Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 01/15/2011 - 11:38
Có được rất nhiều tiền mặt từ tiền thưởng hàng năm, ông muốn mua cho vợ mình chiếc điện thoại di động mới, một món quà cho dịp Tết âm lịch. Trong một đất nước với thu nhập trung bình hàng năm khoảng 1.100 USD, một chiếc điện thoại tốt là một đầu tư lớn. Tài muốn lựa chọn đúng với số tiền 5 triệu đồng (250 USD) của mình.
"Rất là rắc rối, tôi đã đi đến hai cửa hàng. Nhưng không ai có thể cho tôi xem hình ảnh đầy đủ của những gì tôi có thể mua được từ số tiền của mình. Họ đã cho xem một hai cái điện thoại. Thế chưa đủ. Nếu họ có thể cho tôi xem 10 kiểu điện thoại cùng giá tiền thì đã có thể quyết định được."
Người đàn ông 35 tuổi đã đánh hơi thấy một cơ hội làm ăn. "Tôi tự nói với bản thân mình 'Có điều gì sai ở đây. Mình có tiền. Mình sẵn sàng trả tiền. Nhưng lại không thể tìm thấy những gì mình muốn. Có một sai lầm ở đâu đó và nếu mình có thể khắc phục được sai lầm này, khách hàng sẽ ủng hộ mình'".
Quay nhanh đoạn phim ấy sáu năm sau, Tài đã là giám đốc, đồng sáng lập Mobile World, công ty bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, một phần của loại kinh doanh mới của các công ty phát triển nhanh chóng khai thác một tầng lớp trung lưu đang nở lớn trong đất nước do cộng sản cai trị gần 90 triệu người này.
Việt Nam đã nổi lên trong thập niên qua, từ một tàn tích của chiến tranh để đóng một vai trò trung tâm trên xí nghiệp của Châu Á, sản xuất mọi thứ từ giày dép đến các bộ phận máy tính. Một nền kinh tế từng một thời xây dựng xung quanh những cánh đồng lúa loang lổ vết bom giờ tự hào là các trung tâm mua sắm hào nhoáng và các toà nhà chọc trời cao chót vót. Những chiếc BMW và Rolls Royces chen chỗ trên các đường phố ùn tắc với xe gắn máy và xe xích lô.
Khi Trung Quốc, người láng giềng, đế quốc đô hộ phía bắc trước đây bắt đầu quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế lao động thủ công sang một xã hội tiêu dùng, Việt Nam hy vọng noi gương. Các công ty như Mobile World có thể dẫn đường.
Nhưng trong những tháng gần đây, các vấn nạn của Việt Nam đã làm lu mờ những triển vọng của mình - từ nạn lạm phát leo thang đến tình trạng tiền tệ tuột dốc, thói quan liêu giấy tờ, thâm hụt thương mại suy nhược đến cơ sở hạ tầng ọp ẹp. Những nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với sự lựa chọn quan trọng trong vài năm tiếp theo, hoặc làm Việt Nam trở thành ngôi sao tiếp theo của thị trường mới nổi trên thế giới hoặc khiến đất nước này chìm sâu hơn trong cơn đau về kinh tế.
Điều đó tạo thành một khung cảnh tỉnh táo cho Đại hội của Đảng Cộng sản cầm quyền bắt đầu vào hôm thứ Tư, nơi các đại biểu sẽ chấp thuận để duy trì các mục tiêu chính sách nhằm đem lại tăng trưởng kinh tế đến 7,5 phần trăm một năm trong năm năm tới. Mặc dù ổn định kinh tế là một chủ đề nóng bỏng trong hậu trường, việc giải quyết các vấn đề khẩn cấp của Việt Nam lại không có trong chương trình nghị sự chính thức. Ngay cả không có các cải cách táo bạo, các công ty nhạy bén, được lãnh đạo bởi các giám đốc điều hành có cảm hứng từ câu chuyện thành công của Trung Quốc đang làm rung chuyển khu vực tư nhân.
Bất chấp các vấn nạn kinh tế mãn tính của Việt Nam, chẳng hạn như Mobile World đã tăng từ 7 cửa hàng đến hơn 70 cửa hàng trong ba năm qua với gần 4.000 nhân viên. Doanh thu năm ngoái tăng gấp đôi đến 150 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa trong năm nay. Lãi ròng 5 triệu trong năm ngoái, dự kiến sẽ tăng gấp ba trong năm nay đến 14 triệu. "Chúng tôi không quan tâm đến chính trị", Tài cười nói. "Chúng tôi chỉ quan tâm đến khách hàng".
Phỏng vấn các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà phân tích độc lập tính đến sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam theo dấu Trung Quốc từ gần một thập niên hoặc hơn. Các giám đốc điều hành trẻ và các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ họ, đã cùng đưa ra một tiền đề đơn giản: những gì hiệu quả tại Trung Quốc, sẽ có hiệu quả tại Việt Nam.
"Về cơ bản, Trung Quốc đi trước Việt Nam từ 5 đến 10 năm. Vì vậy, Trung Quốc là một chỉ dấu tốt cho những gì sắp tới", Ông Chris Freund, đối tác quản lý tại nhà đầu tư thị trường mới Mekong Capital, có quỹ đầu tư vào 21 công ty Việt Nam bao gồm cả Mobile World.
Có những dấu hiệu sớm cho thấy rằng ông có thể đúng.
Một thế hệ sành Web
Hãy xem trường hợp Lê Hồng Minh, người sáng lập 34 tuổi của tổ hợp VNG Corp., nhóm thống lĩnh internet của Việt Nam - một công ty game trực tuyến nhanh chóng trở thành câu trả lời của cho Yahoo Inc và Facebook của đất nước.
Dựa theo mô hình của Tencent Hodings Ltd., công ty Internet có giá trị nhất Trung Quốc, VNG đã mở rộng từ 100 đến 1.300 nhân viên trong năm năm, thu hút nguồn đầu tư từ Goldman Sachs và tự hào với hàng triệu người sử dụng mỗi ngày cùng tham vọng cạnh tranh với các công ty toàn cầu.
Sau khi nghiền ngẫm các tiểu thuyết võ thuật Trung Quốc hồi còn trẻ, Minh lướt mạng Internet lần đầu tiên tại Đại học Monash ở Australia, nơi ông theo học về kinh doanh, và dần phát hiện ra niềm đam mê với các game võ thuật video.
Trở về Việt Nam, ông nhận được một công việc tài chính chỉ giúp đủ chi trả các chi phí thưòng nhật nhưng không thoả mãn được tinh thần chơi game của mình. Để thực hiện được điều đó, ông đến Daejeon, Hàn Quốc, nơi ông đại diện cho Việt Nam tại World Cyber Games năm 2002. Mặc dù không phải là người chiến thắng, nhưng ông đã nhìn ra Internet tốc độ cao và video game là hơn cả một trò chơi. Chúng là ngành kinh doanh lớn.
Vào thời điểm đó, hơn một nửa số người dùng Internet của Nam Hàn đã được xem kịch tuồng, thể thao từ các máy tính của họ. Nhưng ở Việt Nam, Internet hầu như không hoạt động. Minh thiết lập một "phòng chơi game" với bạn bè - một loại tiền thân của các quán cà phê Internet hiện nay - vào năm 2003. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu tiên, không hề có kết nối Internet, chỉ có 40 máy tính với các video game độc lập.
Minh còn nhớ khi những điều ấy thay đổi, gần như đến từng giờ phút. Đó là ngày 3 tháng bảy 2003. Lần đầu tiên chính phủ cho đăng ký mở Internet băng thông rộng. Ông là người đầu tiên đến xếp hàng. "Chúng tôi đã tuyên bố rằng 'đây là thiên đàng'" ông nhớ lại. "Đó là thời điểm game trực tuyến được sinh ra tại Việt Nam".
"Tôi hiểu được các cơ hội đầu tư và chúng tôi đã có niềm đam mê của một nhóm các chàng trai thích chơi game, vì vậy chúng tôi thành lập công ty vào năm 2004 và đưa ra một kế hoạch kinh doanh".
"VinaGame" đã sinh ra. Một năm sau, được hỗ trợ bởi công ty liên doanh vốn IDG Ventures, họ tung ra sản phẩm đầu tiên của mình, cấp giấy phép cho một game võ thuật từ công ty phát triển phần mềm Kingsoft Corp Ltd của Trung Quốc. Khoảng 20 người bạn hâm mộ trên toàn quốc cổ vũ "game võ thuật trực tuyến đầu tiên của Việt Nam", dán các áp phích quảng cáo tại khoảng 5.000 phòng chơi game trong ba thành phố.
Họ đã tính rằng mình có thể tạo lợi nhuận nếu có đủ 100.000 khách hàng trong năm đầu tiên. "Chúng tôi tính ra con số đó trong một ngày" Minh nhớ lại. "Trong tháng đầu tiên chúng tôi đã có 500.000 khách hàng và sau ba tháng chúng tôi gần như đã có một triệu người sử dụng".
Năm năm trôi qua, bây giờ được mang tên VNG, họ cạnh tranh trực tiếp với Yahoo, đạt được 60 phần trăm người Việt Nam sử dụng Internet với 27 triệu người so với 50 phần trăm của Yahoo, theo dữ liệu riêng của VNG. Cổng mạng www.zing.vn của họ cung cấp thông tin giải trí và mạng xã hội. "Đối với thư điện tử và tin nhắn nhanh thì chúng tôi không thể thực sự cạnh tranh được, nhưng chúng tôi giành được chiến thắng với các dịch vụ khác".
Họ cũng đã phát triển trò chơi trực tuyến địa phương đầu tiên của Việt Nam và đang mạo hiểm vào lĩnh vực thương mại điện tử. Khi phát triển, họ đang thay đổi hình ảnh của một quốc gia từng bị thống lĩnh bởi các nhà sản xuất may mặc, linh kiện điện tử và trồng lúa gạo của Việt Nam. Các kế hoạch cho bán cổ phần ra thị trường cũng đang chuẩn bị.
"Sứ mạng của chúng tôi là làm internet thay đổi cuộc sống Việt Nam", ông Minh, người có phong cách chỉ huy đơn giản, trầm tĩnh phản ánh tính nhiệt tình trẻ trung của một khởi động internet kiểu Silicon Valley. Phòng họp với các ghế loại túi kê sát tường. Ông lái một chiếc Mini Cooper màu vàng và niềm đam mê chơi game của mình vẫn không hề giảm bớt.
"Vợ tôi vẫn than phiền rất nhiều về việc tôi chơi game đến một, hai giờ sáng".
Vào một buổi chiều thứ Ba gần đây tại cơ sở rộng hơn 700m2 của VNG, một văn phòng có phong cách như nhà kho bên trên một cửa hàng thực phẩm tại TP HCM, hàng chục nhân viên nêm chặt một phòng họp, nơi những thí sinh vòng chung kết của "VNG's Got Talent" đang tỉ thí trên sân khấu - một sự kiện nhằm khuyến khích tinh thần trong công ty lấy cảm hứng từ loạt chương trình truyền hình "American Got Talent" của Mỹ." Một số ca hát. Một số khác ăn mặc giả trai giả gái.
Điều nhấn mạnh những thách thức lớn nhất đối với VNG và các công ty đang phát triển nhanh khác của Việt Nam: nhân lực. "Việc tìm người có đủ khả năng là rất, rất khó", ông Minh cho biết. "Và sau đó, việc phát triển con người lại càng khó hơn bởi vì chúng ta có một giới hạn rất hạn chế của những người có tài năng và nhiều kinh nghiệm. Khi ta có thể vun trồng họ, họ sẽ được tiếp cận bởi rất nhiều người khác".
Dù với những mối lo lắng này, VNG vẫn đang thu hút sự chú ý, trong đó có một quan hệ đối tác chiến lược với Tencent của Trung Quốc, từng nổi tiếng với các trò chơi trực tuyến của mình, cơ sở nhắn tin trực tiếp (instant messaging) và đột phá vào các sản phẩm bằng Anh ngữ lớn nhất của Trung Quốc.
Henry Nguyen, tổng giám đốc đối tác tại IDG Ventures Việt Nam, biết rằng VNG chỉ mới được 5, 6 năm từ đỉnh cao của mình. Nhưng nhiên liệu cho niềm lạc quan của ông là dân số trẻ của Việt Nam. Chín mươi phần trăm là thấp hơn hoặc đang trong độ tuổi lao động, theo dữ liệu Liên Hiệp Quốc. Để diễn giải khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1992, ông nói, "Đồ ngu ạ, đối với chúng tôi, quan trọng là nhân khẩu học".
Thành phần trung lưu của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong thập niên qua đến 64 phần trăm ở các khu vực đô thị, theo chuyên gia tư vấn nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Cimigo. Sáu mươi phần trăm dân số dưới 35 tuổi. Chỉ trong một thập kỷ qua, nền kinh tế đã tăng gấp ba từ 30 tỉ đến hơn 100 tỷ USD, cùng với thu nhập đầu người, dù vẫn còn thấp.
Những rủi ro đang xuất hiện
Nhưng những nghi ngờ đang tăng lên về việc liệu chính quyền có đủ khéo léo để có thể lèo lái nền kinh tế để biến Việt Nam thành con hổ tiếp theo của châu Á hay không.
Một số dấu hiệu không được khuyến khích lắm, chẳng hạn như quyết định của Bộ Tài chính giao số tiền thu được lần đầu tiên từ trái phiếu quốc tế của Việt Nam cho công ty quốc doanh công nghiệp tàu thủy Vietnam Corp, hoặc Vinashin, vào năm năm 2005, đưa tất cả 750 triệu thặng dư từ việc phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm.
Giải pháp này là một phần trong kế hoạch của Đảng Cộng sản để cố gắng giữ cho khu vực nhà nước kiểm soát ở "đỉnh cao kiểm soát" của nền kinh tế bằng cách cấp vốn cho những công ty lớn, độc quyền hóa các lĩnh vực họ hoạt động và tạo nên các loại tập đoàn quốc doanh lớn theo mô hình chaebol đầy quyền lực của Nam Hàn.
Mặc dù số tiền rất lớn, giám đốc điều hành Vinashin Phạm Thanh Bình cho biết tại thời điểm đó, con số ấy chỉ được là một phần tư số tiền cần thiết để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình đối với ngành đóng tàu trong năm năm tới, mà ông dự kiến sẽ tăng trưởng đến 30 phần trăm. Vì vậy, ông đã tìm cách để có thêm tiền mặt - từ chính phủ, từ các thị trường vốn và các chủ vay nợ nước ngoài.
Thay vì tập trung vào sản xuất tàu thuyền nhiều hơn và tốt hơn, Vinashin lại mọc các ra các công ty con với một tốc độ đáng báo động, thường là trong các lĩnh vực không liên quan đến đóng tàu như khách sạn, xe máy và môi giới chứng khoán.
Sau đó, khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, hút cạn gió trên cánh buồm của ngành công nghiệp vận chuyển. Vấn đề nợ nần của Vinashin vào khoảng 4.4 tỉ giữa năm ngoái, đã quá lớn để có thể tránh được. Đảng Cộng sản tuyên bố công ty trên bờ vực phá sản và chính phủ ra lệnh tái tổ chức. Bình và các giám đốc điều hành khác bị sa thải và sau đó bị bắt giữ.
Theo nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo cộng sản, Vinashin đã trở thành một ví dụ về những rủi ro vốn có trong chính sách công nghiệp của chính phủ và đã gây ra những tranh luận nóng bỏng trong đảng.
Chính phủ đã ra lệnh ngân hàng Việt Nam đóng băng các khoản vay từng giúp Vinasin sống sót. Nhưng khi công ty trôi dạt về hướng không trả được nợ vào tháng trước về một khoản vay trị giá 600 triệu nợ quốc tế, cả ba cơ quan xếp hạng đã đánh tụt hạng Việt Nam, nâng cao chi phí vốn khi có nhu cầu gây quỹ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng.
Những vấn nạn như vậy đã nhận nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam chìm sâu hơn. Lạm phát hàng năm đạt mức cao 22 tháng trong tháng mười hai đến gần 12 phần trăm, đồng tiền đã mất gần 25 phần trăm so với đồng USD trên thị trường xám kể từ cuối quý I năm 2008, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết dự trữ ngoại tệ đã xuống đến mức chỉ bằng 1,8 tháng tiềm năng nhập khẩu vào cuối tháng Chín.
Các doanh nghiệp quốc doanh đã hút cạn vốn và ngày càng gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và không tạo nên được một tiến bộ lớn nào trong tăng trưởng kinh tế và việc làm.
"Về lâu dài, những gì họ đang thực hiện là không bền", ông Jonathan Pincus, khoa trưỏng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh và một cựu kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết.
"Điều gì sẽ xảy ra từ những hậu quả của vụ Vinashin? Tôi nghĩ rằng họ sẽ chỉ cạn tiền. Sẽ rất là tốn kém cho họ để đi vay nợ và họ đã sạch túi rồi, vì vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu một vài ngân hàng sụp đổ ? Họ không phải là Trung Quốc. Họ không ngồi trên 3 nghìn tỉ dự trữ".
Một nghiên cứu từ trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế và Đại học Quốc gia Singapore về Việt nam trình lên chính phủ hồi tháng trước cho thấy tỷ lệ đầu ra của tỉ lệ biên tế giữa vốn và sản lượng, hay ICOR, của Việt Nam, một thước đo về hiệu quả sử dụng vốn, đã thực sự xấu đi vì tiền đổ vào các doanh nghiệp quốc doanh.
ICOR của Việt Nam trung bình là 4,8 trong năm 2000-2008 và là 5,4 cho 2006-2008, kém hiệu quả đáng kể hơn so với Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan trong giai đoạn phát triển tương tự.
Tuy nhiên, Đảng có vẻ như đã gắn bó cam kết với khu vực quốc doanh hơn bao giờ hết, một thập niên sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp nhằm mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả là một môi trường cạnh tranh bị biến dạng khiến đặt doanh nghiệp tư nhân ở thế bất lợi.
Những thử thách đối với khu vực tư nhân
Có rất nhiều ví dụ về việc này.
Jetstar Pacific, một hãng hàng không thuộc một phần sở hữu của Australia Qantas Airways Ltd, đã có nhiều thất bại tại Việt Nam, nơi có không phận bị chi phối bởi hãng hàng không quốc doanh được ưu đãi Việt Nam Airlines. Ví dụ như vào tháng Tư năm 2008, hãng đã gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhiên liệu từ công ty nhiên liệu phản lực quốc doanh độc quyền Vinapco, một công ty thuộc Việt Nam Airlines.
Trong khu vực của các cửa hàng thực phẩm, siêu thị Lotte Mart của Nam Hàn, một phần của Lotte Shopping Co Ltd, khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thành phố HCM trong năm 2008 nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ lâu dài để được phép mở một cửa hàng thứ hai trong thành phố nơi công ty quốc doanh nội địa Saigon Co.op Mart đang cố bám lấy thị phần.
Các lý do, Fred Burke, một đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker & McKenzie cho biết, là họ đã không đáp ứng được một "thử nghiệm về nhu cầu kinh tế " mà Việt Nam vẫn cho phép để duy trì theo thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 của mình. Trong thực tế, ông nói, đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thuần túy.
