Thursday, March 3, 2011

KHÔNG THÍCH HỢP VỚI DÂN CHỦ ? (The New York Times)


Trần Quốc Việt, X-Cafe chuyển ngữ
Thu, 03/03/2011 - 13:33

Phải chăng thế giới Ả Rập chưa sẵn sàng hưởng tự do? Hiện vẫn còn rơi rớt định kiến lạc hậu cho rằng có những người như người Ả Rập, người Trung Quốc và người Châu Phi không thích hợp với dân chủ. Nhiều người trên thế giới cứ lo sợ biết đâu "quyền lực nhân dân" sẽ đưa đẩy đến hỗn loạn như ở Somali, nội chiến như ở Iraq hay trấn áp như ở Iran.

Người Phương Tây và, đáng buồn hơn, chính một số những nhà lãnh đạo người Ả Rập, người Trung Quốc và người Châu Phi từ lâu đã nuôi dưỡng định kiến ấy. Vì thế cùng với phần lớn Trung Đông ngày nay đang hò reo vang trời, chúng ta hãy bàn thẳng đến câu hỏi không đúng lập trường: Phải chăng những người Ả Rập còn quá non kém về chính trị nên không thể nào thực thi dân chủ?

Ngày nay mối ưu tư này là ý nghĩa tiềm ẩn trong nhiều lo sợ, từ Washington đến Riyadh. Hoàn toàn chắc chắn rằng có nhiều nguy cơ: các vụ lật đổ từ vua ở Iran, đến Saddam Hussein ở Iraq, Tito ở Nam Tư, tất cả đều đưa đến sự áp bức mới và đổ máu mới. Năm 1977 người Congo hân hoan khi truất phế được nhà độc tài lâu năm ở nuớc họ, nhưng nội chiến tiếp sau đó là cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Nếu Libya trở thành một Congo khác, nếu Bahrain trở thành nước chư hầu của Iran, nếu Ai Cập bị tổ chức Huynh đệ Hồi giáo kiểm soát - thôi thì trong những hoàn cảnh ấy người dân bình thường biết đâu cuối cùng lại mơ tưởng về những kẻ đàn áp cũ.
Sau khi triều đại nhà Thanh bị lật đổ, Lỗ Tấn, văn hào Trung Quốc, tuyên bố: "Trước cách mạng, chúng ta là nô lệ, còn hiện nay chúng ta là nô lệ của những nô lệ cũ." Phải chăng đấy cũng là tương lai của Trung Đông?

Tôi không nghĩ như thế. Hơn nữa, theo tôi, nếp nghĩ này có vẻ như xúc phạm đến thế giới không có tự do. Trong mấy tuần qua tại Ai Cập và Bahrain, tôi thấy mình bé nhỏ hẳn đi trước những người cả nam lẫn nữ can đảm phi thường mà tôi chứng kiến đã đương đầu với hơi cay hay đạn để giành lại tự do mà chúng ta coi bình thường. Lẽ nào chúng ta có thể nói những người này chưa sẵn sàng cho nền dân chủ mà vì nó họ sẵn sàng chết?

Chúng ta những người Mỹ nói tràng giang những lời nhạt nhẽo tầm thường về tự do. Như cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh của mình, các nhà vận động dân chủ ở Trung Đông đã chịu đựng bao tra tấn không thể nào tưởng tượng nỗi dưới tay của những kẻ độc tài vốn là đồng minh của chúng ta, tuy nhiên họ vẫn kiên trì. Ở Bahrain, các cựu tù chính trị kể vợ của họ đã bị đưa vào nhà tù ngay trước mắt họ. Và rồi họ được thông báo nếu họ không thú tội vợ họ sẽ bị hãm hiếp tức thì. Cách tra tấn ấy, hay những cách tra tấn thông thường hơn, thường lấy được những lời nhận tội tạm thời, tuy nhiên những nhà hoạt động dân chủ này vẫn kiên trì bền bỉ trong cuộc đấu tranh dân chủ trong suốt nhiều năm trời. Lẽ nào chúng ta lại hỏi họ có đủ chín chắn chưa để thực thi dân chủ?

Sợi chỉ chung xuyên suốt phong trào dân chủ trong năm nay từ Tunisia đến Iran, từ Yemen đến Libya, là khí phách can trường. Tôi chắc chắn không bao giờ quên được người bị mất hai chân tôi gặp tại Quảng trường Tahrir ở Cairo khi đám du côn của Hosni Mubarak đang tấn công bằng đá, dùi cui và bom xăng. Người trẻ này đã lăn chiếc xe lăn lên tận tuyến đầu. Lẽ nào chúng ta hoài nghi vốn hiểu biết của anh về dân chủ?

Ở Bahrain, tôi theo dõi đoàn người cả nam lẫn nữ tay không tiến thẳng bước về hướng lực lượng an ninh khi mà, vào ngày hôm trước, những toán quân này đã khai hỏa bằng đạn thật. Liệu có ai dám nói rằng những con người như thế còn quá non nớt nên không thể thực thi dân chủ?

Đúng, con đường trước mặt sẽ còn lắm gập ghềnh. Sau cuộc Chiến tranh giành độc lập ngưòi Mỹ phải mất sáu năm mới bầu ra vị tổng thống đầu tiên, và chúng ta tưởng chừng như lại sụp đổ tan tành vào thập niên 1860. Khi Đông Âu đạt được dân chủ sau những cuộc cách mạng năm 1989, Ba Lan và Cộng hoà Czech thích ứng tốt, nhưng Romania và Albania phải trải qua hỗn loạn suốt trong nhiều năm. Sau cuộc cách mạng quyền lực nhân dân năm 1989 ở Indonesia, tôi tình cờ gặp những đám đông cuồng nộ ở miền đông Java chặt đầu người rồi cắm đầu họ lên các ngọn giáo mang đi.

Lịch sử ghi nhận rằng sau vài lầm lẫn, các quốc gia thường thành công. Giáo dục, thịnh vượng, các mối quan hệ quốc tế và các thể chế xã hội dân sự đều đóng góp phần mình vào sự thành công. Hơn nữa, nhìn chung, Ai Cập, Libya và Bahrain ngày nay đều sẵn sàng cho dân chủ tốt hơn Mông Cổ hay Indonesia thể hiện vào thập niên 1990, và ngày nay Mông Cổ và Indonesia đều thành công. Cách đây vài ngày Thủ tướng Anh David Cameron viếng thăm Trung Đông (có các nhà buôn vũ khí đi cùng), và ông thừa nhận thẳng thắn rằng nước Anh trong một thời gian rất dài đã ủng hộ các chế độ độc tài để đạt đến sự ổn định. Ông thừa nhận nuớc ông đã cả tin vào quan niệm mù quáng là "những nguời Ả Rập hay người Hồi giáo không thể nào có dân chủ." Rồi ông nói tiếp:" Riêng tôi, quan niệm ấy là thành kiến gần như sự kỳ thị chủng tộc. Nó vừa xúc phạm vừa sai, và hoàn toàn không đúng."
Quan niệm này vẫn còn là quan điểm thường được rêu rao bởi các chế độ độc tài Ả Rập, nhất là Ả Rập Saudi, và tất nhiên, bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và hầu hết các bạo chúa Châu Phi. Thật không may khi những người Phương tây cũng mù quáng tin như thế, nhưng thật càng đáng buồn hơn khi các nhà lãnh đạo trong thế giới đang phát triễn cũng bày tỏ những thành kiến như thế về chính nhân dân họ.

Trong thế kỷ hai mươi mốt, không có con đường thực tế nào khác ngoài con đường đứng về phía quyền lực nhân dân. Giáo sư William Easterly ở trường Đại học tổng hợp New York đề ra tiêu chuẩn hổ tương như sau: "Tôi không ủng hộ chế độ độc tài trong xã hội của anh nếu tôi không muốn chế độ ấy trong xã hội của tôi."

Tiêu chuẩn ấy nên là điểm xuất phát mới của chúng ta. Tôi hết sức ngưỡng mộ trước lòng can đảm tôi thấy, và thật là hạ cố và ngu ngốc khi ám chỉ rằng những người rất ao ước dân chủ lại chưa sẵn sàng chuẩn bị cho niềm vui ấy.
.
.
.

No comments: