Friday, March 18, 2011

HẾT "CỬA" KÊU OAN VÌ VIỆN KSND TỐI CAO GÂY OAN SAI (báo Pháp Luật)

Bình Minh
Cập nhật lúc 07:46 | 16/03/2011 (GMT+7)

Tròn 10 năm từ ngày bị khởi tố, từ một nữ doanh nhân thành đạt, bà Mai Thị Khánh thân bại danh liệt vì những quyết định sai trái của VKSNDTC.

Giám đốc bị “chụp mũ” kẻ trộm

Vụ kỳ án mang tên Mai Thị Khánh đã được Báo PLVN phản ánh nhiều số báo kể từ khi khởi tố đến nay, đặc biệt là những oan sai liên quan đến việc khởi tố bà này.
Tháng 12/1999, Chan Yiu Wah Bosso, quốc tịch Anh, đại diện cho Cty Trans Pacific (Đài Loan) ký với Cty cổ phần Hữu Nghị (Cty Hữu Nghị) hợp đồng thuê 8 phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị, số 23 Quán Thánh, Hà Nội. Sau khi ký hợp đồng, Bosso nhờ Cty Hữu Nghị ký hợp đồng thuê bao một số máy điện thoại đặt tại các phòng cho thuê. Bosco còn đề nghị được lắp một ăngten parabol để nhân viên của Bosco xem bóng đá quốc tế. Không ai biết mục đích thực sự của Bossco là sử dụng các thiết bị kỹ thuật này để thiết lập trạm thu tín hiệu viễn thông nhằm trộm cước viễn thông.
Cùng thời gian thuê phòng của Cty Hữu Nghị, Bossco còn thuê 6 phòng, tại số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Cty cổ phần Sông Hồng (Cty Sông Hồng) và cũng lắp đặt ăngten parabol. Nguyễn Đức Quang, Giám đốc Cty Sông Hồng cũng sử dụng pháp nhân của Cty Sông Hồng để đăng ký thuê bao điện thoại cho Bossco. Ngoài ra, giúp cho Bosco lắp đặt và quản lý thiết bị kỹ thuật tại đây còn có Lê Công Hoàng (Giám đốc Cty TNHH Sông Hồng), Trần Văn Tiến (cán bộ của VKSND TP Hải Phòng).
Tiến và Hoàng đã mang các thiết bị viễn thông, ăngten parabol đến lắp đặt tại tòa nhà số 4, Trần Hưng Đạo để tạo thành hệ thống truyền dẫn tín hiệu viễn thông VSAT giống như hệ thống mà Bossco đã lắp đặt tại phòng khách sạn Hữu Nghị. Đặc biệt, Tiến đã giúp Bossco lắp đặt, vận hành và che dấu hệ thống máy móc này. Khi vụ việc bị phát hiện, Tiến và Hoàng còn tẩu tán các thiết bị, máy móc trên giúp Bossco.
Hai trạm truyền dẫn tín hiệu viễn thông này đã giúp Bosco “trộm cắp” cước viễn thông trong gần 1 tháng thì bị phát hiện. Tuy nhiên, Bosco đã nhanh chân tẩu thoát trước khi bị bắt, để lại hậu quả cho những người “giúp sức”, trong đó có cả người không biết gì về hành vi phạm tội của hắn là bà Khánh.
Hết "cửa" kêu oan vì cơ quan cao nhất làm sai?
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã làm rõ việc Tiến, Hoàng đã tích cực giúp đỡ Chan Yiu Wah Bossco lắp đặt các thiết bị như ăngten parabol và vận hành hệ thống truyền dẫn tín hiệu viễn thông tại số 4 Trần Hưng Đạo, giúp Bossco tẩu tán các thiết bị này khi bị phát hiện. Theo Kết luận điều tra, Tiến, Hoàng và Quang đã giúp Bossco trộm cắp hơn 344 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình truy tố, VKSNDTC đã có quyết định đình chỉ điều tra đối với Tiến, Hoàng, Quang vì hành vi của bị can này “chưa đến mức phải xử lý hình sự.
Gần đây, vợ của Bosco là Hoàng Thị Hương Giang, người giúp sức tích cực cho Bosco cũng được VKSNDTC cũng đình chỉ điều tra. Riêng bà Khánh và người làm thuê của Bosco là Bùi Ngọc Hải thì không được tha mà phải chịu trách nhiệm đối với… toàn bộ cho hành vi phạm tội của Bosco.
Mặc dù không biết việc ý định phạm tội của Bosco khi cho thuê phòng, ký hợp đồng thuê bao điện thoại và lắp đặt ăngten parabol nhưng bà Khánh vẫn bị chụp mũ “đồng phạm”.
Những người đồng phạm thực sự với Bosco lần lượt được VKSNDTC tha bổng còn bà Khánh thì trở thành kẻ thế tội.
Tròn 10 năm kể từ ngày bị khởi tố, số lần mở phiên tòa nhưng không thành án và số lần “trả hồ sơ điều tra bổ sung” đến nay không thể đếm hết. Thế nhưng, VKSNDTC vẫn không chịu thừa nhận đã làm oan cho nữ doanh nhân này mà vẫn tiếp tục duy trì những quyết định sai trái.
---------------------

Cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự như hiện nay liệu có đảm bảo quyền lợi của những người bị VKSNDTC gây oan, sai hay không?. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự về vấn đề này.
- Thưa Luật sư, hiện nay pháp luật có cơ chế nào để cho những người bị khởi tố kêu oan và khiếu nại các quyết định truy tố không đúng pháp luật?
- Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với bản án và các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra.. thì bị can, bị cáo có quyền kháng cáo. Ngoài ra, các quyết định khác thì bị can, bị cáo có quyền khiếu nại.
Đối với quyết định khởi tố bị can thì bị can có quyền khiếu nại nếu cho rằng quyết định đó không đúng. Ở đây, có thể hiểu việc khiếu nại các quyết định đó cũng là một trong những hành vi bào chữa của người bị khởi tố khi chưa có một phiên tòa để họ thực hiện quyền bào chữa tại tòa.
- Việc một người bị truy tố bằng bản cáo trạng của VKS thì họ có quyền khiếu nại không, thưa ông?
- Bản cáo trạng hay quyết định truy tố của VKS đối với người bị khởi tố cũng là đối tượng có thể bị khiếu nại. Tuy nhiên, thông thường thì các bị can bày tỏ sự khiếu nại của mình bày lý lẽ trước tòa án mà ít khi gửi khiếu nại đến người ra cáo trạng vì họ biết rằng, người ra cáo trạng không thay đổi quyết định truy tố và nội dung cáo trạng.
- Trở lại với vụ án trộm cắp cước viễn thông mà bà Khánh bị truy tố, ông có đánh giá như thế nào về các quyết định của VKSNDTC?
- Đây là vụ án có nhiều quyết định không đúng pháp luật. Đối với các quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Tiến, Hoàng, Quang thì có dấu hiệu của việc không xử lý người có tội còn đối với bà Khánh thì ngược lại, truy tố người không có tội.
Nhưng do VKSNDTC là cơ quan ra các quyết định trên nên các quyết định này dù có sai cũng không có ai xem xét lại. Bản thân cơ quan ra quyết định thì đương nhiên họ nói họ đúng, không bao giờ họ thừa nhận sai. Điều quan trọng là không có cơ quan nào phán xét việc làm của họ là đúng hay trái pháp luật. Vì thế, hầu hết các quyết định sai trái của VKSNDTC không bị xem xét lại và người bị oan phải “chấp nhận số phận”.
- Xin cảm ơn ông!
.
.
.
Bình Minh
Cập nhật lúc 07:39 | 17/03/2011 (GMT+7)

Những quyết định rõ ràng là sai nhưng người ra quyết định không thừa nhận, còn người bị oan thì không còn cửa nào để khiếu nại đành “sống chung với oan sai”.

Khởi tố sai, đình chỉ cũng sai…

Trong loạt bài “quyền lực tố tụng bị lạm dụng”, Báo PLVN đã phản ánh một loạt tranh chấp dân sự bị “hình sự hóa” bằng các quyết định khởi tố không đúng pháp luật. Thậm chí, có những giao dịch dân sự bình thường cũng bị chụp mũ “tội phạm” khiến nhiều người dân thân bại, danh liệt.
Trở lại vụ doanh nhân Vũ Đắc Lý bị gán mác xã hội đen và bị bắt trong khi đang thực hiện giao dịch dân sự. VKSNDTC đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam của Cơ quan CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Bộ Công an. Vụ án được giao về VKS huyện Hoài Đức để giữ quyền công tố tại tòa án cấp huyện nhưng đã bị TAND huyện Hoài Đức cho rằng bị cáo không có tội. Nếu cứ xét xử, việc VKSNDTC phải bồi thường oan sai là điều khó tránh khỏi. Vì thế, mượn cớ “liên ngành thống nhất ý kiến” bị cáo Lý có tội nhưng không đến mức xử lý nên tha, VKSNDTC ra quyết định đình chỉ vụ án bằng một cái cớ không đúng luật là “miễn trách nhiệm hình sự”.
Tương tự vụ án thương nhân Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Cty Thành Luân cũng bị VKSNDTC phê chuẩn quyết định khởi tố vì một tranh chấp thanh toán trong hợp đồng đại lý với Cty Tân Á. Thậm chí, khi hai bên đã “chốt” biên bản thanh lý hợp đồng là “không còn nợ gì nhau”, ông Lượng vẫn bị khởi tố. Trong vụ án này, có dấu hiệu lạm dụng quyền lực tố tụng của điều tra viên nhưng VKSNDTC không hiểu sao vẫn phê chuẩn các quyết định tố tụng trái pháp luật. Rút cục, cơ quan này phải giải quyết hậu quả bằng quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” trái pháp luật.
Vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại vũ trường New Century cũng xảy ra sai phạm tương tự. Ông Nguyễn Đại Dương cùng kế toán trưởng của vũ trường là Phùng Lam Sơn mặc dù không có hành vi tổ chức sử dụng ma túy trái phép nhưng vẫn bị khởi tố về tội này. Sau nhiều lần ra cáo trạng nhưng không đủ chứng cứ buộc tội, VKSNDTC cũng dùng “chiêu” miễn trách nhiệm hình sự để tránh bồi thường oan sai.

Ai phán xét?

Các quyết định không đúng trên của VKS đều bị khiếu nại, nhưng phần lớn các quyết định này vẫn được giữ nguyên vì cơ quan ra quyết định cũng là cơ quan xét khiếu nại. Câu trả lời theo “công thức” được áp dụng với tất cả các trường hợp trên là “quyết định của VKS đã rất đúng pháp luật, không xem xét lại”.
Nhưng chính các quy định về miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật Hình sự mà VKSNDTC viện dẫn trong các quyết định trên đã cho thấy các quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” này là không có căn cứ, mà chỉ là cách để cơ quan này chối bỏ trách nhiệm đối với các vụ án oan. Những “khổ chủ” đi khiếu nại đã đưa ra các căn cứ pháp lý để chứng minh VKSNDTC sai. Có điều, không có cơ quan nào xem xét và ra phán quyết rằng VKSNDTC đã sai vì đơn giản, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cao nhất và sau cùng theo pháp luật lại chính là… VKSNDTC.
Vừa là người ra quyết định sai, vừa là người giải quyết khiếu nại nên hầu hết các quyết định sai trái của VKSNDTC đều không được xem xét lại. Người bị hàm oan khiếu nại đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhưng các cơ quan này dù có biết cũng không thể giải quyết vì không có thẩm quyền. Rút cục, việc khiếu nại của người bị oan vẫn chỉ là “con kiến kiện củ khoai” và họ phải chấp nhận sống chung với oan sai.

-----------------------
Nếu như cáo trạng của VKS có thể bị mổ xẻ tại phiên tòa để làm rõ tính đúng sai thì các quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” dù có trái pháp luật nhưng lại không có cơ hội để xem xét lại. Nguyên nhân của thực trạng này như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Chí Đại về vấn đề này.
- Thưa ông, thực tế có vụ việc nào mà quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” của VKS bị xem xét lại không?
- Ở cấp tỉnh, cấp huyện thì có trường hợp VKS ra quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” để trốn tránh trách nhiệm bồi thường nhưng đã bị hủy bỏ và buộc phải thừa nhận truy tố oan, đó là vụ án Phùng Thị Thu tại Thái Bình. Lúc đầu, VKS tỉnh Thái Bình cũng áp dụng Điều 25, BLHS về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ vụ án nhưng thực chất thì cơ quan này đã truy tố oan bị can. Vì thế, trong năm 2010, VKSNDTC đã hủy bỏ quyết định trái pháp luật trên và buộc VKS tỉnh Thái Bình đình chỉ vụ án, xin lỗi bị can.
Đối với các vụ án do chính VKSNDTC ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự thì tôi chưa thấy có vụ quyết định nào bị xem xét lại.
- Theo ông thì lý do nào mà các quyết định của VKSNDTC lại không bị xem xét lại?
- Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, khiếu nại đối với quyết định của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng hay viện trưởng VKS do Viện trưởng giải quyết. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và quyết định giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên trực tiếp là quyết định giải quyết khiếu nại sau cùng.
- Nhưng đối với VKSNDTC thì quyết định của Kiểm sát viên đều là thừa ủy quyền của Viện trưởng. Nếu bị khiếu nại thì do chính Viện trưởng giải quyết. Nếu không đồng ý thì cũng phải khiếu nại đến chính Viện trưởng mà không thể gửi lên trên vì đã… “đụng trần”. Thực tế, người tham mưu giải quyết lại chính là kiểm sát viên đã ký quyết định. Họ không bao giờ nhận sai vì nó liên quan đến công danh, địa vị của chính kiểm sát viên đó. Vì thế mà hầu hết các quyết định sai sẽ không được xem xét lại.
- Các quyết định hành chính thì có thể bị kiện ra tòa án. Vậy, các quyết định sai trái mà VKS đưa ra có thể bị kiện ra tòa để giải quyết không, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật hiện nay thì các quyết định tố tụng không được khởi kiện ra tòa. Nếu cơ quan giải quyết khiếu nại không chấp nhận khiếu nại, thì người khiếu nại chỉ còn cách chấp nhận.
- Xin cảm ơn ông!
.
.
.
Bình Minh
Cập nhật lúc 07:27 | 18/03/2011 (GMT+7)

Một khoảng trống pháp lý lớn đã tạo ra “quyền lực tuyệt đối” khi những quyết định trái pháp luật của cơ quan tối cao không bị phán xét.

Dấu hiệu lạm quyền…

Trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai, có những biểu hiện cho thấy sự lạm quyền của những người thực thi công vụ, đặc biệt là điều tra viên. Tuy nhiên, là cơ quan kiểm sát các hoạt động điều tra, VKSND tối cao đã không “tuýt còi” mà lại hợp thức hóa những việc làm sai trái đó bằng các quyết định phê chuẩn của mình.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 11/5/2010, Quốc hội đã đặt ra vấn đề hình sự hóa các tranh chấp dân sự và nêu rõ trách nhiệm của VKSND tối cao. Đặc biệt là trong các vụ án mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh có dấu hiệu oan sai; trong đó, có 2 vụ án tình tiết đơn giản, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện, CQĐT Bộ Công an khởi tố và điều tra nhưng VKSND tối cao vẫn “kiểm sát điều tra”. Đó là vụ án Vũ Đắc Lý và vụ án Nguyễn Văn Lượng.
Cả hai vụ việc này, giá trị tài sản liên quan đến tranh chấp là 100 triệu đồng. Nếu tranh chấp này có “dấu hiệu tội phạm” thì thẩm quyền khởi tố, điều tra và xét xử thuộc các cơ quan tố tụng cấp huyện. Vậy, lý do gì mà CQĐT Bộ Công an và VKSND tối cao lại “vào cuộc”?.
Ở vụ án Vũ Đắc Lý, các điều tra viên đã “bắt quả tang” ông Vũ Đắc Lý đang “cưỡng đoạt tài sản” mà thực chất là đang nhận tiền theo thỏa thuận góp tiền cùng sử dụng đường mà Công ty Lý Hùng thuê nền đường của Công ty quản lý đường sắt Hà Thái. Việc tổ chức “bắt quả tang” một giám đốc doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch dân sự rồi tiến hành điều tra vượt thẩm quyền đã có dấu hiệu của hành vi lạm quyền.
Trong vụ án Nguyễn Văn Lượng, điều tra viên còn cầm tiền của con nợ để trả cho bên có nợ trong khi hai bên đang tranh chấp về thanh toán. Vụ việc tranh chấp nợ này nếu là tội phạm cũng thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT TP Nam Định, tại sao điều tra viên của Bộ Công an lại đi “điều tra” từ khi chưa có quyết định khởi tố đối với vụ án không thuộc thẩm quyền của CQĐT Bộ Công an?
Những dấu hiệu lạm quyền của CQĐT khá rõ, VKS là cơ quan kiểm sát điều tra phải từ chối phê chuẩn các quyết định khởi tố và xử lý vi phạm thì mới đúng pháp luật. Nhưng ngược lại, VKSND tối cao phê chuẩn và kiểm sát điều tra cả những vụ có dấu hiệu lạm quyền này.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi...

Theo Luật tổ chức VKSND thì VKS các cấp có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra các cấp. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì các hoạt động của cơ quan điều tra đều chịu sự kiểm sát của VKS. Thậm chí, những quyết định của CQĐT mà VKS phê chuẩn thì VKS phải chịu trách nhiệm cùng cơ quan điều tra.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự,VKS còn là cơ quan công tố, thực hiện việc truy tố bị can trước tòa án. Kiểm sát viên là người thực hiện quyền công tố, vừa là người “kiểm sát” hoạt động của điều tra viên. Nhưng, việc thực thi quyền lực của kiểm sát viên thì lại không có ai kiểm sát. Trong một vụ án, kiểm sát viên vừa là “cầu thủ” vừa là… “trọng tài”.
Vì lý do này mà hầu hết các sai phạm của điều tra viên không được cơ quan kiểm sát điều tra xử lý. Trong vụ án Vũ Đắc Lý, Nguyễn Văn Lượng, khi đã phê chuẩn quyết định khởi tố và tạm giam thì VKSND tối cao là một phần của sai phạm. Vậy, ai kiểm sát và kiến nghị xử lý những sai phạm của cơ quan có chức năng “kiểm sát điều tra”.
Gần đây, vụ án Nguyễn Văn Thắng bị VKS huyện Mỹ Đức truy tố về tội “trộm cắp tài sản” cũng có sự “đồng lõa” của VKS đối với các sai phạm của CQĐT. Tại tòa, các nhân chứng đã “tố” điều tra viên dựng lời khai của họ, ghi lời khai không đúng sự thật. Lẽ ra, với vai trò là cơ quan kiểm sát điều tra, VKS phải “nhận trách nhiệm” về việc làm sai đó của điều tra viên. Nhưng, VKS đã không có ý kiến gì mà tiếp tục sử dụng chứng cứ được thu thập bất hợp pháp để buộc tội người bị truy tố.
Việc VKS thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát và tình trạng các quyết định của VKSND tối cao lại “miễn dịch” với khiếu nại đã khiến cho quyền lực của VKS trong tố tụng hình sự trở thành tuyệt đối. Đây là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng lạm dụng quyền lực tố tụng và oan sai trong tố tụng hình sự. Điều này phải sớm được chấm dứt.

--------------------

Cần có một cơ chế để người bị oan khiếu nại và đấu tranh đến cùng với các quyết định trái pháp luật của VKSND tối cao cũng là một cách để hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong tố tụng hình sự. Bạn đọc sẽ tìm hiểu về vấn đề này thông qua ý kiến của Luật sư Ngô Trung Kiên:
- Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng, quy định về việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự như hiện nay đã tạo ra “quyền lực tuyệt đối” cho VKSND tối cao, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ không chỉ riêng VKSND tối cao mà các cơ quan kiểm sát cấp dưới cũng có thể lạm dụng quyền lực nếu như không có một cơ chế giải quyết khiếu nại minh bạch và độc lập. Hiện nay, bản án, quyết định của Tòa án có thể bị phúc thẩm, giám đốc thẩm nhiều lần nhưng quyết định của VKS lại không có cơ chế xem xét lại, trong khi hậu quả của các quyết định trên là không khác nhau. Như thế là không hợp lý.
- Trong hệ thống pháp luật hiện hành, các quyết định hành chính của các cơ quan hành chính có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện và xem xét công khai nhiều lần. Duy nhất chỉ có quyết định của VKSND tối cao trong tố tụng hình sự là gặp trường hợp không có cơ quan nào xem xét lại. Vì thế, nói là “quyền lực tuyệt đối” cũng không sai. Theo ông, trong các quy định của pháp luật hiện hành, có quy định nào để ngăn chặn và xử lý việc lạm dụng quyền lực xảy ra như nêu ở các vụ việc trên?
- Thực chất của việc lạm dụng quyền lực trên là những hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm về chức vụ như tội “Lạm quyền khi thi hành công vụ” hay các tội về xâm phạm hoạt động tư pháp. Nếu xem xét và xử lý nghiêm khắc thì vẫn có thể ngăn chặn được nạn lạm dụng quyền lực tố tụng. Nhưng, việc xử lý các tội danh trên khó thực hiện trong thực tế vì cơ quan khởi tố, điều tra lại chính là VKS. Trong thực tế, hiếm thấy các điều tra viên, kiểm sát viên trong các vụ án mà VKS phải đình chỉ bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Hơn nữa, những cán bộ làm sai vẫn bám vào quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” mà VKS đưa ra để cho rằng họ không sai. Do đó, khó mà xử lý họ được. Vì thế, vẫn cần xây dựng một cơ chế giải quyết khiếu nại minh bạch và nhiều cấp đối với các quyết định của VKS mới có thể ngăn chặn được nạn lạm dụng quyền lực trong tố tụng hình sự và hạn chế được oan sai.
- Xin cảm ơn ông!

Bình Minh
.
.
.

No comments: