Dân Luận
Thứ Ba, 08/03/2011
.
Dân Luận: Xin chuyển tới độc giả phần kế tiếp của câu trả lời câu hỏi Vòng Một từ đại diện Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Mời độc giả tiếp tục đặt câu hỏi cho vòng Hai, cũng là vòng cuối của cuộc hội luận, ở phần phản hồi. Ban Biên Tập Dân Luận sẽ chọn lựa các câu hỏi đáng quan tâm nhất để chuyển tới THDCĐN vào ngày 14/03/2011.
------------------------------
Câu hỏi 5 : ‘Độc tài cộng sản ở Việt Nam là độc tài có khoa học?
Câu hỏi 5 : ‘Độc tài cộng sản ở Việt Nam là độc tài có khoa học?
Việt Hoàng trả lời tiếp câu hỏi số 5:
Đây là một câu hỏi thú vị. Nếu nhìn bề ngoài thì đúng như vậy thật. Mọi quan hệ, giao tiếp của người dân từ trên xuống dưới đều có sự quản lý chặt chẽ của Đảng cộng sản bởi đủ các ‘ban, ngành, đoàn thể’. Đảng cũng áp dụng ‘linh hoạt’ các biện pháp để khống chế người dân như lời một độc giả Dân Luận (đồng thời là một nhân viên an ninh Việt Nam), ông Đức Trí, rằng: ‘mềm nắn, rắn buông’, ‘mạnh hòa, yếu hiếp’, ‘vừa đấm, vừa xoa’, ‘thuyết phục không được thì khuất phục’…
Chúng tôi thì không nghĩ như vậy. Đã là độc tài thì không thể ‘sáng suốt’ và ‘khoa học’ được. Đó chỉ là vẻ bên ngoài.
Xin nhắc lại một câu của ông Nguyễn Gia Kiểng: ‘Một đặc tính chung của mọi chế độ độc tài bạo ngược, đó là cho tới ngay trước khi sắp sụp đổ chúng vẫn tỏ ra rất vững vàng. Nhưng chúng là những chế độ rất không bình thường và có thể chết một cách rất đột ngột’. Bạn Tùng, một người tham gia cuộc hội luận cũng thấy rằng ‘Nhiều người lo rằng chế độ độc tài Việt Nam to khoẻ hơn các chế độ độc tài Bắc Phi, vì nó được tổ chức một cách tinh vi và khoa học. Nhưng theo tôi thấy, toàn bộ hệ thống tổ chức của chính quyền này đang rữa nát do mất lí tưởng và xung đột lợi ích’. Nội bộ đảng cộng sản không còn ai tin vào lý tưởng cộng sản, họ ‘đoàn kết’ với nhau chỉ vì quyền lợi mà thôi. Do điều kiện thông tin rất hạn chế, đồng bào ta chưa được nói đến, nghe thấy ai hay tổ chức nào có thể mang lại một tương lai khác cho họ nên họ đành nhẫn nhục chờ đợi.
Sau khi được tạm tha để về nhà chữa bệnh năm ngoái, linh mục Nguyễn Văn Lý đã trả lời phỏng vấn báo chí và ông nói (đại ý) rằng nếu dân chủ mà hỗn loạn như Phi-lip-pin hay In-đô-nê-xi-a thì thà cứ để đảng cộng sản còn hơn. Ông cũng đã đề cập đến ba vấn đề (mà theo ông là) rất quan trọng, đó là Lãnh Tụ, Tổ Chức và Học Thuyết. Cho đến nay thì THDCĐN là tổ chức đối lập duy nhất đã có được ba yếu tố cần thiết đó. Tôi xin được nhắc lại qua: Lãnh tụ của THDCĐN, ông Nguyễn Gia Kiểng là một nhà ‘tư tưởng chính trị’ xuất sắc nhất của Việt Nam hiện nay. Tư tưởng của ông đã, đang và sẽ dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến đích mà ai cũng mong muốn, đó là: một kỉ nguyên mới cho đất nước vĩnh viễn chấm dứt mọi chế độ độc tài như chúng ta đã trải qua suốt nghìn năm nay để bước vào kỉ nguyên dân chủ thực sự mà người Việt Nam chúng ta xứng đáng được hưởng Độc lập -Tự do - Hạnh phúc thật sự. Tin hay không là quyền của mỗi người nhưng chúng tôi thì tin và nhận ra điều đó. Tổ chức của THDCĐN cũng là tổ chức có qui củ và gắn kết nhất trong phong trào dân chủ đối lập, và cuối cùng Học thuyết của THDCĐN tức là Dự Án Chính Trị cũng là Dự án khả thi nhất cho đất nước Việt Nam.
‘Rào cản khiến cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ nhân quyền ở Việt Nam có nhiều khó khăn phức tạp’ lớn nhất, có lẽ là do yếu tố văn hóa Khổng Giáo. Ở các nước văn minh và phát triển thì tầng lớp trí thức tinh hoa luôn chủ động dẫn dắt nhân dân và lãnh đạo đất nước; trong khi đó ở Việt Nam thì trí thức chỉ là quỳ gối phụng sự một ông vua. Họ chỉ mong được phục vụ ai đó chứ không nghĩ đến chuyện là họ phải là người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một trí thức lớn hay một quan chức cao cấp nào trong chính quyền kể cả những người đã nghỉ hưu, dám đứng lên thành lập một đảng phái hay một tổ chức đối lập với chính quyền, thậm chí họ còn chưa dám công khai ủng hộ bất cứ một tổ chức chính trị đối lập nào, dù đứng đắn như THDCĐN. Mọi bức xúc của họ chỉ dừng lại ở việc đề nghị, kiến nghị mà thôi, nghĩa là tiếp tục truyền thống xin, và lãnh đạo chính trị có thể không cho. Chính vì không có sự tham gia của họ mà phong trào dân chủ không thể phát triển như mong muốn. Thiết nghĩ, cũng cần nhắc lại rằng hai thủ lĩnh hàng đầu của đối lập Iran là Moussavi, nguyên tổng thống Iran và Karoubi, nguyên là Chủ tịch Quốc hội Iran. Bao giờ ở Việt Nam thì những người có uy tín như vậy dám đứng lên làm cách mạng, dám tham gia vào hàng ngũ đối lập dân chủ?
Một lý do nữa khiến cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam gặp khó khăn là sự thờ ơ của quần chúng, nhất là giới trí thức trẻ. Đây là ‘ẩn số’ chưa có đáp số cho phong trào dân chủ Việt Nam. Không những tầng lớp trí thức trẻ mà đa số người dân Việt Nam vẫn chọn cho mình lối sống ‘mũ ni che tai’, ‘sống chết mặc bay’ luồn lách lo cho bản thân mình. Đúng như một độc giả của Dân Luận nói rằng: ‘Chúng ta thiếu sự liên đới phải có của một dân tộc’ (http://danluan.org/node/7958).
Trong Dự Án Chính Trị cũng như qua nhiều bài viết của các thành viên THDCĐN trên Thông Luận, chúng tôi đã chỉ ra 5 bước đi cụ thể để một cuộc cách mạng dân chủ đạt được thắng lợi. Bước thứ 5 và là bước cuối cùng đó là ‘tiến công giành thắng lợi’. Một cuộc biểu tình rầm rộ của mọi tầng lớp dân chúng sẽ phải diễn ra để chuyển hóa Việt Nam về hướng dân chủ. Và để một cuộc cách mạng diễn ra thành công thì mọi khâu chuẩn bị phải chu đáo và hoàn tất, nếu không cuộc cách mạng đó sẽ nửa vời. Ngay cả các cuộc ‘cách mạng đường phố’ đã thành công như Tunisia hay Ai Cập cũng vậy. Nó đúng như nhận xét của của bạn Tùng:
‘…chính vì thiếu những chính đảng dân chủ có tầm vóc, phong trào dân chủ ở Tunisia và Ai Cập đã chưa hoàn toàn chạm tới thành công. Thứ nhất, vì không có đảng nào đủ khả năng, những người dân chủ ở hai nước này đã bối rối khi khi tìm người đủ tư cách đại diện cho nhân dân để đối thoại với chế độ. Thứ hai, sự thiếu vắng những đảng dân chủ mạnh cũng là căn nguyên của khoảng trống chính trị - nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay của người dân nước họ và của cả thế giới. Thứ ba, việc không có một dự án chính trị và nhân sự chính trị sáng suốt - hệ quả của sự thiếu vắng chính đảng đủ thực lực - cũng là một trở ngại lớn trên con đường tái thiết của họ trong tương lai’.
‘…chính vì thiếu những chính đảng dân chủ có tầm vóc, phong trào dân chủ ở Tunisia và Ai Cập đã chưa hoàn toàn chạm tới thành công. Thứ nhất, vì không có đảng nào đủ khả năng, những người dân chủ ở hai nước này đã bối rối khi khi tìm người đủ tư cách đại diện cho nhân dân để đối thoại với chế độ. Thứ hai, sự thiếu vắng những đảng dân chủ mạnh cũng là căn nguyên của khoảng trống chính trị - nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay của người dân nước họ và của cả thế giới. Thứ ba, việc không có một dự án chính trị và nhân sự chính trị sáng suốt - hệ quả của sự thiếu vắng chính đảng đủ thực lực - cũng là một trở ngại lớn trên con đường tái thiết của họ trong tương lai’.
Xin phép Dân Luận cho tôi được nói vài lời với bạn Tùng: Bạn là người có năng khiếu, tư chất và bản lĩnh để trở thành một chính trị gia. Tôi xin được thay mặt THDCĐN cám ơn bạn vì những tình cảm quí báu mà bạn đã dành cho chúng tôi. Nếu bạn đã có những dự định cho tương lai thì không nói làm gì, còn nếu chưa thì tôi xin được nói với bạn rằng THDCĐN sẽ hân hoan chào đón bạn tham gia vào tổ chức của chúng tôi. Tôi tin rằng THDCĐN sẽ mạnh hơn vì sự có mặt của bạn.
-----------------------------------
.
Câu hỏi 6: Tập Hợp đánh giá như thế nào về lực lượng thanh niên Việt Nam hiện nay? Tập Hợp đã có những biện pháp gì để tiếp cận và quảng bá những tư tưởng của mình tới lực lượng này? Các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã tận dụng rất hiệu quả các mạng xã hội của giới trẻ như Facebook và Twitter, vậy mà hiện nay THDCĐN hình như vẫn chưa có mặt trên Facebook?
Hoàng An Việt trả lời:
Xin gởi lời chào nồng nhiệt đến tất cả các bạn trẻ, những người bạn đồng trang lứa với tôi, những người có tấm lòng khao khát với tình yêu quê hương Việt Nam.
Câu hỏi số 6 gồm hai phần: một phần là câu hỏi của bạn Thanh Niên và còn lại là một phần trong câu hỏi của bạn Tùng.
Tôi xin được thay mặt THDCĐN tiếp chuyện với bạn Thanh Niên trước:
“Tập Hợp đánh giá như thế nào về lực lượng thanh niên Việt Nam hiện nay? Tập Hợp đã có những biện pháp gì để tiếp cận và quảng bá những tư tưởng của mình tới lực lượng này?”
Trước tiên, khi nói đến lực lượng thanh niên Việt Nam, giới trẻ Việt Nam, tôi xin ngỏ lời ngưỡng mộ và cám ơn các bạn Ban Quản Trị trang web Dân Luận đã tạo cơ hội để Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) được ngỏ lời với quý độc giả Dân Luận. Sự sáng tạo và thành công trong một thời gian rất ngắn của trang web Dân Luận chứng tỏ tài năng và sự nhanh nhạy với thời cuộc của giới trẻ Việt Nam, dù sống ở bất cứ phương trời nào, ở quốc nội hay ở hải ngoại.
Thưa bạn Thanh Niên,
Theo tôi được biết, hầu hết các thành viên Ban Quản Trị của Dân Luận là các bạn trẻ, là lớp đàn anh hoặc cùng độ tuổi như bạn và tôi, với sự tự tin và năng động của tuổi trẻ đã góp phần tạo dựng sự thành công của Dân Luận. Chính khi Ban Lãnh Đạo (BLĐ) THDCĐN quyết định tham gia cuộc Hội Luận này theo lời mời của Ban Quản Trị Dân Luận thì đó đã là câu trả lời cho câu hỏi của các bạn: BLĐ THDCĐN luôn đánh giá rất cao về khả năng và tầm vóc của giới trẻ Việt Nam, tức lực lượng thanh niên Việt Nam theo cách nói của bạn.
Một trong những cố gắng của THDCĐN là trẻ hoá ban lãnh đạo. Bạn Thanh Niên có thể nhận xét là anh Nguyễn Gia Dương là thành viên BLĐ THDCĐN, mặc dù tuổi đời còn khá trẻ. Thế nhưng, anh Nguyễn Gia Dương cũng không phải là người trẻ duy nhất trong BLĐ THDCĐN.
Thưa bạn Thanh Niên,
Dù cho rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm chính trị, dù thiếu tự tin nhưng chúng ta cũng bắt buộc phải nhìn nhận một sự thực là chính chúng ta chứ không phải ai khác sẽ quyết định tương lai của bản thân mình, của gia đình và thân nhân, và vận mệnh của dân tộc. Dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ phải đảm nhận trách nhiệm. Vậy nếu chúng ta chưa sẵn sàng thì chúng ta phải gấp rút chuẩn bị. Chúng ta phải chủ động đổi thay xã hội, không có chọn lựa nào khác. Để có sức mạnh cần thiết chúng ta cũng không có con đường nào khác là cùng nắm tay nhau phấn đấu và dựng xây một tương lai chung. Xin nắm tay bạn. Và mong còn được trao đổi nhiều với bạn. E-mail của chúng tôi là e.thongluan@gmail.com
Lứa tuổi chúng ta trong đại đa số đều đã “phải” tốt nghiệp dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa”. Về chính trị chúng ta đã chỉ được giảng dạy những môn đại loại như “Triết học Mác-Lênin”, “Kinh tế Chính trị Mác-Lênin”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”... nghĩa là những điều vô ích và sai. Sự thiếu hụt kiến thức về tư tưởng và triết học chính là nguyên nhân tạo nên những sai lầm nghiêm trong trong cách nhận thức các vấn đề xã hội.
Thế hệ chúng ta đã phải học lịch sử của dân tộc Việt Nam và của thế giới một cách méo mó, xuyên tạc, và đây chính là nguyên nhân của sự tụt hậu thảm khốc của dân tộc Việt Nam – chúng ta không rút được những bài học lịch sử trong khi “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời” – (Historia magistra vitae) – Marcus Tullius Cicero (106-43 trước CN).
Vậy câu hỏi đầu tiên chúng ta phải đặt ra là làm sao chúng ta có thể tranh đua được với thanh niên các nước khác trong môi trường giáo dục đào tạo như vậy? Cũng may, nhờ hệ thống mạng lưới toàn cầu, kiến thức và lý luận tư tưởng của chúng ta có thể được giải phóng, dĩ nhiên phải có sự nỗ lực cố gắng cá nhân.
Thế hệ chúng ta được may mắn hơn thế hệ cha anh, mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Khi nhìn trở lại đất nước mình, hẳn các bạn cũng như chúng tôi, tự thấy có nhiều điều so le giữa hiện thực và những gì được trình bày trong hệ thống truyền thông chính thống. Nói cho đúng thì tuổi trẻ chúng ta được thả tự do chạy theo lối sống duy thực, được làm bất cứ những gì ta được nhìn thấy tuổi trẻ phương Tây qua phim ảnh, báo chí thương mại. Duy có một điều thuộc phạm vi cấm kị: quan tâm đến hiện thực xã hội. Tôi muốn nói đến hiện thực cốt lõi của xã hội Việt Nam, của đất nước Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI chứ không phải thứ hiện thực như được tô vẽ trên hệ thống truyền thông chính thống.
Lối cai trị của nhà nước hiện nay là lối cho phép tự do một chiều, thứ tự do bị bịt mắt mà chúng ta đã biết từ thời thực dân Pháp. Nếu chúng ta gọi lối cai trị của thực dân Pháp là chính sách ngu dân thì – buồn thay - lối cai trị ngày nay cũng chẳng hơn gì. Sự sa đoạ trong lối sống của một bộ phận tuổi trẻ bây giờ thật là «hiện đại», thật là «tiền phong», nhưng chỉ thiếu một điều rất cơ bản mà nếu tuổi trẻ chúng ta nhìn lại sẽ thấy ngay nguy cơ khá lớn: nếp sống, lối nghĩ như thế có thể gây dựng tương lai cho thế hệ mai sau?
Ý thức được thảm kịch của tuổi trẻ Việt Nam, đã từ lâu THDCĐN đã khẳng định chiến lược quan trọng của mặt trận truyền thông trong việc tiếp cận và quảng bá những tư tưởng của mình đến mọi thành phần xã hội Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ.
Hiện tại, THDCĐN có trang web e-Thông Luận trên đó các bạn sẽ đọc được các bài vở về quan điểm, về chính luận, bình luận chuyện thời cuộc... của các cây bút là thân hữu hoặc thành viên của THDCĐN ở trang nhất; các bạn có thể tìm đọc Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên 2001 – Thành Công Thế Kỷ 21 ở cột bên phải; các bạn có thể tìm đọc hoặc download các tác phẩm tư tưởng rất có giá trị trong ô Tủ Sách Thông Luận cũng ở cột bên phải, cũng như các số báo Thông Luận và Tổ Quốc cũ và mới... Kho tài liệu, bài vở đồ sộ được lưu trữ kĩ lưỡng trên web e-Thông Luận đã và đang góp phần vào việc phục vụ các bạn trẻ trong cố gắng tìm biết và tiếp nhận những giá trị văn hoá mới mẻ so với những hiểu biết từ môi trường sách vở «chính thống», từ đó sẽ là nguồn chảy của dòng tư duy dân chủ mới. Khi chúng tôi chuyển đến bạn đọc một công trình nào đó, chúng tôi luôn nghĩ đến bạn đọc trẻ, là những người rất cần mở rộng đường chân trời hiểu biết, khi hoàn cảnh của tuổi trẻ chúng ta ở trong nước chưa nhiều thuận lợi.
Chính vì lẽ đó, trang web e-Thông Luận luôn luôn là mục tiêu bị ngăn chặn và đánh phá đêm ngày của các “chiến sĩ” công an mạng. Khối Truyền Thông THDCĐN đang cố gắng cố gắng cải tiến trang web để phục vụ và chuyển tải thông tin đến các bạn được tốt hơn. Nhân dịp này, Khối Truyền Thông THDCĐN cũng muốn gởi lời cám ơn chân thành đến tất cả quý độc giả và Ban Quản trị Dân Luận đã hết lòng giúp đỡ và tạo điều kiện để chuyển tải bài vở của e-Thông Luận đến bạn đọc Dân Luận trong suốt một thời gian dài chúng tôi phải vắng mặt, đặc biệt là các bạn trẻ đã và đang đồng hành và tiếp tay chuyển tải trang web e-Thông Luận đến Việt Nam bằng các trang blog cá nhân, bằng email, bằng cách giúp nhau vượt tường lửa... Khối Truyền Thông THDCĐN cũng đang nghiên cứu phương án sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như Facebook, Twitter, internet@i-phone, i-pad .v.v. để đem thông tin đa chiều và tư tưởng dân chủ đến với lực lượng thanh niên Việt Nam. Nhưng dù sao đi nữa thì những cố gắng cũng chỉ đạt được phần nào kết quả nếu được sự tiếp tay hỗ trợ của các bạn trẻ khắp nơi.
Việc làm của các anh trong Ban Quản Trị trang web Dân Luận là bước khởi đầu đầy sáng tạo và thật hữu ích cho chiếc cầu nối của các bạn trẻ chúng ta. Một lần nữa xin được ngỏ lời cám ơn các anh trong Ban Quản Trị trang web Dân Luận đã tổ chức cuộc hội luận này.
Voltaire từng nói: “Con người, càng hiểu biết thì càng tự do”. Thông tin và sự hiểu biết đã góp phần quyết định thúc đẩy thanh niên các nước Ả Rập đứng dậy đạp đổ những chế độ độc tài. Sau Tunisia, Ai Cập, Libya, Bahrain, Yemen, Algeria, Morrocco, Jordan,... chúng ta hãy cùng nhau hy vọng và chuẩn bị đón làn sóng dân chủ đến Việt Nam.
Bây giờ, tôi tiếp chuyện với bạn Tùng:
Thưa bạn Tùng,
Những nhận xét của bạn về các phương tiện công nghệ thông tin thật là chính xác và hữu ích, chứng tỏ là bạn khá thành thạo về những tiện ích này. Tôi thấy không cần phải nói thêm gì về những lợi ích của vốn liếng công nghệ thông tin mà thế hệ trẻ cần được trang bị. Khối Truyền Thông THDCĐN đã và đang xúc tiến một số việc để đưa Thông Luận vào các lãnh vực công nghệ thông tin mới.
Hiên tại e-Thông Luận đã có mặt trên Facebook và đang từng bước giới thiệu THDCĐN với các bạn trẻ trên trang mạng Facebook. THDCĐN rất mong luôn được các bạn trẻ nồng nhiệt theo dõi e-Thông Luận.
Để tìm gặp THDCĐN – Thông Luận trên trang Facebook: ngay sau khi bạn “login” vào Facebook, tại ô “Search” bạn gõ vào tên “Thông Luận” có dấu tiếng Việt (nếu bạn thấy hiển thị “ThongLuan” – không có dấu tiếng Việt – thì không phải là chúng tôi. Có lẽ trước đây các bạn trẻ giúp chúng tôi tự chuyển tải các bài viết trên trang e-ThôngLuận lên Facebook nên đã tạo lập “ThongLuan” chăng ?).
Rất vui mừng chào đón và gặp gỡ các bạn trên trang mạng Facebook.
Nếu phải nói thêm điều gì, tôi chỉ xin trở lại yếu tố con người: trong bốn điều kiện của một cuộc cách mạng dân chủ mà THDCĐN đề cập trong Dự án chính trị thì có đến… bốn yếu tố về con người. Khi quần chúng – trong đó có người trí thức trẻ tuổi – không chấp nhận sống như cũ nữa, và cùng đồng ý với nhau về một mô hình cuộc sống khác, thì phương tiện công nghệ thông tin sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cách mạng dân chủ. Tự thân chúng, Facebook hay Twitter không thể mơ ước đổi đời thay cho người trẻ Việt Nam chúng ta được. Phải không?
---------------------------------------
.
Câu hỏi 7: Phía Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có nền tảng tư tưởng rất vững chắc, nhưng phía Đảng Việt Tân lại tổ chức được nhiều hoạt động mang tính quảng bá hơn ở trong nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã bao giờ nghĩ đến việc thành lập một liên minh với các đảng phái như Việt Tân, hỗ trợ cho nhau, để tạo sự thay đổi chính trị trong nước chưa?
Nguyễn Gia Dương trả lời:
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã từ lâu chủ trương việc hình thành một Mặt trận Dân chủ. Ngay trong Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên (DACTDCĐN) đề tài này đã được đem ra bàn luận (Xem DACTDCĐN – phần VI.3: Nội dung của cuộc vận động Dân chủ). Xin mách bạn đọc một bài viết trên báo cũng phân tích khá rõ về đề tài này:“Làm ra thay vì chịu đựng lịch sử” Thông Luận số 161 (th. 7 & 8/2002). Ngoài ra, bạn Tùng – người tham gia cuộc hội luận – cũng đã chia sẻ rằng, tại hội nghị trung ương Franfurt năm 2009, THDCĐN đã có thảo luận và đưa ra một số kết luận về công tác kết hợp các tổ chức. Hơn nữa, từ năm 2007, THDCĐN đã chính thức thành lập một uỷ ban đặc nhiệm tiếp cận với các tổ chức. Mục đích của uỷ ban này là tìm kiếm những triển vọng hợp tác và kết hợp đồng thời thảo luận với các tổ chức bạn về phương thức kết hợp tối ưu
Lý do quá rõ ràng và tưởng cũng chẳng cần bàn luận thêm:
THDCĐN quan niệm rằng chỉ có thể giải quyết bài toán dân chủ Việt Nam một khi chúng ta kết hợp được mọi khối óc, mọi bàn tay, nhất là khi chính quyền chỉ có thể lùi bước khi phải đương đầu với một đối lập có trọng lượng.
Chính THDCĐN cũng là hậu thân của những chuỗi kết hợp giữa các tổ chức.
Dựa vào hai dữ kiện trên, có thể tạm kết luận rằng THDCĐN lúc nào cũng quan tâm đến đề tài gầy dựng một kết hợp giữa các tổ chức.
Cá nhân tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều câu hỏi hơn vây quanh đề tài này vì nó có quan hệ mật thiết với tiến trình dân chủ hoá đất nước.
Tạm thời, xin khai triển thêm một vài khiá cạnh quan trọng nhất của đề tài liên minh:
1. THDCĐN quan niệm rằng trong tình hình hiện nay và với trọng lượng ngày càng kém đi của các tổ chức chính trị, không nên đề cập đến đề tài liên minh. Chúng ta cần kết hợp và thống nhất các lực lượng hơn là gầy dựng một liên minh. Liên minh chỉ đề ra cho các tổ chức đã lớn mạnh. Đối với các tổ chức còn khiêm tốn, chỉ có thể nói đến thống nhất (Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng liên minh trong giai đoạn này là một cuộc «tảo hôn»).
Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, cần có một công thức để các tổ chức làm việc chung. Có thể gọi đó là hợp tác hay liên minh, nhưng mục tiêu vẫn là kết hợp và thống nhất. Phải có tham vọng và đừng sợ những tham vọng quá cao.
2. Ngay trong giai đoạn hợp tác ban đầu, chúng ta cũng cần có một công thức sinh hoạt chặt chẽ và có kỷ luật. Chúng ta cần một tổ chức đầu tàu cho liên minh. Thất bại trong quá khứ đã chứng minh rằng, mọi «sinh hoạt chung», mọi «ngồi lại với nhau» hay mọi liên minh lỏng lẻo đều tan rã ngay sau khi sự phấn khởi ban đầu đã lặng xuống. Chúng ta cần một tổ chức có đủ bản lãnh và trí tuệ đứng ra điều hợp liên minh. Đây là một điều kiện cần thiết để liên minh có thể phát triển trong ổn định.
Cũng đừng nghĩ đến công thức «chủ tịch luân phiên». Đây là một trò hề mà các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu đã là nạn nhân. Tấm gương này đáng để chúng ta soi để tránh xa công thức quản lý luân phiên.
3. Mặc dù nhiều tổ chức cho là hiển nhiên, những giá trị nền tảng của một liên minh cũng cần minh định rõ ràng: Đạt đến dân chủ đa nguyên bằng phương thức bất bạo động trong tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Mọi tổ chức cần nắm vững những khái niệm này khi muốn tham gia liên minh.
4. Cuối cùng, vì là một liên minh/kết hợp, chắc chắn chúng ta sẽ không chọn lựa hay chấp nhận những biểu tượng gây chia rẽ.
Nói tóm lại, đề tài liên minh/kết hợp là một đề tài mà THDCĐN đã nghĩ đến khá nhiều. Tuy nhiên, việc thực thi liên minh lại càng mất nhiều thời gian hơn (Nhiều lúc thắng lợi tưởng chừng trong tầm tay, nhưng rồi sự việc lại không thành). Cá nhân tôi cho rằng có hai lý do khiến mọi cố gắng liên minh gặp nhiều khó khăn:
1. Lý do tâm lý: Đây là một khiá cạnh khá tế nhị. Một tổ chức chính trị (hay một cá nhân của tổ chức) thường tự hỏi vai trò và chỗ đứng của chính mình sau khi tổ chức đó tham gia vào một liên minh. Nhiều tổ chức có bề dày lịch sử lại càng do dự vì lo ngại rằng sẽ loãng đi trong một liên minh mới. Một vài tổ chức, vì đã yếu đi, không đi xa hơn vì sợ rằng thiên hạ thấy được tình trạng xuống dốc của mình và dĩ nhiên tiếng nói của mình trong một liên minh tương lai sẽ giảm nhiều.
2. Lý do văn hoá: Chướng ngại vật to lớn nhất vẫn là trở ngại văn hoá. Mỗi tổ chức – nhất là tổ chức chính trị – đều có một thói quen làm việc, một phản ứng và hành xử trước một vấn đề, nghĩa là một văn hoá chính trị. Trong một liên minh những văn hoá chính trị mâu thuẫn rất dễ đưa tới tan ra và thù địch sau đó. Vì vậy các tổ chức cần một thời gian để hiểu nhau trước khi kết hợp, cũng như một đội trai gái cần hiểu nhau trước khi kết hôn. Đây là một cố gắng đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn nhưng không thể khác. Không nên quên rằng cho tới nay đã có rất nhiều liên minh, liên kết nhưng tất cả đều đã thất bại, kinh nghiệm này buộc ta phải thận trọng và khiêm tốn.
------------------------
.
Câu hỏi 8: Tôi muốn hỏi THDCĐN là ở đây vai trò của hải ngoại và quốc nội sẽ như nào một cách cụ thể, vì đọc qua ở dưới tôi thấy vẫn không rõ ràng? Xin cảm ơn quý vị.
Trích: "Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định rằng tình hình Việt Nam đã gần chín muồi cho một chuyển biến hòa bình về dân chủ. Áp lực dân chủ hoá đang gia tăng nhanh chóng, chẳng bao lâu sẽ buộc chính quyền cộng sản phải nhượng bộ để tránh sụp đổ trong hỗn loạn. Trong cuộc vận động để gia tăng áp lực dân chủ hoá và để xây dựng mặt trận dân chủ, cộng đồng người Việt hải ngoại có vai trò chiến lược quyết định và cũng có khả năng để đảm nhiệm vai trò đó. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khẳng định rằng đấu tranh để buộc chế độ cộng sản phải chấp nhận bầu cử tự do là một cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ thắng lợi và trong đó những người dân chủ Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có vai trò quan trọng như nhau."
Hoàng An Việt trả lời:
Thưa bạn đọc và BBT Dân Luận,
Trong phần câu hỏi, bạn vừa dẫn lại một đoạn văn tóm lược quan điểm của THDCĐN về Sách lược đấu tranh để chấm dứt độc tài và thiết lập dân chủ. Đoạn văn này đã nói ngắn gọn về một số yếu tố cần và đủ để cuộc chuyển hoá dân chủ trong hoà bình có thể tiến đến chặng cuối của nó. Đoạn văn này có nói đến một sách lược: cộng đồng hải ngoại có vai trò chiến lược quyết định và cũng có khả năng đảm nhiệm vai trò đó. Nhưng đấy chưa phải là điểm đến. Mục tiêu cuối cùng của cuộc chuyển hoá dân chủ hoà bình và ổn định là: đảng CSVN phải chấp nhận (do áp lực dân chủ hoá trong quần chúng gia tăng áp đảo) bầu cử tự do. Trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch, “những người dân chủ Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có vai trò quan trọng như nhau”. Nội dung đoạn văn nói lên đầy đủ tinh thần trách nhiệm liên đới của người dân chủ Việt Nam ở hải ngoại đối với các chiến sĩ dân chủ đang âm thầm hoạt động trong nước.
Quan điểm như trên đã có trong Dự án chính trị dân chủ đa nguyên từ lâu, hầu như không thấy tranh cãi gì. Khi nó được nhắc lại minh nhiên trong một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng [xem: Nguyễn Gia Kiểng, “Thời điểm của một xét lại bắt buộc”, Thông Luận số 215 (th 6/2007)] thì nổi lên một vài tranh cãi. Vì thế tôi nghĩ là nên dẫn lại một đoạn văn khác trong bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng:
“Một xét lại khác là phải khẩn cấp từ bỏ ngôn ngữ giả dối là quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ. Lập luận này rất sai trong giai đoạn này. Từ lúc nào và ở đâu trong một cuộc tranh đấu công khai người ta có thể độc đáo đến nỗi chọn đặt bộ chỉ huy ở địa điểm hoàn toàn do đối phương kiểm soát ? Từ lúc nào và ở đâu người ta có thể đặt vào địa vị lãnh đạo những người mà địch có thể bắt giam hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào ? Phải thẳng thắn: cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ gồm hai giai đoạn: trong giai đoạn đầu, khi mà chính quyền cộng sản còn đàn áp trắng trợn và thô bạo, cơ quan đầu não và vai trò lãnh đạo phải đặt ở hải ngoại. Chỉ trong giai đoạn sau, khi cuộc vận động dân chủ đã đủ mạnh để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận sự hiện diện công khai của đối lập, cơ quan lãnh đạo mới có thể chuyển về trong nước để hải ngoại lùi về vai trò yểm trợ”. (Nguyễn Gia Kiểng, “Thời điểm của một xét lại bắt buộc”, Thông Luận số 215 (th6/2007).
Đoạn văn trên đây nói rõ hơn cái nhìn của THDCĐN về vai trò hiện tại của hải ngoại trong tương quan với quốc nội. Nhưng ở đây cần hiểu thêm: “hiện tại” là lúc nào? Đặt trên trục thời gian thì cái-lúc-này ấy được giải thích thế này: “trong giai đoạn đầu, khi mà chính quyền cộng sản còn đàn áp trắng trợn và thô bạo, cơ quan đầu não và vai trò lãnh đạo phải đặt ở hải ngoại”. Đoạn văn còn thêm một câu có ý nghĩa rất rõ ràng sau đó: “Chỉ trong giai đoạn sau, khi cuộc vận động dân chủ đã đủ mạnh để buộc đảng cộng sản phải chấp nhận sự hiện diện công khai của đối lập, cơ quan lãnh đạo mới có thể chuyển về trong nước để hải ngoại lùi về vai trò yểm trợ”.
Đó là hai phát biểu quan trọng nhưng rất cần phải được hiểu trong mạch lập luận của nó và trong bối cảnh cụ thể của phong trào dân chủ. Sở dĩ có nhận định này là vì trong thời gian mấy năm nay, đã có một cách nhìn khác nên đã dẫn đến những thiệt hại lớn cho phong trào dân chủ VN ở trong nước trong thời gian trước đó như toàn bộ bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng đã đề cập. Chúng ta cần nhìn nhận là những hi sinh của những chiến sĩ dân chủ trong thời gian qua là một giá đắt đã có thể tránh được để bảo toàn lực lượng dân chủ vốn đang còn mỏng.
Ý và nghĩa của hai đoạn văn trên đây chỉ có thể được hiểu đúng nếu đặt chúng trong hoàn cảnh cụ thể của công cuộc vận động dân chủ của chúng ta hiện nay: chúng ta đang ở đâu trên “lộ trình” dân chủ. Hiện nay, quần chúng cách mạng đang ở giai đoạn xây dựng, chưa đủ bao trùm để có thể bảo bọc hữu hiệu những người dân chủ quốc nội. Nói cách khác, điều kiện thứ ba của cuộc cách mạng dân chủ chỉ mới xuất hiện nhưng chưa đủ áp đảo để cuộc chuyển hoá dân chủ có thể trụ được trong nước. Không cần phải kiến thức thâm sâu về binh pháp cũng có thể đồng ý với cách nhìn này. Cho nên chúng ta cũng hiểu được tại sao tác giả phải nêu ra hai câu chất vấn những nhà "chiến lược" trong phong trào dân chủ VN ở khắp nơi: "Từ lúc nào và ở đâu trong một cuộc tranh đấu công khai người ta có thể độc đáo đến nỗi chọn đặt bộ chỉ huy ở địa điểm hoàn toàn do đối phương kiểm soát ? Từ lúc nào và ở đâu người ta có thể đặt vào địa vị lãnh đạo những người mà địch có thể bắt giam hoặc thủ tiêu bất cứ lúc nào?".
Thế nhưng vì sao vẫn có những hoài nghi về thực lực của cộng đồng người Việt hải ngoại? Xin hãy để ông Nguyễn Gia Kiểng tiếp tục giải thích:
“Nhưng tại sao hải ngoại lại không thể, và do đó không dám, đảm nhiệm vai trò của mình? Đó là vì không có thực lực. Nhưng tại sao lại vẫn chưa có thực lực sau nhiều chục năm? Đó là vì một di sản lịch sử. Cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây đến từ miền Nam, sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tuy không bạo ngược như chế độ cộng sản nhưng cũng không phải là một chế độ tốt, nó là một chế độ không có ý chí và cũng chưa bao giờ có được một nhân sự chính trị đúng nghĩa. Sự sụp đổ hổ nhục và toàn diện của nó không để lại gì. Khối người thoát ra được nước ngoài là một khối ngưới rã hàng, đầy căm thù và tuyệt vọng; trong thâm tâm đại đa số đã chọn hẳn một quê hương mới. Trong hoàn cảnh đó đấu tranh chỉ là để biểu lộ và trút bớt sự căm thù đang sục sôi trong lòng chứ không phải để giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh vì vậy không khác gì một cuộc lên đồng, những người được ủng hộ nhất là những người tỏ ra táo bạo nhất, lên đồng hay nhất, gây được ảo tưởng mạnh nhất. Những cố gắng nghiêm chỉnh dĩ nhiên phải dựa trên nhận định khách quan về một tình trạng khó khăn, cho nên chỉ làm phiền lòng và gây bực tức trong cuộc lên đồng tập thể này. Một số người còn hy vọng "quang phục quê hương" thì lại đặt hy vọng vào một chuyển biến quốc tế nào đó, thí dụ như một cuộc thế chiến kết thúc bằng thắng lợi của thế giới tự do, và kết luận rằng điều duy nhất có thể làm là gây được tiếng vang và sự chú ý để khi thời cơ đến mình sẽ là người của tình thế. Dần dần cách làm chính trị này trở thành một tập quán cản trở sự hình thành của một tổ chức dân chủ nghiêm chỉnh và có trói tay cộng đồng người Việt hải ngoại trong thế bất lực kéo dài.”
Tất cả những tranh cãi chung quanh vai trò của hải ngoại và quốc nội sau đó - và mấy hôm nay lại được cố tình hâm nóng trở lại - không có nghĩa gì hơn một cơn bão trong tách trà, chính là vì nó không được đặt trong chính hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay, trong điều kiện chưa hoàn chỉnh của cuộc chuyển hoá dân chủ hiện tại.
Tôi lại xin mượn lời của ông Nguyễn Gia Kiểng, cũng trong bài viết nói trên, để kết thúc phần trả lời của mình:
“Cách làm chính trị không cần tổ chức chỉ nhắm gây tiếng vang sẽ trở thành nhạt nhẽo vô duyên, sẽ chỉ được nhìn như những hoạt động loay hoay, đồng bóng. Mỗi người sẽ tự xét mình để biết mình có thể đóng góp những gì ở vai trò nào trong một tổ chức có kỷ luật. Những người thực sự muốn dấn thân tranh đấu dân chủ hóa đất nước sẽ chọn tham gia những tổ chức dân chủ đã có thời gian để chứng tỏ bản lĩnh và sự lương thiện, hay nếu không thấy tổ chức nào xứng đáng và tìm những người cùng chí hướng để tạo dựng với nhau một tổ chức mới thì cũng sẽ rút ra kết luận đúng đắn sau một thời gian. Các tổ chức dân chủ cũng sẽ ý thức rằng phải kết hợp với nhau, vì nếu tình trạng phân tán và rời rạc này cứ tiếp tục thì mọi người sẽ thua, mọi cố gắng sẽ chỉ là công dã tràng trong khi thắng lợi ở trong tầm tay. Những người thuộc khối quần chúng dân chủ, nghĩa là những người không tham gia các hoạt động chính trị nhưng ủng hộ cuộc vận động dân chủ cũng sẽ chỉ dành sự ủng hộ của mình cho những tổ chức đáng tin cậy”.
-----------------------------
.
Câu hỏi 9: Trước tiên xin gửi lời chúc sức khoẻ đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bước sang tuổi 30. Tôi xin hỏi 3 câu đến ông Nguyễn Gia Kiểng, một người mà tôi ngưỡng mộ:
a. Chính quyền nên đóng vai trò dẫn dắt hay công cụ để tiến tới một quốc gia giàu mạnh?
b. Khi nào thì trí thức nên độc lập với chính phủ, lúc nào thì nên tham gia? Trí thức hải ngoại hiện nay nên về nước hay ở nước ngoài?
c. Vì sao rất nhiều quốc gia lật đổ được độc tài mà không thoát khỏi số phận èo uột, nhược tiểu, kém hạnh phúc?
Nguyễn Gia Kiểng trả lời:
Bạn Hy Văn và BBT Dân Luận thân mến,
Trước hết xin cảm ơn thiện cảm mà bạn đã dành cho THDCĐN và cá nhân tôi. Xin được bắt tay bạn. Chúng ta là anh em.
Sau đây xin góp ý về ba vấn đề bạn đặt ra. Cả ba đều là những vấn đề đã được thảo luận trong THDCĐN, bởi vì đây là những vấn đề lớn và quan trọng mà mọi tổ chức dân chủ đều phải có lập trường. Trong cuộc trao đổi này mong bạn coi những ý kiến mà tôi sẽ trình bày như là những ý kiến được đưa ra để chờ đợi những ý kiến khác.
.
1. Chính quyền nên đóng vai trò dẫn dắt hay công cụ để tiến tới một quốc gia giàu mạnh?
Về vai trò của chính quyền, tuỳ theo góc nhìn mà chính quyền - được hiểu như là đồng nghĩa với nhà nước và bao gồm mọi định chế và cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp - đóng vai trò lãnh đạo hay công cụ. Dưới góc nhìn triết lý chính trị, chính quyền dân chủ, hay nhà nước dân chủ, là dụng cụ để tổ chức sự thực hiện các quyền tự do cá nhân, để tự do của người này không lấn áp tự do của người khác, nhưng tự do của người này cũng chỉ dừng lại để tự do của người khác có thể bắt đầu. Tuy vậy ngay cả dưới góc nhìn triết lý đó nhà nước cũng vẫn có vai trò tối quan trọng: hòa giải các đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần xã hội, trong tài các tranh chấp và chế tài các vi phạm. Đừng quên một đặc điểm cốt lõi của chính quyền là có độc quyền sử dụng bạo lực hợp pháp.
Khi nói đến vai trò của nhà nước "để tiến tới một quốc gia giàu mạnh" chắc là bạn đặc biệt quan tâm đến kinh tế. Về phương diện kinh tế, vai trò lãnh đạo của chính quyền là hiển nhiên và có thể thay đổi tuỳ theo mức độ phát triển. Nói chung thì mức độ phát triển càng cao thì trọng lượng tương đối của nhà nước càng ít cần thiết và có thể giảm nhẹ, nhưng đằng nào thì vai trò của nhà nước cũng rất quan trọng. Ngoài quyền ban hành những luật lệ qui định sinh hoạt kinh tế, nhà nước còn giữ ba phương tiện quyết định để can thiệp vào kinh tế: thuế, lãi suất cơ bản và các chi tiêu công cộng. Quan điểm của THDCĐN là đằng nào vai trò của nhà nước cũng rất quan trọng nên cần có một ưu tư thường trực là giữ tầm vóc của nhà nước ở mức độ tối thiểu cần thiết, tránh hết sức một nhà nước kềnh càng, nhường không gian tối đa cho xã hội dân sự, ý kiến và sáng kiến. Những gì tư nhân có thể làm nhà nước sẽ không làm. Nhà nước tập trung cố gắng làm những điều cần thiết hoặc có ích nhưng tư nhân không làm được hoặc chưa làm được. Chúng tôi gọi chủ trương đó là chủ trương nhà nước nhẹ.
Vai trò của nhà nước là một trong những đề tài đã được thảo luận và tranh luận nhiều nhất và sẽ còn tiếp tục được bàn cãi. Theo tôi nó sẽ là một trong những điểm nóng nhất trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới tại Mỹ, nơi có nền dân chủ được coi là vững chắc nhất. Những tranh luận về vai trò của nhà nước sẽ không bao giờ chấm dứt, tuy vậy chúng không được làm ta quên đi một điều còn quan trong hơn sự kiện vai trò của nhà nước nặng hay nhẹ, đó là nhà nước phải lương thiện. Một nhà nước tham nhũng luôn luôn là một tai hoạ.
.
2. Khi nào thì trí thức nên độc lập với chính phủ, lúc nào thì nên tham gia? Trí thức hải ngoại hiện nay nên về nước hay ở nước ngoài?
Câu đầu của bạn chủ yếu đặt ra cho trí thức trong nước, câu sau chỉ riêng cho trí thức ở nước ngoài. Cả hai đều là những vấn đề lớn.
Nếu muốn nói một cách thật giản lược thì trong một xã hội dân chủ (mà chúng ta muốn hướng tới) có ba không gian sinh hoạt: một không gian cá nhân, một không gian công quyền và một không gian xã hội dân sự.
Không gian cá nhân, có thể gọi nôm na là "đời tư" và được qui định bởi các quyền tự do căn bản của con người, hoàn toàn thuộc mỗi cá nhân và không thể bị xâm phạm.
Không gian công quyền gồm các định chế của nhà nước.
Không gian xã hội dân sự, gồm các kết hợp hay tổ chức của người dân không tuỳ thuộc chính quyền, là vùng trái độn ở giữa, nơi chính quyền cũng như các cá nhân đều có thể tham gia trong một tương quan bình đẳng không phân biệt người cai trị với kẻ bị trị. Xã hội dân sự là vòng đai phòng thủ bên ngoài của tự do cá nhân đồng thời cũng là môi trường sản xuất ý kiến và sáng kiến.
Trong các chế độ độc tài không gian cá nhân và không gian xã hội dân sự bị thu hẹp trong khi không gian công quyền quá lớn. Trong các xã hội độc tài toàn trị, không gian cá nhân càng bị thu hẹp hơn, còn xã hội dân sự hầu như bị xoá bỏ.
Hiểu như thế thì người trí thức luôn luôn phải giữ lấy một không gian cá nhân, ngay cả khi tham gia chính quyền. Ngay chính vị thủ tướng hay tổng thống, nếu là một trí thức, cũng phải giữ một mức độ độc lập nào đó đối với chính quyền. Ai cũng phải có những lúc độc lập với chính quyền, đặc biệt là trong lúc suy tư và sáng tạo. Suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình là một bắt buộc trí thức.
Đó là nói một cách lý thuyết. Trong thực tại Việt Nam hiện nay thì người trí thức Việt Nam không những phải độc lập mà còn phải đối lập với chính quyền này. Sự thực không thể chối cãi là chúng ta đang có một chính quyền quá thô bạo và tham nhũng. Một người trí thức lương thiện không có một lý do nào để không đối lập với nó cả. Đối lập một cách ôn hòa, trách nhiệm và xây dựng, nhưng phải đối lập vì đó là mệnh lệnh của lương tâm và lòng yêu nước.
Còn lúc nào thì nên tham gia? Chắc chúng ta đều đồng ý không coi những người làm việc chuyên môn trong các công ty quốc doanh là "tham gia chính quyền". Theo tôi chỉ có hai trường hợp: một là không thể từ chức vì sinh kế hay vì an ninh cho cá nhân hoặc gia đình; hai là để thúc đẩy sự chuyển hoá về dân chủ ngay từ bên trong. Trong trường hợp thứ nhất phải hiểu là mình đang làm một chọn lựa bất đắc dĩ và ứng xử một cách phù hợp. Trường hợp thứ hai chỉ có thể hình dung được nếu đồng thời cũng đã tham gia một tổ chức dân chủ, còn nếu chỉ đơn độc thì hy vọng cải hoá chế độ từ bên trong chỉ là một sai lầm, mình tự đánh mất mình và góp phần củng cố chế độ chứ không thay đổi được nó.
Còn câu hỏi trí thức hải ngoại hiện nay nên về nước hay ở nước ngoài, tôi nghĩ tuỳ trường hợp cá nhân của mỗi người mà về nước hay ở nước ngoài có lợi hơn cho đất nước và cho cuộc vận động dân chủ.
Một thành kiến nên được gạt đi là phải ở trong nước mới phục vụ được đất nước. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá với những phương tiện truyền thông mãnh liệt. Người ta có thể làm việc một cách trực tiếp và tức khắc với những người ở cách xa nửa vòng trái đất. Khoảng cách gần như đã biến mất. Ở bất cứ đâu người ta cũng có thể đóng góp cho đất nước. THDCĐN coi quốc gia như một không gian liên đới, một tình cảm và một dự án tương lai chung. Trong quan niệm đó người ta có thể ở Los Angeles và có quốc tịch Mỹ mà vẫn là người Việt Nam, ngược lại người ta cũng có thể ở Hà Nội mà không còn là người Việt nếu không còn cảm thấy có một tình cảm và một trách nhiệm nào đối với dân tộc và đất nước Việt Nam.
Ngoài ra đặt vấn đề trí thức Việt Nam nên về nước hay không còn có thể dẫn đến một nhận thức sai là chúng ta có quá nhiều người ở nước ngoài. Thực ra chúng ta có quá ít. Cộng đồng hải ngoại có vai trò rất cần thiết cho mọi quốc gia. Đó là những đầu cầu văn hoá, khoa học, kỹ thuật, thương mại rất có lợi và rất cần. Đó cũng là con mắt của các dân tộc để quan sát và học hỏi ở thế giới. Các dân tộc tiến lên mạnh mẽ gần đây cũng cậy nhờ rất nhiều ở những cộng đồng hải ngoại hùng hậu.
Một cách cụ thể, với 90 triệu dân chúng ta nên có một cộng đồng người Việt hải ngoại khoảng 9 hay 10 triệu người. Hiện nay trên thống kê chúng ta có khoảng ba triệu rưỡi người Việt ở nước ngoài. Quá ít. Đã thế một phần đáng kể lại là người Việt gốc Hoa, nhiều người sau khi ra nước ngoài trở thành người Mỹ, hay nguời Pháp, người Úc gốc Hoa chứ không còn ràng buộc với Việt Nam nữa. Một số đông đảo người Việt cũng hội nhập sâu vào nước tạm cư và chỉ còn rất ít ràng buộc với Việt Nam, chủ yếu vì chán ngán chế độ cộng sản và thái độ thô bạo của nó đối với người Việt ở nước ngoài. Số người Việt hải ngoại thực sự còn gắn bó với đất nước chưa chắc đã được một triệu. Chúng ta cần đưa thêm người Việt ra nước ngoài thay vì mong người Việt hải ngoại hồi hương. Một chính quyền Việt Nam dân chủ sẽ phải vận dụng mọi sáng kiến để một mặt gia tăng số người Việt sinh sống ở nước ngoài mặt khác siết chặt quan hệ giữa người Việt hải ngoại và đất nước.
.
3. Vì sao rất nhiều quốc gia lật đổ được độc tài mà không thoát khỏi số phận èo uột, nhược tiểu, kém hạnh phúc?
Tôi có cảm tưởng là bạn Hy Văn chỉ đặt câu hỏi này để tạo dịp cho tôi nhắc lại một điều mà chúng ta đều biết nhưng dễ quên trong lúc lý luận vì nó quá hiển nhiên. Đó là phải phân biệt điều kiện cần và điều kiện đủ. Loại bỏ độc tài và thiết lập dân chủ là điều kiện cần để các vấn đề quốc gia được thảo luận và giải quyết một cách đúng đắn và những người trách nhiệm được chọn lựa một cách đúng đắn. Tuy vậy dân chủ không thay thế cho những giải pháp và những con người. Vẫn cần những chọn lựa thông minh và những người giỏi và có văn hoá tổ chức. Không chỉ thủ tướng và các bộ trưởng giỏi mà còn cần cả những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân giỏi, nhưng công nhân lành nghề và yêu nghề, những nhà buôn năng động, những nghệ sĩ tài ba v.v. cho một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Dân chủ tạo điều kiện thuận lợi để có được những con người như thế nhưng không thể thay thế họ.
--------------------------
.
Câu hỏi 10: Cuối cùng là một câu hỏi gửi cá nhân ông Nguyễn Gia Kiểng. 10 năm trước, khi viết cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông đã phân tích bệnh tình của văn hoá Việt Nam và đề xuất nhiều biện pháp chữa trị. Vậy theo ông, trong thời điểm hiện tại, văn hoá nước mình đang biến đổi ra sao? Trong tương lai, nó có thể chuyển hoá thế nào? Quá trình này ảnh hưởng thế nào đến công cuộc dân chủ hoá? Theo ông, trí thức Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm hướng dẫn quần chúng trong cuộc chuyển đổi văn hoá chưa?
Nguyễn Gia Kiểng trả lời:
Bạn Tùng thân mến,
Trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm phục đối với bạn. Qua những phát biểu trên diễn đàn này tôi nhận thấy là bạn lý luận rất chính xác và hiểu rất rõ THDCĐN. Nếu bạn ở trong Tập Hợp chắc chắn tôi đã khẩn khoản yêu cầu bạn tham gia cuộc hội luận này với tư cách đại diện THDCĐN. Mong có dịp gặp bạn.
Bạn phân vân: Xã hội Việt Nam đã chín muồi để nắm bắt cơ hội này chưa? Chúng ta cần chuẩn bị thêm những gì, để không bị lỡ tàu như hồi 1989? Thú thực anh em chúng tôi trong THDCĐN cũng phân vân như bạn. Theo chúng tôi xã hội Việt Nam đã chín muồi từ lâu rồi cho một cuộc cách mạng dân chủ. Vấn đề là trí thức Việt Nam chưa sẵn sàng. Tôi đã có nhiều dịp phân tích tình trạng đáng buồn này, gần đây nhất là qua hai bài đã được đăng trên các Web Thông Luận và Dân Luận: "Ngoại lệ Việt Nam: chế độ cộng sản còn kéo dài tới bao giờ?" và "Chuẩn bị cho một làn sóng dân chủ mới". Nói chung, trí thức Việt Nam cần đầu tư thêm cố gắng học hỏi vào tư tưởng chính trị và đấu tranh chính trị và cần ý thức rằng đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức. Nếu trí thức Việt Nam khắc phục được hai khuyết điểm này thì tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng. Đàng nào, dù muốn hay không thì trí thức vẫn phải lãnh đạo cuộc vận động dân chủ.
Bạn hoàn toàn có lý khi phát biểu rằng những gì đang xảy ra tại các nước Ả Rập không chứng tỏ rằng có thể thắng các chế độ độc tài mà không cần có tổ chức. Trái lại nếu quan sát kỹ chúng còn chứng tỏ thêm một lần nữa rằng xây dựng tổ chức dân chủ phải được dành ưu tiên cao nhất. Những biến cố đang diễn ra tại các nước này, đặc biệt là tại Tunisia, Ai Cập và Libya, chủ yếu là do mâu thuẫn nội bộ giữa hai lực lượng quân đội và công an. Quân đội đã xúc tác và bảo vệ những cuộc xuống đường đòi dân chủ. Tuy vậy vì thiếu các tổ chức dân chủ mạnh, tương lai các nước này còn những dấu hỏi lớn. Khi nói rằng nguyên nhân chính của những biến cố này là quân đội tôi không coi nhẹ sự tham gia của quần chúng, đặc biệt là thanh niên. Bạn đã nhìn rất đúng, những phương tiện vận động thanh niên như Facebook, Twitter là những vũ khí rất lợi hại. Chúng tôi đã có một nhóm nghiên cứu và huấn luyện sử dụng các dụng cụ này. Facebook Thông Luận đang trong giai đoạn thử nghiệm, vấn đề chính là nội dung các thông điệp chứ không phải là kỹ thuật. Thông điệp mà chúng ta cần gửi tới tuổi trẻ là họ xứng đáng với một tương lai khác, và họ phải chủ động đấu tranh chứ không nên trông đợi ở sự dẫn dắt của lớp trí thức đàn anh; họ cần hiểu rằng phải có một giải pháp chung cho đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tự tìm những giải đáp cá nhân cho những vấn đề cá nhân. Các chế độ độc tài không mong muốn gì hơn là thanh niên chạy theo chủ nghĩa luồn lách. Các thế hệ trí thức Việt Nam trước đã hành xử như vậy, và thảm kịch đất nước mà chúng ta đang sống chính là hậu quả của cách ứng xử này.
Làn sóng dân chủ thứ tư đang diễn ra về bản chất nhắm lật đổ các chế độ độc tài hậu cộng sản mà đặc tính là không có một ý thức hệ nào mà chỉ thuần túy dựa trên đàn áp. Nó sẽ cần một thời gian khoảng một hay hai năm để tiêu hóa những thắng lợi tại các nước Bắc Phi và Trung Đông trước khi thanh toán các chế độ độc tài khác. Chúng ta còn thời giờ, dù không nhiều. Thái độ của trí thức Việt Nam là một dấu hỏi lớn. Tôi kỳ vọng vào khối trí thức trẻ hơn là vào lớp trí thức đã có địa vị trong xã hội. Chúng ta có nhiều triển vọng, hai chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc sắp gặp những khó khăn kinh tế lớn, trong khi cho tới nay biện minh duy nhất của chúng là phát triển kinh tế. Chế độ cộng sản Việt Nam không khoa học như một số người bi quan có thể nghĩ. Một thực trạng chưa được ý thức đủ là hiện nay đảng CSVN đã gần như mất quyền lực. Công an đang kiểm soát chính quyền và chính quyền ngày càng lấn áp đảng, tư sản đỏ khống chế tất cả. Chẳng bao lâu đa số đảng viên sẽ ý thức được điều này và phong trào dân chủ, nếu sáng suốt, có thể đón nhận một số đông những người cộng sản lương thiện. Một mâu thuẫn mới cũng sẽ ngày càng rõ rệt giữa quân đội và công an. Công an khống chế xã hội và nắm gần hết mọi quyền lợi kinh tế nhưng quân đội lại có khả năng đánh gục công an. Tương lai chế độ cộng sản Việt Nam rất bấp bênh. Một tình trạng mới cũng sẽ xuất hiện: sau đợt biến động này, khi các nước Ả Rập đã trở thành dân chủ, các chế độ độc tài còn lại sẽ còn cô lập hơn nữa, người ta sẽ nhìn chúng một cách gớm ghiếc như những chế độ không bình thường, những rác rưởi cần được quét đi để làm sạch thế giới.
Cảm ơn bạn đã nhắc lại những quan tâm và đề nghị của tôi để thay đổi văn hoá Việt Nam. Tôi cũng chỉ là một trong số nhiều người cổ võ cho cuộc cách mạng văn hóa này. Về điểm này có thể tôi sẽ làm bạn ngạc nhiên: tôi không bi quan, dù vẫn bồn chồn mong đợi một chuyển biến tâm lý và văn hóa nhanh chóng hơn nữa vì chúng ta, nhất là trí thức Việt Nam, còn quá tụt hậu về mặt văn hóa, nhất là văn hóa chính trị. Nói chung thì chuyển biến tâm lý đã khá nhanh chóng, và tôi tự nghĩ mình đã khá may mắn khi lay động những thành kiến văn hóa và lịch sử đã được áp đặt trong cả ngàn năm mà không gặp những chống đối dữ dội hơn, ngược lại còn được hưởng ứng khá nồng hậu. Cụ thể là nếu lùi về khoảng mười năm về trước, khi cuốn Tổ Quốc Ăn Năn xuất hiện, ta thấy có vô số những tác phẩm và bài viết tôn xưng Khổng Tử và Khổng Giáo, tôn vinh Nguyễn Huệ và bạo lực. Ngày này hầu như không còn những bài viết như vậy nữa. Thực ra thay đổi đã khá ngoạn mục. Tiến bộ đã rất nhanh, chúng ta chỉ có cảm tưởng là nó không đủ nhanh vì chúng ta quá chậm trễ mà thôi.
Băn khoăn cuối cùng của bạn là: trí thức Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm hướng dẫn quần chúng trong cuộc chuyển đổi văn hóa chưa? Quan điểm của tôi, cũng là của đa số anh em trong THDCĐN, là chưa, nhưng càng ngày càng có những dấu hiệu khả quan. Mong rằng ngày càng có thêm những người như bạn để chúng ta cùng bắt tay nhau thúc đẩy đất nước chuyển hóa nhanh hơn nữa.
Nguyễn Gia Kiểng
(kqhhvn@gmail.com)
(kqhhvn@gmail.com)
---------------------------
Tin liên quan
.
.
.
No comments:
Post a Comment