Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 30 tháng 1 năm 2011
Lời ban biên tập Russ.ru: “Lenin là một nhân vật chính trị gây nhiều tranh cãi và sự kiện: xác ông ta vẫn nằm ngay tại trung tâm của đất nước là hiện tượng cực kì nhảm nhí”, Vladimir Medinsky, đại diện cho Đảng Nước Nga thống nhất tại Hạ Viện (Duma quốc gia) đã tuyên bố như thế ngay trước lễ kỉ niệm ngày mất của lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới. Còn những người cộng sản thì coi ý kiến của ông này là một sự khiêu khích. Genady Zuganov, lãnh tụ Đảng Cộng sản Nga, tuyên bố rằng đảng cầm quyền chỉ làm được mỗi một việc là phá hủy các bức tượng, thay tên đường phố và xới tung huyệt mộ lên mà thôi. Tạp chí Nga xin công bố bài viết của nhà triết học và bình luận gia Arkady Maler về vấn đề này.
* * *
Ngày 20 tháng 1 đại diện của đảng Nước Nga thống nhất trong Duma quốc gia, ông Vladimir Medisky tuyên bố rằng vì sắp đến kỉ niệm ngày mất của Lenin cho nên cần phải đưa xác ông ta ra khỏi lăng và đem chôn: “Sắp đến ngày giỗ Lenin, mà những người cộng sản sẽ tổ chức kỉ niệm vì nó là năm chẵn, mặc dù chẵng chẵn gì hết. Tôi cho rằng năm nào chúng ta cũng phải nêu ra vẫn một vấn đề là đưa xác Lenin ra khỏi lăng. Đây là công việc của những kẻ theo ngẫu tượng giao, rất nhảm nhí mà chúng ta phải thực hiện trên quảng trường Đỏ. Chẳng còn xác Lenin nào ở đó hết, các chuyên gia biết rằng chỉ còn lại khoảng 10%, số còn lại đã tiêu hóa và đã được thay thế hết. Nhưng vấn đề chính không phải là xác mà là tinh thần. Lenin là một nhân vật chính trị đầy tranh cãi và việc xác ông ta vẫn còn nằm ngay tại nghĩa trang ở trung tâm của đất là hiện tượng cực kì nhảm nhí. Nhiều người cảm thấy bị lăng nhục khi những buổi trình diễn nhạc Rock diễn ra ngay gần thánh đường Vasilievsky, nhưng thậm chí chúng ta không nghĩ rằng đấy là sự báng bổ đến hai lần: hòa nhạc trên khu nghĩa địa. Đây quả là công việc của quỉ sứ. Còn chúng ta thì đi trong nghĩ địa. Mọi người đều biết rằng Lenin không có ý định làm lăng cho mình, những người thân của ông, chị ông, em trai ông, mẹ ông đã kịch liệt chống lại chuyện đó. Họ muốn mai táng ông bên cạnh mẹ ông ở Saint-Peterburg. Nhưng những người cộng sản chẳng thèm quan tâm tới ước nguyện của chính lãnh tụ lẫn người thân của ông. Họ cần tạo ra một thần tượng, đóng vai trò của một tôn giáo và Lenin trở thành người thay thế cho chúa Giê Su. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra được. Cần phải chấm dứt sự xuyên tạc như thế”.
Tuy nhiên, mặc dù đề nghị của Medinsky thể hiện quan điểm của đa số tuyệt đối những người văn minh, những lực lượng chính trị hoàn toàn khác nhau, từ dân chủ-xã hội, tự do, bảo thủ đến đa phần giới trí thức và nhà thờ Chính thống giáo Nga đều đồng ý với ông, nhưng trong xã hội vẫn có những lực lượng chính trị kì quặc phản đối hoặc phá hoại đề nghị này bằng những luận cứ khó tưởng tượng nhất. Vì vậy cùng với nhiệm vụ đưa xác Lenin ra khỏi lăng còn có một nhiệm vụ nữa, đấy là biện hộ cho quyết định này cả về lí luận lẫn đạo đức trong nhận thức của người dân, dù số người như thế là cực kì không đáng kể.
Nếu Liên Bang Nga muốn được gọi là nhà nước dân chủ, dù chỉ trên các khẩu hiệu, thì ban lãnh đạo của nó phải giải thích mọi hành động có ý nghĩa xã hội cho các công dân của mình, chính vì thế mà phải có bộ máy khoa giáo. Đưa xác Lenin ra khỏi lăng dĩ nhiên là một hành động có ý nghĩa xã hội rồi, vì xác của lãnh tụ phong trào cộng sản và lăng cũng như quảng trường Đỏ và Tường Điện Cẩm Linh là những biểu tượng chính trị có ý nghĩa cực kì to lớn đối với đất nước chúng ta và không chỉ đối với nước ta. Việc từ chối thảo luận vấn đề này chỉ có thể được biện hộ nếu những hiện tượng đó không có ý nghĩa biểu tượng to lớn đến như thế và nếu những thứ đang hiện diện tại quảng trường Đỏ và chính quảng trường này chỉ là những “công trình to lớn” như bất kì công trình nào khác.
Có vẻ như đối với nhiều người đại diện cho chính quyền thời hậu-Xô Viết thì sự kiện đúng là như thế, bởi vì nếu không thì không thể nào giải thích sự kiện là lăng và xác Lenin trong lăng và những ngôi sao vàng trên các đỉnh tháp trong Điện Cẩm Linh và rất nhiều thứ khác vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Logic của cuộc cách mạng tư tưởng hồi đầu những năm 90 tự nhiên phải đưa đến việc từ bỏ những biểu tượng của chủ nghĩa Bolshevik và đánh giá lại một cách chính thức lịch sử của nước Nga, nhưng trên thực tế đã không xảy ra quá trình phi cộng sản hóa vì rằng “cái đảng” - do Yeltsin cầm đầu - giành được quyền lực vào năm 1991 không hề quan tâm tới bất kì tư tưởng nào, kẻ cả những tư tưởng biện hộ cho sự tồn tại của chính họ. Giới trí thức theo đường lối tự do cuối những năm 80 và đầu những năm 90 ngây thơ hi vọng rằng việc sụp đổ chế độ Xô Viết sẽ dẫn tới chính quyền của những người trí thức theo đường lối tự do, đủ sức bảo đảm cơ sở thế giới quan cho chế độ mới. Nhưng những người “tự do” giành được quyền lực lại chẳng phải là những người có học, càng không phải là trí thức gì hết, cho nên cùng với quá trình phi tư tưởng hóa quyền lực hồi những năm 90 lại là quá trình phi tri thức hóa của chính nó, và đấy chính là khuyết tật khủng khiếp nhất của chế độ hậu-Xô Viết và cũng là nguyên nhân của tất cả những khuyết tật khác của nó.
Như vậy là việc xác của Lenin vẫn nằm trong lăng ở quảng trường đỏ hai mươi năm (!) sau khi Liên Xô sụp đổ không phải là do ảnh hưởng chính trị hay tâm trạng gì hết, mà là chính do sự thiếu vắng những thành tố như thế. Còn những lí lẽ mà chính quyền thường xuyên đưa ra để giải thích cho hiện tượng kì quặc này – “không xứng đáng để phê phán”, như người ta thường nói trong những trường hợp như thế – thà rằng cứ công nhận là chính quyền không hề quan tâm.
Nói thật nhiều và đưa ra thật nhiều lí lẽ phản bác, dù rằng tất cả những lí lẽ đó đều rõ ràng là vô lí, là cách ngăn chặn tốt nhất bất kì ý tưởng đúng đắn nào. Sau khi đã kêu gào như thế, những người đưa ra quyết định có thể cảm thấy mình không đúng, không phải là dựa trên lí trí và sự kiện, mà dựa vào tình cảm. Những người ủng hộ cho việc tiếp tự giữ xác Lenin trong lăng tại quảng trường Đỏ đang tính toán như thế, vì vậy mà họ đã sử dụng những luận cứ vô lí nhất. Họ cho rằng việc phản đối – không phụ thuộc vào tính thuyết phục của nó – sẽ tạo ra ấn tượng nhằm ngăn chặn quyết định tưởng chừng như không thể nào tránh được. Và điều kì lạ là tất cả những phương pháp vô lí đó trên thực tế lại nhiều khi đạt được kết quả, vì đồng ý với ý tưởng đúng là một chuyện, còn tin tưởng vào sự đúng đắn của nó và nghiêm túc chứng minh rằng “trời cao đất thấp” lại là chuyện khác. Tác giả những dòng này muốn thử làm chính cái việc như thế.
Trong những cuộc tranh luận khác nhau về việc để xác Lenin trong lăng có hai sự dị biệt mang tính nguyên tắc mà những người ủng hộ phương án để lại không thích nói tới vì họ sẽ không cảm thấy thoải mái nếu chúng được làm rõ. Thứ nhất, sự dị biệt giữa vấn đề để xác Lenin trong lăng như là một xác ướp cần giữ và vấn đề để xác Lenin trong khu vực quảng trường Đỏ, dù là dưới đất. Thứ hai, sự dị biệt giữa vấn đề là xác của “con người vĩ đại” đem ra trưng ở chỗ đông người thì có đúng hay không và vấn đề coi Lenin là “con người vĩ đại” thì có đúng hay không. Theo một nghĩa nào đó thì đây chỉ là cùng một sự dị biệt mà thôi.
Từ luận điểm cho rằng xác của “con người vĩ đại” phải được ướp và giữ ở chỗ nổi tiếng nhất của đất nước chắc chắn sẽ đưa đến luận điểm cho rằng nếu Lenin chính là “con người vĩ đại” đó thì xác của ông ta phải được để trong lăng như hiện nay. Từ luận điểm cho rằng Lenin là “con người vĩ đại”, thậm chí “vĩ đại nhất” trong số những người vĩ đại thì ông ta phải được chôn trong khu vực quảng trường Đỏ, dù không phải trong tình trạng như hiện nay. Trong cả hai trường hợp chúng ta đều gặp phải những quan điểm trung thực, xứng đáng được trả lời một cách trung thực. So với hai luận điểm này, tất cả những luận cứ chống báng khác đều chẳng đáng kể. Xin xem xét từng luận điểm.
Luận điểm 1: “Vì Lenin là ‘con người vĩ đại nhất’ cho nên xác của ông phải được ướp trong lăng”
Ý kiến cho rằng những người phản đối việc để xác ướp của Lenin trên quảng trường Đỏ là do người ta hoàn toàn không chấp nhận những hoạt động chính trị của ông ta giả định rằng ướp xác “một người vĩ đại” là chuyện bình thường và nên làm.
Nhưng theo truyền thống văn hóa châu Âu - đặt căn bản trên những quan niệm của Thiên chúa giáo và vẫn còn giá trị ở nước Nga hiện đại – thì ý tưởng đưa xác một người đã chết cho mọi người xem chứ không phải là đem chôn là hoàn toàn dã man và là sự nhạo báng công khai đối với chính người đó. Coi việc đưa ra cho mọi người coi như thế là “vinh dự” thì chẳng khác gì coi phim ảnh khỏa thân đứng trên phép lịch sự. Việc “triển lãm” như thế chỉ có thể được một vài quan niệm ngẫu tượng giáo ủng hộ mà thôi, nhưng điều này không chỉ trái ngược với Thiên chúa giáo mà còn mâu thuẫn với cả thế giới quan thế tục mà đảng cộng sản từng và vẫn còn tiếp tục theo đuổi.
Ta có thể hỏi những người cộng sản kêu gọi tiếp tục cuộc thí nghiệm hóa học đó với thân xác lãnh tụ của anh ta rằng thế giới quan của anh ta có phù hợp với những quan điểm nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin đến mức nào. Những lời phê phán của phe hữu trong thế kỉ XX có rất nhiều luận cứ sắc bén về việc chủ nghĩa Bolshevik vô tình đã đi theo “chủ nghĩa đa thần mới”, chả lẽ những luận cứ đó đúng đắn đến vậy hay sao? Hay đây chính là biểu hiện của giáo điều duy vật cho rằng con người tồn tại là do cơ thể còn tồn tại cho nên muốn cho tên tuổi người đó sống mãi đến muôn đời sau thì phải ướp xác ông ta cho muôn đời sau?
Dù sao mặc lòng, bằng việc bảo vệ việc ướp xác Lenin, những người cộng sản hiện nay chẳng những chống lại truyền thống văn hóa chung của châu Âu mà còn chống lại “thế giới quan tiến bộ” của chính mình, và như thế, họ chính là biểu hiện của ngẫu tượng giáo mới. Đấy là chưa nói đến việc bảo quản rất tốn kém mà không hiểu sao cái nhà nước đã đọan tuyệt với chuyên chính cộng sản vẫn phải gánh chịu. Như vậy là, luận cứ khả dĩ duy nhất ủng hộ cho việc giữ nguyên thi thể của Lenin trong tình trạng hiện nay dựa vào logic của ngẫu tượng giáo và phải là là người hòan tòan thờ ơ với chính thế giới quan của mình mới có thể viện dẫn đến luận cứ đó mà thôi.
Luận điểm 2: “Vì Lenin là ‘con người vĩ đại nhất’ cho nên có thể không ướp xác ông, nhưng ông phải được chôn cất trong khu vực quảng trường Đỏ”
Vấn đề có thể coi Lenin là “con người vĩ đại nhất” hay không sẽ dẫn đến vấn đề đánh giá tư tưởng và sự nghiệp của phong trào Bolshevik, xã hội Nga hiện đại đã có đánh giá rất rõ ràng, chẳng cần phải nói dài dòng làm chi. Nói cho ngay, phản bác về mặt ý thức hệ của những người cộng sản chống lại việc đưa xác Lenin ra khỏi quảng trường Đỏ là phản bác trung thực nhất và vì vậy mà ý kiến ngược lại cũng rất đáng được đem ra bàn thảo ở đây.
Người cộng sản cần phải chứng minh rằng đảng của họ đã đưa ra cho nước Nga và tòan thể thế giới con đường phát triển đúng đắn nhất, đã giành và giữ được quyền lực bằng con đường đúng đắn nhất, cũng như đã xây dựng được trên lãnh thổ của đế chế Nga trước đây một chế độ chính trị đúng đắn nhất. Nếu quả thật như thế thì chúng ta, những người chống cộng, cần phải công nhận rằng tất cả (hay phần lớn) các nạn nhân của cuộc cách mạng cộng sản và khủng bố đỏ đều có thể biện hộ được, rằng những người Bolshevik đã tiến hành trong suốt bảy mươi năm chính sách tối ưu nhất, còn tất cả những lực lượng chống lại họ, hay không tích cực ủng hộ họ - Bạch vệ, Kozak, trung nông lớp trên, tư sản và trí thức ..v..v.. – đều là sai lầm và phải trả giá là xứng đáng.
Điếu đó không chỉ liên quan đến những lực lượng chống cộng ở Nga mà còn liên quan đến tất cả các nạn nhân của của sự bành trướng của chủ nghĩa Bolshevik trên tòan thế giới nữa – từ Đông sang Tây – mà Liên Xô và Đảng cộng sản Liên Xô nhất định phải chịu trách niệm, cũng như Mĩ phải chịu trách nhiệm về những chế độ mà họ đã thiết lập tại những nước phụ thuộc vào họ. Trong việc đánh giá này, giọng điệu nửa vời – dù có thể đúng trong những trường hợp khác – là không thể chấp nhận được vì Đảng cộng sản theo hệ tư tưởng hứa hẹn xây dựng xã hội lí tưởng và đã làm đổ biết bao nhiêu máu của người Nga cũng như những người không phải là dân Nga rồi, cho nên họ không thể lảng tránh bằng những câu nói chung chung theo kiểu “hòan tòan không thể hiểu được”.
Người cộng sản không chỉ muốn giải quyết những vấn đề kinh tế cấp bách nào đó, như họ thường thích nói như hiện nay – họ đã đưa ra một thế giới quan hòan chỉnh và đã dùng gươm giáo áp đặt nó cho xã hội, họ không thắng trong những cuộc bầu cử trung thực và không sẵn sàng ra đi khi thất bại trong những lần bầu cử sau. Còn bây giờ, khi những người cộng sản đứng trên quan điểm của phong trào dân chủ xã hội ôn hòa đương đại để nói về những ưu việt nào đó của chế độ trước kia của họ thì người nghe có cảm tưởng như đấy là sự dối trá trắng trợn hay là chứng mất trí nhớ nghiêm trọng vậy. Thí dụ như khi xảy ra các vụ đụng độ giữa các sắc dân ở Moskva, cộng sản lập tức tuyên bố rằng ở Liên Xô “xung đột giữa các sắc tộc đã được giải quyết” và nên học theo Liên Xô.
Cứ giả sử như ở Liên Xô xung đột sắc tộc dường như đã được giải quyết – người ta không thể tưởng tượng nổi những vụ đụng độ công khai giữa người Nga và những người dân tộc chủ nghĩa không phải gốc Nga, nhưng đưa Liên Xô ra làm thí dụ cho nước Nga hiện nay là không phù hợp. Dường như những người cộng sản hiện nay đã quên tất cả những “thành tựu” có thật và không có thật của hệ thống Xô Viết là do chúng được giữ bằng những biện pháp khủng bố quá đáng, đấy là nói theo tiêu chuẩn của nền văn minh châu Âu thế kỉ XX, những biện pháp lúc nào cũng tạo ra xung đột giữ chính quyền Xô Viết và bộ phận có tư duy của xã hội. Ở Liên Xô không có xung đột sắc tộc không phải là vì xung đột đã được lọai trừ mà là do mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, Nga cũng như không phải Nga, đều bị đàn áp một cách khốc liệt, không chỉ các phong trào dân tộc bị cấm đóan mà về nguyên tắc văn học dân tộc cũng như bất kì biểu hiện chống cộng nào cũng đều bị diệt trừ ngay từ trong trứng nước.
Vì vậy mà những người kêu gọi quay lại với Liên Xô cần phải chấp nhận những hạn chế, không có những hạn chế như thế thì hệ thống Xô Viết, cả trong lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần đều không thể nào đứng vững được. Chỉ có những người như thế mới có đủ tư cách bảo vệ việc giữ lại lăng Lenin trên quảng trường Đỏ mà thôi, nhưng tìm đâu ra một người như thế, nhất là khi người ta đã quen sử dụng tất cả những tiện nghi của xã hội tự do hiện đại, và họ sẽ rất bất bình nếu bị tước đọat những tiện nghi đó?
Trong khi đó những người cộng sản biết rõ rằng luận cứ của hệ tư tưởng cộng sản nhằm bảo vệ việc giữ lại lăng Lenin trên quảng trường Đỏ nhiều lắm thì cũng chỉ gây xúc động cho một nửa cử tri của họ, mà số người Marxist-Leninist trung thành thì ngày càng ít đi. Vì vậy mà họ mới sử dụng những luận cứ chẳng có tính chất cộng sản gì hết, lúc thì họ giả vờ làm người theo phái tự do lo lắng cho “quyền con người” và “tự do ngôn luận”, khi khác họ lại đóng vai những người tân-bảo thủ quan tâm đến “cội nguôn lịch sử” và “ý thức dân tộc”. Từ đó mới xuất hiện hai luận điểm kì quặc nhằm chống lại việc đưa Lenin ra khỏi quảng trường Đỏ - một là “lịch sử” và thứ hai là “kĩ thuật”.
Luận cứ thứ ba. “Lenin là ‘một phần của lịch sử’, do ‘cổ nhân’ để lại trên quảng trường Đỏ, vì vậy cần phải giữ nguyên ở đó”
Hiện nay đấy là luận cứ được sử dụng nhiều nhất trong việc bảo vệ mọi biểu tượng của thời Xô Viết. Vì tinh thần yêu nước trong xã hội ta mạnh hơn gấp niều lần Bolshevik cho nên hậu duệ của những người Bolshevik bám vào luận cứ này và nó liền “đi vào quần chúng”, đến mức được ngay cả những người có thái độ chống cộng sử dụng. Dĩ nhiên động cơ ở đây không phải là niềm tin mà là thái độ vì tin răng cái ác được biện hộ vì đã là lịch sử đòi hỏi người ta phải có một quan điểm lịch sử mà không phải người nào cũng sẵn sàng công nhận. Thái độ này không rõ ràng hơn nhưng có nhiều người chia xẻ – “chúng ta” (đất nước, dân tộc, sắc tộc…) là giá trị chính của lịch sử và địa lí vì vậy mà “chúng ta” bao giờ cũng đúng, ngay cả khi do lỗi của chúng ta mà có những chuyện chẳng ra gì thì chúng vẫn được biện hộ vì đấy là “của chúng ta”.
Chính cái logic này đã làm cho nhiều người cánh hữu và bảo thủ công nhận “sự thật lịch sử” của chủ nghĩa Bolshevik và những người yêu nước Nga càng trách cứ nước Nga trong việc để xảy ra những sự kinh hoàng thời cộng sản thì những người cánh hữu và bảo thủ càng biện hộ cho quá khứ đó. Cách lí luận như thế sẽ dẫn tới sự phủ nhận hoàn toàn mọi giá trị phổ quát và rơi vào quan niệm phi đạo đức theo kiểu Machiavelli hay Nietzsche
Mới nhìn thì có thể tưởng là việc bàn thảo những chuyện như thế là hoàn toàn xa rời cuộc tranh luận về biểu tượng của chủ nghĩa Bolshevik, nhưng trên thực tế chúng lại có liên quan mật thiết với bản chất của các cuộc tranh luận đó. Bất kì biểu tượng nào cũng được dùng để thể hiện một cái gì đó, thế mà lăng cùng với xác Lenin lại là biểu tượng mang tính chính trị và xã hội, được dùng để thể hiện những tư tưởng chính trị và xã hội xác định, mà những tư tưởng này lại được chống lưng bởi một học thuyết về giá trị mà xã hội ủng hộ những biểu tượng đó phải theo.
Nếu mộ Lenin ở quảng trường Đỏ thể hiện sự tòan thắng của phong trào cộng sản thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta công nhận thành công đó. Còn nếu mộ của Lenin trên quảng trường Đỏ có nghĩa là “sự tôn trọng quá khứ” thì có nghĩa là chúng ta không đánh giá quá khứ đó và cho rằng tất cả mọi cái ác trong lịch sử của chúng ta đều được biện họ chỉ vì rằng chúng là của “của chúng ta”. Vì vậy vấn đề hoàn toàn và không bao giờ là quên và sổ toẹt quá khứ Xô Viết như những người cộng sản ưa thích trách móc thường nói, vấn đề chỉ là trên cơ sở thế giới quan mà chúng ta đang có hiện nay, tiến hành ĐÁNH GIÁ quá khứ một cách khách quan về mặt đạo đức mà thôi. Lịch sử của nước Nga Xô Viết đương nhiên là một phần của lịch sử Nga, nghiên cứu càng nhiều thì càng tốt, và trong quá trình nghiên cứu phải sử dụng tất cả các tài liệu và quan điểm hiện hữu, kể cả quan điểm của những người cộng sản.
Hãy để cho những người cộng sản sản giải thích một cách dễ hiểu rằng tất cả những nạn nhân của họ, từ những đứa trẻ trong gia đình Nikolai II đến người Kulak và Kozak cuối cùng đều là nhu cầu của lịch sử, rằng năm 1937 cần phải giết tất cả những người theo phái Totskist mà còn phải giết tất cả những người phái hữu ủng hộ chính quyền kiểu như Ustrialov hay Florensky, rằng tất cả những kẻ tử đạo mới đều đe dọa sự tồn tại của chính quyền Xô Viết hay đấy là do Solzhenitsyn hay Shalamov bịa ra, rằng mỗi một vị cha cố, một nhà khoa học, nhà triết học, nhà văn, nhà quay phim, nghệ sĩ … bị đàn áp và bị thủ tiêu đều là “trường hợp đặc biệt” hay là “quá lạm ở địa phương”.
Như vậy, vấn đề không phải là quên mà là đánh giá, và khi chúng ta dẹp một bức tượng nào đó của Lenin thì không có nghĩa là chúng ta quên ông ta mà là chúng ta đánh giá về mặt đạo đức hoạt động của ông ta. Nếu không làm như thế thì cũng đừng ngạc nhiên khi người Ukraine dựng tượng cho Bandera hay Shukhevich, cũng như ở Đức có phong trào đòi dựng tượng Hitler. Tại sao đấy không phải là “lịch sử’ và “thái độ tôn trọng cha ông”?
Ngoài Lenin, trên quảng trường Đỏ cò, chôn nhiều người cộng sản và những người xứng đáng khác, vì vậy không hiểu là sẽ chôn cất họ ra sao”.
Để đưa xác Lenin ra khỏi lăng và dẹp chính cái lăng thì không cần phải động đến nghĩa trang cộng sản – về mặt kĩ thuật thì nó không phải là trở ngại và chỉ có những người rất muốn cản trở việc giải quyết thì mới đặt nhiệm vụ thứ nhất phụ thuộc vào nhiệm vụ thứ hai mà thôi. Chỉ có xác ướp của Lenin nằm trong lăng và người ta đã xây một cái lăng dành riêng cho ông ta, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào nghĩa trang còn lại. Vấn đề chôn ông ta ở đâu và chôn như thế nào cũng không phải là không cần thảo luận, nhưng trước hết cần phải làm rõ – vấn đề không phải là xác ông ta sẽ không được quan tâm và không ai cần nữa, thực ra có rất nhiều thế lực quan tâm tới ông ta, Đảng cộng sản và các doanh nhân đủ mọi loại sẵn sàng kinh doanh thân xác ông ta. Vì vấn đề đưa xác Lenin ra khỏi quảng trường đỏ quan trọng hơn vấn đề đưa đi đâu, cho nên vấn đề này không thể trở thành lực cản chủ yếu và cần phải nhớ rằng những người cộng sản còn bám lấy vấn đề này như là cơ hội cuối cùng để bao hoa về đề tài này nữa kia.
Tác giả những dòng này cho rằng chẳng có gì sai nếu Lenin sẽ được chôn cất bên cạnh mẹ của ông ta tại nghĩa địa Volkovoi ở Petergurg, đấy là cách giải quyết tốt nhất và hiếm có người cộng sản nào có thể bác bỏ được. Giới bảo thủ-cánh hữu đưa ra rất nhiều ý tưởng kì quặc về cách xử lí cái xác, nhưng chúng ta phải là những người thực tế – không ai đi rải tro hay dùng súng đại bác để bắn xác ông ta xuống biển. Ý tưởng biến xác Lenin thành một dự án kinh doanh, dù rất có lợi cho nhà nước, nhưng hoàn toàn phi đạo đức và trái với với đạo đức của Thiên chúa giáo.
Những người cộng sản có thể tiến hành việc chôn cất, chính phủ có thể thỏa thuận với một số người trong bọn họ và thực hiện việc bảo vệ cả quá trình này. Dù thế nào thì chính phủ cũng không có trách nhiệm thực hiện việc chôn cất một cách quá trịnh trọng, vượt ra ngòai tiêu chuẩn tối thiểu của việc chôn cất, phù hợp với luật pháp hiện hành. Liên bang Nga kế thừa Liên Xô về mặt pháp lí, nhưng kế thừa về pháp lí không có nghĩa là kế thừa về ý thức hệ và không có ai trong số những người cầm quyền hiện nay phải có trách nhiệm tôn trọng người thành lập ra cái hệ thống mà sự sụp đổ của nó lại là khởi đầu của lịch sử của chính Liên bang Nga.
Dĩ nhiên là nơi chôn cất Lenin sẽ trở thành địa điểm hành hương của những người cộng sản trên khắp thế giới, nhưng ngọai vi Peterburg chứ không phải trung tâm Moskva thì vẫn tốt hơn. Cần phải có cách tiếp cận riêng với từng di hài ở chân tường Điện Cẩm Linh hay ngay trong chính bức tường này. Có thể trả những người cộng sản cho cộng sản như trường hợp của Lenin, còn những người nổi tiếng thực sự, những người có ý nghĩa đối với lịch sử Nga nhưng không liên quan gì đến hệ tư tưởng cộng sản, từ Igor Kurtratov, Mstislav Keldysh, Sergey Koroliov đến Vasily Chkalov, Yury Gagarin và các tướng lĩnh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại thì cần phải chôn cất một cách long trọng ở những vị trí xứng đáng nhất đối với họ. Vì cuối cùng thì cần phải nói không chỉ về Lenin mà về tòan bộ cái nghĩa trang cộng sản đó cũng như vấn đề không chỉ là bản thân Lenin mà là hệ tư tưởng và thực tiễn mà ông ta đã thực hiện và vẫn còn làm nước ta đau cho đến tận bây giờ.
.
.
No comments:
Post a Comment