Sunday, March 20, 2011

KÈN CHIÊU MUÔN DẶM (truyện ngắn Hành Tư)


Khi mặt trời vừa ló dạng trên đỉnh núi Cấm thì nhà sư Nhựt Thi và người đệ tử đã xuống đến triền dốc Ðá Chài. Nghe tiếng thở hơi mạnh phía sau của Lãnh, nhà sư dừng lại, tiếng ông nhẹ mà chắc. – Mình nghỉ chút đi con, vụ chuyển đồ đêm qua chắc mấy anh em cũng mệt - Lãnh dạ nhỏ vì mắc cở với thầy. Với sức thanh niên miền núi, anh mới tham dự chuyến chuyển hàng nhỏ đêm qua từ Tri Tôn theo kinh Thất Sơn về núi Bà Ðội chưa quá giờ Tý, trong khi anh biết thầy anh đã mấy đêm không ngủ vì phải vượt nhiều dặm đường quanh vùng Thất Sơn lo công việc. Vậy mà theo thầy xuống núi sáng nay, anh cố dấu sự mệt mỏi mà không qua mắt được thầy mình.
Lãnh ngồi xuống bàn đá nhỏ điều hòa hơi thở cho mau lại sức. Nhà sư Nhựt Thi vẫn đứng, tay chống cây cuốc xuống đất, mắt ông nhìn xa xăm trước cảnh hùng vĩ của núi rừng trùng điệp. Ông như cây đại thụ kỳ dị mọc giữa đám rừng hoang vu này. Chiếc nón lớn rộng vành vẫn không che khuất hai điểm đặc biệt trên khuôn mặt ông, đó là đôi mắt sáng quắc và cái cằm vuông có vết sẹo dài độ ngón tay út gần phía tai phải. Mái tóc ông đã điểm bạc được búi gọn phía sau, giống như các vị chân tu thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương không chấp vào hình thức bề
ngoài. Trông ông như kẻ giang hồ chọc trời khuấy nước và không có dáng vẻ hiền từ của nhữNg nhà tu hành bình thường. Dù đã ngoài ngũ tuần, nhà sư Nhựt Thi vẫn còn sức khỏe dẻo dai vô cùng cũng nhờ thời tuổi trẻ luyện tập võ nghệ.
Nghỉ mỗt chốc, Lãnh cầm cuốc đứng dậy ý chừng đã hết mệt và muốn mời thầy đi tiếp, sợ vì mình mà trễ hẹn. Lãnh nói:
- Bạch thầy, khoảng giờ Mùi chắc Sào Nam tiên sInh sẽ đến nơi hẹn.
Nhà sư Nhựt Thi không dùng cuốc chống đất mà vẫn vừa đi thoăn thoắt xuống dốc núi vừa nói chuyện:
- Ðường từ xứ Nghệ vào đến tận miệt này mà tìm người cứu nước, cái tâm của tiên sinh khó ai sánh nổi. Thầy nghe người liên lạc nói tiên sinh đi cùng với một tiểu đồ, nên cũng yên tâm.
Lãnh đi theo làm việc với nhà sư Nhựt Thi đã lâu nhưng vì sao thầy mình kính trọng quá mức một người khách chỉ nghe tên mà chưa hề gặp. Lãnh bồn chồn hỏi ngập ngừng:
- Bạch thầy, con xin phép hỏi thêm, Sào Nam tiên sinh là người ra sao?
Câu Lãnh hỏi làm nhà sư Nhựt Thi trầm ngâm giây lát. Hai người vẫn bước đều trên con đường rừng ngoằn ngoèo bị che khuất bởi cây lá rậm rạm, làm cả hai phải vừa đi cúi cúi, vừa phải vén lá vạt cây mà đi. Tiếng chim rừng vang lên từng hồi như chào đón hai người của chốn thâm sơn. Vượt khuất đoạn đường khó đi, nhà sư Nhựt Thi trả lời người đệ tử:
- Thầy vẫn chưa là kẻ dám tựa đá chống trời nên không dám đo lòng anh hùng, nhưng Sào Nam tiên sinh là người có chí cả và đủ kiên tâm làm việc đó. Thầy may mắn đọc được “Lưu cầu huyết lệ tân thư” thấy tiên sinh tỏ rõ tâm trí của bậc sĩ phu vì nước vì dân. Tiên sinh tuổi chưa đến tứ tuần mà chẳng màng danh lợi như dám khoa bảng thường tình, thiệt là hiếm có. Ðầu năm nay, thầy đọc được tân thư; cuối năm lại được tác giả đến tận Thất Sơn gặp. Năm Qúy Mão được gặp qúy nhân, thật là kỳ duyên.
Sang giờ Mão, hai dáng áo nâu đã xuống đến chân núi. Trước khi vượt qua một đụn cát mịn chạy khá dài, hướng tề khu rừng thốt nốt gần núi Sam, sư Nhựt Thi chợt đứng lại rồi qùy xuống nhìn về phía Ðông núi Cấm lạy bốn lạy. Lãnh chợt hiểu và cũng qùy xuống lạy. Nơi phía Ðông mà nhà sư Nhựt Thi kính cẩn gửi tâm nguyện của mình là vùng rừng Bảy Thưa và đồng lầy Láng Linh, nơi trù mật của đoàn nghĩa quân “Gia Nghị” dưới sự chỉ huy của Ðức Cố Quản Trần Văn Thành kháng chiến đánh thực dân Pháp, cách đó đã hơn ba mươi năm.

*
Vào giờ Mùi. Khu rừng thốt nốt có tiếng lao xao chuyện trò của một đám dân phu đang làm việc. Nhóm thì chặt cây, nhóm thì bẻ trái thốt nốt bỏ vào những bao vải lớn…. Ðó là công việc bình thường của người địa phương. Nhưng, nếu để ý kỹ sẽ thấy những sự kiện bất thường. Ðám dân phu sử dụng toàn dao, rựa, mác rất sắc; lại chia từng nhóm làm việc như bày thế trận làm hàng rào người bao quanh khu rừng; điều đặc biệt hơn nữa là họ làm việc rất chậm rãi như có dư giả thời gian.
Ở trong khoảng rừng chính giữa hàng rào người đó, ánh nắng thỉnh thoảng len qua cây lá, loáng lên trên màu áo vải nâu sờn cũ của hai người đàn ông có phong thái khác thường, đang cầm cuốc chuyện trò qua lại. Một người là nhà sư Nhựt Thi. Người kia là khách xa đến từ xứ Nghệ.

*
Ông lão kể đến đó chợt ngừng lại, bỏ chiếc vòng đen đã chùi bóng xuống bên cạnh những đồ trang sức khác cũng bằng loại đá đen trên chiếc bàn nhỏ cũ kỹ và lấy chiếc vòng khác trong rổ dưới đất lên đặt giữa miếng dạ nâu đã ngả màu xám xịt vì chùi đá quá nhiều lần. Người thanh niên ngồi bên cạnh kiên nhẫn chờ ông lão nói tiếp. Ráng chiều đã đổ xuống thấp dần phía sau chợ Tri Tôn. Mới bốn giờ chiều mà chợ vắng ngắt, nhiều người bán hàng uể oải thu xếp đồ hàng ra về. Một tên công an có nhiệm vụ canh gác khu gần chợ Tri Tôn thẫn thờ đếm mấy chục bạc nhàu nát ra chiều thất vọng. Thuế “đen” hôm nay chỉ thu được có bấy nhiêu! Người thanh niên vẫn yên lặng. Ông lão dường như không để ý đến vẻ đợi chờ này, nói bâng quơ.
- Chợ Tri Tôn trước không vậy đâu cậu. Dân nườm nượp buôn bán trên bến, dưới ghe. Giờ thì chẳng có gì của mình để mà bán…. Rồi như nhớ đến câu chuyện dở dang nửa chừng với người thanh niên, ông lão nhíu mày nói tiếp, giọng vẫn thản nhiên như không. À, cậu Chuyên về nghỉ chút đi, lão cũng phải về sớm có chuyện, mai ta lại nói chuyện tiếp.

*
Nhìn người thanh niên lững thững đi về, sau khi lễ phép chào, ông lão gật gù nói lẩm nhẩm câu gì đo không rõ. Ðó là lần thứ ba họ gặp nhau.
Ông lão vẫn còn nhớ như in vào tuần trước, khi đang ngồi vừa chờ khách đến mua vừa lau chùi những món trang sức bằng đá đen, thì có người thanh niên lạ mặt đến ghé sập hỏi thăm. Sau lời giới thiệu dăm ba phút, ông lão được biết mục đích của khách lạ ghé Châu Ðốc.
Chuyên là một sinh viên theo học khoa Sử Ðịa tại Sài Gòn, anh muốn đến Châu Ðốc tìm hiểu thêm một số hoạt động của nhà cách mạng tiền bối Phan Bội Châu để viết thêm vào bài nghiên cứu luận án tiến sĩ đặc biệt về cụ Phan. Anh đã ghé Tân Châu và Châu Phú, đưa giấy tờ giới thiệu của trường đại học cho các ủy ban nhân dân huyện yêu cầu giúp đỡ nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, họ chẳng biết gì cả; anh bèn tìm gặp những vị cao niên quanh hai huyện này hỏi thăm nhưng không mang lại kết quả. Ðến Tri Tôn, anh kiên nhẫn tìm quanh chợ huyện cũng ít thấy người già. Tình cờ đến dãy sập bán đồ tạp nhạp trước cửa chợ, Chuyên gặp ông lão bán đồ trang sức rẻ tiền. Nhìn ông lão râu tóc bạc phơ nhưng dáng khỏe mạnh, phong cách phi phàm đang ngồi cặm cụi chùi bóng
những miếng đá đen tuyền, Chuyên có linh cảm mình đã gặp đúng người.
Lần đầu tiếp xúc biết qua ý định của Chuyên, ông lão tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thẳng vào đôi mắt chân chất và cương quyết của người thanh niên này. Và buổi nói chuyện ngày hôm đó không kéo dài bao lâu.
- Tội nghiệp cậu, thời buổi này mà lại cất công đi tìm hình ảnh, di tích của người xưa. Tuổi lão xấp xỉ bảy mươi, vào thời cụ Phan, lão cũng chỉ là đàn con cháu. Người cùng thời với cụ chắc đã quy tiên hết rồi. Về tận miệt này, tôi e cậu sẽ thất vọng vì chẳng còn ai mà hỏi. Lão không biết có thể giúp gì cậu jhông? Nếu cậu còn nán lại đây lâu, sáng ngày kia ta gặp lại.
Chuyên vui vẻ trở về căn phòng trọ của người bà con và vẫn giữ nguyên sự linh cảm chính xác của mình, duy chỉ vướng một thắc mắc nhỏ. Ông cụ biết mình gấp sao lại không hẹn ngày mai mà là ngày kia?

*
Lần gặp thứ hai. Khi Chuyên đến đã thấy ông lão ngồi chờ với bình nước trà nóng và hai ly nước.
- Cậu uống chút trà Thất Sơn đi rồi ta nói chuyện. Châu Ðốc đã ít trà, cuối năm còn ít nữa. Lão còn để dành gói trà từ năm ngoái. Như không chờ đợi khách nói lời cảm tạ, ông lão vào thẳng chuyện chính. Tại sao cậu lại muốn tìm hiểu về cụ Sào Nam?
Chuyên cảm thấy không ngần ngại, tự nhiên tỏ bày lòng mình trước ông lão lạ thường.
- Thưa cụ, cháu không dám dấu. Một phần như đã thưa, cháu được biết cụ Sào Nam có lần ghé Châu Ðốc liên kết người có lòng cứu nước, nên cháu muốn bài luận án của mình có thêm phần này cho đầy đủ hơn. Lý do kế là theo gia phả ở nhà, gia đình cháu có liên hệ gia tộc với cụ Sào Nam, đó là chuyện tình cảm gia đình mà cháu thấy có bổn phận phải ghi chép cẩn thận.
- Thì ra vậy. Ông lão chợt cười sảng khoái, rồi cầm ly nước trà đưa cho Chuyên. Cậu uống trà đi. Anh em cụ Phan không nhiều, họ hàng cũng chẳng bao nhiêu, vậy mà Châu Ðốc hôm nay được đón một người hậu bối của cụ, thật là quý quá. Ðiều lão muốn nói, những hiểu biết của lão về cụ Phan chắc không nhiều. Cậu kiếm sách của cụ để lại hoặc các tài liệu khác cũng có thể tìm vừa đủ việc đi lại của cụ Phan ở Thất Sơn. Sao lại mất công xuống tận đây làm chi?
Mặc dù chưa được chuyện trò nhiều với ông lão, nhưng Chuyên cảm thấy sở học của ông lão rất rộng và chợt nhận ra giọng nói của ông vẫn có vẻ khác với dân địa phương. Chuyên tiếp lời.
- Thưa cụ, trước đây sách vở về Sử Ðịa dù không nhiều nhưng cũng dễ dàng tìm hỏi. Sau này, họ vào thu hết sách cũ, nói là sách ngụy phản động. Nhiều người còn lưu giữ cũng chỉ có thể chuyền tay lén đọc. Bên bộ văn hóa gì đó chỉ in Sử liệu có lợi về tuyên truyền, vì vậy không còn lại bao nhiêu. Ðặc biệt về cụ Phan, họ ít khi in tài liệu riêng biệt.
- Cậu có hiểu vì sao không?
- Dạ hiểu.

*
Lần gặp gỡ thứ ba, Chuyên được nghe ông lão kể một phần về cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan và nhà sư Nhựt Thi ở vùng Thất Sơn, nhưng anh vẫn còn mong muốn ông lão nói thêm nữa. Ðến lần gặp thứ tư, ông lão ngỏ ý muốn mời Chuyên về nhà ít ngày.
Ðường đi khá xa. Nơi ông lão ở là một ngôi nhà tranh nhỏ hẹp, gần dưới chân núi Cấm. Vùng ông ở vắng vẻ, lưa thưa một số nóc gia của người Miên và Việt, nhưng địa thể khá đặc biệt. Phía Tây có đường đi qua núi Dài, núi Tượng. Phía Ðông dùng được kinh Tri Tôn và kinh Thất Sơn đi qua An Giang và lên tỉnh lỵ Châu Ðốc. Phía Nam lên thẳng núi Cô Tô. Chung quanh nhà ông lão màu đất tươi tốt nhưng chỉ trồng một ít rau cải trên khu đất nhỏ phía sau, cạnh ao cá rộng khoảng mười thước vuông. Sau một buổi sáng đi bộ khá mệt, Chuyên đến nhà ông lão vào giữa trưa và rất ngạc nhiên tại sao ông lão gần thất tuần này lại có thể đi bộ khỏe như vậy!
Ông lão đưa Chuyên ra phía sau nhà rửa mặt trong một cái khạp nhỏ múc từ cái lu lớn chứa nước mưa. Gió núi đầu năm thổi hây hây cũng làm Chuyên cảm thấy ớn lạnh. Ông lão vẫn đứng đợi Chuyên và mắt long lanh trông về phía Thất Sơn. Nhìn hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ trong bộ áo bà bà đen bạc màu, Chuyên thấy dâng lên niềm kính trọng mà vẫn chưa hiểu tại sao và anh lặng lẽ đến bên cạnh ông. Ông lão đưa tay chỉ một vòng cung quanh vùng và nói:
- Ðây là vùng đất tốt, vậy mà dân cũng không muốn khai hoang trồng trọt nhiều, chớ đừng nói đến các nơi khác trong nước. Cậu hiểu vì cớ gì không? Dân chỉ làm đủ ăn vì có dư bao nhiêu cũng bị nhà nước này thu mua hết. Mà thôi, chuyện còn dài. Lão biết cậu muốn biết thêm về công việc của cụ Phan ở vùng này. Phía trước mặt cậu là núi Cấm đó, nơi mà sư cụ Nhựt Thi đã xuống núi gặp người anh hùng xứ Nghệ mà lão đã kể hôm trước. Chắc cậu đã biết phần nào kết quả sau đó. Sách cụ Phan để lại cũng không cho biết nhiều. Nếu nói rằng cụ Nhựt Thi nương nhờ cửa Phật để hoạt động cứu nước cũng đúng, hoặc cụ đã tìm thấy tinh thần giữ gìn đạo nước trong kinh kệ, chuông chùa cũng chẳng sai. Trước kia, sư Nhựt Thi là một tay hảo hán giang hồ nhưng rất trọng đạo nghĩa; sau khi thực dân vào cướp nước ta, sư đã tự động chiêu mộ dân quanh vùng luyện tập võ nghệ, dáo mác và dùng địa thế Thất Sơn làm thế trường kỳ kháng thực. Chính vì dân theo đông nên thực dân tìm bắt. Bởi vậy mà người giang hồ phải nương bóng nhà chùa thành sư Nhựt Thi để tránh tai mắt giặc. Cụ Phan vào trong này để tìm gặp những người nghĩa dũng, nhất là những nghĩa quân của cụ Trương Ðịnh và Thủ Khoa Huân còn ẩn náu khắp nơi. Khi nghe về cụ Nhựt Thi, cụ Phan tìm cách liên lạc tức thì. Sau lần gặp gỡ kỳ ngộ đó, cụ Phan hẹn cụ Nhựt Thi vào mùa Xuân năm sau ra Trung hội bàn với một số người then chốt, trong đó có Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể. Tháng Hai năm Giáp Thìn, vào năm 1904 thì phải, cụ Phan trở ra Trung, đến Quảng Nam gặp cụ Tiểu La Nguyễn Thành một ngày trình bày tổng quát về chuyến xuôi Nam rồi phải ra Huế, vì cụ Phan đang là thí sinh chờ thi Hội, nếu vắng mặt lâu sợ bị nghi hoặc. Qua kỳ thi, cụ Phan bí mật vào Quảng Nam để hội với cụ Nhựt Thi ở nhà cụ Nguyễn Thành, rồi lại cùng cụ Nhựt Thi ra Huế yết kiến Kỳ Ngoại Hầu. Cụ Phan cũng đưa cụ Nhựt Thi về Quảng Nam họp với các nhà cách mạng Trình Công Hiền ở Ô Gia và Châu Thượng Văn ở Hội An. Xong việc trù hoạch, cụ Nhựt Thi liền trở vào Nam lo đốc thúc mọi việc. Tiếc rằng sử đã không có cơ hội ghi chép thêm gì về cụ Nhựt Thi. Không ai biết tin tức gì sau khi cụ từ giã xứ Quảng.
Chuyên thấy ông lão ngưng kể và chợt thở dài rất nhẹ, anh định hỏi câu gì đó song lại thôi. Việc ông lão kể thì anh đã biết một phần nào, nhưng một thắc mắc trong đầu anh lại càng lớn thêm vì không hiểu tại sao một cụ già thông suốt chuyện nước lại sống ẩn dật ở nơi hẻo lánh này. Ông lão như hiểu điều anh nghĩ, quay lại nhìn anh hỏi:
- Cậu đã đến đây rồi, sao không bỏ thêm chút thời gian thăm núi Cấm vào sáng mai? Sức tôi còn leo núi cũng không đến nỗi tệ. Cậu là sinh viên có giấy tờ nghiên cứu Sử Ðịa và đi với một ông già thì có gì mà ngại về an ninh!

*
Dù ông lão đi rất chậm, Chuyên khá vất vả cầm cây gậy chống theo con đường mòn lên núi. Cũng nhờ khí lạnh trong vách đá bốc ra và nhờ các tàn cây rợp kín nên Chuyên cũng cảm thấy dễ chịu. Dù là lối mòn có sẵn nhưng đường đá cong queo, nhiều chỗ có cây ngã nằm chắn ngang, khiến hai người có lúc phải trèo lên mình cây hoặc có lúc phải chui qua kẹt đá mới đi được. Tiếng chim muông thỉnh thoảng kêu lên làm vang cả núi rừng. Ðường đi có nhiều chỗ thật tối, âm u như đi vào hang động. Lâu lâu lại có vài tia nắng xuyên qua các tàn cây lá trông như những đường kiếm thủy tinh nhỏ xíu. Ông lão như đã quen thuộc đường đi, vừa bước tới vừa phải quay lại nhìn Chuyên. Ði một lúc thì bỗng dưng một khối ánh sáng tỏa xuống khiến anh chói mắt ngỡ ngàng. Trước mặt anh là một vách đá cao sừng sững như bức trường thành. Chuyên chưa kịp hỏi ông lão thì đã thấy tiếng chân loạt xoạt của hai người đàn ông khoảng trung niên, vận quần áo đen và quấn khăn rằn ở cổ, tay cầm cuốc cầm rìu như tiều phu, đang đi ngược xuống núi. Cả hai chắp tay vái chào ông lão và Chuyên rồi tiếp tục đi không nói lời gì. Như để giải thích cho anh hiểu, ông lão đứng lại, chậm rãi nói:
- Họ là dân làm rừng mà lão thường gặp, không có gì đáng ngại. Mình đang ở dốc Ðá Chài, đường đi tới sẽ hơi khó đi khoảng vài trăm thước. Cậu nhắm chừng cũng đói, ta nghỉ một chút ăn tạm cơm nắm muối mè rồi sẽ tiếp tục.

*
Hơn sáu tiếng sau, cả hai đã lên đến đỉnh núi Cấm. Chuyên gần như không còn cảm thấy mệt khi nhìn thấy trước mắt mình cả một vùng Thất Sơn hùng vĩ. Anh chỉ kịp thốt lên hai chữ đẹp quá rồi đi như chạy quanh bốn phía như muốn ôm trọn cả cái bao la của vùng Thất Sơn kỳ tú này. Ông lão đứng yên lắng nhìn Chuyên với nụ cười hiền hòa. Một lúc sau, ông lão mới lên tiếng:
- Chúng ta đang đứng trên chỏm núi Bò Hong của núi Cấm cao nhất Thất Sơn, mà dân địa phương gọi chỏm núi là “vồ”, và là vồ cao nhất trong năm vồ khác. Lão nói thêm về Thất Sơn cho cậu rõ. Vùng Thất Sơn nằm trong khu tam giác Tịnh Biên-Nhà Bàng-Tri Tôn và chiếm một địa thế chiến lược khá quan trọng, trở thành một pháo đài thiên nhiên kiên cố bên cạnh Miên và Thái, án ngữ cả vùng Hà Tiên-Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang. Cậu có biết khi nói đến Thất Sơn, dân chúng phải nói đến người nào không?
- Thưa cụ, người đó có phải là Phật Thầy Tây An Ðoàn Minh Huyền, cũng là người ảnh hưởng tinh thần đạo giáo sâu nặng đối với Ðức Huỳnh Phú Sổ? Chuyên nhẹ nhàng trả lời.
Ông lão chỉ tay về hướng núi Sam ở phía Ðông núi Cấm nói:
- Linh tự của Phật Thầy ở đó nhưng tinh thần đã thấm trong từng vách núi, cây rừng. Ông là người đầu tiên vào Thất Sơn khai hoang lập ấp. Nói đến Thất Sơn hùng vĩ, ngoài cảnh vật thiên nhiên, Thất Sơn còn là nơi biểu lộ tinh thần yêu nước dạt dào của dân mình. Khi thực dân Pháp vào, Thất Sơn đã trở thành khu chiến. Việc cụ Thủ Khoa Huân vào Thất Sơn chiêu mộ nghĩa quân, chắc cậu đã rõ. Nhưng còn nhiều người quan trọng khác mà sử sách ít nói đến như các cụ Nguyễn Văn Do, Ðức Minh, Cử Ða, Phi Lai, Ngô Lợi…. Hầu hết các cụ đều là nhà kẻ xuất gia. Ðến sau này lão mới hiểu ngọn nguồn chân lý của mọi đạo pháp đều từ đạo nước mà tồn tại. Chân núi Sam còn mộ cụ Trương Gia Mô, một sĩ phu lỗi lạc mà cụ Phan Bội Châu có làm một bài thơ tỏ sự thương tiếc.
Cậu có biết cách nay gần bốn mươi năm, trên núi này có một nhà sư còn sống; thời cụ Phan, ông làm giáo viên rồi bỏ nghề đi theo phong trào Ðông Du của cụ Phan. Thời nào cũng có người nối được chí của người đi trước. Còn thời này, những người tuổi trẻ như cậu Chuyên nghĩ sao?
Chuyên cảm thấy sự hiểu biết và tâm hồn mình còn quá nông cạn so với ý tưởng của ông cụ già. Anh biết mình đã đến rất gần điều mong muốn.
- Bẩm cụ, nếu cháu đoán không lầm, cụ không phải là người sinh trưởng vùng này?

*
- Lão biết cậu sẽ hỏi như vậy.
Ông lão nhìn Chuyên với nụ cười trong ánh mắt. Gió núi vẫn thổi từng chặp trong màu nắng gắt. Biết đã quá Ngọ và chuẩn bị đưa người khách trẻ xuống núI, ông lão cúI xuống đất nhặt cây gậy đưa cho Chuyên tà vẫn giữ giọng nói trầm đều:
- Cậu rành về Sử học thời gần đây, chắc phải biết nhân vật Nguyễn Bá Trác. Cũng là một người khoa bảng đó, cũng là một nhà văn thơ đó chớ; có thời thơ ông cũng thường được ngâm nga giọng hùng khí bên bữa rượu tiệc chè. Tiếc thay chí nhỏ lòng kiêu, mượn thơ văn khuất tất lòng tay sai bán nước của mình. Năm 1914, cụ Lương Ngọc Quyến vào Long Xuyên gặp các chiến hữu trong Nam, tình cờ gặp ông Trác cũng là bạn cũ thời bên Nhật. Lộ trình cụ Quyến qua Xiêm tự dưng thực dân biết, may mà cụ thoát kịp. Cậu biết ai đã chỉ điểm cho thực dân không? Rồi đến những ngày cuối cùng của cụ Phan Bội Châu khi bị giam lỏng ở Huế, vẫn có người làm quan khá lớn thường xuyên đến phủ dụ cụ Phan ra giúp giặc. Cậu có biết là ai không? Ông Trác. Lão không có sự kiêu hãnh như cậu khi có liên hệ gia tộc với cụ Sào Nam, ngược lại, trong liên hệ gia đình, lão đã phải gọi ông Trác là chú.
Giọng ông lão vẫn đều đều trước sự kinh ngạc của Chuyên. Năm 1940, cụ Phan mất, lão chưa tới hai mươi. Hổ thẹn vì em mình làm tay sai cho giặc, thân phụ lão đã đưa cả gia đình rời quê Bắc trôi giạt xuống tận miệt này. Lúc lớn lên, lão xem việc ông Trác làm nhục gia đình là việc nhỏ, làm hại đất nước mới là chính. Ðã quá lâu không có dịp nói việc này. Lão chỉ muốn hỏi cậu một câu. Cậu vào Thất Sơn chủ yếu tìm người phải không?
Câu hỏi đột ngột của ông lão đã làm Chuyên sửng sốt.
- Thưa cụ, sao cụ lại biết rõ như vậy?
Ông lão vỗ nhẹ vai Chuyên rồi cùng bước chậm về phía lối mòn xuống núi.
- Lão biết cậu là người có lòng. Nhưng đến rừng núi tìm người cứu nước thì làm sao cậu theo kịp việc đấu tranh. Ði là về, về là đi. Cậu đứng trong rừng núi thì gặp ai được. Ðầu tiên gặp cậu, lão biết việc nghiên cứu Sử Ðịa chỉ là cái cớ, tìm di tích cụ Phan cũng chỉ là cái cớ. Cậu đi tìm tinh thần đấu tranh của cụ Phan thì sẽ gặp ngay nơi cậu sinh sống, sao lại vào tận Thất Sơn làm chi cho trễ nãi việc chung. Ðâu có nơi nào mà dân mình chịu khuất phục đâu!
- Bẩm cụ, Chuyên nói lắp bắp trong nỗi hạnh phúc tràn đầy, xin cụ chỉ cho cháu việc phải làm.
Ông lão chỉ tay về hướng núi Tượng, nói tiếp:
- Trong núi đó chứa nhiều loại đá đen rất quý. Nếu đào nó ra, đá sẽ trở thành hữu dụng, có ích cho nhiều người. Còn không, đá nằm trong núi, dù là ngọc, cũng trở thành vô dụng. Lão làm nghề mài đá, vốn không phải đúng nghề, cũng chỉ là cái cớ mà thôi. Thời này, miếng ăn còn không đủ, có ai nghĩ đến trang sức bên ngoài làm chi! Già trẻ, nam nữ phải đồng lòng, hết sức mới diệt hết giặc được. Lão nói như vậy chắc đã đủ ý. Cậu là người có chí lớn, tâm thành, sau này ta sẽ có duyên trùng phùng. Về đến thành phố, sẽ có anh em liên lạc với cậu. Thôi, ta xuống núi cho kịp.

*
Thời gian ngắn sau đó, Chuyên vẫn tiếp tục học tại Sài Gòn nhưng không tốt nghiệp. Bài luận án của anh về cụ Phan Bội Châu vẫn chưa ghi chép gì thêm. Chuyên có quá nhiều công việc mới phải làm và tâm nguyện sẽ hoàn tất bài luận án của mình bằng hành động hữu ích.
Rất nhiều lúc Chuyên nhớ đến cuộc hội ngộ với ông lão vùng Thất Sơn và tưởng nhớ lại ngày vượt lên núi Cấm. Lời nói của ông lão vẫn còn ghi lại trong không gian hùng vĩ của núi rừng, vang vọng mãi trong tâm hồn anh như tiếng kèn lệnh xuất quân.

© Hành Tư
© Đàn Chim Việt Online
.
.
.

No comments: