Monday, March 14, 2011

ĐẠI TÁ GADDAFI CÓ THẮNG CŨNG LÀ THUA ! (Shashank Joshi)

Shashank Joshi
Royal United Services Institute

James Clapper, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, gây tranh cãi khi nói với Quốc hội hôm thứ Năm rằng "về lâu dài... chính thể Libya sẽ chiến thắng".
Bình luận của ông gây sự giận dữ, khiến Tòa Bạch Ốc phải nói rằng tổng thống không đồng ý.
Nhưng dù chính quyền này đang có cảm giác sống lại, có thể ông Clapper đã sai.
Trong vài ngày qua, quân của Đại tá Gaddafi đã chiến lấy Zawiya và Ras Lanuf.
Chính thể tiếp tục hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu dầu.
Hội đồng Bảo an LHQ, NATO, và các nước Ảrập vẫn không thể quyết định về tính hợp pháp và cần thiết của một vùng cấm bay, chứ đừng nói đến hành động quân sự.
Và rõ ràng quân nổi dậy không có được sự ủng hộ toàn thể của quân lính đã đào ngũ, khi mà hàng ngàn lính ở miền đông vẫn không động đậy.
Dự tính của phe nổi dậy về một cuộc dồn quân về phía tây, liên kết với các thành phố được giải phóng ở miền tây để tiến về Tripoli, đã bị xóa xổ.
Như thế, phe nổi dậy không thể chiến thắng trong tương lai trước mắt. Lực lượng an ninh vẫn trung thành và được trang bị tốt, vì thế cũng không thể có đảo chính.
Nhưng cuộc phản kích này không nên làm che mờ sự thật là tương lai chính trị của Đại tá Gaddafi sẽ không tươi sáng.
Ngay cả nếu xảy ra kịch bản không tưởng là thành trì của đối lập ở Benghazi sụp đổ, Đại tá Gaddafi sẽ khó khăn khi quản lý thành phố và vùng phụ cận vì chiến tranh du kích.
Nhà lãnh đạo Libya cũng sẽ chịu sự cô lập của quốc tế và lệnh trừng phạt.
Lợi nhuận của xuất khẩu dầu, giao thương và ngoại giao sẽ bị loại trừ. Ngay cả Nga cũng đã ngừng bán vũ khí cho Libya.
Các nhà ngoại giao và viên chức Libya, sau 8 năm được phục hồi trong cộng đồng quốc tế, sẽ không vui trước sức ép này và có thể dần dần trở thành tâm điểm chống đối bên trong chính thể.
Việc bóp nghẹt nguồn tiền và hỏa lực sẽ không mang tính quyết định, nhưng khiến cán cân giữa phe nổi dậy và chính thể ít chênh lệch hơn.
Trợ giúp cho phe nổi dậy có thể đã bắt đầu và sẽ tăng theo thời gian khi tình báo và quân đội - đặc biệt của Anh, Pháp và Mỹ - phát triển quan hệ với những thành viên tin được của phe đối lập.

Nội chiến
Vì vậy thật sai lầm khi kết luận Đại tá Gaddafi "sẽ chiến thắng".
Điều có thể xảy ra là một cuộc đấu tranh kéo dài, giống như Saddam Hussein cai trị một nhà nước Iraq hạn chế trong hơn chục năm sau 1991.
Quân nổi dậy Libya còn có vị thế tốt hơn ở Iraq. Công ty dầu hỏa nhà nước lớn thứ hai của Libya, Arabian Gulf Oil Company, đã loan báo kế hoạch dùng tiền bán dầu để tài trợ cho đối lập.
Mặc dù các nước khác sẽ không làm theo Pháp khi công nhận Hội đồng Quốc gia tự phong, nhưng quan hệ của họ với các nước phương Tây chắc chắn sẽ sâu sắc hơn.
Từ 1960 đến 1999, các cuộc nội chiến trung bình kéo dài hơn bảy năm.
Nội chiến Libya chỉ mới kéo dài chưa đầy một tháng.

Shashank Joshi làm việc tại Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI), ở London, và là nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard.
.
.
.

No comments: