Friday, January 28, 2011

CỦA GIẢ & CỦA NỢ (Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến

Ở Hà Nội “… có Hàng Bún, Hàng Cá, Hàng Cháo, Hàng Chuối, Hàng Dầu, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ðường, thậm chí có cả Hàng Rươi. Tiểu thủ công nghiệp có các Hàng: Bạc, Bài, Cót, Da, Ðiếu, Ðồng, Mã, Giầy, Giấy, Nón, Vải, Trống, Phèn, Quạt, Vôi, Thiếc, Mành, Tre, Thùng, Cân… Ða số các hàng chỉ còn là cái tên gọi, còn hàng hoá thì đã ‘hiện đại hóa’, phố nào cũng đầy quần áo dầy dép, hàng Trung Quốc và Thái Lan. Hàng Mã có lẽ là nơi duy nhất giữ nguyên truyền thống, bán toàn đồ mã”.
Đó là ghi nhận của nhà văn Phạm Xuân Ðài, trong tác phẩm Hà Nội Trong Mắt Tôi, sau khi ghé thăm thành phố này, vào mùa thu năm 89. Dù vốn rất cả tin, và hoàn toàn không có ác cảm gì với giới người cầm bút, sao tôi vẫn thấy có điều gì “không ổn” trong đoạn văn thượng dẫn.

Kinh nghiệm của tôi với chế độ cộng sản tuy ngắn nhưng (chắc) đủ. Ngay sau khi họ chiếm được miền Nam, những sợi dây thun cũng thun nhỏ ngay lại, những cái bao ni lông đang trắng cũng vội biến thành sắc mầu đen xỉn. Có lẽ cả đến ngọn cỏ và côn trùng của phần đất này cũng phải (lật đật) thay hình đổi dạng, để thích nghi với hoàn cảnh mới. Như thế, lẽ nào, sau hơn nửa thế kỷ “cách mạng” mà vẫn có một thứ “truyền thống” nào đó vẫn còn được “giữ nguyên” – như Hàng Mã – ở Hà Nội?

Sự bi quan và nghi ngại của tôi hoàn toàn tan biến, sau khi được xem về tục đốt vàng mã ở Việt Nam (hiện nay) qua báo Người Lao Động – số ra ngày 29/01/2010:
Trên thị trường, các loại sản phẩm hàng mã cũng rất phong phú, đa dạng như tiền ta, tiền đô la, vàng lá, quần áo, vải vóc, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thậm chí cả các hình nộm ôsin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu. Điều đáng nói ở đây là các đồ vàng mã này không hề rẻ một chút nào. Những món cầu kỳ như: nhà lầu, ô tô… giá lên tới mấy trăm ngàn đồng. Nhiều hộ dân cứ mỗi tháng đốt vàng mã hai lần, vào ngày mùng 1 và ngày rằm.

Tôi thực áy náy vì đã thiếu niềm tin nơi một người cầm bút (khả tín) như nhà văn Phạm Xuân Ðài, và đã … “ngờ oan” cho những người Cộng Sản. Hàng mã, rõ ràng, vẫn đang sống hùng và sống mạnh. Không những thế, tôi còn được nghe kể nhiều giai thoại lý thú về sản phẩm này – nhất là thứ đồ mã làm tại làng Ba Ðình, Hà Nội.

Nhiều nơi ở quê tôi cũng thường có những sản phẩm đặc thù tương tự: nhiễu Bình Ðịnh, the La Khê, lụa Cổ Ðộ, bút Bạch Liên, mực Kiêu Kỵ, giấy Yên Thái, vải Thượng Hội, giày Trúc Lâm, chiếu Thiện Trạo, gốm Bát Tràng, mây Phú Vinh, nón lông Kim Ðộng…

Bằng chính sách kinh tế hoạch định, những sinh hoạt ngành nghề riêng biệt kể trên đều được người cộng sản đưa vào tổ hợp. Với thời gian, tất cả đều chết dần, chết mòn, và chết ráo – trừ nghề làm đồ mã. Hiện tại ở Việt Nam có hai loại đồ mã: loại gia công, gồm những thứ vặt vãnh (nhà, cửa, ngựa, xe, con hầu, tầu thuyền, tiền giấy…) để đốt cúng cho người quá cố, không tiện đưa vào tập thể vì nó trái với chính sách bài trừ dị đoan của nhà nước; loại quốc doanh, gồm những mặt hàng chiến luợc là sản phẩm riêng biệt của dân làng Ba Ðình, Hà Nội – nơi tập trung những gia đình thuần túy hành nghề cách mạng, và hiện đang là giới cầm quyền ở Việt Nam.

Phần nhờ bản tính khéo léo, phần nhờ học hỏi thêm được nhiều tiểu xảo từ những nước xã hội chủ nghĩa anh em, nửa thế kỷ qua, dân làng Ba Ðình đã làm được nhiều thứ đồ mã nổi tiếng khắp nơi. Xin đơn cử vài mặt hàng tiêu biểu.
Trước hết, xin giới thiệu qua về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Món đồ mã này được làm ra vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và làm khéo đến độ khiến một số người dân miền Nam tưởng là đồ thật. Không ít kẻ đã bỏ mạng hay bỏ mẹ (đời) vì nó. Ðến lúc được mang ra đốt, nó cháy như điên. Sự nghiệp cách mạng, của nhiều người miền Nam, cũng cháy theo luôn – như đuốc.
Trên danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chưa hoàn toàn cháy hết, nó chỉ bị “sát nhập” vào Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Ðây là một sản phẩm đặc sắc khác của dân làng Ba Ðình, được làm ra vào tháng 9 năm 1955. So với nó thì những thứ đồ mã vớ vẩn như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hoà Bình Việt Nam… đều là chuyện nhỏ, nếu không muốn nói là đồ bỏ, chỉ có tính cách giai đoạn mà thôi.

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là loại hàng chiến lược, tập hợp nhiều món đồ mã linh tinh khác – đại loại như Hội Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Tôn Giáo, Hội Nông Dân Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Công Ðoàn… Nó được dân làng Ba Ðình dụng công dụng sức rất nhiều, thỉnh thoảng vẫn được tu bổ hay sơn phết lại, để dùng lâu hay dùng luôn – nếu được.

Hiến pháp 1992, điều 9, của CSVN đã “tô điểm” cho nó như sau: “Mặt Trận Tổ Quốc và các thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân… động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước… Nhà nuớc tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.

Nghe (cứ) y như thật vậy. Sự thật, được một nhân sĩ mô tả như sau:
Anh nắm hết mọi sức mạnh trong tay, muốn bầy đặt cái gì cũng được, anh có dành cho nhân dân một hội đồng để giúp anh thu thập tiếng nói của dân, hay anh lại tìm cách đưa Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy sang phụ trách luôn… cho nhất quán?” (“Chia Tay Ý Thức Hệ Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, tháng 1 năm 96, trang 162).

Ðó không phải là thái độ của những người quân tử – nếu vẫn nói theo ngôn ngữ (rất lịch sự) của ông Hà Sĩ Phu, qua tác phẩm vừa dẫn. Cùng với cung cách tiểu nhân tương tự, theo điều 5 của Luật Bầu Cử Quốc Hội thì Mặt Trận Tổ Quốc có nhiệm vụ “chọn lựa giới thiệu nguời ứng cử đại biểu quốc hội…” Như vậy kêu bằng “đảng cử dân bầu,” nếu nói một cách lươn lẹo – theo chính sách. Còn thấy sao nói vậy thì cái gọi là quốc hội Việt Nam (rành rành) chỉ là phó sản của Mặt Trận Tổ Quốc, hay nói cách khác thì đó là một thứ đồ mã của dân làng Ba Ðình mà thôi.

Và điều này đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói rõ từ lâu trong một bài tham luận, đọc trước Hội Nghị Mặt Trận Trung Ương, hôm 30 tháng 10 năm 1956: “Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua chính sách mà thôi… với vai trò yếu ớt hiện thời quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.
Với thời gian, “vai trò yếu ớt” của Quốc Hội Việt Nam dần trở thành… truyền thống. Và truyền thống này được “trân trọng lưu giữ” cho mãi đến tháng 6 năm 2010 mới thấy blogger Kami lên tiếng:
Đã đến lúc, người dân Việt nam chúng ta cần thực tế hơn, cần xét tới việc có nên có Quốc hội tồn tại nữa hay không?
...
Đó là một việc làm thiết thực và có hiệu quả, bỏ các cơ quan không cần thiết và mang tính hình thức như Quốc hội là hợp lòng dân chúng. Quyết định đó chắc chắn sẽ được toàn thể nhân dân ủng hộ nhiệt liệt, hãy dùng khoản ngân sách hàng năm dành cho Quốc hội hàng ngàn tỷ đồng để mở và duy trì mấy cái nhà thương làm phúc, để chữa bệnh cho người nghèo và người già không nơi nương tựa…(Việt Nam: Đảng đã lãnh đạo thì quốc hội có để làm gì?)
Để làm… vì chớ còn làm gì nữa, cha nội?

Tốn kém chút đỉnh thì ăn nhằm cái gì chớ. Báo Điện Tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam, số ra ngày 22/02/2010, mô tả tục đốt vàng mã hiện nay là “lãng phí vô kể” và “thiệt hại khôn lường” kìa:
Trung bình mỗi năm người dân Thủ đô tiêu tốn mất 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Riêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lượng vàng mã đem ‘hóa’ mỗi ngày lên tới hàng tạ, bằng 80-100 triệu đồng tiền thật.

Coi: thường dân, ở cõi âm, còn được phục vụ tới nơi tới chốn như vậy; lẽ nào, hương hồn của cả chục triệu liệt sĩ không xứng đáng có một cái quốc hội (ma) sao? Nhiều hộ dân cứ mỗi tháng đốt vàng mã hai lần, vào ngày mùng 1 và ngày rằm. Như thế, nếu mỗi năm Quốc Hội họp đôi lần thì tốn phí cũng đâu có gì quá đáng. Chớ không lẽ sau khi đã trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, để giành cho bằng được “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” mà chung cuộc lại không có được một cái Quốc Hội – để làm dáng (à) ?

Lấy ngân sách hàng ngàn tỷ đồng dành cho Quốc Hội “để mở và duy trì mấy cái nhà thương làm phúc” theo như đề nghị của ông Kami là chuyện hà tiện không đúng chỗ, và cũng không đúng lúc – nhất là cái lúc mà Quốc Hội vừa (dám) bác bỏ dự án đường sắt cao tốc có kinh phí 56 tỉ hôm 19 tháng 6 vừa qua.

Phép lạ này khiến mọi người đều hớn hở ra mặt. VOA nghe được hôm 26 tháng 6 năm 2010, trích lời giáo sư Ben Kerkvliet – một chuyên gia về Việt Nam của Đại học Quốc gia Australia – rằng: “Đây là lần đầu tiên quốc hội Việt Nam bác bỏ một dự án quan trọng của chính phủ. Ông cho rằng các đại biểu quốc hội đã vượt qua một ngưỡng quan trọng trong quá trình phát triển định chế chính trị quốc gia.

Cũng theo bản tin thượng dẫn:
Một số người Việt Nam nói rằng các đại biểu, trong đó có hơn 90% là đảng viên Cộng Sản, đã chứng tỏ rằng họ thực sự hành động vì quyền lợi của người dân. Nhiều độc giả của các tờ báo trên mạng đã đăng những ý kiến phản hồi cho rằng các đại biểu quốc hội là những người ‘dũng cảm’ và là “đại biểu tốt’. Ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ, cho biết nhiều người tin rằng đây là một trường hợp chưa từng có và có thể là một mẫu mực cho hành động của quốc hội trong tương lai…

Nghe thiệt quá đã. Cứ y như chuyện thần thoại vậy. Một thúng tiền mã để qua đêm (bỗng) biến thành bạc thật. Phen này, tha hồ mà tiêu xài thoải mái.

Đời đâu có dễ sống vậy, mấy cha?

Cái được mô tả là thái độ “dũng cảm” vừa qua của qúi vị dân biểu (trong chuyện phủ quyết dự án đường sắt cao tốc) nếu không phải là chiến thuật lùi một bước để chuẩn bị tiến hai bước của ĐCSVN thì cũng chỉ là một màn trình diễn để cho cái gọi là quốc hội trông bớt phần rệu rã – trước dư luận trong và ngoài nước – thôi.

Cho đến bao giờ mà qúi vị dân biểu vẫn tiếp tục ngồi họp trong một đại sảnh có chưng bảng hiệu “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm,” vẫn im thin thít trước hành vi ngang ngược của bọn bá quyền phương Bắc, và vẫn chấp nhận điều Bốn Hiến Pháp như là một một sự kiện “tất yếu” thì cái được gọi là Quốc Hội không chỉ là của giả mà còn là của nợ.

Tưởng Năng Tiến
7/2010
.
.
.

No comments: