Song Chi
Friday, December 31, 2010
Mấy ngày nay những người sử dụng facebook ở Việt Nam đang hết sức tức giận vì không thể vào được facebook. Bài viết “Khi cộng đồng facebook nổi giận” trên RFA thuật lại phản ứng của “các cư dân của cộng đồng mạng lớn nhất Việt Nam” này từ việc chỉ trích, kêu gọi biểu tình để đòi lại facebook, rủ nhau gửi đơn khiếu kiện lên nhà mạng, v.v.
Còn nếu ghé vào facebook thì sẽ thấy mọi người sôi nổi bàn tán, “chửi rủa” hay nhiệt tình chia sẻ cho nhau một đường link vượt tường lửa mới... như thế nào.
Ðây không phải là lần đầu tiên facebook bị chặn ở Việt Nam, nhưng như các cư dân mạng facebook cho biết, lần này tình hình có vẻ khó khăn hơn khi mọi người đã sử dụng đủ mọi biện pháp đổi DNS, vượt tường lửa... mà vẫn không vào được.
Chặn facebook chỉ là sự nối tiếp của hàng loạt hành động nhằm kiểm soát thông tin của nhà nước Việt Nam . Những năm gần đây, việc ngăn chặn, kiểm soát thông tin, đặc biệt việc phá hoại các trang báo “lề trái”, diễn đàn độc lập, trang blog cá nhân... ngày càng trở nên quyết liệt. Riêng trong năm 2010, việc
đánh phá này đã bắt đầu ngay từ những tháng đầu tiên.
Ðợt tấn công thứ nhất trong tháng 1 năm 2010, hàng loạt các trang mạng độc lập như Bauxite Vietnam, Talawas, Ðàn Chim Việt, Dân Luận... đều bị đánh phá. Gần đây, mấy ngày vừa qua, nhật báo Người Việt cũng đã bị “kẻ xấu” phá đám. Bản thân người đứng đầu trang Bauxite Vietnam là Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi bị công an khám nhà, và phải lên làm việc với công an trong nhiều ngày liền. Không những thế, bọn tin tặc còn lấy cắp password email của các thành viên rồi giả danh nhà giáo Phạm Toàn, một trong ba người chủ xướng trang bauxite để viết thư nói xấu Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi nhằm gây chia rẽ và bày trò vu cáo để hạ thấp uy tín cả nhóm. Song nhờ vào uy tín và ảnh hưởng có được từ mối quan hệ bạn bè rộng rãi trong giới trí thức, khoa học... của những người chủ xướng khiến cho trò vu cáo này không hiệu quả. Và sau một thời gian, công an cũng không thể ghép tội gì hơn cho Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, đành để ông yên. Nhưng kể từ đó, trang Bauxite Vietnam vẫn thường xuyên bị tin tặc phá hoại, có khi phải ngừng hoạt động vài bữa, vài tuần.
Cùng bị đánh khá nặng trong đợt này là trang Talawas, phải mất cả hơn tháng sau mới hoạt động lại được.
Cho đến nay thì hầu như không ai còn hồ nghi hoặc cố bênh vực rằng những cuộc tấn công phá hoại nhằm vào thế giới báo chí, blog... ” lề trái” là ngẫu nhiên hoặc không có sự dính líu đến bàn tay của nhà nước Việt Nam .
Vào tháng 3 năm 2010, hai tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới Google và Mac Afree tại Hoa Kỳ đã lên tiếng tố giác các vụ tấn công tin tặc nhằm vào các trang web có những nội dung bất đồng quan điểm với nhà nước Việt Nam có liên hệ với chính phủ Việt Nam . Trước lời tố cáo này, phía Việt Nam, thông qua bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc đó là không có cơ sở!
Song chẳng bao lâu sau đó, nhà nước Việt Nam đã tự tát vào mặt mình khi tin tặc ở Việt Nam “không khảo mà xưng”. Dư luận còn nhớ rõ tại “Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm 2010” diễn ra vào ngày 5 tháng 5, 2010, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin Truyền Thông và Hội Nhà Báo Việt Nam, với sự tham dự của hàng trăm nhà báo, tổng biên tập, phó tổng biên tập... viên trung tướng công an Vũ Hải Triều, tổng cục phó Tổng Cục An Ninh, đã tự hào khoe thành tích: “Trong mấy tháng qua, bộ phận kĩ thuật của ‘ta’ đã ‘phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu’”. Vũ Hải Triều sau đó chắc phải lấy làm “hối tiếc” vì sự khoe khoang này khi hàng chục trang báo bên ngoài và các diễn đàn, blog cá nhân đã đăng lại lời phát biểu của ông ta để khẳng định thêm một lần nữa, bàn tay của nhà nước Việt Nam phía sau những vụ “tin tặc” đáng xấu hổ nhằm vào thế giới báo chí tự do. Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã nhân dịp này làm đơn khởi tố gửi lên các cấp thẩm quyền đề nghị truy tố Vũ Hải Triều như một tội phạm quốc gia và quốc tế. Có lẽ Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng thừa biết số phận lá đơn cũng sẽ rơi vào sự im lặng như nhiều việc làm khác của ông, nhưng ít nhất, sẽ có thêm nhiều người Việt Nam biết về câu nói của Vũ Hải Triều và hành động phá hoại “ném đá dấu tay” lâu nay của ngành an ninh Việt Nam.
Suốt trong năm 2010, những đợt tấn công của tin tặc không hề ngừng lại. Danh sách “nạn nhân” cũng ngày càng mở rộng. Không chỉ các diễn đàn độc lập như Bauxite Vietnam, Talawas, Ðàn Chim Việt, DVC online, X-café, Tiền Vệ, Free Lê Công Ðịnh, Dòng Chúa Cứu Thế, Ðối Thoại, Dân Luận... mà cả những trang chỉ làm nhiệm vụ điểm tin bài, báo... như trang Anh Ba Sàm, hay các trang blog cá nhân như blog Ôsin của nhà báo Huy Ðức, blog Gốc Sậy của Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Kiên, blog của nhà báo Trương Duy Nhất... cũng cùng chung số phận.
Một số trang đã phải đổi hẳn tên như trang Free Lê Công Ðịnh đổi sang Dân Làm Báo; hoặc đổi tên miền như anhbasam.com đổi sang anhbasam.us, một số cá nhân phải ngừng bỏ hẳn cuộc chơi như chủ nhân blog Gốc Sậy hay nhà báo Huy Ðức.
Viết blog đã trở thành một việc nguy hiểm ở Việt Nam khi danh sách những blogger bị bắt đã nối dài thêm, bên cạnh những người trí thức hoạt động dân chủ. Có những blogger bị thẩm vấn, bắt giữ vài ngày Như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm... và có những blogger bị bắt giam dài hạn như Ðiếu Cày hay AnhBa SG...
Vào những dịp “nhạy cảm” như trước phiên xử Lê Công Ðịnh và 4 nhà hoạt động dân chủ khác, trước ngày 30 tháng 4 hoặc trước đại hội đảng như mấy tháng gần đây, sự ngăn chặn, đánh phá này lại trở nên dữ dội hơn.
Không bị bất cứ sự “trừng phạt” nào, tin tặc càng ngày càng lộng hàng, ngang nhiên lưu lại “danh tánh”, đó là tấm biển Sinh Tử Lệnh nghe sặc mùi... phim chưởng! Và đánh phá cả những tờ báo có tên tuổi, đã hoạt động nhiều năm ở hải ngoại như báo Người Việt. Tin tặc cũng không từ bất cứ một thủ đoạn chơi bẩn nào dù chỉ nhằm vào một cá nhân như vụ bôi nhọ nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, chủ nhân của một trong những trang blog có lượng truy cập khá đông trên đài VOA chẳng hạn.
Nói tóm lại, chỉ cần bất kỳ một trang báo, diễn đàn hay blog cá nhân nào mà có những bài viết có chất lượng, nói lên những thông tin, sự thật mà nhà nước Việt Nam không muốn nghe, cũng không muốn cho người dân được biết, và có lượng truy cập lớn là sẽ bị đánh, bị bôi nhọ, chơi xấu... các kiểu.
Như nhiều “nạn nhân” đã phát biểu, đây là một cuộc chiến không cân sức: Một bên là kinh phí, phương tiện máy móc, đội ngũ nhân sự hùng hậu có sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam, thậm chí không loại trừ cả sự trợ giúp kỹ thuật của các tin tặc Trung Quốc, một bên chỉ là những trang báo độc lập, hoạt động hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện, không có kinh phí, nhân sự đủ để đối phó hay những trang blog cá nhân. Một bên liên tục đánh phá bằng đủ mọi cách, một bên vất vả tìm cách chống đỡ, cứu chữa...
Nhìn ở một khía cạnh nào đó, sự ngăn chặn, đánh phá của tin tặc cũng có những kết quả nhất định: Nhiều trang báo, blog “lề trái” phải tạm dừng một thời gian, một vài trang báo, cá nhân phải bỏ cuộc vì mệt mỏi. Và nhiều bạn trẻ trong nước cảm thấy e dè hơn, không dám đọc cũng không dám viết bất cứ cái gì có “liên quan đến chính trị”, thậm chí xem chính trị như là lĩnh vực cấm kỵ! Nhưng mặt khác, sự đánh phá này lại có những hiệu ứng ngược: Nhiều người trước đó vẫn cố cãi ở Việt Nam có tự do dân chủ, đã buộc phải nghĩ khác. Việc đánh phá thế giới báo chí tự do về lâu dài cũng chứng tỏ sự thất bại hoàn toàn bởi trong thời đại ngày nay, không thể nào ngăn chặn thông tin, lại càng không thể nào bịt miệng tất cả mọi người như ngày xưa. Xa lộ Internet rộng mênh mông, đánh trang web này thì ngay tức khắc trang web khác xuất hiện. Sự phát triển mạnh mẽ bất chấp mọi khó khăn của cộng đồng blogger ở Việt Nam trong thời gian qua là một bằng chứng rõ rệt. Chỉ trừ khi dẹp hẳn, quay ngược trở lại với thời... chưa có Internet. Nhưng làm như vậy cũng đồng thời thiệt hại to lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, xã hội trong thời buổi giao lưu, hội nhập, làm ăn toàn cầu này. Ðiều đó nhà nước Việt Nam biết rõ hơn ai hết!
Nghĩa là, kẻ đánh phá cứ đánh, người viết cứ viết. Cuộc chiến vì quyền được trao đổi, tiếp nhận thông tin của người Việt Nam và vì một nền báo chí tự do trong tương lai vẫn tiếp tục!
.
.
.
No comments:
Post a Comment