Tuesday, March 8, 2011

MẶT TRÁI CỦA SỰ KIỆN NGÔ BẢO CHÂU (Nguyễn Kiều Dung)

Nguyễn Kiều Dung
Thứ Ba, 08/03/2011


Tác giả: Tôi cảm thấy rất không vui bởi vì tôi đã gửi bài viết này cho một vài tờ báo điện tử ở trong nước khá lâu, nhưng không thấy báo nào đăng. Đã có hàng nghìn bài viết ca ngợi GS Châu, vậy mà chỉ có một bài viết hơi có màu sắc phê bình của tôi thì lại không được đăng. Vậy làm sao có thể nâng cao dân trí được?
Xin cám ơn Dân Luận đã đăng bài viết này.
----------------------

Mặt trái của sự kiện Ngô Bảo Châu

Năm 2009, việc bà Ostrom, một giáo sư về khoa học chính trị, đoạt giải Nobel kinh tế đã dấy lên một đợt công kích chưa từng có trong giới nghiên cứu kinh tế. Ngay cả những giáo sư nổi tiếng như Krugman (Nobel kinh tế), Levitt (Huy chương Clack) cũng buông lời chỉ trích thành tích của bà, bởi bà hầu như không có bài báo nào trên các tạp chí kinh tế hàng đầu.

Ở Mỹ, (và có lẽ ở các nước khác cũng vậy), ngoài ngành toán ra hầu như không ai biết GS Ngô Bảo Châu, bởi ngành nào cũng niềm tự hào riêng và họ không quảng cáo hộ ngành khác. Thậm chí, đợt tháng 8 năm ngoái, website khoa toán của các trường đại học lớn như Harvard, Stanford, MIT…, những nơi không liên quan gì đến giải Fields, cũng không đưa tin về giải này, có lẽ nhằm mục đích bảo vệ uy tín cho các giáo sư của họ. Không đúng như báo chí Việt Nam tuyên truyền, GS Châu không tạo được ảnh hưởng gì đáng kể ở phương tây bởi ông ấy không phải người của công chúng (NCCC) ở các nước đấy. Hoa Kỳ có hơn 10000 NCCC các loại, (khoa học gia hiếm khi thuộc nhóm này), và một người chỉ xuất hiện trên một vài lần trên truyền thông thì không đủ khiến công chúng ghi nhớ.

Triết lý của các xã hội văn minh là luôn tránh để ngành nọ “dẫm lên chân” ngành kia, người nọ làm tổn hại đến lòng tự tôn của người kia. Còn ở Việt Nam, báo chí đã bơm thổi sự kiện Ngô Bảo Châu đến mức khiến công chúng hiểu sai bản chất của vấn đề, khiến một số người ngoại đạo coi GS Châu như thánh sống, trong khi cho rằng những nhà khoa học khác thật kém cỏi.

Sự việc không dừng lại ở đấy, khi một số người phản ứng đã bị các fan của ông Châu thoá mạ bằng những lời lẽ khiếm nhã. Có những người là bạn của ông Châu, đã viết những câu kiểu như “cái chí hạ mình, quyết theo học thầy” (1) hoặc cho rằng những người chỉ trích GS. Châu là không “suy nghĩ kỹ lưỡng”, “gây rối”, không “có tính xây dựng” (2). Có những bạn trẻ vào blog của các nhà nghiên cứu khác, hồn nhiên cho rằng những người này cũng sùng bài ông Châu như cấp trên, gây bất bình cho nhiều người. Trên blog của GS Châu vẫn còn lưu bài viết “Ai xe cát” (3) của bạn ông ấy - một mẩu chuyện so sánh con người với động vật rất bất nhã.

Tôi thông cảm với bối cảnh Việt Nam, khi lần đầu tiên có nhà khoa học được giải thưởng thuộc hàng cao nhất của một lĩnh vực. Tuy nhiên, hậu quả do hệ thống truyền thông gây ra rất nghiêm trọng và lâu dài, cho nên rất cần phải trao đổi một lần về vấn đề này.

Việc thành lập viện toán cao cấp có lẽ cũng góp phần tạo nên những hiểu biết sai lầm, bởi công chúng nghĩ rằng nhà nước bằng mọi giá phải mời GS Châu về làm lãnh đạo. Trên thực tế, Việt Nam có nên đầu tư trọng điểm vào toán học, đặc biệt là toán lý thuyết - sở trường của ông Châu - hay không còn là vấn đề cần phải tranh cãi. Rất nhiều nước như Canada, Tây Ban Nha, Hungary, Rumany, bốn con rồng Châu Á, có nền khoa học phát triển hơn nước ta nhiều mà không cần đến huy chương Fields hay chủ trương thiên vị toán nào cả. Thứ hai, các trường/viện nghiên cứu ở các nước phát triển hiếm khi trao các chức vụ lãnh đạo cao cấp cho những người đoạt giải Nobel, Fields, bởi những người này thường chỉ giỏi chuyên môn, trong khi vị trí lãnh đạo cao cấp đòi hỏi các kỹ năng khác. Các chức vụ giám đốc điều hành cũng thường do các giáo sư trong khoa luân phiên đảm nhiệm, để tránh quan liêu, cửa quyền. Những người giỏi chuyên môn thường chỉ đảm nhiệm các chức lãnh đạo về chuyên ngành của họ, ví dụ trưởng bộ môn hình học, trưởng bộ môn đại số… Ngay cả các chức vụ lãnh đạo tinh thần cũng không nhất thiết phải trao cho những người xuất sắc về chuyên môn. Hiệp hội kinh tế Mỹ có lẽ là hiệp hội kinh tế uy tín nhất thế giới, với hơn 70% giải Nobel kinh tế thuộc về các thành viên của hội. Tuy nhiên, mỗi năm hiệp hội bầu lại chủ tịch một lần và không nhất thiết một người được giải Nobel hoặc một giải thưởng lớn nào khác sẽ được bầu. Thứ ba, môi trường học thuật ở phương Tây đặc biệt đề cao tinh thần bình đẳng và khuyến khích sáng tạo. Một giáo sư hàng đầu gửi bài báo cũng có thể bị toà soạn từ chối trong khi lại nhận đăng bài của một sinh viên chưa tốt nghiệp, chưa có uy tín khoa học gì đáng kể. Tinh thần tự do trong môi trường khoa học cũng khác hẳn với các môi trường khác (chẳng hạn môi trường công ty). Các giáo sư đại học được tự do lựa chọn đề tài nghiên cứu theo sở thích chứ không ai giao việc cho họ. Việc hợp tác nghiên cứu cũng trên tinh thần tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau chứ không phải người này ra lệnh cho người kia.

Bà Huỳnh Mỹ Hằng, người đoạt giải MacArthur Fellowship 2007

Cũng cần phải nói thêm rằng ngoài GS. Châu, có nhiều nhà nghiên cứu gốc Việt khác rất thành công. Một ví dụ là TS Huỳnh Mỹ Hằng đã đoạt giải thưởng MacArthur, là một trong những giải danh giá nhất của ngành hoá. Ở Mỹ, số người biết đến giải MacArthur có lẽ còn nhiều hơn giải Fields, bởi giá trị của giải (500.000 UDS) và là giải rất lớn được trao cho nhiều ngành. Nhiều người khác cũng đã trở thành các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Nhưng quan trọng hơn cả, người phương Tây không so sánh người nọ với người kia, ngành nọ với ngành kia như ở Việt Nam, bởi hành động đấy rất thiếu nhân văn. Giải thưởng chỉ là một thước đo tài năng nhưng không phải tất cả. Có những học giả như Samuel Huntington, Claude Strauss, Fareed Zakaria… mặc dù không giành được giải thưởng lớn nào, nhưng vô cùng nối tiếng và có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.

Ở các nước phát triển, các nhà nghiên cứu về các vấn đề lý thuyết trừu tượng hiếm khi trở thành NCCC, bởi các công trình họ làm ra không có chức năng giải trí, không dễ hiểu, và cũng không gắn liền với các vấn đề chính trị, xã hội mà công chúng quan tâm. Một số hiếm hoi trở thành biểu tượng của truyền thông như Einstein, Hawking,… bắt buộc phải tuân theo quy luật đối với NCCC, nghĩa là phải chấp nhận khen chê đa chiều. Bởi nếu chỉ “nói thật một chiều” như đợt tuyên truyền về GS Châu vừa qua sẽ dẫn đến thần thánh hoá rất nguy hiểm, đồng thời khiến cho không gian học thuật trở nên ngột ngạt, bức bối. Giới nghiên cứu có sự tự tôn rất cao. Họ có thể chia vui với thành công của người khác trong một vài ngày, vài tuần. Nhưng nếu “niềm vui” ấy kéo dài vài tháng thậm chí hàng năm trời thì sẽ trở thành sự tra tấn mệt mỏi. Ngoài ra, cần phải công bằng với các thế hệ đi trước. Trong suốt 15 năm ông Châu nghiên cứu đóng góp cho thế giới thì những người khác có những đóng góp trực tiếp hơn cho Việt Nam. Chưa kể có thể có những nhà khoa học tài năng không thua kém gì những người đoạt giải Fields, Nobel, nhưng do thiếu may mắn, cho nên đã không có cơ hội toả sáng.

Như đã nêu trong bài “Bình đẳng về danh dự và phẩm giá” (4), khái niệm bình đẳng đạo đức đã trở thành giá trị phổ quát ở các xã hội văn minh. (Con người có thể khác nhau về của cải vật chất, về vị trí làm việc, nhưng phải được bình đẳng với nhau về mặt tinh thần. Nghĩa là về nguyên tắc phải được tôn trọng như nhau. Nếu bạn khiến ai đó phiền muộn bởi cho rằng họ không cao quý, không giá trị bằng một ai khác, bạn cần hiểu rằng đó là hành vi phi đạo đức). Không chỉ giới nghiên cứu mà tất cả các giới khác trong xã hội đều có nhu cầu được tôn trọng tối đa, bởi đó là một trong những Nhu cầu cơ bản nhất của con người. Ngay cả các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học như Lương Phương Thảo (5) cũng từng thể hiện ý nguyện này: “Phải chăng mỗi bạn trẻ ngày nay đều là một nhân tài, mang trong mình một sức mạnh ghê gớm mà chúng ta chưa khai thác hết. Tôi cho rằng còn rất nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau về nhân tài”. Thế kỷ 19, ở Việt Nam không có nhà toán học nào cả nhưng sang đến thế kỷ 20, rất nhiều nhà toán học xuất hiện. Điều này không phải do gen toán Việt đến thế kỷ 20 mới từ trên trời rơi xuống, mà chỉ do nền giáo dục thời đó không hỗ trợ bất kỳ một tài năng toán nào phát triển. Tương tự, ở thời điểm hiện nay, có thể có vô số tài năng “sinh nhầm nước”, “sinh nhầm thời đại” cho nên sẽ không có cơ hội toả sáng. Thần tượng hoá ai đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, những người khác cũng có quyền không nghĩ giống bạn.

Còn một lý do nữa khiến cho giới khoa học hiếm khi trở thành NCCC. Đó là trước đây, chính vì tư tưởng đề cao một vài ngành khoa học rất phi nhân cho nên các học giả phương tây đã phổ biến thuyết “đa trí thông minh”, nhằm tôn vinh các dạng tài năng khác biệt trong xã hội. Ở nước nào cũng vậy, số người không theo đuổi một chuyên môn hay có đam mê đặc biệt nào cả luôn chiếm đa số. Và do vậy, theo đúng tỷ lệ dân số, trí thông minh phục vụ cộng đồng mới là dạng trí thông minh để trở thành NCCC. Những người sống không có đam mê, lý tưởng cần được hướng vào các hoạt động cộng đồng - những công việc phù hợp với sức họ - chứ không phải cần những tấm gương các nhà khoa học, mà họ không có những tố chất để phấn đấu trở thành người như vậy. Thời kỳ phát triển công nghiệp, trong số 10 người được giới teen Mỹ ngưỡng mộ nhất có Clara Barton, nữ hộ lý và là người sáng lập tổ chức Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ, và Annie Sullivan, một nữ giáo viên giảng dạy người khuyết tật. Nước Mỹ có rất nhiều danh nhân, nhưng chỉ có ba người có tên trong các ngày nghỉ lễ chính thức (public holidays): đó là Columbus - người tìm ra châu Mỹ; Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền da đen; và Washington - tổng thống đầu tiên. (Ngày Washington cũng đang dần bị thay thế bởi Ngày Tổng Thống, để kỷ niệm chung cho tất cả các tổng thống). Ngày nay, có lẽ chỉ còn Việt Nam là quốc gia lạc lõng, ra sức đề cao toán học một cách phi lý. Người viết bài này cho rằng chỉ khi nào hoạt động cộng đồng được đề cao ngang với các hoạt động chuyên môn thì Việt Nam mới có thể có được một xã hội đầy tính nhân văn, đủ sức hỗ trợ cho quản lý vĩ mô, và cuối cùng dẫn đến thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển. Những người hành nghề chuyên môn cần những góc riêng, tách biệt để khuyến học đối với thiểu số công chúng theo đuổi các chuyên môn này, nhưng cũng đồng thời để tránh “dẫm lên chân” các ngành nghề khác. Nhà khoa học dù sao cũng chỉ là người theo đuổi lợi ích cá nhân, hoặc lợi ích cục bộ của những người giống mình. Tầm nhìn và hiểu biết của họ thường bị hạn chế bởi chuyên môn hạn hẹp của họ, chứ không hướng đến lợi ích tối ưu cho toàn xã hội.

Một quốc gia 90 triệu dân mà chỉ có một nhà toán học được coi là đại diện cho trí tuệ là lối tư duy vừa tự ti, vừa xúc phạm đối với đông đảo trí thức đầy tự trọng, vừa phá hoại cộng đồng khoa học. Điều này cũng đi ngược lại với xu thế của thời đại, tôn vinh “sự khác biệt” và “đa trí thông minh”. Đặc biệt là GS. Châu đạt thành công trong bối cảnh hoàn toàn ở nước ngoài. Quốc gia nào cũng phải coi trọng những đóng góp trực tiếp cho chính nước mình ngang bằng, nếu không nói là hơn đóng góp quốc tế. Ngoài ra, không nên lạm bàn về nhân cách, đạo đức của một người, phần vì điều đó chỉ phù hợp khi người ấy đã đi đến cuối cuộc đời, phần vì trong khó khăn, cùng quẫn, đạo đức mới có cơ hội được minh chứng. GS. Châu còn rất trẻ, từ trước đến giờ luôn may mắn, thuận lợi hơn những người cùng thời, cho nên cần nhiều thời gian để thử thách. Tốt nhất là không nên cố gắng biến ông ấy trở thành NCCC. Việc GS Châu im lặng để bạn bè, học trò, nhân danh mình xúc phạm các nhà khoa học khác, nếu là một người chỉ làm chuyên môn thì không có vấn đề gì, nhưng để làm lãnh đạo thì cần phải xem lại. Bởi lẽ công việc lãnh đạo đòi hỏi khả năng đoàn kết nội bộ, giải quyết mâu thuẫn và khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng khoa học. Các toà báo nên lập danh sách cố vấn khuyến học công khai bao gồm vài trăm học giả thuộc nhiều ngành nghề thì tốt hơn là chỉ tập trung vào một vài người.

Nguyễn Kiều Dung
Nghiên cứu sinh kinh tế, Hoa Kỳ

Nguồn: Dân Luận, ngày 08/03/2011

(1) “Chớ vội tị ganh”. Tia Sáng, ngày 09/11/20010.

(2) “Tặng nhà cho GS Châu và chuyện leo lên miệng hố sâu”
. Tuần Việt Nam, ngày 20/11/2010.

(3) Cụ Hinh, “Thích học toán”. Blog Cụ Hinh.

(4) Nguyễn Kiều Dung, “Bình đẳng về danh dự và phẩm giá”. Chúng ta, ngày 20/02/2011.

(5) Lương Phương Thảo, “Những hạt giống khác biệt”. Tuổi Trẻ, ngày 31/01/2011.
.
.
.

No comments: