Đức Tâm - RFI
Thứ năm 27 Tháng Giêng 2011
Trong vòng ba thập niên qua, Trung Quốc đã có được mức tăng trưởng kinh tế phi thường, chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, đã đến lúc Bắc Kinh cần phải xem xét lại mô hình phát triển này, tiến hành cải cách kinh tế trong nước, để Trung Quốc có thể chuyển từ vị thế một nước đang trỗi dậy sang vị thế cường quốc.
Đây là một trong những chủ đề được giới chuyên gia quan tâm nhân Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hàng năm, khai mạc chiều tối ngày hôm qua, tại Thụy Sĩ. Sự thán phục về thành tựu kinh tế của Trung Quốc đi kèm với những lo ngại về khả năng thích ứng, chuyển đổi của Bắc Kinh, trước những trách nhiệm mới đối với nền kinh tế thế giới.
Cho đến nay, ngành công nghiệp gia công, chế biến của Trung Quốc chủ yếu dựa vào lợi thế giá nhân công rẻ. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề. Trước tiên là dân số ngày càng già. Thứ hai là sự thành công về kinh tế của Trung Quốc lại gây ra những mất cân đối thương mại nghiêm trọng, có hại cho nền kinh tế của các đối tác khác.
Trong khi đó, Trung Quốc được coi tác nhân có trách nhiệm ngày càng lớn trong việc duy trì ổn định kinh tế toàn cầu và đối với phương Tây, để làm điều này, Bắc Kinh cần nâng giá đồng tiền quốc gia, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm nay, các quan chức Trung Quốc thừa nhận sự cần thiết phải có một chính sách uyển chuyển hơn về tỷ giá và thúc đẩy tiêu dùng nội địa mạnh hơn, mặc dù kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ lạm phát và nạn đầu cơ, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc.
Về vấn đề tỷ giá, các quan chức Trung Quốc lập luận rằng phương Tây không nên gây áp lực buộc Bắc Kinh phải có những thay đổi nhanh chóng, vì điều này có thể gây ra khủng hoảng, cản trở tăng trưởng giống như Nhật Bản đã từng phải hứng chịu cách nay 2 thập niên, và gây tác hại cho các nền kinh tế đang trỗi dậy tại châu Á.
Một nhà phân tích thuộc Tài Kinh Tạp chí nói với AFP rằng thay đổi về tiền tệ không thể diễn ra quá nhanh, nhưng ông có cảm giác là chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng, theo một cách nào đó, thực hiện việc nâng giá nhân dân tệ trong những năm sắp tới. Mỗi năm, việc nâng giá đồng tiền sẽ diễn ra nhanh hơn.
Quan điểm này được giới chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ, trong một cuộc hội thảo kín tại Davos. Họ đánh giá rằng sau cuộc cách mạng kinh tế, hiện nay, Trung Quốc phải tiến hành các thay đổi về chính trị và xã hội. Theo đó, Trung Quốc cần từ bỏ « chính sách một con », do dân số ngày càng già đi, không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân công của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc có được một hệ thống bảo hiểm xã hội, y tế tốt hơn, gia đình có con cháu đông đúc sẽ giúp người dân Trung Quốc yên tâm, mạnh dạn tiêu dùng, giảm bớt tiết kiệm. Những người tham dự hội thảo nhấn mạnh, Trung Quốc cần phát triển một ngành công nghiệp có tính sáng tạo cao về công nghệ, cho phép tuyển dụng giới trẻ có bằng cấp chuyên môn cao và phải từng bước từ bỏ vai trò gia công, chế tạo các sản phẩm mà phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc thiết kế mẫu mã và đặt hàng.
Cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, ông Chu Dân tuyên bố, Trung Quốc không thể tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Bởi vì nhiều nước châu Á phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu đã hứng chịu những tác hại nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008
.
.
.
No comments:
Post a Comment