Đối Thoại
Posted on 13/03/2011 by Doi Thoai
“Biết địch biết ta, trăm trận không bại. Biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại. Không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại.” – Tôn Tử
Cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị cộng sản tại Việt Nam hiện nay là cuộc đấu tranh phải nhằm xây dựng cho được một chế độ Dân chủ đúng nghĩa. Ngắn gọn hơn đó là công cuộc Dân chủ hóa (Democratization).
Cũng là nhằm giải thể, lật đổ một chế độ chính trị độc tài, một giai cấp thống trị độc đoán, tham tàn, nhưng Dân chủ hóa tại Việt Nam (cũng như nhiều nơi khác) đòi hỏi những nhà lãnh đạo, những người đấu tranh cần phải có một đầu óc duy lý, khoa học. Bởi hai lẽ:
1. Lực lượng cầm quyền phản dân chủ thường ở vị thế chủ động, được tổ chức chặt chẽ, hệ thống với những tính toán bài bản để đối phó với các nguy cơ đe dọa đến quyền lực độc đoán và những đặc quyền của chúng. Lực lượng cầm quyền độc tài tại Việt Nam còn là một lực lượng có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó, trấn áp, hóa giải, triệt tiêu, gây nhiễu loạn các tổ chức, các cá nhân muốn tiến bộ.
Lực lượng cầm quyền độc tài Việt Nam hiện không chỉ có một nguồn lực dồi dào về tiền bạc mà còn có nguyên cả một hệ thống toàn trị với những bộ máy chuyên biệt hóa nhằm theo dõi, kiểm soát mọi mặt đời sống cá nhân và xã hội. Ví dụ, chúng có một bộ máy chuyên vào việc tuyên truyền, đầu độc tư tưởng dân chúng và giới trẻ (Ban tuyên giáo Trung ương), một bộ máy chuyên để theo dõi suy nghĩ, lần dò những tư tưởng tiến bộ của mọi cá nhân trong các tổ chức, cơ quan (Cục an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng A25),…
Hoặc chỉ để nhằm đối phó với một cá nhân có tư tưởng khác biệt, chúng cũng luôn thực hiện những kế họach hết sức công phu: từ việc tìm hiểu từ xa các mối quan hệ xã hội, gia đình, tính cách, tâm lý, thói quen rồi chúng mới tiếp cận trực tiếp để dò hỏi thêm nhằm có kế sách lôi kéo, dụ dỗ hay dọa nạt sao cho hiệu quả. Kể cả khi đã thất bại (không lung lạc được cá nhân đó) hoặc đã ra tay trấn áp (bỏ tù) chúng vẫn luôn bám riết để hòng khuất phục hay làm bất hoạt cá nhân đó ở mức cao nhất có thể. Như vậy, trước một đối thủ có tính toán, xảo quyệt và lỳ lợm như thế những người đấu tranh dân chủ không thể không rèn luyện cho mình ít nhất phải có được một lối suy nghĩ, đánh giá duy lý, có hệ thống, biết phân tích để hiểu đúng đối thủ. Những suy nghĩ, hành động chỉ dựa trên cảm tính hay nhiệt tình nhất thời không bao giờ có thể đối đầu lâu dài được với một hệ thống quyền lực có tính toán.
2. Dân chủ hóa là một quá trình xây dựng các định chế dân chủ (demoratic institutions). Các định chế dân chủ là những cấu trúc xã hội có sự tổ chức và vận hành với những điều kiện và nguyên tắc nhất định nhằm tạo dựng và duy trì cho một xã hội dân chủ.
Ví dụ như định chế Bầu cử tự do (free election) muốn có thì phải có điều kiện tối thiểu là phải có quyền Tự do ngôn luận, phải có hệ thống Truyền thông độc lập và nguyên tắc cơ bản của nó là phải có ứng cử tự do. Việc xây dựng, vận hành và bảo đảm cho các định chế dân chủ không bị thiếu hụt hay giả mạo đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định. Phải nắm được vai trò, vị thế tương quan giữa các định chế đó với nhau để có thể xác định đúng tầm mức quan trọng của mỗi định chế trong từng giai đoạn dân chủ hóa.
Ngay cả khi có khả năng lật đổ được một chế độ độc tài thì các hành động phiêu lưu, thiếu hiểu biết, thiếu cân nhắc, thiếu nguyên tắc, thiếu kế hoạch về dân chủ rất có thể chỉ đưa xã hội đến một chế độ độc tài khác mà thôi.
Như thế Dân chủ hóa là những hành động phải được dựa trên các hiểu biết khoa học, các suy nghĩ có tính toán, có kế hoạch rõ ràng nhắm vào mục đích từng bước tạo dựng các định chế cơ bản của dân chủ một cách chắc chắn và đầy đủ.
Xã hội Việt Nam đang biến đổi, hệ thống cầm quyền độc tài tại Việt Nam đang ngày càng bị nhân dân căm ghét. Nhưng sẽ chỉ có Dân chủ hóa đúng nghĩa và hiệu quả nếu những người dấn thân vào cuộc đấu tranh này ý thức được tính chất duy lý, khoa học rất gắt gao của Dân chủ hóa, bên cạnh những cái không thể thiếu: bầu nhiệt huyết và lòng quả cảm.
.
.
.
No comments:
Post a Comment