Tú Anh - RFI
Thứ năm 27 Tháng Giêng 2011
Cuộc nổi dậy thành công của người dân Tunisia lật đổ một chế độ áp bức đang gây tác động đến nhiều nước Ả Rập trong khu vực. Từ Vương quốc Oman, cho đến Jordanie, từ Cộng hòa Algeri cho đến Ai Cập , « mùi hương hoa lài » hòa lẫn với khói lựu đạn cay. Tấm gương nhà độc tài Ben Ali tháo chạy đã cung cấp cho giới trẻ, công đoàn, đối lập và người dân bình thường những khẩu hiệu và lý luận đòi tự do, công lý và nhân phẩm.
Tuy không tin vào hệ quả domino, nhưng các nhà phân tích chắc chắn một điều là, sẽ có những thay đổi lớn. Bởi vì người dân đã ý thức được quyền lợi và sức mạnh của mình, các nhà cầm quyền sẽ buộc phải thực sự quan tâm đến khát vọng của dân chúng.
Theo giáo sư Abbel Khaleq Abdalla, đại học Dubai, thì phong trào nổi dậy tại Tunisia đã khích lệ dân chúng trong khối Ả Rập. Báo chí và nhất là hai đài truyền hình vệ tinh Al-Jazira và Al-Arabiya với các bài tường thuật đã khuyến khích tinh thần tranh đấu của người dân Ả Rập, đang bức xúc vì tình trạng thiếu tự do và quá nhiều bất công tại nước mình.
Hôm thứ tư vừa qua, Tổng thư ký Liên đoàn Ả rạp đã tuyên bố gây chấn động : « Công dân các nước Ả Rập đang thịnh nộ và thất vọng hơn bao giờ hết ».
Trong số 300 triệu dân của thế giới Ả Rập, có đến 50 triệu người không có công ăn việc làm. Thảm nạn xã hội này đã đẩy một thanh niên Tunisia vào tuyệt vọng. Khi bị cảnh sát bức hiếp, anh Mohamed Bouazzi đã tự thiêu để bày tỏ sự uất ức.
Cái chết này là tia lửa điện làm bùng lên cuộc cách mạng Hoa lài.
Người dân Tunisia vẫn chưa hài lòng với việc đánh đổ gia đình Ben Ali. Họ tiếp tục tranh đấu đòi một chính phủ hoàn toàn vắng bóng các nhân vật thuộc chính quyền cũ. Lệnh truy nã Ben Ali cùng với gần 200 nhân vật thân cận và lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành.
Phòng trào phản kháng lan rộng
Trong khi đó, song song với cuộc nổi dậy tại Tunisia, hàng chục cuộc xuống đường tại Algeri gây chấn động suốt một tuần lễ đầu tháng giêng khiến chính phủ phải gấp rút ra lệnh hạ giá thực phẩm, đang trong xu hướng tăng vọt trong những tháng trước do hệ thống phân phối độc quyền. Trong số các hành động tuyệt vọng, người ta ghi nhận có 2 người chết trong 7 vụ tự thiêu, tính từ khi cách mạng Hoa lài thành công tại Tunisia.
Tại Ai Cập, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn.
Phong trào « 6 tháng 4 » , một tổ chức thanh niên dân chủ huy động hơn 15 ngàn người biểu tình suốt hai ngày đầu tuần kêu gọi dân chúng theo gương Tunisia, lật đỗ Tổng thống Moubarak, 82 tuổi, cầm quyền từ năm 1981 và đang chuẩn bị trao ghế lại cho con trai. Cảnh sát đàn áp mạnh làm 4 người chết.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhà phân tích nào dám xác quyết là cách mạng Hoa lài sẽ lan tỏa khắp khu vực.
Để tìm hiểu lý do khách quan chủ quan đưa đến nhận định này, mời quý thính giả theo dõi ý kiến của giáo sư Hamadi Ghilane, người Tunisia và nhà báo Nguyễn Văn Huy tại Pháp.
RFI liên lạc được với nhà tranh đấu Tunisia, đúng vào lúc ông đang biểu tính đòi giải tán chính phủ lâm thời vì có nhiều nhân vật trong chính quyền cũ.
Câu hỏi đầu tiên là : tại sao dân chúng Tunisia đã phải nổi dậy và vì lý do nào chính quyền Ben Ali không thấy trước để cải cách kịp thời ?
Giáo sư Hamadi Ghilane giải thích :
« Tại vì chế độ này, năm này qua năm kia, mỗi ngày mỗi áp bức không cho xã hội dân sự và các lực lượng đối lập phát triển. Những tổ chức nào bất chấp lệnh cấm mà vẫn hoạt động thì bị công an truy bức.
Các cấp chính quyền thì không lo phục vụ quyền lợi đất nước, quyền lợi kinh tế quốc gia, mà chỉ lợi dụng chức tước để thu vén cho cá nhân. Một hệ thống chính trị gồm một ông thủ lãnh ngồi ở trên, độc quyền thu tóm mọi quyền lực.
Lực lượng an ninh, đúng ra là có bổn phận bảo vệ dân chúng, thì lại làm tay sai phục vụ các quan lớn, các ông bộ trưởng và gia đình những kẻ có chức quyền. Người dân Tunisia biết rõ những bất công xảy ra trên đất nước mình. Do vậy, người dân đã đứng lên tranh đấu đòi tự do, nhân phẩm và quyền lợi của mình.
Chế độ Ben Ali gây hận thù trong dân chúng. Thượng tầng lãnh đạo làm gương xấu cho cấp dưới. Hậu quả là mọi ngành, mọi lãnh vực đều sinh hoạt theo mô hình tham ô từ trên xuống dưới.
Ông vừa hỏi tại sao Ben Ali không cải cách kịp thời để tránh sụp đổ ? Tại vì đảng cầm quyền không phải là một đảng chính trị. Đảng viên cao cấp là các bộ trưởng và những kẻ chỉ biết phục vụ quyền lợi riêng. Họ đâu biết dân nghĩ gì. Họ có quan tâm đến nguyện vọng của dân bao giờ. Ở trong chính quyền mà không làm bổn phận của một nhà chính trị. Bộ trưởng không bao giờ tiếp xúc với dân, ngay khi xuất hiện trên đài truyền hình, họ tỏ ra rất thảm não, không bao giờ phát biểu một câu nói nào với dân hay tỏ ra quan tâm đến dân. Trong chính quyền cũ, chỉ có một người duy nhất phát biểu là ông Ben Ali.
Những kẻ hoan hô chế độ là những kẻ lợi dụng chế độ để làm giàu. Gọi chế độ Ben Ali là gì nhỉ ? Phải gọi là chế độ xã hội đen, chế độ mafia ».
Hiện nay công luận và giới lãnh đạo quốc tế đang nhìn về Ai Cập nơi đã xảy ra những cuộc biểu tình đòi lật đổ tổng thống Moubarak và đã bị đàn áp mạnh với 4 người chết và 1000 người bị bắt, theo bản tin AFP 27/01/2011.
Nhà giáo Hamadi Ghilane nhận xét những điểm giống nhau giữa hai chế độ và ông dự báo :
« Những gì đang xảy ra tại Ai Cập, Jordanie, Algêri, cho thấy là thành công của cách mạng Tunisia là một tấm gương cho các nước Ả Rập khác noi theo.
Theo tôi, chế độ Ai Cập có nhiều nét tương đồng với Tunisia, cũng tham ô, cũng áp bức, cũng có một gia đình thống trị dự vào công an cảnh sát. Chế độ Ai Cập có nhiều nhược điểm nhất trong số các nước trong khu vực. Người dân Ai Cập có thể tranh đấu thành công như Tunisia.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là, khi thấy tấm gương Ben Ali, từ nay họ sẽ phải thay đổi. Không phải các vị vua hay nguyên thủ quốc gia Ả Rập hiện nay chấp nhận cải cách vì lý tưởng tự do, dân chủ.
Họ không có tinh thần dân chủ đâu, họ vẫn cố bám vào quyền lực nhưng vì sợ chiếc ghế gẫy đổ mà họ phải quan tâm đến nguyện vọng của dân chúng nhiều hơn."
Cải cách chính trị để tránh vết xe đổ của Ben Ali
Trong bối cảnh này, một câu hỏi khác được đặt ra là tình hình Ai Cập sẽ biến đổi ra tới đâu ?
Giáo sư chính trị Rabab el Mahdi tại đại học Mỹ ở thủ đô Cairo nhận định là cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia sẽ tác động lâu dài đến tư duy của người dân Ả Rập và làm tăng thêm lòng tự tin. Tuy nhiên, Tunisia là một trường hợp đặc biệt, vì Ben Ali quá chuyên chế về chính trị, quá tham lam về kinh tế và tham ô.
Ai Cập và các nước khác trong vùng còn cho dân chúng một không gian tương đối tự do, cho nên ít có khả năng xảy ra cách mạng trong tương lai gần. Lo ngại tác động dây chuyền, một số chính quyền Ả Rập, như Yemen, tìm cách đối thoại với dân.
Nhà báo Nguyễn Văn Huy, phân tích thêm về các yếu tố làm cho Ben Ali bị lật đổ, nhưng cách mạng Hoa lài sẽ không tạo ra được hiệu ứng Domino.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, Nhà báo Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm tạp chí "Thông Luận" tại Paris phân tích :
«các chế độ độc tài lâu năm không thấy, không biết dân chúng muốn gì… đến khi dân công khai bày tỏ nguyện vọng bằng biểu tình thì đem cảnh sát đàn áp… nhưng lúc đó thì trễ rồi…cái nồi bất mãn sôi sùng sục đã vỡ tung ... ».
NGHE : Nhà báo Nguyễn Văn Huy (Paris)
Yếu tố Hoa Kỳ và nhà cải cách El Baradai
Giới phân tích còn ghi nhận thêm một yếu tố quan trọng khác là Hoa Kỳ. Khát vọng quần chúng có thể gặp cản trở từ Washington. Hoa Kỳ không muốn xảy ra bất ổn định tại khu vực. Để cho chính quyền lọt vào tay hồi giáo cực đoan không phải là mong muốn của Mỹ. Do vậy, con đường duy nhất tránh sụp đổ chế độ là phải chấp nhận đa đảng đa nguyên. Hoa Kỳ đã thúc giục tổng thống Moubarak bãi bỏ lệnh cấm biểu tình và tiến hành « cải cách chính trị, kinh tế và xã hội ».
Trong khi đó báo chí tại Cairo bắt đầu nói nhiều đến một nhân vật từng được quốc tế biết đến. Đó là cựu Tổng Giám đốc Cơ quan nguyên tử quốc tế AIEA, ông El Baradai. Trên mạng xã hội Faceboook của ông đã có 310 ngàn ủng hộ viên. Một phần công luận Ai Cập xem El Baradai là giải pháp thứ ba, vừa thay thế Moubarak, vừa chận đường phong trào cực đoan « Huynh đệ hồi giáo ».
Rút kinh nghiệm bài học Tunisia, ngoại trưởng Pháp Michèle Alliot-Marie tuyên bố Paris hậu thuận giải pháp « mở rộng dân chủ tại tất cả các nước trong vùng ».
.
.
.
No comments:
Post a Comment