Hoàng Trường - Radio CTM
Cập nhật ngày: 12/03/2011
Chuyện xẩy ra là ngày 28/2/2011 vừa qua, ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, cư ngụ ở 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị Trung tá Công an nhân dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, đánh gẫy xương cổ ngay giữa đường phố Hà Nội, và đã tử vong hôm 8/3/2011 tại Bệnh viện Việt Đức sau 6 ngày nằm liệt hôn mê.
Lý do ông Trung tá Công an nhân dân tung dùi cui đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vì ông Tùng "không đội mũ bảo hiểm"!
Ngay sau khi bị đánh thương tích trầm trọng và bất tỉnh, ông Tùng vẫn bị còng vào gốc cây và sau đó thì bị mang về đồn công an phường Thịnh Liệt. Dù ông Tùng bị thương tích trầm trọng và thân nhân van xin, nhưng công an không cho chở đi cấp cứu. Đến khi thấy nạn nhân nằm bất động, tình trạng xem ra nguy kịch, công an mới cho chở ông Tùng đến bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ đành phải bó tay, vì nạn nhân đã bị đánh gãy cổ chấn thương cột sống và đã trở thành bại liệt, nên bệnh viện Bạch Mai đã chuyển nạn nhân đến bệnh viện Việt Đức giải phẫu. Nhưng vì vết thương quá nặng và cấp cứu trễ nên ông Tùng đã tử vong sau 6 ngày hôn mê.
Được biết là sau khi xẩy ra sự kiện khủng khiếp khó thể tưởng tượng nói trên, ông Trung tá Công an nhân dân Nguyễn Văn Ninh chỉ bị đình chỉ công tác có 3 ngày. Trong lúc đó thì tại khu vực nhà ông Tùng ở địa chỉ 525 Trần Khát Chân, thân nhân nạn nhân và dân chúng Hà Nội đã tập trung đông nghẹt biểu tình để đòi công lý. Tuy nhiên, ngày hôm sau thì nơi đó đã vắng lặng, bởi những người thân thích nhà ông Tùng đã kéo lên Ủy Ban Thành Phố, còn công an thì rình rập ngăn cản dân chúng tập trung. Có lẽ họ đã lường trước được đám tang ông Tùng rất dễ trở thành một cuộc biểu tình lớn, tạo nên hiệu ứng dây chuyền khắp nước, nên có những biện pháp chặt chẽ như vậy chăng?
Chỉ tội nghiệp cho ông Tùng và chắc cũng là do số mạng của ông. Ông Tùng có hai điều không may.
Thứ nhất là ông đã không hiểu đúng ý nghiã của "mũ bảo hiểm" ở dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cũng như mọi nơi khác trên thế giới, cái mũ bảo hiểm nó giúp cho sự an toàn của người lái xe 2 bánh, nhưng ở Việt Nam thì kinh nghiệm lâu nay cho thấy cái mũ bảo hiểm có thể trở thành cái hoạ chết người. Ông Tùng không hiểu một điều quan trọng là, dưới cái chế độ của ông Thủ tướng Công an nhân dân Nguyễn Tấn Dũng, là xếp tối thượng của ông Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh, thì nếu không đội mũ bảo hiểm thì tánh mạng của ông không được “bảo hiểm”, và ông đã kiểm nghiệm điều đó bằng chính mạng sống của ông. Theo tin tức trên báo chí nhà nước thì trong năm ngoái đã có ít nhất 19 người bị công an đánh chết tương tự như trường hợp của ông Tùng. Sự giải thích của công an sau những vụ việc đó khiến người ta tự hỏi, tại sao những người khoẻ mạnh bị bắt vào đồn công an bỗng dưng lại hay bị những “chứng bệnh lạ” dẫn đến tử vong như thế?
Thứ hai, dưới chế độ của đảng Cộng Sản Việt Nam thì tuy công an trên danh nghĩa cũng là lực lượng thi hành luật pháp, nhưng trên thực tế họ lại là những người chà đạp luật pháp nhiều nhất. Vì là “thanh bảo kiếm để bảo vệ đảng” nên công an tha hồ tác oai tác quái dưới cái danh nghĩa “thực hiện nhiệm vụ” này. Ông Tùng chỉ là một trong vô số nạn nhân bị oan sai, bức hiếp trên khắp nước bị mất mạng vì mục tiêu “thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảng” của công an, và đương nhiên anh Tùng sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng, vì dưới mắt quần chúng thì trong lực lượng công an vẫn còn rất nhiều Nguyễn Văn Ninh khác, lúc nào cũng chờ chực để vung dùi cui và đấm đá túi bụi bất cứ ai mà công an thấy cần phải trấn áp để vừa có tiền bỏ túi vừa lập công dâng đảng.
Dưới áp lực của dư luận, rồi đây có thể Nguyễn văn Ninh sẽ bị đưa ra toà xử phạt cho có hình thức pháp luật, chứ không chỉ kiểm điểm xuông trong nội bộ đảng rồi thôi như bao nhiêu vụ khác. Tuy nhiên, việc toà án xét xử là một chuyện, công lý có được thực hiện hay không lại là chuyện khác, vì yếu tố “thân nhân tốt”, hay “có công với cách mạng”,... vẫn thường được pha trộn trong phán quyết của toà án.
Cũng như trong tập thể đảng viên đảng cộng sản, lực lượng công an nhân dân cũng còn rất nhiều người có lương tâm và cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì những hành vi vi phạm pháp luật, ức hiếp người dân diễn ra hàng ngày của công an. Có thể là vì miếng cơm manh áo, vì bị cuốn vào guồng máy bạo lực của đảng, những người này phải miễn cưỡng thi hành chỉ thị của đảng. Tuy nhiên hẳn rằng khi phải đối diện với quần chúng, những công an còn giữ được “tính người” như thế không lý do gì lại phải nặng tay để gây ra tội ác. Bên cạnh đó, hiện nay gia đình của Nguyễn Văn Ninh hẳn cũng đang là nạn nhân của chính Nguyễn Văn Ninh để nhận sự xa lánh, khinh bỉ của quần chúng, cũng đang là bài học để những công an khác nhìn vào.
Công an từ nhân dân mà ra, dược nuôi dưỡng bằng tiền đóng thuế của người dân; nhưng lại “chỉ biết còn đảng còn mình” mà không bảo vệ nhân dân, nên đã trở thành lực lượng đối nghịch với nhân dân. Bởi vậy, Blogger Mẹ Nấm, dù đã cố công sưu tập “công trạng” của họ để khen lực lượng công an một tiếng, nhưng không khen nổi (*)
(*) “Khen Các Anh Rất Khó”, Blogger Mẹ Nấm, http://menam0.multiply.com/journal/item/452/452
--------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment