Tuesday, March 8, 2011

CHUYỆN RÙA Ở HỒ HOÀN KIẾM (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 08 tháng 3 2011

Một trong những tin tức nổi bật nhất trên báo chí cũng như trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam trong suốt mấy tháng vừa qua chắc chắn là chuyện liên quan đến con rùa ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hầu như không ngày nào không có tin. Hết tin rùa nổi và bơi lờ đờ vài chục phút lại đến tin rùa đang nhấm nháp xác cá chết hay mèo chết trôi trên hồ, rồi lại đến tin rùa có thêm một số vết trầy và vết lở trên đầu, trên cổ hoặc trên mai. Cuối cùng là tin tức về các nỗ lực chữa bệnh cho rùa.

Không những báo chí Việt Nam mà ngay cả báo chí quốc tế cũng loan tin.

Chung quanh các tin tức ấy có mấy điều đáng chú ý.

Thứ nhất, các hoạt động của chính quyền. Trước hết, người ta tổ chức hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều chuyên gia về rùa trên thế giới. Sau đó, người ta thành lập ủy ban chỉ đạo công tác cứu chữa bao gồm nhiều sở và nhiều ban ngành ở Hà Nội, và cuối cùng, thành lập Hội đồng trị bệnh cho rùa gồm 13 thành viên do một bác sĩ kiêm phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở Hà Nội làm chủ tịch. Từ ngày 4 tháng 3 vừa rồi, mọi kế hoạch đã bắt đầu hoạt động. Các chuyên viên và nhân công chia nhau làm việc ba ca, cả ngày lẫn đêm. Tin tức về các hoạt động của họ cũng như tin tức về việc xuất hiện của rùa được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cả “lề trái” lẫn “lề phải”.

Thứ hai, thái độ của quần chúng. Đọc các bản tin trên báo chí, người ta không thể không ghi nhận sự kính trọng của rất nhiều người dành cho con rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Sự kính trọng ấy có ít nhất ba biểu hiện: một, hình ảnh của hàng ngàn người đứng xem rùa nổi, trong đó, không ít người chắp tay khấn vái cầu nguyện cho rùa; hai, ở sự theo dõi thường xuyên suốt cả mấy tháng trời qua các phương tiện truyền thông; và ba, ở cách xưng hô. Rùa ở hồ Hoàn Kiếm không phải là con rùa như vô số những con rùa khác. Nó là “cụ” rùa. Mà không phải “rùa” viết thường như tôi vừa viết. Đó là Rùa với chữ “r” được viết hoa.

Có thể nói con rùa ở hồ Hoàn Kiếm là hiện tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Dường như chưa có một con vật nào được gọi bằng “cụ” như thế. Cũng chưa có con vật nào mà tên lại được viết hoa như thế. Một “đối tác” có thể được nêu lên để so sánh với con rùa này không thể tìm trong thế giới động vật. Mà chỉ thấy ở người. Hơn nữa, chỉ ở một người: ông Hồ Chí Minh, kẻ được gọi là “Bác” và tất cả các đại từ nhân xưng tạm thời được dùng để chỉ “Bác” phải được viết hoa: từ “Đồng chí” đến “Người”.

Nhưng con rùa ở hồ Hoàn Kiếm có lẽ còn hơn cả Hồ Chí Minh nữa. Tôi không biết năm 1969, lúc Hồ Chí Minh bị bệnh và sắp chết, dư luận có quan tâm theo dõi như bây giờ không. Tôi đoán là không. Chắc không có cuộc hội nghị quốc tế nào được tổ chức để bàn kế hoạch cứu chữa “Bác”. Cũng không có ủy ban hay hội đồng liên sở, liên ngành nào họp hành và hoạt động nhộn nhịp như bây giờ (trừ Hội đồng y khoa đương nhiên phải có!). Càng không có tin tức hay hình ảnh từng cơn ho, từng cái trở mình của “Bác” được tung lên báo in hay báo mạng như bây giờ.

Con rùa này còn hơn Hồ Chí Minh ở điểm nữa: nó sản sinh ra những nhà “Rùa học” (tiêu biểu nhất là phó giáo sư Hà Đình Đức, người bỏ ra cả hai chục năm nghiên cứu và viết cả hàng ngàn bài báo về rùa). Chung quanh Hồ Chí Minh có nhiều người, thậm chí, vô số người làm thơ và viết văn nịnh hót, nhưng theo chỗ tôi biết, cho đến nay, ở Việt Nam, chưa có “nhà” Hồ-Chí-Minh-học nào cả. Thậm chí tham vọng thành lập một ngành Hồ-Chí-Minh-học cũng không có.

Chuyện sùng bái đối với con rùa ở hồ Hoàn Kiếm, theo tôi, một phần, phần nhỏ, xuất phát từ lý do lịch sử, và phần khác, lớn hơn, từ sự mê tín. Lịch sử: Nó gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi được trao gươm thần để đánh giặc Minh, và sau chiến thắng, phải trả lại chiếc gươm thần ấy cho một con rùa. Truyền thuyết ấy được tượng hình và lưu truyền trong cái tên chính thức của cái hồ nằm ngay ở trung tâm Hà Nội: hồ Hoàn Kiếm (hoặc gọn hơn, hồ Gươm). Thế nhưng, thứ nhất, đó chỉ là truyền thuyết. Mà truyền thuyết lại thường là không thật. (Riêng trong trường hợp này lại càng không thể thật!). Thứ hai, không ai dám chắc con rùa hiện nay chính là con rùa “thần” đã từng nuốt lưỡi kiếm của Lê Lợi sáu trăm năm trước. Có thể nói con rùa hiện đang ở hồ Hoàn Kiếm (theo sự ước đoán của các nhà khoa học, chỉ khoảng từ 80 đến 100 tuổi) đang được hưởng ké vinh quang của huyền thoại rùa thần và kiếm thần ngày xưa. Nó trở thành linh vật nhờ một huyền thoại cũ.

Nếu gắn liền sự sùng bái đối với con rùa ở hồ Hoàn Kiếm hiện nay với các trò chen chúc và giẫm đạp lên nhau của cả hàng chục ngàn người để mua ấn đền Trần ở Nam Định vào ngày 16 tháng 2 vừa qua, chúng ta rất dễ thấy một sự tương đồng: cuồng tín và mê tín trước huyền thoại.

Riêng đối với những sự cuồng tín và mê tín chung quanh con rùa ở hồ Hoàn Kiếm, tôi không thấy có gì cần phản đối. Thành thực mà nói ở đâu cũng có những sự cuồng tín và mê tín như vậy. Hơn nữa, về phương diện văn hóa và chính trị, những sự cuồng tín và mê tín như vậy có lúc cũng cần thiết để nuôi dưỡng một ký ức văn hóa tập thể vốn là nền tảng để xây dựng chủ nghĩa quốc gia.

Tôi không phản đối các nỗ lực chữa trị cho con rùa già nua và thương tật ấy. Tôi chỉ thấy gờn gợn trong lòng mấy nỗi băn khoăn:

Một, trong khi hầu như mọi người, từ chính quyền đến dân chúng tập trung quan tâm đến việc cứu chữa một con rùa già nua và thương tật ở hồ Hoàn Kiếm, có mấy ai quan tâm đến những con người bất hạnh rất đáng thương và rất cần sự giúp đỡ, từ những người tật nguyền đến những người nghèo khổ đang nghẹt thở trước các cơn bão giá ở khắp nơi; từ những cô gái phải bán mình cho người ngoại quốc, sau đó, bị đày đọa ở Hàn Quốc hay Trung Quốc đến những người đang lao động xuất khẩu, có khi thực chất chỉ là nô lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới; từ những ngư dân bị tàu “lạ” bắt bớ hay đánh đắm và thân nhân khốn khổ của họ đến những người bệnh hoạn không đủ tiền để đi bác sĩ hay vào bệnh viện?

Hai, ai cũng thấy và ai cũng đồng ý vấn đề sức khỏe của con rùa ở hồ Hoàn Kiếm liên quan đến vấn đề môi trường: nước hồ thì đục ngầu và bẩn thỉu, đáy hồ thì đầy rác rến, cả hồ bị ô nhiễm nặng nề. Công việc cứu chữa rùa, do đó, gắn liền với việc tẩy uế cả hồ. Nhưng như vậy thì có nhiều vấn đề khác nổi lên: Vấn đề môi trường chung của cả nước thì sao? Vô số dòng sông khác đang chết dần hoặc đang nhiễm đầy chất độc thì sao? Những người dân sống trong các làng ung thư rải rác ở Việt Nam mà báo chí thường nhắc đến thì sao? Liệu có ai quan tâm đến những vấn đề ấy? Và những con người ấy?

Và ba, tôi có cảm giác đằng sau những sự ồn ã chung quanh nỗ lực cứu chữa con rùa ở hồ Hoàn Kiếm dường như có một toan tính chính trị nào đó. Có phải người ta dùng việc đó để đánh lạc hướng sự chú ý của quần chúng chăng? Trong khi ở khắp nơi trên thế giới, các phương tiện truyền thông đại chúng loan tin dồn dập về các cuộc nổi dậy giành tự do và dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi thì ở Việt Nam, ngược lại, mọi người lại chú mục vào những vết trầy lở trên mình một con rùa!

Bạn có thấy có cái gì bất bình thường không?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

--------------

Trần Vinh Dự
Thứ Ba, 08 tháng 3 2011

Câu chuyện về rùa Hồ Gươm gần đây trở thành một đề tài nóng bỏng trên báo chí trong nước và thậm chí cả nước ngoài. Lý do là trong một thời gian ngắn gần đây có vẻ như sức khỏe của “cụ rùa” ở Hồ Gươm đã bị suy giảm nặng nề. Các ảnh chụp và phim quay được cho thấy “cụ rùa” bị thương và lở loét ở nhiều nơi, bơi lội chậm chạp và nổi lên mặt nước rất thường xuyên.

Muốn hay không, đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội, rùa Hồ Gươm vẫn được coi là một linh vật. Vì thế, sức khỏe của “cụ rùa” được nhiều người đặc biệt quan tâm. Cái chết của “cụ rùa” sẽ là một tổn thất lớn về mặt tâm linh đối với nhiều người. Ngược lại, cũng có một số người như ông Vũ Thế Long, thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng “cụ rùa” sống lâu năm chết là lẽ thường.

Có thể già chết là chuyện thường, thế nhưng điều đáng nói thứ nhất là tình trạng suy sụp của “cụ rùa” có nhiều nguyên nhân bên ngoài mà giới hữu trách của Hà Nội đã biết từ lâu, nhưng không giải quyết. Thí dụ như:

1. Môi trường nước ở Hồ Gươm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Báo Lao động trích nguồn của IET cho biết nước Hồ Gươm có độ độc gấp ít nhất 30 lần so với ngưỡng độc cao theo tiêu chuẩn của Australia. Báo này cho biết thêm tảo lam độc microcystin đang phát triển tại hồ Gươm rất nhanh và mạnh theo thời gian. Nếu như năm 1997 mới chỉ đếm được 3,5 triệu tế bào trong một lít nước mẫu lấy trong Hồ Gươm, đến tháng 2 năm 2005, lượng tế bào tảo lam độc đã lên đến 747 triệu/lít nước mẫu. Trong khi đó tiêu chuẩn nước của Australia, nếu hàm lượng microcystin ở mức 15 triệu tế bào/lít nước trở lên, nước được xem là có độ độc cao

2. Lòng hồ nông, có quá nhiều rác, trong đó có những đường ống thoát nước thải, phế thải cứng, bê tông, chai lọ, bát hương, kim tiêm, túi ni lông, và đá hộc dưới lòng hồ. Báo Tuổi Trẻ đưa tin trong đợt nạo vét lòng hồ bắt đầu vào ngày 27 tháng 2 vừa rồi, khoảng 300 công nhân thuộc 6 xí nghiệp thoát nước Hà Nội sẽ dọn rác và bùn Hồ Gươm trong vòng 10 ngày liên tục. Dự kiến khoảng 500m3 bùn, đất, đá sẽ được chuyển đi.

3. Dân Hà Nội thả (phóng sinh) rùa tai đỏ bừa bãi xuống Hồ Gươm. Báo Vnexpress mô tả “cứ khoảng 9 giờ sáng, khi trời hửng nắng cũng là lúc đã kiếm ăn no, rùa tai đỏ bắt đầu nổi lên mặt Hồ Gươm, bám vào cành cây phơi nắng. Có những cành cây rủ xuống hồ chi chít rùa tai đỏ, con to chừng một kg, con nhỏ nhất bằng ngón chân cái” và “vào ngày rằm hay mùng một, người dân mua rùa tai đỏ về cúng, sau đó phóng sinh xuống hồ. Một số khác lại đứng trên lối đi vào đền Ngọc Sơn, thả câu chùm xuống và câu được rất nhiều rùa tai đỏ đem bán.”
Rùa tai đỏ phát triển nhanh ở Hồ Gươm đã cạnh tranh mạnh về nguồn thức ăn với rùa Hồ Gươm. Báo Thanh Niên trích lời ông Hà Đình Đức, một chuyên gia về rùa ở Việt Nam, cho biết “ảnh hưởng mà nó có thể gây hại đến cụ Rùa là rất rõ ràng”. Còn báo CAND còn đăng bài và ảnh mô tả việc rùa tai đỏ bò trên lưng “cụ rùa” Hồ Gươm (một người Hà Nội mô tả cảnh này là “rùa ngựa – ngựa rùa”).

Sống lâu năm trong một môi trường như vậy “cụ rùa” không ốm chết mới là lạ. Trong tình trạng bị thương khó có thể săn mồi và - có thể là vì - bị cạnh tranh về nguồn thức ăn, có lẽ “cụ rùa” chỉ còn nước ăn cá chết. Cách đây vài tuần, báo VietnamNet đưa tin về tình trạng thê thảm của “cụ rùa” với tít “xót xa hình ảnh cụ rùa ăn cá chết” trong đó có video của một người Hà Nội quay cảnh “cụ rùa” chậm chạp bơi trong một vùng nước ô nhiễm nặng nề như nước cống và đớp ăn một con cá chết trôi.

Một điểm đáng nói nữa là ngay cả khi nguy cơ “cụ rùa” chết vì bệnh tật đã quá rõ ràng thì các cơ quan này vẫn phản ứng khá chậm chạp. Dư luận dấy lên tình trạng sức khỏe của “cụ rùa” từ cuối tháng 12 năm 2010 nhưng sau rất nhiều cuộc họp Hà Nội mới thống nhất được phương án xử lý và tới hết ngày 5 tháng 3, 2011 các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa “cụ rùa” lên cứu chữa.

Bên cạnh đó, ngoài việc cử các xí nghiệp thoát nước ở Hà Nội xuống vớt rác và hút bùn thì vẫn chưa có biện pháp gì đáng kể về cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước và loại rùa tai đỏ khỏi Hồ Gươm. Hà Nội có đặt một số bẫy để bắt rùa tai đỏ nhưng có vẻ như cũng chưa bắt được bao nhiêu.

Việc chữa trị “cụ rùa” theo kế hoạch của Hà Nội có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Dù sao, người Hà Nội vẫn có thể sẽ phải đối mặt với sự thực là “cụ rùa” có thể sẽ chết trong một thời gian ngắn nữa. Khi đó, Hà Nội vẫn sẽ có Hồ Gươm và tượng vua Lê nhìn xuống mặt nước hồ. Hồ Gươm có thể được chăm sóc tốt hơn, đẹp hơn, nước Hồ Gươm có thể sạch hơn vì cái chết của “cụ rùa” làm thức tỉnh nhiều người. Thế nhưng Hồ Gươm sẽ không còn “cụ rùa” gắn liền với huyền sử nữa mà chỉ còn lũ rùa tai đỏ nhập từ Bắc Mỹ về, ăn lắm, giao phối nhiều, và sinh sản mạnh.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

-----------------------
.
.
.

No comments: