Sunday, January 30, 2011

CHUYỆN NGÀY CUỐI NĂM (truyện ngắn, Nguyễn Lê Hồng Hưng)

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Saturday, January 29, 2011

Hải trình chiếc Elsa bắt đầu từ Houston xuống Nam Mỹ, mỗi chuyến đi dài năm hoặc sáu tuần. Sau đó quay trở lại Houston xuống hàng, lấy thực phẩm và thay người. Ðúng ra thì tôi được đổi về trước Giáng Sinh. Nhưng vì những chuyện khủng bố nên thủy thủ mang quốc tịch của những nước hồi giáo tạm thời không được toà đại sứ Mỹ cấp chiếu khán. Ông đầu bếp thay tôi người In-đô chờ công ty lo thêm thủ tục, vì vậy tôi đành phải ở lại chờ. Những ngày cuối năm, không được về với gia đình cũng có hơi buồn, nhưng đã là thủy thủ thì phải chấp nhận chớ biết sao. Tuy nhiên, từ thuyền trưởng tới thủy thủ đoàn rất vui mừng khi nghe tôi ở lại với họ tới ra Giêng. Không phải tôi là nhân vật quan trọng trên tàu đâu, đầu bếp mà quan trọng khỉ khô gì. Tôi được nhiều người thương mến chẳng qua vì tôi là bếp Việt Nam. Với lại lần nào tàu ghé Houston lấy hàng, tôi lên chợ Việt mua thêm gia vị và vài món ăn trong đơn đặt hàng không có. Hôm Giáng Sinh ngoài con gà tây nướng ra, tôi chiên chả giò, tôm chiên bột, gỏi cuốn và nấu một nồi phở hai chục lít. Trong tiệc Giáng Sinh, những món ăn Việt được bà con chiếu cố tận tình. Còn con gà tây để mấy ngày sau chẳng ma nào rớ tới, cuối cùng tôi phải gói con gà lại đem cho mấy người bốc vác trên bến cảng. Không ngờ những món ăn bình dị của Việt Nam vậy mà đủ sức loại con gà tây truyền thống Giáng Sinh ra khỏi bàn tiệc!

*

Tàu cặp cảng Paramaribo khuya ba mươi rạng ngày ba mươi mốt tháng chạp. Sáng sớm, thuyền phó ra thông báo tàu sẽ đậu lại đây qua Tết mới khởi hành. Sau bữa điểm tâm, thuyền trưởng phân công: thủy thủ lau chùi tàu sạch sẽ, xong sớm nghỉ sớm, thuyền phó mua pháo và cái xiệc-điện (survolteur) cho dàn đèn tự động kết hàng chữ Merry Christmas & Happy New Year đã bị cháy trong đêm Giáng Sinh và đầu bếp đi chợ mua thêm thức ăn tươi, làm sao cho bữa tiệc giao thừa xôm tụ mới được.

Lamat đòi theo phụ xách đồ. Thuyền trưởng nói:
– Ðược, nhưng mầy phải tháo bảng chữ trên mui tàu xuống, gỡ chữ Merry Christmas ra, dời chữ Happy New Year vô chính giữa bảng và đóng lại cho đẹp rồi mới được đi.

Tôi ra sau lái đứng nhìn dòng sông uốn khúc chảy ngang thủ đô Paramaribo. Mực nước cạn theo con nước ròng, hai bãi sông lồi ra làm cho dòng nước hẹp lại. Nước bắt đầu chững, những đống cỏ, rác bềnh bồng chờ con nước lớn đẩy ngược về nguồn.

Hôm nay là ngày cuối năm, sinh hoạt trên bến cảng chậm lại. Nếu không có một cuộc cãi vã không cần thiết thì không khí trên tàu sẽ êm ắng vô cùng. Có một gã thanh niên, áo quần rách rưới khệ nệ rinh hai bao dừa xuống để sau lái tàu. Lamat chạy tới nạt nộ đuổi gã đi. Gã cười cầu tài và chấp tay xá xá, nài nỉ với giọng điệu của người thấp cổ.
– Thưa ngài, tui chỉ bán dừa thôi chớ đâu có làm gì.
Lamat xua tay hùng hổ:
– Không, không ai mua đâu, mày ôm lên khỏi tàu lập tức!
Có lẽ gã cũng đã quen cái cảnh bị đuổi xua nên gã đóng mặt lì, lóng ngóng chờ coi có người nào khác tới để gạ bán hai bao dừa. Lúc đó Fidal đi ra. Gã rạp đầu cúi xuống, chấp tay xá một cái:
– Happy new year, ông mua dừa dùm đi ông, gã cất giọng ai oán, tui có một vợ ba con, Tết tới rồi, ông giúp dùm, hai bao dừa chỉ có năm đô mỹ.
Mặc tình thằng nhỏ năn nỉ, chẳng những Fidal không động lòng, trái lại nó còn hùa theo Lamat nạt nộ chửi bới con người ta. Nãy giờ tôi đứng sau boong thấy cảnh kỳ cục, tự nhiên hai thằng đi ra gây lộn với thằng nhỏ. Tôi bước tới can:
– Thôi đi, nó chỉ bán có mấy trái dừa, có gì đâu mà tụi mầy làm dữ vậy.
– Nó không được xuống tàu.
– Nếu nó là con gái thì tụi mầy có đuổi đi không?

Nghe tôi hỏi hai đứa phá lên cười rồi đi qua đứng dựa thành tàu. Gã bán dừa day qua tôi rạp đầu một cái cất giọng ca bài con cá sống vì nước. Thật ra tôi rất thích chất ngọt dịu mát tự nhiên của nước dừa tươi, với lại ở miệt nầy dừa tươi rẻ tiền hơn nước đóng hộp. Chuyến nào xuống Nam Mỹ tôi cũng mua vài chục dừa tươi gọt bỏ vỏ xanh, để dành trong phòng lạnh giải khát. Tôi nhìn gã thấy vết rách trên áo còn mới, nút áo đứt hở ngực. Từ ngực xuống tới hai bắp tay bị sướt và dấu máu trên vết sướt vừa mới khô. Tôi nghĩ tới sự hấp tấp của gã khi ôm thân dừa từ cao tuột xuống, té nhào, không bị dập dái nằm tại chỗ là may lắm rồi. Bao nhiêu chứng cớ cũng đủ biết việc làm của gã không được lương thiện lắm. Tôi đoán chừng trong hai bao dừa bất quá chỉ phân nửa trái nguyên, còn lại là dừa điếc. Tôi chỉ tay xuống hai bao dừa hỏi gã:
– Bao nhiêu?
Gã nói:
– Bốn mỹ kim.
Mới ra giá năm bây giờ hạ xuống còn bốn. Tôi móc mười mỹ kim chìa ra:
– Nè, cầm tiền đi về ăn Tết với vợ con được rồi, tết nhứt đi ăn trộm bị cảnh sát bắt thì bị xui suốt năm.
Gã mừng húm, vội vàng chụp tiền bỏ vô túi rồi đứng nghiêm, đưa tay lên chào theo lối nhà binh:
– Yes sir!
Khi gã đi rồi, Lamat gõ gõ ngón trỏ lên đầu chế ngạo:
– Ông khùng, lần nào xuống đây ông cũng mua nhằm dừa điếc, vậy mà ông còn trả thêm tiền.
Tôi nói:
– Nhưng ít ra cũng còn phân nửa dừa nguyên, ở bên châu Âu hai mỹ kim mua chỉ được một trái dừa khô.

*

Công việc trên tàu được thủy thủ đoàn làm xong sớm hơn thường lệ. Tôi với Edy, Lamat, Fidal và thuyền phó đổ bộ ra tới cổng. Thuyền phó đòi đi tắc xi. Tôi muốn đi xe bus, đó là thói quen của tôi. Tôi thích đi xe bus đông người vui vẻ, rẻ tiền và vừa được nhìn thấy cảnh sinh hoạt của dân địa phương. Hơn nữa ở xứ nầy tắc xi đâu đâu có đúng hẹn, họ kêu chờ mười phút nhưng lắm khi đứng cả buổi mà chẳng thấy mặt mũi tắc xi nào. Tôi day qua nói với viên thuyền phó:
- Vậy thì mầy vô văn phòng nhờ nhân viên điện thoại gọi tắc xi, còn tao đi ra bến chờ xe bus.

Thấy tôi nằng nặc đòi đi xe bus thuyền phó đành nhượng bộ. Chúng tôi xuống bến xe trung tâm, thuyền phó đề nghị tìm một quán giải khát nào đó, uống vài ly bia hãy đi mua sắm. Thiệt xẩu mình, hồi nãy đã cãi vã cái vụ xe bus, tắc xi, bây giờ thêm cái chuyện đi đứng nữa. Mới vừa lên tới phố lại đòi vô quán ngồi uống bia. Không muốn lôi thôi mất thời giờ, tôi đề nghị:
– Hổng ấy mầy vô quán uống bia chờ mưa tạnh, tao vô chợ trước.
– Như vậy cũng được.
Lamat và Fidal đi theo thuyền phó, Edy theo tôi.

Tôi quen với Edy ba bốn năm nay, nghe nói ở bên In Ðô nó đã học xong đại học nhưng khi ra trường không có việc làm, thấy tương lai mù mịt quá, bèn xin làm thủy thủ. Hồi mới xuống làm, nhờ tiếng Anh nói trôi chảy nên nó xem thường đồng hương, trái lại đối với người nước khác thì nó nể nang hơn. Tôi may mắn không phải đồng hương với nó nên được nó kính trọng và kêu bằng chú. Một ngày kia, không biết có chuyện cãi vã ngoài boong sao đó, nó mang bộ mặt hầm hầm đi vô nói với tôi. Dân da trắng đụng chuyện nó binh nhau không cần phân phải trái gì hết. Tôi nói:
– Ðây là bài học mà dân Á đông mình cần phải học cho thuộc mới mong khá nổi.
– Chú nói vậy nghĩa là sao?
Trông bộ mặt thiểu não của thằng nhỏ đến tội nghiệp, tôi bèn nói:
– Nghĩa là mầy nên dẹp cái đại học qua một bên và hoà mình sống với đồng hương của mầy hơn là theo nịnh nọt người da trắng.
– Chú thấy tui như vậy sao?
– Mầy biết hỏi như vậy thì mầy cũng không đến đỗi tệ lắm.
Không ngờ câu nói thẳng thừng của tôi làm thay đổi hẳn tánh tình của nó. Từ đó tới nay hễ gặp chuyện khó thì nó tìm tôi trao đổi. Thời gian sau đối với đồng hương nó cũng được nhiều cảm tình. Năm nay nó muốn làm đầu bếp nên mỗi khi rảnh rỗi nó tình nguyện theo tôi để học hỏi kinh nghiệm.

Tôi với Edy chen chúc trong đám người đông như kiến. Nhiều cửa tiệm tạp hoá treo những món đồ gói trong giấy bóng đủ màu sắc và ánh kim tuyến lóng la lóng lánh. Tủ kiếng trong các tiệm được lau chùi bóng láng. Không giống như Âu Châu, bán pháo phải có địa điểm riêng và chờ tới chiều cuối năm người ta mới được phép bày pháo ra bán. Nhưng ở đây hầu hết tiệm tạp hoá nào cũng bán pháo, pháo bông gói giấy màu, pháo nổ chất từng bành để đầy trong tủ và trên kệ, pháo chưng bày kiểu nầy kiểu nọ trông đẹp mắt, nhưng khó bảo đảm an toàn, chỉ cần một tiệm bốc cháy, bao nhiêu pháo nổ cháy lan cũng đủ tan tành thành phố Paramaribo nầy. Tuy nhiên nhìn những đèn giấy màu treo tòn teng trong các tiệm tạp hoá, bánh mứt gói trong giấy màu đỏ, chợ đầy hoa, trái và người người tấp nập ngược xuôi, quang cảnh nơi nầy gợi lại trong tôi những ngày cuối năm trên quê hương của một thời xa xôi ấy. Tôi nói với Edy:
– Nhìn chợ Tết ở đây tao nhớ Việt Nam tao quá.
Nó ngẩng mặt lên, nói:
– Tôi thì thấy giống Jakarta.
– Cũng có thể, vì Surinam ngày trước là thuộc đia của Hoà Lan, dân In Ðô của mầy trước kia bị bọn thực dân Hoà Lan bắt bỏ sang đây cũng như dân da đen bị bọn thực dân Anh bắt bỏ qua Guyana thuộc Anh và người Việt Nam tao bị bọn thực dân Pháp bắt bỏ qua Guyana thuộc Pháp.
– Chú nói cũng đúng, nhưng sau nầy dân Java sang đây lập nghiệp nhiều lắm.
Hồi nãy tui thấy ở gần bến cảng có một cái warung.
– Warung là cái gì ?
– Quán bán đồ ăn của In đô đó chú. Chiều nay chú đi với tui lên đó nhậu chơi, dù sao đi nữa ngồi nơi có con người và phong cảnh quen thuộc cũng an tâm hơn. Thú thật với chú, mỗi lần vô những cái bar trong phố uống bia, nhìn thấy nguyên một tấm lưới sắt chận ngang quày bar, tui thấy lạnh gáy quá chừng.
– Tao thì hổng lạnh gì hết, nhưng nhìn thấy mấy tấm lưới sắt chắn ngang các quày rượu trong mấy quán bar và những đội ngũ giữ trật tư trong các hộp đêm, tao nghĩ tới đám du đãng trong thành phố Paramaribo nầy cũng đứng vào hạng nhứt nhì trong các thành phố có du đãng nổi tiếng thế giới.

Edy mới hải hành vài năm, tình cảm quê hương còn sâu đậm, mỗi khi đổ bộ nó hay để ý tìm người đồng hương. Những năm chập chững sống với đời phiêu bạt, tôi cũng như nó bây giờ, ghé bất cứ bến nào nghe có người Việt, tức thì tôi tìm tới làm quen, lắm khi phải đi tắc xi hàng chục cây số, gặp nhau chẳng phải làm gì, vu vơ vài ba câu chuyện cho vơi bớt nỗi buồn xa xứ. Làm bạn với gió, sương lâu dần rồi thắm thía. Ði đó đi đây và mang theo cái thân xác không cũng đã thấy nặng nề lắm rồi, dan díu thêm chuyện tình cảm, bến bờ làm chi cho sanh thêm phiền phức. “Ta van cát bụi trên đường, dù dơ dù sạch đừng vương gót giày”*. Hai câu thơ trên đã nằm lòng tôi không biết từ bao giờ, nhưng “nó” đã nhắc nhở tôi đừng nên thiết tha với bất cứ một thứ tình cảm nào trên bến lạ. Edy còn trẻ, đường nó đi còn dài, rồi một ngày nào đó, phong sương thấm đầy người, nắng mưa cuộc đời làm tâm hồn chai đá, lúc đó nó sẽ thấy chuyện tình cảm của con người chỉ là bọt nổi trên biển, bèo trôi trên sông. Tôi không cần nói ý mình cho nó nghe, e nó đâm ra thất vọng. Tôi xuôi theo:
– Vậy thì chiều nay tao đi với mầy.

Dạo hết mấy khu phố, cuối cùng tôi với Edy rẽ vô nhà lồng chợ. Vừa bước vô bên trong nhà lồng thì đã nghe mùi rau cải úng hoà với mùi gia vị hỗn hợp và mùi nước đường mương khăng khẳng. Những sạp trái cây chất chồng bề bộn, hàng rau vừa tươi vừa héo để ngổn ngang. Ði vòng hết nhà lồng chúng tôi mua được năm chục trứng gà và một mớ rau tươi. Edy phàn nàn:
– Chợ bán không có nhiều đồ.
– Nhiều chớ, nhưng vì thức ăn ở đây khác hơn trên tàu nên mình mua hông được đó thôi.
Thấy thằng nó có vẻ lo lắng cho bữa tiệc, tôi trấn an:
– Không sao, mấy ngày nầy không thằng nào thiết tha tới chuyện ăn uống đâu, tao nghĩ đêm nay thủy thủ đoàn không còn lòng dạ ngồi lại tới mãn tiệc, cùng lắm sau khi đốt pháo là mạnh thằng nào nấy chuồn, hoặc chúng chuồn trước khi khai pháo giao thừa.
– Vậy mình phải làm sao ?
– Hôm ở Houston tao mua trong siêu thị Việt Nam chả giò, tôm thẻ và nhiều món nhậu Việt Nam khác, cộng với bao nhiêu rau cải tươi đây cũng đủ cho bữa tiệc kéo dài suốt đêm.
– Vậy là đủ rồi hả chú?
– Dư chớ đủ gì.
Tôi dặn Edy:
– Mầy đứng đây coi chừng đồ, tao đi gọi tắc xi rồi mình dìa.
– Có chờ mấy người kia hông chú?
– Khỏi đi, chuyện ai nấy lo, mình tranh thủ thời gian đi nhậu chơi.

Chúng tôi về tới tàu lúc hơn ba giờ trưa. Mấy ông con đã về trước, đương gắn xiệc điện, thử đèn. Không khí tết không lẫn trong không gian và cũng không phải có những cánh én lơi lả trên sông, mà là ba chữ Happy New Year trước mui tàu đương nhấp nhá trong cái nắng hanh hanh của miền trung Nam Mỹ.
Còn sớm chán, tôi sắp xếp công chuyện với Edy:
– Bây giờ mầy rửa xà lách, xắt dưa leo, cà tô-mát, đánh xốt cốc-tai, tao thì luộc tôm và trứng gà, chừng xong rồi để sắp hết mọi thứ vô tủ lạnh, khuya nay đem mọi thứ ra xắp vô dĩa cho đẹp vậy là coi như xong bữa tiệc.
– Chú còn quên.
– Quên gì?
– Chú hứa chỉ tui chiên Oliebol.
– Ờ, xém chút nữa tao quên cái món quốc hồn, quốc túy của Hoà Lan. Hổng ấy vầy đi, mầy pha bột để đó rồi phụ tao xắt rau và luộc trứng, sau đó mình chiên bánh là vừa.
– Nhưng chú phải chỉ tui cách pha bột chớ.
– Thì mầy lấy bột mì, bột nổi, sữa, nho khô và trứng gà đem lên đây tao chỉ cho mầy cách pha.
Edy vừa pha bột vừa hỏi tôi:
– Người Hoà Lan ăn Tết nhiều thứ quá.
– Không đâu, ở dưới tàu có đầu bếp lo nên mới bày vẽ đủ thứ, chớ thật ra đêm cuối năm gia đình người Hoà Lan chỉ làm vài món nhậu đơn giản như: phó mát, xúc xích, dưa chuột chua cuốn dâm bông và oliebollen là món ăn truyền thống của họ. Trong lúc ngồi chờ tới giờ đốt pháo họ uống bia, rượu mạnh, ruợu nho...
– Nhưng tại sao phải ăn oliebol trong đêm giao thừa?
– Họ ăn suốt cả tháng trước tết chớ không chỉ có đêm giao thừa.
– Nhưng ý nghĩa gì?
– Theo truyền thuyết nhờ những hồn ma người chết đã giúp cho mùa màng Hoà Lan được tươi tốt, dân chúng được no, ấm nên vào dịp Tết dân Hoà Lan đem lễ vật cúng cho những linh hồn. Trong những thứ bánh trái, rượu thịt dâng cúng có oliebollen. Hoà Lan từ đầu tháng mười hai tới Tết mới thấy oliebollen bán khắp nơi và họ ăn oliebollen trong những ngày nầy thôi. Còn những ngày thường chỉ trong hội chợ mới có gian hàng món ăn truyền thống chiên với bột mì của Hoà Lan như bánh chuối, khóm, bôm chiên bột mì và oliebollen... Ðại khái vậy thôi, chớ nói hết về tập tục thì cả một câu chuyện dài, bây giờ làm tiếp cho xong chuyện, mình còn đi chơi nữa chớ.
– Yes sir!

Công việc tưởng mau, nhưng lật bật tới chiều tối mới xong. Khi hai đứa tôi lên tới bờ thì phố đã lênh đèn. Trên đường lên quán hai bên cây cỏ rậm rạp, nhà cửa quán xá cất không hàng lối gì hết. Phía phải con đường có một quán bia ôm đèn màu nhấp nha nhấp nháy như mời mọc. Chúng tôi định ghé vào uống vài ly rồi đi tiếp nhưng vừa đi tới cửa rào thì đã thấy Lamat, Fidal và thuyền phó đương đứng cãi vã gì đó với hai tên Surinam, trong đó có tên hồi sáng xuống tàu bán dừa. Khi hỏi ra mới biết, có hai tên cướp cạn đón đường gây sự, xém chút nữa là ba đứa bị ăn đòn, nhưng hai tên nầy nhào ra đuổi hai tên kia đi. Ðể đền ơn đáp nghĩa ba đứa dẫn hai tên nầy vô quán uống bia, nhưng hai đứa không uống bia chỉ xin tiền ăn tết. Thuyền phó cho mười đô, hai đứa không chịu đòi thêm cho nên mới có chuyện cãi vã. Thấy chúng tôi tới, thuyền phó day ngang phân trần. Tôi nói với nó:
– Vậy ba thằng mầy bỏ ra một thằng mười đô cho nó yên chuyện đi chớ rắc rối làm gì.

Thuyền phó miễn cưỡng móc túi, nhưng chỉ có hai tờ hai chục. Trong lúc thuyền phó còn đương lưỡng lự, tức thì tên Surinam đưa tay rút hai tờ giấy xanh trên tay thuyền phó rồi hai đứa chuồn đi ra khỏi cửa rào và biến vào trong bóng tối. Thuyền phó chửi thề một cái rồi day ngang rủ tôi với Edy vô quán nhậu. Tôi thấy không còn hứng thú gì ngồi nhậu ở đây, hơn nữa mấy tên nầy còn trẻ uống bia rượu nhiều lắm, chúng xài tiền như nước, ngồi với chúng xót cho cái túi tiền. Tôi từ chối và cùng Edy bước ra con lộ.

Trên con đường đất đá lởm chởm, hai bên những bụi cây rậm lá, đèn đường khúc sáng, khúc tối và rền rĩ tiếng côn trùng. Chúng tôi thả tà tà gần tới xóm nhà, chợt cái gã bán dừa từ đâu trong bóng tối nhào ra chận đường. Theo bản tánh tự nhiên, tôi kéo Edy lùi lại đề phòng chuyện bất trắc có thể xảy ra. Có lẻ gã đoán được ý chúng tôi nên mới xua tay nói:
– Này hai bạn, hai bạn là người tốt, không có vấn đề, tui chỉ muốn giúp hai bạn thôi.
Gã đưa ngón tay cái ra gặt gặt vừa cười thân mật vừa nói:
– Tôi biết chỗ có gái đẹp hết sẩy.
Không cần đâu, Edy móc thuốc ra mời gã, tụi tui tới warung trước đây.
– À, chủ warung cũng là bạn tui đó.

Nói đoạn gã đi te te về phía trước như có ý dẫn đường. Gã vô quán trước và kêu chủ quán nói chuyện. Nhưng khi chủ quán thấy chúng tôi bước vô ông liền day ngang chào. Edy giới thiệu là người In Ðô, và hỏi gã chủ quán có nói được tiếng In Ðô không. Tức thì chủ quán mừng rỡ bắt tay và xí xô xí xào bằng tiếng Java và kêu vợ ra chào chúng tôi. Mấy người nói chuyện với nhau một hồi, chủ quán day qua nói với gã bán dừa gì đó gã mới chịu bỏ đi. Sau đó ông mời chúng tôi vô phòng trong nhà, tôi ngỏ ý xin ngồi bàn ngoài sân cho nó mát. Ông chỉ cho chúng tôi cái bàn ngoài dưới góc cây dừa lùn. Bà chủ hỏi chúng tôi ăn gì bà nấu. Edy day qua hỏi tôi. Tôi hỏi bà có tôm thẻ không. Bà nói có. Tôi nhờ bà luộc cho hai đứa tôi một dĩa. Edy kêu ông chủ đem bia ra và mời ông cùng ngồi. Sau khi uống vài ngụm bia, ông day qua tôi nói:
– Tối nay anh với Edy ở lại đốt pháo với gia đình tôi.
– Rất tiếc đêm nay tôi còn phải về tàu, có thể Edy ở lại chơi với gia đình ông.
– Vậy thì mình uống đi, mười một giờ tôi kêu con trai tôi lái xe đưa hai người xuống tàu.
Edy kể cho chủ quán nghe chuyện xảy ra hồi nãy. Nghe xong ông chủ nói:
– Bốn thằng dàn cảnh làm tiền người ta đó nhưng sao trả tiền nhiều vậy?
Tôi bưng bia lên hớp và cười một cái:
– Một màn kịch nguy hiểm trả bốn chục đô la chia ra mỗi thằng chỉ được có mười đô.
– Như vậy cũng là nhiều.
– Theo tui thì hồi xưa ông cha của người Pháp, Anh và Hoà Lan tới đây có lẽ cũng đóng kịch với nhau để chia phần đất Guyana nầy. Bây giờ có cơ hội thì bắt tụi nó trả cũng được thôi.
– Ðúng! Ðúng lắm.
Chủ quán vừa nói vừa bưng bia lên cụng. Lúc đó bà vợ bưng dĩa tôm bốc khói và dĩa nước chấm ra để lên bàn rồi bà kéo ghế ngồi cạnh bên. Bà hỏi thăm Edy bằng tiếng Java. Thường đi chung với bạn bè In-đô tôi chỉ chuyện vãn qua lại lúc ban đầu bằng mớ Anh ngữ thông dụng của mình, sau đó ngồi im để cho họ chuyện trò với nhau bằng tiếng nước họ.

Chúng tôi nhậu rất vui vẻ tới mười giờ. Tôi đứng dậy kêu Edy ở lại chơi cho trọn đêm, dù sao lâu lâu mới được gặp được đồng hương trên xứ người, nói chuyện cho đã. Nhưng nó không chịu, một hai đòi theo tôi về. Edy kêu bà chủ tính tiền, bà không chịu lấy tiền mà còn trở vô trong đem ra một xách đồ ăn nhét vào tay bắt Edy phải cầm lấy.
Chúng tôi vừa lên khỏi cầu thang thì đã thấy viên thuyền trưởng chạy ra ra đón đầu, hỏi:
– Còn mấy đứa kia đâu?
Hơi ngạc nhiên nhưng tôi chợt nhớ ra và trả lời:
– Hồi chiều tôi thấy tụi nó ở trên quán bia ôm.
Viên thuyền trưởng “shit” một tiếng, ông ra lịnh:
– Hai người trở lên kêu tụi nó xuống, tàu sắp khởi hành.
Tôi hỏi.
– Sao ông không gọi mobile cho lẹ?
– Gọi rồi nhưng hổng thằng nào bắt máy, thôi nhanh lên, nói với tụi nó mười một giờ rưỡi hoa tiêu xuống sẽ khởi hành qua Aruba.
Mới hơn mười giờ mà đường xá vắng tanh. Edy đi như chạy. Tôi kêu nó đi chậm lại. Nó nói:
– Sợ không kịp chú?
– Tiệc tùng gì đâu mà mầy sợ người ta ăn hết, có trễ thì tàu đậu lại chờ.
- Thuyền trưởng chờ ổng chửi thì sao?
– Ổng sai mình đi kiếm người cho ổng mà chửi gì.
Tôi dặn Edy:
– Vô bar giống như mình vô chơi vậy, mình cũng có thể uống một hai chai bia. Chuyện gì từ từ rồi nói, đừng la hoảng lên làm tụi nó cụt hứng, mất vui.

Trong quán không đông khách lắm. Trước quày chỉ có hai người đàn ông bản xứ. Nhạc mở sập sình, tôi nhìn quanh, ngó quất, trong góc có hai bàn đương bày tiệc, tôi đoán bàn bên kia là của thủy thủ chiếc tàu khác và một bàn của đám thủy thủ tàu tôi. Fidal ở đâu không thấy chỉ thấy thuyền phó và Lamat ngồi chung bàn, mỗi trự ôm một cô gái. Thấy chúng tôi, thuyền phó đưa tay khoát khoát, Lamat day mặt vô trong nên không thấy chúng tôi vào. Tôi và Edy đi thẳng vô quày mua bia và đứng tại chỗ hớp một hớp. Chúng tôi cầm chai bia từ từ đi lại hỏi thuyền phó Fidal đâu? Thuyền phó chỉ tay lên lầu, ra dấu nó đương hành lạc trên đó. Thì ra tầng dưới là bar, tần trên là động. Tôi nói với viên thuyền phó:

– Mầy kêu Fidal xuống sửa soạn về, mười một giờ rưỡi, tàu sẽ khởi hành qua Aruba.
Nó tưởng tôi nói giỡn, nên hỏi lại:
– Thiệt không Sếp?
– Mầy hổng tin thì mở mobile xem, thuyền trưởng gọi mầy mấy lần?
Nó vừa “shit” vừa móc điện thoại trong túi áo ra, bấm lên xem. Xem xong, nó mới nhổm người dậy đi qua góc yên tĩnh, đứng bấm số gọi. Nói vài câu nó cúp điện thoại. Hốt hoảng chạy lại bàn nói với Lamat:
– Mình phải về, tàu sắp chạy rồi.
Lamat đương xào nắn cô gái, nghe nói tàu sắp chạy, nó buông cô gái ra, “shit” một cái rồi xốc lại áo quần đứng dậy. Hai cô gái ngơ ngác hổng biết chuyện gì cũng đứng dậy theo. Thuyền phó đi lại quày tính tiền và kêu người tiếp viên lên gọi Fidal xuống. Một lát sau Fidal với một cô gái từ trên lầu hối hả đi xuống. Ba cặp đứng giữa quán, mạnh cặp nào nấy ôm chầm lấy nhau nút lưỡi lia lịa. Nhìn mấy đứa lưu luyến không muốn rời nhau. Tôi kéo Edy lại đứng trước quày, tôi giơ bia lên cụng :
– Mình uống một cái cạn chai rồi thả tà tà về là vừa.
Chúng tôi ngước cổ ực một hơi cạn hết chai bia, để chai xuống quày, Edy hỏi:
– Hổng chờ mấy đứa sao?
– Thôi cứ để tụi nó chia tay cho mùi mẫn.
Tôi câu vai Edy đi ra khỏi cửa thì ba đứa cũng ùa chạy theo. Fidal than phiền mất tiền mà chưa chơi được gì hết. Nói dứt câu nó hằn học:
– Shit! shit! shit...
Tôi nói:
– Nãy giờ nghe shit nhiều quá.
Edy cười ha ha, nói:
– Tới giờ giao thừa, pháo dưới tàu mình đốt kêu shit, shit chớ không nổ bang bang...
Nghe Edy nói dứt câu, cả đám cười vang trên con đường vắng vẻ dẫn về bến cảng...

Pháo nổ mỗi lúc một dòn và thỉnh thoảng pháo bông toả màu trên nền trời sáng rực. Tôi nhìn lên ánh trăng khuyết hơn nửa mảnh vừa nhô lên khỏi mái nhà. Lâu lắm rồi tôi không để ý tới âm lịch, nên hổng biết đêm nay là mùng mấy. Có lẽ hết con trăng nầy hay hết một con trăng nữa thì tới Tết ta. Vậy là trên quê hương tôi người người cũng chuẩn bị mừng xuân. Bên đó những ngày nầy người ta kiêng kị từng lời ăn tiếng nói, cho nên đón giao thừa rộn ràng, nói chuyện với nhau nhẹ nhàng vui vẻ, chớ hổng có “shit” như ở bên nầy.
--------------
* Thơ của Vũ Hoàng Chương
.
.
.

(tiểu thuyết luận đề)
Vĩnh An
vietnamexodus Friday, 28, January
LTS: Tác giả Vĩnh An hiện vẫn còn đang sinh sống trong nước. Ông đã viết tác phẩm Hoa Dâm Bụt Đỏ và gởi đến chúng tôi nhờ giới thiệu đến quý bạn đọc khắp nơi.
.
.
.
 (Người Tầu ở quê tôi, thị xã Quảng Trị)
Tuệ Chương Hoàng Long Hải
vietnamexodus vào Friday, 28, January

.
.
.

No comments: