Trọng Nghĩa - RFI
Thứ sáu 28 Tháng Giêng 2011
Phong trào chống đương kim Tổng thống Hosni Mubarak bùng lên tại Ai Cập trong những ngày qua càng lúc càng đẩy Washington vào một tư thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là nên đứng về phía nào trong cuộc đọ sức đang diễn ra, giữa một bên là những người biểu tình đòi tự do, dân chủ, những giá trị mà Hoa Kỳ luôn luôn khuyến khích, và bên kia là một chính phủ đồng minh thiết yếu cho chính sách Trung Đông của Mỹ.
Thái độ lúng túng của Hoa Kỳ trước diễn biến đáng ngại của tình hình tại Ai Cập được thể hiện rõ nét qua các tuyên bố liên tiếp của Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Vào hôm qua, lần đầu tiên người đứng đầu ngành hành pháp Hoa Kỳ đã lên tiếng trước ống kính truyền hình về cuộc đọ sức ngày càng gay gắt giữa dân chúng và chính quyền tại Ai Cập.
Trong một phiên hỏi–đáp trên mạng YouTube, tổng thống Mỹ cho rằng : "Bạo lực không phải là câu trả lời trong việc giải quyết những vấn đề tại Ai Cập". Đối với ông Obama, cả chính quyền Ai Cập lẫn những người xuống đường phải cẩn thận, không nên dùng đến bạo lực. Theo ông, các cuộc biểu tình là hệ quả của tâm lý "thất vọng bị dồn nén" của dân chúng Ai Cập, và ông khăng định rằng ông luôn luôn nói rõ với đồng nhiệm Mubarak là cần thiết phải cải cách chính trị trong nước.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, vào hôm qua, cũng đã củng cố thêm cho thông điệp của ông Obama trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Abul Gheit. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Philip Crowle, thì bà Clinton đã "khuyến khích các bên tự kiềm chế và đối thoại với nhau, cũng như xác nhận là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cho công cuộc cải cách."
Theo một số quan sát viên, lập trường của Washington qua phát biểu của ông Obama và bà Clinton, thể hiện một hậu thuẫn ngấm ngầm và tinh tế đối với người biểu tình, xa dần quan điểm hết lòng ủng hộ Mubarak.
Phải nói là Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã là một điểm tựa của chiến lược khu vực của Mỹ trong nhiều thập niên qua, một người bảo đảm cho tình hình hòa bình trong thời gian qua giữa quốc gia Ả rập này với Israel, đồng minh của Mỹ trong vùng Cận Đông. Ông Mubarak đồng thời là một tác nhân quan trọng từng liên tiếp tung ra nhiều sáng kiến hòa bình, cho dù không thành công.
Thế nhưng, sau 30 năm trị vì đất nước với bàn tay sắt, chế độ Mubarak có dấu hiệu bị lung lay, vào lúc khu vực Ả Rập có khả năng bị phong trào dân chúng nổi dậy phản đối các thể chế độc tài khuấy động. Khả năng tác động dây chuyền từ Tunisia đang buộc giới hoạch định chính sách Mỹ xem xét lại hướng đi.
Theo ông Gregory Gause, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Vermont (Hoa Kỳ), thì các chiến lược gia Mỹ "đang ở trong một tư thế khó khăn vì Ai Cập như đang kết tụ mọi xu hướng đòi thay đổi, và tại Washington, người ta đang lo ngại về hiện tượng vết dầu loang."
Tổng thống Obama nói riêng, và chính quyền Mỹ nói chung, hiện đang bị hai luồng dư luận nghịch chiều trì kéo trong việc thực hiện chính sách Trung Đông. Các thành phần gọi là lạc quan tại Mỹ, trong đó có cả những người thuộc cánh tân bảo thủ thời chính quyền George W. Bush, có thể sẽ ngày càng thúc giục Washington hỗ trợ mạnh mẽ cho những người biểu tình, hy vọng tạo ra làn sóng thay đổi dân chủ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, giới chủ trương một chính sách ngoại giao thực tế, chủ yếu phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ, thì lại lo ngại là nếu chế độ Mubarak sụp đổ, Washington sẽ mất đi một chỗ dựa mạnh mẽ trong một khu vực khó khăn, nơi mà ảnh hưởng của Mỹ đang bị sói mòn. Họ e ngại rằng một chính phủ Ai Cập thời hậu Mubarak, có thể bao gồm các thành viên thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thù địch với Mỹ.
Mặt khác, nếu ông Mubarak thành công, vượt qua được phong trào chống đối hiện nay, thì lúc đó, ông sẽ xét lại thái độ đối với những ai không ủng hộ trong thời gian xẩy ra khủng hoảng.
Tóm lại, diễn biến tại Ai Cập đang đặt ra cho Mỹ một bài toán hóc búa, cần có lời giải đúng đắn. Vấn đề là trong cuộc khủng hoảng Ai Cập hiện nay, Hoa Kỳ không có nhiều phương thức tác động vào tình hình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment