Sunday, March 20, 2011

CÙ HUY HÀ VŨ và MẶT TRẬN PHÁP LÝ - CÔNG LÝ (Bùi Minh Quốc)

Bùi Minh Quốc
21/03/2011

Trên mặt trận này, Cù Huy Hà Vũ là chiến sĩ xung kích hàng đầu. Mặt trận này được khởi xướng từ những năm xa xưa với chủ trương SỐNG, LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT. Xin nhấn mạnh hai tiếng Hiến pháp, vâng, trước hết là Hiến pháp – luật cơ bản – luật mẹ, rồi mới đến các luật con; 9 chữ cô đúc của chủ trương nêu trên đã chỉ rõ phải lấy Hiến pháp làm nền móng, những gì thuộc quyền dân ghi trong Hiến pháp mà chưa có luật đảm bảo thực hiện hoặc có luật mà luật lại vi phạm Hiến pháp thì mọi người từ dân thường đến nhà chức trách phải dựa vào Hiến pháp để sống và làm việc. Một mặt trận đã mở ra, tôi gọi là mặt trận pháp lý – công lý, ở đó diễn ra cuộc chiến đấu giữa một bên là những con người đòi được sống và làm việc trong một xã hội có công lý với một bên là những thế lực tự đặt mình ngồi xổm trên Hiến pháp và pháp luật, dùng bộ máy công quyền chà đạp công lý nhằm duy trì quyền lực độc tài nằm trong tay mười mấy người mà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gọi là “Vua tập thể”. Một cuộc chiến đấu có thể nói là tuyệt đối không cân sức, mà thường phía đòi công lý chỉ là một cá nhân đơn độc đương đầu với cả một hệ thống quyền lực toàn trị khổng lồ. Vì vậy, suốt bao năm ròng, mấy tiếng SỐNG, LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT vẫn chỉ là những chữ vô hồn trên giấy, công lý ngày càng trở nên xa vời, cái nguyên tắc sơ đẳng “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” được ghi trong Hiến pháp hóa thành hư không, chỉ tồn tại triền miên một sự thật mỉa mai cay đắng “con kiến kiện củ khoai”.

Nhưng, giữa khi cái trạng thái “con kiến kiện củ khoai” ngỡ đâu đã thành định mệnh, thành một thứ “văn hóa” cam chịu nhiễm sâu vào từng tế bào “con người mới XHCN” làm nền cho “ổn định chính trị” của chế độ XHCN thì bỗng có một “con kiến” dám vác đơn đi kiện cả Thủ tướng. Kiện có căn cứ, có bằng chứng rành rành. Kiện không phải vì lợi ích cá nhân, mà kiện vì lợi ích quốc gia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nước XHCN (đã sụp đổ gần hết, chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc và mấy nước nghèo rớt), một công dân dám đâm đơn kiện kẻ ngồi chễm chệ trên đầu mình. Một sự kiện quan trọng. Một dấu mốc lớn. Một tiếng bom Phạm Hồng Thái của thời đổi mới giữa một vương quốc mang tên XHCN được trị vì bởi một “Vua tập thể” tự xưng “đầy tớ” với đám thần dân được tôn là “chủ” nhưng thực tế lại bị coi và tự coi phận mình như con kiến. Xuất hiện một thế đứng mới, một hình ảnh mới: một con kiến (“con người mới XHCN”) vụt đứng dậy trở lại làm người công dân – chủ nhân – đất nước đúng như câu thơ Nguyễn Đình Thi đã tạc vào lịch sử con người Việt Nam phá xiềng nô lệ bước lên từ Cách mạng Tháng Tám 1945 “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Với việc phát đơn kiện Thủ tướng – người đứng đầu hệ thống hành pháp – luật gia Cù Huy Hà Vũ đã chủ động tấn công vào cái bản chất kinh niên của một hệ thống nói một đằng làm một nẻo, kiên quyết đòi nhà chức trách phải tuân thủ nguyên tắc “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” đã ghi trong Hiến pháp, bất cứ ai, hễ vi phạm pháp luật thì dù là Thủ tướng, cũng phải bị kiện, cũng phải ra tòa. Tôi nghĩ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thừa hiểu biết và đủ trải nghiệm để lường trước rằng vụ kiện này sẽ còn lâu mới tới hồi kết. Và anh cũng biết rõ tình trạng nói một đằng làm một nẻo bấy lâu vừa là một căn bệnh lại vừa là một thủ đọan đường cùng của cái thế lực quen chà đạp công lý (tôi thường gọi là thế lực thẻ-đỏ-tim-đen) chuyên dùng để che đậy và ghì giữ bạo quyền lại chính là chỗ yếu chí tử của nó. Bấy lâu nó vẫn đinh ninh rằng có thể duy trì muôn năm (“quang vinh”) lối hành xử “nói dzậy mà không phải dzậy” (lũ kiến kia đừng có mà mơ “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” nhé), thì nay dù cố lì lợm tự bưng tai bịt mắt đến mấy cũng không thể không thấy một tình hình mới này: con kiến đã bắt đầu không cam chịu thân phận con kiến nữa!

Và thực ra đâu phải con kiến, đây là một con người. Khi đã có một con người không cam chịu thân phận con kiến nữa thì sẽ có ba người không cam chịu. Ba sẽ thành chín, chín sẽ thành tám mốt, cứ thế tự nhân lên, một thành mười, mười thành trăm, trăm thành nghìn, nghìn thành triệu, đấy là sức mạnh tự nhân lên tự lan tỏa của lẽ phải, của của ý chí kiên quyết tự mình đứng lên giành lấy tự do và công lý.

“Đứng đều lên, gông xích ta đập tan!”

Tôi nghe thấy vang lên tiếng hát không phải trong bài quốc ca ghi âm sẵn bấm nút phát ra trong các đại hội hình thức, vô hồn, mà từ mọi trái tim Việt Nam ẩn chứa trong lời phát biểu của lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh: “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước”.

Rõ ràng làm gì có chuyện Cù Huy Hà Vũ “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN”! Chỉ có chuyện Cù Huy Hà Vũ làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mở miệng” công khai hợp pháp dõng dạc đòi món nợ Tự do. Vâng, đây là cuộc đòi nợ. Và đòi một cách rất đúng lý đúng luật. Nhân dân Việt Nam đã từng được hưởng các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình và các quyền cơ bản khác từ năm 1946 dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa, mà thân phụ Cù Huy Hà Vũ, thi sĩ – Bộ trưởng Cù Huy Cận đã tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh ngay từ khi khởi nghiệp tại căn cứ Tân Trào (mang tên Ủy ban dân tộc giải phóng). Món nợ Tự do ấy, từ 1976 đã bị một thế lực phản bội Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản bội chính thể Dân chủ Cộng hòa, đánh tráo thành quả cách mạng, lấy xương máu nhân dân và đảng viên đúc thành ngai ghế vua quan cách mạng, dùng một hệ thống quyền lực “sai từ gốc đến ngọn” (như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thẳng thắn vạch rõ) nhân danh CNXH để trắng trợn vỗ nợ.

Đối với tôi, phiên tòa mà mấy hôm nữa người ta mở ra để xử Cù Huy Hà Vũ sẽ không phải là nơi thực thi công lý (như bao phiên tòa trước đây), nó chỉ là nơi trình diễn bất đắc dĩ một cuộc đàn áp vốn quen thực hiện trong bóng tối nhằm tiếp tục duy trì một cách vô vọng mối quan hệ con kiến – củ khoai.

Nhưng với Cù Huy Hà Vũ, quan hệ con kiến – củ khoai đã thành quan hệ chủ nợ – con nợ. Và từ nay, quan hệ này là không thể đảo ngược. Bọn phản bội, bọn vỗ nợ nhân dân đã bị phơi mặt bởi chính những lão thành cách mạng, những đảng viên trung kiên trung thành với lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân, mà Cù Huy Hà Vũ, một người con của gia đình cách mạng, làm nhiệm vụ phát ngôn từ góc độ Hiến pháp và pháp luật.

Dù người ta xử theo kiểu gì, kết án mức nào, thì ngay bây giờ, Cù Huy Hà Vũ đã thắng, lẽ phải đã thắng, trước hết là thắng trên công luận, phiên tòa chỉ càng làm sáng rõ hơn gương mặt của lẽ phải; bạo quyền sẽ càng hiện nguyên hình bạo quyền. Tôi cho rằng, những người sẽ ngồi ghế xét xử nay mai, và cấp trên của họ nữa, dù có cố tự dẹp bỏ cái lương tâm đã teo tóp của họ, cũng không thể không cảm thấy bị giằng xé giữa lương tâm và chỉ lệnh (ngầm); sự tranh chấp giữa lẽ phải và bạo quyền diễn ra ngay trong đáy thẳm tâm can những ai đang ngồi ghế bạo quyền. Giờ cáo chung của cái thời lấy bạo quyền thay lẽ phải đang điểm. Mọi người Việt Nam, trước hết là những người đã dấn bước trên con đường đi tới Tự do từ Cách mạng Tháng Tám, những người đang sống, cùng cả hồn thiêng những người đã nằm xuống dọc con đường máu dằng dặc vì Tổ Quốc và Tự do, đều đứng quanh Cù Huy Hà Vũ.

Và nhân thể, xin gợi nhớ một sự kiện đã in đậm vào lịch sử tư pháp Việt Nam, ngay giữa thời toàn trị hà khắc nhất, lẽ phải đã từng thắng bạo quyền: vụ án Tạ đình Đề, một người yêu nước, một chiến sĩ cách mạng bị quy chụp những tội rất nặng nhưng sức mạnh của sự thật, của lẽ phải đã buộc tòa phải xử trắng án.

Với vụ án Cù Huy Hà Vũ, cuộc chiến đấu trên mặt trận pháp lý – công lý chỉ càng phát triển mạnh hơn, vững hơn, rộng hơn, nhịp bước và hiệp đồng cùng cuộc chiến đấu trên các mặt trận khác: mặt trận đổi mới tư duy, mặt trận chống bành trướng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mặt trận chống nội xâm, và kết nối tất cả các mặt trận ấy là cuộc chiến đấu trên mặt trận giành tự do ngôn luận (gọi chung là mặt trận thông tin). Tôi chắc rằng các lão thành cách mạng, trước hết là các cán bộ có bề dày trải nghiệm về pháp lý sẽ phải sớm lo liệu kết hợp với các luật gia Luật sư trẻ nhiệt tâm vì dân vì nước lập ra một trang web riêng cho mặt trận này. Xin được đề nghị lấy tên là trang PHÁP LÝ – CÔNG LÝ.

Đà Lạt 20.03.2011
B. M. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: