Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 20 Tháng Ba 2011
Chiến dịch « Bình minh Odissey » của liên quân quốc tế, với sự tham gia của 22 nước, đã bắt đầu chiều ngày 19/03/11 ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Paris kết thúc.
Đô đốc Michael Mullan, chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ tuyên bố trên đài truyền hình ABC : các cuộc oanh kích, pháo kích vào một số mục tiêu tại Libya đã thành công.
Điều này cho phép thiết lập được một vùng cấm bay trên không phận Libya.
Từ lúc 15h, giờ Paris, ngày hôm qua 19/03/11, bộ Quốc phòng Pháp cho biết là không quân Pháp tiến hành nhiều phi vụ trinh sát trên không phận Libya và sau đó tiến hành tấn công phá hủy nhiều xe bọc thép của quân đội Libya trong khu vực Benghazi. Một số cơ sở hạ tầng quân sự của Libya cũng bị oanh tạc.
Trong khi đó, phó đô đốc Hoa Kỳ Bill Gortney cho biết là tối qua, quân đội Mỹ và Anh đã bắn khoảng 110 tên lửa hành trình Tomahauwk và đã phá hủy 2 chục mục tiêu, đặc biệt là hệ thống phòng không và các đầu mối thông tin liên lạc của quân đội Libya.
Mục tiêu của Hoa Kỳ là phá hủy hệ thống phòng không của Libya, tạo thuận lợi cho liên quân quốc tế thiết lập vùng cấm bay, theo tinh thần nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc, nhằm ngăn chặn các hành động tàn sát thường dân của lực lượng trung thành với Kadhafi.
Đô đốc Mullen cũng cho biết thêm là quân đội Libya đã ngừng tiến về phía thành phố Benghazi.
Từ sáng sớm ngày 20/03/11, 19 máy bay của Mỹ và Anh đã oanh kích các sân bay và căn cứ phòng không của Libya. Đại diện chính quyền Anh, Mỹ, Pháp đều nhấn mạnh là không đưa binh sĩ vào Libya mà chỉ oanh tạc các mục tiêu căn cứ quân sự của Libya.
Cũng trong ngày hôm nay, hàng không mẫu hạm Pháp Charles De Gaulle rời cảng Toulon để tiến về vùng biển Libya.
Trả lời phỏng vấn RFI, đô đốc Pháp Jean Dufourcq cho biết mục đích các đợt oanh kích:
« Việc không quân Pháp tỏ thái độ cương quyết, bay qua không phận Libya, việc dùng tên lửa hành trình phá hủy các căn cứ không quân, đó là cách buộc các lực lượng trung thành với Kadhafi phải suy nghĩ và cho họ thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế là rất to lớn. Đại tá Kadhafi cần phải xác định rõ thái độ trong hoàn cảnh cụ thể này, tức là các phương tiện quân sự của Libya bị theo dõi chặt chẽ và rất dễ bị tiêu diệt.
Lực lượng quân sự của Kadhafi có thể tiến xa nhưng lại không lớn. Các lựclượng trung thành với ông ta cũng rất chú ý đến những gì đang xảy ra và có thể thay đổi thái độ. Trước đây, một bộ phận lính bộ binh ở Benghazi đã chuyển sang ủng hộ phe nổi dậy vì nhiều lý do, không chỉ vì lo sợ mà còn vì những quyền lợi.
Tôi nghĩ hiện nay, đại tá Kadhai có được sự ủng hộ của các lực lượng quân đội muốn bảo vệ các lợi ích của họ, nhưng lực lượng này cũng rất chú ý đến thời cuộc. »
Chiều tối qua, các phương tiện truyền thông chính thức của chế độ Libya đã phát đi lời đe dọa trả thù của đại tá Kadhafi và cho biết các vụ oanh kích của liên quân quốc tế đã làm 48 thường dân thiệt mạng, 150 người bị thương.
Nga, Trung Quốc đã lên tiếng sau các hoạt động quân sự của phương Tây. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố lấy làm tiếc về những hành động tấn công Libya nhưng không lên án hoặc kêu gọi ngừng bắn. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez chỉ trích quyết định của Liên Hiệp Quốc và phương Tây là vô trách nhiệm. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại ủng hộ hành động của liên quân quốc tế như Canada, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy, Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
.
.
.
Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 20 Tháng Ba 2011
Một chính quyền sẵn sàng bóp chết từ trong trứng nước mọi ý đồ phản kháng, ly khai, giờ đây lại không chống sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya nhằm ngăn chặn chế độ Kadhafi tàn sát thường dân ? Điều gì đã khiến Trung Quốc vắng mặt, không phủ quyết nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An ?
Theo giới phân tích, trong vụ này, Bắc Kinh đã tính toán : Một mặt, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm, củng cố vị thế của mình tại Trung Cận Đông và châu Phi. Mặt khác, Bắc Kinh muốn chiều lòng một số nước Ả Rập, đối tác quan trọng trong việc cung ứng dầu lửa cho Trung Quốc.
Do vậy, sau các đợt oanh kích, bắn tên lửa của không quân và hải quân phương Tây vào một số mục tiêu ở Libya, ngày hôm nay (20/03/11), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói lấy làm tiếc về các hành động quân sự của phương Tây tại Libya, nhưng không lên án và cũng không kêu gọi ngưng bắn.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường trình:
« Đúng là Trung Quốc chỉ bầy tỏ thái độ lấy làm tiếc chứ không lên án các hành động tấn công quân sự của phương Tây vào Libya. Các từ ngữ mà phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc lựa chọn đúng với những gì đã xẩy ra vào tối thứ năm rạng ngày thứ sáu vừa qua tại Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Tripoli đã không thành công trong việc thuyết phục đại sứ Trung Quốc tại Libya, kể cả việc hứa hẹn cho Trung Quốc khai thác toàn bộ nguồn dầu lửa của nước này, thay thế cho các tập đoàn của phương Tây. Thế nhưng, cuối cùng, Trung Quốc đã vắng mặt lúc bỏ phiếu nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực và không sử dụng quyền phủ quyết trong tư cách là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An.
Lần này, tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không muốn bị cáo buộc là ủng hộ một chế độ sẵn sàng mọi hành động đàn áp tàn bạo. Hơn nữa, Trung Quốc không thể làm ngơ trước những tuyên bố của lãnh đạo Libya ngày 23 tháng 2 vừa qua. Vào lúc đó, đại tá Kadhafi đe dọa lực lượng nổi dậy là sẽ có một « Mùa xuân Bắc Kinh » theo kiểu Libya. Tại Trung Quốc, đương nhiên, những lời lẽ như vậy bị kiểm duyệt.
Là bậc thầy trong việc tỏ thái độ nước đôi, mập mờ, giới ngoại giao Trung Quốc giờ đây chơi lá bài « không can thiệp vào công việc nội bộ » nhưng đồng thời vẫn theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Libya, không làm mất lòng Hoa Kỳ và Liên đoàn Ả Rập. Công luận Trung Quốc hài lòng về chính phủ của mình sau đợt di tản nhanh chóng và ấn tượng 36 ngàn lao độngười Trung Quốc ra khỏi Libya. Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Libya bị thiệt hại nặng nề.
Có thêm một thông tin nữa có thể giải thích thái độ của Trung Quốc là chỉ lấy làm tiếc mà không lên án các hành động quân sự : Nhập khẩu dầu lửa từ Libya chỉ chiếm có 3% tổng mức tiêu thụ của Trung Quốc ».
Nếu như lượng dầu nhập khẩu từ Libya chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, thì ngược lại, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nguồn dầu lửa đến từ Ả Rập Xê Út lại đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao liên tục của Trung Quốc. Hiện nay, vùng Trung Đông cung cấp 2,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng nhập khẩu của nước này, trong đó, riêng phần của Ả Rập Xê Út là 1,1 triệu thùng dầu thô.
Vừa qua, trước những biến động tại Trung Đông và châu Phi, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Địch Tuyển đã công du Ai Cập, Tunisia, Ả Rập Xê Út, Algeri, những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lửa và nhắc lại rằng Bắc Kinh luôn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.
Tuy nhiên, với chính sách thực dụng, Trung Quốc cũng sẵn sàng áp dụng mềm dẻo nguyên tắc trên, để chiều lòng các đối tác Trung Đông quan trọng, đặc biệt là Ả Rập Xê Út khi mà chính quyền Riyad lại ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya.
Mối thâm thù giữa Ả Rập Xê Út và Libya có từ thời 2003 khi mà đại tá Kadhafi tố cáo vua Abdullah hợp tác với phương Tây lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Irak.
.
.
.
------------------------------
CHIẾN SỰ LIBYA TRÊN BÁO CHÍ VIỆT NAM
Libya 24/24 – ngày 20/3 (DVT)
Các cuộc tiến công Libya có mùi dầu mỏ ? (Tầm nhìn)
Máy bay Pháp bị bắn hạ ở Libya? (VnMedia)
Nhà lãnh đạo Libya tuyên bố sẽ trả đũa (Người LĐ)
Nhiều nước phản đối tấn công Libya (VnMedia)
Sau Nhật Bản, Libya oằn mình (Người LĐ)
.
.
.
No comments:
Post a Comment