Trọng Thành - RFI
Thứ tư 26 Tháng Giêng 2011
Với tựa đề, « Người Trung Quốc tin vào chủ nghĩa tư bản hơn cả các nước Phương Tây », La Croix cho biết : 33% người Pháp cho rằng cần phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản, trong khi đó, chỉ có 3% người Trung Quốc đồng ý với điều này. Trả lời câu hỏi có nên duy trì chủ nghĩa tư bản không ? 65% người Trung Quốc trả lời đồng ý, trong khi tỉ lệ này ở người Pháp chỉ có 15%.
Đúng vào ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu lần thứ 41 tại Davos (Thụy Sĩ), nhật báo Công giáo La Croix đặt hàng với viện điều tra dư luận Ifop để tiến hành về thái độ đối với chủ nghĩa tư bản tại 10 quốc gia. Với tựa đề, « Người Trung Quốc tin vào chủ nghĩa tư bản hơn cả các nước Phương Tây », La Croix cho biết : 33% người Pháp cho rằng cần phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản, trong khi đó, chỉ có 3% người Trung Quốc đồng ý với điều này. Trả lời câu hỏi : có nên duy trì chủ nghĩa tư bản không ? 65% người Trung Quốc trả lời đồng ý, trong khi tỉ lệ này ở người Pháp chỉ có 15%. Pháp, như vậy, là nước có ít người ủng hộ chủ nghĩa tư bản nhất.
Cuộc điều tra của Ifop cho thấy khoảng cách rất lớn giữa các nước công nghiệp phát triển cũ và các nước đang trỗi dậy, như Trung Quốc và Brazil. Khoảng cách lớn này còn hiện diện ngay cả trong lòng các nước Châu Âu, giữa các nước kinh tế đang phục hồi, như Đức, Hà Lan, Ba Lan và các nước đang lúng túng trong vòng thất nghiệp và thâm hụt ngân sách, như Pháp, Ý.
Về khả năng cạnh tranh, các nước Úc, Đức, Brazil, Trung Quốc đứng đầu với hơn 70% người trả lời : rất tự tin vào năng lực của quốc gia mình. Pháp, Ý, Hoa Kỳ đều có tỷ lệ người tin tưởng thấp nhất, từ 40% trở xuống.
Mặc dù tin tưởng vào chủ nghĩa tư bản nhiều hơn, về thái độ bi quan với tình hình hiện nay trên nhiều điểm, người Mỹ cũng rất giống người Pháp. Theo La Croix, một điểm chung được các nước cùng chia sẻ, đó là khả năng một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới sẽ bùng nổ trong những năm tới, với 9/10 người Pháp, 3/4 người Trung Quốc và 2/3 người Hà Lan. Đó cũng là lý do, đa số người được hỏi cho rằng, cần phải có nhiều biện pháp điều chỉnh hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu, để chống lại việc bán phá giá, phá hoại môi trường, gian lận tài chính.
Về sự kiện Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu đang diễn ra, bài viết do phóng viên La Croix gửi về từ Davos nhận định : Diễn đàn Davos đang tìm kiếm các bài thuốc để giúp cho quá trình toàn cầu hóa đang hụt hơi có thể hồi phục lại. Theo La Croix, các chủ đề chính được quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế lần này là mâu thuẫn giữa quá trình phát triển của thế giới ngày càng trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, với sự tan vỡ của các giá trị chung.
Đây chính là nghịch lý được nêu ra trong một bản báo cáo chính thức của Diễn đàn : quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra vào đầu thế kỷ XXI có thể được hình dung như một thế giới đang cùng nhau lớn lên, nhưng chính thế giới đó cũng đồng thời lại chia rẽ với nhau. Cũng bản báo cáo này khẳng định, cái có thể trở thành đối trọng lại quá trình mâu thuẫn và đầy kịch tính này, chính là sự hình thành một công luận toàn cầu, được thông tin tốt và có khả năng huy động tốt, chia sẻ các chuẩn mực và giá trị chung của tinh thần công dân toàn cầu. Tuy nhiên, một công luận như vậy, theo bản báo cáo, vẫn còn chưa hình thành một cách đầy đủ.
Lần đầu tiên một doanh nghiệp làm hàng giả Trung Quốc buộc phải đóng cửa
Nhật báo La Croix hôm nay chú ý đến sự kiện mới đây cho thấy nạn hàng giả tại Trung Quốc có thể được ngăn chặn, với tựa đề : « Nhà sản xuất giày Pháp J. M. Weston thắng kiện trong việc đòi đóng cửa một xí nghiệp hàng giả tại Trung Quốc ».
Nếu như chúng ta biết rằng, hơn 80% hàng giả toàn cầu đến từ Trung Quốc, việc công ty Weston của Pháp thắng kiện là một biến cố quan trọng. Hôm thứ hai vừa qua, Hiệp hội các nhà công nghiệp Pháp Unifab đã hoan nghênh quyết định của tòa án Trung Quốc, đóng cửa xí nghiệp làm giày Weston giả vào cuối tháng 12.
Weston là hiệu giày hạng sang của Pháp, hoạt động từ năm 1.891, với tổng sản lượng 100.000 đôi/năm. Hàng của Weston được bán tại 20 nước, trong đó có Trung Quốc. Xí nghiệp làm nhái hàng Weston, có trụ sở tại Quảng Đông, sản xuất 300 đôi giày giả/ngày.
Vụ án hàng nhái Weston kéo dài trong vài tuần thì kết thúc. Theo phó giám đốc Weston Philippe Lacoste, đây là lần đầu tiên một xí nghiệp hàng giả Trung Quốc bị kết án phải đóng cửa và những người chủ bị bắt, điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc đã bước đầu có thiện chí hợp tác với các doanh nghiệp để chống nạn hàng giả.
Ước tính sơ bộ, hàng giả chiếm từ 15-30% sản lượng công nghiệp, 8% GDP của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, hàng giả khiến nền kinh tế Pháp bị thiệt hại khoảng 30 000 đến 40 000 chỗ làm một năm, với lượng tiền tương đương 6 tỷ euro. Hiện tại, có khoảng 1/2 các doanh nghiệp Pháp bị nạn hàng giả ảnh hưởng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment