Cập nhật lúc 15:55, Thứ sáu, 31/12/2010 (GMT+7)
NDĐT-Ung thư vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam . Tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng lên rõ rệt và số người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng tăng. Mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca ung thư mới mắc và 75.000 ca chết vì bệnh ung thư. Do người dân chưa hiểu biết đúng về căn bệnh này, nên hơn 70% người bệnh khi tới bệnh viện, phát hiện bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối, việc chữa trị khó hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao.
Bệnh nặng mới vào viện
9 giờ sáng ngày 29-12, phòng khám phát hiện sớm ung bướu của Bệnh viện K Hà Nội không còn một chỗ. Loay hoay mãi tôi tìm được chỗ đứng tại đây. Đến 11 giờ, danh sách người bệnh chờ đến lượt khám vẫn còn dài. Theo ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, năm năm trước mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận 600-700 bệnh nhân, nhưng gần đây con số này tăng vọt lên 1.000 bệnh nhân/ngày.
Từ sáng sớm, theo giấy hẹn của bác sĩ, ông Nguyễn Văn L, 55 tuổi ở Bắc Giang cùng vợ 'khăn gói' lên đường, tới bệnh viện mới chưa đến 7 giờ nhưng đến gần 11 giờ trưa mới đến lượt làm xét nghiệm. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi khi bước vào phòng khám xét nghiệm, vợ ông phân trần, trông ông thế cũng còn 'khá' hơn trước rồi. Biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng ông ấy vẫn hút thuốc. Cách đây một năm, khi phát hiện ung thư phổi, người đàn ông nghiện thuốc 30 năm ấy mới quyết cai thuốc lá.
Các bác sĩ cho biết, thời gian hút thuốc lá càng nhiều, với số lượng càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Trong đó, người hút thuốc lá 10 năm có nguy cơ mắc ung thư gấp sáu lần, người hút thuốc trên 10 năm nguy cơ ung thư gấp trên 10 lần người bình thường. Trong khi đó, dù đã có biển báo cấm hút thuốc lá tại các khu vực của bệnh viện, nhưng ngay bên ngoài cửa phòng khám, không ít người vô tư 'rít thuốc', trong khi chờ người bệnh.
Theo lối cầu thang bộ lên khu điều trị của Khoa ngoại vú, Bệnh viện K, chúng tôi phải lách qua một số bệnh nhân nữ đầu quấn khăn trải chiếu nằm ngay hành lang dành cho người đi lại. Người đàn ông lớn tuổi quê Thanh Hóa ngồi sát tường, chờ đến “ca” vào chăm sóc vợ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị M đang được truyền hóa chất để hạn chế sự phát triển của khối u. Ông chia sẻ, giọng vẻ trách: “Khi phát hiện u, gia đình đã thúc giục bà ấy đi khám ngay nhưng bà có nghe đâu, kiên quyết không chịu đến bệnh viện. Chỉ rặt thuốc nam, lá lẩu thôi, mấy tháng có hết u đâu, mà càng ngày càng to hơn. Khổ thế”.
Khi thấy hạch lan đến cổ, đau nhức không thể chịu nổi, bà M mới tìm đến bệnh viện. Ông nói thêm: “Suốt ba tháng rồi, có ở đây mới thấy, không ít người bệnh nặng rồi mới đến khám như bà nhà”. Quen với cảnh 3-4 người một giường, ông tỏ ra thông cảm với cảnh ghép giường, quá tải bệnh viện. Ông bảo, bệnh bà ấy trầm trọng đấy, cố hết sức điều trị, dù muộn còn hơn không.
Thống kê mới nhất của Chương trình Phòng chống ung thư, chỉ có 35,8% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, 64,2% còn lại phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn ba trở lên, nghĩa là giai đoạn muộn. Chính điều này khiến các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi chữa trị.
Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân ung thư
Đến cuối giờ sáng, dãy ghế dài suốt dọc hành lang của khu huyết học vẫn chật kín người ngồi. Những vẻ mặt lo âu, căng thẳng, chực chờ kết quả hiện rõ lên khuôn mặt của bệnh nhân và cả người nhà.
Hiện nay, mỗi tháng, riêng khoa Ngoại vú khám và điều trị trên 200 ca ung thư vú mắc mới, trong đó phần lớn là bệnh nhân dưới 30 tuổi, trong đó có nhiều người chưa lập gia đình. Điều đáng nói là số bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn trung bình và sớm không nhiều.
Chia sẻ về điều trị ung thư cho người bệnh trẻ tuổi, TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc điều trị ung thư tùy theo giai đoạn bệnh, đối với người trẻ tâm lý thường nặng nề hơn.
Đặc biệt đối với các loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng... đang có xu hướng gia tăng, các bác sĩ cùng bệnh nhân phải cân nhắc rất kỹ giữa tính mạng lên trên hay nâng cao chất lượng cuộc sống. TS Nguyễn Bá Đức đưa ra dẫn chứng của điều trị ung thư buồng trứng. Đối với người có tuổi thường phải cắt toàn bộ hai buồng trứng, sau đó là hóa trị và xạ trị. Đối với người chưa có con, khi điều trị, các bác sĩ phải 'tính' kỹ làm sao lấy u mà vẫn bảo tồn được dạ con và buồng trứng, nhưng thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tái phát hoặc di căn ung thư.
Hội thảo quốc gia về phòng chống bệnh ung thư vừa qua cho thấy, so với tỉ lệ mắc mới ung thư năm 2000, tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca ung thư mới mắc và 75.000 ca chết vì bệnh ung thư.
Những loại mắc mới tăng nhiều là ung thư phổi, thực quản, đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến. Các thống kê cho thấy, tình trạng ngày càng trẻ hóa bệnh nhân ung thư ở cả hai giới hiện đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, nếu trước đây, ung thư đại trực tràng và khoang miệng thường gặp ở người trên 40 tuổi, thì nay xuất hiện khá nhiều ở lứa tuổi 20, thậm chí mới khỏang 14 đến 16 tuổi.
Năm 2000, tỷ lệ mắc chung của bệnh ung thư ở nam giới là 141/100.000 dân, năm 2010 đã lên đến 181/100.000 dân. Ở nữ giới, tỉ lệ này năm 2000 là 101/100.000 dân, năm 2010 tăng lên 134/100.000 dân.
Ung thư phổi đứng đầu và phổ biến ở nam giới, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Đối với phụ nữ là ung thư vú, dạ dày, cổ tử cung, gan.
80% nguyên nhân từ tác động của môi trường và lối sống
Trước thực trạng số người mắc bệnh ung thư tăng nhanh trong năm năm qua, TS Nguyễn Bá Đức lý giải, 80% bệnh ung thư là do tác động của yếu tố môi trường và lối sống, chỉ dưới 5% là do gen di truyền.
Trong số nhưng tác động từ lối sống như căng thẳng trong công việc, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng đồ ăn nhanh, nhiều chất béo… thì thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với các loại bệnh ung thư. Thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi, vòm họng, thanh quản, lưỡi... mà còn dẫn tới ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng. Điều đáng nói là hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp hút mà còn ảnh hưởng đến cả những người chung quanh hít phải khói thuốc.
Yếu tố nhiễm khuẩn từ thói quen ăn uống cũng là nguyên nhân được các chuyên gia y tế đánh giá là dẫn tới 20% các ca tử vong do ung thư hiện nay. Sở thích ăn dưa muối, cà muối, đặc biệt dưa cà muối bị khú là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
Hiện nay, ngày càng có nhiều loại thực phẩm dành cho người tiêu dùng lựa chọn, thuận tiện cho cuộc sống hiện đại. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo chất rhodamine B độc hại có trong hạt dưa, thuốc đông y và mới đây nhất có trong một số loại tương ớt. Trên thực tế, tại nhiều chợ, nhiều loại tương ớt không nhãn mác, hạn sử dụng, có mầu sắc đỏ tươi và giá rẻ được bày bán và mấy ai biết nó được làm như thế nào.
Theo hội Đông y Việt Nam, rhodamine B là loại hóa chất độc, dùng để nhuộm quần áo, bị cấm sử dụng tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc. Tùy từng cơ thể, loại hoá chất này có thể ảnh hưởng đến gan, thận. Tồn dư lâu ngày, chất này có thể gây ung thư.
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư là do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam , việc ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm môi trường hiện nay rất đáng quan tâm. Hiện nay, môi trường lao động nông nghiệp cũng đang ngày càng độc hại khi việc sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật.
Một năm, khu vực nông nghiệp ở Việt Nam “gánh” 4 triệu tấn phân bón, 75.000 tấn thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, sự ô nhiễm môi trường từ chất thải từ hàng nghìn làng nghề, hàng trăm khu công nghiệp và dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp trên gia súc, gia cầm. Đó là những nguy cơ đối với sức khỏe người dân khu vực nông thôn.
Từ bỏ những quan niệm sai lầm
Vẫn còn tới 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư không thể chữa được và 35% cho rằng nếu “đụng” dao kéo vào sẽ di căn sớm và nhanh chóng chết. Đó là kết quả khảo sát kiến thức về phòng chống ung thư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống ung thư ở 12.000 người tại cộng đồng.
TS Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh, hiện nay hiểu biết của người dân về căn bệnh này rất hạn chế. Chính những quan niệm sai lầm này đang khiến cho hơn 70% người bệnh khi tới bệnh viện, phát hiện bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối nên việc chữa trị khó hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao.
Thực tế có nhiều bệnh nhân ung thư đến bệnh viện điều trị sau thời gian dài “thất bại” khi âm thầm chữa bằng thuốc uống, được đun từ lá cây. Thậm chí, nhiều bệnh nhân ung thư do kém hiểm biết sử dụng phương pháp “nhịn ăn” hoặc không ăn các chất dinh dưỡng, để khối u chậm phát triển hoặc nó dần bị chết đi.
Đây là một phương pháp phản khoa học, đi ngược với kiến thức y học tiên tiến hiện nay. TS Đức giải thích, khi nhịn ăn, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, khi đó tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn. Điều này là nguyên nhân khiến 20 – 30% bệnh nhân ung thư tử vong là do suy kiệt, trước khi tử vong do bệnh.
Tại Bệnh viện K, các chuyên gia cho biết, nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư lại còn cao hơn so với người bình thường và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để điều trị hiệu quả. Ngoài thực phẩm tốt như súp lơ, nấm, cà hoa, tránh các chất cay nóng, thức uống có cồn. Người bệnh nên ăn nhiều xanh và hoa quả. Với bệnh nhân ung thư có điều trị hóa chất và xạ trị, để hạn chế các tác dụng phụ cho bệnh nhân cần được vận động nhẹ nhàng để kích thích ăn uống.
Bệnh nhân ung thư phải chữa trị bằng bất cứ các phương pháp nào như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... cũng đòi hỏi người bệnh phải có thể trạng tốt mới đáp ứng được điều trị và điều trị hiệu quả. Hơn nữa, kết quả điều trị ung thư lệ thuộc chủ yếu vào việc phát triển bệnh ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Ngược lại, ở các giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém cao, vừa ít hiệu quả, chủ yếu chỉ kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng.
Trà My
.
.
.
Cập nhật lúc 15:55, Thứ sáu, 31/12/2010 (GMT+7)
NDĐT-Tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, 1/3 số ca ung thư có thể dự phòng, 1/3 có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và 1/3 có thể kéo dài sự sống. Hiện nay, trong khi ngành y tế mới đáp ứng được 25% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân ung thư, thì việc sàng lọc ung thư để tìm những dấu hiệu sớm nhất, phát hiện ung thư ở giai đoạn còn sớm, không những làm tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
Dấu hiệu ung thư 'mượn'
TS Lê Chính Ðại, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Ung thư vòm mũi, họng thường không có những triệu chứng đặc biệt, mà là triệu chứng 'mượn' của các bệnh lý khác, nên phần lớn các bệnh nhân đều đi khám nhiều nơi vẫn không được chẩn đoán chính xác.
Các triệu chứng của ung thư vòm mũi, họng thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm mũi, viêm họng, mắt, thần kinh... Bệnh nhân thường đến khám bệnh khi ở giai đoạn đầu có các triệu chứng chính tai, mũi, họng là chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai; triệu chứng hạch cổ, thường nằm ngay dưới tai hoặc góc hàm và triệu chứng thần kinh: nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt.
Trong số những bệnh nhân ung thư vòm mũi, họng được điều trị tại Trung tâm với nhiều lứa tuổi khác nhau, trẻ nhất là sáu tuổi, già nhất là 87 tuổi. Ung thư vòm họng là bệnh lý thường gặp nhất trong số các ung thư vùng đầu mặt cổ. TS Lê Chính Đại cho biết, ung thư vòm mũi họng xuất hiện nhiều ở châu Á. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có tần suất mắc bệnh cao trên thế giới.
Bác sĩ Trần Hải Bình, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thực hành lâm sàng, nếu chỉ dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán thông thường như siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ..., chúng ta có thể gặp một số trường hợp ung thư nhưng chưa rõ ổ nguyên phát. Nguyên nhân là do chỉ tổn thương di căn được phát hiện trong khi khối u nguyên phát còn quá nhỏ. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện di căn rất rõ nhưng vị trí tổn thương nguyên phát không tìm thấy được, điều này gây cản trở đến chiến lược điều trị và rõ ràng là hiệu quả điều trị không cao, tỷ lệ tử vong cao và thời gian sống thêm thấp.
Những dấu hiệu của ung thư, áp dụng chung cho các loại ung thư, nên chú ý tới các dấu hiệu báo động sau đây:
- Vết loét lâu liền
- Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ
- Chậm tiêu, khó nuốt
- Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu
- U ở vú hay ở trên cơ thể
-Hạch to lên không bình thường
-Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo
-Ù tai, nhìn đôi
-Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân
Khi có các dấu hiệu này, không có nghĩa là đã mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, nếu có, mọi người nên đến ngay các cơ sở chuyên khoa để khám, có hướng điều trị và những lời khuyên thiết thực.
(GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K)
PET/CT chẩn đoán khá chính xác ung thư
Bệnh nhân Nguyễn Thị B., 48 tuổi, chẩn đoán ung thư biểu mô di căn hạch cổ chưa rõ nguyên phát, với kết quả nội soi vòm họng và CT không phát hiện thấy tổn thương. Theo bác sĩ Trần Hải Bình, đối với bệnh nhân Nguyễn Thị B, hình ảnh trên phim CT thông thường không phân biệt được rõ ràng tổ chức u ác tính hay vùng xẹp phổi (không có tế bào ác tính). Nhưng trên hình ảnh PET/CT lại phân biệt rõ tổ chức u ác tính, vùng xẹp phổi. Dựa vào các kết quả trên, bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư vòm họng di căn hạch cổ hai bên. Đồng thời đánh giá được giai đoạn bệnh để các bác sĩ lập kế hoạch điều trị tiếp theo, xạ trị phối hợp hoá trị.
Bác sĩ Trần Hải Bình cho biết, đây là một trong hàng trăm bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu được chẩn đoán là ung thư chưa rõ nguyên phát, có sử dụng kỹ thuật chụp PET/CT để chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư. Nhiều người bệnh ung thư đầu mặt cổ, ung thư phổi, tuyến giáp, đại trực tràng, thực quản, dạ dày, gan, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, buồng trứng... đã được chụp PET/CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai có hình ảnh khối u không phát hiện thấy trên CT, MRI, nhưng lại thấy rõ trên hình ảnh PET/CT.
TS Lê Chính Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đánh giá, chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện được các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý sớm, còn nhỏ thậm chí khi chưa có thay đổi về cấu trúc.
Ghi hình bằng máy PET/CT đã giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán, phát hiện tổn thương ung thư nguyên phát một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả mà các xét nghiệm khác như CT, MRI… chưa phát hiện được. Ở những bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị các tổn thương có thể biến dạng, thay đổi cấu trúc nên hình ảnh CT, MRI có nhiều hạn chế trong việc xác định các tổ chức còn sót, không phân biệt được tổ chức xơ hóa với tái phát, di căn…
Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để làm mô phỏng trong xạ trị gia tốc với kỹ thuật điều biến liều (IMRT) sẽ giúp các thầy thuốc xác định chính xác vùng khối u có các tế bào ác tính để lập kế hoạch xạ trị được chính xác. Kỹ thuật này được thực hiện qua việc đồng thời chia các trường chiếu ở nhiều góc độ khác nhau nhằm tối ưu hoá liều cao nhất theo hình dạng khối u và liều cho phép giới hạn ở tổ chức lành.
Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Trung tâm đưa hệ thống máy PET/CT của hãng Siemens (Ðức) vào hoạt động, mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị trên máy gia tốc cho bệnh nhân ung thư từ tháng 8-2009. Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (PET/CT mô phỏng) cho máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật 3D và xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là đỉnh cao của kỹ thuật xạ trị với máy gia tốc tuyến tính lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam cho bệnh nhân ung thư. Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực châu Á thực hiện tốt kỹ thuật này.
Kỹ thuật PET/CT mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị đã ứng dụng thành công ở các nước phát triển như Mỹ, Ðức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với việc ứng dụng công nghệ PET/CT để chẩn đoán ung thư, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai, còn một số kỹ thuật tiên tiến khác đã được ứng dụng, người bệnh không phải ra nước ngoài để chụp chẩn đoán như trước đây, tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Chi phí điều trị ung thư ở trong nước giảm hơn nhiều lần so với chi phí điều trị ở nước ngoài được các chuyên gia ước tính, lên tới 1 tỷ USD/năm.
Sàng lọc phát hiện sớm ung thư
TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư trên những người khỏe mạnh mà chưa hề có triêu chứng của bệnh. Sàng lọc ung thư còn được gọi là phòng bệnh bước 2, nghĩa là đi tìm những dấu hiệu sớm nhất có thể của một bệnh ung thư, để có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn còn sớm, làm tăng tỷ klệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
Một số ung thư có thời gian tiềm ẩn khá dài trong khi một số lại phát triển rất nhanh, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Một số ung thư có thể phát hiện được sớm bởi ở những vị trí dễ tiếp cận như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng….
Tại Việt Nam hiện nay, các loại ung thư ưu tiên cho việc sàng lọc và chẩn đoán sớm bao gồm: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư khoang miệng và đại trực tràng.
Theo TS Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, đây là những loại ung thư có số người mắc cao, nếu được phát hiện sớm đem lại hiệu quả điều trị cao và giảm chi phí cho bệnh nhân.
Ung thư vú là loại thường gặp nhất ở phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam . Trong số các ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm tới 35%. Trong đó, phát hiện ung thư vú gồm cả hướng dẫn chị em tự khám vú, chụp tuyến vú định kỳ 1-2 lần/năm cho nhóm từ 40 tuổi trở lên. Trong đó, đánh giá chụp tuyến vú có thể phát hiện ung thư từ rất sớm, ngay từ khi chưa sờ thấy khối u. Các chuyên gia khẳng định, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư vú có thể được chữa khỏi 100%, bảo đảm nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
Với ung thư cổ tử cung, có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm tế bào học âm đạo (PAP test) hoặc soi cổ tử cung. Với ung thư khoang miệng, biểu hiện ban đầu là các vết loét, vết sùi lâu liền trong khoang miệng. Với ung thư đại trực tràng, các bác sĩ có thể khám trực tràng hoặc xét nghiệm máu tìm dấu ấn ẩn trong phân.
Hướng tới mạng lưới 10 năm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, từ năm 2008 đến nay, Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia đã mở thêm năm bệnh viện chuyên khoa, 24 Khoa Ung bướu, 2.890 giường bệnh, 2.700 nhân viên y tế chuyên ngành. Cả nước đầu tư thêm 9 máy xạ, 6 máy mô phỏng, 16 máy cobalt, 15 máy gia tốc. Đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật mới ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, tại hội nghị quốc gia về ung thư mới đây, bà Nguyễn Thị Xuyên cho rằng cả về nhân lực, vật lực, ngành y tế mới đáp ứng được 25% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân ung thư.
TS Lê Chính Đại, Phó Giám đốc Trung tâm u học hạt nhân và UNg bướu cho rằng, từ nhiều năm nay, nhiều đoàn bác sĩ của Trung tâm cũng như bệnh viện Bạch Mai cũng đã về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật mới cho bệnh viện. Tuy nhiên, ở các tỉnh, trong khi số bác sĩ đa khoa còn đang thiếu, thì bác sĩ chuyên khoa ung bướu càng thiếu trầm trọng, vì cần phải học thêm vài năm chuyên khoa.
Khảo sát thực trạng chẩn đoán, điều trị ung thư tại bệnh viện đa khoa 63 tỉnh, thành cho thấy, đa số các bệnh viện thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân ung bướu đang thiếu ở mọi tuyến. Trong đó, 10/63 bệnh viện tuyến tỉnh không nhận điều trị bệnh nhân ung thư.
Trước tình hình gia tăng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế cũng vừa ra quyết định thành lập mạng lưới phòng, chống ung thư từ tuyến địa phương tới Trung ương trong 10 năm từ 2010 -2020.
Theo đó, đến năm 2020, ngoài bệnh viện Ung bướu quốc gia, Viện Ung thư quốc gia và bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh sẽ có 7 trung tâm ung bướu thuộc 7 bệnh viện lớn là: Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngoài ra, còn có 4 khoa ung bướu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Viện Lão khoa quốc gia; sáu Bệnh viện ung bướu,tám trung tâm ung bướu và 31 khoa ung bướu tại các tỉnh, thành phố.
Trà My
.
.
.
No comments:
Post a Comment