Nguyễn Vạn Phú
Wednesday, March 2, 2011
Dân Luận: Xin trích dịch một đoạn Reuters viết về ông Nguyễn Văn Giàu để độc giả tham khảo bài viết dưới dễ dàng hơn: "Giàu lên thay Lê Đức Thúy, người có liên quan đến vụ scandal hối lộ của Securency, một chi nhánh in tiền thuộc Ngân Hàng Dự Trữ Úc Châu. Kể từ khi rời bỏ vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thúy tiếp tục là nhân vật có nhiều ảnh hưởng với tư cách cố vấn cho Thủ tướng và đã công khai đấu khẩu với Giàu về các chính sách tiền tệ.
Người trong cuộc nói rằng Giàu là một người cẩn thận và nguyên tắc khi ra quyết định. Ông có vẻ như xuất hiện đúng lúc các vấn đề tiền tệ và tài chính của Việt Nam trong những năm gần đây bộc phát, mặc dù ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có được sự độc lập phải có, và ông phải cạnh tranh với Thúy và những cố vấn khác để được Thủ tướng lắng nghe. " (http://danluan.org/node/7991)
------------------------
Nếu các giải pháp Chính phủ đưa ra có tác dụng tâm lý tích cực bao nhiêu thì các phát biểu ngược nhau của các quan chức lại phá tan tính tích cực đó bấy nhiêu.
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cứ khơi khơi trả lời phỏng vấn báo chí, rằng nhất thiết phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phản bác ngay, nói bây giờ mà tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên là điều không tưởng. Chắc ổng cũng bực, mình là Thống đốc, sao có người cứ xía vô chuyện điều hành nên mới nói: “Chỉ có ngân hàng trung ương mới biết được và có quyền lựa chọn giải pháp nào là phù hợp”.
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng, tuyên bố với báo chí, hiện nay, số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỉ USD. Vì ông không tách bạch giữa doanh nghiệp với ngân hàng nên không ai biết ngân hàng đang giữ bao nhiêu ngoại tệ nhưng chắc cũng là con số lớn lắm.
Ngược lại, ông Giàu khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện ngân hàng nào găm giữ ngoại tệ. Ông còn nói rõ hơn: trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại trước khi điều chỉnh tỷ giá, trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống dương 1,58%, sau khi điều chỉnh trạng thái âm 1,16%.
Đặc biệt là trường hợp ông Lê Đức Thúy. Ông này nhiều lúc trả lời phỏng vấn báo chí như một người ngoài cuộc. Chẳng hạn ông nói: “Chúng ta giữ lại lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn quá thấp. Những ngân hàng lớn mua trái phiếu chính phủ thậm chí cao hơn lãi suất huy động, chịu lỗ một chút sau đó lên thị trường liên ngân hàng cho vay lại 15-20%. Họ kiếm lời trên lưng nhà nước”. Đó là chính sách tiền tệ do ông giám sát, nếu có lổ hổng như thế một phần do ông giám sát chưa tốt, sao lại đổ lỗi cho ngân hàng “kiếm lời trên lưng nhà nước”?
Hay ở chỗ là có lúc ông đề nghị nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên, lúc thì nói chống lạm phát ở đây không đồng nghĩa với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và để cho doanh nghiệp không sống nổi. Nói được như vậy thì giỏi thiệt.
* * *
Nhân đây cũng xin nói một chút về chuyện cấm kinh doanh vàng miếng ngoài thị trường tự do.
Phải nói người dân nước ta có sức chịu đựng rất tốt. Ở nước khác khi nhà nước tuyên bố cắt giảm chi tiêu ngân sách, người dân nước họ sẽ phản đối ngay nhưng người dân nước ta lại hoan nghênh, chấp nhận thắt lưng buộc bụng để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo kêu gọi của nhà nước.
Thế nhưng nếu không khéo, đưa ra những kế hoạch kiểu như cấm kinh doanh vàng miếng sẽ có tác dụng ngược, hiệu quả tâm lý tích cực bị triệt tiêu mất.
Hiện nay vàng miếng được sử dụng như một loại ngoại tệ ở Việt Nam và vì thế đang cộng hưởng với đô-la Mỹ gây ra những xáo động trên thị trường tiền tệ. Đô-la Mỹ thì Nhà nước có thể quản lý tỷ giá, ấn định ở mức mong muốn nhưng vàng thì không. Tỷ giá đô-la trên thị trường tự do vừa tác động vào giá vàng trong nước, đồng thời giá vàng trong nước lại phản ánh tỷ giá tự do này. Cấm kinh doanh vàng miếng tức là giảm được những tác động ngoại ý này.
Đó là ý muốn. Nhưng liệu một nghị định cấm kinh doanh vàng miếng như thế có đạt được ý muốn này không?
Chắc chắn là không.
Bởi nếu không sử dụng được vàng miếng để bảo toàn tài sản, người dân sẽ quay sang vàng nữ trang. Và lúc đó sẽ có những loại vàng nữ trang y chang vàng miếng. Ví dụ người ta sẽ đục thêm một cái lỗ giữa miếng vàng bốn số chín của SJC và nói đây là loại nữ trang đời mới thì sao?
Không dùng vàng nữ trang thì người ta sẽ quay sang địa ốc, ngoại tệ khác hay bất kỳ một tài sản nào khác, miễn sao tính mua bán dễ dàng, chênh lệch giá mua bán không lớn như vàng miếng. Lúc đó không lẽ sẽ có những nghị định khác, lần lượt cấm các loại tài sản này?
Ngược lại, nếu một nghị định như thế ra đời, tâm lý người dân sẽ bị tác động mạnh, giới kinh doanh với đủ chiêu thức vẫn sẽ kinh doanh được và mức lời sẽ tăng vọt trong khi thiệt hại sẽ nghiêng về phía người dân, chẳng hạn chênh lệch giá mua bán vàng sẽ tăng mạnh trong một thị trường mua bán chui.
Theo tôi, không nên có một nghị định như thế mà chỉ cần cấm kinh doanh vàng ảo, từng một thời gây ra những xáo động to lớn. Nếu tỷ giá ổn định, giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế thì không việc gì phải để ý đến nó nữa.
Các báo lúc đó cũng sẽ giảm bớt tin tức về giá vàng. Ở các nước khác, không có chuyện biến động giá vàng cứ được đưa tin đậm như ở Việt Nam.
.
.
.
No comments:
Post a Comment