Thursday, March 10, 2011

CUỘC ĐỜI và THUYẾT GIÁO vẫn là MỘT KHOẢNG CÁCH QUÁ XA (Trung Lương - PHÍA TRƯỚC số 43)

Trung Lương

Tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị kể từ sự kiện tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, vào tháng 3 năm 2010 khi ông viết thư ngỏ gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và thay vào đó là Chủ nghĩa dân tộc”[1].

Ông là một cựu chiến binh, đảng viên 30 năm tuổi đảng. Gia đình ông từng nuôi các lãnh đạo cộng sản tiền bối như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, v.v. Khi đọc bức thư dài của TS. Thọ đăng trên blog của ông, tôi đang là sinh viên năm nhất và đang học môn chính trị bắt buộc “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin”. Sự kiện này tác động đến tôi rất nhiều. Đặt trường hợp những đòi hỏi của ông là đúng thì bộ môn lúc bấy giờ tôi đang học trở thành phí thời gian!

Trong bức thư trên, không dưới 6 lần sau khi lập luận TS.Thọ đã khẳng định “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sai!”. Không những sai mà còn “sai lầm ở cấp độ các tiền đề, sai lầm ở mức hệ thống”. Vì sao một đảng viên kỳ cựu như ông lại đòi từ bỏ cái chủ nghĩa mà Đảng Cộng Sản (ĐCS) tuyên bố lấy làm “nền tảng tư tưởng”, là “kim chỉ nam cho mọi hành động”?

Lỗi hệ thống và nguyên nhân sâu xa – chủ nghĩa Mác – Lênin
Ông cho rằng vào thời bao cấp, ĐCS đã tiến hành xây dựng đất nước theo mô hình của chủ nghĩa Mác- Lênin một cách chính xác, không chê vào đâu được… Và chính vì thế nên họ đã kéo lùi lịch sử của dân tộc lại 20 năm. Và vì ĐCS đã “phản bội” lại chủ nghĩa Mác-Lênin nên đất nước mới được như bây giờ.

Ông đưa ra hàng loạt dẫn chứng như: chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa “vô thần”, thời bao cấp từng phá bỏ các đền chùa, trong nhà đảng viên không có bàn thờ tổ tiên…, nhưng hôm nay, ĐCS còn kết nạp cả người có đạo vào đảng, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước tư bản, đế quốc như Mỹ, Pháp, Nhật… hơn nữa còn tạo điều kiện cho các tập đoàn tư bản của chúng vào đầu tư, bóc lột giai cấp công nhân tại Việt Nam. Hay như ông Kim Ngọc từng phải làm kiểm điểm vì thực hành khoán hộ, giao ruộng đất cho nông dân, trái ngược với chủ trương làm kinh tế tập trung theo dạng hợp tác xã, nay lại được tung hô như vị anh hùng [2].

Trong một bài phỏng vấn trên Vietnamnet với nguyên ủy viên bộ chính trị ĐCSVN, nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, ông gọi cái mà VN đang mắc phải là “lỗi hệ thống”:
“Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay”.
“…Chúng ta chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa là theo lý thuyết có tính tiền đề rằng, các nước kém phát triển có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nếu được sự giúp đỡ vô tư trên tinh thần anh em của những nước xã hội chủ nghĩa hùng cường.
Tiền đề quan trọng đó TRƯỚC ĐÂY VÀ HIỆN HAY LÀ CHƯA CÓ THẬT. Có lẽ đây chính là cái gốc ban đầu dẫn đến cái LỖI HỆ THỐNG như tôi vừa nói. Cái lỗi này là do nhận thức không đúng về thời cơ Cách mạng”.

Bài phỏng vấn này từng được đưa lên trang nhất của báo Vietnamnet, nhưng sau đó đã bị gỡ xuống không rõ lý do nhưng các trang mạng khác đã kịp dẫn lại trong đó có trang mạng Pháp Lý – cơ quan ngôn luận của hội luật gia Việt Nam [3].

Cái sai lầm ở cấp độ “tiền đề và sai lầm mang tính “hệ thống mà ông An nhắc tới cũng chính là cái mà TS. Thọ đã khẳng định. Nhưng theo ông Thọ, cái nguyên nhân sâu xa hơn dẫn tới các lỗi đó là do áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin.

Cũng trong một bài phỏng vấn khác với Vietnamnet, của một đảng viên cấp cao từng là phó viện trưởng viện triết học, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận TW – giáo sư Dương Phú Hiệp, cho rằng:
“…những nội dung cơ bản của học thuyết về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao gồm: thực hiện chuyên chính vô sản; tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” đều là những nội dung mà Đảng ta không còn dùng nữa, không còn nói nữa. Khi những nội dung cơ bản đó chúng ta không dùng thì tại sao ta vẫn dùng khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Về vấn đề này, ta nên học tập ĐCS Trung Quốc đã sớm từ bỏ khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì họ đã khốn khổ về những nội dung nói trên” [4].

Một chủ nghĩa bị bác bỏ bởi chính các đảng viên trụ cột
Trong một diễn biến khác trước thềm Đại hội Đảng XI, một hội thảo quy tụ gần 20 trí thức, đảng viên cao cấp từng giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị đã lần lượt bác bỏ các văn kiện đại hội XI:
Ông Nguyễn Trung – Cựu đại sứ VN tại Thái Lan cho rằng văn kiện nên bị bỏ đi vì các nhận định về quốc tế, về các nước XHCN và tình hình đất nước là sai.
Ông Vũ Quốc Tuấn – cựu thành viên ban nghiên cứu, trợ lý cho thủ tướng góp ý rằng văn kiện không phản ánh được cuộc sống.
GS.Lê Du Phong – cựu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì nói văn kiện tư duy lý luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn. Và rằng lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ đã giảm sút.
GS.Đào Xuân Sâm – cựu trưởng khoa quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tuyên bố cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ. Học viên bây giờ phải học cưỡng bức các môn chính trị.
GS.Vũ Huy Từ – Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam thì nói dân không còn tin Đảng như trước nữa.
Ngay cả người đồng tác giả của văn kiện đại hội, TS. Lưu Bích Hồ đề nghị không thông qua dự thảo cương lĩnh vì còn quá nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Vậy thì chủ nghĩa xã hội là gì?
Xin chớ tưởng rằng đây là câu hỏi của một học sinh Việt Nam lớp 10 trong tiết Giáo dục Công dân học về vật chất, ý thức và các phạm trù cơ bản của triết học Mác – Lê-nin, cũng xin chớ tưởng rằng đây là câu hỏi của một sinh viên Việt Nam đang mài đũng quần trên ghế trường Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học trong tiết chính trị Mác – Lê-nin! Thật bất ngờ, đây là câu hỏi của Giáo sư kinh tế Trần Phương, đảng viên cấp cao từng có thâm niên nghiên cứu lý luận chính trị Mác – Lê-nin, từng là Phó Thủ tướng và cũng từng kinh qua nhiều chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước.

Nghe câu hỏi này và nghe “lai lịch” của người hỏi càng khiến tôi không khỏi bất ngờ vì nếu một giáo sư, đảng viên cấp cao mà các lãnh đạo đảng và nhà nước đương nhiệm phải kính cẩn gọi là “tiền bối” còn phải đặt câu hỏi này, thì cái mà Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) luôn tuyên truyền “kiên định con đường CNXH mà dân tộc ta đã chọn” nghe có vẻ hơi lố bịch. Bởi lẽ, nếu một người học cao hiểu rộng như ông GS. Phương còn chưa biết CNXH là gì thì chẳng lẽ 86 triệu dân Việt Nam đều am tường về cái gọi là CNXH để mà “kiên định” đi theo?

Kết lại hội thảo, các vị trí thức “học sâu, hiểu rộng” đã thống nhất tán đồng ý kiến của nhau trong đó có ý kiến cho rằng, “cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng!” (theo nguyên văn).

Văn kiện đại hội la liệt đủ thứ không thể góp ý gì được. Tuyên bố chung kết luận hội thảo này là dù không được chấp nhận, nhưng ít ra hậu thế sẽ biết rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để họ biết đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát.

Mặc dù 700 tờ báo tại Việt Nam tuyệt nhiên không có bất kỳ tờ nào đăng tin tường thuật về hội thảo quan trọng này nhưng một file ghi âm các phát biểu trên[5] được phát tán trên mạng đã làm thay công việc đó của báo chí.
Như vậy, một trong những tiền đề quan trọng mà ĐCS đang thi hành là xây dựng “thời kỳ quá độ” để đi lên xã hội XHCN, trong một văn kiện được Đại hội XI thông qua thành nghị quyết, đã bị bác bỏ bởi chính đảng viên “trụ cột” của ĐCS.

Lời nhắn cho các bạn trẻ – những người đang phải “học cưỡng bức” các môn chính trị:
Dưới góc nhìn của một sinh viên từng học các môn này, tôi không thể không đặt ra những nghi vấn về luận điểm cho rằng: “CNXH là xã hội tương lai của loài người”. Vì những vấn đề cốt lõi của CNXH mà đến những nhà cao cấp lý luận chính trị như đã dẫn ở trên đều chưa thể giải quyết xong, vẫn còn phải đang bàn cãi thế nhưng hằng ngày ta vẫn thấy nhan nhản ngoài đường phố, và cả trong sách vở vô số các khẩu hiệu mang tính cổ động “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Trong khi một kiến trúc sư là người biết chính xác cách thức và diện mạo của ngôi nhà mà họ sẽ xây dựng. ĐCS cũng tự cho mình là “kiến trúc sư” xây dựng CNXH nhưng cho đến tận bây giờ, những câu hỏi mang tính cốt yếu về diện mạo của CNXH vẫn chưa tìm được câu trả lời mang tính khoa học thì những lời tuyên truyền kiểu “tiến lên CNXH” càng trở nên sáo rỗng. Họ buộc các bạn phải tin những điều mà ngay chính họ vẫn chưa chứng minh được.

Tôi tặng bài viết này cho tất cả các sinh viên đã – đang và sẽ học những môn chính trị có liên quan đến chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, v.v…để hiểu được rằng: bi kịch và hài kịch đều có thể xảy ra khi mà giữa cuộc đời và thuyết giáo vẫn là một khoảng cách quá xa!

T.L.
© 2011 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC
02/2011



TCPT43 – Thanh niên & Đất nước
Download TCPT43 – Bản in – 10MB
Download TCPT43 – Bản thường – 4.0MB
Download
TCPT43 – Bản Mini – 2.1MB
.
.
.

No comments: