Monday, March 7, 2011

CHIẾN SỰ TẠI LIBYA (BBC - VOA)

BBC
Cập nhật: 04:22 GMT - thứ hai, 7 tháng 3, 2011

Trong một ngày giao tranh căng thẳng, quân nổi dậy tại Libya tìm cách đánh trả cuộc tấn công của lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi.
Họ nói đã đẩy bật lính chính phủ ra khỏi Zawiya, phía tây thủ đô Tripoli, sau một cuộc chiến dữ dội.
Về phía đông, lính của ông Gaddafi với sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh đã tiến về Misrata nhưng sau đó lại bị đẩy lùi.
Trực thăng nã súng xuống Bin Jawad, khiến quân nổi dậy, vốn đã chiếm thị trấn duyên hải này từ thứ Bảy, phải rút lui.
Tripoli là cứ điểm của Đại tá Gaddafi, được ông sử dụng làm bàn đạp để giành lại quyền kiểm soát đất nước.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc nói chính phủ Gaddafi đã đồng ý cho một nhóm đánh giá tình hình nhân đạo tới thăm Tripoli. LHQ bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Jordania Abdelilah al-Khatib làm đặc phái viên tại Libya.
Tổ chức này cũng yêu cầu được tiếp cận Misrata ngay lập tức để giúp người bị thương.
Cuộc giao tranh dữ dội nhất trong hôm Chủ nhật xảy ra tại đây, cách Tripoli 200 km về phía đông, nơi một bác sỹ địa phương nói với BBC rằng tình hình "rất tồi tệ" sau khi lính Gaddafi tràn vào trung tâm thị trấn và nổ súng.
Vị bác sỹ cũng cho hay binh lính đã bắn vào người dân cho dù họ có trang bị vũ khí hay không, và hãng thông tấn Reuters dẫn lời một nhân chứng nói ít nhất 18 người đã thiệt mạng khi quân chính phủ bị đẩy lùi khỏi thị trấn này 5 tiếng sau đó.
Một người dân Misrata, Mohamed Benrasali, thì nói với BBC rằng không khí tỏ ra phấn chấn khi quân chính phủ bị đẩy lui.
Ông cũng cho hay một chiến xa của chính phủ bị phá hủy và 16 lính của Gaddafi tử nạn. Một số khác bị bắt và sẽ bị hỏi cung trong ngày thứ Hai.
Với dân số 300.000 người, Misrata là thị trấn lớn nhất mà quân nổi dậy kiểm soát ở bên ngoài khu vực chiến khu của họ ở miền đông.
Trung tâm của chiến khu đó là thành phố Benghazi, nơi người nổi dậy đã thiết lập Hội đồng Chuyển giao Quốc gia và kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận hội đồng này như chính thể duy nhất ở Libya.

Tiếp tục giao tranh
Trong khi đó, quân đội chính phủ dưới sự yểm trợ của trực thăng đã tấn công thị trấn sản xuất dầu quan trọng, Ras Lanuf, mà quân nổi dậy chiếm hôm thứ Bảy. Thị trấn này nằm cách một cứ điểm khác của Đại tá Gaddafi là Sirte 160 km về phía đông.
Quân nổi dậy cũng rút khỏi Bin Jawad - cách Ras Lanuf 50 km về phía tây bắc - sau khi bị tấn công mạnh mẽ.
Một người nổi dậy tên là Jamal Al Karrar nói: "Chúng tôi bị ném bom và bị bắn tỉa từ hai bên đường. Tôi chỉ thấy có bom đạn trong khi tìm cách chạy trốn. Thât là đáng sợ."
Các phóng viên cho hay, ngoài việc bị tấn công, quân nổi dậy còn đang lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu và tỏ ra ngày càng lo lắng.
Tại Zawiya, người phát ngôn cho phe nổi dậy Youssef Shagan nói với Reuters: "Sáng nay lại có một cuộc tấn công mới lớn hơn hôm qua, kéo dài tới một tiếng rưỡi đồng hồ."
"Hai người phía chúng tôi bị giết chết và nhiều người bị thương. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chiếm kiểm soát quảng trường trung tâm."
Tình trạng giao tranh ở Misrata đã khiến LHQ yêu cầu cho phép tiếp cận người bị thương ngay lập tức. Dân địa phương thì kêu gọi cộng đồng quốc tế có thêm hành động như siết chặt lệnh cấm bay trên không phận Libya.
Điều phối viên về cứu trợ khẩn cấp của LHQ Valerie Amos nói các tổ chức nhân đạo cần được phép tiếp cận "ngay lập tức".
LHQ ước tính hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong ba tuần bất ổn tại Libya, tiếp theo làn sóng biểu tình tại các nước lân cận như Tunisia và Ai Cập, mà kết quả là chính phủ độc tài bị lật đổ.
Khoảng 200.000 người, đa phần là công nhân nước ngoài, đã rời khỏi Libya, dẫn tới khủng hoảng nhân đạo ngay tại biên giới giữa nước này với Tunisia.
Hội đồng Bảo an LHQ hồi tuần trước đã thông qua một số biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản và cấm ông Gadafi cùng gia đình và trợ lý ra nước ngoài.
Nghị quyết của HĐBA cũng quyết định chuyển Đại tá Gaddafi và một số nhân vật thân cận sang Tòa Hình sự Quốc tế để điều tra về tội ác chống lại loài người.
.
.
BBC
Cập nhật: 14:47 GMT - thứ hai, 7 tháng 3, 2011

Các phái viên của đài BBC hiện có mặt tại Libya nói rằng quân nổi dậy phải đối phó với sức chống cự càng lúc càng tăng của lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi trong lúc họ đang rời cứ điểm Benghazi của họ ở mạn đông để tiến về mạn tây.
Cư dân đã trốn khỏi thành phố cảng dầu Ras Lanuf vì sợ quân chính phủ sẽ tấn công.
Trong lúc đó, đại tá Gaddafi đã cáo buộc truyền thông quốc tế là bóp méo sự thật và ông cũng cáo buộc quốc tế là can thiệp vào nội tình của nước Libya.
Hôm chủ nhật, quân nổi dậy đã rút khỏi thành phố Bin Jawad, cách cảng dầu Ras Lanuf khoảng 50 cây số về hướng đông, nơi phái viên của đài chúng tôi đã tận mắt trông thấy một chiến đấu cơ của chính phủ Libya ném bom xuống quân nổi dậy.
Phái viên đài chúng tôi nói rằng quân chính phủ hiện nay đang chặn các con lộ ra vào thành phố Bin Jawad, mà nghe nói đã rơi vào tay của quân chính phủ.
Liên Hiệp Quốc nói rằng Libya đã đồng ý để cho một phái đoàn của tổ chức đến tận nơi để đánh giá tình hình cứu trợ tại nước này.
Theo dự trù, phái đoàn này sẽ đến làm việc tại thủ đô Tripoli, nhưng viên chức điều phối công tác cứu trợ của LHQ, bà Valerie Amos nói rằng bà muốn phái đoàn đến thành phố Misrata, nơi đã diễn ra các trận giao tranh ác liệt nhất giữa quân chính phủ và quân nổi đậy.
Đại tá Gaddafi đã xuất hiện trên đài truyền hình của Pháp để nói rằng Libya là đối tác với phương Tây trong công cuộc chiến đấu chống lại khủng bố quốc tế và ngăn di dân bất hợp pháp vào Âu châu.

Tính toán
Tình hình quân sự chính xác tại Libya vẫn khó biết. Nhưng các vụ chạm súng ở các thị trấn quan trọng ở cả miền đông và miền tây đất nước làm quốc tế lo ngại chiến tranh có thể tiếp tục, thậm chí lên cao, mà không phe nào chiếm được thế thắng.
Chính điều này đang tạo ra sức ép với Washington và các đại cường.
Hồi cuối tuần chính quyền tổng thống Obama nhận được nhiều cuộc gọi đòi có thái độ cứng rắn hơn như áp đặt vùng cấm bay, thậm chí thả vũ khí xuống cho các nhóm đối lập.
Nato cũng đang cân nhắc lựa chọn, nhưng với sự ngần ngừ rõ rệt.
Phương Tây vẫn đang cố tìm hiểu thực ra phe đối lập là ai và họ đại diện cho điều gì.
Dường như thế giới bên ngoài cũng đã đánh giá sai tiến độ các sự kiện tại Libya.
Một loạt các lệnh trừng phạt, áp đặt ngoại giao và đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế dựa trên giả định rằng lãnh đạo Libya, Đại tá Gaddafi, sẽ phải ra đi nhanh chóng.
Nhưng việc ông ta đang chiến đấu đặt ra khả năng một cuộc xung đột kéo dài mà không bên nào chiến thắng.
Trong khi đó, tình cảnh nhân đạo sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và lời kêu gọi nước ngoài can thiệp có thể càng nhiều hơn.

Quân nổi dậy ở gần Bin Jawad
.
XemThời lượng: 00:29
.
.
.
.

No comments: