Saturday, January 15, 2011

NHÀ DỘT TỪ NÓC - HÀNG GIẢ TỪ ĐỈNH (Ngô Văn)

Ngô Văn
Cập nhật ngày: 15/01/2011

Cứ mỗi năm trôi qua, giới thương mãi Tây phương lại thêm bừng tỉnh khỏi cơn mộng về cái thị trường 1,4 tỉ người tiêu thụ của Trung Quốc. Điều làm họ lao đao và dần dần nhận ra thực tế là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn ngập không lâu sau khi món hàng của họ bắt đầu được thị trường ưa thích. Trong nhiều trường hợp, loại hàng này tuôn ra từ cửa sau của chính những xưởng sản xuất theo khế ước với các hãng Tây phương, từ đồ chơi trẻ em đến quần áo mang nhãn cao cấp, đến các đồ dùng điện tử tối tân. Tệ hơn thế nữa, loại văn hóa hàng nhái này được sự khuyến khích ngầm của hệ thống nhà nước.

Dân chúng Tàu hiểu rõ cái nháy mắt của nhà nước Bắc Kinh mỗi khi giới thương buôn ngoại quốc lớn tiếng khiếu nại về tình trạng hàng giả. Mỗi lần như thế, Bắc Kinh lại viện lý do “vì không đủ người đi truy lùng” nên luật pháp có đó nhưng không thực hiện được, và rồi lại cho chiếu cảnh xe ủi đất cán nát một số dĩa hát lậu trên đài truyền hình. Thế là hết. Đâu lại hoàn đấy ở đất nước hàng nhái. Cá nhân nhái hàng nhỏ, hãng xưởng nhái hàng lớn. Và lãnh đạo Đảng còn nhái những thứ khủng khiếp hơn nữa.

Thật vậy, dân Tàu đang theo gương nhà nước về thái độ bất chấp dư luận và sĩ diện, dù là đối với dân chúng trong nước hay đối với thế giới bên ngoài. Một vài thí dụ gần đây có thể cho thấy rõ thái độ hành xử trâng tráo này. Để gấp rút gỡ gạc trước việc thế giới chọn trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, lãnh đạo Bắc Kinh lập tức dựng lên giải Khổng Tử. Nhưng người dân Trung quốc biết rõ chế độ Cộng Sảng Trung Quốc đã lên án Khổng Tử đến mức nào và từ bao giờ. Chính Mao Trạch Đông dạy cả Đảng rằng:
“… Ở Trung quốc lại còn có văn hóa nửa phong kiến, phản ánh chính trị nửa phong kiến và kinh tế nửa phong kiến. Phàm những kẻ chủ trương tôn sùng Khổng tử, đọc kinh thư, đề xướng lễ giáo cũ và tư tưởng cũ, chống lại văn hóa mới và tư tưởng mới, đều là đại biểu của loại văn hóa ấy. Văn hoá đế quốc chủ nghĩa và văn hóa nửa phong kiến là hai anh em vô cùng thân mật vói nhau, chúng kết thành đồng minh phản động về văn hóa, chống lại văn hóa mới của Trung quốc. Loại văn hóa phản động ấy phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc và giai cấp phong kiến, là cái cần phải đánh đổ… Cuộc đấu tranh giữa hai nền văn hóa ấy là cuộc đấu tranh một mất một còn.” — Trích trang 94 và 95, sách Bàn về Chủ nghĩa Dân chủ mới của Mao Trạch Đông (*).
Và đó vẫn là quan điểm chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc xuyên qua cả hệ thống giáo dục tại nước này cho đến nay.

Nhà nước Bắc Kinh cũng vô địch về tầm cỡ của các hàng giả. Vào tháng 9/2008, hệ thống tuyên truyền nhà nước cho trình chiếu ngang nhiên trên hệ thống truyền hình toàn quốc và công bố cả với thế giới bên ngoài nhiều đoạn phim về “cuộc đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc”. Giới phân tích kỹ thuật liền sau đó chứng minh đó là những hình ảnh giả (**). Cuộc đi bộ ngoài không gian với tiếng vỗ tay reo hò vang dội hoá ra là một cuộc thực tập trong 1 hồ nước lớn trên mặt đất. Cả thế giới có cơ hội chứng kiến mức độ khinh thường trí óc người dân của các lãnh đạo Bắc Kinh. Và ngược lại toàn dân Trung Quốc có cơ hội chứng kiến mức độ chây lì của giới lãnh đạo khi không hề rút lại hay lên tiếng xin lỗi khi bị chứng minh là đã trình hàng giả.

Với những vụ bịp vĩ đại đó, thế giới và đặc biệt là dân chúng Nhật Bản, không mấy ai ngạc nhiên khi gần đây Bắc Kinh đưa tin họ đã có chứng tích lịch sử vô cùng chắc chắn (nguyên văn “chứng tích lịch sử bằng sắt”) để chứng minh quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật gọi là Senkaku) thuộc chủ quyền Trung quốc. Bằng chứng đưa ra, theo họ, là bản viết của nhà văn Trầm Phục, đời nhà Thanh, được viết khi đi cùng với Sứ đoàn Trung quốc sang Kyuryu (tức Okinawa ngày nay). Trong chuyến đi sứ này, phái đoàn đã ghé thuyền vào đảo Điếu Ngư để tham quan. Viện Khảo cổ Bắc Kinh còn phụ họa thêm rằng bản Văn Hiến này do nhà khảo cổ Bành Lệnh tìm thấy vào mùa thu năm 2005 tại tỉnh Sơn Tây rồi đưa cho các chuyên gia kiểm định bút tích phán xét. Kết quả ai cũng xác nhận đó là bút tích của nhà văn Trầm Phục. Các quan chức cao cấp thuộc bộ Giáo dục Trung quốc cũng được lệnh nhập cuộc. Họ cho biết gần đây có nhiều ý kiến đề nghị đưa bản Văn Hiến này vào sách giáo khoa bậc trung học, và Bộ đang cứu xét các ý kiến đó.

Tuy nhiên, vào ngày 19/12/2010, thế giới phải kinh ngạc khi chứng tích lịch sử hiếm quí và liên hệ trực tiếp đến quần đảo đang tranh chấp giữa Hoa - Nhật này lại được Bắc Kinh tuyên bố sẽ cho đem ra bán đấu giá “để lấy tiền giúp dân nghèo”. Đặc biệt hơn nữa, tuyên bố này cấm người ngoại quốc tham dự cuộc đấu giá với lý do sợ Nhật bỏ tiền ra mua đem về thủ tiêu. Và chỉ 2 ngày sau đó, chẳng biết có ai thấy tận mắt buổi đấu giá diễn ra ở đâu không, nhưng báo đài Trung Quốc đồng loạt loan tin bản Văn Hiến đã bán được với giá 13 triệu 250 ngàn đồng nhân dân tệ, nhưng không cho biết danh tánh người đã mua.

Không chỉ thế giới và dân Nhật, mà cả dân Tàu cũng phải gãi đầu thắc mắc. Tại sao bút tích của một nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh ghé qua đảo Điếu Ngư lại đương nhiên xác định chủ quyền của Trung quốc trên đảo này? Tại sao không cho cả thế giới đọc nội dung bản văn? Và nếu bản văn có gọi đây là đất Trung Quốc thì phải xem đó là tài sản quốc gia chứ sao lại đem bán đấu giá? Ngân sách nhà nước có kiệt quệ và nhà nước có bất ngờ thương dân nghèo đến độ phải bán một tài liệu quí giá như vậy để lấy tiền giúp họ không? Nếu sợ chính phủ Nhật mua về thủ tiêu thì nhà nước Tàu càng phải bảo vệ bản văn và dùng mọi thứ kỹ thuật hiện đại để giúp bản văn không bị mục nát theo thời gian chứ, ai lại giao vào tay tư nhân? Ai dám bảo đảm tư nhân đó sẽ không bán cho các tỷ phú nước ngoài? Và nhiều câu hỏi khó trả lời khác nữa.

Theo các nhà phân tích thời sự Nhật, chỉ có một giả thuyết có thể giải thích hành động quái lạ của Bắc Kinh trong vụ này. Đó là lại một vụ Văn Hiến hàng nhái. Vì sợ các chuyên gia kỹ thuật Nhật và quốc tế vạch ra các dấu vết bịp bợm, đặc biệt là khả năng định độ tuổi của tờ giấy, Bắc Kinh phải vội dựng kịch bán đấu giá để tống táng cái gọi là chứng tích lịch sử này vào tay tư nhân. Và vì không còn trong thẩm quyền hay văn khố của nhà nước nữa, Bắc Kinh khỏi phải trình trước thế giới để bị vạch mặt bịp bợm.

Đó là chuyện Nhật. Còn chuyện Việt thì còn đáng buồn hơn nữa. Bắc Kinh chẳng cần dàn dựng gì cả. Họ chỉ ngang nhiên công bố cái bản đồ 9 vạch ngày 4/9/1958 bao gồm luôn chủ quyền hầu hết biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, thế là chỉ 10 ngày sau, giới lãnh đạo CSVN cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm xác nhận đúng như vậy. Thế là dâng trọn Hoàng Sa, Trường Sa cho thiên triều. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tiếp tục dùng bức công hàm ô nhục đó để chứng minh Việt Nam đã công nhận 2 quần đảo này là đất Tàu!

Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng Bắc Kinh lại bày trò cho chiếu hình ảnh một vài nấm mộ giả trên 2 quần đảo. Trong mộ không có xương cốt, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Tàu ngày sinh với ngày chết mấy chục năm về trước. Ngoài ra, họ còn cho thả trôi một vài tấm bia chủ quyền ghi mấy chữ Tây Sa viết bằng chữ Hán. Nhưng dĩ nhiên, chẳng ai được phép rờ mó đến các chứng tích này để phân tích thật giả.

Điều đáng xấu hổ là cả lãnh đạo Đảng và nhà nước CSVN, cũng như hàng loạt các viện nghiên cứu Việt Nam đều im bặt trước những cái gọi là “chứng tích lịch sử” như trên do Bắc Kinh tung ra. Thay vào đó, các lãnh đạo Hà Nội tiếp tục bắt toàn dân thờ lậy 16 chữ vàng, và xua công an đi đánh đập, bắt bớ, và giam giữ những người dân Việt yêu nước dám chỉ ra đó là “hàng nhái”.


Chú thích:(*) Sách do Nhà Xuất Bản Ngoại Văn - Bắc Kinh dịch, in, và gởi sang Việt Nam để huấn luyện cán bộ Cộng Sản Việt Nam cấp trung và cao. Đây là loại sách bỏ túi cán bộ phải luôn đem theo mình để tham khảo.


(**) Một đoạn phim chứng minh cuộc đi bộ không gian giả được lưu trữ tại: youtube.com/watch?v=lBL98p0wZ7g
---------------------------------

Các bài liên hệ
.
.
.

No comments: