Sunday, January 23, 2011

TAM ÍCH, VÌ SAO ANH TỰ ẢI ? (Viên Linh)

Viên Linh
Wednesday, January 19, 2011

Tam Ích Lê Nguyên Tiệp (1915-1972). Ảnh của Khởi Hành

Nhà văn, nhà phê bình, giáo sư đại học Tam Ích, hồi 14 giờ chiều ngày 5 tháng 1. 1972, đã treo cổ tự tử tại tư thất số 563/74 đường Phan Ðình Phùng Sài Gòn, để lại bốn bức thư tuyệt mạng gửi cho nhà chức trách, thân nhân và ông Ngô Ðình Căn, Hội Subub, cùng hàng ngàn bộ sách quí. Ðược biết, ông Tam Ích lợi dụng lúc toàn gia đình đi vắng, đã ra sân thượng, dùng nhiều quyển tự điển và các sách bìa cứng xếp chồng lên nhau, chui đầu vào chiếc thòng lọng đã buộc sẵn từ một xà ngang, rồi đạp đổ chồng sách dưới chân. Tác giả “Nghệ thuật và Nhân sinh” tên thật là Lê Nguyên Tiệp, sinh năm 1915 (có nơi ghi là 1917) quê xã Ngọc Ðường, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, giã biệt cuộc đời vào lúc mới 58 tuổi.

Thuở thiếu niên Tam Ích là một học sinh rất giỏi ở Trường Vinh cùng thời với ông Phạm Biểu Tâm khoa trưởng Ðại Học Y Khoa sau này. Ông cũng là một nhà văn thiên tả nổi tiếng, đã cùng với hai ông Thiên Giang và Thê Húc thành lập tủ sách Chân Trời Mới, xuất bản loại sách nghiên cứu phê bình văn học chính trị có khuynh hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Ông cộng tác với hầu hết các tạp chí văn học uy tín tại Sài Gòn, có thể kể Giữ Thơm Quê Mẹ do Nhất Hạnh chủ trương (1965), Tư Tưởng của Viện Ðại Học Vạn Hạnh (1966-) Văn do Trần Phong Giao điều hành, và các báo Khởi Hành, Diễn Ðàn, Thời Tập của Viên Linh.

Tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể:
- “Nghệ thuật và Nhân sinh,” Chân Trời Mới, Sài Gòn, Nam Việt xuất bản năm 1949 [*đề trên sách cùng viết với] Thiên Giang, Thê Húc.
-“Dialogue,” (Lá Bối xuất bản, 1965), đồng tác giả với Nhất Hạnh (viết tiếng Anh,) và Tam Ích (viết tiếng Pháp). Bài của Tam Ích nhan đề: Lettre à André Malraux.
-“Trẻ Guernica,” Lá Bối. Nguyên tác của Hermann Kesten, Blanche Gidon dịch ra Pháp ngữ, Tam Ích “diễn” ra Việt ngữ. Chữ diễn là do Tam Ích muốn dùng như thế, hơn là dịch.
-“Sartre và Heidegger trên thảm xanh,” 1968.
-“Ý Văn, I,” Lá Bối, 1967.

Khoảng ba bốn năm gần đây, vì tình trạng sức khỏe không cho phép, ông đã tạm nghỉ việc huấn luyện sinh ngữ và dạy Triết tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Ðà Lạt, Louis Pasteur, v.v... Ông được bốn người con gồm ba trai và một gái, tất cả đều đã trưởng thành. Tam Ích là con trai của cụ Tú Lê Nguyên Long, từ năm 1935 đã bỏ quê hương Thanh Hóa vào Nam tham gia nhóm Ðệ Tứ của Tạ Thu Thâu. Hồi thập niên '40, đầu '50 ông ở Sài Gòn hoạt động ủng hộ kháng chiến, thành lập nhóm Chân Trời Mới nghiên cứu chủ nghĩa Mác Xít. Nhóm Chân Trời Mới đã tung hoành một thời gian trong làng báo và ngành xuất bản mà những bài tham luận của Tam Ích được đón đọc một cách nồng nhiệt, uy thế của Tam Ích lên cao thì mật thám Pháp bắt ông tra tấn đánh đập tàn nhẫn hàng tháng trời nhưng ông không khai ai hết! Cuối cùng ông bị Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đưa ra an trí ở Ðà Nẵng. Tại đây ông làm tự điển gọi là Tự Vị Pháp Việt với Ðào Văn Tập và đi dạy Pháp Văn.

Khi trở về Sài Gòn, Tam Ích không hoạt động gì nữa. Năm 1954 đồng bào miền Bắc di cư vào Nam trong đó có đồng bào Công Giáo Ba Làng tức là các làng Sùng Mãn, Ngoại Hải, Như Xuân và các làng không Công Giáo như Du Xuyên, Biên Sơn, Ngọc Ðường, đã báo tin cho Tam Ích biết cụ Tú Ngọc Ðường thân phụ của ông đã bị chính người con trai, cũng là em ruột của Tam Ích, một cán bộ cộng sản, đưa ra tố khổ. Cụ Tú Ngọc Ðường phải tự vận chết, còn cụ bà thì bị đuổi ra khỏi nhà. Hẳn là từ đó những sách vở mà ông cho là tiến bộ của thời đại, chủ thuyết mà ông và bằng hữu thời trẻ lập nhóm để nghiên cứu, nhà xuất bản Chân Trời Mới in những nghiên cứu sưu tầm và những hệ luận từ đó mà có, đáng để ông giẵm chân lên, và đạp đổ đi.

Tôi không có mặt tại hiện trường, chỉ hỏi quanh những bạn bè từng tới lui nhà Tam Ích, như Hoàng Trúc Ly, Trần Tuấn Kiệt, rằng có ai có mặt ở đó ngay tức khắc không, và chồng sách mà ông giẵm chân lên là những cuốn nào, ngoài “mấy cuốn từ điển” như người ta nói. Không ai biết gì hơn. Theo một thư mục nọ, thì bảy phần mười sách của Chân Trời Mới in ra, mà Tam Ích là linh hồn, là sách nghiên cứu, khảo luận. Hai phần mười là sách dịch, còn lại mới là truyện. Như thế, sự đóng góp của ông nhiều lắm. Tôi tin dưới chân Tam Ích, cách một khoảng không, có những cuốn như Tìm Hiểu Biện Chứng Pháp, Giữa Hai cuộc Cách Mạng, Văn Chương và Xã Hội, Cuộc cách mạng Việt Nam thành công chăng?... Toàn sách do Chân Trời Mới in khoảng 1947, 48, 49.

Cái chết của nhà văn Tam Ích khiến giới cầm bút miền Nam buồn bã. Và ngậm ngùi. Có lẽ ngậm ngùi nhiều hơn. Nguyên do thúc đẩy tới sự việc hiện chưa ai được biết rõ, và trong lá thư gửi cho nhà chức trách, kẻ tuyệt mệnh “yêu cầu đừng điều tra về cái chết của ông, bởi ông tìm lấy” - như Dương Trữ La viết trong tin Thời sự Văn nghệ trên Khởi Hành - nhưng nhìn qua thì ngoài những phiền bực, những hệ lụy của đời sống thường tình phải có trong một “thời đại pháo xiết,” hẳn còn những nguyên do có thể suy đoán - một cách xa gần - thường khiến những người trí thức tự kết liễu đời mình. Những tuyệt vọng và những phi lý siêu hình.

Giẵm chân lên một chồng sách cao, đẩy đổ chồng sách xuống, ông bước cái bước cuối cùng trên dương thế, trên chữ nghĩa, trên chủ thuyết. Buông hai chân trong không, và hai tay trong không, ông chết đứng, chết lửng lơ. Cái chết không thoải mái, cái chết rất khổ cực, cái chết khó thở. Năm mươi tám tuổi là còn trẻ lắm. Còn sống lắm. Nhưng hẳn là người quá cố đã thấy đời sống không còn ý nghĩa gì nữa. Theo mô tả của một nguồn tin thông thạo, ông đã dùng dây tự buộc hai chân mình lại, và dùng khăn mùi-soa tự nhét vào miệng mình, để tránh đi một hình ảnh xấu, như cái lưỡi có thể thè ra, và hai chân có thể vùng vẫy vô ích. Chắc thế.

“Lửa giường,” lạ thay lần này không ấm nữa. Ngọn đèn dầu lạc cũng không còn để làm gì nữa. Và tiên dược vốn gây nên những thiên đường ảo giác lần này vô dụng, tuy rằng chưa chắc ông đã cần những ảo giác do nó đem lại. Nó vốn là thuốc quên, lần này thật là hiếm hoi, không còn công hiệu chút nào. Người quá cố nhất định còn sáng suốt đến giây phút cuối cùng. Nhưng đã phải chọn cái chết. Ðiều đó thật là buồn rầu. Càng buồn rầu hơn khi những năm sau này ông đã xa cái Chân Trời Cũ kia, và hô hào cho một nền văn chương dân tộc, là ‘văn chương miền Nam vạm vỡ,” như ông viết trong bài “Văn chương Tân Duy Nhiên ở Việt Nam” đã đăng trên Khởi Hành.

Nhà văn mới quá cố là người tôi có dịp liên lạc nhiều trong mấy năm sau này, từ khi ông viết cho tờ Tuần báo Nghệ Thuật - tôi làm thư ký tòa soạn, 1965-66, viết cho Khởi Hành - và viết thường xuyên “mỗi tuần chỉ một trang” cho tờ tuần báo Diễn Ðàn từ khi tôi làm chủ bút tờ tuần báo này. Ông là người nhiều tin tưởng, vui vẻ nhưng có đôi chút mặc cảm với lớp trẻ tuổi, tôi nhận thấy như thế, nhưng hy vọng nhận lầm. Tôi không rõ đây là mặc cảm gì, nhưng có một cái gì đó như là ngập ngừng; hay tính ông vốn thận trọng, e dè chăng? Một cách nào đó tôi thấy Tam Ích rất đắn đo khi nói chuyện, giống như cách viết của ông - ông hay dùng những gạch ngang trong câu văn - một cách như là dừng lại để nhấn mạnh, dừng lại để nói thêm - trước khi để câu văn nối mạch. Cái đáng quí nhất ở ông là ông tự nhận mình là nhà văn lớp trước, đã thất bại, ông tạo cho một số người đi sau cái hào quang rực rỡ về việc cầm bút; trong khi qua tấm gương cụ thể nhất là ông, nghề cầm bút không rực rỡ như thế.

Cũng may mà có cuộc đảo chính 1964, không khí chính trị bớt ngột ngạt, và môi trường văn hóa mở rộng hơn, ảnh hưởng chính trị giáo dục Ky-Tô-Giáo xẹp đi dần, báo chí có tinh thần Ðông Phương, khuynh hướng dân tộc trở về nguồn, và Thiền học nhẹ nhàng như một cơn gió mát, một lớp sương mai làm chân trời xanh hơn, mơ màng hơn, đẹp huyền diệu hơn. Nếu không có cuộc đảo chính đó, chưa có các tạp chí như Giữ Thơm Quê Mẹ, Tư Tưởng, Nghệ Thuật, và chưa có những đại học như Vạn Hạnh, Hòa Hảo,... và những trí thức như Tam Ích, Thạch Trung Giả, Hồ Hữu Tường... chưa thể xuất hiện trở lại.

Một điều khác là Tam Ích làm giảm đi ảnh hưởng các nhà văn nhà thơ quốc tế bên các nhà văn nhà thơ Việt Nam; nhấn mạnh nhiều lần rằng chúng ta dư sức viết hay như họ, không lý gì để nghĩ rằng Tây là nhất, Mỹ là nhất. Ta cũng vẫn nhất như thường. Ðiều này rất quan trọng khi mà trước đó không lâu, và kéo dài trong nhiều năm, mấy ông du học ở Tây, ở Bỉ về nước đem theo thơ văn những Paris, những tóc vàng, những nhân vật chêm tiếng Pháp linh tinh tạo cho độc giả trẻ cái lai căng trí thức và một khi nói đến Văn đến Triết là nói đến Prévert, đến Sagan, đến Sartre,... Những người như Tam Ích, tiếng Pháp không thua thầy dạy mấy ông Tây con kia, đề cao văn chương dân tộc, ca ngợi Việt Nam, đã góp công rất nhiều để Văn học Miền Nam thời kỳ thứ hai - từ 1964 tới 1975 - phong phú hẳn so với thời kỳ 1954-1964.

Trên tờ Nghệ Thuật trước đây cũng như ngay trên mặt báo Khởi Hành, Tam Ích có nói tới vài ba cây bút trẻ là những người có những “truyện ngắn hay nhất trong thế kỷ này” mà ông đọc được. Nói như thế chắc là không đúng hoàn toàn. Nhưng có nên hiểu một cách khác chăng; là ông muốn nói Tây Mỹ gì nó cũng thế thôi - (Bùi Giáng diễn tả ý nghĩ tương tự bằng một danh từ khác: bá láp.) - Nó cũng nhiều cái vớ vẩn bá láp không kém gì mình, đừng tưởng rằng chỉ có ở Tây Bán Cầu là nhất thế giới mà lầm. Ông bảo nghĩ như thế là “u mê dại dột” (trong bài “Mười Năm Truyện Ngắn” - Nghệ Thuật Xuân Bính Ngọ 1966). Ông bảo sở dĩ ta chưa có dịp để năm châu bốn biển trầm trồ khen ngợi là vì đất nước lâm vào những cảnh “lịch sử chó má” nên chưa ai biết đến văn chương mình mà thôi.

Nhiều tin tưởng như thế, ông hẳn là người cởi mở. Là người mời ông viết bài cho ba tờ tuần báo khác nhau từ 1966 tới nay, tôi chưa từng thấy ông chê bai một ai trong bài viết, dù rằng hầu như trong bài viết nào ông cũng nhắc đến tên năm bảy người. Ông nhắc nhở nhiều lắm, mỗi khi có dịp. Ông không phải là một học giả chỉ còn chú ý đến vấn đề, vấn đề không thôi, mà luôn luôn chú ý đến sự kiện và nhân vật. Ðọc ông sẽ biết thêm những liên hệ của ông đối với những người được nhắc đến. Sẽ thấy từ ông A đến ông Z, và từ một tác giả lão thành tới một người chưa tên tuổi. Ðó cũng là một điều đáng quí: Qua điều này, Tam Ích chứng tỏ ông luôn luôn theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật, những chuyện đang xẩy ra, những người vừa mới tới: ông có tuổi, tóc đã bạc, nhưng chưa ra ngoài lề, không đứng bên lề sinh hoạt, mà ở trong, có mặt thường trực, bên cạnh các nhà văn nhà thơ trẻ. Chắc chắn ông không bao giờ muốn để mất một khoảng cách nào. Nhưng không biết, anh Tam Ích, vì sao anh tự ải? Và vì sao tên anh có đến ba lần gạch chéo? Như thủ bút anh từng viết dưới mỗi bài: XXX?

Viên Linh
(Sài Gòn, 13 tháng 1, 1972. Viết bổ sung 2006.)


* Ngay từ buổi đầu, vào những năm '30, [chủ nghĩa mác-xít du nhập vào Việt Nam] đã có sự phân chia làm hai trường phái, nói giản dị hơn, hai khuynh hướng: Ðệ Tam và Ðệ Tứ. Ở Việt Nam Ðệ Tam do Nguyễn Ái Quốc, sau này là HCM, đứng đầu; Ðệ Tứ do Tạ Thu Thâu đại diện. Cả Staline và Trotsky đều là nhân viên Bộ Chính trị Ðảng CS Nga, thân cận của lãnh tụ Lenine. Nhưng sau khi Lenine chết, 1924, cuộc Cách Mạng Tháng Mười 1917 ở Nga bị Staline phản bội. Staline đã dựng nên những vụ án gọi là “gián điệp,” “theo phát xít Ðức Nhật,” “tay sai đế quốc tư bản” để loại trừ những người đối nghịch, kể cả Strosky. Trong số 1956 đại biểu của Ðại Hội XVII, Staline bắt giam và thủ tiêu 1,108 người về các tội trên. Năm 1939 trong các bức thư từ Trung Quốc gửi về VN cho Ðảng CSVN, Hồ Chí Minh tán thành các vụ án do Staline dựng nên và gọi phe Ðệ Tứ của Tạ Thu Thâu là “bọn chó săn của phát-xít Nhật và phát-xít quốc tế.” (Tóm ý của Hoàng Hoa Khôi trong bài “Về Phong Trào Ðệ Tứ Việt Nam,” Paris, 1991.) Chú thích này mới bổ sung, không có trong bài viết về Tam Ích năm 1972.
.
.
.

No comments: