Saturday, March 26, 2011

CUỘC HỘI LUẬN CÙNG TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN : CÂU TRẢ LỜI VÒNG HAI [2] - Dân Luận

Dân Luận
Thứ Bảy, 26/03/2011

Cần làm gì trong tình hình hiện nay?

Câu hỏi số 4 : Một câu hỏi rất quan trọng mà Dân Luận dành cho THDCĐN là câu hỏi số 6, về lực lượng thanh niên Việt Nam. Tôi chia sẻ phân tích của ông Nguyễn Gia Kiểng về một tương lai bi đát cho thanh niên Việt Nam, cũng như căn bệnh thờ ơ và bất lực mà họ đang gặp phải. Tuy nhiên, tôi thấy THDCĐN vẫn chưa trả lời được câu hỏi: "Tập Hợp đã có những biện pháp gì để tiếp cận và quảng bá tư tưởng của mình tới lực lượng này?"
Tập Hợp không thể ngồi đó và trách giới trẻ thờ ơ và bất lực. Tập Hợp không thể trông đợi vào vận may, rằng một ngày nào đó giới trẻ sẽ thức tỉnh. Tập Hợp cần phải chủ động tạo sự thay đổi, bằng những phương tiện và cách thức mà giới trẻ ưa chuộng. Nếu giới trẻ cảm thấy không thể nuốt nổi Dự Án Chính Trị dù nó chỉ có gần 150 trang, thì Tập Hợp có tính đến chuyện sử dụng YouTube, biếm họa hay pop music v.v. để truyền tải thông điệp của mình một cách "cool and sexy" hay không?

Hoàng An Việt trả lời:
Chào bạn, trước hết xin trân trọng và thân mến tiếp thu thông điệp của bạn: Tập Hợp không thể ngồi đó và trách giới trẻ thờ ơ và bất lực. Tập Hợp không thể trông đợi vào vận may, rằng một ngày nào đó giới trẻ sẽ thức tỉnh. Tập Hợp cần phải chủ động tạo sự thay đổi, bằng những phương tiện và cách thức mà giới trẻ ưa chuộng. Xin bắt tay và cảm ơn bạn!

Trong vòng I: [http://danluan.org/node/8026] của cuộc hội luận này tôi đã trả lời câu hỏi mà bạn nhắc lại: "Tập Hợp đã có những biện pháp gì để tiếp cận và quảng bá tư tưởng của mình tới lực lượng này?"
Bổ sung giải thích của tôi, ông Nguyễn Gia Kiểng phân tích tình hình thực trạng của thanh niên Việt Nam hiện nay, chứ thật sự ông Nguyễn Gia Kiểng (hoặc THDCĐN theo cách nói của bạn) không trách móc giới trẻ. Những phân tích của ông Nguyễn Gia Kiểng giúp chúng ta, những người trẻ, nhìn ra chỗ đứng và thân phận của mình để cùng nhau dấn thân hơn để tranh đấu cho xã hội, quê hương Việt Nam và cho chính mình.
Và thưa bạn, không chỉ là riêng giới trẻ Việt Nam thờ ơ với xã hội. Sự thờ ơ của giới trẻ đối với hiện tình xã hội đất nước là mối nguy cho bất kỳ một quốc gia nào, dù là quốc gia dân chủ hay độc tài. Vấn đề chỉ là mức độ thờ ơ của tuổi trẻ Việt Nam quá cao so với mức trung bình thế giới. Và trong khi ở các nước khác người ta đã báo động thì tại Việt Nam, mà mức độ thờ ơ của thanh niên còn đáng lo âu gấp nhiều lần, nhưng sự báo động này lại quá yếu ớt. Mời bạn cùng suy nghĩ lời kêu gọi giới trẻ Pháp của ông Stéphane Hessel, một cựu chiến binh, tác giả cuốn sách "Indignez Vous!" (“Hãy phẫn nộ!”), qua bài giới thiệu sách của ký giả Đức Tâm @RFI [http://www.viet.rfi.fr/phap/20110318-%C2%AB-hay-phan-no-%C2%BB-loi-keu-goi-cua-mot-cuu-chien-binh-doi-voi-gioi-tre-phap]:
Hãy tìm kiếm một chút, các bạn sẽ thấy. Thái độ tồi tệ nhất là sự thờ ơ và nói rằng tôi không thể làm gì được, tôi tự xoay xở. Khi hành xử như vậy, các bạn đã mất đi một trong những yếu tố cơ bản của con người, một trong những yếu tố thiết yếu: đó là khả năng nổi giận và hậu quả tiếp theo của nó là sự dấn thân”.
Ông Stéphane Hessel nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đấu tranh chống thờ ơ:
"Tôi có cảm giác là chúng ta có nguy cơ bị mất phương hướng trong một xã hội thế giới toàn cầu hóa, chủ yếu dựa vào lợi nhuận, tìm kiếm các thỏa mãn vật chất và làm mất đi một phần những giá trị cơ bản. Đương nhiên, người ta tiếp tục nói là cần phải tôn trọng nhân quyền, nhưng người ta không làm một cách thực sự, trên thế giới, hay ở Mỹ trong thời kỳ tổng thống George W. Bush. Thậm chí, theo tôi thì ngay tại Pháp, người ta cũng không làm việc này một cách đầy đủ.
Vì những lý do này, tôi nghĩ, điều quan trọng là phải nhắc lại rằng có những giá trị từ thời kháng chiến, nhưng vẫn có thể áp dụng cho ngày nay cho dù bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Do vậy, điều hữu ích là kêu gọi giới trẻ Pháp, giới trẻ châu Âu và toàn thế giới hãy biết nổi giận chống lại những điều mà họ cho là không thể chấp nhận được".

Thưa bạn, đọc đến đây chắc là bạn sẽ thông cảm hơn nữa sự băn khoăn và lo âu của ông Nguyễn Gia Kiểng.
Chúng tôi, THDCĐN không hề trông đợi vào vận may rủi mà chúng tôi đã và đang từng bước nỗ lực hết sức mình để mời gọi các bạn trẻ cùng đồng hành với chúng tôi.
THDCĐN chúng tôi luôn cố gắng nhận định đúng và chính xác tình trạng tâm lý của giới trẻ Việt Nam nói riêng và các tầng lớp quần chúng Việt Nam nói chung. THDCĐN không than vãn và cũng không hề trách móc giới thanh niên Việt Nam vì THDCĐN biết rằng, tất cả người dân Việt Nam đang là nạn nhân của một hệ thống kìm kẹp khổng lồ hiếm có trong lịch sử thế giới. Khi chúng ta định dạng được căn bệnh thì chúng ta mới tìm ra được phương thức cứu chữa.
Một trong những ưu tư hàng đầu của THDCĐN là chuyển tải những suy tư, những ước vọng một nước Việt Nam hùng cường có thể sánh vai với các nước trên thế giới đến mọi tầng lớp xã hội Việt Nam, đặc biệt với giới trẻ thanh niên Việt Nam. THDCĐN chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực để thông điệp này đến tận tay mọi người, và đề nghị hóm hỉnh của bạn cũng có ý nghĩa thật hay: “Tập Hợp có tính đến chuyện sử dụng YouTube, biếm họa hay pop music v.v. để truyền tải thông điệp của mình một cách "cool and sexy" hay không?”. Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực nghiên cứu các phương án này. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp của tất cả các bạn.
Anh em chúng tôi trong THDCĐN đã vận dụng tất cả những cố gắng bản thân để xây dựng tổ chức. Nhưng cũng mong các bạn hiểu cho, chúng tôi cũng chỉ là những con người rất bình thường, chúng tôi hằng ngày cũng phải lo công ăn việc làm để nuôi sống gia đình, có khác chăng là một tình yêu với đồng bào và đất nước và một quyết tâm sống và tranh đấu một cách lương thiện. Trong hoàn cảnh tự lực, không trông chờ bất cứ thứ “viện trợ” nào, THDCĐN chúng tôi phải thành thật thú nhận chúng tôi đương nhiên là rất thiếu về phương tiện nhân sự lẫn về phương tiện tài chánh. Chúng tôi luôn mong mỏi sự hợp tác của mọi người, nhất là thanh niên Việt Nam.
Mong rằng trong một tương lai gần, bạn và tôi, chúng ta sẽ cùng nắm chặt tay nhau mơ ước và xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Vì tương lai đất nước cũng là tương lai của tuổi trẻ.

--------------------------

Câu hỏi số 5: THDCĐN đã làm gì để vận động và tuyên truyền tới đồng bào trong và ngoài nước? Trong nước, chỉ một bộ phận nhỏ có khả năng tiếp cận internet, có kỹ thuật vượt tường lửa và có sự quan tâm đến chính trị là tìm đến các trang lề trái để đọc. Quý vị đã làm gì để tiếp cận phần còn lại, thay vì chờ họ đến với mình?

Hoàng An Việt trả lời:
Thưa bạn,
Sự thành công của một cá nhân hay bất kỳ một tổ chức nào đều lệ thuộc vào khả năng và vai trò của truyền thông. Với một tổ chức chính trị thì vấn đề truyền thông không chỉ là bí quyết thành công mà còn là vấn đề sinh tử: được lớn mạnh cũng nhờ truyền thông và bị đổ vỡ cũng vì truyền thông.
Như bạn đã thấy, các chế độ độc tài ra sức kiểm soát và khống chế truyền thông, nhưng cấm đoán và ngăn chặn truyền thông chỉ là cố gắng tuyệt vọng trong thời đại internet.
Mạng internet và các dụng cụ nối kết xã hội như Facebook, Twitter sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chắc chắn trong một tương lai gần chúng ta sẽ tới một điểm là ai muốn biết điều gì đều có thể biết. Thế nhưng, hạn chế chính vẫn là con người, văn hóa và tâm lý. Những hạn chế này có hai lý do chính yếu:
a/ Chế độ độc tài đảng trị ngăn cấm, đàn áp và khủng bố;
b/ Tâm lý thờ ơ và luồn lách bằng các giải pháp cá nhân vẫn hiện hữu lan tràn trong xã hội Việt Nam.
Một nhóm anh em trong THDCĐN đang được ủy nhiệm thử nghiệm cách thức sử dụng các dụng cụ nối kết mạng xã hội để đưa thông điệp dân chủ đến với thật nhiều người. Nhận định quan trọng rõ nét của chúng tôi là “nội dung thông điệp” chứ không phải là “kỹ thuật thực hiện”. Mục đích của một thông điệp là muốn người nhận hiểu biết một điều gì đó hoặc làm một việc nào đó. Như vậy phải đặt những câu hỏi như thông điệp muốn gửi đến ai, có đến đúng lúc không, có sức thuyết phục không v.v. Thế nhưng, có nhiều trường hợp mà thông điệp gửi đi chỉ gây tổn thương hoặc bực bội cho người nhận.
Trở lại câu hỏi của bạn,“Quý vị đã làm gì để tiếp cận phần còn lại, thay vì chờ họ đến với mình?”. Thực chất của câu hỏi này là vấn đề “vận động quần chúng”, điều này là bắt buộc và hiển nhiên vì xét về mặt triết lý chính trị, mục đích của hoạt động chính trị là đem lại lợi ích tối đa cho thật nhiều người, nghĩa là mưu cầu phúc lợi xã hội cho quần chúng. Thế nhưng, cũng xin được nhắc với bạn, trong Dự Án Chính Trị của THDCĐN, chúng tôi khẳng định rằng “vận động quần chúng” là cố gắng nằm trong hai giai đoạn cuối cùng trong năm giai đoạn của lộ trình vận động dân chủ. Trước đó trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi đặt lòng tin vào một sự phân công tự nhiên: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và các tổ chức cùng bản chất động viên thiểu số năng động quan tâm tới đất nước; kế tiếp sẽ đến lượt thiểu số năng động này động viên quần chúng.

-------------------------

Câu hỏi số 6: Trong một tranh luận khác trên Dân Luận, không liên quan đến cuộc hội luận, ông Việt Hoàng cho rằng giai cấp công nhân và nông dân không thể là lực lượng lãnh đạo các cuộc cách mạng. Lực lượng trí thức tinh hoa của dân tộc phải là lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo các cuộc cách mạng. THDCĐN đã làm gì để chứng tỏ với những người công nhân và nông dân Việt Nam rằng mình xứng đáng là người đại diện cho họ, là lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo họ trong cuộc cách mạng dân chủ tương lai?

Việt Hoàng trả lời:
Tôi nghĩ rằng độc giả đặt câu hỏi này, có lẽ đồng ý với tôi là ‘giai cấp công nhân và nông dân không thể là lực lượng lãnh đạo các cuộc cách mạng. Lực lượng trí thức tinh hoa của dân tộc phải là lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo các cuộc cách mạng’. Tất nhiên, là sẽ và nên như vậy, không lẽ giai cấp công nhân và nông dân lại là lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo tầng lớp tinh hoa và trí thức?
Ví dụ thì rất nhiều. Ở các nước văn minh và phát triển như Mỹ hay Châu Âu thì tầng lớp trí thức luôn nhận trách nhiệm dẫn dắt và lãnh đạo đất nước. Nước Mỹ từ lúc lập quốc cách đây hơn 200 năm, hay Châu Âu thế kỷ 17, 18 dân trí của họ lúc đó rất kém, nhiều người dân không biết đọc biết viết nhưng vì họ đã được giới trí thức, các nhà tư tưởng chính trị- văn hoá khai sáng, hướng dẫn và lãnh đạo giành lại quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước vốn đang nằm trong tay chế độ phong kiến. Các nước đó đã vươn lên mạnh mẽ. Trong khi đó ở Việt Nam thì vừa giành được độc lập từ người Pháp thì lại rơi vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản, một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo trong đó có rất nhiều người lãnh đạo tối cao xuất thân từ tầng lớp công nhân và nông dân. Tất nhiên, bây giờ đảng cộng sản luôn tìm mọi cách xoá bỏ dấu vết của buổi ban đầu khốn khó bằng lối sống xa hoa và kệch cỡm, nhưng vẫn không thể che giấu được những lối hành xử thô vụng thiếu văn hoá, phản ánh xuất thân của họ là từ tầng lớp nghèo khổ trong xã hội. Không phải tự nhiên mà họ viết trịnh trọng vào Hiến pháp rằng: ‘Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam’.
Những thành phần trí thức trong đảng cộng sản hầu như bị loại bỏ trong chiến dịch ‘Cải cách ruộng đất’. Chúng ta cũng đừng quên rằng tiêu chí để nhanh chóng được vào đảng là phải thật nghèo khổ và... cực đoan. Đừng nghĩ là bây giờ không còn hiện tượng đó nữa, cứ nhìn vào bộ máy lãnh đạo hiện nay ở các địa phương như cán bộ xã, công an xã, dân phòng… và sau đó là các cấp cao hơn là thấy rõ nguồn gốc xuất thân của họ.
Trở lại câu hỏi của độc giả ‘THDCĐN đã làm gì để chứng tỏ với những người công nhân và nông dân Việt Nam rằng mình xứng đáng là người đại diện cho họ, là lực lượng dẫn dắt và lãnh đạo họ trong cuộc cách mạng dân chủ tương lai?’ . Tôi xin được miễn trả lời câu hỏi này. Khi đưa ra phát biểu rằng trí thức phải lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ tôi chỉ muốn nhắc lại một sự thực là cuộc cách mạng nào cũng đều phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. THDCDN là một tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nó được đánh giá như thế nào là tùy ở nhận thức của mỗi người. Cũng như mọi tổ chức chính trị, vai trò mà nhân dân dành cho nó sẽ được quyết định sau này qua những cuộc bầu cử tự do. Trước đó tham vọng của THDCĐN là góp phần tranh đấu để đất nước có dân chủ.

---------------------------------

Câu hỏi số 7: THDCĐN nêu lên ba giá trị nền tảng, đó là Dân Chủ Đa Nguyên, Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc, và Bất Bạo Động. Tôi tán thành cả 3 giá trị này của tổ chức, nhưng cá nhân tôi thấy giá trị Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc là quan trọng nhất cho bài toán Việt Nam, và vì thế cần được cụ thể hoá để độc giả có thể hình dung Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm có những bước nào, hoà giải ra làm sao, ai phải hoà giải với ai, cơ quan nào làm trọng tài nếu một bên không chấp nhận? Làm sao có thể hoà giải với chính quyền Cộng Sản và người dân Việt Nam khi Đảng Cộng Sản Việt Nam là người nắm quyền lực lớn nhất lại không chịu hoà giải?

Việt Hoàng trả lời:
Trong phần một của cuộc hội luận đã có độc giả nêu ra câu hỏi này nhưng vì Dân Luận không hỏi nên chúng tôi chưa có dịp trả lời. Sau đó tôi đã đề cập đến vấn đề này qua bài viết ‘Cách mạng dân chủ cho Việt Nam, khi nào sẽ đến?’ trên báo Thông Luận (số 256). Điều khiến chúng tôi vui mừng và muốn cám ơn độc giả đã đặt câu hỏi này đó là việc độc giả cho rằng ‘cá nhân tôi thấy giá trị Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc là quan trọng nhất cho bài toán Việt Nam’. Như vậy là chúng ta đã ‘đồng thuận’ với nhau trên lập trường, vốn vẫn còn gây tranh cãi của THDCĐN. Vấn đề quan trọng mà độc giả ưu tư là việc thực thi giá trị này như thế nào? Đây là câu hỏi rất cần thiết và câu trả lời cũng cần rõ ràng và dứt khoát.
Xin trích một đoạn trong bài Cách mạng dân chủ cho Việt Nam, khi nào sẽ đến?’: “Một lời nói thêm về hoà giải và hoà hợp dân tộc. Hoà giải và hoà hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Hoà giải không có nghĩa là bỏ qua tất cả mọi chuyện trong quá khứ, hoà giải để có cái nhìn đúng đắn về quá khứ, để mang lại công bằng cho những nạn nhân trong quá khứ. Những người bị oan trái dưới chế độ cũ sẽ được chính quyền mới xin lỗi và bồi thường thích đáng về tinh thần cũng như vật chất. Trong khi đó hoà giải cũng là để hướng tới tương lai, chính quyền dân chủ sẽ không bao giờ hành động như chính quyền cộng sản trong quá khứ, có nghĩa là trong tương lai sẽ không có bất kỳ một vụ án chính trị nào thậm chí sẽ còn có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì những chức vụ họ đã từng giữ. Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là việc đảng cộng sản cầm quyền trong thời gian qua cùng với những sai lầm của họ cũng là một phần của lịch sử Việt Nam cận đại. Chúng ta lấy những bài học đau thương đó để rút ra những kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Có nghĩa là chúng ta quyết không để những chuyện như vậy xảy ra nữa.
Hoà giải là việc phải làm trước khi chúng ta có thể hoà hợp với nhau. Sự hoà giải đó phải được đặt trên nền tảng của thái độ khiêm tốn, sự nhìn nhận rằng những người từng xung đột với mình cũng có lý do của họ. Một dân tộc cũng như một gia đình sau một cuộc xung đột chỉ có hai lựa chọn: Một là hoà giải để tiếp tục chung sống và xây dựng một tương lai chung. Hai là không hoà giải và chấp nhận tan vỡ. Hoà giải và hoà hợp dân tộc là ngôn ngữ và lập trường của những người không muốn nước Việt Nam tan vỡ.
Sau khi dân tộc Việt Nam hoà giải với nhau thì chúng ta sẽ cùng ‘hoà hợp’, chữ "hoà" ở đây còn có nghĩa là "biến mất trong", như đường hoà tan trong nước. Hoà hợp có nghĩa là gắn bó mật thiết và triệt để thành một. Vậy hoà hợp dân tộc là ‘đoàn kết dân tộc ở mức cao nhất’. Đó là một tình trạng lý tưởng mà người ta chỉ có thể cố gắng tối đa chứ không bao giờ đạt tới được một cách trọn vẹn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ cố gắng ở mức cao nhất để dân tộc Việt Nam có thể hoà hợp với nhau là một.
‘Hoà giải và hoà hợp’ để quên đi quá khứ đầy đau buồn của dân tộc Việt Nam. Hoà giải và hoà hợp để cùng nhau mở ra một trang sử mới cho VN, trang sử của tự do và dân chủ. Nếu được Quốc hội mới đồng ý thì chúng ta sẽ lấy Ngày 30 tháng Tư hàng năm làm ‘Ngày Hoà Giải Dân Tộc’. Việt Nam sẽ có một ủy ban đặc biệt đó là “Ủy Ban Hoà Giải Dân Tộc’ để làm trọng tài giải quyết các vấn đề liên quan đến nhu cầu hoà giải giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam”.
‘Hoà giải và hoà hợp dân tộc’ không hề có nghĩa là bắt tay với chế độ cộng sản hay qui phục chế độ cộng sản mà ngược lại ‘Hoà giải dân tộc’ là đưa tay ra cho những người cộng sản Việt Nam còn có lương tâm, để họ cùng đứng về phía những người dân Việt Nam đang đấu tranh cho dân chủ và tự do.
Hoà giải và hoà hợp dân tộc không phải là ‘Hoà giải và hoà hợp’ với chính quyền cộng sản mà là ‘Hoà giải và hoà hợp’ giữa các thành phần dân tộc đã bị quá khứ đẩy vào thế xung đột, kể cả với những thành phần lương thiện trong đảng cộng sản, với những người cộng sản mong muốn Việt Nam có dân chủ và như vậy ‘Hoà giải và hoà hợp’ chính là điều kiện cốt lõi để cô lập và đánh bại tập đoàn độc tài ngoan cố.
Hoà giải và hoà hợp với những thành phần tiến bộ trong đảng cộng sản để ngày Việt Nam có dân chủ đến nhanh hơn. Như vậy, đây là một ‘sách lược’ để giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân chủ. Và khi đã có dân chủ rồi thì Hoà giải và hoà hợp dân tộc sẽ trở thành ‘giá trị tinh thần căn bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới. Hoà giải dân tộc để xoá bỏ những hận thù và hiềm khích của quá khứ để đi đến hoà hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng một tương lai chung’. ‘Hoà giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam là điều phải làm để phục hồi lòng yêu nước, một yếu tố không thể thiếu nếu chúng ta còn muốn một tương lai cho Việt Nam. Muốn như thế nhà nước, người đại diện đất nước, phải là một nhà nước khiêm tốn, hiền hoà. Tổ quốc Việt Nam phải được cảm nhận như một tình yêu và một dự án tương lai chung’. ‘Vượt lên trên những sôi động nhất thời, hoà giải và hoà hợp dân tộc cũng là một đoạn tuyệt lịch sử cần thiết để bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của hận thù và chia rẽ đã giam hãm chúng ta từ nhiều thế kỷ qua, nhất là từ nửa thế kỷ nay. Đây là một đoạn tuyệt lịch sử rất khó khăn vì ý niệm hoà giải dân tộc hoàn toàn thiếu vắng trong tâm lý chính trị Việt Nam’. ‘Hoà giải và hoà hợp dân tộc là điều kiện cần cho thắng lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và cũng là điều kiện cần cho thành công của cố gắng phục hưng đất nước ngày mai’. (Dự Án Chính Trị)
Trong tinh thần đó, THDCĐN đã làm được nhiều việc, ví dụ THDCĐN là tổ chức chính trị duy nhất của người Việt ở hải ngoại đã nhận được được nhiều cảm tình của các nhà dân chủ trong nước. THDCĐN cũng đã kết hợp với một số trí thức trong nước xuất bản bán nguyệt san báo “Tổ Quốc”. THDCĐN cũng là tổ chức đã qui tụ nhiều thành viên xuất thân từ chế độ cộng sản từ trong nước cũng như ở Nga và Đông Âu. Một thông điệp khá rõ ràng của THDCĐN gửi đến người dân Việt Nam qua lập trường “hoà giải và hoà hợp dân tộc’ đó là: chúng tôi là hiện thân của tương lai, chúng tôi nhìn nhận mọi người Việt Nam đều là anh em và chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai chung, một tương lai mà mọi người Việt Nam đều có thể chấp nhận được.

Nguyễn Gia Dương trả lời
Đầu tiên, cám ơn bạn đã tán thành ba giá trị căn bản mà THDCĐN chọn làm nền tảng cho dự án chính trị xây dựng đất nước. Thật ra, vào thập niên 80 và 90, THDCĐN đã bị chống phá kịch liệt và cũng đã là nạn nhân của những hành vi thô bạo chỉ vì chủ trương ba giá trị này.
Ngày hôm nay, hai trong ba giá trị này (Dân chủ Đa nguyên; Bất bạo động) đã có được đồng thuận căn bản. Phong trào dân chủ đã giành được thắng lợi tư tưởng nhất định, mặc dù cuộc đấu tranh đã mất đi 28 năm.
Chỉ còn giá trị thứ ba là chưa đạt được đồng thuận cao: Hoà giải & Hoà hợp Dân tộc (HG&HH DT). Đây cũng là giá trị quan trọng nhất cho bài toán Việt Nam. Vì vậy cá nhân tôi rất tán đồng phương thức cụ thể hoá vấn đề để dứt khoát giành lấy thắng lợi tư tưởng cuối cùng.

1. HG&HH DT với ai?
Khi đề cập đến cụm từ HG&HH Dân tộc, có lẽ tất cả chúng ta đã đồng ý đối tượng của hoà giải là người Việt Nam với người Việt Nam. Chúng ta cần hoà giải người Việt Nam có tôn giáo khác nhau; người thành thị với người thôn quê; các sắc tộc người Việt với nhau; người Bắc với người Trung và với người Nam; người Cộng sản với người Quốc gia; người sống ở nước ngoài với người trong nước.
Chúng ta cũng cần hoà giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam.
Dân tộc nào cũng cần hoà giải. Nhưng có lẽ dân tộc Việt Nam có nhu cầu hoà giải hơn cả. Nguyên do là những cuộc nội chiến khốc liệt đã xảy ra, nhất là cuộc nội chiến vừa qua.

2. HG&HH DT có những bước nào?
Nếu tôi hiểu rõ câu hỏi, có hai giai đoạn:
1) Trong giai đoạn đấu tranh cho dân chủ, và
2) Sau khi đã có được dân chủ.
Trong cả hai giai đoạn này, mọi tổ chức chính trị lương thiện và một chính quyền có trách nhiệm phải liên tục và thành thực tôn trọng giá trị cũng như đưa tinh thần HG&HH DT vào mọi chủ trương, chính sách và mọi hành động.

3. Hoà giải ra làm sao?
3a. Trong giai đoạn đấu tranh cho dân chủ:
- Một cách cụ thể, chúng ta có thể bắt đầu bằng những lời lẽ lịch thiệp với nhau. Không nên cường điệu hay khiêu khích khi bước vào tranh luận. Những thái độ như trên chỉ mang lại bất bình và bất đồng.
- Ngoài ra, nên dứt khoát từ bỏ bạo lực hay sức mạnh làm giải pháp cho những tranh chấp, ngay cả khi sức mạnh đó dựa vào đa số. Đã bao lần, tôi chứng kiến những cuộc họp của người Việt Nam với những tổ chức ngoại vi của một vài đảng phái. Họ bỏ phiếu cùng một chiều hướng rồi, nhân danh đa số, áp đặt đường hướng của họ. Với thời gian, hành động này đã bị tẩy chay. Nhưng nó cũng để lại nhiều tỵ hiềm và làm tổn thương cho tinh thần hoà giải và hoà hợp.
- Song song đó, cũng nên bỏ vào sọt rác cụm từ «bạo lực cách mạng» cho dù công cuộc dân chủ hoá đất nước là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu tại Việt Nam.
- Cuối cùng, nên khuyến khích và tham gia những hoạt động tuy âm thầm nhưng có hiệu quả hàn gắn những đổ vỡ của quá khứ. Những hoạt động từ thiện và liên đới, những sinh hoạt của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và, ngay tại hải ngoại, những cố gắng liên hệ giữa cộng đồng Việt Nam và du sinh v.v. đều là những công tác cần được tuyên dương: Chúng gián tiếp góp phần san bằng những thành kiến, những ngộ nhận và những hố sâu ngăn cách giữa người Việt Nam.
Ở địa vị của mình, THDCĐN đã thành lập Nghĩa Hội Việt Nam Tự Do để yểm trợ các anh em dân chủ trong nước. Nghĩa Hội đã âm thầm giúp đỡ vô điều kiện rất nhiều nhân vật đã mắc nạn vì dấn thân cho dân chủ. Có lẽ nhờ chủ trương HG&HH DT và nhờ những hỗ trợ âm thầm này mà phần đông anh em dân chủ trong nước đã dành cho THDCĐN một tình cảm đặc biệt.
3b. Một khi đã giành được dân chủ:
Chúng ta cần một chính sách và một bộ luật HG&HH DT.
- Chính sách này sẽ duyệt qua và tuyển chọn những định hướng lớn của HG&HH DT.
- Bộ luật kia sẽ cố gắng giải thích và khuyến khích những sinh hoạt nhằm phát huy tinh thần HG&HH DT và sẽ nghiêm cấm mọi vụ án chính trị. Có nghĩa là, trừ một vài trường hợp đặc biệt và phải được bộ luật HG&HH DT định nghĩa và liệt kê rành mạch, nhà nước sẽ tuyệt đối không có quyền truy tố bất cứ cá nhân nào vì trách nhiệm hay vì chức vụ họ đã nắm giữ trước đó.
- Nước Việt Nam sẽ là quốc gia mà HG&HH DT sẽ được nâng lên hàng quốc sách. Cụ thể hơn, khái niệm HG&HH DT sẽ được đưa vào Hiếp pháp như một giá trị bất khả xâm phạm.
- Ở một Việt Nam dân chủ, chúng ta sẽ nghiêm trị những hành động, những thái độ, những ngôn ngữ và ngay cả mọi ý đồ đi ngược lại với tinh thần HG&HH DT. Đồng thời chúng ta sẽ cố gắng phục hồi danh dự cho những nạn nhân của sự mù quáng và tệ nạn độc quyền lẽ phải trong quá khứ.
- Một đề nghị cụ thể hơn nữa: Thay vì là ngày chiến thắng của phiá này, nhưng cũng là ngày quốc hận của phiá kia, nên chọn ngày 30.04 làm ngày HG&HH DT Việt Nam. Trong ngày đó, khi ra đường, mọi người nên bắt tay nhau và, nhân danh sự liên tục của đất nước, chúng ta sẽ nhận và tha lỗi cho nhau để nhìn nhau như anh em.

4. Cơ quan nào làm trọng tài nếu một bên không chấp nhận?
Thật ra hoà giải là một thái độ tự nguyện xuất phát từ đồng tình. Chúng ta có thể chế tài những hành vi chống phá hoà giải, nhưng không thể cưỡng bức mọi người phải hoà giải với nhau.
Vì vậy, khó có thể bàn đến việc ai làm trọng tài trong một tranh chấp khi một bên không chấp nhận hoà giải.

5. Vậy thì… làm sao có thể hoà giải với chính quyền Cộng Sản và người dân Việt Nam khi Đảng Cộng Sản Việt Nam là người nắm quyền lực lớn nhất lại không chịu hoà giải?
- Theo suy nghĩ của tôi, nếu đạt được hoà giải giữa đại đa số người Việt Nam với nhau thì tự khắc một chính quyền bắt buộc phải nhập cuộc nếu họ không muốn bị đào thải. Trong một xã hội, khi một khái niệm đã trở thành một đồng thuận nền tảng thì không có một thế lực lượng nào (ngay cả chính quyền) có thể đối chọi lại được. Vì nhu cầu tự tồn, một chính quyền dù phi lý và ngang ngược đến đâu đi nữa cũng nhận diện ra ngõ cụt và cố gắng tìm đường đi ra. Lúc đó «cho ăn kẹo», họ cũng không dám từ chối hoà giải.
- Ngược lại, nếu không đạt được hoà giải giữa người Việt Nam thì chính quyền hiện nay vẫn vững như bàn thạch dù họ đã rất yếu và rất kém. Anh em THDCĐN chúng tôi thường nói với nhau: «Một chế độ độc tài không sợ người dân ghét họ mà chỉ sợ người dân thương nhau. Và chính quyền Việt Nam hiện nay không là ngoại lệ!». Nhưng bước đầu để mọi người Việt Nam có thể gần gũi và thương yêu nhau là gì, nếu không là hoà giải và hoà hợp? Xin lấy một thí dụ rất cụ thể nhưng cũng thật đáng buồn. Cách đây không lâu đã xảy ra vụ giáo xứ Tam Toà. Một trong những hiện tượng đáng ghi nhận là việc chính quyền đã huy động được một nhóm lương dân đến phá rối những sinh hoạt ôn hoà của giáo dân. Những lương dân này đã vô tình tiếp tay với những phần tử «đầu gấu» và đã trở thành đồng minh khách quan của chính quyền. Tại sao lại như vậy? Sự thiếu vắng của hoà giải giữa lương dân và giáo dân chính là thủ phạm đáng nguyền rủa. Nhưng nếu còng đầu được tỵ hiềm? Nếu tống cổ được hận thù ra khỏi đầu óc người Việt Nam? Nếu chúng ta hoà giải được với nhau? Lúc đó, một chính quyền thô bạo và ngoan cố nhất cũng không dám mạnh tay đàn áp.
- Cuối cùng, tôi cũng cảm nhận một hiện tượng không ổn trong tri thức người Việt Nam: Cái gì cũng nhà nước, cái gì cũng chính quyền. Hình như không có chính quyền thì mọi người đều bó tay, nhất là khi chính quyền có tiền để dỗ dành và có nhà tù để răn đe. Luẩn quẩn trong trạng thái này chỉ đem lại bế tắc khi một chính quyền không chấp nhận hoà giải.
Chúng ta nên có một nhận thức khác, nhận thức của con người tự do. Tôi có nhiều bạn đồng nghiệp người Anh, Đức hay Mỹ. Trái với người Pháp, họ chẳng bao giờ trông đợi gì ở nhà nước. Họ muốn làm việc gì thì tự tìm cách tổ chức để thực hiện. Trong trường hợp có mâu thuẫn với chính quyền, họ cố gắng tạo một liên kết lớn để đương đầu với chính quyền và bắt chính quyền phải nhượng bộ. Khi họ có được đồng thuận lớn thì chính quyền thường chạy theo vuốt ve và hết lời khen ngợi họ. Họ chính là những con người độc lập và tự lập. Vì vậy họ là những con người tự do và chẳng bao giờ xin xỏ hay chờ đợi gì ở chính quyền.
Ngay cả lịch sử đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ cũng cho chúng ta một bài học đáng quý. Tương quan lực lượng lúc đó rõ ràng là «châu chấu đá xe». Nhưng người Ấn Độ chẳng xin xỏ và cũng chẳng cần Thực dân Anh ban bố gì. Một cách ôn hoà, họ cố gắng hoà giải mọi tầng lớp xã hội, mọi đẳng cấp và mọi tôn giáo để tạo được sức mạnh và đòi hỏi quyền lợi của người Ấn Độ. Và rồi… «tưởng đâu chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng».
Trở lại với Việt Nam, nếu chúng ta nói được với nhau: «Mặc kệ chính quyền! Chúng ta cứ tự động và cố gắng hoà giải với nhau. Rồi sẽ có ngày họ phải chấp nhận và nhập cuộc, nếu họ không muốn bị dòng thác HG&HH DT cuốn đi». Đạt được đồng thuận này, có lẽ cuộc vận động cho dân chủ sẽ có được bước đại nhảy vọt.
Một lời cuối và cũng là lời lạc quan:
- Đa nguyên có nhu cầu dung hoà nhiều ý kiến khác nhau (có khi đối chọi nhau); và dung hoà thường xuất phát từ thái độ hoà giải và hoà hợp;
- Bất bạo động đòi hỏi đối thoại vì không thể dùng vũ khí để loại trừ một ai; và đối thoại cần được tinh thần hoà giải mở đường, nhất là sau một xung đột.
Nói một cách khác, một khi đã nhìn nhận Đa nguyên và Bất bạo động như những lập trường đấu tranh thì việc chấp nhận giá trị Hoà giải và Hoà hợp Dân tộc là một hệ quả tự nhiên và bắt buộc.
Chúng ta không nên mất quá nhiều thời giờ để đi đến kết luận này.

-----------------------------------

Tin liên quan

.
.
.

No comments: