Thursday, March 17, 2011

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO 10 BỊ CÁO Ở BẮC GIANG (Tạ Phong Tần)

Tạ Phong Tần
Mar 17, '11 4:26 AM

- Kính thưa các vị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang! (Sau đây xin gọi là quý vị cho ngắn gọn).
- Đồng Kính thưa toàn thể cộng đồng người Việt Nam yêu nước, yêu sự thật và công lý trong và ngoài nước!

Tôi, Luật gia Tạ Phong Tần, hiện là nhà báo tự do ở Sài Gòn, Việt Nam. Người mà nếu không “nhờ ơn” các vị cán bộ nhà nước CHXHCN Việt Nam cướp hết giấy tờ, bằng cấp, học vị thì giờ này tôi đã là một luật sư chính thức, đường hoàng đứng giữa phiên tòa bào chữa cho các bị cáo, chớ không phải bằng một bản luận cứ đăng lên mạng cho toàn thể những ai có lương tri con người phán xét đúng sai, dư luận và lịch sử sẽ phán xét đúng sai.

Tôi đã đọc bản Cáo trạng số 34/KSĐT-TA ngày 14/2/2011 của Viện KSND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang truy tố 10 bị can:
- Lê Quốc Huy đã phạm vào 2 tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại điểm C khoản 2 Điều 245 và điểm b khoản 2 Điều 257 của Bộ luật hình sự .
- Ngô Đức Khánh, Nguyễn Hữu Luận, Lành Văn Thoại, Hoàng Văn Sức, Vũ Văn Tuấn, Thân Quang Trung tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 257 của Bộ luật hình sự .
- Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Sỹ, Thân Văn Thắng tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 của Bộ luật hình sự .

Tôi không được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án, không được tiếp xúc với bị cáo cũng như những người có liên quan nên tôi chỉ bào chữa trong phạm vi bản cáo trạng, chỉ ra những điều bất công, vô lý mà bản cáo trạng số 34/KSĐT-TA ngày 14/2/2011 áp đặt lên đầu 10 bị can nói trên.

Tôi- nhân danh một Ki-tô hữu, tình nguyện làm tiếng nói cho 10 người dân quê vùng núi xa xôi hẻo lánh và nghèo khổ, hạn chế trình độ pháp luật- là những người không có tiếng nói, là những người ra tòa mà không có luật sư bào chữa.

Kính thưa quý vị!

Phần mở đầu Cáo trạng viết:
Chiều tối ngày 23/7/2010, anh Nguyễn Văn Khương (con trai ông Nguyễn Văn Nhương) bị chết tại Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau khi thi hài của anh Khương được đưa về gia đình ông Nhương ở Xóm Cầu, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để tổ chức mai táng và các cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung xem xét để làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Nguyễn Văn Khương, thì khoảng 13 giờ ngày 25/7/2010, bức xúc trước cái chết đột ngột của anh Khương, gia đình ông Nhương đã tổ chức đưa quan tài anh Khương lên ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang nhằm gây áp lực, yêu cầu các cơ quan chức năng phải trả lời ngay về nguyên nhân cái chết của anh Khương và nêu ra một số yêu sách đối với cơ quan chức năng”.

Lật lại toàn bộ các tờ báo trong nước (được coi là lớn) đều thấy đồng loạt đăng bản tin giống nhau, dưới bài ghi rõ “Theo TTXVN”.
Chiều 26/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải đã gặp gỡ đại diện các cơ quan báo chí thông tin về vụ tụ tập đông người, gây mất trật tự trị an ở khu vực trụ sở UBND tỉnh chiều 25/7.
Vụ việc được xác định như sau: Khoảng 18 giờ ngày 23/7, lực lượng tuần tra cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Yên phát hiện anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đi xe máy biển kiểm soát 98M9-3894 chở chị Phạm Thị Ngoãn, sinh năm 1990, quê xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (cùng tỉnh Bắc Giang ), có lỗi vi phạm an toàn giao thông trên đường 398 thuộc địa phận thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Công an đã đưa phương tiện và người vi phạm vào trụ sở để lập biên bản xử lý. Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khoẻ không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết.

Thông tấn xã Việt Nam- cơ quan chỉ đạo báo chí Việt Nam hiện nay, TTXVN đăng cái gì thì các tờ báo khác không được đăng trái lại mà phải “sao y” nếu không muốn bị mất chức, bị đuổi việc. Tôi đính kèm theo đây hình ảnh 1 trang báo Lao Động ngày 27/7/2010 làm bằng chứng để quý vị xem truyền thông nhà nước đã bóp méo sự thật về cái chết của anh Nguyễn Văn Khương:

Sau khi người nhà nạn nhân và người dân Bắc Giang đã biểu lộ sự bất bình (chiều 25/7), mà chiều ngày 26/7, phó chủ tịch tỉnh Bùi Văn Hải vẫn còn tổ chức họp báo khẳng định với báo chí rằng anh Khương chết vì “sức khỏe không bình thường”. Từ đó, suy ra, ngày 23/7 cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang và những người có trách nhiệm cũng đã trả lời nguyên nhân cái chết của anh Khương là “sức khỏe không bình thường” mới dẫn đến việc gia đình nạn nhân bức xúc. Cáo trạng viết ngày 23/7 “các cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung xem xét để làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Nguyễn Văn Khương” là không đúng sự thật, nhằm bao che tội ác và đổ lỗi cho gia đình người chết cùng những người dân đòi hỏi sự thật và công lý.

Trước sự việc người thân chết oan khuất không rõ nguyên nhân, kẻ thủ ác được nhà nước dung túng, khỏa lấp tội trạng, thì bất cứ ai cũng phải phẫn nộ đòi hỏi công lý, đòi hỏi vụ án phải sáng tỏ. Tôi xin hỏi quý vị, nếu người thân của quý vị đang sống sân sẩn khỏe mạnh mà vào đồn công an có 1 buổi đã lăn đùng ra chết như anh Nguyễn Văn Khương thì quý vị có bức xúc không? Quý vị có muốn hành động để đòi lại công bằng không? Tôi đề nghị quý vị trả lời câu hỏi đúng theo lương tâm của mình (chớ không phải trả lời theo chỉ đạo của ai đó) rằng quý vị cũng muốn sự công bằng cho người thân của mình. Vậy thì quý vị có cần ai xúi giục, dụ dỗ, kích động mới biết đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp của thân nhân mình, của người đồng bào vô tội bị chết oan ức của mình? Tôi biết rõ câu trả lời của quý vị sẽ là “không” nếu quý vị vẫn là con người bình thường và có trái tim. Vậy mà, khôi hài thay, cáo trạng lại viết “Do một số phần tử xấu kích động nên đoàn người đưa quan tài của anh Khương về UBND tỉnh”. Tôi đề nghị vị đại diện VKSND giữ quyền công tố đang có mặt tại phiên tòa, vui lòng cho biết “số phần tử xấu kích động” này họ tên, năm sinh, nơi ở, nghề nghiệp của chúng cụ thể là ai, chúng “kích động” nhằm mục đích gì? Đã khẳng định là “kích động” tất các “phần tử xấu” này phải giữ vai trò chủ mưu, cần phải bị xử lý thích đáng, sao lại không thấy đem ra xử lý. Nếu cáo trạng và hồ sơ điều tra không chứng minh được điều này, thì cơ quan điều tra và VKSDN thành phố Bắc Giang dựng đứng và vu cáo trắng trợn cho người dân vô tội.

Phong tục người Việt từ xưa đã khẳng định “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Tôi đề nghị quý vị hãy chỉ cho tôi xem ở Việt Nam, nơi nào mà đám tang mà không tập trung đông người, không kèn, không trống, không tụng kinh gõ mõ, không náo động đường phố, xóm giềng? Thậm chí, báo chí còn phản ảnh thời gian gần đây có nhiều đám tang, kèn tây lẫn nhạc ta cùng rền rĩ suốt đêm ngày, tung giấy tiền vàng bạc trắng hết đường phố gây mất vệ sinh môi trường, nhưng không có đám tang nào bị xử phạt một đồng xu nhỏ, chỉ vì đó là phong tục tập quán lâu đời. Nay cáo trạng quy kết những người hàng xóm đưa tang anh Khương phạm tội “đánh chiêng”, “đánh trống”, các vị có thấy đó là cáo trạng đã vu cáo lố bịch không?

Cáo trạng kết luận 10 bị can (có tên ở trên) đã “làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ trên một số tuyến đường của thành phố Bắc Giang, làm 20 cán bộ, chiến sỹ công an bị thương với tỷ lệ thương tích từ 2% đến 25%, 8 xe ô tô cảnh sát bị hư hỏng gây thiệt hại 2.850.000 đồng; một số tài sản của UBND tỉnh Bắc Giang bị hư hỏng thiệt hại trị giá tài sản là 23.250.000 đồng” thì quả là hết sức khôi hài, quy chụp thiếu căn cứ.

Tôi đề nghị vị đại diện VKSND trả lời rõ những nội dung mơ hồ, khuất tất trong Cáo trạng:
- “Nhiều giờ” là từ mấy giờ đến mấy giờ, cụ thể là bao nhiêu giờ?
- “20 cán bộ, chiến sỹ công an bị thương” là những ai? (Họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác, được ai phân công đến hiện trường và giữ vai trò nhiệm vụ gì?). Cụ thể, chiến sĩ Nguyễn Văn A thương tích bao nhiêu %, chiến sĩ Nguyễn Văn B thương tích bao nhiêu %? Lúc đó chiến sĩ A, chiến sĩ B đang làm gì? Bị cáo nào gây thương tích cho A, cho B, gây thương tích bằng hung khí gì? Không có con người cụ thể, làm sao biết được ai là người đang thi hành công vụ hay chỉ là những kẻ mạo danh?
- “một số tuyến đường của thành phố Bắc Giang” cụ thể là tuyến đường nào? Diện tích mặt đường? Có bao nhiêu người tập trung ở đó? Bao nhiêu người là dân đi đám tang anh Khương? Bao nhiêu người là “người nhà nước”? Phương tiện (xe) cụ thể là gì? Số lượng? Của những ai? Tôi dám khẳng định với quý vị là riêng phần “người nhà nước” và “xe ô tô của nhà nước” đã đủ choán hết mặt đường. Nếu làm rõ những con số và so sánh, hẳn quý vị sẽ thấy nguyên nhân làm tắc nghẽn đường phố không phải là 10 bị cáo trong vụ án này, mà chính là từ các lực lượng của nhà nước. Sao lại đổ vạ cho người dân vô tội?
- “8 xe ô tô cảnh sát bị hư hỏng” là xe hiệu gì, biển số gì, của đơn vị nào?
- “một số tài sản của UBND tỉnh Bắc Giang bị hư hỏng” là tài sản gì? Hư hỏng như thế nào? Vật chứng hiện nay ở đâu? Có được thu giữ đúng trình tự quy định của bộ luật tố tụng hình sự không? Đơn vị nào giám định thiệt hại tài sản? Văn bản giám định đâu?

Nếu VKSND thành phố Bắc Giang không chứng minh được những vấn đề trên thì cái gọi là “gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của VKSND thành phố Bắc Giang mà thôi.

Cũng theo cáo trạng cho thấy, lực lượng “người nhà nước” đổ ra đường phố Bắc Giang lúc đó không phải chỉ có 20 người, không phải chỉ có 8 chiếc xe mà phải nhiều hơn gấp nhiều lần, nhưng cáo trạng không biết rõ là có bao nhiêu “người thi hành công vụ”, có bao nhiêu xe nhà nước có mặt tại hiện trường. Thậm chí, cáo trạng còn thừa nhận Công an đã bắn quả nổ (tức gây tiếng động lớn) trước đám đông quần chúng tay không tấc sắt. Đây là một sự bất công to lớn, sự chà đạp pháp luật trắng trợn khi người dân cùng nhau ra đường thì bị buộc tội còn “người nhà nước” kéo đến một lực lượng đông hơn làm tắc đường thì dân phải chịu trách nhiệm chớ không phải những kẻ trực tiếp gây ra tắc đường?

Với bị cáo Lê Quốc Huy: bị truy tố 2 tội “gây rối trật tự công cộng” và ‘chống người thi hành công vụ”
- Bằng vào 1 câu nói “mọi người lên đi” của thanh niên trẻ lạ mặt (đang đi xe máy) Lê Quốc Huy mà tất cả người dân đều nghe theo Huy, làm cho Huy “thành công” hành vi “gây rối” thì quả là sự lạ đời. Các vị là những người đã có tuổi, có địa vị xã hội, có chức vụ… nhưng các vị cứ thử ra đường mà la lên “mọi người lên đi” xem có ai nghe lời các vị mà “lên” không? Chắc chắn là không. Vì vậy, vin vào một câu nói vu vơ không có chủ ngữ của một kẻ thấp cổ bé miệng để buộc tội “gây rối” là thiếu căn cứ pháp luật. Không có chứng cứ nào chứng minh được rằng cái đám đông kia đổ ra đường là vì Lê Quốc Huy bảo “lên đi” thì họ răm rắp nghe lời.
- Cáo trạng cho rằng “Khi lực lượng Công an bắn quả nổ Huy đã nhặt 1 vỏ đạn ném về phía lực lương Công an đang làm nhiệm vụ” là phạm tội “chống người thi hành công vụ”. Cáo trạng không nêu rõ ai (họ tên, đơn vị, có mặc sắc phục?) bắn quả nổ, bắn hướng nào (nhằm thẳng vào Huy hay bên cạnh Huy), đã nổ chưa? Huy có biết đó là quả nổ không? Quả nổ có tác dụng gì? là những vấn đề khuất tất chưa được điều tra làm rõ. Bắn vào người ta mà bảo người ta đứng im mặc kệ cho nó nổ vào mặt mình thì quả là đòi hỏi hết sức vô lý và vô nhân đạo. Trong trường hợp này, bất kỳ ai cũng có phản ứng tự vệ là nhặt lấy ném về hướng khác, bất kể đó là hướng nào miễn nó không nổ ngay chổ mình đứng, trong thời khắc ấy ai còn đủ bình tĩnh để tính toán là nên ném về hướng nào? Một hành động phản xạ tự vệ bình thường của Lê Quốc Huy đã bị cáo trạng “quan trọng hóa” lên để trở thành hành vi phạm tội.

Với 3 bị cáo Nguyễn Xuân Hồng (có hành vi phạm tội là “đánh chiêng”, Nguyễn Văn Sỹ (có hành vi phạm tội là “khiêng trống”, Thân Văn Thắng (có hành vi phạm tội là “đánh trống”) cho đám tang nhà hàng xóm (ông Nhương, dưới sự phân công của ông Nguyên – Trưởng xóm) thì sự mĩa mai, chế giễu pháp luật của cáo trạng đã được tăng thêm nhiều bậc, một sự nhạo báng tình làng nghĩa xóm, một kiểu đề cao tư tưởng “sống chết mặc bây”, không có tình người trước cái chết oan khuất của anh hàng xóm hiền lành là anh Khương.

Tôi xin hỏi gia đình quý vị có ai nhà có người thân chết mà không nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm lo ma chay, kèn trống, đạo tỳ? Hay chỉ có người trong nhà các vị tự mình làm lấy tất cả, tự mình vác quan tài đi chôn không cần đến hàng xóm? Hay các vị làm đám tang người thân các vị còn linh đình, rộn ràng hơn đám tang anh Khương gấp 100 lần, mà có thấy khách khứa nào của các vị bị buộc tội “đánh chiêng”, “khiêng trống”, “đánh trống” đâu? Hay chỉ đám tang người nhà nước XHCN mới có quyền “đánh chiêng”, “khiêng trống”, “đánh trống”? Thậm chí cho quân lính đông nghẹt đổ ra chặn mấy đoạn đường xung quanh nơi tổ chức đám tang không cho dân chúng qua lại như đám tang ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2008 ở Sài Gòn? Còn dân đen thì không có quyền dù đó là phong tục tập quán nên phải bị khép tội “gây rối trật tự công cộng”?

Với 6 bị cáo Ngô Đức Khánh, Nguyễn Hữu Luận, Lành Văn Thoại, Hoàng Văn Sức, Vũ Văn Tuấn, Thân Quang Trung bị truy tố tội “chống người thi hành công vụ”, đều có hành vi giống nhau là ném gạch vỡ, ném vôi vữa vào lực lượng công an nhưng cáo trạng không hề thấy nêu rõ vật chứng được thu thập như thế nào, có đúng pháp luật không, ai là người bị các bị cáo này ném, thương tích ra sao (nếu có)?

Thưa quý vị! Quý vị đã nhiều lần ngồi ghế xét xử trong nhiều phiên tòa, quý vị có thấy vụ án nào có kẻ gây thương tích nhưng lại không có người bị hại chưa? Tất nhiên là không, làm gì có chuyện vô lý như vậy, nhưng điều vô lý đó đang diễn ra tại phiên tòa này. 6 bị cáo Khánh, Luận, Thoại, Sức, Tuấn, Trung bị kết tội ném đá, ném gạch nhưng không có người bị hại nào là người đang thi hành công vụ, ngay đến một cái tên dân đen là bị hại cũng chẳng có. Nói họ “chống” thì phải có đối tượng cụ thể để chống, đâu có “chống” không khí được. Không có người thi hành công vụ” nào là bị hại, vậy sao có thể buộc tội 6 bị cáo “chống người thi hành công vụ” được?

Kính thưa quý vị!

Từ đầu đến cuối cáo trạng buộc tội các bị cáo bằng những chứng cứ mơ hồ, từ đầu đến cuối không hề có người làm chứng, không có người bị hại, cũng không có vật chứng. Những căn cứ buộc tội đều mơ hồ, khuất tất và trái pháp luật. Điều đó cho thấy, vụ án này được nhà cầm quyền Bắc Giang dựng lên nhằm để trả thù những người dân đen thấp cổ bé miệng, chỉ vì họ dám kêu đòi công lý trước cái chết oan ức của một dân đen khác (mà nhà cầm quyền Bắc Giang đang cố tình bao che tội ác).

Tôi không được tiếp xúc hồ sơ vụ án và các bên có liên quan, tôi dám khẳng định với quý vị rằng nếu tôi có đủ quyền của một luật sư chính thức thì tôi còn chỉ ra cho quý vị thấy nhiều điều vô lý hơn nữa trong việc người ta cố tình gán ghép tội để đàn áp người dân hơn là để thi hành pháp luật.

Vì vậy, tôi đề nghị quý vị hãy đứng về phía sự thật và công lý bằng cách tuyên 10 bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa kia là họ vô tội. Sự thật, công lý và pháp luật phải được tôn trọng và thực thi trong bất cứ trường hợp nào, bằng bất cứ giá nào. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi tên các vị. “Anh hùng tử khí hùng bất tử/ Thiên niên mai cốt bất mai danh”.

Xin cám ơn tất cả quý vị đã đọc bản luận cứ bào chữa này!

Sài Gòn, ngày 16/3/2011
Luật gia TẠ PHONG TẦN

--------------------------------------


.
.
.

No comments: