Sunday, January 30, 2011

HỠI CÁC NHÀ BÁO, HÃY TỰ CỨU MÌNH! (Mạc Việt Hồng)


Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), năm 2010 có 57 nhà báo trên thế giới bị sát hại. Một nửa trong số này thiệt mạng trong các vùng chiến sự, hay các nơi có giao tranh giữa các nhóm phiến quân, du kích… Số còn lại phần lớn bị sát hại bởi các nhóm băng đảng tội phạm hay các nhóm quyền lực mà những tác nghiệp của phóng viên đụng chạm tới quyền lợi của họ. Vẫn theo RSF, con số các nhà số đó, ắt hẳn có một số nhà báo Việt Nam. Ai sẽ bảo vệ các nhà báo? Làm sao để nghề báo trở nên an toàn hơn?báo bị cầm tù năm 2010 là 535 người, trong đó châu Á chiếm 124, châu Phi giữ vị trí ‘đầu bảng’. Góp mặt trong

Câu chuyện đau lòng của 2 nhà báo

Tin nhà báo Lê Hoàng Hùng (bút danh Hoàng Hùng, Trần Hải Nguyên), cây bút chuyên về mảng pháp luật, xã hội, với những chủ đề gai góc của báo Người Lao Động vừa ra đi gây xúc động cho nhiều nhà báo Việt Nam. Dưới tin tức về sự ra đi của anh có hàng trăm các ý kiến sẻ chia, thương tiếc của bạn đọc và đồng nghiệp. Nhà báo Hùng sinh năm 1960, 30 năm trong nghề và 9 năm cuối cùng là phóng viên của báo Người Lao Động.
Vụ sát hại diễn ra như sau, nhà báo Hùng bị kẻ ác đổ cồn vào người và châm lửa đốt lúc 1h30 đêm ngày 19/1/2011 khi đang ngủ một mình tại tầng trệt của nhà riêng sau khi thức khuya và hoàn thành 3 bài báo cho những ngày Tết. Anh Hùng bị bỏng 50% ở mức sâu và đã không qua khỏi do nhiễm trùng vết thương dù được cứu chữa tận tình bằng những loại kháng sinh mới nhất.

Lê Hoàng Hùng (1960- 2011). Ảnh báo NLĐ

Đồng nghiệp trong tòa soạn nhận xét về anh là người chưa bao giờ chùn tay trước cái xấu và luôn đấu tranh vì công bằng xã hội, đã lôi ra ánh sáng không ít các trường hợp tiêu cực, đưa nhiều quan tham ra trước vành móng ngựa. Năm 2006, trong một loạt phóng sự liên quan tới đất cát ở tỉnh Long An, anh cùng đồng nghiệp đã từng bị đe dọa tính mạng. Có những bài viết, Hoàng Hùng phải vất vả hàng tháng trời trong vai ‘xe ôm’ để xâm nhập vào thế giới ngầm. Nhiều lần, anh và đồng nghiệp đã nhận được những tin nhắn đe dọa nhưng anh vẫn không lùi bước vì luôn tin rằng “cái ác rồi phải trả giá”. Bạn bè nhớ tới anh với câu nói “Mình phải thay mặt người khác dám nói lên sự thật mới là nhà báo”.
Và cuối cùng, anh đã phải trả giá cho công việc mà mình yêu thích bằng chính mạng sống, để lại người vợ và 2 cô con gái sinh năm 1992 và 1998.
Cái ác vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dù bạn bè và đồng nghiệp tin rằng, anh bị sát hại bởi một trong những thế lực mà ngòi bút của anh đã phanh phui ra ánh sáng. Cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra manh mối nào.

Người thứ 2 trong câu chuyện này là nhà báo Trần Quang Thành, hơn 20 năm là phóng viên của đài Tiếng Nói Việt Nam và đài Truyền Hình Việt Nam. Ba năm gần đây, cựu phóng viên sống ở Slovakia và từng là Tổng biên tập trang Vietinfo(1) ở Cộng Hòa Czech (Séc).
Ông Trần Quang Thành đã đấu tranh chống tham nhũng và đưa ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực thu lại cho nhà nước nhiều tài sản và tiền bạc bị thất thoát.
Năm 1986, nhà báo Thành bị trù dập sau khi đưa vụ cấp trên của ông, ông Viện trưởng, bán thiết bị truyền thanh, truyền hình ăn chênh lệch giá hàng chục ngàn đô la (vào những năm đó là một số tiền rất lớn). Sau đó, ông vẫn tiếp tục viết các bài liên quan tới tham nhũng và phát trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, cung cấp tài liệu cho các cơ quan điều tra giúp chặn đứng những đường dây buôn lậu và buôn bán phụ nữ qua biên giới…
Năm 1990, nhà báo Trần Quang Thành viết loạt bài “Buôn lậu thuốc lá qua đường hàng không và đường bưu điện”, sau đó ông đã cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhân chứng liên quan cho cơ quan điều tra và từ đó mở đầu cho vụ án lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ về chống buôn lậu thuốc lá.

Nhà báo Trần Quang Thành. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau đó, nhiều lần nhà báo Thành đã bị đe dọa, ông yêu cầu cơ quan công an bảo vệ ông, nhưng không ai giúp ông cả, ngoài việc họ đem bằng khen tới tặng ông. Những kẻ bị ông tố cáo cũng chỉ bị giam giữ ít lâu rồi ra, có kẻ còn được miễn truy tố. Tháng 7/1991, nhà báo Thành lãnh nguyên một ca axid vào mặt ngay tại nhà riêng khi ông đang quét sân vào một buổi sớm. Ngay khi nằm trên giường bệnh với thương tật 81%, ông Thành vẫn còn bị đe dọa, nếu đưa sự việc lên báo chí, ông sẽ bị giết.
Một năm sau, khi có thể ra khỏi giường bệnh và mò tới cơ quan điều tra, ông mới hay rằng, không có một văn bản nào nhắc tới sự việc của ông, trên sổ sách giao ban của cơ quan công an vào ngày 4/7/1991 cũng không lưu lại sự việc của ông. Mặc dù, lúc tại nạn xảy ra, công an nói với ông, họ đã thành lập một Ban chuyên án để điều tra (?).
Hai chục năm đã trôi qua, vụ tạt axid nhà báo Trần Quang Thành vẫn rơi vào im lặng. Bản thân ông phải mang một hình hài dị dạng và đau đớn trải qua hai chục lần phẫu thuật.

Ai sẽ bảo vệ?

Trường hợp 2 nhà báo trên cho thấy họ đã không được cơ quan pháp luật bảo vệ một cách thích hợp dù trước khi xảy ra tai nạn đã từng bị đe dọa.
Còn những nhà báo khác thì sao?
Theo một con số thống kê (có thể chưa đầy đủ) trên congluan.vn được trích lại trên Hà Nội Mới thì các nhà báo Việt Nam bị cản trở khi tác nghiệp, hành hung hay đe dọa hàng năm đang tăng dần. Cụ thể: năm 2008 có 542 vụ, đến 2009 tăng thành 749 vụ. Chỉ riêng từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 2010, đã xảy ra 359 vụ.

Một số nhà báo bị hành hung trong khi tác nghiệp (từ trái qua, trên xuống): Trang Dũng (Báo An ninh thế giới),
Minh Quốc (Báo ảnh Việt Nam), Võ Minh Châu (Báo Tiền phong) và Trần Thế Dũng (Báo Người lao động). Courtesy Báo SaigonGP.

Do báo chí Việt Nam nằm dưới sự quản lý của bộ Truyền thông- Thông tin nên các nhà báo đều là người ‘của nhà nước’ hoặc các tổ chức. Những đối tượng cản trở hay hành hung nhà báo khi tác nghiệp thường bị xử lý theo tội danh 257 của Bộ luật Hình sự, tức “chống người thì hành công vụ” với mức tối đa là 3 năm tù giam.

Một nhà báo ở VNN xin được giấu tên, cho biết: “Việc bị xô đẩy, cản trở, hay giằng giật dụng cụ khi phóng viên hành nghề cũng có xảy ra nhưng ít khi có chuyện khởi tố. Chỉ khi nào bị đánh tới mức gây thương tích thì mới lôi nhau ra pháp luật”. Anh cho biết thêm, nhiều khi cũng chỉ xử lý ở mức độ giảng hòa hay bồi thường tiền thuốc men, kết án cũng có nhưng chỉ những vụ lớn, ồn ào trên công luận. Trước những vụ việc nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng thì sao? Vẫn nhà báo này cho biết, “thì phải liệu cơm gắp mắm thôi, đối tượng dữ quá đôi khi mình cũng phải nhún để an toàn tính mạng”.

Một nhà báo nữ đã “bùng” sang lĩnh vực kinh doanh tâm sự qua chat, chị đã từng bị xô ngã và giựt máy ảnh. Theo chị, các nhà báo trước hết phải tự bảo vệ, khi đi tác nghiệp ở những điểm nóng họ phải đi theo nhóm, có khi phải kết hợp cùng báo bạn dù điều này khá kỵ (về mặt lý thuyết) khi làm báo!

Hãy tự cứu mình

Qua con số thống kê của RSF và những bài báo liên quan tới tai nạn của giới nhà báo khi tác nghiệp, cũng như quan sát thực tế của báo chí châu Âu, có thể nhận thấy rằng, ngoài các nhà báo hy sinh trong các vùng chiến sự, phần lớn tai nạn với nhà báo xảy ra ở các nước thiếu vắng một nền dân chủ. Như châu Phi, Iran, Pakistan, Nga và tất nhiên có Việt Nam, Trung Quốc. Dù ở Việt Nam chuyện nhà báo bị giết không nhiều, nhưng con số bị hành hung hay cản trở lại rất lớn.
Thực tế chứng minh, mức độ an toàn của nghề báo tỉ lệ thuận với tự do báo chí. Chính ở những nơi thiếu dân chủ, thiếu tự do báo chí, các nhà báo đã không nhận được sự bảo vệ đầy đủ của pháp luật!
Nơi đó, chế độ độc tài thường dung dưỡng cho các nhóm quyền lợi, các tổ chức mafia mang tính nhà nước, tập đoàn hay gia đình, tạo điều kiện cho tham nhũng sinh sôi nảy nở. Và chính những thế lực đó luôn là rào cản cho sự tác nghiệp của các nhà báo. Trong nhiều trường hợp, họ thao túng pháp luật và gây nguy hiểm tới an toàn tính mạng của các nhà báo.

Gần 20 năm sống ở Ba Lan, theo dõi báo chí nước sở tại hàng ngày, tôi chưa thấy nhà báo nào bị sát hại (2) hay bị đánh đập khi hành nghề, cho thấy môi trường một nước dân chủ – dù là dân chủ non trẻ như Ba Lan – là nơi lý tưởng và an toàn cho các nhà báo tác nghiệp.

Dân chủ đa nguyên và tự do báo chí là con đường duy nhất giúp các nhà báo Việt Nam rũ bỏ mọi sự kiểm duyệt và được an toàn hành nghề trong sự bảo vệ của nền pháp luật tiến bộ và nghiêm minh.

Cuộc cách mạng mới đây ở Tunisia là một minh chứng mới nhất, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho giới cầm bút nước nhà, khi chỉ sau một đêm mọi sự kiểm duyệt đều bị xóa bỏ và những nhà báo lần đầu tiên được thực sự là nhà báo. Xếp hạng tự do báo chí ở Tunisa đã vọt từ vị trí gần cuối lên đầu bảng.

Nhân cái chết tức tưởi của nhà báo Lê Hoàng Hùng- người tôi không hề quen biết- xin kêu gọi 15 ngàn nhà báo Việt Nam, các anh chị hãy bằng cách này hay cách khác, hình thức này hay hình thức khác, cổ xúy và tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực trên quê hương. Chỉ có như vậy, các anh chị mới thực sự trở thành những nhà báo đúng nghĩa và chỉ có như vậy các anh chị mới được an toàn. Đó là con đường duy nhất để các nhà báo Việt Nam tự cứu mình!

© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt
————————————————
Ghi chú:
(1) Từ hôm 21/1/2011, nhà báo Trần Quang Thành đã từ chức TBT trang mạng Vietinfo vì những mâu thuẫn nội bộ.
(2) Có những nhà báo Ba Lan bị giết hại trong những năm qua nhưng ở Pakistan, Afghanistan.
------------------------------

.
.
.

No comments: