Tuesday, March 15, 2011

"HỘI THỀ" CÓ PHẢI LÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ "SÁNG GIÁ" ? (Đặng Văn Sinh)

Đặng Văn Sinh
Đăng ngày 15/03/2011 lúc 18:22:32 EDT

Từ khi đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (2006-2009) chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Hội thề của Nguyễn Quang Thân đã được báo chí trong nước ca ngợi như là một tiểu thuyết lịch sử sáng giá. Nếu đúng như vậy thì thật đáng mừng cho nền tiểu thuyết Việt Nam, chí ít đã có một tác phẩm “ngang tầm thời đại”, tạo không khí văn chương sôi động cho giới cầm bút vốn không ít tham vọng, muốn làm một cái gì đó chấn hưng sự nghiệp văn chương vốn đang lắm nỗi đoạn trường.

Thế nhưng, đùng một cái, nhà văn Trần Mạnh Hảo tung ra đến ba bài phê phán gay gắt chẳng những tác giả mà còn chỉ trích cả ban giám khảo cố tình trao giải thưởng cao quý cho một tác phẩm… phản lịch sử!

Đọc xong các bài viết của anh Hảo, tôi đâm hoảng. Chẳng lẽ một cây bút có bề dày kinh nghiệm như Nguyễn Quang Thân mà lại sơ suất như vậy? Nhưng đáng tiếc là không có có sách trong tay, mà lại đang ở nơi “khỉ ho cò gáy”, đành chịu phép. Rất may, sau đấy mấy hôm, tôi được nhà văn Hoàng Quốc Hải gửi cho bản photocopy Hội thề. Thật là như đại hạn vớ được mưa rào, tôi lao vào… đọc, và, càng đọc càng… thất vọng!

Nhìn chung, 332 trang của Hội thề đều lấy cảm hứng từ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Những chi tiết khác ít nhiều mô phỏng Đại Việt sử ký toàn thư, dã sử hoặc truyền thuyết. Dấu ấn của sự sáng tạo không đáng là bao nên tác phẩm ít gây được ấn tượng đối với người đọc ngoài những đoạn lên gân, tục tĩu, triết lý ngô nghê gây phản cảm. Bình Ngô đại cáo là một áng “thiên cố hùng văn”, là bản tóm tắt cô đọng, súc tích cuộc kháng chiến gian khổ mười năm của nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lê Lợi, đã bị Nguyễn Quang Thân làm cho trở thành méo mó. Nguyễn Quang Thân viết tiểu thuyết lịch sử ở thời điểm đầu thế kỷ XV nhưng chỉ cần đọc chương “Xương Giang” là có thể thấy được ông lấy cảm hứng từ hai cuộc chiến ở Việt Nam 1946-1954 và 1964-1975 với khá nhiều đoạn mạch sử dụng từ, ngữ, thuật ngữ chiến tranh hiện đại.

Viết tiểu thuyết lịch sử nghiêm túc rất khó. Tuy nhiên không phải không làm được, cho dù thành công ở các mức độ khác nhau. Đó là: Lều chõng của Ngô Tất Tố, Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều TrầnTám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải… Trước khi đặt bút viết, các tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý tư liệu, rồi lại còn trăn trở, suy ngẫm để có được cách hành văn cho phù hợp với không khí thời đại, phải cẩn trọng tìm hiểu kỹ các nhân vật lịch sử cùng với việc khảo cứu điển cố, mới mong có được chỗ đứng trong lòng độc giả. Hội thề hầu như bỏ qua giai đoạn này, tác giả chỉ sử dụng những tài liệu có sẵn, nếu quả thật có sự “sáng tạo” cũng chỉ là đem những chi tiết, tình tiết, tình huống, phong tục tập quán của thời hiện đại đặt vào khung cảnh thế kỷ XV làm người đọc sửng sốt bởi độ liều hiếm thấy của một nhà văn có bề dày sáng tác và niên xỉ đáng kính.

Với tiểu thuyết lịch sử, vấn đề danh xưng cũng là điều phải cẩn trọng. Trong cơ quan đầu não của một cuộc khởi nghĩa có tầm cỡ ngang với một triều đình lâm thời không thể có cách xưng hô như đám lục lâm thảo khấu. Huống hồ, Lê Lợi là bậc hào trưởng từng học chữ thánh hiền (cách nói tôn trọng nền giáo dục Nho học), chí lớn bình thiên hạ, luôn khao khát người hiền tài giúp rập trong màn trướng, không thể gọi tên huý cộc lốc với thái độ miệt thị những trí thức từng đỗ đại khoa hay dòng dõi công hầu khanh tướng là “Trãi”, “Hãn”. Tệ hơn nữa, Nguyễn Quang Thân còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần danh xưng “Thị Lộ” để chỉ người thiếp của Nguyễn Trãi trong khi bà có họ Nguyễn hẳn hoi chứ không phải thuộc hạng mèo mả gà đồng. Nguyễn Thị Lộ quê Thái Bình, là một phụ nữ tài hoa, sau này được nhà vua sắc phong “Lễ nghi học sĩ” chuyên trách dạy các cung nữ học chữ và lễ tiết. Không biết từ bao giờ, trong xã hội phong kiến, người ta thường gọi loại đàn bà bất hảo là “thị” kèm theo tên huý. Điều này chắc là có nguồn gốc từ các sử quan phong kiến như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và nhất là Ngô Sỹ Liên. Đến nay, cho dù là thời đại mới, “dân chủ gấp triệu lần tư sản” và đặc biệt là rất coi trọng vai trò phụ nữ, vậy mà ở các cơ quan tư pháp, người ta vẫn dùng y nguyên cách gọi ấy với nữ bị can (chưa nói đến bị cáo hoặc phạm nhân). Trong khi ấy, Nguyễn Thi Lộ là một tài nữ, từng sát cánh với chồng, phù tá Lê Lợi làm nên chiến thắng oai hùng chống ngoại xâm, vậy mà tác giả Hội thề dám hạ bút không chỉ một lần “Thị Lộ”. (Nếu ai đó vẫn còn băn khoăn, xin hãy vào Google đánh từ khoá Nguyễn Thị Lộ, các bạn sẽ có được thông tin khá đầy đủ của bà). Cũng xin nói thêm, Nguyễn Thị Lộ chưa bao giờ được phong “Đại học sĩ”, một quan hàm chỉ dành cho những bậc đại khoa, bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm hoặc được Tham dự triều chính.

Nguyễn Trãi là văn thần, đậu Thái học sinh (tiến sĩ), từng giữ chức Ngự sử đài chính trưởng triều Hồ Hán Thương, đến khi cùng Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn đã bàn mưu tính kế giúp nghĩa quân Lam Sơn giành nhiều thắng lợi. Cũng chính ông là người thay Lê Lợi viết hàng loạt thư dụ hàng vừa đanh thép vừa thấu tình đạt lý góp phần quan trọng vào kế hoạch “mưu phạt tâm công”. Nguyễn Trãi là một nhân cách lớn, vừa có tài kinh bang tế thế vừa là nhà thơ lỗi lạc của thế kỷ XV, được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới nhân dịp kỷ niệm sáu trăm năm ngày sinh của ông, không thể giống như Nguyễn Quang Thân miêu tả. Nguyễn Trãi trong Hội thề là một anh học trò Bắc Hà (cách gọi rất sai lầm của Nguyễn Quang Thân. Danh từ này chỉ xuất hiện thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVI, và địa giới Bắc Hà bắt đầu từ bờ bắc sông Gianh, như vậy, Lam Sơn Thanh Hoá vẫn thuộc Bắc Hà), nhếch nhác, bần tiện, thậm chí phải khúm núm trước đám đầu lĩnh Lam Sơn vô học, võ biền, ăn nói tục tằn, tham lam và hám gái, hoặc chắp tay cung kính trước viên hàng tướng Thái Phúc chỉ vì cái ơn ông ta đã đối xử tử tử tế với người cha bị bắt qua ải Bắc. Một Nguyễn Trãi với thân phận kém cỏi như thế hẳn là không thể xứng đáng vị trí “quân sư” của thủ lĩnh Lam Sơn. Trang 322, Nguyễn Quang Thân múa bút tả cảnh Nguyễn Trãi từ biệt viên hàng tướng Thái Phúc: “Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái. Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh với thân phụ tôi và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải Bắc. Còn vái này là cảm tạ công lớn của đại huynh với nghĩa quân và sinh lịnh hai nước, vái này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút là Trãi này…”. Còn đây là “tâm sự” củ ông bại tướng Tàu: “… Xin huynh hãy thận trọng với lòng căm thù của kẻ vô học với người có học, của kẻ bất tài tham lam với thiên tài trong sáng. Tiểu nhân luôn thắng người quân tử. Bảo trọng!”.

Văn chương nói chung, và văn xuôi nói riêng, cái gọi là “văn” vô cùng quan trọng đối với chất lượng tác phẩm. Ý tưởng của tác giả dù có tốt đến mấy mà ngôn ngữ diễn đạt yếu thì cũng xem như một loại thứ phẩm. Ngoài tư tưởng, văn chương chính là tiêu chuẩn khẳng định trình độ người viết, anh ta có phải nhà văn đích thực hay chỉ là cây bút nghiệp dư! Nói một cách công bằng, văn của Hội thề là sự kết hợp một cách lởm khởm của khẩu ngữ và lời thoại cải lương hoặc tuồng chèo. Vì thế nó không tạo được tinh thần lịch sử, không khí lịch sử cuộc kháng chiến chống quân Minh hồi đầu thế kỷ XV. Đó là thứ văn rời rạc đầy những câu khoa trương, phóng đại, lời thoại rườm rà, tối nghĩa thậm chí ngô nghê được đặt vào miệng các nhân vật lịch sử cả của ta lẫn Tàu.

Như trên đã nói, văn Hội thề là văn cải lương hoặc tuồng chèo dùng để “diễn tấu” hơn là để đọc bởi thủ pháp ước lệ bị lạm dụng quá nhiều. Câu văn, nhất là trong lời thoại thường rườm rà bởi tác giả luôn mở rộng thành phần, chêm thêm khẩu ngữ, mặt khác lại sử dụng thủ pháp cường điệu, ngoa dụ của loại hình diễn xướng sân khấu mà ngữ nghĩa tương đối gần nhau hoặc trùng nhau nên mạch văn rối, gây tâm lý ức chế với người đọc. Nhưng, hãi hùng hơn cả vẫn là những đoạn tác giả, với tư cách là người dẫn chuyện, sử dụng một lối văn “báo tường” tràng giang đại hải, có khi kéo hết vài ba trang, trần thuật hoặc kể rông dài, mà thông tin thì nhạt nhẽo, ý trùng lặp, từ ngữ tuỳ tiện. Chúng ta có thể gặp những câu văn viết theo kiểu này nhan nhản khắp nơi trong Hội thề. Chúng tôi không dám trích dẫn vì sợ mất thời gian và sự kiên nhẫn của của các bạn.

Dưới đây là một số lời thoại điển hình của các nhân vật chính, xin trích nguyên văn để rộng đường dư luận:

“…Ông về giữa đêm hôm khuya khoắt thật không phụ lòng ta. Hãy cởi áo giáp, ăn miếng bánh chưng nóng này rồi nói ta nghe bọn chó Thôi Tụ đang cụm nhau lại ở Xương Giang ra sao?” (trang15)

Đừng nóng ông anh vợ! Ông không biết rằng chuyến đi này Trãi có thành công thì cũng là nhờ sau lưng đã có chiến công của đại quân và tướng lĩnh các ông hay sao?” (trang 17)

Vương Thông là kẻ háo sắc, đã có lần chính mắt đệ thấy y phi ngựa lui quân mà vẫn quờ tay hốt được một cô thôn nữ Đại Việt núp bên vệ đường rồi dặt lên yên ngựa mang vào thành. Thằng kẻ cướp! Y làm nhục đàn ông Trung Nguyên. Thú thật với huynh, mười năm đánh nhau hết Thanh Hoá (?!) đến Nghệ An (?!), đệ không biết đến mùi đàn bà!” (trang 23)

Ông Trãi, hồi nãy ông bảo đưa thư của ta cho giặc già Mộc Thạnh. Thư của ta nhưng là do ông thủ bút. Nhân tiện có ông thiếu huý anh vợ ta ở đây, ta cũng muốn cho tướng sĩ Lam Sơn biết rằng, từ mệnh ta trong quân thứ chính là ông Trãi. Những lá thư gửi tướng giặc ấy có sức mạnh đuổi giặc công thành không thua kém đạo quân nào. Tướng sĩ ta mà được nghe cũng thêm phần hào sảng, sướng lắm. Người danh sĩ đất Đông Quan (!?), ông hãy đọc lên cho ta và ông thiếu huý đây nghe bức thư lui được năm vạn quân Mộc Thạnh!”(trang 28)

Là người từng sống nhiều năm với chúa công và tướng lĩnh Lam Sơn, ông biết họ không thuộc dòng thi thư, niềm vui của họ là tuốt kiếm ra. Dưới mắt họ những kẻ ham đọc sách chỉ là một lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần nhổ nước bọt khi ông đọc thơ, Lê Sát từng nói khi biết chua công giao một cánh quân lớn cho Trần Nguyên Hãn: ‘ Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch’” Sát nhiều lần mắng mỏ mấy ông đồ coi sổ sách quân lương: ‘ Ngữ các ông không bằng cục phân” (trang 29)

Ông luôn quên nàng là vợ ông nơi quân thứ. Nàng chỉ muốn là vợ ông chứ không phải là một mưu sĩ. Nhưng khốn nạn thay, nàng lại ở bên cạnh ông ngay giữa tiền quân (!?), trong đại bản doanh nghĩa quân, vây giưa bốn bề gươm giáo, chết chóc, trên đầu vợ chồng nàng là nhà vua, ngay trong khi hai người ân ái, nhà vua cũng ở lầu trên, ngăn cách với phòng vợ chồng nàng chỉ là một lớp ván mỏng gắn kết sơ sài. Đã bao lần nàng tự hỏi: hay là mình đòi hỏi chồng quá quắt trong hoàn cảnh chinh chiến, ông ấy còn gánh vác trách nhiệm Thái Sơn (!?) của nghĩa quân, giặc Minh còn giày xéo Đại Việt, nàng được thế này cũng đã quá sung sướng, lễ giáo và quân pháp ưu ái cho riêng nàng đã gây ra tị hiềm mà chồng nàng phải chịu đựng trong ấm ức…” (trang 39)

Hy vọng ấy chẳng khác nào lửa rơm khi ngày lại ngày đại quân triều đình thua trận liên tục và đang dồn đống lại trên cánh đồng Xương Giang” (trang 42)

Tráng sĩ nào cũng vậy, một cất nhắc chân tay đều phải chính danh. Quan thái giám (!?) cùng ta sang đây là vực dậy một nước đã diệt, nối lại một dòng họ đã tuyệt, sao ngươi lại lấy oán trả ân?”(trang54)

Ta là Nguyễn Thống, cháu ruột Tuyên Phụng đại phu thượng thư Nguyễn Trãi, con em của Đại Việt, quân sĩ của Bình Định Vương Lê Lợi…”(trang 54)

Không khí chiến tranh bao trùm ngôi nhà, khu vườn. Có thể cảm được, ngửi được mùi thuốc súng, máu me và chết chó lan đến tận đây…”(trang 60)

Chỗ ông ta (Thái Phúc) ở đủ xa để khỏi dòm ngó đại doanh nếu có tà tâm, cũng đủ gần để tiện cho việc mà trướng bởi nhà vua thỉnh thoảng lại cho triệu ông vì chuyện gì đó. Còn Nguyễn Trãi thì hễ rỗi một chút là tìm ông, nhiều khi chỉ để uống một chung rượu hay bình luận một bài thơ biên tái thuở Thịnh Đường. Qua những lần gặp gỡ lúc thư từ, lúc bên ấm trà ly rượu với Nguyễn Trãi, người hàng tướng bỗng hiểu ra rằng, cả ông, cả Trãi không phải sinh ra để làm vương làm tướng hay xông xáo nơi gươm đao mà cho thi ca và một cuộc đời đạm bạc của kẻ hàn sĩ” (trang 70)

Ông cứ gọi tôi là Trãi như hồi chúng ta còn thư từ kết bạn với nhau. Chúa công mới ra ngoài chưa được vài ngày tôi đã oằn lưng vì công việc. Hôm này lại mời ông đến đây để xin ông chỉ giáo” (trang 72)

Xin đa tạ lời vàng của hiền huynh. Trãi này cũng nghĩ thế. Nhiều lúc Trãi tôi tự hỏi, tại sao tôi và huynh lại từng là cừu thù mà không phải là một Tử Kỳ và một Bá Nha?”(trang 74)

Vậy là ngươi đã hiểu được việc phải làm. Ta không đến được quân thứ để huý lạo, thật ân hận vì cái lỗi đó của người làm tướng. Có chút quà mọn Lam Sơn, ngươi hãy hoà nước lã (!?) cùng uống với quân sĩ, gọi là chút lòng quý mến (!?) của ta trước giờ lâm trận” (trang 96)

Ta vời ông sang Kinh Bắc trước giờ khởi trận Xương Giang, chắc bà Lộ oán ta lắm?”(trang 101)

Đi trận với ông anh vợ ta thường đói nẫu ruột mà không biết kêu ai. Xong trận Xương Giang ta lại về Bồ Đề để đem nào cũng được ăn bánh chưng rán mỡ. Trãi, ông thật tốt phúc!” (trang 102)

Đáng lẽ chúa công và anh em nghĩa sĩ Lam Sơn phải xin các vị nho sĩ Bắ Hà (!?) bỏ qua cho cái tội vô học. Chúng tôi sinh ra thời nhiễu nhương, từ chăn trâu cắt cỏ mò cua bắt ốc mà lên, chữ nghĩa thánh hiền không đầy một vốc, đâu có được học hành tử tế như người trong lầu son gác tía!” (trang 102)

Ông biết mình không làm mấy kẻ sĩ Bắc Hà (!?) thán phục, liên tài về thi thư chữ nghĩa. Nhưng ông đủ bản lĩnh để họ chẳng những không dám coi thường mà còn coi ông như một minh chủ huyền thoại đáp ứng được niềm tin mà họ đánh mất trong những cuộc nổi dậy chống giặc Minh thời kỳ Hậu Trần. Thời lai đồ điếu thành công dị/ Sự khứ anh hùng ẩm hận đa chỉ là tiếng kêu than của giới nho sĩ mất niềm tin…” (trang 133)

Có gì ngươi cứ nói, đừng ngại. Vừa phá tan mấy vạn quân Ngô, ta không giao ông cho Phạm Vấn nữa đâu” (trang 153)

Đuốc nhựa trám đốt sáng lừng, khói nghi ngút từ những ngọn đuốc. Có thể nhìn rõ ấn vàng, kiếm bạc, tờ sắc, tờ chỉ của quân Minh đặt trên mắt án thư” (trang 158)

Tôi thì tôi chôn sống hết lũ chuyên khua môi múa mép, cái lũ trí thức không bằng cục phân ấy. Ông biết không, hôm ở Xương Giang…Một thằng tướng Ngô tưởng nó là Trương Phi, vừa vung gươm vừa la hét, lại còn định nhảy lên lưng voi tôi. Tôi né được, rạp người xuống xóc thanh kiếm vào chỗ ngã ba con cặc nó, xâu ngược lên. Thằng giặc đổ lộn đầu xuống đất, tôi rút mãi mới lấy kiếm ra được! Ha ha! Nó quên đeo giáp vào chỗ ngã ba hiểm trở ấy. Phải nói hôm ấy quân sĩ mình như hổ đói giữa bầy dê, chém sướng tay thật” (trang 171).



Khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc kháng chiến chính danh với thủ lĩnh Lê Lợi có tầm nhìn xa, lại được sự phù trợ đắc lực của văn thần Nguyễn Trãi cùng các võ tướng đảm lược, trăm họ hết lòng ủng hộ, về bản chất khác hẳn với đám lục lâm thảo khấu, vì thế mới lấy lại được giang sơn Đại Việt từ tay quân xâm lược bạo tàn. Xét về toàn cục, khởi nghĩa Lam Sơn không thể có sự phân hoá nội bộ ngay từ đầu như Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Cuộc kháng chiến gian khổ mười năm ấy, nếu mọi người không đồng tâm hiệp lực thì làm sao thắng được một đạo quân lang sói, dầy dạn kinh nghiệm trận mạc, với những tên tổng binh khét tiếng mưu lược và tàn bạo như Lý Bân, Trần Trí, Vương Thông? Các chi tiết Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân luôn đố kỵ, miệt thị Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn chỉ là sản phẩm suy diễn thiếu căn cứ bắt nguồn từ học thuyết đấu tranh giai cấp vô nhân tính được thực thi ở miền Bắc thời kỳ Cải cách ruộng đất mà thôi. Chẳng những thế, tác giả còn nhét vào đầu các tướng lĩnh Lam Sơn những suy nghĩ nhỏ nhen, thói tham lam, ích kỷ, công thần, bè phái… khiến người đọc có quyền nghi ngờ nhân cách văn hoá của người viết. Chuyện tranh giành ngôi báu giữa các phe phái trong hoàng tộc dẫn đến vụ án Lệ Chi Viên chỉ xảy ra sau khi Lê Thái Tổ qua đời, Lê Thái Tông (Nguyên Long) kế vị. Tuy nhiên, đây là một triều đại đang hưng thịnh, Lê Thánh Tông (Tư Thành), sau khi lên ngôi đã kịp thời điều chỉnh đường lối trị nước, quốc gia Đại Việt lập tức trở thành một cường quốc trong khu vực với những vị minh quân như Hiến Tông, Túc Tông.

Cái nhìn chủ quan, phiến diện, chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Maoism đã làm méo mó lịch sử Đại Việt ở vào thời kỳ hào hùng nhất.

Xin trích dẫn:

Chó chết thật, đang đánh giặc, phụ tử chi binh mà trong đám anh hùng quanh ông đã lộ ra ít nhiều thói xu nịnh. Làm vua chưa được bao lâu ông đã biết điều này: Ông chứ xổ mũi thì họ đã ho. Có lần ông trách Nguyễn Trãi: “Ngươi xui (!?) ta lên ngôi quá sớm” (trang 17)

Ông thừa biết những kẻ đó. Họ dũng mãnh trên trận tiền, có thể cầm giáo xông vào doanh trại chém đầu tướng giặc, lúc lên cơn có thể sai lính bắt vào lều những cô thôn nữ ngây thơ để chiếm đoạt trinh tiết của họ. Khi có lệnh chúa công phải giữ nghiêm quân kỷ, họ có thể tự tay chém đầu những kẻ phạm tôi cướp hay hiếp, những cái tội chính họ đã từng phạm không ít lần nhưng được bộ hạ giấu nhẹm mà thôi. Họ không đủ lòng bao dung để nhìn người khác hạnh phúc, không đủ lòng nhân để rung động trước một ‘yểu điệu thục nữ. Họ không đủ liêm sỉ để tự răn mình. Vì họ chưa từng đọc Kinh Thi(!?) chăng? Lê Sát từng nói: ‘ Xưa nay sơn hà đổ nát là do bọn nho sĩ chỉ biết đọc sách mà không dám cầm cung kiếm” (trang 24)

Chàng là của vua, của ba quân, tình yêu nàng đã chết trong lòng chàng, còn nàng, một cái bóng thui thủi sống trong nước mắt, trước cái nhìn khinh bỉ, ghen tị của bọn người vô học trong cái triều đình không ngai (!?), trong sự ban ơn nhiều khi quá lộ liễu của minh chủ” (trang 40)

Có lần thiếu uý Lê Sát nói với ông, làm ra vẻ như vô tình: ‘ Người ta bảo thằng An Lộc Sơn thu vì chứa chấp phải lão say rượu Lý Bạch phải không? Thời nào cũng có thằng ngu! Mần thơ mà ngôi ngôi tướng thì thua vãi đái” (trang 82)

Chúa công chiêu đãi vợ chồng anh học trò Thăng Long quá đáng. Người không sợ họ ngủ quên trong chiến trận ư? Nhà vua cười rồi nói túng: Ta không muốn bọn các người nổi cơn lên rồi nhìn trộm chuyện giường chiếu của người ta thì còn ra cái thể thống gì! Ta đâu có lạ cái máu dê của các ngươi!”(trang 84)

Ông không biết là các đầu mục Lam Sơn bằng mặt không bằng lòng, vẫn hậm hực với bốn “anh học trò” Thăng Long, cái lũ ‘ trâu chậm uống nước trong’, khéo uốn tấc lưỡi với cuốn giấy bản bôi kín mực được gọi là Bình Ngô sách mê hoặc minh chủ để leo lên những chỗ tót vời…” (trang 85)

Thỏ chưa săn được mà người ta đã hầm hè nhau chuyện chia phần. Tư Tề do tôi với ông Lưu Nhân Trú (!?) dạy dỗ đấy nhưng vẫn chưa học được chữ nhân” (trang 86)

Phạm Vấn không nuốt nổi mấy tiếng ‘đại quân sư’ như cố tình phun (!?) ra từ miệng chúa công.Cái nhăn mặt của Vấn không giấu nổi đôi mắt tinh tường của Lê Lợi. Nhà vua đằng hắng, thấy nghẹn trong cổ. Đã bao lần ông khuyên can, trách mắng nhưng cái bụng hẹp như trôn kim của ông anh vợ không chịu li lai ra một chút gọi là” (trang 103}

Ông nói lạ! Thì ra trước nay võ công của chúa công và bọn võ biền bày tui chỉ là trò hiếu sát? Bao thành quách, đất đai của xã tắc thu về được chỉ là nhờ công ơn của mấy cái thư dụ hàng của các ông nho sĩ Thăng Long ư?” (trang 106 - 107)

Lê Lợi vẫn chưa hết giận. Lê Sát, Phạm Vấn vẫn là tâm phúc của ông, tướng nanh vuốt của ông. Bọn Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn không chỉ vào Lam Sơn muộn mà còn là những kẻ sinh ra trong một thông thổ khác, nề nếp khác với bọn dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Cái khác lớn nhất so với tướng soái nanh vuốt của ông là tài họ cao, kiến văn họ rộng…Ông thường ngăn chặn xua đi tị hiềm đố kỵ nơi đám tâm phúc nhưng đó chỉ là một cách để che giấu tốt nhất những điều bất cập trong chính bản thân ông mà thôi. – Khốn thay! – Ông nghĩ thầm – nhiều khi mình lại phải cần đến cái vô học của bọn họ” (trang 114)

Có lẽ nghiệp lớn rồi phải trông cậy vào bọn ít học, thô lậu nhưng trung trinh mới nên chăng?”(trang 114)

Mặc dù không riêng gì bọn Trãi mà cả những kẻ tâm phúc vẫn nhắc khéo ông chuyện ba ông đầu rau của nghĩa quân là bọn Vấn, Sát, Ngân vẫn thường thả cho quân tướng lạm dụng ‘ đồ tế nhuyễn của riêng tây’ của giặc Ngô và cả của dân chúng khi tràn vào chiếm lại cái thành giàu có nào đó. Nhưng ông ậm ừ rồi lờ đi. Ông cần chiếm thành, đuổi giặc, lấy lại giang sơn chứ chưa phải thời chấn hưng đạo lý. Thắng giặc rồi làm chuyện đó cũng chưa muộn” (trang115)



Viết tiểu thuyết lịch sử không có nghĩa là phải bám sát chính sử nhưng nhất thiết phải tôn trọng lịch sử. Việc hư cấu nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào mỗi tác giả, điều quan trọng là, tác phẩm ấy có tạo được không khí lịch sử và tinh thần lịch sử hay không, chứ không phải thứ tinh thần chung chung đem đặt vào thời đại nào cũng được. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong một lần nói chuyện với tôi đã có nhận xét khá lý thú về đề tài này. Ông bảo, Don Quijote của Miguel de Cervantes và Les Trois Mousquetaires (Ba người lính ngự lâm) của Alexandre Dumas là những tiểu thuyết lịch sử hư cấu hoàn toàn. Lịch sử ở đây chỉ được dùng như một điểm tựa, vậy mà nó đã chinh phục người đọc hết thế kỷ này đến thế kỷ khác bởi tinh thần lịch sử kết hợp với phong cách lãng mạn bay bổng thời đại của các hiệp sĩ trung cổ. Ngược lại, “tinh thần lịch sử” của Hội thề chỉ là màn sương mỏng lúc sớm mai, khi mặt trời lên lập tức tan biến, để lại một hiện thực trần trụi của hai cuộc chiến tranh 1946 – 1954 và 1964 – 1975 bị đẩy lùi vào quá khứ hơn năm trăm năm!

Hội thề còn được biết đến như là một tiểu thuyết lịch sử tôn vinh các “đồng chí” tướng Tàu với những màn trình diễn ngoạn mục về chân dung Thái Phúc, Vương Thông, Trần Trí. Dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân, người ta thấy bọn này là những tay anh hùng mã thượng, luôn có nhã ý muốn kết giao huynh đệ với các thủ lĩnh Lam Sơn, say mê gái Đại Việt đến si cuồng, đối xử với các nàng như người tri kỷ, hoặc sẵn sàng thí mạng hàng trăm lính chỉ để làm một nghĩa cử là đưa “người tình” về quê quán. Tác giả tỏ ra hứng thú khi miêu tả rất chi tiết cảnh Thái Phúc “vui vẻ” với cô kỹ nữ Thăng Long trong khoang thuyền do Nguyễn Trãi ưu ái dành cho, hay cảnh Tổng binh Vương Thông ăn cơm cùng cô thôn nữ ngoại thành tại điện Kính Thiên mà quên đi bản chất “Đại Hán” của chúng không bao giờ thay đổi. Trong lịch sử, các tập đoàn phong kiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam, chưa có triều đại nào tàn bạo, dã man, vô nhân tính như nhà Minh. Các Tổng binh Trương Phụ, Trần Trí, Vương Thông, khi sang trị nhậm Đại Việt bao giờ cũng nhận được chỉ dụ đặc biệt của triều đình là trước hết phải huỷ diệt nền văn hoá. Đây là ngón đòn rất hiểm của Minh Thành Tổ, bởi ông ta biết, một dân tộc mất nước mà còn văn hoá vẫn có thể khôi phục được, nhưng văn hoá mất thì dân tộc ấy chắc chắn bị đồng hoá. Hơn hai mươi năm giặc Minh dày xéo đất nước ta, chúng triệt để đập phá bi ký, tịch thu hầu hết sách vở trong dân gian, bắt hàng ngàn trí thức Nho học và thợ thủ công lành nghề sang Kim Lăng phục vụ “Thiên triều” mà cả Việt sử lẫn Minh sử đều ghi chép rõ ràng, há chẳng phải là bằng chứng thuyết phục sao? Đó chính là nguyên nhân vì sao cho đến nay tư liệu lịch sử Trung đại của ta vẫn còn những khoảng trống.

Hội thề chẳng những bố cục xộc xệch mà còn được viết bởi lối hành văn tuỳ tiện, câu văn rối. Nhìn chung, phong cách ngôn ngữ Hội thề là phong cách tiểu thuyết hiện đại. Tác giả gần như bê nguyên xi các thuật ngữ tác chiến được du nhập từ giáo trình huấn luyện quân sự của Nga, Tàu vào Khởi nghĩa Lam Sơn. Đó là “đột phá khẩu”, “hỏa châu” (pháo sáng), “tung thâm”, “quyết chiến chiến lược”, “phản công chiến lược”,“thê đội”, “thám báo”, “mùi thuốc súng”, “phường nào, quận nào cũng có người của ta”, “đạn pháo…voi gầm”, “phòng tuyến”, “trận này chỉ được thắng”, v.v. Không một người đọc có chút kiến thức về lịch sử chiến tranh thời trung đại nào có thể chấp nhận kiểu viết “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của tác giả Hội thề như vậy. Đã thế tác giả lại còn sính dùng chữ Hán, nhất là thành ngữ và điển cố nhưng khả năng hiểu biết lại rất hạn chế nên không hiếm trường hợp phản tác dụng.

Thành ngữ Hán rất cô đọng, thường là biểu đạt ý ngoài lời. Khi vận dụng người viết phải hiểu được tinh thần của nó. Ví dụ trong Bình Ngô đại cáo có câu: “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập/ Đầu lao (giao) hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm”, nghĩa là, “Dựng gậy tre làm cờ, kẻ đi ở, người cày ruộng từ bốn phương tụ tập lại/ Đổ vò rượu đục xuống sông để binh lính cùng uống, chứng tỏ tướng sĩ một lòng như cha con”. Hàm ý của Nguyễn Trãi là khẳng định sự đoàn kết nhất trí cùng khắc phục khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh của các thủ lĩnh và binh sĩ Lam Sơn. Thế nhưng Nguyễn Quang Thân lại hiểu cái ý trực tiếp của điển cố nên đã phịa ra chi tiết Lê Lợi trao cho mỗi viên thiếu uý một vò rượu với lời dặn hoà nước lã cho quân sĩ uống! Chưa hết, còn một sự cố cũng tức cười không kém. Ấy là đoạn Nguyễn Trãi và Thái Phúc “chúng khẩu đồng từ” bằng cách mỗi người đều viết chữ “chiến” vào lòng bàn tay để quyết định vận mệnh của thành Đông Quan. Đọc đến đây, tôi chắc nếu được sống lại, La tiên sinh sẽ giống như Chu Lang, ngửa mặt lên Cao Xanh mà than rằng: “Trời đã sinh La Quán Trung sao lại còn sinh Nguyễn Quang Thân!” (Thiên ký sinh Trung hựu hà sinh Thân!).

Tệ hại hơn nữa là Nguyễn Quang Thân hư cấu nên một Nguyễn Phi Khanh với câu thành ngữ “Tứ hải giai huynh đệ” bị cắt béng chữ cuối thành cộc lốc như là người ta… thiến gà! Đến đây thì có thể khẳng định, tác giả Hội thề hơi bị khiêm tốn về cổ học, mà cổ học lại rất quan trọng đối với người viết truyện lịch sử. Đây là câu nói của Khổng Tử với Nhan Uyên, nguyên văn như sau: “Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội giai huynh đệ dã! Quân tử hà hoạn hồ vô huynh đệ dã”, đại ý là “Người quân tử kính mà không mắc lỗi, cung mà có lễ, (thì) trong khoảng bốn biển đều là anh em vậy! Người quân tử lo gì không có anh em”. Sau này, nội hàm của câu thành ngữ bị biến dạng, được các nhà chính trị “Thiên triều” luôn có dã tâm thôn tính thiên hạ, lợi dụng làm chính sách mị dân. “Mười sáu chữ vàng” hay “Bốn tốt”, về bản chất cũng mang tinh thần trên. “Tứ hải giai huynh” thực chất là một câu văn què, bất thông. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói vui, chẳng lẽ mọi người trong thiên hạ đều là anh (của ta)? Và nếu ta nhún mình gọi họ là “anh” thì trên đời này sẽ không còn chiến tranh, không còn nước mạnh chèn ép nước yếu, con người sống với nhau thân ái, bình đẳng? Cái cách diễn giải thô thiển mang màu sắc chính trị biến hình như loài kỳ nhông của tác giả Hội thề chỉ là trò chơi đánh tráo khái niệm, hoán cải nội hàm thành ngữ, hạ thấp phẩm giá và nhân cách Nguyễn Phi Khanh với mục đích làm vừa lòng ông bạn vàng “nước lạ”

Một điều cần phải làm sáng tỏ ở Hội thề là, liệu tác giả có xuyên tạc lịch sử khi ông viết về giới sĩ nhân bằng thái độ miệt thị qua những dòng suy nghĩ của một vị tướng Lam Sơn: “Bó đũa chọn cột cờ, Lê Lợi luôn để ông ngồi bên phải, lo toan mọi chuyện có dính dáng đến chữ nghĩa, bút mực cho nghĩa quân. Giữa lúc sĩ giới nước ta gồm những kẻ có chút chữ nghĩa hay đỗ đạt đều đua nhau xin tuyển mộ sang Ngô để được nhà Minh “đào tạo” rồi cho về bản xứ làm quan, từ anh thông ngôn đến quan huyện quan phủ thì đúng là nhân tài như lá mùa thu” (trang 162). Đoạn văn này lại một lần nữa “vạch áo cho người xem lưng” về sự nhận thức thô thiển của Nguyễn Quang Thân câu văn “nhân tài thu diệp, tuấn kiệt thần tinh” (người tài như lá còn lại trên cây của mùa thu, bậc hào kiệt thưa thớt như sao buổi sớm) trong Bình Ngô đại cáo. Theo ông, sở dĩ người tài giỏi Đại Việt vắng bóng là bởi họ “đều đua nhau xin tuyển mộ sang Ngô để được nhà Minh “đào tạo” rồi cho về bản xứ làm quan…” mà không biết rằng, Ức Trai tiên sinh dùng thành ngữ “nhân tài thu diệp” là một biện pháp ẩn dụ phổ biến trong biền văn với hàm ý cuộc khởi nghĩa lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhân tài vật lực, giặc thì tàn bạo còn nhân dân thì chưa thật tin vào sự thành công. Hiểu sơ lược như thế mới có chuyện tác giả để Lê Lợi tặng mỗi ông thiếu uý một vò rượu với lời dặn hoà nước lã cho quân sĩ cùng uống!

Hội thề còn mắc khá nhiều lỗi sơ đẳng về kiến thức lịch sử, địa lý ở bậc phổ thông đáng ra không thể có ở một người cầm bút chuyên nghiệp. Xin nêu một vài dẫn chứng để bạn đọc tham khảo. Bia tiến sĩ đề danh mãi đến năm 1484 mới chính thức được dựng theo chỉ dụ của Lê Thánh Tông, vậy mà Nguyễn Quang Thân lại để dân Kinh thành nhân dịp Hội thề thăm “bia tiến sĩ” từ năm 1427! “…qua Khuê Văn Các tràn đầy sân gạch mênh mông. Hai hàng rùa dưới chân bia tiến sĩ từ ba trăm năm thấp thoáng mộng bình yên, ung dung ngắm nhìn dân chúng Đông Quan (!?) dẫm đạp lên nhau trước chính điện nơi thờ Khổng Tử” (trang 325). Khuê Văn Các là do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây dựng vào năm Gia Long thứ tư (1805), vậy năm 1427 lấy đâu ra công trình văn hoá này? Đông Quan là do quân Minh áp đặt cho kinh đô Thăng Long, người dân bình thường còn thấy phẫn nộ, huống hồ một nhà văn lại chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên!

Có thể nói, giở bất cứ trang nào của Hội thề cũng gặp một vài hạt “sạn”, cần phải đính chính. Sông Hồng là do người Pháp đặt sau khi họ chiếm được thành Hà Nội lần thứ hai (Fleuve Rouge), còn tên thường gọi của nó là Nhĩ Hà (hoặc Nhị Hà), giống như cái vòng đeo tai chảy qua phía đông bắc kinh thành Thăng Long. Cũng như vậy, đường “Cổ Ngư” (Cố Ngự) mới hình thành từ thế kỷ XVII, còn hồ Tây ngày nay, vào lúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi có tên là “Dâm Đàm” (đầm sương mù).

Nhân đây cũng xin nói thêm vài chi tiết khá là hài hước của nhà văn Nguyễn Quang Thân về ngựa. Ấy là ông để cho người cưỡi “thúc chân vào lưng ngựa”. Kỵ sĩ mà lại thúc được chân vào lưng ngựa thì tài thật. Chưa hết. Hãy xem đoạn Nguyễn Trãi đưa tiễn Thái Phúc trên đê sông Nhị sau Hội thề: “Con ngựa nhỏ, bước chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngoạm một miếng cỏ gà ngon lành chưa khô sương sớm” (trang 321). Kiến thức của Nguyễn Quang Thân chỗ này chỉ ngang với trình độ trẻ chăn trâu. Ngựa chiến khi hành quân, cho dù là đi bước một cũng vẫn phải gắn hàm thiếc, đóng yên cương, làm sao vặt cỏ ăn như trâu bò thả rông được? Hay là ông đùa chút cho vui!

Cuối cùng là bản “Minh ước”, thực chất là văn bản đầu hàng của Vương Thông
. Vì vốn từ Hán Việt khá hạn chế, tác giả không nghĩ đến “minh ước” mà ông dùng một từ rất không chính xác là “lời bàn”. Đó là một văn bản nửa Hán nửa Nôm chẳng khác gì loại văn khấn của mấy bà vãi non mê tìn chắp tay trước Phật Bà Quan Âm, miệng dẻo quẹo, vái như múa, cầu tài cầu lộc. Tôi dám chắc, nếu thuật phụ đồng của các nhà ngoại cảm thời nay gọi được hồn Nguyễn Trãi về nhân dịp kỷ niệm sáu trăm ba mươi mốt năm ngày sinh của ngài, mà bất ngờ đọc được toàn văn “lời bàn” này thì ngài sá gì mà không đốt tất cả văn thư từ lệnh vốn là những trước tác bất hủ , nhưng giờ thì đã quá lạc hậu so với văn tài của bậc hậu sinh họ Nguyễn…

Dưới đây là phần đầu của “Lời bàn” trứ danh trên:

Tuyên Đức nhị niên, Mậu Thân nhật, tại Nhị Hà Đông Quan thành, Đại Việt quốc, đại đầu mục xứ An Nam Lê Lợi tôi và các tướng, mở hội thề cùng tổng binh thiên triều thái tử thái bảo Thành Sơn Hầu Vương Thông và các quan tướng:

Kính bào Hoàng Thiên, Hậu Thổ cùng Danh sơn, Đại xuyên và thần linh các xứ! Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, xin thề…

Chí Linh, 15/3/2011
Đặng Văn Sinh
© Thông Luận 2011

---------------------------------------

Bài liên quan :

KHÔNG ĐỌC KỸ “HỘI THỀ”XIN ĐỪNG “CHIÊU TUYẾT”  -  Trần Mạnh Hảo -  Tuesday, March 15, 2011
.
.
.

No comments: