Friday, March 11, 2011

AI ĐANG "GIẾT" HỒ XUÂN HƯƠNG - ĐÀ LẠT ?

S.Tùng
Ngày 11.03.2011, 10:29 (GMT+7)

SGTT.VN - Hồ Xuân Hương, thắng cảnh đẹp nổi tiếng tại thành phố du lịch Đà Lạt và là cảnh quan thiên nhiên đầu tiên ở Lâm Đồng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia hàng ngày phải “gánh” hàng chục tấn rác với đủ thứ bao bì, xác gia súc, gia cầm…

Hồ Xuân Hương có chu vi hơn 7 km và diện tích mặt nước là 38 ha. Đây là một công trình nhân tạo có lịch sử hình thành từ khi người Pháp bắt tay vào xây dựng Đà Lạt từ đầu thế kỷ XX.

Thắng cảnh này không chỉ có ý nghĩa sinh thái, môi trường mà còn là công trình độc đáo vì ở Việt Nam ít có địa phương nào có hồ nước nằm ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển như thành phố Đà Lạt.

Chính vì vậy, hồ Xuân Hương được xem như là “hòn ngọc” của đô thị xanh này, thu hút sự tham quan, thưởng lãm của hầu hết du khách trong nước, quốc tế khi đến thành phố sương mù. Trước đây, có thời điểm trên hồ Xuân Hương có tới 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thuyền thiên nga đạp nước nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu bơi thuyền trên hồ của du khách. Sáu, bảy năm trước ước tính mỗi ngày có đến hàng nghìn bức ảnh du khách đứng chụp bên bờ vì hồ quá đẹp.

Thế nhưng cảnh quan hồ Xuân Hương dần bị xuống cấp. Nổi cộm là nguy cơ ô nhiễm vì rác thải nông nghiệp và rác thải sinh hoạt từ thượng nguồn dồn về. Sau mỗi trận mưa to, hàng chục tấn rác với đủ thứ bao bì, vật tư nông nghiệp, rác sinh hoạt và có cả xác gia súc, gia cầm…dồn thành bãi lớn, rộng hàng trăm mét vuông trên mặt hồ.

Chẳng hạn, chiều 10.3.2011, dù trời không mưa, nhưng tại khu vực mặt hồ phía trước vườn hoa thành phố Đà Lạt, 5 công nhân của công ty Môi trường xanh vẫn đang vất vả kéo thuyền chở hàng tấn rác lên bờ. Theo các nhà nghiên cứu: nước, rác bẩn đổ về từ các nguồn bên ngoài cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng tảo lam sinh sôi, đã tái diễn rất nhiều lần trên mặt nước hồ Xuân Hương.

Năm 2009, cơ quan chức năng đã nạo vét hồ Xuân Hương nhằm khắc phục hiện tượng bồi lắng, ô nhiễm mặt hồ nhưng ngay cả khi hồ vừa được nạo vét, thực trạng bồi lằng do đất, cát và rác thải nông nghiệp từ thượng nguồn vẫn tái diễn.

Đó là chưa kể, công tác xây dựng bờ kè, phủ mặt lưới xi măng bảo vệ cảnh quan bờ hồ tuy đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chưa được nghiệm thu nhưng đã xuất hiện nhiều biểu hiện cẩu thả, chưa hoàn thiện. Nhiều đoạn, điểm kè bê tông lún, nứt, một số đường mạch hồ xi măng dưới chân lưới còn chưa tô trát…ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan của công trình.

Bên cạnh nguồn rác, đất bồi lắng từ thượng nguồn, mỗi ngày có nhiều thanh, thiếu niên tổ chức ăn uống, đốt lửa rồi bỏ lại tất cả các loại rác thải tại các điểm dừng chân đẹp bên bờ hồ Xuân Hương. Anh Nguyễn Văn Hùng – một công nhân có nhiệm vụ thu gom rác khu vực hồ Xuân Hương buồn bã nói: “Ngày nào tôi cũng mệt rã rời vì gom quá nhiều rác. Có khi còn phải gom cả lông gà, vịt do người ta làm thịt rồi mang ra hồ đổ xuống…”.

Một thắng cảnh đã có thương hiệu, có ấn tượng trong lòng hàng triệu du khách và người dân địa phương đang đánh mất dần hình ảnh đẹp trong lòng du khách, thậm chí có nguy cơ biến thành “bãi rác” như thác Cam Ly nếu không có các giải pháp quyết liệt.

S.Tùng
.
.
.

No comments: