Thổi bùng ngọn lửa lên
Ban Biên Tập TDNL (15.03.2011 số 119) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận
Ban Biên Tập TDNL (15.03.2011 số 119) Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận
Vào ngày 17-12-2010, anh Mohammed Bouazzi đã tự thiêu tại thành phố quê hương mình thuộc nước Tunisia, để phản đối việc bị cướp mất quyền sinh cơ lập ngiệp. Cây đuốc lửa ấy đã lập tức được nhân dân thổi bùng thành một biển lửa, thiêu đốt chế độ độc tài của Ben Ali trong vòng một tháng. Trước đó, vào ngày 6-6-2010, anh Khaled Said, 28 tuổi, người Ai Cập, đã bị công an mặc thường phục đánh cho tới chết vì không đòi được tiền hối lộ. Câu chuyện đau thương của anh cũng đã được nhân dân Ai Cập, đặc biệt là các bạn trẻ, biến thành ngọn lửa rồi thổi bùng thành biển lửa thiêu đốt chế độ độc tài của Hosni Mubarak chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ.
1- Những ngọn lửa của Việt Nam
Câu chuyện của anh Mohammed Bouazizi có khác gì câu chuyện của anh Phạm Thành Sơn tại Đà Nẵng sau đó đúng ba tháng, ngày 17-2-2011? Cũng vì bị nhà cầm quyền cướp lấy đất đai là nguồn sinh cơ lập nghiệp, dù anh thuộc gia đình “có công với cách mạng”, mà anh đã tự biến mình thành ngọn đuốc sống trước trụ sở UBND thành phố, như lời ông Đỗ Xuân Hiển, nguyên là một cán bộ CS gộc, đã tiết lộ với đài RFA ngày 04-03-2011: “Gia đình anh Phạm Thành Sơn là gia đình có công với cách mạng, mẹ anh ấy là bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong gia đình có mấy liệt sĩ. Bản thân anh Sơn là kỹ sư. Gia đình cách mạng đóng góp rất nhiều công lao nhưng cuối cùng bị chính quyền đối xử không ra gì… Gặp tôi trước đó mấy ngày, anh ấy nói với tôi một câu: “Kiểu này giờ chỉ còn con đường tự thiêu mới giải quyết được thôi, đất đai thì nó lấy hết rồi…”.
Còn câu chuyện của anh Khaled Said thì có khác chi câu chuyện của ông Trịnh Xuân Tùng, nạn nhân mới nhất của Việt cộng. Do cùng với tài xế xe ôm bị một trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bắt lỗi cách vô lý trong ngày 28-02-2011, ông đã phản ứng lại. Thế là như lời con gái của ông tường thuật với đài RFA ngày 09-03, “ông công an lao vào bóp cổ ông xe ôm. Bố em liền gỡ tay ông ấy ra và bảo: “Ông là công an mà lại bắt dân, đánh người như thế à?”, rồi bố em cũng chấp nhận sai và xin nộp phạt 100.000 đồng, nhưng ông ấy không chịu và đòi 150.000 đồng. Sau đó hai bên giằng co và chẳng may tay bố em vung phải mặt ông ấy, thế là ông ấy dùng dùi cui và đồ vật cứng đập bố em. Ông đánh vào đầu, vào gáy và bố em ngã xuống. Khi bố em ngã xuống, ông ấy tiếp tục hô hào thêm 5, 6 dân phòng nữa lao vào đấm đá túi bụi. Sau khi đấm đá xong thì xích bố em vào một gốc cây rồi gọi xe đưa về phường…. Bị vào khoảng 3g, tầm 4g30–5g gia đình em biết chuyện xuống đấy để xin cho bố em được đi khám và hỏi tình hình, nguyên nhân sự việc. Khi gia đình em đến, em có vào xin cho bố em đi khám, nhưng công an phường Thịnh Liệt nhất định không cho. Mãi đến tận 9g30, khi tình hình của bố em trở quá nặng, người ta mới cho bố em đi khám”. Rốt cục thì ông Trịnh Xuân Tùng đã lìa đời trong đau đớn hôm 08-03 mới rồi, trước nỗi uất ức của gia đình và sự phẫn nộ của công luận (càng phẫn nộ vì trò bóp méo sự thật của báo Công an Nhân dân).
Bên cạnh đó, nhiều ngọn lửa khác cũng đã sẵn sàng bùng lên.
Các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo chẳng hạn. Xin nghe tường thuật của họ ngày 01-03-2011, khi công an xông vào Đạo tràng của hai tu sĩ Minh Thiện và Huệ Thọ tại quận Ô Môn, Cần Thơ để phá sập. Hai tu sĩ ấy đã dùng xăng chận đứng sự xâm nhập của trên 100 côn đồ xã hội đỏ. Tu sĩ Huệ Thọ kể lại: “Đến trước cổng rào, họ dùng loa phát lớn lên: “Phải mở cửa để lực lượng vào đọc quyết định xử phạt”. Tôi nói : “Không mở cửa! Mấy anh vào được cứ vào!” Thượng tá Bùi Đức Hồng CA quận Ô Môn nói : “Nếu không mở thì đừng trách lực lượng tràn vào!”. Tình thế quá ngặt, Đặng Thanh Nhàn anh của Thọ cầm can xăng 20 lít, chế phân nửa lên người và nói: “Anh nào ngon vào đây chết chung với tôi”. Tôi thì bảo: “Phân nửa xăng còn lại, anh Hồng chỉ đạo ngon vào đây cưa 2 với tôi! Còn những người lính CA vô tội họ chỉ làm theo lệnh”. Hồng liền bỏ đi chỗ khác. Tôi nói tiếp: “Mấy anh thấy quốc gia Ai Cập chỉ có 1 người tự thiêu làm chấn động thế giới, dân chúng biểu tình lật đổ tổng thống độc tài. Còn mấy anh chỉ biết hiếp dân, đàn áp tôn giáo. Có ngon ra tay giữ đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Aỉ Nam Quan, Thác Bản Giốc đã bị Trung Cộng lấy rồi kìa! Chế độ CS của mấy anh quá ác độc sẽ bị sụp đổ nay mai”.
Một ngọn đuốc nữa cũng chuẩn bị bùng cháy ngày 29-03-2011 tới, tức 25-02 âm lịch, Đại lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại năm 1947, nếu Cộng sản tiếp tục đàn áp lễ này. Ngọn đuốc đó chính là cô Lê Thị Mỹ Hạnh, 24 tuổi, con của ông Lê Văn Sóc đang bị án tù 6 năm rưỡi vì đòi tự do tôn giáo. Cô viết trong Tuyệt mạng thư ngày 13-03-2011: “Trong cái cảnh truân chuyên nghiêng ngửa của PGHH trước cường quyền bạo lực, là một đứa con gái bé bỏng, vô tài kém đức, không đóng góp được gì trong sứ mệnh bảo tồn Đạo pháp, nhất là đối với ngày lễ 25-2 âl là ngày kỷ niệm thiêng liêng nhất, trọng đại nhất của 7 triệu tín đồ PGHH sắp tới, tôi cảm thấy trong lòng tràn đầy trăn trở… Suy cạn nghĩ cùn, tôi chỉ có thể làm một việc là đem cái xác thân phàm tục của một đứa con gái xuân thì làm một ngọn đuốc phá tan màn âm u tàn bạo quyết tâm tiêu diệt PGHH của đảng CSVN hầu lưu lại muôn đời một tấm gương chói rạng về khí phách của người phụ nữ PGHH. Tôi quết định tự thiêu để phản đối trong trường hợp nhà cầm quyền CSVN còn tiếp tục thi hành những biện pháp nghiệt ngã, khủng bố trấn áp, ngăn đường chận ngõ, nhất là trực tiếp đàn áp ngày lễ 25/2 Tân Mão.”
Bên cạnh đó, các tín hữu Tin lành Mennonite tại Sài Gòn Bình Dương, trước sự đàn áp ngày càng khốc liệt của Cộng sản, cũng quyết tâm phản kháng theo cách của mình là tình nguyện chịu tử đạo. Trong cuộc phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngày 09-03-2011, Mục sư Nguyễn Hồng Quang tuyên bố: "Tôi thấy họ bất công, đàn áp chúng tôi chịu hết nổi rồi. Nên không còn con đường nào khác là chúng tôi lập danh sách kêu gọi những người trong Giáo hội sẵn sàng tử đạo để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình. Đã có hàng loạt người đăng ký, trong đó Ms Nguyễn Thành Nhân là người đăng ký tử đạo trước tiên. Chúng tôi không làm gì cả ngoài việc cầu nguyện và phục vụ Chúa của chúng tôi thế mà cũng bị truy diệt. Họ đã đàn áp như vậy thì hiện đã tới lúc chúng tôi báo động toàn bộ Giáo hội, các Giáo hạt và các Mục sư sẽ làm đơn kiến nghị và kêu gọi mọi người hy sinh. Nếu chúng tôi sợ chết, sợ tù, để chúng nó tấn công mãi như thế này thì sẽ tiêu diệt Đức tin và làm cớ vấp phạm cho hàng loạt tín đồ và nhân sự mới."
Dĩ nhiên, còn nhiều ngọn lửa khác giữa giới dân oan, giới dân chủ, giới đối kháng bị tù, giới trí thức yêu nước, giới đảng viên phản tỉnh…. đang chờ được liên kết để thành biển lửa.
2- Thổi bùng ngọn lửa cho Việt Nam
Tiếc thay, ngọn lửa Phạm Thành Sơn cho tới nay vẫn chưa được thổi bùng, một là vì sự hăm dọa của nhà cầm quyền đối với gia đình và bạn bè anh, hai là vì sự bưng bít hay xuyên tạc của bộ máy tuyên truyền công cụ, ba là vì thái độ dửng dưng hay khiếp hãi của quần chúng cũng như của những người đồng cảnh ngộ. Ông Trịnh Xuân Tùng thì tới nay thì gia đình chưa định ngày đưa tang, nhưng cái chết này có biến thành được mồi lửa ngay tại đầu não của chế độ không thì còn phải chờ đợi. Và các ngọn lửa dân chủ đang âm ỉ cháy giữa lòng xã hội Việt Nam cũng thế.
Ai sẽ nối kết và thổi bùng các ngọn lửa này lên? Trước hết có thể nói là các phương tiện truyền thông hiện đại được vận dụng cách thông minh, nhiệt tình và can đảm, như kinh nghiệm của cuộc cách mạng Hoa lài, Hoa sen bên Bắc Phi và Trung Đông. Vận dụng bởi các nhà dân chủ trong nước cũng như bởi các cộng đồng đấu tranh hải ngoại. Đồng loạt ý thức sẽ đồng lòng hành động. Thứ đến là việc hình thành cho được những tập thể đối kháng có tổ chức, có tinh thần, có đường lối, có kỷ luật, âm thầm hoặc công khai, khối nhóm quần chúng hoặc đảng phái chính trị.
Nhưng vì tình hình Việt Nam giống với tình hình các nước Đông Âu trước đây hơn là với các nước Trung Đông hay Bắc Phi hiện giờ, bởi lẽ cùng nằm dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị, nên một nhân tố quan trọng làm bùng phát và nối kết các ngọn lửa, đó chính là các tôn giáo, tổ chức dân sự duy nhất còn được miễn cưỡng cho tồn tại và hoạt động trong chế độ Cộng sản. Lịch sử việc sụp đổ Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã chứng minh điều này: Tin lành, Chính thống, Công giáo tại các nước ấy đã đóng vai trò chủ chốt và lớn lao trong việc thanh toán chế độ CS. Những biến cố xảy ra tại tòa Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà, giáo phận Vinh cách đây đôi ba năm với những cuộc tập họp quần chúng tên tới cả chục ngàn, trăm ngàn trong ôn hòa trật tự nhưng kiên trì quyết liệt, rồi với việc nhà cầm quyền tìm mọi cách triệt hạ các lãnh đạo tinh thần đã biết huy động quần chúng như thế (kể cả vụ Bát Nhã Lâm Đồng) cho thấy kinh nghiệm Đông Âu cần phải được học hỏi.
Chính vì thế mà mới đây, khi cụ Lê Quang Liêm, hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, thành lập Đoàn Thanh niên Phật giáo Hòa Hảo yêu nước (Thông báo 23-02-2011) thì CS giật mình và quyết tâm dẹp bỏ. Nó cũng đang làm mọi cách (vừa dụ vừa dọa) để làm cho các lãnh đạo tinh thần một là “sợ động tới chính trị”, hai là “im tiếng để khỏi bị vạch trần”, ba là “được việc hơn đúng việc”, bốn là “cho quyền đạo đi chung với quyền đời”. Xin các vị ấy hãy nhớ lại lời của Hồng y Tomasek, Tổng Giám mục thành Praha, kiêm Giáo chủ Công giáo miền Bohêmia, Tiệp Khắc: “Về phần tôi, tôi không thể nào tỏ ra xa lạ với định mệnh quốc gia của tôi và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể im lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hiệp lực với nhau để phản đối những bất công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm trời” (Trích Thư công bố ngày 21-11-1989, trước 200.000 người biểu tình tại Praha, Tiệp Khắc, khi sắp kết thúc cuộc Cách mạng nhung tại nước này).
Ban Biên Tập (số 119, ngày 15-03-2011)
.
.
.
No comments:
Post a Comment