"Các doanh nghiệp quốc doanh thực sự cứ xem như họ được quyền để độc chiếm thị trường", Pincus nói.
Các đầu tư lớn vào khu vực quốc doanh siết chặt cân bằng tài chính và làm tăng thêm áp lực lạm phát. Nhà nước chi tiêu nhiều hơn, cộng với việc xử dụng vốn kém hiệu quả đưa đến ít thành phẩm hơn cho mỗi đồng đô la và cao giá hơn cho các loại hàng hoá. Quyền ưu tiên xử lý đất đai và vốn chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đưa việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước là một ưu tiên trong bốn năm tiếp theo sau khi bán khoảng 144 cổ phiếu ra thị trường vào năm ngoái. Đó là một tin tốt lành cho Andy Ho, Giám đốc quản lý và người đứng đầu về đầu tư tại Vina Capital, công ty vốn cổ phần tư nhân lớn nhất của đất nước.
"Chúng tôi có thể tạo nên khác biệt khi nhìn vào các công ty dột nát, tả tơi. Chúng tôi yêu các công ty quốc doanh" ông nói. "Chúng tôi đầu tư vào rất nhiều các doanh nghiệp phục vụ cho sự phát triển tiêu dùng".
Nhưng vết sẹo chiến tranh từ quá khứ của Việt Nam đặt ra những vấn đề độc đáo đối với vốn cổ phần do tư nhân sở hữu. Những năm tháng chiến tranh và kế hoạch tập trung của cộng sản đã xóa sổ mất một thế hệ doanh nhân. Các đầu tư lớn được hỗ trợ bằng nguồn vốn ở nước ngoài thường đi kèm với việc đào tạo các CEO của địa phương hoặc, nếu nhà nước muốn giữ quyền điều khiển một công ty mới được tư nhân hóa, họ sẽ phải mở rộng các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục giới quan chức phải suy nghĩ đến hậu quả cuối cùng.
"Chúng tôi ngồi xuống với họ và nói rằng ‘có những thay đổi nhất định quý vị cần phải thực hiện để phát triển được doanh nghiệp của mình’". Khoảng 75 phần trăm các công ty lắng nghe, Hồ cho biết, công ty ông quản lý đến 2 tỉ bạc đầu tư.
Freund của Mekong Capital, người Chicago và là nhà thần học từ trường Santa Cruz, đại học California, điều hành các lớp huấn luyện cho bậc giám đốc điều hành, dạy họ phải nên suy nghĩ như Đức Phật.
"Nếu tôi bước vào và nói rằng ‘Các bậc tài trí giàu kinh nghiệm quản lý của Mỹ nói rằng bạn nên làm điều này, điều này và điều này, chúng sẽ đi vào tai này và đi ra bằng tai kia. Nhưng nếu tôi hỏi họ ai là là một người lãnh đạo hành xử như đức Phật, họ sẽ tiếp nhận và cố gắng áp dụng", ông Freund, một cựu giám đốc danh mục đầu tư của Templeton Asset Management Ltd. , người sáng lập Mekong Capital vào năm 2001 cho biết.
Một cái nhìn đơn giản vào thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy đất nước rất cần các nhà lãnh đạo như vậy.
Nguồn vốn cổ phần toàn cầu đã chảy qua các thị trường mới nổi của thế giới năm ngoái nhưng đã bỏ sót Việt Nam, nơi Sàn Giao dịch thị trường Chứng khoán 10 tuổi của Thành phố Hồ Chí Minh đã bị mất khoảng 3 phần trăm trong năm so với Thái Lan và Indonesia vốn đã thu lợi được hơn 40 phần trăm.
Hồ ở Vinacapital cho biết khách hàng của ông nghĩ rằng những rủi ro là quá lớn nhưng bây giờ nhìn lại, một phần là do các định giá thấp bất thường, rẻ nhất ở Đông Nam Á. Chỉ số Việt Nam đã giảm 59 phần trăm từ đỉnh cao của tháng Ba năm 2007.
"Chúng tôi đã nhìn thấy một số nhà đầu tư đang quay trở lại", Hồ nói, viện dẫn mức tăng lên trong các quỹ trao đổi, giao dịch của VinaCapital được liệt kê ở London. VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund Ltd tăng được khoảng 9 phần trăm từ giữa tháng mười, tốt hơn so với mức tăng 2 phần trăm của thị trường Thái Lan trong cùng thời kỳ.
"Chúng tôi đang nhìn thấy các tín hiệu rằng mọi người quan tâm đến Việt Nam".
Giáo Dục đào tạo kém
Ông Henry Nguyễn của IDG, dạt dào về triển vọng của Việt Nam nhưng không mù quáng trước những rủi ro.
Xuất xứ của ông đã cho ông một cái nhìn độc đáo. Lên hai tuổi vào năm 1975, cuối cuộc chiến Việt Nam, ông đã trốn khỏi cuộc xâm lược của Cộng sản miền Nam Việt Nam với gia đình mình. Ông đã ở bảy tháng trong một trại tị nạn ở Philippines trước khi chuyển đến Virginia, nơi ông đã lớn lên với ít quan tâm về quê hương cũ của mình, trò chuyện với cha mẹ Việt của mình bằng tiếng Anh và đi học Đại học Harvard.
Ông chỉ trở lại vào giữa năm 1990, miễn cưỡng, như một sinh viên viết về du lịch trong chương trình Let's Go do sinh viên trường Havard điều hành. "Tôi đã yêu nơi này" ông nói.
Sau khi học xong ngành y khoa và kinh doanh, ông đã làm việc như là một người lựa chọn cổ phiếu công nghệ cao tại Goldman Sachs tại New York dưới tay Rick Sherlund, nhà phân tích nổi tiếng của Microsoft, nhưng một lần nữa, ông nhanh chóng cảm nhận được sự thu hút của Việt Nam.
Ông trở lại vào tháng Chín năm 2001, ngày Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị tấn công. Ông theo dõi hậu quả cuộc tấn công trên truyền hình và cố gắng để liên lạc với bạn bè.
"Tôi cảm nhận một cái gì đó hụt hẫng trong tôi, và tôi nghĩ có lẽ không sống ở Mỹ không phải là một điều xấu" ông nói. Ba năm sau, ông nhận được một lời mời từ nhà sáng lập Pat McGovern của IDG tại Boston để mở một cửa hàng tại Việt Nam. Ông bây giờ giám sát hai quỹ, một quỹ trị giá 100 triệu USD, quỹ kia trị giá 150 triệu USD.
Không chỉ rơi vào tình yêu với đất nước, chẳng bao lâu Nguyễn đã yêu và kết hôn với con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2008.
Tuy nhiên, ông thẳng thắn về những thử thách của Việt Nam.
"Có ba vấn đề khiến tôi thường xuyên thức trắng đêm", ông nói.
Đầu danh sách là cơ sở vật chất hạ tầng - một vấn nạn lâu dài tại Việt Nam, nơi từ đầu những năm 1900 đến đầu những năm 1990 sự phát triển bị kềm lại bởi những xung đột và các chính sách tập thể đã thai nghén kém cỏi.
"Ngay cả khi tôi nói rằng Việt Nam là Trung Quốc của khoảng năm '97-'98, thực sự là còn tụt hậu nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất hạ tầng" ông nói. Các cảng của Việt Nam hiện đang quá tải, thiếu các đường cao tốc và tình trạng thiếu điện kinh niên của các mạng lưới điện khiến tạo nên tình trạng mất điện rất thường xuyên.
Thứ hai là quản trị và nạn tham nhũng. "Cuối cùng là hầu hết mọi người cảm thấy khá hoài nghi về chính phủ, và trong nhiều trường hợp, có lẽ quả đúng là như vậy".
Và thứ ba là giáo dục, có lẽ là điệp khúc phổ biến nhất trong các chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Ví dụ, ông lưu ý rằng gần 2 triệu học sinh dự thi hàng năm cho 750.000 chỗ ngồi tại các trường đại học toàn thời gian.
Chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam cũng suy giảm. "Thật là một sự xấu hổ khi ta có những người rất có hoài bão, muốn cố gắng hết sức, muốn làm việc chăm chỉ và hầu hết trong số họ lai phải nhận được các thứ rác rưởi nhất mà bạn có thể tưỏng tượng ra của ngành giáo dục" ông nói.
Những rào cản ấy đã khiến nhiều đối thủ cạnh tranh không muốn tham dự vào thị trường tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam - từ Tập đoàn McDonald's đến Starbucks Corp và Wal-Mart Stores Inc, tất cả đều đã có những thâm nhập lớn tại Trung Quốc.
Howard Schultz, chủ tịch và giám đốc điều hành Starbucks, cho biết trong tháng Bảy, ông muốn "khám phá các cơ hội" để vào Việt Nam. Nhưng các thủ tục quan liêu hành chính dầy đặc đã buộc chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới phải nhượng quyền khai thác các cửa hàng của mình, một điều mà họ thường không làm trong hầu hết các nước khác.
Thủ tục quan liêu cửa quyền là "hàng rào phi thuế quan lớn nhất của Việt Nam", ông Burke tại Baker & McKenzie cho biết.
Các nhà hoạch định chính sách, ông nói thêm, đã bị cắm rễ sâu với những lo ngại về sự cạnh tranh, trong đó nỗi sợ hãi các công ty Trung Quốc sẽ lấy mất quyền kiểm soát nguồn cung cấp gạo của Việt Nam nếu họ mở cửa cho thương mại tư nhân quá nhanh chóng.
"Bảo hộ mậu dịch vẫn còn là một vấn đề," ông Burke, một thành viên sáng lập của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam nói.
Tuy nhiên, ông được khuyến khích bởi một kế hoạch cải cách được ba tuổi đời gọi tên là Đề án 30, với những hứa hẹn cắt giảm đến 30 phần trăm các thủ tục hành chính.
Bản "Báo cáo Làm ăn Kinh doanh" của Ngân hàng thế giới năm 2010 nói rằng phải mất trung bình 44 ngày và chín thủ tục hành chính để khởi đầu một doanh nghiệp tại Việt Nam, so với mức trung bình 39 ngày và tám thủ tục trong các nước còn lại của châu Á.
Trong khi Starbucks cân nhắc tương lai của mình tại Việt Nam, công ty địa phương Highlands Coffee vồ lấy lựa chọn về bất động sản và được lãi trong một đất nước thích nhấm nháp cà phê ở quán cà phê theo phong cách Paris của thời thực dân Pháp.
Nhân vật sáng lập, người Mỹ gốc Việt David Thái, thấy Starbucks bung lên từ nơi ông ở tại Seattle thành một cường quốc cà phê quốc tế. Ông đánh hơi được cơ hội và bây giờ đang điều hành 40 quán cà phê.
"Ngay bây giờ, các nhà bán lẻ nước ngoài đã không được hề có tiến triển gì ở Việt Nam", Freund tại Mekong Capital nói. "Ví dụ như nếu Wal-Mart muốn đi vào thị trường và thiết lập các cửa hàng lớn để biến đổi tương lai ngành bán lẻ tại Việt Nam, họ sẽ phải cố gắng rất nhiều".
Wal-Mart không có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt nam, phát ngôn viên Kevin Gardner cho biết. So sánh thị trường này với Trung Quốc, nơi Wal-Mart đang điều hành 189 cửa hàng với hơn 50.000 công nhân.
Khai thác mạng Internet
Có lẽ không đáng ngạc nhiên khi Nguyễn Đức Tài, giám đốc của Mobile World, một công ty phát triển nhanh chóng, không e sợ cạnh tranh từ nước ngoài. Nhưng ông ta phải sử dụng công nghệ và khai thác Internet để giữ cho vị trí của mình được an toàn.
Trước khi thiết lập công ty của mình với bốn người bạn, ông biết rằng ông phải giải quyết vấn đề từng gây bực bội cho mình khi cố gắng để mua một cái điện thoại cho vợ. Người tiêu dùng cần biết thông tin tốt, ông lý luận, vì vậy trước khi mở cửa hàng đầu tiên của mình, ông thành lập một trang web trình bày chi tiết giá cả vàcác thông số kỹ thuật của những chiếc điện thoại mà mình sẽ bán.
Đó là dạng hình đầu tiên ở Việt Nam và đã thành công. Nhưng điều đó dẫn đến một vấn đề khác: làm thế nào để giữ giá cả được như nhau trên các trang web và trong mạng lưới phát triển của các cửa hàng, của mình, đặc biệt trong một thị trường dễ bị biến động vì đột biến của nhu cầu và tiền tệ.
Giải pháp của ông: các bảng giá kỹ thuật số được cập nhật từ trung tâm hai lần một ngày và liên kết với các trang web. Điều đó đã mở đường cho một hệ thống thương mại điện tử sơ khai, trong đó cho phép khách mua hàng bằng cách nhập vào số điện thoại của họ. Trong thời hạn 30 phút, một cuộc gọi chính thức đến Mobile World gọi, nhận đơn đặt hàng, sau đó gửi hàng qua một chiếc xe máy chuyển phát nhanh để giao chiếc điện thoại và thu tiền.
Trang web này tạo ra khoảng 1 triệu USD một tháng, đủ để làm cho Mobile World trở nên tay chơi lớn nhất trong giới thương mại điện tử của Việt nam, một ngành công nghiệp trong sự non trẻ của mình trong một đất nước mà hầu hết mọi người đều không có thẻ tín dụng và tiền mặt cho hầu hết các giao dịch mua bán.
"Đây là một vũ khí tốt cho chúng tôi để cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác" ông Tài vừa ngả người về phía trước trên một chiếc ghế tại một trong các cửa hàng của mình vừa nói.
Một vũ khí khác là Đinh Anh Huân, người giám đốc phát triển kinh doanh phát triển của ông, người đi Trung Quốc mỗi tháng một lần để nghiên cứu cách thức các công ty ở đó hoạt động.
"Ở Việt Nam, văn hóa và kinh tế rất giống với Trung Quốc Vì vậy, mỗi tháng tôi đi Trung Quốc. Tôi đến xem các cửa hàng. Gặp các nhà cung cấp,.sản xuất, tôi đi đến các nhà máy của họ.Tôi mua sản phẩm.. Tôi xem xét và học tập. Tôi về nước và tôi học tiếng P{hổ thông mỗi ngày" ông nói, nhắc đến tiếng giao thiệp chính của Trung Quốc.
Tại thủ đô Hà nội phía Bắc, Đào Thế Vinh cũng có thị hiếu về Trung Quốc. Người giám đốc điều hành 38 tuổi của Golden Gate Trade & Service, một hệ thống nhà hàng đang tăng trưởng nhanh, đã học theo cách làm ăn từ Little Sheep Group Ltd của Trung Quốc, vốn có hơn 350 cửa hàng trên khắp thế giới.
"Đó là lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi" ông nói, "Nhưng tất nhiên văn hóa của chúng tôi là khác nhau và chúng tôi phải tìm cách thực hiện bằng cách riêng của mình".
Năm năm trước, Vinh và hai người bạn thành lập một nhà hàng chuyên về món "Lẩu nấm" - kết hợp của nấm, thịt và rau luộc trong nước dùng mặn và ăn từ một lò đốt bằng gas. Trong thời hạn hai năm, ông có sáu cửa hàng. Đến năm ngoái, ông đã có 34 tiệm.
"Dự phóng của chúng tôi là ba năm tới sẽ tăng lợi nhuận 40-50 phần trăm một năm và vào cuối năm 2013 sẽ có khoảng 90 hay 100 nhà hàng" ông nói.
Đối thủ của ông, tiệm Phở 24 đã được bảy năm trong nghề, một mạng lưới các tiệm phở đã trở thành chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam với 60 tiệm, mở rộng ra nước ngoài với 19 nhà hàng. Lý Quí Trung, người sáng lập và điều hành cho biết ông hy vọng số lượng các cửa hàng nhượng quyền thương mại sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong năm năm tiếp theo.
Nhưng các cửa loại cửa hàng nhỏ vẫn giữ được ảnh hưởng đối với giới tiêu dùng Việt Nam.
Trong thành phố Hồ Chí Minh chật chội, một thành phố khoảng tám triệu người, khách hàng chen vai thích cánh theo cách của họ qua Sài Gòn Plaza đông đúc, có hai tầng với những quầy hàng nhỏ thuê buôn bán mọi thứ từ quần áo, đồ trang sức đến các túi xách tay giả và đồ chơi trẻ em.
"Có rất nhiều mặt hàng ở đây và giá cả dao động từ thấp đến cao. Tốt nhất là mình có thể mặc cả", ông Tế Vĩnh Lộc, một nhà thiết kế 34 tuổi cho biết khi ông lượn qua một mê cung của các quầy hàng trên tầng hai vào một buổi chiều thứ năm. "Đôi khi tôi tìm ở những tiệm cao cấp, nhưng họ không có những gì tôi muốn tìm nên tôi phải đến đây".
Cách đó một vài tiệm, Lại Thị Bích Quỳnh đang bán những chiếc áo T-Shirt bóng đá màu xanh và trắng mang logo của Adidas với giá 6 đô.
"Công việc làm ăn rất tốt", Quỳnh nói, người điều động khoảng 200 đến 300 đơn vị quần áo một tháng tại một gian hàng không lớn hơn 2 mét vuông. Các nhà bán lẻ tại Saigon Plaza phải trả tiền thuê chỗ khoảng 600 đô một tháng và kiếm được khoảng 2.000 đô tiền bán hàng, bỏ túi được khoảng 500 đô lợi nhuận một tháng.
Dưới phố, tại Trung tâm Vincom mới lấp lánh, các tiếp viên cửa hàng ngồi lặng lẽ trong các cửa hàng chủ yếu trống rỗng, một số ngồi bấm các tin nhắn trên điện thoại của họ. Tại một cửa hàng Versace, những túi xách phụ nữ đã được bán khoảng 2.600 đô mỗi chiếc - hơn gấp đôi mức lương hàng năm của một công nhân Việt Nam bình thường. Kinh doanh "không tốt lắm nhưng ok", ông Nguyễn Anh Tuấn nhân viên bán hàng nói. Cửa hàng thu hút khoảng 50 người mua sắm một ngày, mặc dù chỉ khoảng năm người thực sự mua hàng, ông cho biết.
Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai có nghĩa là các thương hiệu cao cấp không thể nào không có mặt tại Việt Nam.
Trong sự điềm đạm thường ngày của Hà Nội, vào tháng Chín, những tay săn ảnh chầu chực tại để chụp những người nổi tiếng đến bằng những hàng limos dài để khai trương cửa hàng Gucci đối diện với nhà hát opera cũ mốc cả thế kỷ và toà nhà thị trường chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, hầu như mọi ngày đều khan hiếm người mua.
Vào một buổi chiều Thứ Hai, Nguyễn Trọng Minh đến một cửa hàng sang trọng để mua một cặp kính mát cho mẹ mình. Chuyên gia tư vấn 24 tuổi, người vừa trở lại Việt Nam sau khi học năm năm ở Minnesota, lưỡng tự một chút khi được hỏi phải mất bao lâu để một cửa hàng như Gucci được thực sự cất cánh. "Sẽ phải mất một thời gian", ông trả lời.
.
.
.
No comments:
Post a Comment