Monday, January 31, 2011

LỊCH SỬ PHÁN XÉT (Trần Gia Phụng)

(Trình bày trong Lễ Tưởng Niệm do Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Ontario tổ chức tại Toronto ngày 29-1-2011)

TRẦN GIA PHỤNG(Toronto, 29-1-2011)

Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Tuy gia đình khó khăn, nhưng nhờ học giỏi, nên sau khi đỗ bằng thành chung (diplôme d'études primaries supérieures indochinoises) tại trường Trung học Mỹ Tho, ông ra Hà Nội theo học trường Cao đẳng Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy tại Trung học Mỹ Tho, rồi làm đốc học Tây Ninh năm 1945. Khi Việt Minh (VM) cướp chính quyền, VM cử ông Hương làm chủ tịch Ủy ban hành chánh Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ông từ chức, không hợp tác với VM và cũng không hợp tác với Pháp. Sau đó, Trần Văn Hương đến Sài Gòn sinh sống, bán thuốc cho “Pharmacie Kim Quan”, gần chợ Bến Thành. (Tài liệu của Hứa Hoành)

Sự nghiệp chính trị của Trần Văn Hương có thể tóm lược như sau:
Hai lần làm đô trưởng Sài Gòn. Lần thứ nhất ngày 27-10-1954 dưới thời thủ tướng Ngô Đình Diệm. Lần thứ hai ngày 9-9-1964 dưới thời thủ tướng Nguyễn Khánh.
Hai lần làm thủ tướng VNCH. Lần thứ nhất, từ ngày 4-11-1964 đến 27-1-1965, dưới thời quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Lần thứ hai làm thủ tướng từ ngày 25-5-1968 đến 1-9-1969 dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong nền Đệ nhị Cộng hòa.
Phó tổng thống VNCH. Ngày 29-8-1971, Trần Văn Hương ứng cử phó tổng thống trong liên danh của Nguyễn Văn Thiệu. Liên danh nầy độc diễn, được tuyên bố đắc cử ngày 3-10-1971 và nhận chức ngày 31-10-1971.
Tổng thống VNCH. Ngày 21-4-1975, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay theo hiến định.
Khi nhận chức, tổng thống Trần Văn Hương 73 tuổi. Ông biết tình hình đang hết sức khó khăn, hầu như không giải quyết được, nên tổng thống Thiệu phải từ chức. Ngoài ra, tổng thống Hương cũng biết rằng ông chỉ là con cờ đệm; vai trò của ông chỉ có tính cách tạm thời theo hiến định, để chuyển giao cho một nhân vật khác mà lúc đó người ta lầm tưởng là có thể đứng ra thương thuyết với phía CSVN. Đó là đại tướng Dương Văn Minh. Vì vậy, tổng thống Hương trao quyền cho quốc hội quyết định việc chọn lựa người thay thế và tối 27-4-1975, quốc hội quyết định chọn đại tướng Dương Văn Minh lên làm quyền tổng thống VNCH.  Cuối cùng, như ai cũng biết, lúc 10 G. 24 phút sáng 30-4-1975, quyền tổng thống Dương Văn Minh đọc nhật lệnh cho QĐVNCH buông súng, ngưng chiến đấu. Thế là hết.

Đúng như Trần Văn Hương nói trước, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CSVN bắt giam vô thời hạn, đày ải hàng triệu quân nhân, công chức lên miền rừng thiêng nước độc. Riêng về phần Trần Văn Hương, CSVN sợ dư luận thế giới, nên đề yên cho ông về sống tại căn nhà cũ của ông trong một con hẻm trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn cho đến khi từ trần ngày 27-1-1982, nhằm ngày Mồng 3 Tết Nhâm Tuất, thọ 82 tuổi.

Ngày 30-4-1975 là ngày tang chung của dân tộc Việt Nam, ngày QUỐC HẬN cho cả nước. Trong cái tang chung của đất nước, người Việt Nam, nhất là cựu quân nhân Quân đội VNCH, không bao giờ quên những người đã hy sinh thân mạng, chết theo vận nước đen tối, nhất là những vị tướng lãnh, sĩ quan theo gương của danh tướng Trần Bình Trọng, “thà làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc”. Nổi tiếng nhất, chúng ta được biết là đại tá Hồ Ngọc Cẩn, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Trần Văn Hai.

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24-3-1938, học Trường Thiếu sinh quân Gia Định năm 1951, rồi Liên trường Võ khoa Thủ Đức năm 1961. Rời trường Thủ Đức, chuẩn úy Hồ Ngọc Cẩn học tiếp khóa huấn luyện Biệt Động Quân, và về phục vụ tại Tiểu đoàn 42 BĐQ, thăng dần lên trung úy và làm tiểu đoàn phó TĐ nầy. Lên đại úy năm 1966, Hồ Ngọc Cẩn được chuyển đi làm tiểu đoàn trưởng TĐ 1 Trung đoàn 33, SĐ 21 BB. Sau vụ Tết Mậu Thân (1968), ông thăng thiếu tá, rồi lên trung tá năm 1970. Ông được cử giữ trung đoàn trưởng TĐ 15, SĐ 9 BB. Trong chức vụ nầy, ông đã hành quân giải cứu An Lộc năm 1972. Cuối năm 1973, ông giữ chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện.

Khi đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng, đại tá Hồ Ngọc Cẩn vẫn tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng tại tiểu khu Chương Thiện. Ông bị CS bắt và đưa ra xử bắn tại Sân vận động Cần Thơ ngày 14-8-1975.

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ sinh ngày 22-8-1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Năm 1951, ông theo học khóa 2 Trường Võ Bị Địa Phương ở Huế (đóng ở Đập Đá), và tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy. Dần dần, ông thăng lên thiếu tá năm 1965. Sau cuộc tử thủ An Lộc trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972, đại tá Lê Nguyên Vỹ được cử làm tư lệnh phó sư đoàn 21 Bộ Binh, dưới quyền chuẩn tướng Lê Văn Hưng.

Sau đó, đại tá Vỹ được cử đi tu nghiệp khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Trở về Việt Nam, đại tá Vỹ được thăng chuẩn tướng và giữ chức tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh.

Ngày 30-4-1975, sau khi nghe nhật lệnh của đại tướng Dương Văn Minh, quyền tổng thống VNCH, kêu gọi quân đội buông súng, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ ra lệnh cho binh sĩ giải tán. Phần ông, ông dùng súng tự sát tại sân cờ Bộ Tư Lệnh SĐ 5 BB ở Lai Khê, Bình Dương.

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng sinh ngày 27-3-1933 tại Hóc Môn (Gia Định). Ông tốt nghiệp khóa 5 (khóa Vì Dân) Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức vào tháng 1-1955. Ông rất nổi tiếng trên chiến trường đồng lầy miền tây nam, thăng thiếu tá năm 1966, lên trung tá năm 1967 và đại tá năm 1968. Năm 1970, ông được bổ nhiệm là tỉnh trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), rồi tư lệnh Sư đoàn 5 BB năm 1971.

Năm 1972, Lê Văn Hưng cương quyết tử thủ tại An Lộc và cuối cùng đẩy lui cuộc tấn công của CSVN. Ông được thăng chuẩn tướng, giữ chức tư lệnh phó Quân khu III. Năm sau, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh SĐ 21 BB, rồi thăng tư lệnh phó Quân đoàn IV, dưới quyền thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Dầu CSVN đã vào đến Sài Gòn, chuẩn tướng Lê Văn Hưng và thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam cố gắng lập mặt trận miền Tây chống CSVN, nhưng thất bại. Lê Văn Hưng dặn dò vợ con, từ biệt thuộc cấp, rồi vào văn phòng tự sát lúc 8G 45 phút tối 30-4-1975.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, nguyên quán làng An Cựu, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, sinh tại Đà Nẵng ngày 23-9-1927. Năm 1953, sau khi rời Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, ông gia nhập binh chủng Nhảy Dù tháng 10-1953.

Năm 1965, Nguyễn Khoa Nam thăng thiếu tá và giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 ND. Năm 1967, ông lên trung tá và được bổ nhiệm lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 ND. Cuối năm 1967, ông lên đại tá. Năm 1969, Nguyễn Khoa Nam được chuyển làm tư lệnh Sư đoàn 7 BB. Tháng 11 cùng năm, ông được thăng chuẩn tướng. Năm 1972 Nguyễn Khoa Nam thăng thiếu tướng. Tháng 11-1974, ông được cử giữ chức tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng IV Chiến thuật.

Khi Sài Gòn bị CSVN tràn ngập, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam cùng chuẩn tướng Lê Văn Hưng dự tính lập phòng tuyến chống cộng tại miền Tây, nhưng thất bại. Cuối cùng, trong lễ phục trắng của QĐVNCH, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát tại bộ chỉ huy lúc 7:30 sáng 1-5-1975.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú sinh năm 1925, tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 6 Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1953 và gia nhập binh chủng Nhảy Dù. Trong trận Điện Biên Phủ, ngày 15-4-1954, trung úy Phạm Văn Phú được thăng đại úy tại mặt trận.

Sau trận Điện Biên Phủ, đại úy Phú bị VM cầm tù và được trao trả sau hiệp định Genève (20-7-1954). Đại úy Phú tiếp tục phục vụ trong QĐVNCH. Năm 1962, Phạm Văn Phú thăng thiếu tá, giữ chức Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quan sát 77 Lực lượng Đặc biệt. Năm 1964, ông thăng trung tá, giữ chức tham mưu trưởng LLĐB. Hai năm sau, ông thăng đại tá và chuyển qua là tư lệnh phó Sư đoàn 2 BB, rồi tư lệnh phó Sư đoàn 1 BB. Năm 1968, đại tá Phú được cử giữ chức tư lệnh Biệt khu 44 gồm các tỉnh biên giới Việt Miên. Năm sau ông được thăng chuẩn tướng. Năm 1970, ông trở về làm tư lệnh LLĐB, rồi làm tư lệnh SĐ 1 BB và thăng thiếu tướng năm 1971. Tháng 11-1974, thiếu tướng Phạm Văn Phú thay tướng Nguyễn Văn Toàn giữ chức tư lệnh Quân đoàn II Vùng II Chiến thuật.

Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng 3-1975, ông được lệnh rút quân từ cao nguyên về đồng bằng. Cuộc lui quân bị thảm bại. Ngày 29-4-1975, thiếu tướng Phú uống thuốc độc quyên sinh và tuẫn tiết vào trưa hôm sau.

Chuẩn tướng Trần Văn Hai sinh năm 1929 tại Cần Thơ, tốt nghiệp khóa 7 Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1951, cấp bậc thiếu úy. Năm 1960, đại úy Trần Văn Hai được gởi tu nghiệp khóa Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ. Năm 1963, ông được thăng thiếu tá, giữ chức chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Năm 1965, ông Hai lên trung tá và làm tỉnh trưởng Phú Yên.

Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968), Trần Văn Hai lên đại tá và được cử giữ chức tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia thay thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Năm 1970, Trần Văn Hai lên chuẩn tướng và được cử giữ tư lệnh Biệt khu 44, rồi năm sau, làm chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân. Năm 1972, Trần Văn Hai phụ trách tư lệnh phó hành quân của Quân đoàn II đặc trách biên phòng. Năm 1973, ông trở thành chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn kiêm chỉ huy trưởng Huấn khu Dục Mỹ Quân đoàn II. Năm 1974, ông thay thế thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, làm tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh.

Chiều ngày 30-4-1975, được lệnh của quyền tổng thống Dương Văn Minh, chuẩn tướng Trần Văn Hai cho binh sĩ trở về đời sống dân sự, ông vào phòng chỉ huy ở Mỹ Tho, uống độc dược quyên sinh lúc 5G.

Trên đây là tóm lược sự nghiệp của tổng thống Trần Văn Hương và sáu sĩ quan cao cấp đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975. Thật ra, trong suốt cuộc chiến vừa qua, không biết bao nhiêu người đã hy sinh vì lý tưởng tự do dân chủ. Ngay trong ngày 30-4-1975, rất nhiều người đã tuẫn tiết, từ hàng binh lên tới cấp tướng, mà càng ngày người ta càng phát hiện, như mới đây vụ ở Quy Nhơn, ở Huế...

Những vị nầy đã chọn cái chết, hoặc ở lại chịu đựng với đồng đội mà không ra đi khi CS tràn vào, dầu họ có điều kiện để ra đi. Ví dụ trường hợp tổng thống Trần Văn Hương. Trước khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 28-4-1975, đại sứ Pháp cho người mời tổng thống Hương di tản. Tổng thống Hương trả lời: “Nếu trời hại, nước tôi mất, tôi xin thề là sẽ ở lại đây và mất theo nước mình.”

Sau đó, ngày 29-4-1975, đích thân đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, cùng một viên tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp, đến gặp và mời Trần Văn Hương ra đi. Hai bên nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông Hương trả lời: “Thưa Ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và dứt khoát ở lại với nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng Cộng sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ, nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau khổ tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cảm ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.” Sau khi nghe Trần Văn Hương trả lời, trong đó có câu “Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó” (Les États Unis ont aussi leur part de responsabilité…), , đại sứ Martin nhìn trân trân vào ông Hương, rồi ra đi mà chẳng bắt tay nhau. (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 352-355.).

Đó là tư cách và khẩu khí một tổng thống, một nhà lãnh đạo. Về phía các quân nhân, có lẽ nhiều người đã đọc những bài tường thuật về sự tuẫn tiết của các vị anh hùng nầy. Ở đây, xin nhắc lại những lời cuối cùng của đại tá Hồ Ngọc Cẩn.

Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị bắt tại bộ chỉ huy tiểu khu Chương Thiện. Ngày14-8-1975, ông bị CS đưa đi xử tử tại Sân vận động Cần Thơ. Trước khi hành hình, quân CS hỏi ông có nhận tội không, thì đại tá Hồ Ngọc Cẩn trả lời như sau: “Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không hạ nhục các anh như ác anh bôi lọ tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Các anh không có ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phán xét các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, các anh cứ giết đi. Không cần phải bịt mắt.” Sau đó, đại tá Hồ Ngọc Cẩn hô lớn: “Đả đảo cộng sản! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!” (Theo lời kể của hai nhân chứng: cựu trung tá Bùi Văn Địch (Berlin, Đức) và bà Vũ Thị Quỳnh Chi (Marseille, Pháp). (đại tá)

Tưởng niệm những anh hùng đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975, cũng là cơ hội cho chúng ta ôn lại lịch sử những ngày tháng đen tối trên đất nước chúng ta. Chế độ chúng ta sụp đổ không phải vì lãnh đạo hay vì quân đội chúng ta bất lực hay bất tài như nhiều người đổ lỗi. Phải công bình mà thấy rõ rằng, sau khi người Mỹ và Đồng minh rút quân vào năm 1972, quân đội VNCH đơn độc chiến đấu chống CSVN rất hữu hiệu trong các năm 1972, 1973, 1974 nhờ lúc đó hỏa lực còn đầy đủ. Chỉ khi bị cắt viện trợ, thiếu đạn dược, quân đội VNCH mới bắt đầu lúng túng và thất thế.

Có thể nói chế độ chúng ta bị bức tử từ cả hai thế lực tư bản và CS. Ai cũng biết trong khi Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ, thì CSQT giúp đỡ tối đa cho Bắc Việt để Bắc Việt tấn công chúng ta.

Chúng ta nhìn lại quá khứ không phải để trách cứ quá khứ, hay để đổ tội cho ai, mà nhìn lại quá khứ để từ đó rút ra kinh nghiệm cho tương lai. Sau năm 1975, bản chất độc tài toàn trị, phản dân, bán nước của CSVN đã lộ quá rõ trước mắt toàn dân. Ai ai cũng thấy rõ điều nầy. Ngay cả những cán bộ CS cũng sáng mắt ra vì điều nầy. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã nói đúng: “Lịch sử sẽ phán xét các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy.”

Ngày nay, tuy chỉ mới hơn 35 năm, LỊCH SỬ ĐÃ PHÁN XÉT. Chân lý đứng về phía lý tưởng Quốc gia Dân tộc. Chân lý đứng về phía Tự do Dân chủ. Bởi vì không bao giờ dân tộc Việt Nam chấp nhận một chế độ phản quốc như chế độ CSVN hiện nay, cam tâm bán đứng đất đai, biển cả mà tiền nhân đã tốn bao nhiêu xương máu tạo dựng và bảo vệ. Trước tình hình hiện nay, xin mọi người hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, để cùng nhau tiếp tục cuộc tranh đấu cho tương lai.

Có người hỏi, thời còn binh hùng tướng mạnh mà chúng ta không thành công, bây giờ làm sao mà tranh đấu? Câu trả lời rất đơn giản: Có người nào muốn CS ngự trị mãi trên đầu trên cổ dân tộc Việt Nam hay không? Nếu không muốn, thì chúng ta phải tiếp tục tranh đấu. Dĩ nhiên cuộc tranh đấu ngày nay không phải bằng võ khí đạn dược, mà bằng văn hóa và chính trị, bằng dân chủ pháp trị. Cuộc tranh đấu bằng văn hóa và chính trị chắc chắn cũng cam go và lâu dài không kém bằng cuộc tranh đấu võ lực trong thời gian trước năm 1975. Có thể còn chậm chạp hơn là đàng khác. Chúng ta phải tiếp tục tranh đấu để làm ngắn bớt đời sống của CSVN, để làm giảm tuổi thọ của CSVN trên quê hương chúng ta. Chuông không gõ không kêu, đường không đi không đến. Đời chúng ta không thành công thì đời con cháu chúng ta sẽ thành công.

Xin tất cả hãy tiếp tay với những người trong nước, đòi hỏi xóa bỏ độc tài, đòi hỏi dân chủ, bởi vì dân chủ là con đường duy nhất để xây dựng tương lai đất nước. Chắc chắn lẽ phải sẽ tất thắng. Chắc chắn dân chủ sẽ tất thắng.

Trên bước đường tranh đấu cho tương lai dân chủ Việt Nam, các Hội Cựu Quân Nhân Hải ngoại giữ một vai trò rất quan trọng, không kém gì quân đội VNCH trước năm 1975. Xin hết lời ca ngợi các Hội CQN Hải ngoại đã giữ lửa trên 35 năm nay. Xin chúc các Hội CQN vững tin nơi chính mình, nơi lý tưởng của mình, đừng mệt mỏi vì đường dài hun hút, đừng chao đảo vì những tuyên truyền xuyên tạc của CSVN. Đồng ý rằng trong cuộc sống mới tại quê hương mới, mọi người đều cần có thời gian thư giản sau những ngày làm lụng mệt nhọc, nhưng bên cạnh những cuộc vui chơi thư giản, xin đừng quên mình là cựu quân nhân, đừng quên mình đã từng mang trên người 6 chữ vàng TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.

Vâng, 6 chữ vàng TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM là tiếng gọi thiêng liêng cao cả, suốt đời hướng dẫn chúng ta đi tới mục đích cuối cùng, làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với sự tin tưởng của quần chúng, với sự hy sinh anh dũng của tiền nhân, nhất là sự hy sinh của những người đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 29-1-2011)
.
.
.

No comments: