Mạch Sống
Monday, March 14 @ 15:24:41 EDT
LTS: Trong vòng tháng 2/2011, Văn phòng CAMSA ở Penang Malaysia đã nhận được gần 20 cuộc gọi thông qua đường dây trợ giúp. Phần lớn các cuộc điện tập trung vào vấn đề làm thủ tục hồi hương cho những công nhân bất hợp pháp và lệnh ân xá của Chính Phủ Malaysia. Trong những cuộc gọi đó, có một cuộc gọi xin giúp một nữ công nhân Việt Nam có tiền sử bị bệnh về thần kinh về nước trong hoàn cảnh cô bị công ty sử dụng lao động đuổi về, không được công ty môi giới địa phương hay công xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp đỡ.
Cô gái H'Nhơn (xin được giấu tên thực) dân tộc G’rai từ nhỏ bị tai nạn nên mắc bệnh rối loạn tinh thần. Hàng năm bệnh của cô đều tái phát khoảng vài lần. Thế nhưng cô vẫn được công ty XKLĐ làm thủ tục cho đi làm việc ở Malaysia từ cuối năm 2010, làm công nhân trong một công ty điện tử.
Sang Malaysia được khoảng 03 tháng, công ty sử dụng lao động phát hiện ra tinh thần cô không ổn định nên đã quyết định chấm dứt hợp đồng với cô, yêu cầu cô hồi hương về Việt Nam. Cô bị công ty đuổi về nước chỉ với một vé máy bay mà không trả cho cô bất kỳ chi phí gì. Công ty XKLĐ Việt Nam không xuất hiện để giúp đỡ cô, Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia không hành động giúp đỡ cô.
Trong tinh thần hoảng loạn đó, cô tìm đến Hội thánh nhà thờ của cộng đồng Việt ở Penang Malaysia nhờ giúp đỡ. Họ đã quyên góp cho cô chút tiền lộ phí và đưa cô ra tận sân bay đi Kualar Lumpua. Nhưng thật xui xẻo, ở sân bay Kualar Lumpua về Việt Nam, cô bị nhỡ chuyến bay. Lúc này Hội thánh đã liên lạc với văn phòng đại diện của CAMSA ở Penang nhờ giúp đỡ. Hoàn cảnh của cô công nhân này khiến nhân viên CAMSA hết sức xúc động và lo lắng. CAMSA đã gấp rút liên hệ với nhiều nơi để xin cho cô được trở về Việt Nam mà không phải mất thêm tiền mua vé máy bay. Cuối cùng, cô đã về Việt Nam an toàn, mặc dù hành lý bị mất, cha cô đón cô ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với một người tinh thần hoàn toàn mạnh khoẻ, nhưng chưa từng được đi ra nước ngoài, sự trở về một mình còn gặp nhiều khó khăn. Còn đối với H’Nhơn, sự trở về an toàn của cô là một điều vô cùng tốt đẹp. Tuy nhiên, sự việc này xảy ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về công tác đưa công nhân Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng như trách nhiệm quản lý công nhân của công ty XKLĐ và cơ quan đại diện Việt Nam ở Malaysia.
Theo pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam quy định công ty XKLĐ phải thực hiện khám sức khoẻ cho người lao động khi tuyển dụng. Chỉ khi có đủ sức khoẻ thì mới làm thủ tục để người lao động ra nước ngoài làm việc. Đối với bệnh lý của H’Nhơn, không có lý gì không phát hiện ra được khi thực hiện việc khám sức khoẻ một cách nghiêm túc. Trừ khi công ty XKLĐ không thực hiện khám sức khoẻ hoặc thực hiện qua loa.
Chính vì việc này là nguyên nhân gây ra mọi hệ quả đáng buồn, H’Nhơn phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn để được sang Malaysia làm việc, sau 03 tháng cô bị đuổi về khi tinh thần đang rất hoảng loạn, trong người không có một đồng tiền, không quen biết ai, không người hướng dẫn, trợ giúp. Công ty sử dụng lao động đuổi H’Nhơn về nước thì chắc chắn sẽ thông báo cho công ty XKLĐ Việt Nam biết. Nhưng không hề thấy người đại diện của công ty XKLĐ đến gặp và hướng dẫn cho H’Nhơn về nước. Nếu không nhờ tới sự giúp đỡ nhiệt tình của những người trong Hội thánh, của CAMSA thì không thể biết có chuyện không hay gì sẽ xảy đến với H’Nhơn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment