Friday, January 14, 2011

TRẠNG TRÌNH và CHUYỆN MÁC - LÊ (Phan Thế Hải)

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 09:40 13-01-2011

Đầu năm, Chủ tịch được TS Phạm Từ rủ về Vĩnh Bảo dự lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân 425 năm ngày mất của ông. Đã được nghe nhiều truyền thuyết về Trạng Trình và những câu sấm truyền nói về nhân tình thế thái, nay đến quê Trạng để ngẫm chính sự ngay trong kỳ Đại hội Tiệc. 

Trong số những truyền thuyết đó, chuyện Trạng Trình với cung vua Phủ chúa xem ra không hề cổ kính tý nào mà vẫn hiện đại. Khi Đại hội Tiệc đang tiến hành ở Mỹ Đình, ngẫm lại chuyện xưa thấy có nhiều điểm tương đồng.
Đầu thế kỷ XVI, Nhà Lê tham nhũng, thối nát và suy yếu. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê từ tay vua Lê Cung Hoàng, lập nên triều Mạc. Nguyễn Kim khởi nghĩa, tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Lào, đưa về tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548). Năm 1545, ở tuổi 42, Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim) lên nắm quyền chỉ huy quân đội. Từ đây, hệ thống quyền lực nước nhà được hình thành hệ thống song trùng: Cung vua- Phủ chúa.

Thực chất Cung vua chỉ là một hệ thống quyền lực do lịch sử để lại, trấn an dân chúng vốn ít thông tin. Cung vua được hưởng bổng lộc, có một ít quyền lực và được báo cáo một số thông tin bẩm báo mang tính hình thức. Còn hệ thống quyền lực chủ yếu tập trung vào Phủ chúa.

Đó cũng là thời kỳ đặc biệt, có một không hai trong lịch sử khi VN đồng thời tồn tại bốn nhánh quyền lực: Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn vẫn hằm hè, đấu đá nhau, mưu sự thịnh vượng cho mình. Nhân sĩ, trí thức phân vân, chẳng biết nên theo Lê, hay ở lại với Mạc, phù Trịnh hay phù Lê…

Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất, Trịnh Kiểm muốn nhân dịp này để nhà Trịnh thay hẳn nhà Lê, vì thực chất nhà vua chỉ là hư vị, tiêu tiền, hưởng bổng lộc và ra nghị quyết. Mọi quyền bính, điều hành đều ở trong tay họ Trịnh. Trịnh Kiểm hỏi ý kiến Phùng Khắc Khoan, ông này bèn bí mật phái sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình.

Người được cử đi về kể lại: Trạng tiếp đãi rất chu đáo, nhưng ngoài những câu giao tế bình thường, ngài chẳng nói gì hết. Chỉ trong lúc nhấp chén trà, quan Trạng có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu chuyện. Ngài bảo: “Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo”. Uống xong tuần trà, Trạng Trình đứng lên, xin ra chùa thắp hương. Đến cửa chùa, nhà sư ra đón. Trạng bảo nhà sư: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.
Phùng Khắc Khoan vào gặp Trịnh Kiểm, thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của Trạng Trình. Trịnh Kiểm hiểu ngay ý Trạng Trình dặn: Phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài. Và sau đó, Trịnh Kiểm cho tìm cháu của ông Lê Trừ, là anh ruột vua Lê Thái Tổ, tên là Lê Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đem về phò lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.

Từ đó đến nay, tính ra đã 455 năm. Hơn bốn thế kỷ trôi qua, kế sách của Trạng Trình vẫn được sử dụng. Trịnh Kiểm vì động cơ ăn oản mà giữ chùa. Ngày nay, những người có quyền lực giữ Tiệc, thờ Mạc Lê cũng chỉ vì ăn oản mà thôi. Dẫu họ có mang danh này nọ cũng chẳng qua là vì miếng ăn. Trong thời đại toàn cầu hoá và công nghệ thông tin, hệ thống chính quyền song trùng đang tồn tại. Cung vua như một hệ thống quyền lực cũ kỹ, ngồi chễm chệ trên luật pháp, phán xét và hưởng lộc.

Dân chúng phải chịu thêm một tròng và các khoản đóng góp để nuôi cái hệ thống ấy. Hệ thống hành chính phải hình thành thêm một bộ máy, phải thêm một cửa mà các thần dân buộc phải đi qua. Xây thêm miếu là thêm một tuần nhang. Thêm một ông sư là thêm một mâm lễ. Phủ chúa nhiều khi thấy quyền lực của mình bị chia sẻ, chướng, ngứa mắt, muốn xoá quách đi nhưng đụng chạm đến một nhóm lợi ích, đành để yên cho nó lành.

Nước Mỹ có 280 triệu dân, GDP hơn 11 ngàn tỷ đô. Với quy mô nền kinh tế nước này gấp 100 lần VN, nhưng Chính phủ nước này chỉ có 1 tổng thống và một phó tổng thống. Còn ở xứ ta, ngoài hệ thống Chính phủ với 5 phó Thủ tướng, còn có hệ thống Tiệc với 175 uỷ viên ban chấp hành. Nền hành chính ấy, chi phí ấy đều phân bổ lên đầu mỗi người dân.

Cụ Trạng Trình ơi, Cụ quá giỏi hay Tiệc ta bảo thủ mà vẫn duy trì hệ thống chính trị theo mô hình thời cụ Trạng! Phải chăng, đổi mới tuyệt đối và toàn diện vẫn là một câu đùa dai? Triều Mạc Lê thời cụ và Mạc Lê ngày nay có khác gì nhau?  Cụ có thiêng thì sấm cho một câu!

Phan Thế Hải

-----------------------------

Cung VuaPhủ Chúa   -  Nguyễn Trường Kỳ  -  Ngày 05/11/2010  -  © Thông Luận 2010
.
Nguyễn Hữu Tấn Đức  -  Đăng ngày 29/06/2009 lúc 14:04:15 EDT
.
Về Cung đình Cộng sản Hà-nội từ 1991 đến 2008
.
.
.

No comments: