Sunday, January 23, 2011

NHÀ VĂN VÕ PHIẾN AN HƯỞNG TUỔI GIÀ (Phạm Xuân Đài)

Phạm Xuân Đài

Cám ơn anh Ngự Thuyết đã nhắc nhở nhiều điều.

Ở tuổi 86, hiện nay nhà văn Võ Phiến đang sống những ngày an hưởng tuổi già trong tình thân của gia đình và bạn bè. Từ năm 1980 làm việc và cư ngụ tại Highland Park City thuộc Los Angeles, nhưng vào năm 2003 ông bà Võ Phiến đã mua nhà tại Santa Ana và dời hẳn về đây, để gần gũi con cháu và bạn bè người Việt Nam.
Ngôi nhà cũng êm đềm như cuộc sống của ông bà. Trong một cư xá yên tĩnh cuối đường số 5 thuộc thành phố Santa Ana, ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn xinh xắn, có một mảnh vườn be bé bên cạnh với những cây hoa hồng ở bờ dậu, cây quít, cây hồng dòn, cây thanh long và những cây hoa khác chạy vòng ra đến sân sau. Đó là nơi để bà Viễn Phố (tức bà Võ Phiến) săn sóc cây cỏ hàng ngày, và là nơi mỗi buổi sáng nhà văn Võ Phiến đi tha thẩn ngắm lá, ngắm hoa, tức là thưởng thức tài chăm nom vườn tược của bà.

Nhà văn Võ Phiến trước bàn viết. (Hình Dân Huỳnh)
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiMikSF-EB6wnRpaIk40U6RjuCornRrvk7n7V57L2Nx-mD0W6c7adxGVwBYvvYwE8YikiZdZL5v6Vh3VRlf-mgYLjLViiSNhTH4KQZ3GvhVqMEdZyGCLQRKVGsgGa7CVgGUWJHtToIQWw/s400/DSC_4360_1.jpg
Nếu căn nhà ở Los Angeles là nơi sống để làm việc, thì ngôi nhà hai tầng ở Santa Ana là nơi để an hưởng tuổi già. Cả hai căn nhà đều có đặc tính chung gọn gàng, văn vẻ, một chút gì có thể gọi là thơ mộng. Nhà ở Los Angeles tuy xa Little Saigon nơi tập trung đông đảo người tị nạn Việt Nam, nhưng các văn hữu xa gần vẫn thường lui tới thăm ông bà, và ai cũng ưa thích vẻ thanh tao và mỹ thuật của của ngôi nhà lẫn vườn cây. Trong khu vườn khá rộng trồng nhiều loại cây ăn trái, có dựng bức tượng bán thân bằng đồng của nhà văn Võ Phiến, tác phẩm của điêu khắc gia Ưu Đàm, một nghệ sĩ di dân thuộc thế hệ thứ hai. Trong khung cảnh của căn nhà Los Angeles, nhà văn Võ Phiến đã viết các tác phẩm quan trọng của ông tại hải ngoại: Văn Học Miền Nam - Tổng Quan, Thư Gửi Bạn, Nguyên Vẹn, Truyện Thật Ngắn, Đối Thoại, bộ Văn Học Miền Nam v.v... Võ Phiến đã sống tại đây từ năm 1980, và sau 15 năm đi làm công chức cho thành phố Los Angeles ông nghỉ hưu vào năm 1992, vẫn tiếp tục sống và viết tại đây 11 năm nữa. Đến năm 2000 khi bà Võ Phiến nghỉ hưu, không còn nhu cầu ở gần sở làm nữa, thì hai ông bà mới dần dần có ý định dời về vùng Orange County để gần con cái và bạn bè hơn. Việc đó đã được thực hiện năm 2003, sau 23 năm cư ngụ tại Los Angeles.

Ông bà Võ Phiến trước ngôi nhà của mình. (Hình Dân Huỳnh)

Có vẻ về nơi cư trú của mình, mỗi người cũng có một mạng số. Các căn nhà của họ trước sau có những đặc tính na ná giống nhau. Ngôi nhà ở Santa Ana của ông bà Võ Phiến cũng có những nét tương tự ngôi nhà ở Los Angeles: gọn gàng, xinh đẹp. Dĩ nhiên vẻ giống nhau ấy phần lớn có thể do lối trang trí bày biện của chủ nhân, nhưng hình như mạng người thế nào thì sẽ có cái khung cảnh khách quan riêng tương ứng. Người thì nhà cao cửa rộng, kẻ đơn giản lùi xùi, chỗ thì ồn ào chật chội, nơi lại thanh thoát vắng vẻ... Đó là cái phước, cái phần của mỗi người vậy. Chuyến dời nhà này như là một bước ngoặt của ông bà: rời môi trường đi làm để tìm về nơi hưu dưỡng. Đúng, lần dời nhà này đánh dấu sự rời bỏ hẳn nếp sinh hoạt làm việc, mưu sinh để vào hẳn môi trường thư giãn, nghỉ ngơi, và ngôi nhà mới này đáp ứng nhu cầu ấy: nằm trong một cư xá vắng lặng trong một khu vực yên tĩnh, lại không xa những khu buôn bán sinh hoạt của người Việt Nam.

Khi về đây, nhà văn Võ Phiến đã tròm trèm tám mươi. Sinh hoạt hàng ngày của ông vẫn là đọc và viết. Và chơi với con cháu. Và tiếp bạn bè. Ông bà có bốn người con, ba trai một gái, và cho đến nay, 2010, đã có ba cháu nội và một cháu ngoại. Nhưng chưa hết: lại đã có chắt, hiện nay là ba chắt nội, đứa lớn nhất lên năm tuổi. Nếu cha mẹ con cái ở chung một nhà như ngày xưa thì ông bà Võ Phiến nay đứng đầu cho một dòng Ông Bà Con Cháu gọi là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ ở cùng nhà). Ngày xưa tuổi thọ con người còn ngắn, gia đình được như thế coi như đại phước đức. Nhưng đời nay hiện tượng tứ đại đồng đường vẫn tương đối hiếm tuy là tuổi thọ đã cao hơn nhiều, một phần có thể do người ta có khuynh hướng lập gia đình trễ hơn ngày xưa. Ông bà Võ Phiến từ khi về đây thì con cháu lui tới thăm ông bà dễ dàng và thường xuyên hơn, nhiều lần nhà của ông bà biến thành nơi bốn thế hệ tập họp, đó là nỗi vui ấm áp luôn luôn hâm nóng bầu không khí trong căn nhà mới này.

Bạn bè là nguồn vui khác của ông bà. Bản tính ông bà đều quý bạn một cách chân thành, nên bằng hữu, người quen từ cách đây năm sáu mươi năm cho đến mới đây đều được ông bà đón tiếp niềm nở thân tình. Với bạn văn, câu chuyện thường xoay quanh các tác giả, tác phẩm, các giai thoại văn chương. Ông thường nhắc nhở những kỷ niệm với các bạn văn cũ, như nhóm Bách Khoa ngày xưa, như Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Đỗ Tấn, Nguyễn Văn Xuân, như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, và một số nhà văn nhà thơ trẻ hơn như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, một số họa sĩ như Thái Tuấn, Võ Đình, nhạc sĩ như Cung Tiến... Trong quá khứ xa, ông gặp gỡ nhiều lần và quý trọng Nhất Linh, và ông cũng có những kỷ niệm thú vị với mấy nhà văn lớp trước như Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đối với những nhà văn hiện nay ở hải ngoại, ông thường nhắc đến Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Hưng Quốc, Đặng Tiến v.v... Ngày xưa thời còn học Quốc Học ở Huế ông đã được học giả Đào Duy Anh mời về sống trong nhà để kèm các con ông học, nay mối liên lạc với các “học trò” xưa của ông vẫn còn gắn bó. Anh Đào Hùng, người con lớn của cụ Đào đã có dịp qua Mỹ đến ở chơi với ông nhiều ngày, thậm chí con của anh, Đào Thế Đức, trong một chuyến Mỹ du cũng có ghé thăm ông bà. Nếp thân tình ấy mang đậm nét đặc biệt của Việt Nam ngày cũ, và nếu vẫn còn sống động nơi thế hệ trẻ hiện tại thì là một điều quý và hiếm có. Và dù chế độ cộng sản rất “kỵ” ông, cấm đoán tất cả tác phẩm của ông ở trong nước, một số nhà nghiên cứu văn học và văn sĩ từ Việt Nam có dịp sang Mỹ như Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải v.v... đều đến thăm ông như xưa nay chẳng hề có một ngăn cách nào.

Mà chẳng cứ từ Việt Nam, nhiều nhà văn người Việt ở các nơi khác có dịp về miền nam California đều tìm đến thăm ông, đến nỗi có người nói đùa rằng nhà của ông bà Võ Phiến có thể coi là một địa điểm “du lịch văn hóa”. Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn mỗi lần từ Úc qua thế nào cũng tới ở với ông bà vài hôm rồi mới đi đâu thì đi. Vợ chồng Nguyễn Văn Khoa – Xuân Sương (tức nhà văn Miêng) từ Pháp rất thích các lần thăm và chuyện trò với ông bà, như được gặp lại một không khí thân mật cổ truyền rất Việt Nam. Nói gì cánh Tây Bắc nước Mỹ như Trần Mộng Tú, Trùng Dương, Nguyễn Tường Thiết, hoặc từ phía Đông Bắc như Trần Doãn Nho, mỗi lần đi Sài Gòn (tức là Little Saigon) thế nào cũng phối hợp với bạn bè địa phương đến quấy phá ông bà một lần, hoặc được bà cho ăn uống tại nhà, hoặc rủ nhau tới một nơi nào đó. Người bạn xưa nhất của nhà văn Võ Phiến hiện cùng ở địa phương này là ông Tôn Thất Kỳ, tức nhà văn Trúc Chi. Lê Tất Điều cũng là người thân từ thời Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975. Và Nguyễn Mộng Giác, nhà văn đồng hương Bình Định. Tương đối mới hơn thì có bác sĩ Vũ Đình Minh (nhà văn Mai Kim Ngọc), người đã quan tâm nhiều đến việc mổ tim của Võ Phiến năm 1992, Ngự Thuyết, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Bùi Bích Hà... Nhưng có một người thân một cách thầm lặng, ít lời, đó là ông Võ Thắng Tiết, cựu giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, người đã xuất bản tất cả sách của Võ Phiến tại hải ngoại, trừ hai cuốn sau cùng là Tuyển Tập Võ Phiến và Cuối Cùng, được xuất bản sau khi nhà Văn Nghệ đã ngưng hoạt động.

Trong vòng nửa năm nay sức khỏe của nhà văn Võ Phiến có vẻ khá hơn năm ngoái, tiếng nói có nội lực, nhưng ông vẫn luôn luôn mặc áo ấm. Ông bảo ông bị lạnh quanh năm, mùa nào ở Nam Cali này cũng đều là mùa đông đối với ông. Tai nghe không còn tốt, ông phải dùng máy trợ thính nhưng cần lắm thì ông mới dùng. Nhưng mắt còn được lắm, khi đọc sách mới cần đeo kính lão. Khi đi không cần chống gậy, người thẳng. Tóc bạc, nhưng không trắng xóa như nhiều người ở tuổi ông. Ông vẫn giữ dáng vẻ bình thường, đơn sơ, trông ông không già đi so với ba bốn năm về trước. Ông không lái xe trong vài năm gần đây, đã tặng một người quen chiếc xe hơi của ông, cho nên ông bà cần đi đâu thì có con cái, bạn bè, người thân chở đi.
Không cần tinh ý lắm người nói chuyện với ông hiện nay cũng nhận thấy ông quên nhiều, nhưng không lẫn. Vẫn rất sáng suốt. Thỉnh thoảng ông đưa những nhận xét sâu sắc về một số tác giả, tác phẩm, tuy ông không còn đọc nhiều như trước, vì đọc nhiều thì quên những phần trước đã đọc. Ông quên cả nhiều khuôn mặt cũ, chỉ người nào ông tiếp xúc nhiều ông mới nhớ. Cho nên nhiều lần ông thú nhận rằng ông rất ngại tiếp xúc với người khác vì có khi không nhớ ra người đối thoại, sợ họ giận, sợ họ bảo ông là người kênh kiệu một cách oan uổng. Dù có sự nghiệp lớn lao về văn học, ông luôn luôn tỏ ra nhũn nhặn, đơn giản, thường nhắc đến gốc gác Bình Định của mình mà ông cho là “quê mùa” không thể so sánh với nhiều vùng đất văn học khác. Gần đây ông còn nói rằng ông đã già, đã quên, cho nên ông không muốn phát biểu hoặc tuyên bố gì cả, những thứ đó dễ gây hiểu lầm hoặc sai sót, hoặc ông không nói được hết ý của mình. Bài viết mới nhất của ông là vào khoảng cuối năm 2009, bài Cái Sống Hững Hờ. Từ đó đến nay thì ông không viết nữa, tuy vẫn còn đọc, nhưng cũng không thể đọc nhiều.

Nhà văn Võ Phiến bên cạnh bức tượng của chính ông
do Ưu Đàm điêu khắc (Hình Dân Huỳnh)

Ông và bà sống trong ngôi nhà xinh đẹp, trong ngôi vườn hoa lá xanh tươi bốn mùa nhờ bàn tay khéo léo của bà dù bà cũng đã lớn tuổi, chỉ thua ông bốn, năm tuổi, lại cũng bị một ít chứng của tuổi già. Bà trồng hoa gì cũng đẹp, cây gì cũng tươi tốt, trái gì cũng ngon ngọt, quýt, ổi, táo tàu, nhất là trái thanh long ruột tím ngon lạ lùng. Khách tới, bà thường đưa khách ra thăm vườn, và ông trách (trách yêu) rằng có chút đó mà cứ khoe hoài không biết chán. Nhưng rồi ông cũng lặng lẽ đi theo bà ra vườn. Tuổi già của ông bà thật là đẹp. Bà săn sóc ông từng li từng tí, ông đối xử lại âu yếm một cách kín đáo. Đôi khi bà nhắc lại chuyện ngày xưa nơi quê hương khi mới quen nhau, nhắc lại bài thơ Thu Ca của ông làm năm 1944, hồi đó bà mới 14 tuổi mà mê bài thơ quá, bây giờ còn đọc vanh vách:
Tháng Chín rồi
Ngày mỏng quá ngày ơi
Sắc xanh là sắc da trời
Mong manh là khói lặng lời là mây...

Nhắc lại chuyện bà theo học tại ngôi trường trước kia ông từng theo học, bà gặp lại vài thầy giáo trước kia từng dạy ông... Rồi ông bà yêu nhau, lấy nhau, hoạn nạn, sung sướng có nhau. Lại ghen hờn nữa, vì theo bà nhà văn nào lại không thuộc "giống đa tình". Mỗi lần bà kể lể như thế, ông im lặng nghe, thỉnh thoảng cười cười, hóm hỉnh. Như thể nghe chuyện của một ai đó không phải của mình, mà cũng có thể là mình...

Ông bà Võ Phiến đi bộ qua Hội quán Golf Club. (Hình Dân Huỳnh)

Bây giờ có khách đến nhà bà thường mời khách uống trà, nhà ông bà có nhiều bộ đồ trà đẹp và quý, và nhiều loại trà ngon. Lối mời trà của ông bà giản dị không kiểu cách, nhưng ai sành trà đều nhận thấy phong cách uống trà của nhà này rất phong lưu, đúng theo nền nếp xưa. Trong không khí tĩnh lặng và thanh lịch của ngôi nhà, ngồi cạnh một bậc lão thành suốt đời đã sáng tác biết bao tác phẩm quan trọng cho Việt Nam, nâng tách trà nhỏ xíu đưa lên môi cảm nhận hương vị đậm đà thơm ngát, mới thấy mình được may mắn đang ở trong bầu không khí của văn hóa, của truyền thống... Nét văn hóa, nét truyền thống đó toát ra từ sự giản dị, thân tình, từ một tài năng văn chương lớn lao mà dung dị, nếu tiến lên đến một độ kiểu cách hoa hòe nào đó thì lại sẽ lập tức biến mất ngay, dù cho bộ ấm chén có quý tới bậc nào và trà để pha là một loại danh trà bực nhất thế giới.

Nhưng ông bà hiện nay thích nhất là bữa trà nửa đêm. Người già thường đi ngủ sớm, theo lời bà thì hầu như đêm nào hai người cũng thức giấc cùng một lúc, đúng 12 giờ khuya. Phòng ngủ trên lầu, vén màn cửa sổ là thấy cả bầu trời đầy sao, cả ông và bà đều thích im lặng thưởng thức vẻ kỳ diệu của bầu trời ngàn sao vào cái giờ khắc khuya khoắt ấy. Rồi bà đi pha trà, một loại trà quế không những không làm khó ngủ mà còn giúp ngủ ngon, và bữa song ẩm lúc nửa đêm ấy ông bà đều cảm thấy là “tuyệt thú”. Sau đó thì lại chìm vào giấc ngủ cho đến sáng bạch.

Ngồi vào bàn, cười nói vui vẻ! (Hình Dân Huỳnh)

Từ nhà của ông bà nhìn sang bên kia đường là một công viên cây cối xanh tươi, cạnh đó là một sân golf với bãi cỏ rộng lớn luôn luôn được chăm sóc cẩn thận. Sân cù có một hội quán, cũng là tiệm ăn, thoạt đầu chỉ dành cho hội viên của câu lạc bộ đánh golf, sau này lại bán cả cho khách ngoài. Tiệm ăn nằm sâu vào phía trong cách xa đường, ngồi bên trong nhìn qua cửa sổ là gặp ngay bãi cỏ, có thể quan sát hoạt động thể thao của các hội viên trên sân. Đây là chỗ mà ông bà Võ Phiến rất thích, ông vẫn thường nói đùa tiệm này là “bếp nhà” của mình, vì mỗi tuần đôi ba lần, ông bà dắt nhau đi bộ thong thả từ nhà sang đây để ăn sáng. Chỉ cần qua đường, băng qua một bãi đậu xe rộng là tới. Nhân viên nhà hàng cùng các hội viên của golf club đều là người Mỹ đã rất quen thuộc với hình ảnh một đôi vợ chồng già người Á châu thường lui tới hội quán của họ. Thậm chí nhân viên ở đây đã thuộc lòng sở thích của ông bà: ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ nhìn ra sân cỏ, món cháo lúa mạch dành cho ông, bánh mì xúc xích nóng và món sữa không chất béo dành cho bà... Ông bà thường ngồi thong thả chuyện trò hàng giờ để thưởng thức cái thời gian có vẻ như đang ngừng lại, lẫn không gian đầy ý vị và thanh lịch nơi đây. Thỉnh thoảng ông bà mời bạn bè ăn sáng tại hội quán này, ai cũng tỏ ra thích ngôi nhà có khung cảnh cổ kính giống Âu châu của quán ăn và thích sự yên tĩnh xanh tươi của thiên nhiên xung quanh. Ngồi đây cái nhìn đắm trong mảng màu dịu của cây và cỏ, miệng nếm các thức ăn tây phương rất ngon và lành, và hài lòng vì vẻ lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ của mọi người. Một nơi ăn uống tĩnh mịch êm ru, thật khác với những tiệm phở, tiệm cà phê dưới đường Bolsa kia, lắm khi ồn đến độ mình không còn nghe rõ câu mình nói ra nữa. Một buổi sáng ngồi đây ăn điểm tâm uống cà phê với ông bà Võ Phiến là như lạc vào một thế giới khác, lịch sự, vui vẻ, hiền hòa. Và một vẻ gì đó, rất... văn học nghệ thuật, dù có khi cả buổi chẳng ai luận bàn gì về chuyện văn chương.

Từ khi về ở ngôi nhà này năm 2003, nhà văn Võ Phiến vẫn viết những bài ngắn thuộc loại tạp bút hay tiểu luận. Ít nhất mỗi năm một bài, có khi vài ba bài. Vẫn với giọng văn dí dỏm, đùa đùa, nhưng mỗi câu mỗi chữ đều “nặng” vì chứa đựng những nhận xét tinh vi hay sự suy ngẫm sâu xa. Sau bài Cái Sống Hững Hờ viết năm 2009, không thấy ông viết thêm. Trong tác phẩm chắc là sau cùng ấy, tác giả viết:
“Tạo Hóa có lòng lành, nhón tay khe khẽ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại một sự hững hờ: ‘Chết? ai mà khỏi? Việc gì phải sợ?’ (...)
“Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi.”

Thong thả, hững hờ là biểu hiện của trạng thái ung dung, khi tâm và thân đều đã đến chỗ thấm nhuần các quy luật của nhân sinh. Sau một cuộc đời dài suy nghĩ, viết lách để tìm hiểu, phân tích cặn kẽ mọi lẽ nọ kia ở đời, nay hình như ông đã nhìn thấy một khung trời mới, và buông một câu nhẹ tênh như không: đại khái thế thôi...
PXĐ
Tháng 11, 2010.

--------------------------

Đỗ Nghê  -  Saturday, January 22, 2011
(Vài cảm nghĩ khi đọc Cuối Cùng của Võ Phiến, NXB Thế kỷ 21, 2009)
.
.
.

No comments: