làm sao. Hai người ra ngồi trước hiên nhà trọ, nhìn qua quân y viện, mà trong đó, những người lính bất hạnh đang bị loại ra khỏi chiến trường, đã mất đi một phần trên thân thể, như con bác Năm, như chồng của nàng. Với Vân không nói làm gì, vì dù sao cũng là vợ, là chồng với nhau. Còn con của bác Năm, sao khó nói quá. Vân nói:
“Cháu nghĩ, người yêu cũ của ảnh đâu. Làm sao bỏ ảnh được.”
“Nó bỏ đi lấy chồng rồi, cháu ạ. Nó sợ lính.”

Vân nghe bác Năm nói, lòng buồn. Nàng có sợ lính đâu. Nhớ lại, trong đám bạn bè của Vân, chỉ có anh là người lính duy nhất trong đêm họp mặt ở sau vườn nhà Vân. Cái ngày mà Vân tốt nghiệp Sư phạm, đang chuẩn bị nhận nhiệm sở để trở thành cô giáo. Bạn bè Vân, trai có, gái có. Nhưng toàn những người bạn đồng nghiệp với Vân. Nhưng sao lại có một tên lính lẻ loi trong đám bạn bè sư phạm này. Đêm hôm đó, trong ngôi vườn của nhà Vân hoa mận nở trắng dưới những bóng đèn điện được con nhỏ Ty và bạn bè nó giăng mắc khắp cành mận trong vườn. Mặt trời vừa xuống bên kia những dãy đồi cát, nhỏ Ty đã cho bật đèn lên, rồi nói:
“Chị Vân. Xem có tuyệt không. Con nhỏ này chưa biết vườn địa đàng đẹp như thế nào, nhưng chắc chắn trong vườn mận của nhà mình đẹp hơn nhiều. Nhỏ Ty này sẽ làm bàn tay ông tơ bà nguyệt xe duyên cho chị đêm nay đó. Ráng mà diện vô để tìm một tấm chồng.”

Con quỷ. Nó lúc nào cũng đùa giỡn. Mà thật vậy, sao trong đám bạn bè đó, Vân nhìn thấy anh, người lính sao hiền quá vậy. Nghe người ta nói “ lính tráng ghê lắm mà”.Ồn ào. Dữ dội. Nhưng sao nhìn thấy anh ngồi hiền như cục đất. Hay là anh cảm thấy lạ trong đám bạn bè của Vân. Nàng nghĩ như thế. Và, thỉnh thoảng Vân thấy anh ta lại đưa mắt nhìn lên những cành mận trĩu bông trắng xóa trong đêm vui hôm ấy. Nhiều khi Vân nghĩ, thôi thây kệ anh chàng, bởi Vân không quen. Anh ta đến với một người bạn trai của Vân, thì cứ để hắn ngồi yên đó. Nhưng càng xua đi cái ý nghĩ đó, thì lạ, hình ảnh người lính cứ lảng vảng trong đầu. Để rồi cuối buổi tiệc vui, những người bạn tới chúc Vân những câu chúc đầy mỹ từ văn hoa, thì ngược lại anh chàng lính cũng chẳng nói năng gì. Trên tay vẫn còn mân mê cánh hoa mận trong vườn nhà nàng, nhỏ xíu. Tới gật đầu chào rồi ra đi. Chẳng nói một câu từ giã.

Hành động đó làm tự ái người con gái mà trong gia đình nói nàng cứng đầu nhất và gần như được ba mạ nuông chìu nhất. Nỗi bực bội trong lòng, Vân nói cho con nhỏ Ty nghe. Ty chẳng nói mà còn chọc: “Tại chị vô duyên, cho nên người ta chẳng nói gì với chị. Hay chị bất lịch sự với ổng trong bữa tiệc vui? Coi chừng ổng cho chị ăn lựu đạn đó nghe. Em nghe nói lính dữ lắm, không yêu thì thôi mà đã yêu rồi thì khổ cho chị. Thôi nên tìm tấm chồng trong nghề giáo là chắn ăn. Bực mình làm gì cho xấu gái”. Nghe con nhỏ Ty nói, Vân rồi cũng nguôi ngoai. Thế mà chẳng bao lâu, người lính đêm hôm ấy mà Vân tưởng hiền như cục đất đó đã đến trường tìm nàng. Cứ thế ngày này qua ngày khác, Vân thấy anh có hiền như cục đất đâu, mà ngược lại còn đáng yêu nữa. Có một điều là: anh chỉ tới nhà nàng khi hoa mận trong vườn bắt đầu nở rộ, như trong đêm Vân tổ chức tiệc vui. Chàng đến trong những ngày đầu hoa mận nở, rồi lại ra đi, làm cho Vân cứ chờ mãi, mỗi lần hoa mận trong vườn nở. Cho đến hôm nàng mạnh dạn xin phép ba mạ cho gia đình chàng đến nhà dạm hỏi. Mạ Vân nói:
“Con đã suy nghĩ kỹ chưa. Mạ chỉ sợ con nông nổi. Hút gì những người bạn đồng nghiệp với con sao con không chọn, mà đi chọn lính. Mạ chỉ sợ..”
“Mạ sợ con ở góa?”
“Có ai biết được, thời buổi chiến tranh này.”

Con nhỏ Ty nói xen vào những lời nói mà Vân nghĩ là nó bị nhập tâm bởi ba cuốn tiểu thuyết văn chương kiếm hiệp của Tàu:
“Chị Vân muốn đi tìm thú đau thương đó mạ.”
Đúng. Bây giờ có nỗi đau nào hơn bằng nỗi đau này mà Vân gánh. Để rồi ý nghĩ đó lại chợt qua đi, khi nàng nghĩ lại câu nói thật đơn giản của bác Năm trong ngôi nhà trọ mà ngày đầu tiên nàng đến: Nó còn sống là phước đức lắm đó con. Phải rồi mà, Kính vẫn còn đây với nàng.

Câu nói của bác Năm về đứa con trai của bác: có đứa con gái nào chịu lấy nó không, sau khi bị cưa mất một chân. Cuối cùng rồi Vân nói như một quyết định: Có chứ bác, con Ty, em của cháu.

*
Gần hai tháng sau, bác sĩ cắt băng trên mặt và trên cánh tay. Những vết sẹo đã kéo da non, còn đỏ ối. Còn chân của chàng, bác sĩ cũng đã ghép xương lại, để sắt vào trong ống chân, và chàng còn phải tập đi nhiều ngày trong bịnh viện. Những ngày tập đi đó, Vân cảm thấy hạnh phúc vô cùng, vì trên mỗi bước đi của chàng, có Vân dìu dắt. Những bước đi chậm rãi trên những con đường im bóng lá, và những viên đá sỏi dưới chân trong khuôn viên bịnh viện làm cho Vân cảm thấy bớt âu lo hơn. Những ngày tháng qua, hôm nay, Vân cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Bao nỗi buồn chờ đợi từng ngày qua. Chờ đợi bác sĩ cắt băng, rồi còn tiếp tục chờ những ngày Vân đưa chàng trở về nhà.

Những ngày Vân dìu Kính tập đi trên những con đường im bóng lá. Nàng nói như vui:
“Khi nào bác sĩ cho anh xuất viện, em sẽ dìu anh đi hết con dốc này để về lại phố ”
“Anh chỉ sợ em đi không nổi, vì anh không còn lành lặn như xưa.”
“Anh khỏi lo cho em. Lúc nào có anh bên cạnh là em khoẻ ghê gớm. Con dốc mà em sẽ đưa anh về lại nhà, anh sẽ nhìn thấy nó, đẹp vô cùng. Anh sẽ nhìn thấy biển xanh và những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ dưới chân đồi. Anh sẽ thấy thành phố biển phía dưới con dốc đó, những ngôi nhà nhỏ li ti như cái hộp trong truyện cổ tích. Có lẽ thành phố biển này thích hợp cho những người sắp trở về già như tụi mình. ”
Anh đứng lại dưới gốc cây bàng, đưa mắt nhìn Vân:
“Anh có thấy em già đâu nào?”
“Rồi cũng phải già chứ. Đàn bà con gái mau già lắm, phải không anh?”
Thế rồi ngày tháng cũng qua nhanh. Anh cầm giấy xuất viện ra về chờ ngày ra hội đồng Y khoa như con của bác Năm. Chưa có nỗi vui nào hơn đối với Vân, vì nàng biết chắc chắn cuộc chiến này cho dù còn kéo dài bao lâu đi nữa, thì Kính vẫn là của riêng nàng. Niềm vui đó nhen nhúm trong người Vân, cho dù có ích kỷ.

Hôm cầm giấy ra viện, Vân gặp bác sĩ để hỏi về những vết thương trên thân thể của chàng . Bác sĩ nói: Chị an tâm. Chị nghe bác sĩ nói, lòng mừng quá đỗi. Chị dìu anh ra cổng bịnh viện, bên kia đường, khu nhà trọ vẫn còn vợ con lính tới trọ để nuôi chồng. Chị đứng lại trước cổng, nhìn về ngôi nhà trọ, mà nơi đó chị đã quen biết nhiều người vợ lính, trong đó có bác Năm đã dẫn đứa con trai ra về trước chị. Con dốc dẫn về phố như đang chờ những bước chân của hai người. Như hôm nào anh ở đơn vị về đứng chờ Vân trước cổng trường trong giờ tan học, để hai người cùng bước những bước chân thật chậm mà lòng thấy vui.
Anh đi chậm với cây nạng chống. Anh hỏi:
“Hôm nay tháng mấy rồi em nhỉ?”
“Tháng năm.”

Chàng vừa chống nạng vừa đi bên nàng, vừa nói: Tháng này, mận trong vườn nhà em đã nở hoa rồi./.
.
.
.

No comments: