Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Wed, 01/26/2011 - 09:28
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa về lại Trung Quốc vào cuối tuần qua sau chuyến đi với mục đích hàn gắn quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng lần tới khi Nhà Trắng đưa đội quân danh dự và đánh bóng đồ dùng pha lê để chào đón vị lãnh đạo Trung Quốc, người ấy chắc chắn không phải là ông Hồ.
Thực thi kế hoạch chuyển quyền bí mật từ một năm trước, ông Hồ đã bắt đầu chuẩn bị việc từ bỏ quyền lực, chuyện cây gậy lại cho người được dự định thay thế mình, một cựu lãnh đạo cấp tỉnh tên Tập Cận Bình, hiện là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc. Trong khi ông Tập đang đợi đến sang năm để chính thức nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và nền quân sự hùng mạnh đang nhanh chóng hiện đại hoá, ông vẫn là một ẩn số đối với hầu hết mọi người, ngay cả tại Trung Quốc.
Nhưng một cái nhìn sâu hơn vào quá khứ của ông tập, được tập hợp từ những cuộc phỏng vấn đa dạng và các tài liệu của chính quyền Trung Quốc, cho thấy rằng việc đi lên của ông được xây trên một tập hợp của tính nhạy bén chính trị, mối quan hệ gia đình và sự khéo léo về ý thức hệ. Cũng như quốc gia mà ông sẽ điều hành, ông đã khéo léo giữ vững sự thống trị của Đảng Cộng sản trong khi biến sự tăng trưởng kinh tế thành nhiệm vụ chính của đảng.
Không có nhiều bằng chứng trong lý lịch của ông để cho thấy rằng ông sẽ cố tình đưa Trung Quốc vào một hướng đi hoàn toàn khác biệt. Nhưng một số nhà quan sát chính trị cũng nói rằng có thể ông đang có sự ủng hộ rộng rãi hơn trong đảng so với Hồ, điều này sẽ giúp ông có nhiều thuận lợi hơn để thử nghiệm những ý tưởng mới. Trong cùng lúc đó, không chắc lắm về việc ông sẽ sử dụng quyền lực của mình như thế nào trong một hệ thống mà quyền lực đang ngày càng khuyếch tán. Ông Tập cũng có mối quan hệ sâu đậm hơn với giới quân sự so với hai người tiền nhiệm, ông Hồ và Giang Trạch Dân, khi họ đang nắm quyền.
Trong hầu hết sự nghiệp của mình, ông Tập, 57 tuổi, đã lãnh đạo những khu vực bùng nổ kinh tế tại vùng duyên hải phiá đông, vốn đang là tiền phương của việc thử nghiệm về thị trường độc quyền của Trung Quốc, bao gồm việc hấp dẫn đầu tư ngoại quốc, đưa các chi bộ đảng vào các công ty tư nhân và mở rộng sự hậu thuẫn của chính quyền đối với các doanh nghiệp kiểu mẫu. Điều này giúp ông Tập có được thứ kinh nghiệm chính trị và kinh tế mà ông Hồ thiếu khi bước vào vị trí lãnh đạo tối cao.
Ông cũng không có nhiều tính nghiêm nghị quan liêu như ông Hồ. Con người cao to này chính là một hoàng tử - hậu duệ của những thành viên trong giới cách mạng tinh tuyển của đảng - và cuộc hôn nhân thứ hai của ông là với một ca sĩ dân ca kiêm thiếu tướng quân đội Bành Lệ Viên.
Không như ông Hồ đầy cứng nhắc, ông Tập từng có những lời mạnh mẽ đáng nhớ chống lại phương Tây trong vài bài phát biểu gần đây của mình: ông từng cảnh báo những người chỉ trích sự đi lên của Trung Quốc là "ngưng chỉ tay vào chúng tôi." Nhưng ông lại cho con gái của mình vào học tại Harvard dưới một bí danh.
Leo lên nấc thang danh vọng
Ông Tập bước lên nấc thang danh vọng bằng cách tạo dựng những hậu thuẫn từ những lãnh đạo cao cấp của đảng, đặc biệt là những người theo phái của ông Giang, trong khi đó cũng tạo dựng một hình ảnh khiêm tốn và tự lập bất chấp mối quan hệ gia đình của mình, theo lời các quan chức và đảng viên quen biết ông.
Phong cách tế nhị và thực dụng của ông được tỏ rõ trong cách ông giải quyết một dự án nhà máy điện nổi bật đang trên bờ phá sản vào năm 2002, khi ông còn là chủ tịch tỉnh duyên hải Phúc Kiến. Công ty Mỹ Bechtel và những nhà đầu tư ngoại quốc khác đã đổ vào gần 700 triệu đô la. Nhưng các nhà đầu tư bị sa lầy vào một cuộc tranh chấp với các quan chức dự án.
Sau khi lẩn tránh những đề nghị gặp mặt liên tục từ các giám đốc ngoại quốc, ông Tập đã đồng ý nói chuyện trong một buổi tối tại dinh thự chủ tịch tỉnh với một cố vấn kinh doanh người Mỹ có cha từng là bạn với cha của ông Tập trong những năm 1940s.
Ông Tập giải thích rằng ông không thể can thiệp vào tranh chấp dính líu đến những quan chức quyền lực khác. Nhưng ông cho thấy rằng ông hiểu rõ dự án và ủng hộ nó, cam kết gặp gỡ những nhà đầu tư "sau khi hai bên đạt được thoả thuận." Việc này dẫn đến một thoả hiệp cho phép nhà máy điện bắt đầu hoạt động.
"Tôi nghĩ, 'Con người này là một nhà chính trị tài năng,'" nhà cố vấn, ông Sidney Rittenberg Jr. nói.
Tài năng chính trị của ông Tập đã tạo ra sự lôi cuốn "bằng cách ứng xử trong những hoạt động chính trị," Zhang Xiaojin, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa nói.
"Về những cải cách kinh tế và phát triển, ông chứng tỏ mình rất hiệu quả," ông Zhang nói. "Về cải cách chính trị, ông không đụng vào những mạo hiểm để bị tấn công."
Ông Tập cũng nổi lên như một dàn xếp tiện lợi cho hai phái cạnh tranh trong đảng: những người trung thành với ông Hồ và những đồng minh của ông Giang, người vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự lãnh đạo tập thể của Trung Quốc trong việc chỉ định người thừa kế ông Hồ.
Dòng dõi tinh tuyển và sự nghiệp từ vùng duyên hải thịnh vượng của ông Tập đã đưa ông đến gần hơn với ông Giang. Nhưng cũng như ông Hồ, ông Tập từng trải qua những năm tạo dựng sự nghiệp tại những khu vực xa xôi. Ông Hồ cũng từng là người thân cận của cha ông Tập, một lãnh đạo Cộng sản cao cấp trong thời kỳ nội chiến của Trung Quốc.
Cha của ông, Tập Trọng Huân, từng làm một trong những lãnh đạo cấp tiến hơn trong đảng và từng bị Mao thanh trừng. Ông là người khởi đầu kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc tại Thâm Quyến vào đầu những năm 1980s. Đằng sau cánh cửa kín của đảng, ông ủng hộ vị lãnh đạo cấp tiến Hồ Diệu Bang, người từng bị đào thải vào năm 1987 và từng lên án việc quân đội đàn áp những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Người con Tập Cận Bình lớn lên tại Bắc Kinh và theo học ở trường trung học hàng đầu của quân đội. Nhưng ông đã phải tự bảo vệ mình trong thời kỳ bùng nổ của Cách mạng Văn hoá. Vào tuổi 15, ông bị đưa đi lao động cùng với nông dân tại vùng đồi hoàng thổ ở tỉnh Sơn Tây. Ông đã ở tại ngôi làng Lương Gia Hà và sau đó làm bí thư địa phương.
Ông Tập trở nên ghét bỏ việc đấu tranh ý thức hệ. Trong một bài xã luận xuất bản năm 2003, ông viết, "Đa số những quan điểm thực dụng của tôi bắt nguồn từ dạo đấy, và vẫn tạo ra ảnh hưởng lâu dài trong tôi."
Ngay cả khi còn trẻ như thế, phong cách lãnh đạo hoà giải của ông đã hiện rõ. "Khi người ta có mâu thuẫn với nhau, họ tìm đến ông, và ông nói rằng 'Quay lại sau hai ngày,'" Lu Nengzhong, 80 tuổi, gia trưởng của một ngôi nhà trong hang đá nơi ông Tập từng sống trong ba năm. "Lúc ấy thì mối mâu thuẫn đã tự giải quyết."
Sau này ông Tập đã nhờ vào mối quen biết của gia đình để theo học trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình là một phụ tá của Cảnh Tiêu, một quan chức quân đội đầy quyền lực và là đồng minh của cha ông Tập.
Trong những năm 1980s, các lãnh đạo đảng đã nhận diện ông Tập như là một trong lớp lãnh đạo tương lai. Chức vụ hàng tỉnh đầu tiên của ông là ở Hà Bắc, nơi ông phát triển ngành du lịch địa phương và doanh nghiệp miền quê, nhưng đã đối đầu với những lãnh đạo bảo thủ của tỉnh. Sau đó đảng đã đưa ông về tỉnh Phúc Kiến, cách Đài Loan bên kia eo biển. Ông Tập đã làm việc qua ba thành phố trong 17 năm.
Ở đó, ông đã chiêu mộ các nhà đầu tư Đài Loan. Trong 14 năm, ông cũng đứng đầu tư lệnh quân đội địa phương. Việc ông tiếp xúc với vấn đề lãnh thổ với Đài Loan " có thể đã tô vẽ quan điểm của ông về quan hệ hai bên eo biển Đài Loan theo hướng uyển chuyển," Alice L. Miller, một học giả về chính trị Trung Quốc tại Học viên Hoover nói.
Một số đầu tư đầy tham vọng cũng đã khiến cho cả nước soi mói khi ông Tập về làm thị trưởng Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến. Các nhà lãnh đạo thành phố đã ký kết một hợp đồng với Lý Gia Thành, ông vua địa ốc Hồng Kông, để xây dựng khu phố cổ của thành phố, nhưng việc này đã bị dập tắt vì công chúng phản đối. Một công trình sân bay quốc tế cũng đã thâm thủng nặng nề ngân sách dự án.
Ông Tập không phải cũng không bị tai tiếng về những vụ tham nhũng. Một vụ điều tra của đảng về nạn ăn hối lộ tại Ninh Dự và Phúc Châu được công bố nhiều năm sau khi ông rời Phúc Kiến đã làm mất ghế hai cựu lãnh đạo từng do ông Tập đề bạt.
Giành được sự chú ý của Bắc Kinh
Nhưng tại Bắc Kinh, những nhà lãnh đạo cao cấp đã giúp đỡ ông Tập. Ông đã về cuối khi các đại biểu bầu chọn 334 thành viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1997 vì thái độ hằn học chung đối với tầng lớp con ông cháu cha. Nhưng cuối cùng ông Tập cũng đã lọt vào vị trí dự khuyết. Ông Giang, Tổng bí thư và người môi giới quyền lực của mình là Tằng Khánh Hồng đã giúp hậu thuẫn việc đi lên của ông Tập, Cheng Li, một học giả nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Học viện Brookings ở Washington cho biết.
Nhiệm vụ kế tiếp của ông là chức bí thư tại tỉnh duyên hải Chiết Giang thì ấm cúng hơn. Ở đó, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng. Ông Tập đã tận dụng những chủ trương của Bắc Kinh trong việc mở cửa với doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng đã nối liền tiếng tăm của mình với những công ty tư nhân trong nước mà đến này đã vượt ra toàn cầu.
Ngay sau khi đến Chiết Giang vào cuối năm 2002, ông đã đến thăm công ty sản xuất xe duy nhất của ti/nh là Geely. Lý Thư Phúc, người sáng lập không biết mệt mỏi của công ty này bắt đầu nhận được một số trợ cấp tài chính từ các ngân hàng chính phủ. "Nếu chúng ta không tạo ra những hỗ trợ thêm đối với những công ty như Geely thì chúng ta sẽ hỗ trợ ai?" ông Tập nhận định.
Năm ngoái, Geely đã mua lại hãng sản xuất xe Volvo từ Công ty Ford Motor.
Ông tập cũng đã sớm nhìn ra Mã Vân, người sáng lập ra Alibaba, hiện là một công ty kinh doanh trực tuyến khổng lồ và là đối tác của Yahoo tại Trung Quốc. Sau khi rời khỏi Chiết Giang vào năm 2007 để trở thành lãnh đạo tối cao của Thượng Hải, ông Tập đã mời ông Mã: "Anh có thể đến Thượng Hải để giúp chúng tôi phát triển không?"
Lúc ấy, các lãnh đạo của đảng đang thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân thành lập các chi bộ đảng, một phần của kế hoạch trọng tâm của ông Giang nhăm đưa các doanh nghiệp và đảng đến gần nhau hơn. Các viên chức dưới quyền của ông Tập đã đưa ra những chức vụ danh giá cho các doanh nhân, tặng họ những danh hiệu đại diện lập pháp địa phương. Ông Tập cũng cẩn thận hậu thuẫn những cải cách chính trị nhỏ tại Chiết Giang, nơi những thử nghiệm dân chủ được thấm dần ở cấp cơ sở.
Khi các cán bộ tại một ngôi làng ở huyện Võ Nghĩa cho phép dân làng bầu hội đồng ba người để giám sát những lãnh đạo, ông Tập đã lưu ý đến điều này. Ông đưa ra một chỉ thị quan trọng giúp mở rộng chương trình đi đầu ít được biết đến này, Xiang Hanwu, một quan chức của huyện nói. Hệ thống này đã nhận được ca ngợi từ Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo các cán bộ đang lên. Vào tháng Tám, Chiết Giang đã thông qua việc triển khai chương trình trong toàn tỉnh, mặc dù có thêm sự kiểm soát của đảng.
Ông Tập cũng có được một hỗ trợ trong sự nghiệp của mình từ việc Chiết Giang thúc đẩy việc từ bỏ những quan hệ kinh doanh với các tỉnh lục địa nghèo hơn. Ông đã dẫn đầu một nhóm doanh nhân Chiết Giang giàu có gặp gỡ các cán bộ ở những tỉnh phía tây, chiếm được uy tín đối với những lãnh đạo các tỉnh khác.
Giữ lấy ngai vàng
Nhiều năm trước khi đại hội đảng vào tháng Mười 2007, ông Tập đã không được xem như là người tiên phong để thay thế Hồ Cẩm Đào để lãnh đạo đảng. Người được ưa chuộng là Lý Khắc Cường, người được ông Hồ bảo trợ. Nhưng nguồn lực chính trị của ông Tập đã tăng cao vào tháng Ba 2007 khi ông được bổ nhiệm chức bí thư Thượng Hải sau vụ tai tiếng về quỹ hưu trí làm mất chức kẻ lãnh đạo trước đấy.
Thượng Hải là căn cứ quyền lực của ông Giang và ông Tằng. Trong thời gian ngắn bảy tháng ở đây, trước khi ông tham gia vào Ban Thường trực Bộ Chính trị cao cấp ở Bắc Kinh, ông Tập đã giúp giảm đi những dư âm của vụ tai tiếng ở đây trong khi tăng cường thực hiện những chỉ thị về tăng trưởng có giám sát được ông Hồ ưa chuộng.
Đây là một kiểu hành động cân bằng vốn từng giúp ông rất nhiều trong nhiều thập niên.
Kể từ khi tham gia vào vòng tròn nội bộ đảng tại Bắc Kinh, ông Tập đã củng cố vị thế lâu dài của một con người vì tập thể. Là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông Tập vừa qua đã ưu tiên việc giảng dạy đạo đức chính trị dựa trên tư tưởng Marxist-Leninist và Maoist, một khuynh hướng đang thịnh hành trong chính quyền.
Quan điểm của ông đối với phương Tây vẫn khó mà đoán rõ. Ông từng nói với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong một buổi tiệc rằng ông thích xem các bộ phim về Chiến tranh Thế giới thứ II của Hollywood vì cảm nhận của người Mỹ về cái thiện và cái ác, căn cứ theo các bức điện ngoại giao mà WikiLeaks có được. Ông đã chỉ trích Trương Nghệ Mưu, đạo diễn lừng danh của Trung Quốc, nói rằng một số nhà làm phim Trung Quốc đã bỏ quên những giá trị mà lẽ ra họ nên phát triển.
Nhưng trong một chuyến thăm Mexico vào năm 2009, khi ông đang bảo vệ thành tích của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước một cử toạ gồm những Hoa Kiều, ông nói rằng mình không có kiên nhẫn với sự lo ngại của ngoại quốc đối với quyền lực mới của Trung Quốc trên thế giới.
"Một số những người ngoại quốc bụng phưỡng và không có gì làm hơn là nhảy vào việc chỉ trỏ chúng ta," ông nói. "Trước tiên, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, nó không xuất khẩu nghèo đói; và thứ ba, nó không kiếm chuyện với bạn. Vậy có gì để nói ở đây?"
.
.
.
No comments:
Post a Comment