Tuesday, January 18, 2011

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ TÂN TỔNG BÍ THƯ ? (BBC)

BBC
Cập nhật: 14:34 GMT - thứ ba, 18 tháng 1, 2011

Các nguồn tin giấu tên một ngày trước công bố chính thức nói Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thêm năm nhân vật mới và ông Nguyễn Phú Trọng có nhiều khả năng sẽ làm tổng bí thư.

Vẫn theo các nguồn tin trên cho BBC hay vào tối thứ Ba 18/01 rằng những người vào Bộ Chính trị của Đảng lần này là bà Tòng Thị Phóng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Ngô Văn Dụ và ông Đinh Thế Huynh.

Dự kiến ngày 19/01 sẽ là lúc cả Bộ Chính trị mới và tân Tổng bí thư sẽ ra mắt chính thức trong ngày bế mạc Đại hội Đảng XI.
Cũng vẫn theo cách giải thích này thì Bộ Chính trị mới không tăng lên 17 người từ hiện nay là 15 mà chỉ dừng lại ở con số 14.
Còn chín người từ nhiệm kỳ trước sẽ ở lại.

Nếu việc dàn xếp nhân sự này đúng thì cũng không có gì thay đổi so với các suy đoán trong và ngoài nước trước Đại hội.
Đó là "phương án nhân sự" để ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, ông Trương Tấn Sang là Chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng đầy quyền quyết định cho nền kinh tế.

Điều mới duy nhất, nếu đúng, là sự xuất hiện trong Bộ Chính trị của bà Tòng Thị Phóng, phụ nữ và người dân tộc thiểu số duy nhất trong cơ quan quyền lực tối cao tại Việt Nam nhiệm kỳ Đ̣ại hội XI.
Là người dân tộc Thái, bà Phóng từng làm bí thư Sơn La và trong hiện giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.
Các gương mặt mới còn có ông Trần Đại Quang, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, và ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Đảng, tờ Nhân Dân.

Ban Chấp hành Trung ương 200 người
Trước khi Đại hội XI khai mạc, một số nhân sự đề cử của Bộ Chính trị đã bị bác tại hội nghị trung ương, dẫn tới bình luận trong giới chuyên gia rằng Ban Chấp hành Trung ương đang ngày càng có tính độc lập trong các quyết định.
Một nguồn tin ngày 18/01 nói rằng với các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt và Phạm Gia Khiêm thôi chức, sẽ phải có tám tên tuổi mới tham gia Bộ Chính trị để đủ con số dự định là 17.
Nhưng sau đó, Ban Chấp hành Trung ương dường như quyết định dừng lại ở con số 14, chỉ thêm năm người mới vào Bộ Chính trị.
Người ta cũng đồn đoán rằng ông Tô Huy Rứa có thể trở thành Thường trực Ban Bí thư, thay ông Trương Tấn Sang; ông Ngô Văn Dụ trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay ông Hồ Đức Việt.
Tuy nhiên, theo phóng viên Hồng Nga của BBC hiện có mặt tại Hà Nội thì dù 'danh sách mới nhất' nêu rằng vị trí Tổng bí thư rơi vào tay ông Nguyễn Phú Trọng, hiện là Chủ tịch Quốc hội, cũng cần phải đợi xác nhận chính thức vào thứ Tư 19/01.
.
.
.

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Wed, 01/19/2011 - 01:13

Tin từ HÀ NỘI (Reuters) - Một phần ba trong số 15 ủy viên Bộ chính Trị Đảng Cộng sản lãnh đạo Việt Nam đã rời khỏi chức vụ tại đại hội năm năm một lần vào hôm Thứ Ba, một phần của cuộc cải tổ nhằm có thể mang lại những khuôn mặt mới, trẻ hơn cho hàng ngũ lãnh đạo già nua của Việt Nam.
Như dự kiến, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được bầu lại vào Uỷ ban Trung ương hoạch định chính sách, gồm 175 quan chức hàng đầu của Đảng.
Chưa rõ liệu cuối cùng ông có đạt được nhiều quyền lực hơn hay không cho đến khi kết quả cuộc họp kín được công bố vào ngày thứ Tư, khi Uỷ ban Trung ương Đảng mới họp lại, bao gồm quyết định vai trò Tổng bí thư và thành phần của một bộ Chính trị mở rộng gồm 17 Ủy viên.
Đảng CSVN đang chịu áp lực phải thay đổi trọng tâm từ tăng trưởng nhanh chóng đến ổn định sau một thời gian lạm phát biến động, tiền tệ mất giá và suy giảm dự trữ ngoại tệ.
Nhân vật nặng ký Trương Tấn Sang và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã được tái bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng. Họ có khả năng nhận được những chức vụ hàng đầu, với việc Sang có thể trở thành chủ tịch nước và Hùng trở thành chủ tịch quốc hội.
Cả hai đều được xem là đối thủ của Dũng và một sắp xếp như vậy sẽ đưa đến một sự "kiểm soát và cân bằng, theo kiểu Việt Nam", một nhà ngoại giao phương Tây không cho biết danh tính để có thể nhận định thẳng thắn về kết cấu của Bộ Chính trị Việt Nam nhạy cảm cho biết.
Theo nguồn tin trong giới ngân hàng, một phó thống đốc ngân hàng trung ương cũng sẽ có khả năng được thăng chức thống đốc.
Tuy nhiên, những thay đổi trong giới ưu tú của Bộ Chính trị có lẽ không có khả năng mang lại những thay đổi nhanh và mạnh mẽ về chính sách mặc dù các nhà hoạch định chính sách nói rằng họ nhìn thấy một nhu cầu cho sự ổn định hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật được nhiều nhà đầu tư biết đến, nhưng Jacob Ramsay, người theo dõi tình hình Việt Nam cho Công ty tư vấn ControlRisks cho biết có một nhu cầu cấp thiết để điều chỉnh các chính sách về kinh tế.
"Một sự tiếp tục của các chính sách hiện hành có thể đưa nền kinh tế của Việt Nam đến bế tắc vào một số thời điểm" ông nói.
Khi Đại hội Đảng họp tại thủ đô Hà Nội lạnh giá, với đường phố được trang trí bằng các biểu ngữ màu đỏ vàng và các áp phích tuyên truyền, những nhà lãnh đạo của thủ đô đang phải chịu áp lực để đem lại sức sống mới cho Đảng và giữ cho nó được thích hợp với một đất nước đang thay đổi nhanh chóng.

Các dự đoán:
Dũng đã bị chỉ trích nặng nề hồi năm ngoái vì nhận thức quản lý yếu kém về kinh tế và vai trò của mình trong sự gần sụp đổ của Vinashin, một tập đoàn đóng tàu nhà nước đã chìm sâu dưới 4.4 tỉ đô la nợ, dù đã nhận được hỗ trợ phi thường của nhà nước trong những năm qua.
Đa số tin rằng Dũng sẽ được một nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai.
Dù trong một bối cảnh gia tăng về áp lực lạm phát, tiền tệ suy yếu và hạng điểm tín dụng bị sụt giảm, ít ai nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi về chính sách.
Thành phần thắng lớn trong cuộc bầu cử Uỷ ban Trung ương Đảng là 63 tỉnh của Việt Nam, đã tăng đại diện của họ từ 53 lên đến 75 thành viên. Mức lương ở nông thôn đã không theo kịp với thu nhập đô thị, khiến nhiều tỉnh thành gặp khó khăn về kinh tế.
"Thêm nhiều thành viên từ các tỉnh có nghĩa là họ sẽ cố gắng đảm bảo rằng các lợi ích kinh tế được phân bổ đều, vốn có thể gây lúng túng cho việc hoạch định chính sách kinh tế tốt", một nhà ngoại giao nước ngoài từng theo sát tình hình Việt Nam cho biết.
Người đứng đầu Quốc hội hiện nay, Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, thường được nhắc đến như nhân vật hàng đầu để trở thành tổng Bí thư. Ông đã được tái bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng.
Theo một nguồn tin thân cận từ ngân hàng trung ương, việc bầu Phó thống đốc ngân hàng trung ương Nguyễn Văn Bình vào Uỷ ban Trung ương Đảng đặt ông trong trình tự để nhận chức thống đốc sau bầu cử dự kiến tháng vào tháng Năm.
Với hàng ngũ lãnh đạo bị chi phối bởi các quan lại già nua, đảng phải đối diện với sự thách thức trong việc thu hút một thế hệ trẻ hơn vốn thông thuộc các phim video ca nhạc hơn là những lời hùng hồn mang tính cách mạng của người sáng lập đảng Hồ Chí Minh.
Sáu mươi phần trăm dân số Việt Nam 90 triệu người là dưới tuổi 35. Nhiều người trong giới trẻ ấy nhìn thấy con đường đi đến sang giàu của mình có liên hệ chặt chẽ với khu vực tư nhân hơn, với ít nhu cầu phải gia nhập đảng.
Nổi lên từ bụi mù của thập kỷ chiến tranh và kế hoạch tập trung, nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ 30 tỷ USD một thập kỷ trước đây. Thu nhập đầu người cũng đã tăng gần gấp ba đến 1.200 USD một năm.
Nhưng nhiều khó khăn vẫn còn đó. Trong khi định giá thấp, gia tăng tính thanh toán toàn cầu và chú tâm mới của chính phủ vào ổn định kinh tế vĩ mô có thể hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong năm nay, các quan tâm của nước ngoài có thể vẫn còn hạn chế nếu không có những cải tiến, chẳng hạn như trong việc quản trị doanh nghiệp tốt và minh bạch hơn.
.
.
.

No comments: