Sunday, March 20, 2011

HOA KỲ CHỦ HÒA (Nguyễn Xuân Nghĩa)

THỰC CHẤT HOA KỲ

Nguyễn Xuân Nghĩa – Việt Báo Xuân Canh Dần – Tháng Giêng 2010
Saturday, March 19, 2011


Nhân chuyện Libya tháng Ba 2011, xin nhìn lại sự hợp lý trong rất nhiều phi lý của Hoa Kỳ….

Từ khi các học giả Âu Châu nói đến “Tân thế giới” – là Hoa Kỳ ngày nay – thì các cường quốc Âu Châu đã chi phối thế giới được đúng 500 năm: từ năm 1492 là khi Kha Luân Bố tìm ra Tân thế giới cho đến năm 1991 là khi siêu cường Âu Châu sau cùng là Liên Xô tan rã. Nguyên nhân chính thì chỉ vì Âu Châu rất giỏi giết nhau!
Bây giờ “Tân thế giới” đó là Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất trong lịch sử nhân loại có sức vươn toàn cầu. Tức là hơn hẳn mọi đế quốc cổ kim, từ Hy Lạp, La Mã tới cường Tần, Nguyên Mông, Ottoman, Đại Thanh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hoà Lan hay Liên Xô… Diễn tiến chuyện ấy là thế nào?
Vào năm 2010 này mà có nhắc lại thì chắc cũng không thừa.
Hoa Kỳ là quốc gia rất trẻ nên có khi hung hăng, có khi rất khờ khạo trong từng vấn đề nhỏ. Nhưng nhìn trong trường kỳ, xứ này rất biết là mình muốn gì và làm sao đạt mục tiêu. Hoa Kỳ muốn là siêu cường bất khả xâm phạm và tìm cách phân hoá các đại cường để giữ thế thống trị hầu không xứ nào có thể đe dọa quyền lợi của mình. Quốc gia nào cũng có thể muốn như vậy và thực sự là nên như vậy, nếu như có khả năng, là điều hiếm hoi hơn.
Từ thế kỷ 20 và sau hai cuộc Thế chiến, lãnh đạo Hoa Kỳ có loại quyết định nhất quán – lưỡng đảng – về đối ngoại.
Một quy luật bất thành văn, không ghi trong hiến pháp, mà vẫn được các tổng thống Mỹ áp dụng khi ngồi vào vị trí lãnh đạo với trái địa cầu xoay tròn trước mắt: không để bất cứ quốc gia nào có thể đe dọa hay thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Cách hay nhất là chủ động can thiệp vào thiên hạ sự để các cường quốc khác gờm nhau mà không xứ nào trở thành đối thủ.
Hai lần Âu Châu giết nhau và gây ra Thế chiến khiến nước Mỹ bị liên lụy sau khi đứng ngoài rất lâu là chuyện quá đủ! Rồi rút kinh nghiệm từ tổn thất quá lớn trong Thế chiến II (hơn nửa triệu tử vong), nếu Hoa Kỳ có phải tham chiến thì tìm giải pháp “của đi thay người”.
Chúng ta nên nhìn lại sự chuyển động âm thầm ấy để hiểu ra cách suy nghĩ của một siêu cường.

***
Khi Thế chiến I bùng nổ năm 1914, Hoa Kỳ đứng ngoài rất lâu và chỉ tham chiến từ tháng Sáu năm 1917: tám tháng trước khi tình hình ngã ngũ tại Âu Châu! Sau trận Đại chiến đó, Mỹ nổi lên thành đại cường trước khối Âu Châu bị tàn phá và trước sự xuất hiện của Liên bang Xô viết.
Hai chục năm sau, khi Thế chiến II bùng nổ năm 1939, Hoa Kỳ cũng chỉ đứng ngoài hò hét yểm trợ và thực ra tham chiến rất trễ. Ban đầu thì chỉ canh chừng để Đức quốc xã không thắng. Tới khi can thiệp thì cho một cường quốc đại dương là Đế quốc Anh mượn phương tiện hải quân của mình để chặn nước Đức. Đổi lại thì tiếp thu toàn bộ hệ thống quân cảng Anh trên Tây bán cầu!
Xin nhớ lại là Tháng Ba năm 1941 Tổng thống Roosevelt mới ký đạo luật Tô-Tá (Lend-Lease Act) cho phép viện trợ khí giới cho các “đồng minh”, là Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc và cả… Liên Xô. Mãi đến năm 2006, Anh mới trả hết món nợ vay mượn võ khí hải quân của Mỹ trong các năm 1941-1945 sau khi đã nhượng cho Mỹ sử dụng các căn cứ hải quân tại Newfoundland, Bermuda và West Indies!
Từ đấy, Hoa Kỳ trở thành siêu cường hải dương có khả năng can thiệp toàn cầu, mở đầu là trên vùng Bắc Đại tây dương.
Nhìn lại thì Thế chiến II là biến cố khiến các nước từ Âu qua Á chết gấp trăm nước Mỹ (cả quân và dân là hơn 50 triệu). Với tổn thất chỉ bằng 1% – và lãnh thổ không bị tàn phá, trừ Trân châu cảng ngoài Hawaii – Hoa Kỳ trở thành đệ nhất siêu cường có khả năng làm thay đổi thế giới từ Á qua Âu. Chung quanh, các đế quốc cổ điển đều suy sụp, hoặc bị xé làm hai để canh chừng nhau.
Trong gần nửa thế kỷ, các cường quốc trên cả đại lục địa Âu-Á – từ Pháp tới Hải Sâm Uy của Nga – kiềm chế nhau với sự yểm trợ hay “be bờ” của Hoa Kỳ. Duy nhất còn lại là Liên bang Xô viết bên vùng trái độn là Âu châu dân chủ (Tây và Bắc Âu). Nếu Liên Xô có mơ ước bung khỏi vòng kềm tỏa của Hoa Kỳ thì đã có Trung Quốc, được Nixon dẫn ra khỏi tình trạng cô lập, với cái giá quá rẻ, là miền Nam Việt Nam.
Suốt giai đoạn “Chiến tranh lạnh” – từ 1945 đến 1991 – Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất hiện diện trên mọi mặt biển, rồi cả không gian – vì khoa học không gian là con mắt cho hải quân ở dưới – để không xứ nào có thể hạn chế được sự chuyển vận và giao thương của Mỹ. Trước đây và rất lâu sau này, hàng hải vẫn là phương tiện vận tải rẻ nhất, cho nên nếu kiểm soát được luồng chuyển vận hải dương là làm chủ được thế giới.
Không chỉ làm chủ được thế giới, khi hữu sự, Hoa Kỳ còn có khả năng lùi để tiến, thua để rồi vẫn thắng.
Sau khi hai chính quyền Dân Chủ – John Kennedy và Lyndon Johnson – dại dột nhảy vào Việt Nam, hai Tổng thống Cộng Hoà là Nixon hay Ford có thể “thua tại Việt Nam”, nhưng Reagan và Bush 41 đã thắng tại Bá Linh và Mạc Tư Khoa để kết thúc Chiến tranh lạnh trên sự hoang tàn của Liên Xô. Cũng thế, năm 1945, thiên hạ không hiểu vì sao Hoa Kỳ đã có thể giải phóng cả lãnh thổ Đức trước sự kiệt quệ của cả Âu Châu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên Xô) mà lại dừng chân cho Hồng quân Liên Xô chiếm miền Đông nước Đức rồi chia đôi xứ này!
Đức đã hai lần gây chiến tại Âu Châu và đe dọa sức mạnh Hoa Kỳ nên bị xé làm hai! Sau khi đã là nạn nhân của chế độ Phát xít rồi Cộng sản, thì ngay từ 1945, dân Đức ở miền Đông thực tế đã gặp “thảm kịch 1975″ của họ. Và họ nhớ. Sinh tại miền Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ nhớ mà còn biết hành xử.
Ngày nay, y như thời xưa, trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, Hoa Kỳ có vấp váp thì cuối cùng vẫn chi phối và vận dụng hai khối Hồi giáo Sunni và Shia kiềm chế lẫn nhau, tại Iraq và nhiều nơi khác. Hoa Kỳ vẫn có đồng minh Á Rập tại Saudi Arabia hay Egypt để canh chừng Iran của dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Vẫn đánh mà để đàm với Taliban tại Afghanistan.
Trên đại lục địa Âu-Á, Mỹ vẫn tác động vào quan hệ giữa Liên bang Nga với Liên hiệp Âu châu theo lối nước đôi của ngư ông trước hai giống trai cò tranh ăn. Và vẫn hợp tác với cả Trung Quốc, Liên bang Nga và Nhật Bản cùng xứ Turkey đang đóng chốt tại lằn ranh Âu-Á, Đông-Tây….
Ngày này, chúng ta có thể còn đang chứng kiến một sự đảo ngược của chiến lược Nixon: cùng chiến pháp cũ cho một mục tiêu khác. Khi Trung Quốc vươn lên thành một thế lực có khả năng đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ thì lãnh đạo Mỹ sẽ lại liên kết với Liên bang Nga, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ và một chuỗi quốc gia hải đảo hay bán đảo của Tây Thái bình dương… Lúc ấy, Việt Nam lại nằm ở giữa, và dưới tầm đạn Trung Quốc.
Đâm ra chuyện “Việt Nam thắng Mỹ năm 1975″ chỉ là chuyện ảo!

****
Khác với Việt Nam, các cường quốc trên thế giới không thể không biết điều ấy của nước Mỹ.
Tất nhiên là nhiều quốc gia có nhìn ra quy luật hành xử truyền thống đó của Hoa Kỳ và cũng có những tính toán của họ. Họ nhớ là Hoa Kỳ gia nhập Thế chiến I rất chậm và sau đó nổi lên thành đại cường. Hoà ước Versailles chấm dứt Thế chiến II lại có nhân tố gây chiến bên trong – do những quy định nghiệt ngã cho nước Đức bại trận.
Vì vậy hai chục năm sau, Thế chiến II lại bùng nổ vào năm 1939. Khi đó, Hoa Kỳ cũng lần lữa đứng ngoài, rồi thủ vai yểm trợ để chỉ thực sự tham chiến từ năm 1941. Và phong tỏa nguồn tiếp vận nguyên nhiên vật liệu của Nhật Bản rồi lại ngạc nhiên là bị Nhật tấn công tại Trân châu cảng vào cuối năm 1941.
Ngược với sự suy luận quá phổ biến, Hoa Kỳ không thích tung quân tham chiến và rất khéo chờ đợi cho trai cò mổ nhau tới chết.
Các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ đều biết vậy. Nhưng cũng biết là phải nương vào Mỹ để chống Đức quốc xã, với cái giá đắt đỏ. Hoa Kỳ thành siêu cường số một trước Âu Châu bị tàn phá và các đế quốc của Âu Châu được viện trợ để tái thiết nhưng bị áp lực phải buông bỏ các thuộc địa Á Phi, trong khi Liên Xô vươn lên thành một mối đe dọa mới.
Vì sự cuồng điên của Stalin, chiến tranh lạnh khởi đầu ngay khi chiến tranh nóng vừa kết thúc.
Phong trào “giải thực” – buông bỏ thuộc địa – do Hoa Kỳ đề xướng bỗng hết là ưu tiên vì nhu cầu be bờ ngăn làn sóng đỏ! Thí dụ như Pháp bị ép phải giải phóng Đông Dương rồi lại được giúp trở lại Đông Dương trong tư thế đồng minh chống Cộng! Việt Nam là nơi mà sự kèn cựa Pháp-Mỹ mới dẫn tới nhiều hài kịch tại Đông Dương và miền Nam Việt Nam, được cậu ấm Kennedy biến thành bi kịch.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Tây Âu thật ra bị lồng trong hai mục tiêu đối nghịch.
Các nước Âu Châu phải trông cậy vào sức bảo vệ của Hoa Kỳ mà vẫn cố bảo vệ quyền lợi riêng và đôi khi có lập trường mâu thuẫn với Mỹ, như trong vụ khủng hoảng kênh đào Suez. Dựa trên mặc cảm gây chiến của Đức và khai thác hợp tác Pháp-Đức để có tiếng nói cao hơn thực lực, Pháp du dây trong mối quan hệ Đông-Tây, giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, để khẳng định tư thế độc lập của mình cho nên vừa là thành viên của Minh ước NATO vừa rút quân khỏi Minh ước này.
Và không lỡ dịp gây khó cho Mỹ – lập trường của Tổng thống de Gaulle về cuộc chiến Việt Nam là một thí dụ.
Nói chung, Âu Châu được Mỹ trợ giúp về kinh tế mà không có khả năng phòng thủ và gây chiến. Âu châu bị lép vế, tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế và dần dần trở thành một khối chủ hòa mà vẫn không mấy tin vào Hoa Kỳ.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc và mối nguy Liên Xô không còn, Âu Châu muốn tiến xa hơn trong việc hội nhập kinh tế và chính trị với nỗ lực thống nhất chính trị và tiền tệ đẻ thành một cực mới có thể đối trọng với Hoa Kỳ trong một thế giới đa cực. Khi Liên Xô suy sụp, nước Đức đã tái thống nhất và giữ vị trí cột trụ kinh tế của Âu Châu. Khi Liên bang Nga quật khởi và muốn giành lại ảnh hưởng đã mất trong các khu vực xưa kia thuộc quỹ đạo Liên Xô, Âu Châu tìm thế dung hoà và thật sự tranh chấp với Hoa Kỳ về nhiều hồ sơ kinh tế. Trong nhiều vấn đề, lập trường của Âu Châu lại mâu thuẫn với Hoa Kỳ, chuyện Iraq và Iran là thí dụ. Hoặc Âu Châu còn tìm cách thỏa hiệp với Liên bang Nga, chuyện Georgia và Ukraine là thí dụ khác. Bị lệ thuộc vào Nga về năng lượng, Âu Châu cũng không yên tâm với tư thế độc bá của Mỹ và muốn có tiếng nói ngang hàng với Mỹ về nhiều vấn đề của thế giới.
Lập trường ngang ngược của Tổng thống Bush chỉ là cái cớ, chứ không có Bush, Âu Châu vẫn từ chối tăng viện cho chiến trường Afghanistan hoặc mạnh tay can ngăn Iran bằng giải pháp phong tỏa kinh tế. Và được tái thống nhất, nước Đức đã có tư thế mạnh hơn trước nên không lỡ dịp đưa ra những quan điểm trái ngược với Hoa Kỳ, đó là bài học của bà Merkel về cách ứng xử với Hoa Kỳ trong suốt hai năm suy trầm kinh tế.
Kết luận ở đây là khi làm đồng minh của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu vẫn liên tục đấu tranh chứ không khi nào hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ.
Tại Á Châu, sau Thế chiến II, Nhật Bản bị Hoa Kỳ đánh bại, phải giải giới và đành dồn ưu tiên vào phát triển để thành một thế lực kinh tế dưới lá chắn bảo vệ của Mỹ. Trong thời Chiến tranh lạnh, Nhật duy trì chế độ kinh tế bao cấp và bảo hộ mậu dịch và nhờ bớt phải đầu tư vào quốc phòng mà lại thành đối tác cạnh tranh rất mạnh với Hoa Kỳ.
Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ ấy với Mỹ có thay đổi và sẽ ngày càng thay đổi. Hết là kẻ thù hay đối thủ, Nhật vẫn là một đồng minh có những tính toán riêng và muốn có tư thế quốc tế tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình. Và đang tiến dần đến việc tái võ trang để bảo vệ tư thế đó.
Bây giờ, khi kỷ nguyên nâng đỡ Trung Quốc để khống chế Liên Xô chấm dứt, Nhật sẽ là đối tác của Hoa Kỳ và cả Liên bang Nga để có ngày cùng ngăn ngừa Trung Quốc. Nhưng với những điều kiện của mình. Chuyện tình nghĩa đồng minh, xin cứ nhường cho báo chí thêu dệt.
Cũng tại Á Châu, Đài Loan học được nhiều kinh nghiệm nhất trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, kể từ 1947 khi Quốc dân đảng bị bỏ rơi cho Mao Trạch Đông hoàn toàn làm chủ Hoa lục. Sau khi chinh phục Đài Loan, Chính quyền Tưởng Giới Thạch rất thấm thía tình nghĩa Hoa Kỳ nên tích cực phát triển kinh tế hầu khỏi lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Sau khi bị Mỹ đoạn giao để giang tay chào đón Bắc Kinh năm 1979, Đài Loan càng biết thân biết phận và tự ý cải cách để trở thành sức mạnh có khả năng tự vệ. Xứ này đã xây dựng công bằng xã hội và dân chủ chính trị vì động lực nội tại, chứ không vì Hoa Kỳ.
Ngược lại, Đài Loan cũng là thế lực vận động hữu hiệu nhất vào chính trường Hoa Kỳ, không thua kém gì cộng đồng Do Thái tại Mỹ. Họ biết vận dụng sức mạnh của Hoa Kỳ chứ không phó thác số mệnh vào lãnh đạo Mỹ.
Trường hợp Nam Hàn cũng vậy. Nhìn vào tấm gương Đài Loan và Việt Nam Cộng Hoà, Nam Hàn thắt lưng buộc bụng để ra khỏi chế độ trông chờ ngoại viện Mỹ và trở thành cường quốc kinh tế có khả năng bảo vệ nền độc lập của mình. Y như Đài Loan, Nam Hàn đã tự dân chủ hóa và thoát khỏi chế độ quân phiệt không phải vì sức ép của Mỹ mà vì những động lực nội tại.
Trong cả hai trường hợp Đài Loan và Đại Hàn, không phải cái bao tử được đủ no đã sai khiến cái đầu cho thêm sáng. Ngược lại, chính là cái đầu đã sai khiến cái bao tử, cho toàn dân cùng chấp nhận hy sinh, tiết kiệm và trở thành cường quốc kinh tế trong một xã hội công bằng hơn. Sau đó, cũng chính cái đầu đã đưa hai xứ này vào dân chủ.
Nếu lại lệ thuộc vào viện trợ Mỹ đến độ nhất nhất chấp hành những quyết định hay thay đổi của Mỹ, hai xứ này khó có dân chủ đích thực như ý nguyện của người dân, mà chỉ có hình thức dân chủ theo kiểu Mỹ. Và bị dân chúng coi thường mà chưa chắc đã phát triển được kinh tế như chúng ta thấy!
Chúng ta trở lại chuyện kinh tế và Hoa Kỳ

****
Người ta thường nghĩ Hoa Kỳ cần giao thương với bên ngoài để nuôi sống nền kinh tế của mình và trở thành đế quốc vì động lực kinh tế. Chẳng hạn, nếu Chính quyền George W. Bush có tham chiến tại Iraq thì cũng vì dầu khí!
Sự thật nó rắc rối hơn thế.
Không kể những túi dầu nằm ngoài khơi ở miền Tây chưa được khai thác và ít được nói tới, chính thức thì Hoa Kỳ có trữ lượng dầu thô chỉ thua Saudi Arabia hay Liên bang Nga và sản xuất nhiều dầu hơn các nước còn lại, như Iraq, Kuwait, Iran, UAE. Mỹ cũng sản xuất khí đốt thứ nhì thế giới – hai chục ngàn tỷ mét khối một năm – chỉ sau nước Nga. Hoa Kỳ có dân số còn ít cho một diện tích rất lớn nên có mật độ dân cư rất thấp, với diện tích canh tác trung bình một đầu người cao gấp ba trung bình thế giới (Trung Quốc thì bằng một phần ba của trung bình thế giới!)
Nông gia Mỹ là thiểu số tuyệt đối mà canh nông Mỹ vẫn quá thừa để nuôi sống xứ khác đến độ nông gia được trợ cấp để tiết giảm sản xuất. Với dân số chưa bằng 5% dân số địa cầu, nước Mỹ sản xuất ra hơn 25% sản lượng thế giới, lại còn dư đất đai, lao động hay tư bản để phát triển mạnh hơn nữa.
Tất cả các quốc gia còn lại đều không được như vậy.
Người ta, kể cả dân Mỹ ít am hiểu và các chính khách mị dân, cứ than phiền về sự giảm sút của công nghiệp chế biến Hoa Kỳ. Dù có giảm về tỷ trọng trước sự lớn mạnh của khu vực dịch vụ, kỹ nghệ Mỹ ngày nay vẫn có sản lương hơn gấp đôi quốc gia hạng nhì là Nhật Bản. Và lớn hơn tổng số sản lượng kỹ nghệ của Nhật Bản và Trung Quốc gộp lại. Cho nên, trong một tương lai còn rất xa, Hoa Kỳ có tiềm năng phát triển lớn lao hơn đa số dư luận có thể tưởng tượng ra.
Với một thị trường nội địa rất lớn, chỉ lệ thuộc vào xuất cảng chừng 15% tổng sản lượng, nếu Hoa Kỳ muốn kiểm soát thế giới thì không đơn thuần vì lý do ngoại thương hay kinh tế. Lý luận nhuốm mùi Mác-xít rằng Hoa Kỳ là đế quốc bắn phá thành quách xứ khác để bán hàng, hoặc phải đi tìm tài nguyên cho kinh tế là một sự nông cạn lạc hậu.
Với siêu cường này, buôn bán quốc tế là chuyện thứ yếu, chưa là sinh tử như trường hợp Nhật Bản hay Trung Quốc, Nga hay Đức, Ấn Độ hay Brazil…
Nhưng kinh tế lại là phương tiện chính yếu cho mục tiêu chiến lược về địa dư chính trị. Là để bảo vệ, mua chuộc hay chi phối nước khác hầu Hoa Kỳ không có đối thủ trước mắt và trong tương lai. Trước hết, viện trợ Mỹ do Quốc hội quyết định có những ràng buộc mà quốc gia thọ nhận chưa chắc đã sử dụng được cho đúng với mục tiêu của họ, thường thì còn gây ra nguy cơ tham nhũng! Nhưng thị trường quá lớn của nước Mỹ mới là nguồn sống cho nhiều quốc gia và ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy việc đó. Bán hàng cho Mỹ lấy tiền về rồi lại đầu tư vào Mỹ là chuyện “châu về Hợp phố” – kiểu Mỹ.
Với khả năng bảo vệ quân sự – bằng các hải đội toàn cầu – và khả năng chi phối bằng ngoại giao chính trị, Hoa Kỳ có thể giúp cho nước khác phát triển kinh tế thị trường và buôn bán với Mỹ. Trong thị trường ấy, doanh nghiệp Mỹ vẫn có ưu thế đáng kể, dù Mỹ có bị nhập siêu là mua nhiều hơn bán. Khoảng 60% số xuất cảng của Trung Quốc vào thị trường Mỹ xuất phát từ sáng kiến và sự bố trí của doanh nghiệp Mỹ.
Cũng thế, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chủ động giúp Việt Nam học tập và thực hiện giấc mơ bán hàng cho Mỹ. Chính trường Hoa Kỳ đều hiểu ra sự vận hành đó của thị trường, và mặc nhiên yểm trợ. Việc mua bán có lợi ấy sẽ giàng số phận kinh tế và chính trị của các quốc gia đối tác vào mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ.
Vì vậy, quy luật “chia để trị” có thể là thị trường chia lời với sức yểm trợ của chính trường, để đạt mục tiêu chiến lược của cả quốc gia.
Như vậy, lý luận “kinh tế tự do sẽ chuyển hoá chính trị ra dân chủ” – hoặc mặt trái hắc ám hay mỹ miều của nó, là “diễn biến hoà bình” – chỉ là chuyện ảo, hay xảo. Và chủ trương “phát huy dân chủ toàn cầu” chỉ là ngôn ngữ ngoại giao, là một sự dối trá phải đạo! Những ai lầm lẫn tưởng thật thì cứ ráng chịu. Người Việt chúng ta có nên tưởng thật nữa không?
Mà “người Việt chúng ta” là ai? Những người ở hải ngoại mong là nhờ Mỹ mà Việt Nam sẽ có dân chủ, sẽ chặn được Trung Quốc và có khi mình sẽ về làm quan? Đã 35 năm rồi mà chưa hiểu gì cả!
.
.
.

No comments: