Tuesday, January 18, 2011

PHƯƠNG PHÁP CHỌN NHÂN SỰ ĐẢNG ĐÃ HỎNG ? (Phần 2) - RFA

Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-01-18

Do cách bầu chọn nhân sự của Đảng CSVN không công khai, thiếu minh bạch, nên những người tài giỏi, tinh hoa của dân tộc không có cơ hội phục vụ đất nước. Hệ quả của việc này là gì?

Mua quan, bán chức trong nội bộ đảng
Bởi do Đảng CSVN đã mắc phải sai lầm ở phương pháp bầu chọn lãnh đạo từ cấp cao nhất, dẫn đến tình trạng mua quan, bán chức từ trung ương đến địa phương. Điều này đã làm cho người dân không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng.

Cách nay ba tháng, tại hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã cho biết như sau: “Và hiện tình bây giờ thì các đồng chí cũng thấy là công tác cán bộ hết sức luộm thuộm và có thể nói là nguy hiểm. Bởi vì sao? Vì tình trạng mua quan bán chức diễn ra quá phổ biến. Một chức trưởng phòng một triệu đô, có người nói rằng chức chủ tịch là cả chục triệu đô v.v…
Người ta kể ra là bây giờ, thưa các đồng chí, là cái chức hiệu trưởng của một trường đại học cũng là tiền tỷ. Và như vậy là quá nguy hiểm! Tức là người ta dùng tiền để mua cái chức tước đó và cái đó là con đường để tiến lên cấp cao, thì quá nguy hiểm rồi!”

Cũng bởi do lỗi hệ thống, cho nên tình trạng mua quan, bán chức trong lãnh đạo đảng đã và đang diễn ra khá phổ biến. Và do vậy, hiện nay rất khó tìm những người trong sạch, liêm khiết, không dính tới tham nhũng, để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Phát biểu với báo Pháp Luật TP HCM, hôm thứ Bảy vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, và là đại biểu Đại hội Đảng, đã nói:
“Tôi rất đồng tình với việc đưa tiêu chí không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để lựa chọn nhân sự khóa này. Nhưng bây giờ tìm được người gọi là ‘sạch sẽ’ một tí thì chắc là cũng khó, cũng hiếm”.

“Đã đi vào con đường suy đồi”
Liên quan đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, TS Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đã phát biểu:
 “Thể chế là một vấn đề sống còn và nếu như không có một tiến bộ về thể chế, thì không có sự tiến bộ thực chất nào hết cả. Và thể chế ở đây là thể chế của bản thân đảng, đảng phải đổi mới, phải có sự giám sát, mọi người phải tự nguyện đặt mình dưới sự giám sát chứ không thể là, ở đây, bây giờ mọi người ở đây đều biết cả, vì ông này là đồng hương với mình, gọi điện thoại: ‘đấy nhé, cậu chú ý chú ấy nhé’. Thế ít lâu sau chưa thấy có gì cả. Ngày hôm sau: ‘Sao mình nhắc mà cậu không chú ý’? Thế là hôm sau thấy lên cấp thứ trưởng rồi.  
Nếu như vậy một chính sách cán bộ không trọng dụng người tài, mà đưa lên tất cả những người như vậy, thì nó làm nản lòng người tài và dẫn đến người ta chạy đi nơi khác người ta làm”.

Bởi do cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo của đảng không thông qua bầu bán, thi tuyển, không trọng dụng người tài, cho nên rất khó có thể tìm được những người lãnh đạo xứng đáng để điều hành đất nước, và điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước, thế nhưng, phát biểu tại Đại hội Đảng XI, hôm 12 tháng 1 vừa qua, ông Nông Đức Mạnh đã khẳng định:
 “Đại hội XI của Đảng khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, triệu người như một, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Những người tài giỏi không được Đảng và Nhà nước tạo cơ hội để tham gia điều hành đất nước, làm sao đội ngũ trí thức có thể phát huy hết khả năng của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước như Tổng Bí thư đã nói? Làm sao có thể “phát huy sức mạnh của toàn dân tộc”, để toàn dân Việt Nam có cùng ý chí, triệu người như một, đưa đất nước đi lên? Rất nhiều trí thức, cựu lãnh đạo cao cấp của đảng đã trăn trở về vấn đề này.

GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng, đã nói lên những nỗi lo ngại của mình trong một buổi hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng như sau:
“Điều thứ hai là bầu nhân sự. Mình đi bầu một trăm rưỡi ông thì mình đâu có biết gì đâu, tôi có quen biết gì thì cũng chỉ đến được ba chục ông là cùng, thế là bầu mò cho nên Đại hội và tiểu hội mà là giả hết, không dân chủ. Cho nên bi kịch của cái Đảng này là như thế.
Cuối cùng tôi nói thế này, cái cảnh ngộ hiện nay của nước ta nó suy đồi nếu nói là từ nhiệm kỳ lãnh đạo Đại hội VI đã bắt đầu đi vào con đường suy đồi rồi, rất khó gỡ. Bây giờ tìm nhân tố tháo gỡ trong khu vực lãnh đạo cao không có, không có nhân tố. Thế còn bây giờ trông dựa vào quốc dân, dựa vào quốc hội, dựa vào quốc dân, có thể có cái chỗ dựa đấy.
Mà cũng không loại trừ khả năng là chúng ta phải chịu cái đau đớn này nhiều năm, kinh tế tàn lụi đi, xã hội đau đớn thì lúc đấy mới cướp được hành trang ghê gớm kia. Nó khó thế”.

Tổng Bí thư phải chịu sự giám sát
Cùng nỗi lo lắng với GS Đào Xuân Sâm, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng, cho rằng, đã là Tổng Bí thư Đảng, là người đứng đầu bộ máy đảng, thì phải công khai, minh bạch trước quốc dân. Phát biểu tại hội thảo góp ý với đảng, ông Nguyễn Trung đã nói:
“Vấn đề nhân sự, tôi xin đề nghị thế này. Tôi xin lỗi, tôi có theo dõi các chuyện bầu cử bây giờ, báo chí nói rất nhiều về cách thức mới, dân chủ v.v.. và v.v… Tôi cứ tạm thời là cứ tin báo chí nói thật đi, mặc dầu chuyện đó là không thật. Tôi chỉ đề nghị thế này, bây giờ nên ghi vào nghị quyết của Đại hội, bây giờ cái nhân sự quan trọng nhất là cái nhân sự Tổng Bí thư.
Thôi được, Đại hội muốn bầu ai đấy là quyền của Đại hội, nhưng Tổng Bí thư, tôi đề nghị nên có mấy việc. Một, phải là người gương mẫu thực hiện công khai, minh bạch. Chứ Tổng Bí thư mà không công khai, minh bạch thì làm sao mà kêu gọi cả nước công khai minh bạch được, phải không? Công khai, minh bạch cái gì thì tùy. Nhưng anh cứ công khai minh bạch, khả năng công khai, minh bạch của anh đến đâu thì xin anh cứ nói đến đấy."

Không chỉ công khai, minh bạch, mà Tổng Bí thư còn phải có chương trình hành động, thực hiện các cương lĩnh, nghị quyết của đảng đề ra và phải chịu sự chế tài của luật pháp.
Ông Nguyễn Trung nói tiếp: “Việc thứ hai, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước càng tốt. Nên có một chương trình hành động, cam kết, nếu mà tôi trúng, nghị quyết Đại hội như thế này vào những vấn đề của 5 năm tới nó có những chuyện này, tôi cam kết sẽ giải quyết hoặc góp phần giải quyết A, B, C thế này, cam kết đàng hoàng, rõ ràng ra.
Cái thứ ba là đề nghị với Đại hội, có hẳn một cái tổ chức hay cơ chế hay luật gì đó thì tùy, giám sát việc thực hiện cái cam kết này và nên làm từ nay trở đi nó thành một cái nếp như vậy”.
Phải chăng đã đến lúc Đảng CSVN nên trao lại quyền quyết định vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc cho người dân Việt Nam?

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: