Dân Luận
Thứ Sáu, 04/03/2011
Dân Luận: Rất cảm ơn đại diện Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhanh chóng có câu trả lời cho những thắc mắc của độc giả Dân Luận. Vì phần trả lời khá dài, chúng tôi sẽ đăng thành hai phần. Mời độc giả chuẩn bị các câu hỏi để chuyển tới Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong vòng thứ hai của cuộc hội luận!
-------------------------
Câu hỏi 1: Trích: “Tập Hợp không coi trọng cơ chế, thứ bậc, không có những tài liệu pháp qui phức tạp. Tập Hợp được xây dựng trên tình anh em, tình chí hữu. Nó là một kết nghĩa vì lý tưởng và vì lòng yêu nước. Sức mạnh và sự gắn bó của THDCĐN là ở chỗ nó có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị cho đất nước...”
Như vậy có phải THDCĐN hoạt động trên tinh thần cảm tính, duy tình, chú trọng "quan hệ cá nhân" chứ không hề dựa trên điều luật? Và như vậy, nếu có xung đột cá nhân giữa hai người thì có cơ sở nào để tin tưởng các thành viên của THTCĐN không vất bỏ tình anh em đi để đấu đá với nhau?
Nguyễn Gia Dương trả lời:
Thưa quý anh chị và nhất là quý anh chị trong Ban Biên tập Dân Luận,
Đầu tiên, xin phép có một nhận định:
Có lẽ hơi chủ quan khi trích từ một đoạn văn nói lên tình chí hữu và lòng yêu nước, để rồi kết luận bằng câu hỏi lo ngại rằng đây là những «hoạt động với cảm tính, duy tình chứ không hề dựa trên điều luật». Có lẽ cũng hơi bất công khi trích từ đoạn văn đề cập đến căn bản của sự gắn bó của một tổ chức để rồi đặt nghi vấn rằng các thành viên của tổ chức đó «có thể vất bỏ tình anh em đi để đấu đá với nhau».
Tiếp theo, cũng xin trấn an mọi người rằng THDCĐN có một Qui ước Sinh hoạt. Như bạn Tùng – một khách viếng thăm – đã nhận định, Qui ước này khá chặt chẽ. Nếu không quá chủ quan, tôi cho rằng Qui ước này khá tinh vi và tiến trình dân chủ hoá Việt Nam sẽ chứng minh điều này.
Trong thực tế, THDCĐN cũng đã dựa vào Qui ước này để có những biện pháp kỷ luật, chế tài và khai trừ thành viên. Ngoài ra, mọi phương cách tổ chức, mọi quyết định uỷ nhiệm hay bãi nhiệm đều chiếu theo những thủ tục mà Qui ước này đã định. Tuy nhiên, giữa «hợp lý» và «hợp tình», có lẽ THDCĐN thiên về «hợp tình» hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh khiá cạnh này vì qua đó, quý anh chị sẽ hiểu rõ hơn quan niệm nền tảng của THDCĐN về cơ cấu và tổ chức: Chúng tôi cho rằng nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một tổ chức, một đảng phái hay một quốc gia chính là sự đồng thuận căn bản, nhất là đồng thuận căn bản về tương lai mà mọi người chấp nhận và chia sẻ.
Đồng tình này là chất keo kết tụ mọi con người, mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng tình này hơn hẳn mọi văn kiện, giao kèo hay điều lệ.
Ở phạm vi quốc gia, muốn có được đồng thuận này chúng ta cần một chính sách hoà giải và hoà hợp dân tộc để liên tục đi tìm đồng thuận bị đánh mất sau mọi tranh chấp.
Đi xa hơn nữa, chúng ta cần một nhà nước khuyến khích hơn là một nhà nước răn đe, một nhà nước thuyết phục hơn là nghiêm cấm, đối thoại hơn chỉ thị, cảm thông hơn giáo điều. Nói tóm lại, một guồng máy hành chánh dựa vào khía cạnh «hợp tình» nhiều hơn khía cạnh «hợp lý». Chúng tôi đã thử nghiệm ở phạm vi của tổ chức những nguyên tắc trên và kết luận rằng phương pháp này khả thi cho Việt Nam, dân trí không nhất quyết là một thuận lợi hay một trở ngại.
Cần nói ngay là sinh hoạt tập thể không thể tránh được những khác biệt thậm chí xung đột giữa các thành viên trong một tổ chức. Điều này cần phải xem là tự nhiên trong một tổ chức chính trị như THDCCĐN. Trách nhiệm của những người lãnh đạo tổ chức là phải giải gỡ nhanh chóng những bất đồng, mâu thuẫn. Trong suốt 30 năm qua, đã có những biện pháp kỉ luật, thậm chí khai trừ thành viên vi phạm kỉ luật tổ chức, nhưng không nhiều những trường hợp như thế. Phần lớn những anh em không còn muốn làm thành viên đã được yêu cầu chuyển qua tư cách thân hữu. Phải nói ngay là rất hiếm hoặc chưa có một thành viên nào đã quay lại chống phá tổ chức hay mạt sát anh em sau khi đã rút khỏi THDCCĐN. Nếu có đi nữa thì những hành vi này rất kín đáo, nếu không nói là giấu giếm. Chúng rất lẻ loi và không gặt hái được hậu thuẫn nào.
Hiện tượng này chứng mình một điều: Cho dù có xem THDCĐN là hoạt động trên tinh thần cảm tính, duy tình và vô luật lệ đi nữa thì những xung đột cũng rất ít, nếu không nói là hiếm hoi. Hơn nữa, THDCCĐN chưa là nạn nhân của tệ đoan đấu đá nhau sau khi đã vất bỏ tình anh em. Lý do chính có lẽ xuất phát từ đồng thuận căn bản về tư tưởng và dự án chính trị. Ngược lại, nhiều đảng phái chính trị có đảng ca, đảng kỳ, đảng quy và đảng viên có đảng tịch. Trên giấy tờ họ có cả một cấu trúc làm việc và một kỷ luật sinh hoạt. Tuy nhiên, khi xung đột xảy ra thì chẳng ai chừa ai: Cạn tào ráo máng. Có những tổ chức đã bể làm nhiều mảnh sau những xung đột được đem ra công luận. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhất là với những phát biểu gần đây của thành phần ưu tú khi được góp ý vào những văn kiện cho Đại hội đảng.
Hiện tượng này cũng khẳng định một điều: Văn kiện rườm rà, tài liệu pháp qui phức tạp chưa chắc đã bảo đảm ngăn chặn được việc thành viên vất bỏ tình anh em đi để đấu đá với nhau.
-----------------------
Câu hỏi 2: Thành lập đã được 28 năm nhưng đến nay Tập Hợp vẫn chưa chứng tỏ được cho mọi người thấy rằng mình là một tổ chức mạnh. Điều đó buộc những người quan tâm theo dõi phải đặt câu hỏi: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có dành thời giờ để xem xét lại các khâu phát triển tổ chức của Tập Hợp không hay là vẫn chỉ cứ theo lối mòn cũ mà đi? Và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có nghĩ đến một phương cách tổ chức nào đó phù hợp với tinh thần dân chủ đa nguyên để thoát khỏi tình trạng dậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là thụt lùi với hi vọng giúp các tổ chức tranh đấu cho dân chủ nói chung và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói riêng có thể phát triển và hoạt động hữu hiệu không?
Tôi là Việt Hoàng từ THDCĐN xin được trả lời:
THDCĐN xem việc ‘phát triển tổ chức’ là một trong những khâu quan trọng của quá trình chuẩn bị và hình thành một tổ chức chính trị có tầm vóc. Dự án Chính trị của THDCĐN có viết: ‘Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng’.
Chính vì tâm niệm như vậy nên THDCĐN không hề đi theo lối mòn cũ của các tổ chức chính trị khác (chú trọng các hoạt động gây tiếng vang hơn là xây dựng đội ngũ) mà THDCĐN tiên phong và kiên trì xây dựng, phát triển tổ chức theo đúng bài bản của các tổ chức chính trị đã thành công theo đúng trình tự 5 bước (xây dựng cơ sở tư tưởng, xây dựng đội ngũ nòng cốt, xây dựng và kiểm điểm phương tiện, xây dựng cơ sở quần chúng, tiến công dành thắng lợi).
Đã 28 năm mà THDCĐN vẫn chưa là một tổ chức mạnh, điều này tôi xin được đồng ý và đây là sự thật trên một góc nhìn của một số người. Không phải là chúng tôi bao biện nhưng vì THDCĐN đề ra một phương pháp đấu tranh hoàn toàn mới, đó là đấu tranh có tổ chức. Trong khi đó văn hóa Khổng giáo không sẵn sàng cho mọi sự kết hợp có tổ chức. ‘Văn hóa tổ chức’ vẫn là yếu điểm của người Việt do lịch sử để lại. Chính vì vậy chúng ta vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của tổ chức nên chưa chủ động tham gia vào các tổ chức và khi tham gia rồi thì chưa cố gắng để làm cho tổ chức tốt hơn.
Cho dù THDCĐN vẫn chưa thực sự là một ‘tổ chức chính trị hùng mạnh’ như mong muốn của chúng tôi cũng như mọi người nhưng THDCĐN không hề ‘dậm chân tại chỗ’ hay ‘thụt lùi’. THDCĐN vẫn đi tới. Về mặt phát triển tổ chức, THDCDN nay đã có mặt khắp các châu lục và trong nước. Về mặt vận động để giành thắng lợi cho cơ sở tư tưởng và các chiến lược căn bản của THDCDN, chúng tôi vẫn không ngừng nghỉ chuyển thông điệp của tổ chức đến mọi thành phần nhân dân trong nước và hải ngoại… THDCDN vẫn bền bỉ đi trên đường mình vạch ra, và vẫn thường xuyên tìm kiếm kết hợp trong ý hướng thúc đẩy phong trào dân chủ lớn dậy. THDCDN trước đến giờ vẫn từ chối những hoạt động cốt gây tiếng vang nhưng thiếu tác động vào bốn điều kiện của cuộc cách mạng dân chủ. Độc giả Lê Lâm Đông có thể chỉ cho chúng tôi và mọi người thấy được có tổ chức chính trị nào ‘ưu việt’ hơn THDCĐN hay không? Nếu có chúng tôi sẵn sàng phục tùng và ủng hộ ngay mà không hề do dự.
Phương pháp tổ chức của THDCĐN rất dân chủ và hoàn toàn phù hợp với tinh thần ‘dân chủ đa nguyên’, mọi tiếng nói trong THDCĐN đều được tôn trọng và lắng nghe. THDCĐN đã có tầng lớp kế thừa, ví dụ như ngay trong nhóm thảo luận này đã có 3 người ở độ tuổi 40 trong đó có Nguyễn Gia Dương là thành viên Ban lãnh đạo của THDCĐN, điều thú vị nhất là tôi cũng mới được biết là anh Nguyễn Gia Dương mới tham gia vào Tập Hợp năm 2005.
Quan điểm của THDCĐN về tổ chức đã được nói đến rất nhiều trong Dự Án Chính Trị cũng như qua các bài viết trên Thông Luận, mong ông vui lòng bỏ chút thời gian để đọc nó. THDCĐN không bao giờ coi mình là ‘mục đích phải phục vụ’ và không hề ‘chê bai các tổ chức và cá nhân tranh đấu khác’. Sẽ dễ dàng cho bạn đọc theo dõi hơn nếu ông đưa ra được những dẫn chứng cụ thể. Như đã trình bày ở phần trả lời khác, nếu THDCĐN có lên tiếng liên quan đến các khía cạnh hoạt động của các cá nhân hay tổ chức bạn thì chỉ là lên tiếng vì sự lớn mạnh cần thiết cho phong trào dân chủ, hoàn toàn không có nghĩa là sự bỉ thử, chỉ trích để lấy tiếng… THDCĐN là một tổ chức chính trị của người Việt, dành cho mọi người Việt và luôn hướng về tương lai. Tập Hợp chỉ là ‘phương tiện’ để mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam. Bây giờ và mãi mãi về sau chỗ đứng của Tập Hợp là tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho nó, Tập Hợp tôn trọng và phục tùng mọi sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam.
Thưa ông Lê Lâm Đông và độc giả của Dân Luận, THDCĐN mong muốn mọi sự thay đổi, chuyển tiếp tại Việt Nam diễn ra trong hòa bình và có trật tự, không nên có ‘cách mạng đường phố’. Chúng tôi có cùng quan điểm với tác giả Người Sài Gòn qua bài viết ‘Phong trào dân chủ hải ngoại và việc dân chủ hoá Việt Nam’ (http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5240). Tác giả cho rằng việc ‘một nhóm các Đảng Viên yêu nước muốn dân chủ kết hợp với Phong Trào Dân Chủ để làm cuộc cách mạng nhung hoặc màu. Biến thể (này) là lí tưởng và cũng là tối ưu nhất cho đất nước. Với tình hình hiện nay của nội bộ Đảng cộng sản, biến thể này rất có thể xảy ra và có nhiều cơ hội thành công nếu Phong Trào Dân Chủ biết hành động với tinh thần hoà giải và thoả hiệp’. Và như vậy, vai trò của tầng lớp trí thức tinh hoa (trong và ngoài Đảng cộng sản) có một vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa đất nước. Chúng tôi cũng cho rằng tầng lớp trí thức tinh hoa phải chủ động và dấn thân hơn nữa vào quá trình này. Điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi là từ bây giờ trở đi thành phần trí thức tinh hoa của dân tộc luôn sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt và lãnh đạo đất nước.
Tôi, Nguyễn Gia Dương, xin được bổ túc một vài ý nhỏ, và minh định một vài khía cạnh và nhất là một vài nguyên tắc.
Có lẽ chúng ta cũng nên định nghĩa cho rõ ràng một vài khái niệm: Thế nào là một tổ chức mạnh?
Đối với THDCĐN, một tổ chức là nơi quy tụ những con người chia sẻ một số giá trị. Trong một giai đoạn (dài hay ngắn còn tuỳ theo lịch sử và văn hoá của một cộng đồng), những giá trị trên có thể bị chê bai và những con người này chưa chắc đã đông đảo. Nhưng với thời gian và với cố gắng âm thầm của các thành viên, tổ chức này dần dần xuất hiện như hiện thân của một tương lai. Một tổ chức quy tụ được những con người và những giá trị như trên là một tổ chức mạnh.
Một tổ chức mạnh cũng là nơi đã gây dựng được một dự án khả thi và được đón nhận như một đồng thuận nền tảng để xây dựng cộng đồng hay một đất nước. Tổ chức đã đầu tư vào dự án này là một tổ chức mạnh vì tổ chức này đã có được uy tín (Có rất nhiều tổ chức chỉ chạy đi vay mượn những khái niệm căn bản mà không đầu tư trí tuệ vào đó. Họ sẽ hụt hẫng và trở thành trò cười sau khi đã cố gắng leo lên sân khấu gây tiếng vang).
Một tổ chức mạnh cũng là nơi đã gây dựng được một dự án khả thi và được đón nhận như một đồng thuận nền tảng để xây dựng cộng đồng hay một đất nước. Tổ chức đã đầu tư vào dự án này là một tổ chức mạnh vì tổ chức này đã có được uy tín (Có rất nhiều tổ chức chỉ chạy đi vay mượn những khái niệm căn bản mà không đầu tư trí tuệ vào đó. Họ sẽ hụt hẫng và trở thành trò cười sau khi đã cố gắng leo lên sân khấu gây tiếng vang).
Khi có được hai yếu tố nêu trên thì sức mạnh ‘cơ bắp’ chỉ là vấn đề nhỏ. Chúng tôi có gặp một vài lãnh đạo của công đoàn ‘Đoàn Kết’ Ba Lan. Họ nói với chúng tôi rằng trong giai đoạn đầu ‘sức mạnh’ của họ chỉ là niềm tin và đức tin. Nhưng khi vận hội xảy đến, có nghĩa là trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh, số người gia nhập tổ chức không sao kể hết.
Cá nhân tôi cảm thấy rất nhiều người Việt Nam đồng hoá chữ ‘mạnh’ với ‘số đông’ để rồi mượn danh nghĩa ‘quần chúng’ để làm thước đo cho ‘khả năng’ của một tổ chức. Chúng ta quên rằng vốn liếng quý báu nhất của một tổ chức là uy tín và giá trị mà họ quảng bá.
Tại sao có thể sai lầm như vậy? Hãy lấy thí dụ của Liên Minh Dân Chủ Miến Điện mà linh hồn là bà Aung San Suu Kyi. Tổ chức này có mạnh về ‘cơ bắp’ hay không? Thành viên chính thức có được bao nhiêu? Nhưng uy tín của họ thế nào? Trong những đợt xuống đường biểu tình gần đây tại Miến Điện, có ai đề cập hay giương cao biểu ngữ của Liên Minh Dân Chủ Miến Điện không? Nhưng trong thâm tâm, mọi người nghĩ đến tổ chức nào có nhiều khả năng nhất để lãnh đạo quần chúng? Có lẽ chúng ta đều có câu trả lời và chỉ có một câu trả lời.
Cuối cùng, khi nói đến sức mạnh, cũng cần tương đối hoá đề tài: Mạnh so với ai?
Nếu so sánh với các tổ chức đối lập Việt Nam hiện nay, có lẽ THDCĐN cũng không yếu lắm về mặt tư tưởng cũng như thành viên và nhất là cảm tình viên hay thân hữu trong và ngoài nước.
Nếu so sánh với đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thì phải nhìn nhận rằng có bao nhiêu phần trăm đảng viên ĐCSVN còn tin tưởng vào lý tưởng CS? Trong lúc đó, có lẽ 99% thành viên THDCĐN đã tin tưởng vào Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên.
Định nghĩa như vậy và so sánh như trên, có lẽ THDCĐN cũng không yếu kém như bạn quan niệm. Tuy nhiên như anh Việt Hoàng đã đề cập, chúng tôi vẫn phấn đấu vì chúng tôi không theo lối mòn cũ.
Định nghĩa như vậy và so sánh như trên, có lẽ THDCĐN cũng không yếu kém như bạn quan niệm. Tuy nhiên như anh Việt Hoàng đã đề cập, chúng tôi vẫn phấn đấu vì chúng tôi không theo lối mòn cũ.
-------------------------------------------
Câu hỏi 3: Tôi đã theo dõi rất thích thú các bài viết của Tập Hợp trên trang web Thông Luận. Ngoài Dự án chính trị Thành cộng Thế Kỷ 21 tôi cũng đặc biệt chú ý tới các bài xã luận và các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng. Qua những bài viết này tôi có một nhận xét là Tập Hợp mới vẽ ra cho người đọc thấy một tương lai cần phải có cho Việt nam nhưng chưa cho người ta thấy phải làm gì để có được cái tương lai ấy. Giống như mới cho thấy ước mơ mà chưa chỉ cho phải đi những bước cụ thể nào để đạt được ước mơ ấy. Tôi muốn nói là Tập Hợp chưa chỉ ra lộ trình phải đi. Lộ trình ấy - như tôi hiểu - là diễn tiến từng bước cụ thể để tạo được những điều kiện đi tới và có được dân chủ - không loại trừ việc phải tạo được các điều kiện để có cuộc cách mạng thay đổi thể chế độc tài.
Đầu đề của cuộc hội luận này rất hấp dẫn với tôi: Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình dân chủ hóa và phải làm gì?
Để có thể thể nắm bắt và chấp nhận được những điều quý vị trong Tập Hợp sẽ trình bày tôi xin quý vị trả lời hộ tôi câu hỏi: Lộ trình để đi đến dân chủ tự do cho Việt nam gồm những bước cụ thể nào và trong mỗi bước ấy phải có những hành động cụ thể gì? Có nắm bắt được lộ trình cụ thể này thì mọi người mới thấy Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình dân chủ hoá và nhờ vậy mới có thể tiếp tay với Tập Hợp.
Đoàn Xuân Kiên trả lời:
Tôi có mấy ý dưới đây để bàn bạc cùng các bạn đọc Dân Luận về điều các bạn gọi là một “lộ trình dân chủ”, hiểu như “là diễn tiến từng bước cụ thể để tạo được những điều kiện đi tới và có được dân chủ”. Bạn đọc hỏi rằng THDCĐN phác hoạ ra “lộ trình tranh đấu nào để đến dân chủ đa nguyên và phù hợp với hai lập trường cơ bản của Tập Hợp là bất bạo động và hoà giải hoà hợp dân tộc?”. Thắc mắc của các bạn rất chính đáng, vì có nắm được lộ trình cụ thể như thế thì mới không mò mẫm, vì hiểu được “quy luật” phát triển của sự việc, do vậy, quy luật sẽ tự mở đường để đi.
Xin nói ngay là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) không quan niệm một cách máy móc về cái gọi quy luật phát triển cách mạng, hay là lộ trình cách mạng dân chủ. Dựa trên kinh nghiệm những cuộc cách mạng trong lịch sử, THDCĐN đã đúc kết quan niệm về “bốn điều kiện cuả cách mạng” và “năm giai đoạn của cuộc vận động dân chủ” mà Việt Nam sẽ phải đi qua để đến thắng lợi của cách mạng dân chủ. Những nội dung này nằm trọn trong Dự án chính trị dân chủ đa nguyên: Thành Công Thế Kỷ 21 - Phần VI: “Chấm dứt độc tài và thiết lập dân chủ đa nguyên” (http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=17).
Đây chính là lộ trình dân chủ mà tổ chức đã nhất quán theo đuổi suốt hơn hai mươi năm nay. Điều này nói lên giá trị bền vững cuả tầm nhìn xa mà tổ chức này đã đạt được trên hành trình dân chủ. Đến hôm nay, đọc lại phần VI nói riêng và toàn văn Dự án chính trị của THDCĐN, hẳn bạn đọc dễ nhận thấy tính mới mẻ cũng như tính tiền phong của dự án chính trị dân chủ đa nguyên. THDCĐN đã không chọn lối mò mẫm, hô khẩu hiệu hay phản ứng theo tình thế khi chọn lựa con đường mình đi.
Trước hết, mục “Bốn điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng dân chủ”:
“Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng tình về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới”. (Thành công thế kỷ 21 – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên, 2001).
Những gì ghi trong mục “Bốn điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng dân chủ” không phải là những nhận định ngẫu hứng, mà chính là đúc kết từ những bài học cách mạng trong lịch sử. Những điều ghi trên cũng khái quát từ những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và ngắn hạn. Cho đến ngày hôm nay, những nhận định ghi trong Dự án chính trị vẫn chứng tỏ tính đúng đắn của nó:
“Nhìn vào bối cảnh hiện tại của đất nước chúng ta có thể khẳng định là hai điều kiện đầu đã có. Toàn dân đã chán ghét chế độ và đang nôn nóng chờ đợi thay đổi. Khát vọng dân chủ ngày càng lên cao trong dân chúng; hơn thế nữa sự chuyển hóa về dân chủ ngày càng được nhìn như một lẽ tự nhiên và một sự bắt buộc, càng trì hoãn chừng nào càng gây thiệt hại cho đất nước chừng đó. Không những dân chúng mà cả một số lượng đông đảo cán bộ và đảng viên cộng sản cũng đang mất kiên nhẫn trước sự ù lì của ban lãnh đạo đảng cộng sản.
Mặt khác, đảng cộng sản cũng đã ruỗng nát. Cán bộ đảng viên đã mất hết mọi tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và ban lãnh đạo đảng, ngược lại ban lãnh đạo đảng cũng đánh giá đa số đảng viên là tham nhũng, thiếu khả năng và phẩm chất. Những xung đột rất trầm trọng đã xảy ra ngay giữa các cán bộ cấp cao. Tâm lý ngự trị trong đảng là thi nhau giành giật, mạnh ai nấy sống. Đảng cộng sản đã mất ý chí và sức sống của một đoàn thể.
Điều kiện thứ ba cũng đã gần đạt được. Đại bộ phận quần chúng, kể cả đảng viên cộng sản, đều đã đồng ý rằng chế độ chính trị tương lai của Việt Nam bắt buộc phải là một thể chế dân chủ đa nguyên, dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người ; mọi người đều đã đồng ý rằng nền kinh tế của Việt Nam phải là kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng, lấy cạnh tranh làm sức mạnh và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Hơn thế nữa chúng ta còn ý thức được rằng phải thực hiện cuộc cách mạng dân chủ này bằng đường lối bất bạo động, trong tinh thần hòa giải dân tộc. Chúng ta chỉ còn thiếu một dự án chính trị rõ ràng và minh bạch, đặt ra những vấn đề lớn của đất nước cùng với những hướng giải quyết. Trong tinh thần đó dự án chính trị này là một đóng góp.
Sau cùng chúng ta cũng đã thấy xuất hiện những cố gắng kết hợp quan trọng. Một số những khuôn mặt tranh đấu, thuộc những quá khứ chính trị khác nhau cũng đang dần dần trở nên quen thuộc với quần chúng. Những điều kiện cho một sự tập hợp các lực lượng dân chủ đã gần như hội đủ.
Như vậy việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc”.
Trong các hoạt động thường ngày, từ nhiều năm nay, THDCĐN vẫn nói với nội bộ và với phong trào dân chủ của chúng ta về nhu cầu khẩn cấp và chính đáng về việc hoàn tất điều kiện thứ ba và xây dựng điều kiện thứ tư: một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Bạn đọc hẳn đã thấy khá rõ là tổ chức THDCĐN đã không mệt mỏi trong hai công tác vừa kể. Bài vở trên báo Thông Luận hay web Thông Luận là nhắm vào hai mục tiêu nói trên. Những hoạt động nằm trong khuôn khổ vận động thân hữu và cảm tình viên cũng không ngoài hai mục tiêu trên. Hai tuyển tập Cách mạng dân chủ Việt Nam: Nhìn lại để đi tới (tập I: http://thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=1410 & tập II: http://thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=1411) tập họp lại một số bài viết quan trọng cũng là nhắm vào hai việc trên đây. Trong thời gian qua, THDCĐN thường bày tỏ những nhận định của mình về một số hoạt động của phong trào dân chủ Việt Nam thì cũng không ngoài mục đích duy nhất là nhắc nhở nhau và nhắc nhở các bạn đồng hành về một nhu cầu cần thiết là tiến tới xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Đó là điều kiện đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ VN thành công.
Trở lại thắc mắc của bạn đọc Dân Luận về một lộ trình dân chủ, xin nhắc lại là THDCĐN cũng đã là tổ chức duy nhất cho đến nay phác hoạ một chương trình làm việc cụ thể cho một tiến trình chuyển hoá dân chủ qua năm giai đoạn để cuộc cách mạng dân chủ VN thắng lợi.
Năm giai đoạn đó là:
“1. Xây dựng một cơ sở tư tưởng
2. Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt
3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện
4. Xây dựng cơ sở quần chúng
5. Tiến công giành chính quyền "
Xin lưu ý là vể điểm 5 này, Dự án dân chủ đa nguyên minh định rằng: «Chỉ sau khi bốn giai đoạn trên đã được thực hiện mới có thể nghĩ đến việc tiến công giành chính quyền và phương pháp để nắm chính quyền mới có thể được quyết định. Trong thực tế những người dân chủ Việt Nam phải dứt khoát loại bỏ giải pháp vũ trang ngay từ đầu vì giành chính quyền bằng bạo lực đòi hỏi phát động nội chiến rất sớm và giữ chiến tranh ở một mức độ giới hạn rất lâu trước khi tổng tấn công. Tình trạng nội chiến này gây tang tóc và đổ vỡ kéo dài cho đất nước và có thể không có lối thoát. Thế giới văn minh đã từ bỏ bạo lực như một phương tiện đấu tranh chính trị, dân tộc Việt Nam sau những kinh nghiệm đau đớn của giai đoạn nội chiến vừa qua lại càng phải từ khước bạo lực một cách dứt khoát hơn. Chiến lược của những người dân chủ Việt Nam là diễn tiến hòa bình”. (Thành công thế kỷ 21 – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên, 2001).
Tôi không ngại trích dài, vì thiết tưởng cần nói lại lần nữa một cách cụ thể quan điểm của THDCĐN về cách mạng dân chủ Việt Nam, rằng không có con đường tắt cho một cuộc chuyển hoá thành công về dân chủ đích thực. Những cuộc cách mạng “xảy non” sẽ chỉ dẫn đến thứ dân chủ hình thức, dân chủ giả hiệu như chúng ta thấy đang diễn ra trên thế giới. THDCĐN không đồng tình với phương thức hoạt động như thế.
Cũng xin ghi lại đây những nhận định có tính cương lĩnh mà thành viên chúng tôi không thể quên trong các công tác thường ngày:
“Năm giai đoạn phải đi theo thứ tự nhưng không nhất thiết là giai đoạn trước phải hoàn tất giai đoạn kế tiếp mới bắt đầu. Các giai đoạn gối đầu lên nhau. Tiến trình năm giai đoạn là một công thức hướng dẫn hành động, nó là một điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Đi sai tiến trình này thì chắc chắn thất bại nhưng theo đúng tiến trình chưa chắc đã thành công. Sự thành công còn tùy thuộc nhiều yếu tố định lượng : cơ sở tư tưởng được hưởng ứng đến mức độ nào, cán bộ nhiều hay ít và khả năng thế nào, phương tiện dồi dào tới mức nào.
Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng.
Nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là cuộc vận động dân chủ hiện nay mới chỉ ở giữa giai đoạn thứ nhất và bước đầu của giai đoạn thứ hai. Nhưng không phải vì thế mà có thể kết luận bi quan rằng thắng lợi của dân chủ còn xa”. (Thành công thế kỷ 21 – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên, 2001).
Có lẽ đến đây bạn đọc đã có thể để ý rõ hơn một ý ngắn gọn trong Lời Giới Thiệu về THDCĐN ở đầu buổi hội luận này: THDCĐN tiêu biểu cho một khuynh hướng chính trị khác và cũng đề ra một phong cách sinh hoạt chính trị khác như thường thấy lâu nay.
Từ những định hướng quan trọng như trên, mỗi thành viên THDCĐN sẽ không hấp tấp chạy theo đuôi những biến cố nhất thời, mà kiên trì xây dựng đội ngũ, rèn luyện bản thân và đề ra những hoạt động nhằm triển khai những công tác trọng điểm mà Dự án chính trị của tổ chức đã đề ra. Có thể gọi đấy là một lộ trình cụ thể và từng bước để giúp thúc đẩy việc hoàn tất năm giai đoạn của cuộc vận động dân chủ hiện nay. Lộ trình ấy là tiến trình chung giúp mọi thành viên, không phân biệt là ở trong nước hay tại hải ngoại, không lạc hướng hoạt động để chạy đuổi theo những hành vi có tính gây tiếng vang mà không có tác dụng chắc cho tiến trình dân chủ hoá. Lộ trình đó được tóm gọn trong sáu bước dưới đây:
“1. Thức tỉnh quần chúng về sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc
2. Giành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng và lý luận
3. Phát động mạnh mẽ cuộc tranh đấu đòi dân chủ trong nước
4. Nâng cao tinh thần và hiệu năng của những cố gắng vận động sự yểm trợ của thế giới
5. Xúc tiến sự hình thành một mặt trận dân chủ
6. Mục tiêu chính: bầu cử tự do"
(Thành công thế kỷ 21 – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên, 2001)
Tôi phải trích dài, để bạn đọc đồng tình đồng thuận với những gì chúng tôi nghĩ và làm trong khuôn khổ cuộc vận động dân chủ hiện nay. Một “lộ trình” cụ thể như thế đã trở nên dễ hiểu và xác đáng đối với những ai hằng quan tâm đến vận mệnh đất nước. Mặt khác, THDCĐN không hề quan niệm rằng “lộ trình” cụ thể kia là độc quyền của THDCĐN. Hơn một lần chúng tôi mời gọi các tổ chức dân chủ bạn cùng đồng hành với chúng tôi trên con đường dân chủnày. Cũng hơn một lần THDCĐN minh nhiên mời gọi sự liên kết hoạt động giữa những người bạn đồng hành.
Đến đây xin trở lại một phát biểu của một bạn đọc: “Muốn có một lộ trình cụ thể khả thi và khoa học trước hết phải nghiên cứu thực tiễn thông qua lịch sử và các nghiên cứu xã hội chính trị để thấy được các điều kiện cần và đủ để có dân chủ tự do. Từ các điều kiện cần và đủ này chúng ta sẽ thấy được lộ trình tự nhiên như là quy luật để đi đến dân chủ”. Đúng thế. “Lộ trình dân chủ” như ghi trong TCTK21 chính là kết quả của những nghiên cứu nghiền ngẫm từ thực tiễn và từ kinh nghiệm lịch sử. Hẳn bạn đọc không tìm thấy những phát biểu tư biện, trừu tượng thường gặp trong các salon trí thức hàn lâm. Chúng ta đang bàn về đất nước mình với đầy đủ những di sản lịch sử và văn hoá lâu dài. Chúng ta cũng đang muốn chấm dứt vòng luẩn quẩn của lịch sử dân tộc cũng đã được ghi nhận minh nhiên trong Dự án chính trị TCTK 21 (Phần III). Bạn đọc có kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế chính trị sẽ thấy những điều ghi trong TCTK 21 hoàn toàn minh chứng cho nhận định của bạn đọc ĐVB nêu trên đây.
Một điểm cần nhấn mạnh ở đây: chúng tôi không hề coi thường những tính toán chiến lược của Đảng CSVN trong việc đánh phá phong trào dân chủ VN. Chúng tôi quan niệm rằng đối sách của phong trào dân chủ phải là: phát huy thế trận quần chúng và tiến tới mặt trận dân chủ khi điều kiện của thực tiễn đã chín.
Một điểm cần nhấn mạnh ở đây: chúng tôi không hề coi thường những tính toán chiến lược của Đảng CSVN trong việc đánh phá phong trào dân chủ VN. Chúng tôi quan niệm rằng đối sách của phong trào dân chủ phải là: phát huy thế trận quần chúng và tiến tới mặt trận dân chủ khi điều kiện của thực tiễn đã chín.
THDCĐN nghiêm túc trong vấn đề xây dựng và phát triển tổ chức mà một bạn của tôi đã trả lời bạn đọc trong một thư khác. Ở đây, tôi chỉ ghi nhận là bạn đọc đã khá tinh ý khi nhìn ra vài nét khác biệt trong cơ cấu tổ chức của chúng tôi so với các tổ chức khác. Nói thế có nghĩa là chúng tôi quan niệm khác về việc xây dựng và phát triển tổ chức sao cho nó đủ năng động trong hoàn cảnh khá tế nhị hiện nay.
Trước khi tạm ngừng, tôi muốn bàn thêm một chi tiết nêu lên trong thư của hai bạn Đặng Vũ Bình và Lê Lâm Đông, rằng nhiều bài xã luận của Thông Luận đọc thì thấy thích lắm nhưng rốt lại chỉ có tính cách hô khẩu hiệu suông. Xin được có đôi lời chất chính: những bài xã luận từ lâu nay vẫn được nhìn như là những bài viết phản ảnh quan điểm của THDCĐN về các vấn đề thời sự khi nó vừa xảy ra. Có thể một số bài xã luận cũng đưa ra một đáp án cho một bài toán thời sự, theo nhãn quan của người dân chủ Việt Nam đứng trong đội ngũ THDCĐN. Chúng tôi không hề dùng bài xã luận để “hô khẩu hiệu” theo nghĩa là khua chiêng trống ồn ã cho qua chuyện, không thiết thực gì cho xã hội. Vì chỉ là những bài viết phản ảnh cái nhìn của THDCĐN về một vấn đề cụ thể, khó có thể xem những bài xã luận hằng tháng là một chỉ dẫn về những tầm nhìn chiến lược của THDCĐN về tiến trình dân chủ hoá nước nhà. Đây là một vấn đề cần được xem xét ở bản dự án chính trị của tổ chức. Khi bàn bạc cùng các bạn về vấn đề các bạn nêu ra về quan điểm của THDCĐN về “lộ trình dân chủ”, tôi dựa vào Dự án chính trị là vì thế.
---------------------------------------
Câu hỏi 4: Trung Đông và Bắc Phi đang rúng động trước những cuộc cách mạng liên tiếp diễn ra, làm hàng lọat các quốc gia độc tài bị sụp đổ. Trung Quốc cũng đang lo ngại cách mạng hoa lài lan tới cửa.
Ở Việt Nam lạm phát gia tăng, nhìn tổng thể hệ thống xã hội và chính trị đang thể hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, nhiều người đang mất dần niềm tin vào chính quyền. Câu hỏi tôi muốn gửi đến THDCDN là các ông đánh giá thời cơ này ra sao, liệu có thể xảy ra một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam trong năm tới đây hay không? Theo dự đoán của Tập Hợp, nếu tiến độ dân chủ hóa hiện nay được giữ nguyên, chúng ta sẽ có cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau bao nhiêu năm nữa? Cần làm gì trước tình hình hiện nay?
Hoàng An Việt trả lời:
Xin đồng ý với bạn rằng Trung Đông và Bắc Phi hiện đang rúng động về làn sóng nổi dậy của quần chúng tại đó. Tôi cũng không nghĩ khác với bạn rằng: “Trung Quốc cũng đang lo ngại cách mạng hoa lài lan tới cửa”. Cũng đã có một vài nhà hoạt động dân chủ hải ngoại đang mơ tưởng một cuộc nổi dậy tại Việt Nam, lúc này.
Sở dĩ có cái nhìn như thế là vì làn sóng cách mạng lần này dâng tràn lên từ những xứ sở còn đang chịu ách độc tài tại các nước Á Phi. Điểm chung giữa những quốc gia này là: một tập đoàn cai trị theo lối đảng trị hay gia đình trị, bóp nghẹt các quyền tự do căn bản của công dân, ngăn chặn các hoạt động xã hội dân sự và các chính đảng đối lập, biến bộ máy bạo lực để bảo vệ kẻ thống trị thay vì bảo vệ đất nước và nhân dân, và những kẻ thống trị đã bòn rút tài sản quốc gia cho mục đích cá nhân họ thay vì lo cho dân giàu nước mạnh.
Những điểm tương đồng giữa các xứ còn đang chịu ách độc tài dừng ở đó. Điều kiện cho một cuộc cách mạng dân chủ khác nhau tại các quốc gia đang bàn đến ở đây sẽ quyết định mức độ thành công của công cuộc chuyển hoá dân chủ tại các nước này. Bạn Khachviengtham nêu lên một nhận định xác đáng về tình hình trong nước hiện nay: “Việt Nam lạm phát gia tăng, nhiều người đang mất dần niềm tin vào chính quyền”. Nhưng tình hình trong nước hiện nay không chỉ có thế. Còn rất nhiều yếu tố khác bao trùm các mặt đời sống nhân dân: giáo dục, kinh tế, y tế, quốc phòng, xã hội… Điều kiện cho một cuộc cách mạng dân chủ đã chín rồi đấy, nồi áp suất bị nén lâu rồi, có thể vỡ vùng rồi đấy. Nhưng điều kiện này vẫn chưa có thể là thời cơ cho một cuộc cách mạng màu hay cách mạng hoa, nếu như chưa đủ chín hai điều kiện khác: đồng thuận về một dự án tương lai chung khác, và một tập hợp dân chủ có tầm vóc. Đó là nguyên nhân của những chuyến tàu dân chủ bị bỏ lỡ trong quá khứ.
Nay trở lại câu hỏi bạn đọc Dân Luận. Xin hãy cùng ôn lại một giai đoạn nóng bỏng khác: Những năm cuối của thời kì bao cấp trước khi bắt đầu giai đoạn gọi là “đổi mới”, điều kiện cho một cuộc đổi đời còn cao hơn bây giờ, nhưng thời cơ cách mạng không đến, vì chưa hội đủ các điều kiện khác cho công cuộc cách mạng dân chủ thành công.
Một thời cơ khác cũng to lớn, nhưng đã xảy ra trong khi phong trào dân chủ chưa sẵn sàng để tiếp nhận nó và chuyển thành “tình thế cách mạng” cho cuộc cách mạng dân chủ. Đó là chuỗi biến cố từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, dẫn đến sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa. Vì lực lượng dân chủ chưa đủ tầm vóc cho nên Đảng CSVN đã trụ lại được sau một cơn choáng.
Do vậy, chúng ta cần tìm hiểu nghiên cứu sâu những chuỗi biến cố của làn sóng dân chủ Hoa Nhài để tìm cho ra quá trình xây dựng những điều kiện cần và đủ cho cuộc cách mạng dân chủ tại đó, nhưng chúng ta không nên vội vã xem làn sóng dân chủ đang làm rúng động thế giới A Rập cũng là thời cơ cách mạng của cách mạng dân chủ Việt Nam. Lý do giản dị chỉ là chúng ta chưa hoàn toàn có hết những điều kiện cần và đủ cho cách mạng dân chủ cho chính mình. Trừ khi đất nước chúng ta chỉ muốn một cuộc cách mạng xảy non, khi mà các điều kiện cần và đủ cho nó chưa đủ chín.
THDCĐN không ngồi đợi thời cơ đến, cũng không nhập cảng sống sít “thời cơ cách mạng” của người mà không xem xét các điều kiện cần và đủ của chính mình. Chúng tôi hiểu rằng Việt Nam còn đang cần tích tụ hoàn bị những điều kiện cần và đủ cho cuộc vận động dân chủ hoá trong hoà bình. Chỉ khi nào những điều kiện đã phát triển thì thời cơ cách mạng mới đến cho chúng ta thực hiện cuộc cách mạng dân chủ đó. Khi thời cơ đến thì nó cũng có thể đến rất bất ngờ nhưng không hề ngẫu nhiên, vì chính là quần chúng cách mạng va lực lượng dân chủ đã tích luỹ từ trước sức bật của thời cơ cách mạng.
Xem thế thì có cuộc cách mạng dân chủ nào thành công trong lịch sử vài trăm năm qua lại là kết quả của một cuộc xảy non?
------------------------------
Câu hỏi 5: Linh mục Nguyễn Văn Lý, một người không ngừng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền với ý chí không khoan nhượng. Ông cũng là người nhiều tuổi, từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với chế độ cộng sản ở Việt Nam. Nhưng chính ông, cũng đã phải nói rằng: "Độc tài cộng sản ở Việt Nam là độc tài có khoa học, hơn mấy anh độc tài châu Phi nhiều lắm".
Xin hỏi THDCĐN đâu là những rào cản khiến cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ nhân quyền ở Việt Nam có nhiều khó khăn phức tạp hơn những nơi khác. Và THDCĐN đã có những đường hướng và biện pháp cụ thể như thế nào để có thể dẫn dắt nhân dân Việt Nam đấu tranh giành thắng lợi trước một đối thủ "độc tài có khoa học"?
Sơn Dương trả lời:
Trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa nước Việt Nam, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) không chủ trương phải có những hành động chính trị vỗ ngực xưng tên khi đang thực hiện các giai đoạn xây dựng nền tảng tư tưởng và nhân sự của tổ chức. THDCĐN không cổ động những hoạt động có tính quấy rối chỉ nhằm để gây thanh thế, tiếng vang, tiếng nổ, tiếng dội... như một vài tổ chức đang làm và đã lấy đó làm thành tích để đo lường tiềm năng chính trị của những tổ chức khác. THDCĐN không bị áp lực của bất cứ ai phải có những hành động "lạy ông con ở bụi này" chỉ có tác dụng "nổ" để cho cộng sản tập trung vào trấn áp, vu khống và lũng đoạn hàng ngũ. THDCĐN khác với những tổ chức không có cơ sở tư tưởng, hoạt động theo phản xạ chính trị thời cơ, chạy theo cảm tính thông thường và phải mị dân để biện minh cho những phương tiện có được từ sự quyên góp của quần chúng.
Là một tổ chức cán bộ, ưu tiên của chúng tôi đặt trọng tâm vào xây dựng nền tảng tư tưởng của tổ chức, huấn luyện cán bộ và vận động dư luận tìm đồng thuận cho Dự án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên của THDCĐN. Giai đoạn lãnh đạo quần chúng là giai đoạn tất yếu sau cùng.
Phân tích và rút kinh nghiệm từ những thất bại của những tổ chức chính trị đối kháng cộng sản trong lịch sử và hiện tại, chúng tôi nhận định để có thể thành công trong công tác vận động dân chủ hóa Việt Nam và thiết lập thể chế dân đa nguyên, THDCĐN cần thực hiện 5 giai đoạn chuẩn bị đội ngũ và quần chúng như sau:
1. Xây dựng cơ sở tư tưởng làm nền tảng cho tổ chức.
2. Đào tạo cán bộ nồng cốt quyết tâm thực hiện dự án chính trị.
3. Kiểm điểm phương tiện nhân, tài, vật, lực.
4. Xây dựng cơ sở quần chúng sẵn sàng và cuối cùng
5. Tiến công giành chính quyền.
2. Đào tạo cán bộ nồng cốt quyết tâm thực hiện dự án chính trị.
3. Kiểm điểm phương tiện nhân, tài, vật, lực.
4. Xây dựng cơ sở quần chúng sẵn sàng và cuối cùng
5. Tiến công giành chính quyền.
Mọi hành động nóng vội, vượt lướt các giai đoạn vì áp lực các bức xúc chính trị, xã hội, kinh tế, tình hình thế giới... sẽ thất bại hoặc sẽ không đưa đến thành công toàn vẹn như dự liệu.
Về hoạt động lãnh đạo, vận động quần chúng tham gia rộng rãi vào công tác đấu tranh giành chính quyền, như đã trình bày, là giai đoạn sau cùng của 5 giai đoạn cần thực hiện để đi thành công. Mọi hình thức đấu tranh của THDCĐN sẽ đi theo các giá trị dân chủ đa nguyên, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và qua các hình thức đấu tranh bất bạo động. Đặc biệt, phương thức đấu tranh bất bạo động mà chúng tôi đã kiên trì vận động và đã bị các tổ chức chủ trương bạo động (nay một số đã miễn cưỡng chuyển sang hướng "bất bạo động") tấn công đánh đập và quy chụp hoàn toàn sai trái là THDCĐN chủ trương bắt tay với cộng sản, sẽ là phương thức đấu tranh thích hợp nhất cho hoàn cảnh Việt Nam.
CSVN là một tổ chức tập trung vào mục tiêu cướp chính quyền bằng bạo lực và vì thế sẽ sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì quyền cai trị. THDCĐN vận động cho một kết quả đấu tranh hoà bình như đã xảy ra như ở Tunisia và Ai Cập. Nhưng hiện tượng Muammar Gaddafi ở Lybia giết dân để bảo vệ quyền cai trị của y là một thảm kịch có thể xảy ra ở Việt Nam. Bản chất của quân đội CSVN là công cụ bạo lực của đảng cộng sản Việt Nam. Quân đội CSVN chỉ được “Trung với Đảng” chứ không được “Trung với tổ quốc Việt Nam”. Một công cụ bạo lực như thế sẽ sẵn sàng thi hành nghị quyết của đảng CSVN, sẽ sẵn sàng giết dân để bảo vệ đảng cộng sản để thể hiện cao độ hơn nữa tính “Trung với Đảng” của công cụ. Bất chấp mọi xúc động chính trị đang xảy ra ở Bắc Phi, ở Trung Đông và có thể sắp tới sẽ là vùng đất của các chế độ độc tài, độc đảng, độc ác ở Á châu, mọi vận động quần chúng VN phải được cân nhắc lợi hại và nếu cần thiết sẽ chậm lại, cho đến khi công cụ bạo lực của CS có thể chuyển hướng từ “Trung với Đảng” sang “Trung với Dân” và “Trung với Tổ quốc Việt Nam”.
Một tổ chức chính trị mới và hướng về tương lai như THDCĐN phải có đạo đức lãnh đạo và có trách nhiệm với quần chúng và với đất nước. Sự bảo toàn an ninh cho quần chúng trong mọi sự đương đầu với một tổ chức bạo lực chuyên môn phải đặt ưu tiên cao nhất. Phải chấp nhận cuộc cách mạng nào cũng có đổ máu, nhưng đổ máu nhiều nhất để thất bại như đã xảy ra ở Thiên An Môn thì không thể được. Và để tránh đổ máu nhiều nhất, các giai đoạn 1,2,3 và 4 càng phải được chuẩn bị chu đáo nhất.
Quần chúng là sức mạnh của mọi cuộc cách mạng và phải được lãnh đạo để thực hiện cách mạng. THDCĐN có tư tưởng đa nguyên chỉ đạo, phương hướng đấu tranh bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp Dân tộc hy vọng sẽ là lực lượng được tín nhiệm khi lịch sử lên tiếng.
(còn tiếp)
-----------------------------
Tin liên quan
.
.
.
No comments:
Post a Comment