Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-01-23
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Nhân dịp này, Thông tín viên Ngọc Trân phỏng vấn ông Nguỵ Kinh Sinh, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, được mệnh danh là “Cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc” hay “Nelson Mandela của Trung Quốc”. Mời quý vị cùng nghe.
Có tư pháp độc lập mới có nhân quyền
Ngọc Trân: Thưa ông, tại buổi họp báo ngày 19 tháng 1 năm 2010, trả lời câu hỏi liên quan về vấn đề Nhân Quyền ở Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy dân chủ và pháp quyền ở Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục trao đổi và đối thoại với các nước khác về Nhân Quyền".
Thưa ông, ông nghĩ sao về phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào liên quan đến việc thúc đẩy dân chủ và pháp quyền ở Trung Quốc? Trung Quốc cần làm thêm những gì để cải thiện các vấn đề này?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Áp lực quốc tế và xã hội đã buộc ông Hồ Cẩm Đào nói như vậy. Ngoài ra tôi nghĩ rằng, do cuộc xung đột kinh tế mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ông Hồ Cẩm Đào đã phải đưa ra một số nhượng bộ về các vấn đề khác, ngoài vấn đề thương mại. Điều này cho thấy biện pháp trừng phạt kinh tế là một trong những vấn đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ nhất.
Độc lập về mặt tư pháp và chấm dứt việc ngăn chặn thông tin là những điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền con người. Chế độ Trung Quốc đã làm những điều tồi tệ nhất liên quan đến hai lĩnh vực này. Chính phủ Trung Quốc luôn luôn sử dụng các phương tiện truyền thông độc quyền để đánh lừa người dân, trong một nỗ lực nhằm bảo đảm cho chính phủ có thể sử dụng hệ thống tư pháp độc quyền, nhằm ngăn chặn sức phản kháng của người dân.
Đánh tráo khái niệm?
Ngọc Trân: Cũng tại buổi họp báo nói trên, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết, nguyên văn như sau: "Trung Quốc công nhận và tôn trọng tính phổ quát về Nhân Quyền". Thưa ông Ngụy Kinh Sinh, như Tổng thống Obama đã nói, các quyền phổ quát bao gồm: các quyền cơ bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình, và tự do tôn giáo, những quyền đã được ghi nhận trong hiến pháp của Trung Quốc.
Ông có cho rằng người dân Trung Quốc hiện đang hưởng những quyền cơ bản này? Chính phủ Trung Quốc có tôn trọng những quyền phổ quát về con người, như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Mọi người đều biết rằng ông Hồ Cẩm Đào nói dối. Những lời phát biểu của ông Hồ rất là khéo léo. Những điều ông ta "ghi nhận và tôn trọng" chỉ là "phổ quát", một khái niệm học thuật, có thể không liên quan đến bất kỳ người nào hoặc các vấn đề cụ thể nào.
Liên quan đến khái niệm học thuật này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng nhiều hơn bất kỳ người nào khác. Tuy nhiên, nó không bao giờ mang ý nghĩa muốn nói về những con người hay những vấn đề cụ thể nào. Hoặc chúng ta có thể nói như thế này: cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về Nhân Quyền đó là, yêu cầu người khác tôn trọng Nhân Quyền của họ, nhưng họ không bao giờ có ý định tôn trọng Nhân Quyền của người khác.
Ngọc Trân: Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn nói rằng: "Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại và trao đổi với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Điều này tương tự như phản ứng của nhiều nhà lãnh đạo ở các nước độc tài khác. Chính phủ các nước này nói rằng họ tôn trọng các quyền phổ quát, mà các quyền đó chính là quyền cơ bản của con người. Nhưng trên thực tế, họ vi phạm nhân quyền và từ chối tuân theo các quy định của pháp luật, cũng như các công ước quốc tế mà họ đã ký kết. Khi chính phủ các nước khác và các tổ chức hoạt động nhân quyền đề cập đến việc vi phạm nhân quyền của họ, thì họ thường cho rằng các nước khác “can thiệp vào công việc nội bộ”.
Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao? Và làm thế nào để các tổ chức quốc tế hoặc chính phủ các nước khác giúp đỡ chính phủ Trung Quốc tuân theo luật pháp của họ, mà không bị cáo buộc là "can thiệp vào công việc nội bộ"?
Ông Ngụy Kinh Sinh: Đối với những loại tội phạm không tôn trọng luật pháp như thế này, không thể không “can thiệp” vào “công việc nội bộ” của họ. Chỉ khi nào cộng đồng quốc tế không còn lo ngại chuyện “can thiệp vào công việc nội bộ”, thì mới có thể bảo vệ quyền của những con người đang bị bức hại bởi các chính phủ độc tài. Bởi vì khi Đảng Cộng sản Trung Quốc công nhận tính “phổ quát về nhân quyền”, thì điều đó không còn là công việc nội bộ của một quốc gia nữa. Đây là ý nghĩa về “nhân quyền không biên giới”.
Dân biểu phải phục vụ cử tri
Ngọc Trân: Một câu hỏi cuối. Như ông đã biết, hôm thứ Tư vừa qua, trả lời phỏng vấn các phóng viên, ông Harry Reid, lãnh đạo Khối đa số Thượng viện đã nói, xin trích: “Tôi chuẩn bị trở lại Washington và gặp Chủ tịch Trung Quốc. Ông ta là một nhà độc tài.” Thưa ông Ngụy Kinh Sinh, ông nghĩ sao về lời nhận nét này?
Ông Nguỵ Kinh Sinh: Các chính trị gia thường bị bao quanh bởi những lời nịnh hót. Đây là sự thật vô tình được nói ra, đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo của Quốc hội từ cả hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ) không tham dự bữa ăn tối cấp quốc gia tại Nhà Trắng.
Đã là những vị dân biểu Quốc hội được các cử tri bầu ra, họ không muốn cử tri của mình nhìn thấy họ thân thiện với một nhà độc tài. Bởi vì làm như thế là trái với các giá trị cơ bản của họ, sẽ làm cho họ cảm thấy xấu hổ trước cử tri. Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa là, các chính trị gia này đã không bị mua chuộc bởi hàng trăm tỷ đô la từ Hồ Cẩm Đào, qua cái cách mà họ thể hiện lòng trung thành của họ đối với cử tri.
Ngọc Trân: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment