Friday, January 14, 2011

NHÌN LẠI NĂM 2010, NHỮNG SỰ KIỆN (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)

Nguyễn Văn HuyĐăng ngày 13/01/2011 lúc 15:18:03 EST

Kiểm điểm lại tình hình Việt Nam trong năm 2010 là một công tác tuy khá giản dị nhưng cũng rất khó khăn. Giản dị vì không có biến cố nào quá phức tạp để mất nhiều thì giờ giải thích. Khó khăn vì không có biến cố nào có thể lý giải một cách ngắn gọn, tất cả đan xen chồng chéo với nhau đến nỗi không ai còn phân biệt đâu là nguyên nhân đâu là hậu quả, có khi người ta còn tưởng nguyên nhân là hậu quả và hậu quả là nguyên nhân.

Phác họa lại bức tranh vân cẩu Việt Nam trong năm 2010 do đó phải vượt lên cái thường nghe hằng ngày để có một cái nhìn chính xác hơn về đất nước trong năm 2011.
Năm "đỉnh cao đối ngoại" của Việt Nam
2010 được báo chí trong nước đánh giá là năm "đỉnh cao đối ngoại" của Việt Nam. Quả đúng như vậy: Việt Nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, đăng cai các Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus hay ASEAN+8), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), v.v. Tất cả mọi diễn tiến đều xảy ra một cách tốt đẹp.

Cùng với các cuộc họp mặt khu vực, chính quyền cộng sản Việt Nam còn tham gia nhiều hội nghị quốc tế có tầm vóc như Davos, G20, APEC, ASEM... Lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược trong một số lãnh vực với các cường quốc quân sự lớn như Nga, Trung Quốc và Anh, trong tương lai sẽ có thêm Pháp và Hoa Kỳ. Việt Nam đã đối thoại ngang hàng với các cường quốc kinh tế và quân sự lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn... và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với những khối và quốc gia khác trên nhiều lãnh vực.

Thế giới trông đợi rất nhiều vào một quốc gia đã từng đánh thắng các lực lượng quân sự hùng hậu nhất thế giới như Pháp và Mỹ. Các chính quyền dân chủ lớn đã dành cho Việt Nam một cảm tình đặc biệt và một chỗ đứng quan trọng tại Liên Hiệp Quốc, trong các hội nghị thượng đỉnh APEC, ASEM, G20 v.v. Trước sự hung hăng của Trung Quốc, thế giới đã sẵn sàng gác qua một bên những vi phạm nhân phẩm con người trong nước để chính quyền cộng sản Việt Nam tìm lại hào quang của những thập niên 1950 và 1970, nghĩa là một cường quốc khu vực có những cấp lãnh đạo khôn ngoan và can cường dám đối đầu với Trung Quốc.

Dư luận trong nước cũng đã rất phấn khởi trước những sự kiện này. Nhiều người còn hy vọng với những quan hệ hợp tác mới này, Trung Quốc sẽ không còn ức chế hay không hiếp đáp Việt Nam như trước. Kể ra thành công của chính quyền cộng sản trong năm 2010 là đã biến Việt Nam thành một quốc gia độc tài bình thường, không một chính quyền nào đặt lại vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản trên toàn xã hội.

Nhưng càng gần đến cuối năm, hy vọng nhường chỗ cho thất vọng. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không xứng đáng với những kỳ vọng mà thế giới trông đợi. Những thông cáo chung sau những hội nghị chỉ là tấm giấy lộn. Tâm lý khiếp sợ Trung Quốc vẫn còn quá nặng nề, Hà Nội không dám tỏ thái độ trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mọi quyết định quan trọng đều phải tham khảo Bắc Kinh. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không biết vận dụng cơ may đỉnh cao ngọai giao để kêu gọi các công ty quốc tế đầu tư mạnh vào Việt Nam để tạo ra công ăn việc làm cho người trong nước.
Ưu tư của ban lãnh đạo đảng cộng sản, kể cả những người đã về hưu, thật ra chỉ tập trung vào những mục tiêu rất tầm thường: củng cố vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản để tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Như cô bé lọ lem sau một đêm say sưa với mộng đẹp trở về với thực tại phũ phàng vào lúc nửa đêm: cỗ xe lộng lẫy biến thành trái bí, bộ xiêm y sang trọng trở về chiếc áo rách. Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo và chậm tiến so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hà Nội không muốn Việt Nam biến thành một cường quốc khu vực, mang lại niềm hãnh diện chung cho cả dân tộc và đủ khả năng ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Sau 15 năm gia nhập ASEAN, phúc lợi dân chủ vẫn chưa thẩm thấu vào lớp da xã hội chủ nghĩa dầy cộm do đảng cộng sản phủ trên lưng đất nước.
Tranh chấp quyền lực ở cấp chóp bu

Càng đến gần cuối năm, cuộc tranh giành quyền lực ở cấp chóp bu trong đảng cộng sản vượt khuôn khỗ nội bộ để xâm nhập vào quần chúng. Không còn ai xa lạ trước những xung đột phe phái trong đảng cộng sản: phe khuất phục Trung Quốc chống phe thân Trung Quốc. Đại diện phe khuất phục là Nguyễn Tấn Dũng và đại diện phe thân Trung Quốc là Nguyễn Phú Trọng, cả hai cùng tranh giành chức vụ tổng bí thư trong khi chân tay của hai phe phái này chia nhau các chức vụ cao nhất còn lại trong đảng cộng sản.

Nhìn vào chiều sâu, cuộc đấu đá ở cấp chóp bu này chỉ vì quyền lợi. Trâu cày ghét trâu ăn thế thôi. Phe chưa có điều kiện giữ những chức vụ cao muốn phe đã từng có cơ hội nhường chỗ cho họ thay thế. Chức vụ càng cao cơ hội giàu có càng nhiều. Sự gắn bó đoàn kết nội bộ đảng cộng sản hiện nay chỉ là bánh vẽ, tất cả chỉ vì lợi ích riêng tư. Tuy chưa xảy ra án mạng hay mưu sát nhưng phe nào cũng muốn triệt hạ phe kia để nắm giữ độc quyền quyền lợi.

Trong năm 2010, dư luận đã nhận không biết bao nhiêu thư rơi, thư góp ý, thư tố cáo, kiến nghị... phơi bày những thói hư tật xấu của những nhân vật đang tranh chấp. Chính qua những tài liệu này mà dư luận trong và ngoài nước bàng hoàng khám phá phe khuất phục Trung Quốc, tức phe đang cầm quyền, đã nhường cho các công ty Trung Quốc khai thác nhiều vùng đất chiến lược rộng lớn của 18 tỉnh biên giới phía Bắc và 6 tỉnh Tây Nguyên, những vùng đất nhạy cảm mà các bậc cha anh của họ đã đỗ ra rất nhiều xương máu để bảo vệ. Đó là chưa kể Trung Quốc đang là nhà thầu nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, tất cả mọi đại công trình xây dựng đều nằm trong tay người Trung Quốc. Thay vì tuyển chọn nhân công bản địa, các công ty Trung Quốc đưa trực tiếp người của họ từ lục địa vào khai thác, khi hết hợp đồng những người này đã không những không chịu trở về nước mà còn tìm mọi cách ở lại Việt Nam để sinh sống. Kinh nghiệm Tây Tạng đang nẩy mầm trên lãnh thổ Việt Nam.

Thấy gì qua những tranh chấp nội bộ này? Phe khuất phục Trung Quốc đang biến Việt Nam thành một lãnh địa của Trung Quốc. Tình trạng đã quá nguy ngập khiến các bậc lão thành cách mạng chất vấn: "Liệu chúng ta đã bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới chưa?".


Một hiện tượng khó hiểu khác là vai trò của Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ đảng. Ông là ngôi sao đang lên trong hệ thống quyền lực của đảng cộng sản. Xuất thân từ ngành thông tin tình báo, ông đã lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành tình báo quân đội từ 1995 đến nay. Cho dù có bị phản đối dữ dội từ sau Đại hội 9 (2001) về việc dàn dựng các vụ án Năm Châu, Sáu Sứ, T4 khiến nhiều cấp lãnh đạo trong đảng và quân đội bị loại khỏi các chức vụ cao cấp, Nguyễn Chí Vịnh vẫn tiếp tục thăng quan tiến chức: được phong hàm trung tướng năm 2004, thứ trưởng bộ quốc phòng năm 2009, được trao học hàm phó giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế. Hiện nay ông là sợi dây liên lạc giữa Bắc Kinh và Hà Nội về các vấn đề liên quan đến an ninh của hai nước. Ngay sau Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) vừa chấm dứt, ông là người đại diện Việt Nam sang Bắc Kinh báo cáo nội dung những thảo luận trong hội nghị với các cấp lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc.

Nhưng tại sao lại có phong trào tố cáo Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc? Thân Trung Quốc ở đây có hàm ý xấu, phải hiểu là tôn thờ và phụng sự Bắc Kinh vô điều kiện. Tin Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc do ông Lê Đức Anh, 91 tuổi, cựu đại tướng và cựu chủ tịch nước, tung ra để kêu gọi các cấp đảng viên ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Cho đến nay không ai biết ông Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc đến mức độ nào và sẽ mang lại tai hại gì cho đất nước, nhưng dưới chính quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người Trung Quốc gần như làm chủ đất nước Việt Nam, không nơi nào không có mặt những người đại diện chính quyền Trung Quốc. Tại bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, người Trung Quốc muốn làm gì thì làm, không ai dám phản đối, kể cả việc buôn bán phụ nữ. Hà Nội đã gần như mất quyền kiểm soát dọc các khu vực biên giới phía Bắc, những cường hào ác bá địa phương được Trung Quốc ủng hộ tha hồ tự tung tự tác, kể cả hảm hiếp thiếu nữ. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều bị dập tắt trong bạo lực và những người bị bất lãnh những bản án rất nặng nề.

Thật ra cho dù Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng hay ai đó được bầu vào chức vụ tổng bí thư đảng cộng sản, sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc không hề thay đổi và khuynh hướng hán hóa xã hội Việt Nam ngày càng sâu rộng. Phải có một biến cố chính trị quan trọng, như một cuộc tổng tuyển cử thực sự tự do, mới hy vọng thay đổi được hiện trạng. Những cuộc tranh giành quyền lực ở cấp chóp bu trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam do đó chỉ là phù phiếm, chỉ mành che mắt thánh.

Đất nước Việt Nam không phải chỉ có đảng cộng sản, xã hội dân sự vẫn âm thầm tiếp tục phát triển và ngày càng vượt khỏi sự kềm chế của bộ máy công an. Những thành tích phát triển của Việt Nam hiện nay không do đảng cộng sản tạo ra mà từ xã hội dân sự.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Hà Nội đã rất hãnh diện với những thành tích GDP 2010 lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,78%, lợi tức bình quân đầu người khoảng 1170 USD/năm. Đúng, đây là những con số rất đáng khích lệ. Từ ngày chiếm được chính quyền đến nay, 65 năm đã trôi qua kể từ sau 1945, chưa bao giờ Việt Nam biết đến những con số khích lệ này.

Nhưng sự khác biệt giàu nghèo, hơn thua giữa các quốc gia ngày nay là thời gian. Với cùng thời gian đó, Nhật Bản và Nam Hàn đã trở thành những cường quốc kinh tế. Chỉ cần 1/3 khoảng thời gian đó, Trung Quốc từ một quốc gia lạc hậu bước lên chiếu trên ngang hàng với các quốc gia phát triển. Thái Lan cho đến thập niên 1970 có lợi tức đầu người ngang bằng miền Nam Việt Nam, bây giờ đã vượt xa Việt Nam từ ba đến bốn lần. Một quốc gia-thành phố nhỏ hơn Việt Nam 500 lần, Singapore với 4,7 triệu dân đã tạo ra một GDP gần 250 tỷ USD và đạt tỷ lệ tăng trưởng 14,7%. Những thí dụ này buộc những người lãnh đạo một quốc gia với một dân số gần 90 triệu dân và lợi tức đầu người trên 1000 USD/năm phải suy ngẫm
. Việt Nam vẫn chưa ra khỏi lạc hậu và chậm tiến.
Ngày nay quốc gia nào cũng có những nhà chọc trời, những xa lộ thênh thang, những bến cảng tấp nập tàu bè, không chừng các quốc gia Châu Phi có nhiều hơn Việt Nam, nhưng đó vẫn là những quốc gia nghèo nàn lạc hậu. Sự hơn thua là mức độ phát biểu ý kiến và sáng kiến, nghĩa là phải có tự do dân chủ đất nước mới có cơ hộ vươn lên. Mặc dù đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới, đối với các nhà đầu tư quốc tế Việt Nam vẫn là quốc gia có môi trường đầu tư nhiều rủi ro và một tương lai không rõ ràng. Những rủi ro chính vẫn là con người, những người đại diện chính quyền thiếu hẳn trình độ quản lý một đất nước văn minh đã làm nãn lòng những nhà đầu tư. Thêm vào đó là chính sách tỉ giá hối đoái bất ổn (Ngân hàng nhà nước can thiệp liên tục trên đồng bạc), tham nhũng trở thành một nếp sống (theo Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, Việt Nam đứng thứ 120 trên tổng số 180 quốc gia), hệ thống hạ tầng cơ sở còn yếu kém, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng và môi sinh chưa được bảo vệ đúng mức.

Một rủi ro lớn khác là tương lai của các ngân hàng tín dụng. Tổng số nợ khó đòi của các ngân hàng nhà nước nếu được công bố với những con số chính xác sẽ không còn ai dám bỏ tiền vào Việt Nam đầu tư. Theo báo cáo của chính phủ, tổng số nợ công năm 2010 chiếm 52,6% GDP, nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP. Ám ảnh bị vỡ nợ như Hy Lạp ngày càng trở thành hiện thực.

Gần đây, do sự tiết lộ của phe chống Nguyễn Tấn Dũng, dư luận trong nước mới biết Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đã làm thất thoát, thua lỗ và vỡ nợ trên 4,5 tỷ USD (86 tỷ VND). Chính quyền buộc các ngân hàng nhà nước phải ứng tiền trả lương cho hơn 45.000 nhân viên (hơn 100 triệu USD/năm) và tiền lời của các khoản vay quốc tế, nghĩa là mất trắng 150 triệu USD mỗi tháng.

Theo đánh giá của Moody’s và Standard & Poor’s, Việt Nam bị hạ bậc tín nhiệm từ BB xuống BB- (khả năng trả nợ bấp bênh) vì các định chế kinh tế tài chánh và sản xuất lớn làm ăn thua lỗ, không đủ khả năng trả nợ!, đó là trường hợp của các ngân hàng BIDV (Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển), Techcombank, Vitcombank... và các công ty quốc doanh như Vinacomin (Tập đoàn Than và Khoáng sản thua lỗ khoảng 4,4 tỷ USD. Trong những ngày sắp tới, sau khi nộp đối chiếu biểu (assets) cuối năm, tương lai của các công ty quốc doanh khác sẽ được biết tới như Vietnam Airlines (hàng không), Viettel (Viễn Thông Quân Đội), PetroVietnam (dầu khí), Petrolimex (xăng dầu), Dung Quất (lọc dầu), các tổng công ty sắt thép, xây dựng, dầu khí, điện lực, dịch vụ ăn uống, du lịch và khách sạn của quân đội, công an và đảng ủy địa phương... Mô hình kinh tế chỉ huy lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo đang bị phá sản. Theo ước tính riêng, tổng số nợ của các công ty quốc doanh này sẽ không dưới 20 tỷ USD, tương đương với 1/5 tổng sản lượng quốc gia năm 2010.

Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố lạm phát. Tỷ lệ tăng trưởng 6,78% hàng năm của Việt Nam sẽ không giữ được lâu vì tỷ lệ lạm phát gần gấp đôi : 12% hàng năm. Muốn giữ vững tỷ lệ tăng trưởng trên 6%, tỷ lệ lạm phát phải dưới mức 7%, điều mà chính quyền Việt Nam không dám cam kết.

Bên cạnh những thất thoát ở cấp trung ương, các địa phương cũng đua nhau hoang phí công quỹ. Mỗi năm trung ương chi ra trên 15 triệu USD để trồng rừng, thực tế cho thấy các vùng rừng núi càng ô trọc hơn. Trạm cân Dầu Giây được xây dựng với kinh phí gần 2 triệu USD để làm cảnh vì không xe nào chịu chạy qua để cân, trong khi chính quyền địa phương phải chi hơn 17 triệu USD mỗi năm để sửa chữa những con đường lân cận bị hư do xe tải né trạm cân chạy qua. Sự dại dột của các chính quyền địa phương đã là cơ hội để các doanh nhân Trung Quốc mua chuộc và khuynh loát.

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức tại Hà Nội đã là dịp để những đại gia tư bản đỏ phô trương nếp sống xa hoa giàu có, bất chấp sự nghèo khó chung của cả dân tộc. Cho đến nay không ai biết số tiền thực sự do chính quyền Hà Nội chi tiêu cho đại lễ này là bao nhiêu, chắc chắn là cao hơn sự thiệt hại do lũ lụt gây ra tại miền Trung trong cùng thời gian (tháng 10/2010).
Sự rã rượi của phong trào đấu tranh cho dân chủ
Trong năm 2010, chính quyền cộng sản Việt Nam đã đem ra xét xử hàng loạt những người bất đồng chính kiến và tuyên phạt nhiều bản án nặng nề. Tội của những người này chỉ là treo biểu ngữ đòi dân chủ, xác nhận Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, lên tiếng bênh vực những dân oan bị mất đất mất nhà, phát truyền đơn và hội họp thảo luận về tương lai đất nước. Nhưng tội danh dùng để kết án họ là "hoạt động lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (60 tuổi) bị kết án 6 năm tù giam; thầy giáo Vũ Hùng (44 tuổi), nhà thơ Trần Đức Thạch (57 tuổi) 3 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cựu trung tá Trần Anh Kim, luật sư Lê Công Định (5 năm tù giam), kỹ sư Nguyễn Tiến Trung (7 năm tù giam), kỹ sư Lê Thăng Long (5 năm tù giam), kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù giam) sau khi nhận tội trước ống kính truyền hình. Ba công nhân tham gia nghiệp đoàn tư: kế toàn viên Đỗ Thị Minh Hạnh (25 tuổi, 7 năm tù giam), công nhân Đoàn Huy Chương (25 tuổi, 7 năm tù giam), chuyên viên điện toán Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (29 tuổi, 9 năm tù giam). Rất nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ khác cho đến nay vẫn tiếp tục bị giam giữ.


Trong những vi phạm nhân quyền này, chỉ những hội đoàn đấu tranh cho nhân quyền quốc tế còn lên án chính quyền cộng sản Việt Nam, các chính phủ dân chủ khác đã gần như im lặng, hay chỉ lên tiếng lấy lệ. Cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ Việt Nam không còn được dư luận thế giới chú ý. Trong nước, không một tổ chức hay hội đoàn nào được phép thành lập, mọi tiếng nói dân chủ đề dập tắt ngay từ trong trứng nước. Tại hải ngoại, phong trào đấu tranh đang rã rượi vì thiếu nhân sự và thiếu đường lối. Tất cả các tổ chức và hội đoàn người Việt hải ngoại chỉ hoạt động để gây tiếng vang nhất thời hơn là tranh đấu thật sự cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam, hay đầu tư vào một dự án chính trị lâu dài.

Chính quyền cộng sản phải chăng đang hưởng những ngày tươi đẹp, vì trước mắt họ không có đối lập? Nhìn lại những người chống chính quyền cộng sản sau ngày 30/04/1975, một số đã từ giã cõi đời, một số khác ngừng hoạt động vì tuổi già, lớp người thay thế cũng đang thưa dần vì lý do nghề nghiệp. Những thế hệ Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại hải ngoại không còn quan tâm đến Việt Nam. Thêm vào đó trình độ lý luận và kỹ thuật tổ chức của lớp người chống đối lớn tuổi không thích nghi kịp với trào lưu tiến hóa chung của thế giới nên đã không được hưởng ứng. Đó là chưa kể Hà Nội cài đặt người ở khắp nơi tại hải ngoại, không người nào hay tổ chức chống đối nào không bị theo dõi hay bị lập danh sách. Thái độ chống chính quyền cộng sản tại hải ngoại sau cùng chỉ co cụm quanh lá cờ vàng ba sọc đỏ và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, truyền thông, du lịch đang lần lượt nằm trong tay những người từ trong nước ra.
Cộng đồng người Việt hải ngoại cần một tập hợp có tổ chức để lãnh đạo tư tưởng và phương hướng hoạt động. Không có tập hợp này, sự rã rượi sẽ dẫn tới tan hàng và chấm dứt.
Tin tặc lộng hành
Từ nhiều năm qua, các trang web đối lập trên mạng thường xuyên là mục tiêu của những đánh phá từ phía chính quyền cộng sản Việt Nam. Những đánh phá lúc ban đầu từ 2006 đến 2008 không liên tục, có lúc bị gián đoạn, nhưng từ 2009 đến nay những đợt đánh phá liên tục và thường xuyên hơn.

Chỉ riêng trong năm 2010, web Thông Luận (www.thongluan.org) đã bị thiệt hại như sau: tháng 2 bị mất hai ngày; tháng 4 bị phá hai lần trong nhiều ngày; tháng 5 bị tê liệt trong những ngày đầu; tháng 8 bị phá suốt một tuần lễ; tháng 9 bị phá hoại nặng trong nhiều ngày; tháng 10 bị tê liệt hai tuần lễ; tháng 11 bị mất hai ngày nhưng dữ kiện thống kê bị mất trọn tháng; tháng 12 bị mất hai ngày đầu tháng. Để chống trả lại đối phương, web Thông Luận đã sử dụng phương cách đơn giản nhưng hữu hiệu: cảnh giác và phòng ngự tốt.

Đợt đánh phá dữ dội và toàn diện trong tháng 12/2009 đã làm nhiều trang nhà (homepage) của các tổ chức đối lập bị tổn thất nặng, có trang bị mất hẳn tên miền (domain’s name), có trang bị xóa hết nội dung, có trang bị khóa hẳn cổng vào. Điều này cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam quyết tâm triệt hạ những tiếng nói dân chủ trên mọi trận tuyến.
Trước sự phòng ngự hữu hiệu của giới đối lập, chính quyền cộng sản Việt Nam phải nhờ tin tặc Trung Quốc thay mặt tấn công. Quả thật tin tặc Trung Quốc cao tay ấn hơn tin tặc Việt Nam. Trong tháng 12/2010 vừa qua, cổng vào nhiều trang nhà đối lập khác đã bị đánh sập, như trang nhà báo Tổ Quốc chẳng hạn.

Ban biên tập báo Tổ Quốc cho biết đã bị hacker "loginhosting.com" của Trung Quốc cướp mất tên miền "www.toquoc.net". Điều này cho thấy những tên miền nào có cái đuôi: "net, com, org" đều bị tin tặc Trung Quốc cướp hay triệt hạ. Không những thế hacker Trung Quốc còn để lại: Lá cờ màu đỏ với 4 ngôi sao vàng của Trung Quốc và hình nhóm Tần Thủy Hoàng (Qin Shi Huang Group), và địa chỉ tên trang nhà: Flags of the World (http://flagspot.net/images/c/cn.gif). Ban biên tập báo Tổ Quốc điện tử đề nghị đối lập nên sử dụng những tên miền của từng quốc gia hay của các công ty truyên thông với những chữ cuối như : "fr, de, info, eu, us, au, pto, tet, be, mobi"... để được an toàn hơn.

Kỹ thuật đánh phá của tin tặc ngày càng tinh vi. Điều này cho thấy có sự hợp lực giữa hai chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Những kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất là: tấn công ồ ạt (brute force cracking) để cướp mật khẩu; tấn công qua người trung gian (man in the middle); tấn công để cướp phần mềm (replay soft ware): tấn công để bị khai trừ (dos denied of service) hay tấn công bởi nhiều máy cung một lúc (ddos-distributed denial of service); làm đứng máy bởi lượng thư rác quá lớn hay phá vỡ hoặc xâm nhập vào IP của đối phương.

Điều lạ lùng là cơ quan VNISA (Vietnam Information Security-Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam) do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành lập, cũng la hoãng lên vì bị tin tặc tấn công. Mặc dù biết trước tin tặc Trung Quốc sẽ tấn công vào các website Việt ngữ của đối lập, các website của chính quyền cộng sản Việt Nam đã không phòng hờ nên vẫn bị tấn công. Vì không hiểu tiếng Việt, chuyên viên tin tặc Trung Quốc tấn công vào tất cả các website Việt ngữ, không phân biệt ai là bạn ai là thù. Hơn 8000 tên miền Việt Nam trong nước bị tin tặc làm tê liệt ngày 27/07/2010. Trang báo điện tử lớn nhất nước "VietnamNet" cũng bị tin tặc Trung Quốc đánh sập ngày 22/11/2010.

"Ác giả ác báo", "gậy ông đập lưng ông", tin tặc Việt Nam đang là nạn nhân của chính mình. VNISA nhìn nhận Việt Nam bị xếp vào hạng các quốc gia có thư rác (spam) và thư nhiễm (virus) phát tán rất lớn. Các IP lớn của Việt Nam, đều có tên trong danh sách các IP phát tán lượng thư rác lớn nhất trên Internet toàn cầu, kể cả các trang báo điện tử lớn của đảng và nhà nước.

Việt Nam cũng bị lên án là một quốc gia tin tặc, vì là nước phát tán nhiều cuộc tấn công sử dụng botnet (robot điện tử dò tìm mật khẩu). Như hối hận về những hành vi không lương thiện này, bộ thông tin và truyền thông kêu gọi "hãy chung tay xây dựng một thế giới an toàn, cùng nhau bảo vệ tài nguyên thông tin".

Lời kết


Trong năm 2010, những sự kiện lớn nhất của Việt Nam chỉ tập trung quanh quẩn vào những đề mục vừa kể trên, nghĩa là không có gì mới và cũng không có gì đặc sắc.

Vì là một chế độ độc tài đảng trị, sinh hoạt chính trị của Việt Nam chỉ tập trung vào đảng cộng sản. Quan hệ ngoại giao trong suốt năm qua không ra ngoài khuôn khổ chức vụ chủ tịch luân phiên ASEAN. Chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng rất bấp bênh vì lạm phát và tham nhũng vượt qua mọi kềm chế. Sống lâu trong sự kềm kẹp, im lặng và chịu đựng trở thành một thói quen, tinh thần đấu tranh của người trong nước gần như ở số không trong khi sinh hoạt chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại gần như tan loãng, ít hiệu lực. Phương tiện chuyên chở thông tin và tư tưởng duy nhất còn lại là các báo điện tử, nay cũng đang bị tin tặc Trung Quốc khống chế. Tương lai của Việt Nam do đó rất là bấp bênh và không chừng sẽ có nhiều biến cố lớn.

Nguyễn Văn Huy
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: