Thứ bảy 29 Tháng Giêng 2011
Ai Cập bùng nổ, Ai Cập bốc cháy, Ai Cập : cuộc nổi dậy, tổng thống Moubarak dưới sức ép ; trên đây là tựa lớn nổi bật trên trang nhất các nhật báo từ l’Humanité, Le Figaro, cho đến Libération, Le Monde. Tất cả đều nhất loạt tập trung trên tình hình ngày càng nóng bỏng thêm tại Ai Cập.
Với dòng tựa « Ai Cập rực lửa », Le Figaro, đăng bức ảnh một thanh niên với khăn che nửa dưới khuôn mặt, phía sau là những ngọn lửa đang bốc cháy. Tờ báo nhắc lại là lệnh giới nghiêm đã được ban hành, tình hình rất hỗn loạn, tối qua đã có 20 người chết.
Libération ghi nhận một khiá cạnh khác, và đăng ảnh người biểu tình trèo lên một chiếc xe thiết giáp của quân đội trên một đường phố Cairo nhưng lính trên xe không kháng cự. Tờ báo chú thích : « Người biểu tình không tuân lệnh giới nghiêm, một số lính còn kết thân với đám đông dân chúng ».
Libération còn dành cả 7 trang trong mục sự kiện để điểm lại các sự cố diễn ra hôm qua, ‘‘Ngày đã làm Ai Cập chao đảo’’, tít lớn của hồ sơ.
Biểu tình rầm rộ chưa từng thấy, tổng thống Mubarak đã phải cách chức chính phủ và thông báo một số biện pháp dân chủ. Một điểm khác nữa mà tờ báo ghi nhận là quân đội hôm qua đã vào trấn giữ thủ đô Cairo và những thành phố lớn. Họ thay thế lực lượng cảnh sát đã đàn áp biểu tình trong mấy ngày qua.
Libération giải thích là quân đội được xem là ‘trung lập’ và có một uy tín mà cảnh sát không thể bì kịp. Khi lính và xe thiết giáp được triển khai ở Cairo, họ đã được dân chúng hoang nghênh. Tờ báo còn nói thêm là tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, tướng Sami Anan, một người thân cận với Washington, có thể đóng một vai trò quan trọng trong những ‘giờ phút ’sắp tới.
Trong khi đó thì ông El Baradei, cựu giám đốc cơ quan Nguyên tử Quốc tế AIEA và là giải Nobel Hoà Bình, một gương mặt tiêu biểu cho phe đối lập Ai Cập thì lại không lôi cuốn được quần chúng, vì bị đánh giá quá xa rời người dân trong nước do sống ở ngoại quốc nhiều hơn là ở Ai Cập.
Le Figaro trên 2 trang báo mục quốc tế, cũng điểm lại tình hình hôm qua, và chạy một hàng tựa không mấy thiện cảm đối với ông Mubarak mà tờ báo cho là đang ‘bám trụ’ trước ‘cuộc Cách mạng Giấy cói’ (giấy cói mà người Ai Cập cổ xưa sử dụng làm giấy viết được xem là biểu tượng của Ai Cập).
Về ông El Baradei, Le Figaro cũng cùng nhận định với đồng nghiệp Libération : ông là một người ít được biết đến ở Ai Cập. Việc ông quay trở lại Cairo, theo tờ báo đã làm dấy lên nhiều tin đồn : một số người cho là ông là người mà Washington sử dụng để thúc đẩy dân chủ ở Ai Cập, một số người khác thì nhìn ông như một con tốt của Iran.
Le Figaro cũng đặc biệt chú ý đến việc quân đội được triển khai trong các thành phố lớn, và chạy tựa : « Chính quyền và đường phố đang tranh giành hậu thuẫn của quân đội ».
Le Figaro cho là quân đội Ai Cập vốn thường đứng bên ngoài các vấn đề nội bộ, nhưng bây giờ đã phải xuất hiện để chấm dứt tình trạng nổi dậy, và nhắc nhở rằng chính họ là định chế nắm chià khoá vận mệnh đất nước. Theo Le Figaro, đây là lần đầu tiên người dân Cairo thấy thiết giáp xa trên đường phố từ cuộc biểu tình của học viên cảnh sát năm 1986.
Le Figaro nhắc lại vai trò then chốt của quân đội ở Ai Cập : một định chế bảo đảm sự ổn định của chế độ từ khi nổ ra cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952, và cũng chính quân đội đã ‘cung cấp’ các tổng thống cho Ai Cập, kể cả ông Mubarak hiện nay, từng là tư lệnh không quân.
Quân đội có tiếng là định chế ít tham nhũng nhất Ai Cập, vừa bị người dân e ngại, nhưng cũng vừa được kính trọng. Ngày hôm qua khi chiến xa tiến vào Cairo, họ đã được người biểu tình hoan nghênh như là đã đạt được một thắng lợi.
Theo bài báo từ mấy năm qua, đã có nhiều tin đồn là quân đội sẽ trở lại nắm quyền. Hôm qua khả năng này càng rõ nét. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, tướng Sami Anan, đã rút ngắn chuyến viếng thăm Washington để trở về Cairo trong đêm.
Tuy trước mắt chưa biết vai trò của quân đội sẽ là gì trong giai đoạn tới đây, nhưng Le Figaro trích lời nhận xét của một nhà báo Ai Cập cho rằng : « Người ta biết rõ lúc giao chìa khoá cho quân đội, nhưng lúc nào thì chìa khoá này được trả lại thì đó là điều không rõ ràng chút nào cả ».
.
.
.
No comments:
Post a Comment