Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Hai, 31 tháng 1 2011
TIN LIÊN HỆ :
Không cần giải thích, ai cũng biết mấy chữ “đỉnh cao trí tuệ” ấy ám chỉ ai. Mà cũng không phải là ám chỉ nữa. Người ta tự nhận như thế. Một cách công khai, rõ ràng và đầy tự hào từ cả mấy chục năm nay.
Có ai hoài nghi về những điều ấy không?
Có. Từ phía dân chúng và những người đối lập.
Điều đặc biệt thú vị là, gần đây, những sự hoài nghi ấy được phát biểu ngay từ nội bộ đảng, từ các đảng viên, thậm chí, đảng viên kỳ cựu.
Điều đó có thể thấy rõ trong cuộc hội thảo để góp ý với đại hội đảng lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7 tháng 11 năm 2010 với sự tham dự của mấy chục trí thức và cán bộ từng giữ những chức vụ cao cấp trong guồng máy đảng và chính quyền tại Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo, họ bàn đến rất nhiều chuyện. Thú nhất là cách họ đánh giá giới lãnh đạo.
Hình như không có ai khen hay có chút gì khâm phục cả.
Ví dụ lời phát biểu của tiến sĩ Lưu Bích Hồ, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Liên quan đến vấn đề trình độ của giới lãnh đạo Việt Nam, bà tỏ ra dè dặt: “câu hỏi này hơi khó trả lời.” Nhưng rồi bà cũng nói: “tôi xin phép nói thế này. Trong cái Trung ương mà tôi được ngồi chầu rìa và trong Bộ Chính trị thì không phải không có nhiều đồng chí có trình độ trí tuệ khá cao.”
Hình như nghĩ là chưa đủ rõ ràng, ngay sau đó, Lưu Bích Hồ lặp lại: “hiện nay, tôi cảm giác thấy là trình độ của các đồng chí kể cả trong Bộ Chính trị cũng có những đồng chí có những trình độ, trí tuệ khá cao chứ không phải thấp lắm đâu. Nhưng mà nói chung thì chưa bằng bên ngoài (có nhiều tiếng cười). Tôi xin phép…nói chung là trình độ lãnh đạo hay trí tuệ lãnh đạo chưa bằng ở bên ngoài.”
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nêu một ví dụ: Khi có người đề nghị cho xây dựng một thứ xã hội dân sự ở Việt Nam thì có một vị lãnh đạo gạt đi, bảo: “nói xã hội dân sự là vớ vẩn, rơi vào cái ‘Câu lạc bộ Petophi’ của Đông Âu ngày xưa, nó là đối chọi với Đảng Cộng sản, nó lật đổ đấy.”
Nghe đến đó, Trần Phương, cựu Phó Thủ tướng, cựu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, người điều khiển cuộc hội thảo, vọt miệng nói chen vào bài phát biểu của Tiến sĩ Lưu Bích Hồ:
“Nếu thế thì Mác cũng là ‘Petophi’ à? …Chính Mác là nói về xã hội dân sự rất nhiều. Thế thì các ông ý chẳng học chó gì cả!”
Biên bản cuộc hội thảo ghi nhận, nghe Trần Phương nói thế, “tiếng cười phá lên” trong hội trường.
Đọc những lời phát biểu của Tiến sĩ Lưu Bích Hồ và giáo sư Trần Phương, tôi chợt nhớ đâu khoảng những năm 1986 hay 1987 gì đó, khi chính sách cởi trói vừa mới khởi động, báo chí nhao nhao tố cáo và lên án những tệ nạn xã hội tại Việt Nam, tôi đọc được một bài báo của ai đó nói về những sự tự mãn vô bờ bến của giới lãnh đạo Việt Nam. Chuyện kể: một hôm, một nhà khoa học đề nghị một vị lãnh đạo cho gửi sinh viên ra nước ngoài du học về ngành xã hội học vốn là một ngành học vô cùng cần thiết trong việc tìm hiểu xã hội và hoạch định chính sách nhưng lại hoàn toàn vắng mặt tại Việt Nam thời ấy. Nghe lời đề nghị, vị lãnh đạo lớn tiếng nạt, đại khái: Cần gì phải ra nước ngoài học? Cứ xách cặp theo tôi, quan sát, ghi chép những gì tôi nói rồi học hỏi là được rồi!
Tôi đọc bài báo ấy lúc còn ở Paris, cảm thấy rất thích thú, bèn cắt giữ làm tài liệu. Nhưng sau bao nhiêu lần dọn nhà, gần đây, cố tìm, vẫn chưa thấy. Tôi hy vọng những người quan tâm đến Việt Nam có thể lục lại tài liệu này hoặc những tài liệu tương tự.
Trong khi chưa tìm ra tài liệu vừa kể, tôi vui mừng bắt gặp chi tiết này trong bài viết “Hoàng Ngọc Hiến, như tôi đã biết...” của Phan Hồng Giang:
“Mùa hè 1964, hàng trăm lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô được triệu hồi về nước để tham dự khóa chỉnh huấn tập trung 1 tháng tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân ở Ngã tư Vọng - Đại La. [...] Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa quên những "lời có cánh" từ miệng các vị giảng viên cao cấp: "với ông anh cả Liên Xô, ta vẫn có thể ôm hôn, nhưng tuyệt đối không được hít (!?); "ta cương quyết đánh Mỹ, đồng nghĩa ta là trung tâm cách mạng, ta là người nắm chân lý, thiên hạ có cắp sách đến ta mà học thì đến, chứ việc gì ta phải đi học đâu! Cần có bằng tiến sĩ à? Thì ta cứ ngồi mà phong cho nhau cũng được, có sao đâu!"… (Kết quả của những lời này là hầu hết các học viên khóa chỉnh huấn nọ đều ở lại Việt Nam, mặc dù đồ đạc tư trang của họ vẫn để ở Liên Xô.)”
Hai câu chuyện trên đều xảy ra từ nhiều thập niên về trước.
Hiện nay giới lãnh đạo Việt Nam đã bớt tự mãn chút nào chưa?
Tôi có cảm tưởng là chưa.
Đọc các bài diễn văn, kể cả báo cáo hay dự án chiến lược phát triển của họ nhân kỳ đại hội đảng lần thứ 11 đang diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 1 này, tôi có cảm tưởng họ vẫn rất tự tin vào trí tuệ của họ và bất chấp những khám phá hay thậm chí hiểu biết của cả thế giới.
Khắp nơi đều biết chủ nghĩa xã hội là một thất bại và đã bị sụp đổ rồi ư? Họ bất chấp, cứ khẳng định: đó là xu thế tất yếu của lịch sử.
Khắp nơi đều biết trong hơn nửa thế kỷ, các nước xã hội chủ nghĩa, từ Liên Xô đến Trung Quốc, từ Đông Âu đến Cuba và Bắc Hàn... đều là những nơi dân chúng bị chà đạp, thậm chí, tàn sát nhiều nhất, họ vẫn bất chấp và khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội mới mang lại tự do và dân chủ cho mọi người.
Khắp nơi đều biết nơi nào có chủ nghĩa xã hội, nơi đó đều bị chìm ngập trong lạc hậu và nghèo đói: trong khi Tây Đức phát triển vượt bậc, Đông Đức cứ lê lết khốn khổ; Nam Triều Tiên trở thành siêu cường ở Á châu trong khi Bắc Triều Tiên thì thiếu thốn từ chén cơm manh áo, thế mà họ vẫn cứ bất chấp và khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm Việt Nam phát triển và thịnh vượng.
Khắp nơi đều biết muốn dân chủ thì phải đa đảng, họ vẫn bất chấp và khẳng định: Việt Nam không cần và không bao giờ cần đa nguyên, đa đảng.
Vân vân.
Bài viết này xin phép không có câu kết luận.
---------------------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment