Sunday, January 30, 2011

NĂM MẸO : XIN ĐỪNG CỨ MÃI LÀ CON MÈO CỦA TRẠNG (Đoàn Văn Khanh)

Đoàn Văn Khanh
Jan 29th, 2011

Năm Mo: Xin Đừng Cứ Mãi Là Con Mèo Của Trạng

Theo như cái thứ tự trong chi bộ 12 con giáp được các cụ con Trời thành lập ở bên Tàu thì sau con Cọp là con Thỏ, nhưng không hiểu sao khi các cụ ta rập theo khuôn mẫu đó để thành lập một chi bộ riêng cho xứ mình thì không thấy thỏ đâu cả, phải chăng vì loài thỏ ở xứ ta bị chồn cáo ăn thịt gần hết, chỉ còn lại đám “nhát như thỏ đế” không dám chường mặt ra, thành thử các cụ ta đành phải rà soát lại đám gia súc của mình, và khi thấy mèo chưa được cất nhắc, bèn vớ ngay lấy ả mèo nhà thế vào, làm cho các ông thầy bói xứ ta từ đó mới gieo quẻ như sau:
Tuổi Mẹo là con mèo ngao
Ăn cấu ăn cào ăn vụng thành tinh.

Cái chuyện tại sao mấy ông thầy bói không gọi là mèo nhà mà lại gọi là mèo ngao thì thật tình tôi không biết. Tôi chỉ biết là mèo –hay có khi còn gọi bằng tên chữ là “miêu”, hoặc nôm na mách qué là “mỉu”– thường quanh quẩn trong nhà, nhưng thật ra thì tổ phụ của mèo xưa kia cũng là dân ở rừng, cùng một họ với cọp, beo, sư tử… và căn cứ theo như bộ gia phả truyền khẩu còn lưu lại thì “con mèo là dì con cọp” cho nên nhìn chung về hình dạng và đặc tính, mèo vẫn có nhiều nét giống cọp và beo, nhưng vì cái tội quá nhỏ con cho nên chỉ uy hiếp được mấy con vật cỡ như chuột, rắn mối, thằn lằn v.v… chứ đối với những loài thú dữ to con hơn, và riêng đối với “thằng cháu cọp”, thì vẫn phải nể sợ một phép. Còn cái cơ duyên xui khiến cho mèo được người rước về sống chung dưới một mái nhà với mình, rồi đẻ ra cái chi phái “mèo nhà” tách rời với những chi phái mèo rừng vẫn sống đời hoang dã thì lại do chuột mà ra.

Số là từ khi con người bắt đầu biết cất nhà để ở thì loài chuột không biết từ đâu bỗng dưng không ai mời cũng tự động bồng bế kéo nhau về sống chung, lại còn thi nhau đào hang khoét vách ăn phá gặm nhắm tan hoang của người, mà người thì đành bó tay, do đó khi người vừa khám phá ra mèo rất giỏi săn bắt chuột thì liền rước ngay về để trị chuột giúp mình. Thế là cái cộng đồng súc vật lâu nay sống chung hòa bình với người nhờ thế mà càng thêm đa dạng, tuy nhiên về vấn đề ăn ở thì bọn trâu bò ngựa dê gà heo quá đông, lại quen sinh hoạt một cách “thiếu văn hóa”, cho nên chủ buộc lòng phải cất chuồng cho ở riêng trong vườn, chỉ có chó là hàng thân tín nên mới được phép chung một mái nhà với chủ, bây giờ có thêm ả mèo nữa thì cái đáng lo là lo “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”, cho nên chủ bèn cho ở chung luôn cho tiện.

Sở dĩ người sắp đặt như thế là vì thấy mèo nhỏ con, không có khả năng như cọp để bắt người làm mồi cho mình xực (theo đúng nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì không kể), nên thường tỏ ra rất nhu mì, lại hay lân la quấn quýt bên người để được người vuốt ve chiều chuộng, chỉ khi nào bị chọc giận thì mới giương móng vuốt ra mà quào cấu cho hả cơn bực tức thế thôi. Đây có lẽ cũng là cái điểm mà sau này người học được của mèo cho nên các cụ ta mới hay dùng tiếng “mèo” để chỉ người yêu hay người tình của mình, còn cụ nào đã có “sư tử” rồi mà còn đèo bòng “có mèo”, thì cái việc rước “mèo hai chân” này về nhà là cả một vấn đề nhiêu khê phức tạp, chứ không đơn giản như đối với mèo bốn chân, vì trường hợp mèo bốn chân thì chủ chỉ cần ghép luôn cái bộ ba chó mèo chuột thành một “tổ tự quản”, cho sinh hoạt theo quy chế dành riêng cho loài vật trong khi chung sống dưới một mái nhà với mình là xong.

Kể ra cách giải quyết vấn đề một cách nhanh và gọn như thế xem ra vẫn có vẻ rất “lô-gích”, nhưng khi nhìn lại mới thấy là thiếu thực tế, vì bao năm qua chỉ có chó “đồng cam cộng khổ”, lại tận tụy trung thành với chủ mà công lao thì vẫn chưa được đền đáp xứng đáng, nay thấy chủ bỗng nhiên đem mèo về sống chung mà không thèm “đả thông tư tưởng” với mình trước, lại còn đem chút tình thương vốn đã keo kiệt ra san sẻ hết cho mèo thì sinh lòng ganh ghét, cho nên hễ gặp mèo đâu là sừng sộ đó. Còn mèo cho dù chân ướt chân ráo mới về đi nữa, nhưng vẫn tự hào mình thuộc giòng họ chúa tể sơn lâm chứ đâu phải loại hèn, cho nên cũng vểnh tai trừng mắt gườm gườm, miệng thì gào lên như thể muốn xơi tái luôn cả chó, làm cho người khi chứng kiến cảnh này cũng phải bấm bụng mà than trời bằng câu: “gấu ó như chó với mèo”.

Nhưng không phải chỉ mèo với chó mới có chuyện hiềm khích mà nhà chủ nào lắm gạo nhiều cơm, ngô khoai đầy bồ, làm cho lũ chuột ăn nhiều nên sinh sản nhanh và ngày càng thêm đông, đến nỗi chủ phải rước dăm bảy mèo về sống chung mới đủ lực lượng để tảo thanh chuột, thì ngay giữa đám mèo với mèo cũng không mấy khi thuận thảo với nhau được, chỉ vì mèo nào cũng ganh tỵ, cho nên mới xảy ra những cảnh gầm gừ nhau, khiến cho bầu không khí sinh hoạt trong nhà lúc nào cũng có vẻ phập phồng vì “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”.

Thật tình mà nói thì dù sao cái cộng đồng bé nhỏ lâu nay cũng chỉ mới nghe có tiếng chuột chút chít ban đêm, tiếng gà gáy sáng, tiếng lợn ủn ỉn đòi ăn, tiếng con trâu nghé ngọ về chuồng, tiếng chó sủa cầm canh, cho nên cuộc đời nghe ra vẫn bình thản trôi êm, nhưng kể từ ngày có mèo về thì cuộc đời mới thực sự bắt đầu có nhiều lúc sôi động, vì lâu lâu bất chợt lại nghe có thêm tiếng gấu ó giữa mèo với chó, tiếng gầm gừ nhau giữa mèo với mèo, và trội lên vang vang át cả tiếng của chó và mèo là tiếng của người “mắng chó chửi mèo”, làm cho cái cộng đồng bé nhỏ cứ ầm cả lên, tạo điều kiện cho đời có cơ hội “thêm mắm dặm muối” để cho mình mua vui.

Cái lý do tại sao mèo nhỏ nhắn thế mà dám kên lại chó cũng không có gì khó hiểu, vì chó lúc nào cũng cần bám vào mặt bằng để “xuống tấn”, và môn “cầu quyền” của chó lại vỏn vẹn có hai chiêu “sủa và cắn” thì nhằm nhò gì với mèo, trong khi theo như tục truyền thì mèo đã từng là thầy dạy võ cho cọp. Tuy nhiên vì tính cọp hung dữ cho nên khi truyền nghề cho cọp, mèo vẫn giữ lại cái bí kíp leo trèo cho riêng mình để phòng thân, nhờ thế mà sau này khi cọp đã lên ngôi chúa tể sơn lâm có muốn hại mèo cũng không được, vì khi gặp nguy mèo chỉ việc thót lên cây là yên chí tai qua nạn khỏi ngay. Đây cũng là một điều may cho người vì nếu cọp cũng được mèo dạy cho biết leo trèo thì e rằng loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Có điều là sau này loài người chỉ thấy cọp mới hay diệu võ giương oai, cho nên khi nói tới môn võ này thì người ta thường gọi là “hổ quyền” chứ không ai biết nguồn gốc của nó vốn xuất phát từ “miêu quyền”, họa chăng có nhắc tới mèo thì chỉ nói về cái tài leo trèo của mèo thôi như trong bài ca dao:
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Cái chuyện mèo leo cau tìm chuột thì cũng không có gì đáng nói, nhưng còn cái việc giỗ cha con mèo thì có dính dáng gì tới chuột đâu mà chuột phải lặn lội đường xa đi chợ mua mắm mua muối về cúng? Điều này hoàn toàn không phải do tình nghĩa mà phải nói đây chính là một lời than cay đắng của loài chuột, vì cả mèo và chuột hình như lúc nào cũng bị một mối hận ngàn đời nào đó ám ảnh cho nên mèo mà gặp chuột là không bao giờ tha, còn chuột mà thoáng nghe hơi mèo là toàn thân bủn rủn, và nếu không nhanh chân chạy trốn kịp thì chỉ còn cách đấm ngực than “trời sinh ra chuột sao lại còn sinh mèo” rồi nằm chết trân chờ nộp mạng. Không những thế, mèo còn ác đến độ mỗi khi vồ được chuột thì lại chưa chịu ăn tươi nuốt sống ngay, mà lại còn vờn tới vờn lui cho đến khi chuột không còn lết nổi mới bắt đầu cắn xé từng tí một, làm cho người yếu bóng vía trông thấy cảnh “vờn như mèo vờn chuột” này cũng phải sợ khiếp vía theo.

Do cung cách ăn uống của mèo rất khoan thai từ tốn chứ không vồ vập ào ào như cọp cho nên mấy người thích nói chữ mới hay ví von “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Nhưng mèo lại có biệt tài ăn vụng nổi danh, cho nên khi nói đến mấy bà mấy cô “ăn như mèo hửi” hoặc “khảnh ăn như mèo” phải chăng cũng chỉ là một cách nói khéo để người khác tưởng lầm là các bà “ăn ít lắm”, nhưng hễ mà nhìn kỹ lại thì thấy hầu như bà nào bà nấy cũng càng ngày càng “tròn trịa phúc hậu” ra, trong khi đám mày râu mang tiếng “thực như hổ” lại không thiếu gì kẻ luôn cảm thấy “xấu hổ” mỗi khi phải sánh vai các bà chỉ vì cái vóc dáng cà tong cà teo của mình.

Vào cái thủa còn sống lang thang giữa núi rừng thì mèo có lẽ chỉ thích ăn thịt sống như cọp. Tuy nhiên kể từ lúc về với người rồi được người dạy cho biết ăn cơm, nhai xương cá, thì mèo nhiều khi cũng quên luôn cái món thịt chuột truyền thống mà đâm ra mê những món ăn đã được chế biến dành cho người, nhưng khoái nhất có lẽ là món mỡ thì phải, cho nên các cụ ta mới có câu ví “như mèo thấy mỡ”. Chính vì lẽ đó mà nhà ai có lỡ để mỡ trong nhà thì cũng xin đừng hớ hênh rồi trách mèo, vì “mỡ treo miệng mèo” thì làm sao mèo nhịn thèm được. Còn như “mèo mà chê mỡ” thì chỉ là đồ vứt đi, hết xài được rồi. Riêng cái tật ăn vụng thành tinh của mèo như mấy ông thầy bói đã lên án thì chắc chắn không phải do bẩm sinh, mà chỉ là một sự “phát huy sáng kiến” chung của mèo và chó từ khi về chung sống với người.

Sở dĩ gọi là sáng kiến chung vì chó cũng như mèo một khi đã mang thân về quy thuận và dốc lòng phò tá cho người rồi thì không còn màng đến chuyện tự lập nữa, cho nên lỡ mà số trời sắp đặt cho đầu quân nhằm gia chủ thuộc hạng “của khó người khôn” (kiểu người còn chưa có ăn thì đào đâu ra cho mèo cho chó), nên áp dụng triệt để chủ trương “chó treo, mèo đậy”, khiến cho chó với mèo mới nảy sinh ra cái thói “đói ăn vụng, túng làm càn”. Có điều mèo thường quanh quẩn xó bếp để lục lạo đáy niêu gầm chạn cho nên còn có lúc “mèo mù vớ cá rán” rồi tha đi ngon ơ tìm chỗ thanh vắng nằm ăn một mình, trong khi chó hay lùng sục ngoài sân trước ngõ, thì dễ mấy khi tìm thấy đồ ăn để cho mình được “lấm lét như chó ăn vụng bột”. Không những thế, chó lại còn ngờ nghệch đến độ hễ nghe chủ lục lạo nồi niêu thì lại xun xoe chạy đến ve vẫy đuôi mong chờ ơn trên bố thí. Bữa nào chủ được ăn thịt thì chó cũng còn có mẩu xương để gặm, nhưng bữa nào không may chỉ có cái đầu cá kho chủ còn để dành mà lại bị mèo hay chuột gì đó cuỗm tha đi mất tiêu rồi khiến cho chủ nổi cơn lôi đình, trong khi chó lại cứ lảng vảng bên cạnh thì tránh sao cho khỏi ăn vài cú đá của chủ. Họa hoằn có lần nào chủ khám phá ra thủ phạm không phải là chó thì bất quá cũng chỉ được chủ chép miệng thương hại ban cho một câu: “mèo già ăn vụng, chó vá phải đòn” để gọi là cũng có chút an ủi cho cái ngu quá cỡ này là cùng.

Tuy thích thịt nhưng thỉnh thoảng người ta cũng thấy mèo đi tìm cây cỏ để gặm. Điều này không có nghĩa là mèo nhờ sống gần đám trâu bò trong nhà quen ăn chay trường nên cũng học đòi ăn chay để sám hối tội lỗi, mà chỉ vì mèo có tật hay liếm lông làm cho những sợi lông rụng dính vào lưỡi mà không thể nhả ra nên cứ phải nuốt vào rồi tích tụ trong dạ dày lâu ngày không tiêu hoá được, làm cho mèo bị đau bụng, phải tìm cây cỏ ăn vào để xổ mớ lông ra. Vì vậy chủ nào hay nhốt mèo ở trong nhà, đôi khi có thấy cây kiểng trong nhà cũng bị mèo cắn nát thì đừng đánh đập mèo về cái tội phá hoại mà oan cho mèo, vì mèo chỉ chủ tâm tìm thuốc để chữa bệnh thôi.

Nếu chó hay dùng đuôi ve vẫy để bộc lộ tình cảm với người thì mèo hình như chỉ biết làm dáng với cái đuôi của mình cho nên mới có chuyện “mèo khen mèo dài đuôi”. Mà đuôi mèo dài thật. Tuy nhiên, mèo chỉ hay đi rình chuột ban đêm còn ban ngày mèo lại thích ngủ, do đó mỗi khi thấy mèo ăn no rồi hay tìm chỗ ấm áp nằm lim dim, buông thõng cái đuôi dài lê thê ra đàng sau một cách vô tư thì cũng xin đừng tưởng mèo ngủ say mà đụng vào vì tai của mèo rất thính. Có điều vành tai của mèo trông cứng nhưng lại mỏng và nhạy cảm cho nên lúc nào muốn hỏi tội mèo người ta vẫn hay nắm tai mèo mà xách chứ không ai dại gì nắm đuôi mèo mà kéo để rồi bị mèo phản ứng quay mình lại quào cho rướm máu liền.

Móng của mèo rất nhọn và sắc nhưng chỉ giương ra khi quào cấu hay cần bám vào vật nào đó để leo trèo, chứ lúc bình thường thì lại co rụt vào dấu dưới lớp da của bàn chân, cho nên đừng thấy bàn chân của mèo mềm mại rồi tưởng lúc nào cũng êm như nhung mà lầm. Mèo lại có thói quen hay chuốt móng chân cho thêm sắc bằng cách quào cấu vật này vật nọ, và khi mèo cần mài giũa móng mà không có gì để quào cấu thì coi chừng mùng mền chiếu gối của chủ cũng sẽ rách bươm luôn. Ngoài ra, vì tứ chi của mèo đều là chân cho nên mèo chỉ có thể có “hoa chân” chứ không tài nào có “hoa tay”, do đó những vết quào của mèo trông ra cũng thiếu thẩm mỹ không khác gì những nét chữ nguệch ngoạc của mấy anh học trò lười, vừa dở văn, vừa vụng bút, cho nên mấy ông thầy giáo mới hay dùng câu “gà bươi, mèo quào” để ví von và răn đe mấy anh học trò này.

Mèo cũng có râu làm cho mặt mèo đôi lúc trông cũng có vẻ bớt hiền dịu đi. Tuy vậy, mèo lại có được đôi mắt tròn và trong đến nỗi người ta đã dùng để đặt tên cho một loại ngọc có màu xanh là “ngọc mắt mèo”. Không những thế, mắt mèo lại có khả năng nhìn rõ trong đêm tối, cũng như có khả năng phản chiếu ánh sáng cho nên đang đêm mà chủ nhà có bất chợt nghe tiếng động nên thức dậy đi rình mò bắt trộm nhưng không thấy trộm đâu, trái lại chỉ thấy ánh mắt của mèo –cũng đang đi tìm đồ để ăn vụng– loé lên trong bóng tối thì đâm hoảng, cứ ngỡ như là mình nhìn thấy yêu tinh. Có lẽ cũng vì thế mà mấy ông thầy bói mới bảo mèo là thứ “ăn vụng thành tinh”. Một lẽ nữa khiến cho các cụ xưa cho mèo là tinh vì các cụ tin rằng nếu trong nhà có người chết chưa được tẩm liệm mà không lo bắt mèo nhốt lại hoặc cắt người canh xác để lỡ có con mèo nào –nhất là mèo mun– vô tình nhảy qua là cũng đủ làm cho xác chết phải bật dậy theo.

Mèo cũng rất hay săn sóc bộ lông của mình, nhưng chỉ bằng cách le lưỡi liếm thôi chứ không bao giờ dám tắm vì mèo rất sợ nước. Mèo mà lỡ té ao hay mắc mưa khiến cho bị ướt sũng thì trông cũng co ro cúm rúm thật thảm hại không khác gì con chuột lột, cho nên người ta cũng hay ví mấy người nhút nhát chẳng bao giờ dám làm một thứ gì cho ra hồn là thứ “mèo ướt”, “mèo mắc mưa”. Lạ một điều là cọp còn dám vọc nước, thế mà vẫn cứ hôi, ngược lại mèo chỉ tắm khô thôi nhưng lúc nào cũng có vẻ sạch sẽ, có điều là những gì mà mèo phế thải ra thì nồng nặc mùi khỏi chê đến nỗi người ta vẫn hay ví “chua như nước đái mèo”. Còn cứt mèo thì có lẽ chính mèo cũng còn sợ đạp phải nên mỗi lần muốn trút cái của nợ chất chứa trong lòng, mèo đều tìm chỗ kín đáo đào lỗ chôn, cho nên người ta mới bảo: “giấu như mèo giấu cứt”.

Mèo thường hay kêu “meo meo” cho nên mấy cụ có tí máu dê trong người hễ mà nhậu say ngà ngà rồi bày trò “đố vui để chọc”, thế nào cũng có màn xách tai mèo lôi vào cho mèo bị đau kêu lên “meo méo” để các cụ dùng đó làm lời giải đáp cho cái câu đố về một vật trời sinh ra “vốn sẵn là méo chứ không tròn”, rồi cùng nhau cười hỉ hả. Trái lại mấy bác thuộc diện quanh năm chật vật với miếng cơm manh áo thì lại cho rằng tiếng mèo kêu nghe cứ như “ngheo ngheo” rồi liên tưởng đến cái phận nghèo của mình mà tủi thân, cho nên chỉ thích nghe tiếng chó sủa “gâu gâu” để còn diễn ra cái ý “giàu” mà hy vọng. Đó cũng là cái lý do khiến cho các cụ xưa thường tin rằng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, có điều khi buồn tình thì các cụ lại thích lôi chó ra mà làm rựa mận để đánh chén với nhau chứ không có cụ nào dám bắt mèo ra làm món ra-gu, có lẽ vì sợ mèo bị chết oan như thế sẽ thành tinh quay trở lại ăn thịt các cụ chăng? Họa hoằn mới có một vài tay bợm nhậu cỡ “coi trời bằng vung” mới cả gan bắt mèo làm thịt để giải quyết cho cái nhu cầu túng mồi của mình.

Cũng vì tin rằng mèo hay mang lại xúi quẩy cho nên các cụ bảo đầu năm mà thấy mèo thì cũng không khác gì xuất hành “ra ngõ gặp gái”, tức là cả năm coi như không tài nào khấm khá nổi. Tuy thế, vẫn có nhiều cụ thích lân la làm bạn với “bác thằng bần” thì lại hay bảo nhau là ai mà kiếm được cái nhau mèo đẻ làm bùa lận lưng rồi thì tha hồ yên chí mà “xóc, xoa, xoè, binh, tố…” để được thấy “tiền bạc vô như nước”, vì nhau mèo đem lại sự may mắn. Không biết điều này có đúng không, nhưng mèo vốn nổi tiếng cứt còn biết giấu thì dễ gì có cái nhau của mình đẻ ra lại để rơi rớt cho các cụ lượm, cho nên nếu có cụ nào khoe mình có lận nhau mèo trong lưng thì e rằng đó cũng chỉ là nhau mèo dởm thôi, vì xưa nay chưa từng thấy có cụ nào ghé chơi nhà “bác thằng bần” rồi trở về làm nên sự nghiệp cả, mà chỉ thấy các cụ lần lượt rủ nhau đem sự nghiệp cúng hết cho mấy tay xì thẩu, rồi mình thì tự nguyện gia nhập “làng bị gậy”.

Sở dĩ làng này có cái tên “bị gậy” là vì ngày xưa dân làng này mỗi khi đi hành nghề đều phải trang bị tối thiểu cho mình một cái bị và một cây gậy. Bị là cái bắt buộc phải có để đựng của ăn xin được, còn gậy thì trước nhất là để chống đi cho đỡ mỏi, sau nữa là còn để phòng hờ đáp lễ mấy con chó, vì hễ chó mà thoáng thấy bất cứ cụ nào thuộc “dân bị gậy” lò dò đến là thế nào cũng đem món võ gia truyền ra thị oai, nên buộc lòng các cụ phải vừa dùng gậy “quơ loạn xà ngầu”, vừa từ từ từng bước “thụt lui trong vòng trật tự” nếu không muốn bị chó ngoạm vào chân. Chó chỉ trung với chủ thôi chứ với người lạ và nhất là với mấy cụ thuộc “hàng bị gậy” thì chó không bao giờ niềm nở. Đó cũng là cái lý do khiến cho chó phải chịu cảnh người thương thì ít mà kẻ ghét thì nhiều, cho nên chó mới hay gặp cái nạn bị mấy bác bợm ghiền rựa mận rình rập đánh bã hay bắt cóc đem về bỏ vào nồi đun lên cho bõ ghét. Chỉ có mèo mới biết chủ trương “dĩ hòa vi quý” đối với mọi người, cho nên gặp chủ cưng cũng “hẩu lớ”, mà có ai lạ vuốt ve cũng “ô kê”, còn kẻ đi qua người đi lại thì mèo chỉ nhìn bằng đôi mắt bàng quan nên dễ sống.

Cũng vì trong cái tổ tự quản theo quy chế súc vật sống chung dưới một mái nhà với chủ chỉ có chó và mèo mới được chủ ban cho chức phận, cho nên nếu lỡ như có một biến cố nào đó xảy ra khiến cho lạc mất chủ, hoặc cái mái ấm bỗng dưng bị tan tành thì chỉ có mèo và chó mới phải lâm vào cảnh “sẩy nhà ra thất nghiệp” rồi bị đời gọi là mèo hoang, chó hoang, riêng chuột trước sau gì cũng chỉ là dân ở chui cho nên không hề lo, mà ngay cả khi có “cháy nhà lòi mặt chuột” đi nữa thì chuột vẫn có thể bồng bế nhau “di tản” qua nhà hàng xóm mà tiếp tục sống kiếp chuột nhà chứ không bao giờ bị gọi là chuột hoang cả. Mèo hoang còn có cơ may săn được chuột đồng chuột cống mà ăn chứ chó mà lang thang thì chỉ ăn cứt thôi, vì “chó mà không ăn cứt thì không phải là chó”, các cụ dân “Hà Lội” vẫn thường “ní nuận” như thế. Chính vì chó có nhiều cái ngu quá cho nên người đời mới hay ví “ngu như chó”. Còn mèo có thông minh không thì căn cứ vào câu truyện dân gian Trạng Quỳnh ăn cắp mèo sẽ thấy mèo cũng không hơn gì chó bao nhiêu.

Truyện kể rằng vua ta có nuôi một con mèo tam thể rất xinh nên cưng lắm, bữa nào cũng cho mèo ăn toàn cao lương mỹ vị. Trạng Quỳnh thấy thế sinh tức tối bèn lập tâm ăn trộm mèo đem về nhốt ở nhà. Hằng ngày Trạng lại xách mèo đặt trước một chén cơm có thịt cá và một bên là đống cứt. Hễ mèo vừa mon men lại gần chén cơm là Trạng Quỳnh dùng roi đánh đập tới tấp. Sau nhiều lần thấm đòn, mèo đói quá bèn lân la qua đống cứt thì thấy Trạng để yên cho nên mèo đành ăn thử. Tập như vậy một thời gian mèo trở thành quen, cứ mỗi lần thấy chén cơm và đống cứt là mèo tự động chạy đến đống cứt ăn ngay chứ không còn màng đến cơm nữa.

Nhà vua mất mèo tiếc lắm mới cho người đi tìm. Có người mách vua nhà Trạng Quỳnh có một con mèo tam thể rất giống mèo của nhà vua. Thế là vua truyền lệnh cho Trạng Quỳnh phải đem mèo vào cung trình cho vua xem. Trạng Quỳnh ung dung mang mèo vào. Vua thấy con mèo này giống y con mèo của mình bị mất nên đòi Trạng Quỳnh trả mèo lại. Quỳnh tâu rằng con mèo này chính là mèo của Trạng vì nhà Trạng nghèo nên chỉ quen cho mèo ăn cứt thôi. Vua không tin nên ra lệnh cho quân lính bày ra một chén cơm đầy cao lương mỹ vị và một đống cứt để thử. Trạng Quỳnh bèn thả mèo ra thì mèo chạy ngay lại đống cứt ăn liền. Thế là Trạng Quỳnh lại ung dung ôm mèo về, còn nhà vua thì đành chịu mất mèo.

Có thể nói cái sáng kiến đem mèo ra làm thực nghiệm này của Trạng Quỳnh cũng là một công trình còn đi trước công trình đem chó ra làm thí nghiệm của nhà tâm lý học Palov ở bên Nga hàng trăm năm, nhưng có lẽ vì chuyện “mèo nhà khó không bằng chó nhà sang”, nên Trạng ta mới không công bố kết quả ra cho thế giới biết, mà chỉ đúc kết thành cái bí quyết: “Không có chó bắt mèo ăn cứt”, rồi giấu vào trong cái “túi khôn” của mình, sau đó mới truyền miệng cho dân ta biết để áp dụng vào việc giải quyết cái vấn đề “tồn tại” của một dân tộc vốn tự hào có hàng ngàn năm văn hiến nhưng lại không hề biết cái cầu tiêu là gì, vì người lớn thì đã có sẵn cái thú “thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng”, còn thằng cu cái hĩm chưa có thể tự mình bò ra đồng để hưởng cái thú vị trên, thì lại cứ tự nhiên bạ đâu phóng bừa ra đấy, do đó, lỡ mà thiếu chó để làm cái công tác dọn dẹp những thứ “tồn tại” ấy thì từ nay đã có thể bắt mèo thay chó thanh toán gọn.

Kể ra cái chuyện nuôi chó nuôi mèo ở trong nhà thì dân xứ nào cũng có, nhưng cái chuyện bắt chó mèo phải ăn cứt thì có lẽ chỉ những dân tộc được Trời phú cho cái tính thích trông vào “cái khó ló cái khôn” để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như ở xứ ta mới xảy ra thôi. Khổ một nỗi “cái khôn ló ra từ cái khó” này thường chỉ là những cái mánh khoé dạy cho người ta cái cách để có thể thích nghi với hoàn cảnh theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “chịu đấm ăn xôi” v.v… chứ không phải cái khôn của sự hiểu biết dựa trên nền tảng của suy luận khoa học, nên không làm thay đổi được hoàn cảnh, mà chỉ làm cho đời cứ phải đẻ ra các “cụ khôn luẩn quẩn” để cho các “cụ khôn” có cơ hội lên lớp “khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương” rồi cứ nhằm đầu thằng “dại” mà trút hết cái lòng “thương cho roi cho vọt” xuống để cho lòng mình nhẹ nhõm mà “ngồi mát ăn bát vàng”, còn “dại” thì cứ an tâm mà “đói nghèo” từ đời này sang đời khác.

Mãi đến khi các dân tộc bên trời tây nhờ phát triển được khoa học mà trở nên hùng cường rồi rủ nhau đi làm mưa làm gió khắp bốn bể năm châu thì một số dân ta mới bừng tỉnh, nhưng vì đa số thì vẫn không thoát ly khỏi cái não trạng co cụm của mình cho nên hễ nghe “lời thật thì mất lòng”, lại còn hay “cãi chày cãi cối” với nhau toàn những chuyện “ăn ốc nói mò”, khiến cho đất nước bị Tây đô hộ, rồi sau đó lại thêm những cụ “khôn nhà dại chợ” dòng họ “Vẹm” bị mấy tay đại ca quốc tế chính hiệu “Búa Liềm” xúi bẫy mà chia bè kết đảng rồi lôi kéo dân ta đi theo con đường “cắt mạng” chí choé đầy xương máu trong suốt 30 năm để giành dựt “cơm no áo ấm”, bắt đầu từ cái mùa thu khói lửa của “năm con gà chết đói” cho đến một ngày cuối tháng mùa xuân “năm con mèo gặp nạn”, khi các cụ vẹm lùa xong dân cả nước vào chung một chuồng mới thôi. Có điều là đến đây thì cơm no áo ấm đâu chả thấy mà chỉ thấy dân cả nước bị biến thành những “con mèo của Trạng” để cho các cụ vẹm ra tay “thắt lưng buộc bụng” giùm và tập cho “ăn độn”, còn các cụ vẹm thì đang là “vô sản” bỗng một bước nhảy vọt thành “hữu sản” và tha hồ mà “ăn quả cướp được của kẻ trồng cây”, còn đất nước có tan hoang thì đã có dân “ngu thì ráng chịu”.

Ba chu kỳ 12 con giáp đã trôi qua kể từ cái năm con mèo mắc nạn ấy, trên thế giới đã có không biết bao chủ nghĩa cũng như chế độ đi ngược lại trào lưu tự do dân chủ và tôn trọng quyền con người lần lượt bị đào thải, nhưng riêng tại xứ sở của con Rồng cháu Tiên thì các cụ khôn dòng họ vẹm lại càng “thừa thắng xông lên”, xén luôn cả cái “gia tài của mẹ” đem ra bán cho “láng giềng gần”, và không quên xớt luôn những “đồng tiền tình nghĩa” của những “khúc ruột ngàn dặm” đã có lần từng bị các cụ thảy ra biển làm mồi cho cá mập mà không chết lại còn nhờ trôi giạt qua xứ người mà làm ăn ra, rồi vì xót xa cho người ở lại mà cứ phải gửi tiền về giúp đỡ, để cho các cụ vẹm càng có tiền xây thêm “nhà cao cửa rộng” cho mình ở thoải mái mà “ăn sung mặc sướng”, rồi đẻ thêm một đàn “con cháu khôn nối dõi”, hòng sau này kế tục cái sự nghiệp đục đẽo rất “hoành tráng” của các cụ. Còn những người dân mang thân phận con mèo của Trạng thì cứ bị ám ảnh bởi cây roi oan nghiệt lúc nào cũng hờm sẵn trên đầu cho nên cứ phải ngoan ngoãn mà nhận lấy cái lòng “thương lòi xương ra ngoài” để mà thấm thía hơn cái “chân lý không bao giờ thay đổi” của các cụ vẹm: “khôn nhờ dại chịu, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Không biết rồi đây năm con mèo này, dân ta có chịu mở mắt ra mà nhìn lại mình, nhìn lại người rồi thực sự “đổi mới tư duy” ngõ hầu có thể tìm ra một lối thoát cho dân tộc hay chưa, hay là vẫn cứ luẩn quẩn trong cái vòng “đóng cửa dạy nhau” bằng nhữmg trò “dại khôn, khôn dại”, để cho “khôn” thì vẫn cứ “đè đầu cưỡi cổ” kẻ “dại” mà sống cho riêng mình, còn “dại” thì cứ “nín thở qua sông”, lâu dần rồi cũng quen, cho nên mỗi khi được các cụ khôn nương tay cho thở một tí là cũng cảm thấy như mình đang được hưởng tự do hạnh phúc, do đó nhiều khi không còn dám mơ tưởng đến những chuyện đổi thay, mà có khi lại còn “cầu cho bạo chúa sống lâu”, để cho mình cứ được yên tâm trong cái chuồng của mình.

Đoàn Văn Khanh
.
.
.

No comments: