Thursday, January 6, 2011

TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC là NHỮNG TẬP ĐOÀN LỢI ÍCH ? (Trần Thành Nam)

Trần Thành Nam
Thứ Năm, 06/01/2011


Sau hai bài viết về Tập đoàn kinh tế nhà nước mà thực chất về mô hình kinh tế cơ bản (từ lý thuyết đến thực hành) của các nhà nước Xã hội chủ nghĩa như nước ta hiện nay, tôi đã tự nêu ra và cố gắng trả lời những câu hỏi cơ bản nhất về đề tài này, trước hết là cho chính mình. Thế nhưng, sao tôi vẫn cảm thấy mình như chưa xong việc? Việc phân tích và chỉ ra những cảnh tượng rất tiêu cực và bi quan, và nhất là không hề chỉ ra được lối thoát nào cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong tương lai (mặc dù thực chất nó đúng là như thế!), dường như là chưa theo qui luật chung của cuộc sống?

Cuộc sống bao giờ cũng có lý do của nó, và cuộc sống bao giờ cũng có giải pháp hay lối thoát để đi tiếp - đó chính là qui luật phát triển. Cùng ắt biến. Nếu Mác, Lênin và các nhà lý thuyết và thực hành kinh tế cộng sản đã đi đến “cùng” mà không thể tìm ra mô hình kinh tế cộng sản và con đường kinh tế Xã hội chủ nghĩa nào thành công trong suốt trên trăm năm “cách mạng” qua, thì phải có lý do: có lẽ đó là vì họ không thể làm được việc “biến” đó, vì với ý thức hệ tư tưởng cộng sản họ không thể nhìn ra hay làm nên con đường biến hoá đó. Việc cần biến hoá đó phản lại bản chất của họ? Nói theo thuyết định mệnh, họ không có sứ mệnh để làm việc đó. Sứ mệnh của họ đã xong, loài người đã đóng khung Mác, Lênin và các học trò của họ và đưa vào bảo tàng lịch sử rồi. Còn việc “biến hoá” họ đang cố làm mà chưa làm được đó phải do những con người có cách nhìn khác, cách nghĩ khác, sứ mệnh khác mới làm nên được, mới thuận theo qui luật phát triển, đòi hỏi họ tự biến là không thuận?

Từ trước đó và song song với thế kỷ cộng sản, ba phần tư nhân loại còn lại đã chọn con đường “gập ghềnh” khác – con đường kinh tế tư bản “mọi rợ” và “thối tha” (hai từ này của chính Mác và Lênin), và đã phải đi qua hơn trăm năm thăng trầm từ thời Adam Smith để sáng tạo ra mô hình công ty tư bản với nền kinh tế thị trường tự do như hiện nay, được coi là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của Loài người, mà nhờ có nó các chính quyền cộng sản cuối cùng – nhất là Việt Nam và Trung Quốc, có cái để học theo và nhờ thế mà còn tồn tại được, dù vẫn cố không từ bỏ - không chịu cắt “đuôi” - “định hướng” Xã hội chủ nghĩa!...

Lúc đầu, có vẻ như kinh tế tư bản sơ khai “mọi rợ” và “thối tha” hơn kinh tế Xã hội chủ nghĩa chào đời trong hình thái các công xã và các xô viết… Điều kỳ lạ là sau hơn một trăm năm cùng phát triển song song sự “mọi rợ” và “thối tha” của Chủ nghĩa tư bản dần dần bớt đi hẳn, không còn người cộng sản nào gọi tư bản là “mọi rợ” và “thối tha” nữa (chả lẽ họ lại dẫn dắt dân tộc mình học theo nền kinh tế mọi rợ thối tha!), và hình thành nền kinh tế thị trường tự do bình đẳng cơ hội cho mọi thành phần. Trong khi đó với một phần tư nhân loại mà đảng cộng sản cầm quyền, một sự mọi rợ “mới” và cả không thơm tho gì khác lại hình thành và phát triển đến cực thịnh trong nền kinh tế và văn hoá cộng sản Xã hội chủ nghĩa! Với nền kinh tế thị trường tự do, sự phát triển là nhờ lý thuyết cơ bản của nó thuận theo các qui luật của tự nhiên và xã hội, còn với nền kinh tế kia thì là ngược lại?

Việt Nam đã học theo kinh tế thị trường bằng cách lắp ghép mô hình Hội đồng quản trị vào các “thây ma” cũ là các Tổng công ty nhà nước như thế nào thì ta đã nêu trong bài trước- một “sáng tạo” trong cố gắng giữ vững lập trường vô sản của Đảng cộng sản Việt nam! Đó cũng là cách “đi tắt đón đầu” biến lý thuyết thị trường của Adam Smith thành kết quả “sáng tạo” của lý thuyết kinh tế Mác-Lênin – cách làm rất đặc thù (“cướp cờ” người khác) của những người cộng sản, dù họ ở Trung quốc hay Việt Nam hay Cuba. Chỉ có những người cộng sản châu Âu là trung thực và dũng cảm chấp nhận sai lầm và thất bại toàn diện của lý thuyết do chính họ phát minh ra. Học trò của họ thì: “Không bao giờ!”

Vậy tại sao mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước “định hướng” Xã hội chủ nghĩa với lý thuyết đã sai, quá khứ đã thất bại và tương lai sẽ thất bại như thế lại vẫn đang tồn tại “tốt”, ít nhất ở Việt Nam, là dựa trên cơ sở lý thuyết nào? Lý thuyết cơ sở thì không có, chúng ta đã trả lời rồi, chỉ có các lý do cơ bản.

Có ít nhất ba lý do chính sau đây:

Thứ nhất, chúng tồn tại là vì chúng phải tồn tại vì chúng là những thây ma duy nhất còn lại để có thể gắn tên Xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường dang hình thành. Nếu chúng không tồn tại thì Nhà nước Xã hội chủ nghĩa mất lý do để tồn tại, vì chẳng lẽ Nhà nước công khai tồn tại chỉ bằng quân đội và công an Xã hội chủ nghĩa! Như vậy, đó là do nhu cầu “chánh danh” của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đòi hỏi, nên các đơn vị kinh tế cần phải “mang danh” Xã hội chủ nghĩa. Đây là “nhiệm vụ chính trị” của các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Nếu không thì công nhận Xã hội chủ nghĩa đã thất bại sao? Vì thế, không bao giờ cái đuôi này bị tự cắt đi được – vì họ biết đó là tự sát.

Thứ hai, việc tồn tại của các Tập đoàn kinh tế nhà nước này thực chất đã và đang mang lợi ích cực lớn và trực tiếp cho một số người liên quan đến chúng trong xã hội, gọi là các Tập đoàn lợi ích, các nhóm lợi ích trong nền kinh tế thị trường méo mó kiểu Xã hội chủ nghĩa như của Viêt Nam hiện nay. Nhóm lợi ích ở đây có thể là vài người, hàng trăm, hàng ngàn người hay nhiều hơn – thành các tập đoàn lợi ích, nhưng vẫn là rất ít theo tỷ lệ so với số 86 triệu công dân Xã hội chủ nghia là “đồng chủ nhân” của các Tập đoàn kinh tế nhà nước đó. Ai cũng biết đây là “thời kỳ quá độ”, chính thức là để tiến lên XHCN (như cái tên của nó), nhưng thực chất là để “quá độ” tư bản hoá tài sản nhà nước sang cho các Tập đoàn lợi ích, các nhóm lợi ích cầm quyền. Lý do này là động lực mạnh nhất để các Tập đoàn kinh tế nhà nước Xã hội chủ nghĩa phải tồn tại. Chúng ta sẽ liệt kê thử danh tính những Tập đoàn lợi ích này ở phần sau, bởi vì khi biết ai là người hưởng lợi ích tư bản hoá ngầm và “quá độ” trên thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng biết cách họ đang “hưởng lợi ích” “quá độ” đó quyết liệt như thế nào? (Quyết liệt bởi vì nó chỉ là quá độ! Quyết liệt cũng lại là đặc tính của chuyên chính vô sản nữa…)

Thứ ba, việc “mượn danh” Xã hội chủ nghĩa như thế rất thuận tiện cho các Tập đoàn lợi ích vì “có cơ sở pháp lý” để che đậy cho cách điều hành can thiệp của Chính Phủ vào mọi hoạt động của các đơn vị kinh tế (theo nguyên tắc tập trung), thì mới có thể kiểm soát quá trình “phát triển” “quyết liệt” của chúng và mới khiến chúng mang những lợi ích khổng lồ cho các tập đoàn lợi ích trong quá trình các Tập đoàn kinh tế được Nhà nước rót mọi ưu đãi và quyền lợi… suốt quá trình “kinh doanh”, ngay cả khi chúng có “lỡ” phá sản; Nếu Nhà nước không can thiệp và thực sự “thả” chúng vào nền kinh tế thị trường tự do thì chắc chúng có thể phát triển tốt, nhưng cho ai? Khi đó làm sao các nhóm lợi ích – vốn đã thành các tập đoàn lợi ích như những con bạch tuộc khổng lồ có thể “bảo vệ” sở hữu nhà nước bằng chuyên chính vô sản được?!
Cái (sở hữu “toàn dân” hay sở hữu cộng sản) đã được hình thành từ bạo lực (cách mạng vô sản), gìn giữ cũng bằng bạo lực (chuyên chính vô sản) thì cũng sẽ bị tan biến trong bạo lực: tham nhũng vô sản! Đó là qui luật Nhất quán trong Tự nhiên.

Ai đang có lợi khi các Tập đoàn kinh tế nhà nước tồn tại và phát triển một cách rất “nhất quán” như vậy? Đó là các các tập đoàn lợi ích đã dựng lên và bám vào chúng, gồm:

Tập đoàn 1: Những nhóm lợi ích chính, nhóm “trong đường dây” với Tổng giám đốc hay Chủ tịch hội đồng quản trị và cấp trên, chiếm rất ít, khoảng một nhóm người đến dưới một phần trăm (gồm: ô dù cấp trên, người nhà Tổng giám đốc, các chiến hữu, đối tác làm ăn thân tín của Giám đốc hay chủ tịch…). Nhóm này rất quyền lực và luôn ‘vô hình”, thường hình thành cùng việc bổ nhiệm Tổng giám đốc hay Chủ tịch hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhóm “Đường dây chính” có thể và chủ yếu tham gia và ăn chia vào các phi vụ “kinh doanh” lớn của công ty với số lượng bị tham nhũng rất lớn và rất kín đáo.

Tập đoàn 2: Những nhóm đối tác “ruột” đồng hành ngoài công ty nhà nước, còn gọi là các “sân sau”, bao gồm các cá nhân, công ty là đối tác làm ăn đặc biệt với công ty nhà nước (có cả cty tư nhân, cty liên doanh, cty nhà nước khác, cty nước ngoài, các ngân hàng thân hữu và chính quyền, công an, thuế địa phương…). Nhóm 2 này vô cùng biến hoá tuỳ theo tình hình và tuỳ từng hoạt động kinh doanh, từng dự án cuả các công ty nhà nước mà chúng xuất hiện hay biến mất… Chúng cũng là thành phần quyết định sự thành công của các phi vụ “lợi ích”… Chủ thật sự của phần lớn các công ty nhóm 2 là các tập đoàn lợi ích nhóm1!

Tập đoàn 3: Những nhóm “ăn theo”, gồm những người có chức vụ và trình độ nhưng không được vào nhóm “đường dây” và không cam chịu chỉ “đổ vỏ” nên tự lập ra các đường dây, tập đoàn lợi ích của mình để kiếm chác riêng và thường được “đường dây chính” cho phép hay lờ đi, thậm chí hợp tác cùng. Khi đủ mạnh, chúng trở thành tập đoàn nhóm 1.

Tập đoàn 4: Những nhóm người “được” làm việc trong các Tập đoàn kinh tế nhà nước, từ nhân viên đến cán bộ quản lý. Nhóm này chiếm dưới 4% lao động xã hội, nhưng chia làm hai nhóm chính chiếm khoảng 90% lao động của Cty, gọi là nhóm “an phận”. Nhóm “an phận” chỉ được hưởng các lợi ích chung, vặt vẵn, công khai như lương, chế độ xã hội… Họ an phận với những gì họ có, phần lớn là người tốt trong sáng vì Chủ nghĩa xã hội và vô tư “ăn cây nào, rào cây ấy”… Họ là “nguồn” để bổ sung cho tập đoàn nhóm 1, 2 và 3…

Tập đoàn 5: Các công ty “đối tác ăn theo” của công ty nhà nước, luôn rất đông và luôn túc trực để được gia nhập đôị ngũ các đối tác ruột (Tập đoàn 2) trên. Thành phần các Tập đoàn 5 giống các Tập đoàn 2 nhưng họ đông hơn gấp nhiều lần. Họ sớm phát hiện ra rằng trong nền kinh tế “thị trường” Việt Nam tất cả các công ty ngoài quốc doanh muốn “kinh doanh” thành công trước hết phải thuộc nhóm 2, tức là phải là đối tác ruột của một vài Tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng khi một phi vụ “lợi ích” nào đó bị lực lượng chống tham nhũng quan tâm thì luôn luôn các tập đoàn nhóm 1 và 2 biến mất từ trước, các nhóm 3, 4 và 5 sẽ là “đối tượng” để bị “ điều tra”… vô tận.

Như vậy, lý do tại sao các Tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn đang tồn tại “tốt” đã rõ: vì chúng cũng chính là các Tập đoàn lợi ích, có “nhiệm vụ chính trị” cao cả, có trách nhiệm “lãnh đạo” và vì cần kiểm soát tình hình kinh tế để tìm lối thoát cho các đảng cộng sản và chính là cho…. khối tài sản thuộc sở hữu nhà nước đang được đảng “bảo vệ” và “quản lý”…

Tình trạng hiện nay cuả các Tập đoàn kinh tế nhà nước Xã hội chủ nghĩa là không thể thay đổi ngay. Nhưng xã hội ta cần thực sự có ý thức và quan tâm đến tương lai của chúng, bởi vì chúng đang “quá độ” được giao “quản lý” và “bảo vệ”, “kinh ranh” khối tài sản khổng lồ của cả quốc gia, cả dân tộc Việt Nam ta đã được gìn giữ bằng xương máu và chắt chiu trong gian khó suốt mấy nghìn năm: đó không chỉ là dải Đất hình chữ S trên ba trăm ngàn kilômét vuông mà với cả mặt biển Đông hình đôi cánh chim sải rộng hơn gấp ba lần đất liền ấy nữa! Chủ quyền đã bị biến thành những lợi ích quá độ?!
Đó là Lợi ích Sống còn của Dân tộc hay lợi ích quá độ của các Tập đoàn lợi ích?

Trần Thành Nam

Tin liên quan
.
.
.

No comments: